Chống thói giả hình – Suy niệm Chúa Nhật 8 thường niên – Năm C

25/02/2022

Tin Mừng Lc 6,39-45

Khi ấy, Đức Giê-su kể cho môn đệ dụ ngôn này: “Mù mà lại dắt mù được sao? Lẽ nào cả hai lại không sa xuống hố? Học trò không hơn thầy, có học hết chữ cũng chỉ bằng thầy mà thôi. Sao anh thấy cái rác trong con mắt của người anh em, mà cái xà trong con mắt của chính mình thì lại không để ý tới? Sao anh lại có thể nói với người anh em: ‘Này anh, hãy để tôi lấy cái rác trong con mắt anh ra’, trong khi chính mình lại không thấy cái xà trong con mắt của mình? Hỡi kẻ đạo đức giả! Lấy cái xà ra khỏi mắt ngươi trước đã, rồi sẽ thấy rõ, để lấy cái rác trong con mắt người anh em!

“Không có cây nào tốt mà lại sinh quả sâu, cũng chẳng có cây nào sâu mà lại sinh quả tốt. Thật vậy, xem quả thì biết cây. Ở bụi gai, làm sao bẻ được vả, trong bụi rậm, làm gì hái được nho! Người tốt thì lấy ra cái tốt từ kho tàng tốt của lòng mình; kẻ xấu thì lấy ra cái xấu từ kho tàng xấu. Vì lòng có đầy, miệng mới nói ra.

************************************ 

CHỐNG THÓI GIẢ HÌNH

Cách đây hơn ba mươi năm, trên chính một tờ báo nổi tiếng ở Liên Xô, người ta thấy một tranh biếm họa thế này. Có 3 hàng người chồng lên nhau. Hàng dưới cùng mặc đồ công nhân, đang dang tay bước một cách hùng dũng, cờ trong tay họ bay phấp phới. Hàng thứ hai, ở giữa, mặc đồ trí thức, cũng vung tay múa chân theo nhịp quân hành. Trên cùng là một con người, mặc y phục lãnh tụ, mắt đeo kiếng đen, tay phải cầm cây gậy của người mù còn tay trái đang sờ soạng trong không khí. Lạ một điều là hai hàng người dưới đều không có đầu. Bàn chân người hàng giữa đặt ngay trên cổ người hàng dưới, và bàn chân lãnh tụ trên cùng đặt ngay trên cổ người hàng giữa.

1- Nguyên tắc

Như trong phụng vụ Chúa nhật tuần trước, hôm nay chúng ta được mời gọi tiếp tục (và kết thúc) “Diễn từ trên đồng bằng” của Luca chương 6, một trang nêu bật chủ đề tình yêu và lòng thương xót. Và như trong đoản văn tuần trước, chúng ta cũng có thể phát hiện hai nguyên tắc hướng dẫn việc giải thích bản văn hôm nay, một bản văn đặc biệt bàn đến cuộc chiến chống giả hình.

Nguyên tắc thứ nhất, nằm nơi câu 39, được diễn tả qua một quy phạm khôn ngoan, một loại dụ ngôn mini hay một châm ngôn rút từ kho tàng phong phú của minh triết dân dã: “Mù mà lại dắt mù được sao? Lẽ nào cả hai lại không sa xuống hố?” Bức tranh châm biếm mang tính chính trị nói trên là một minh họa cho dụ ngôn mở đầu này hay có thể đã cảm hứng từ nó. Để làm hướng dẫn viên cho một kẻ khác, con người phải có trong chính mình một ánh sáng và một sự phong phú, bằng không sẽ trở nên nguyên nhân sụp đổ chẳng những cho mình mà còn cho tha nhân nữa.

Đấy là điều đã được ghi nhận trong sách Huấn Ca, tác phẩm của một hiền nhân Cựu Ước (bài đọc thứ nhất: Hc 27,4-7). Sự mù quáng của một con người tỏ lộ qua suy nghĩ riêng của mình như cái sàng sàng lúa và trấu: “Sàng rồi, trấu ở lại sàng. Nói ra, cái dở rõ ràng thấy ngay”. Giá trị đích thực của một con người chỉ được khám phá qua việc phân tích ngôn ngữ của đương sự, nghĩa là những phát biểu của đương sự ra bên ngoài: “Chớ vội khen khi người chưa lên tiếng; muốn biết người phải nghe miệng nói năng”. Để kết luận, chúng ta có thể nói nguyên tắc thứ nhất Đức Giê-su phát biểu là lời mời gọi khám phá sự mù quáng vốn ở trong chúng ta và giữa chúng ta, bằng cách đưa ra ánh sáng thực tại của các sự vật đã bị bóc trần mọi sắp xếp và mọi vỏ bảo vệ.

Nguyên tắc thứ hai được chứa trong câu 40. Nó đưa ra một quy phạm chẳng những thuộc “lý trí” hay kinh nghiệm mà còn mang tính thần học nữa, hướng đến bình diện siêu nhiên: “Học trò không hơn thầy, có học hết chữ cũng chỉ bằng thầy mà thôi”. Hiển nhiên vị thầy Đức Giê-su ám chỉ chính là Người và môn đệ phải vươn tới mẫu gương cao cả đó, như trong bài Tin Mừng Chúa nhật tuần trước, Đức Giê-su cũng đã dạy môn đệ “hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em là Đấng nhân từ”. Thật thế, Thiên Chúa đã “tiền định cho chúng ta nên đồng hình đồng dạng với Con của Người là Đức Ki-tô” (Rm 8,29).

Và như thế, một môn đệ chú tâm tới vị Thầy ấy sẽ tự động trở nên một kẻ khiêm tốn, công chính, chân thành. Đương sự sẽ chẳng tiếm quyền phê phán người khác nhưng sẽ khiêm tốn “mặc lấy thân nô lệ” như Đức Ki-tô để cứu vãn anh em mình. Đương sự sẽ không nại đến phẩm chức mình để được phục vụ song là tình nguyện phục vụ. Từ kho tàng lòng đương sự sẽ chẳng kéo ra độc dược nhưng là sự dịu dàng và hiền lành, từ cây cuộc đời đương sự sẽ không sinh ra trái đắng trái độc song là quả ngọt quả lành, như Đức Ki-tô đã làm suốt cuộc sống trần gian. Từ miệng lưỡi đương sự sẽ chẳng phát xuất những lời gây thương tổn hay sợ hãi nhưng là những lời “thần khí và sự sống”.

Như thế đoản văn biến thành một khúc ca tình yêu nhưng cũng là một bài biểu dương sự chân thành của con tim chống lại mọi kiêu căng và giả dối. Thần học gia Tin lành Dietrich Bonhoeffer, chết tử đạo tại trại tập trung Đức Quốc xã thời Thế chiến thứ II, trong tác phẩm Etica đã nhắc lại rằng “lòng tốt không phải là một tính chất của cuộc sống song chính là cuộc sống và tốt lành có nghĩa là sống”. Chính vì thế Đức Giê-su đã định nghĩa những kẻ giả hình là “mả tô vôi”, xác chết biết đi: họ tự lừa dối mình khi tỏ ra sống động linh hoạt, trong lúc thật ra, với một tâm hồn gian trá nhơ bẩn, họ chẳng sống tí nào.

2- Thực tế.

Với câu thứ ba (c. 41), Đức Giê-su đi vào áp dụng thực tế: “Sao anh thấy cái rác trong con mắt của người anh em, mà cái xà trong con mắt của chính mình thì lại không để ý tới?” Đây cũng là khía cạnh “bậc thầy minh triết” của Đức Giê-su, một quan sát viên tuyệt vời, đầy hài hước và nghiêm nghị bổ ích. Y như minh triết dân dã của nhiều nền văn hóa trong nhân loại: “Chân mình thì lấm mê mê. Lại cầm bó đuốc mà rê chân người !” (Ca dao Việt Nam). Người ta ít dám giải thích câu đó, nhưng vì tật sính phê bình rất thường gặp và nguy hiểm cho đời sống huynh đệ nên ta cần dừng lại để phân tích.  

Đức Giê-su đang nói đến các tương quan giữa “anh em”, một từ được nhắc tới 4 lần trong 8 dòng. Tương quan trong đời sống lứa đôi, đời sống gia đình, trong các cộng đoàn đủ loại, các nhóm bạn bè đủ kiểu… Lời cảnh cáo đi trước câu trên (“Mù mà lại dắt mù được sao?”) khiến ta nghĩ tới các lời khuyên dành cho những người có trách nhiệm. Thành thử đây chẳng phải là lời kêu gọi phải nhắm mắt, nhưng là thay đổi cái nhìn.

Tự bản năng, cái nhìn của hữu trách có tính xoi mói. Người ta theo dõi (đôi lúc, than ôi, người ta rình mò kiểu mật thám gián điệp), người ta vạch lá tìm sâu, và tìm được là phê phán ào ào. Để làm nghề của mình theo tinh thần Tin Mừng không dễ, người hữu trách phải coi chừng cú đòn “lên lớp”: chúng ta rất thường tố cáo nơi kẻ khác các khuyết điểm của chính mình, những khuyết điểm lúc ấy trở thành lộ liễu kinh khủng: “Ổng trách con có cô bạn nhỏ -một cậu thanh niên tâm sự với vị linh mục về cha mình- nhưng ổng lại có một bồ nhí!” Nhiều chủ chăn trách con chiên thiếu tinh thần vâng lời, trong lúc chính mình lại chiều theo áp lực của thế quyền thay vì vâng phục các nguyên tắc của Tin Mừng và Giáo Hội.

Vậy phải hoàn hảo đã mới được lấy cái rác nơi anh em ra? Không! Chắc chắn không, nhưng ít nhất chớ bao giờ quên những cái xà của chính mình. Một bà mẹ quở mắng đứa con gái nói chuyện qua iPhone quá dài, đang khi chính bà ở cả giờ trên điện thoại! Đó là loại chuyện làm xộc xệch bất cứ cuộc sống chung nào.

Lấy cái xà ra khỏi mắt ngươi trước đã, rồi sẽ thấy rõ.” Nếu lấy cái xà không luôn luôn dễ, thì việc ý thức về nó chắc chắn sẽ giúp cái nhìn của ta nên chân thực hơn. Chúng ta có lẽ sẽ thấy cái rác đúng là cái rác, chẳng quan trọng gì. Hoặc sẽ thấy rằng trong trường hợp nào đó với con người nào đó, không nhất thiết phải tự phong mình làm những nhà kiểm duyệt, việc này sẽ loại bỏ những phê bình khó chịu lẫn vô ý tứ. Các bà cụ thời nay, ví dụ vậy, đã hiểu rằng tốt nhất không nên bận tâm tới các cọng rác trong lũ cháu của họ, nhất là khi cha mẹ chúng có đó!

Nhưng bà cụ cũng như bất cứ ai chẳng được trở thành câm như hến. Trách nhiệm đích thực của chúng ta, hay đơn giản là ưu tư giúp đỡ của chúng ta, buộc chúng ta phải đưa ra “nhiều nhận xét”. Nếu phản ứng của chúng ta là thẩm tra trước các khuyết điểm của mình, cung giọng của chúng ta sẽ khiêm tốn hơn và chúng ta sẽ có thể… cùng nhau tiến bộ.

Sâu xa hơn, câu chuyện cái xà đưa chúng ta về tình trạng con tim chúng ta. “Không có cây nào tốt mà lại sinh quả sâu”, Đức Giê-su nói. Những kẻ phê phán, những kẻ nói xấu, những kẻ vu khống, những kẻ điên cuồng tìm cái rác nhỏ nhất, đều có ác tâm cả. Ngược lại, cũng chẳng ra gì một vài kiểu “nhân từ” hơi buông lỏng, dửng dưng hoặc quá mù quáng. Rõ ràng là xem ra không thể vừa nhân từ vừa ngu dốt. Ta có thể xin Thiên Chúa ban bí quyết về điều này. Làm sao vừa sáng suốt vừa nhân hậu? Lời đáp có lẽ nằm nơi câu nói của một nhà thần nghiệm người Anh thường được nhiều tác giả trích dẫn: “Thiên Chúa không nhìn cái bạn đã là hay đang là, nhưng nhìn cái bạn muốn là”.

Linh mục Phê-rô Phan Văn Lợi, Tổng Giáo phận Huế.