Chúa Nhật V Mùa Chay C – Tôi Không Kết Án Chị – Giải thích bản văn Tin Mừng

04/04/2019

Ga 7,53-8,11: Khi ấy, Chúa Giêsu lên núi cây dầu. Và từ sáng sớm, Người lại vào trong đền thờ. Toàn dân đến cùng Người, nên Người ngồi xuống và bắt đầu giảng dạy. Lúc đó, luật sĩ và biệt phái dẫn đến Người một thiếu phụ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình, và họ đặt nàng đứng trước mặt mọi người. Họ hỏi Chúa Giêsu: “Thưa Thầy, thiếu phụ này bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình, mà theo luật Môsê, hạng phụ nữ này phải bị ném đá. Còn Thầy, Thầy dạy sao?” Họ nói thế có ý gài bẫy Người để có thể tố cáo Người. Nhưng Chúa Giêsu cúi xuống, bắt đầu lấy ngón tay viết trên đất. Vì họ cứ hỏi mãi, nên Người đứng lên và bảo họ: “Ai trong các ngươi sạch tội, hãy ném đá chị này trước đi”. Và Người ngồi xuống và lại viết trên đất. Nghe nói thế, họ rút lui từng người một, bắt đầu là những người nhiều tuổi nhất, và còn lại một mình Chúa Giêsu với người thiếu phụ vẫn đứng đó. Bấy giờ Chúa Giêsu đứng thẳng dậy và bảo nàng: “Hỡi thiếu phụ, những người cáo chị đi đâu cả rồi? Không ai kết án chị ư?” Nàng đáp: “Thưa Thầy, không có ai”. Chúa Giêsu bảo: “Ta cũng thế, Ta không kết tội chị. Vậy chị hãy đi, và từ nay đừng phạm tội nữa”.

Vị trí của đoạn 7,53-8,11 nầy ở giữa hai chương 7 và 8 gây nhiều tranh luận, vì nó xem ra không phù hợp với văn mạch là những tranh luận giữa Chúa Giêsu và người do thái. Tuy nhiên, nếu xem xét kỹ lưỡng nội dung và chủ đề của câu chuyện, sẽ thấy sự hợp lý của nó trong hai chương nầy. Bối cảnh là lễ Lều tại Giêrusalem. Chúa đi lên đền thờ (7,14) và rời khỏi đó (8,59). Trong thời gian ở tại đó, một buổi sáng Người đến lại đền thờ để giảng dạy (8,2). Giảng dạy là công việc chính của Người làm trong dịp nầy (7,14.28.35; 8,2.20.28). Nội dung giảng dạy gây nhiều tranh cãi giữa Người và người do thái, đặc biệt liên quan đến việc tuân giữ luật Môsê (7,19.22[2x].23; 8,5), và tương quan giữa luật ấy và chính Người như là Đấng Kitô (7,26). Nhóm Pharisêô dùng luật để bắt bẻ và gài bẫy Người trong câu chuyện cắt bì trong ngày sabbát (7,22-23) và một phụ nữ bị bắt quả tang ngoại tình (8,6a). Bầu khí trong cả hai chương và trong câu chuyện “người phụ nữ bị bắt quả tang ngoại tình” là căng thẳng và thù địch. Sợ người do thái (7,13), vì họ muốn bắt Người (7,30.44); tìm cách giết Người (x. 7,1.19.20.25; 8,22.37.40); và sau cùng là ném đá Người (8,59). Điểm nối kết sau cùng là sự đoán xét. Chương 7 đề cập đến sự đoán xét của người do thái (7,24); chương 8, sự đoán xét của Chúa Giêsu (8,10.11.15.16.26.50). Chỉ sự đoán xét của Người là chân thật (8,15-16). Vậy, câu chuyện “người phụ nữ bị bắt quả tang ngoại tình” rất có thể là một minh họa dựa trên ý kiến của Nicôđêmô ở cuối chương 7, “Lề Luật của chúng ta có cho phép kết án ai, trước khi nghe người ấy và biết người ấy làm gì không?” (7,51).

Bố cục của đoạn nầy như sau: – Khung cảnh (7,53-8,2); – Nhóm Pharisêô và kinh sư và Chúa Giêsu trước chuyện người phụ nữ (8,3-9); – Chúa Giêsu và người phụ nữ (8,10-11). Khung cảnh của câu chuyện là một ngày mới, tất cả dân chúng đến đền thờ để nghe Người giảng dạy. Người trở lại đó sau một đêm cầu nguyện trên núi cây dầu, trong khi ai nấy về nhà mình (7,53-8,2; x. Lc 4,42; 6,12; 9,18; 11,1; 21,37-38). Khung cảnh nầy cho thấy là mọi người sẽ được nghe và chứng kiến việc Người sắp làm.

Phần 8,3-9 có thể phân chia thành hai: – Người phụ nữ được mang đến và Chúa Giêsu bị gài bẫy (8,3-6a); – Chúa Giêsu trả lời và mọi người rút lui (8,6b-9). Nhóm Pharisêô đã xuất hiện trong chương 7. Họ muốn bắt Người (7,32.45), và tỏ thái độ không tin vào Người (7,47-48). Trong chương 8, họ còn tiếp tục tranh luận và thách đố Người (8,13). Khi mang người phụ nữ ngoại tình đến, họ nhắm đặt Người vào tình thế khó xử, “Thầy nghĩ sao?” (8,5). Nếu bênh vực người phụ nữ ấy, Người tự đặt mình đối lập với Môsê và lề luật; như thế họ sẽ có cớ để tố cáo Người. Nếu Người đồng ý để chị bị ném đá theo luật Môsê (x. Ds 5,12tt; Lv 20,10; Dnl 22,22-24), Người sẽ tự mâu thuẫn với những lời giảng dạy về Nước Thiên Chúa dành cho người nghèo và tội lỗi. Người phụ nữ ngoại tình được dùng như con mồi để kéo Người vào bẫy. Như thế, câu chuyện nầy trở nên một tranh luận nữa về Lề Luật.

Để trả lời cho câu hỏi của họ, Người ngồi xuống và viết trên đất đến hai lần (8,6b.8). Những điều Người viết xuống chỉ những người đứng chung quanh đó mới biết. Chắc chắn chúng liên quan đến tội lỗi của họ, vì Người thách thức những người bắt quả tang người phụ nữ ngoại tình ném đá chị ấy trước như luật Môsê dạy (Dnl 17,7). Trong câu ấy, Người đã thêm vào một điều kiện để có thể thực hiện việc ném đá là “người không có tội”. “Không có tội” được hiểu cả hai cách là đã không phạm tội và không thể phạm tội. Sau câu chuyện nầy, Người xác nhận họ “sẽ chết trong tội của họ” (x. 8,21.24). Mọi người đã dần dần rút lui, vì không ai có thể tự chứng minh là mình “không có tội” để có thể ném đá người phụ nữ nầy. Chỉ còn lại Chúa Giêsu và người phụ nữ; không thấy luôn cả dân chúng. Vậy, đến đây câu chuyện đã chuyển sang hướng khác: những người đi tố cáo người phụ nữ ngoại tình, với ý đồ qua đó họ tố cáo luôn cả Chúa Giêsu, đã trở thành những người bị tố cáo ngược lại. Tội của họ cũng bị phơi bày công khai như họ đã làm cho người phụ nữ, ít là cách gián tiếp qua việc bỏ đi và không dám ném đá người họ lên án.

Chúa Giêsu và người phụ nữ (8,10-11). Cuộc đối thoại mở đầu với lời Chúa Giêsu hỏi người phụ nữ (8,10). Người dùng đại danh từ ngôi thứ hai số ít để đưa chị vào trong tương quan với Người. Đáp lại, người phụ nữ gọi Người là “Chúa” (kyrios) để tuyên xưng niềm tin vào Người; hạn từ được dùng đến 52 lần trong tin mừng Gioan. Động từ katakrinō, “kết án” (8,10.11) nghĩa là tuyên án sau khi đã xác định tội trạng. Nó chỉ xuất hiện ở đây và do động từ gốc là krinō, “đoán xét”, là đưa ra một ý kiến liên quan đến điều phải trái. Không ai kết án chị, vì họ cũng có tội như chị. Còn Chúa Giêsu không kết án chị, không phải vì chị không có tội, mà vì Người không buộc chị thi hành bản án làm nên bởi tội chị đã phạm; điều nầy khác với cách hành xử theo luật của nhóm Pharisêô. Điều Người đòi hỏi chị phải thi hành thay cho bản án là “đừng phạm tội nữa”. “Từ nay” nghĩa là từ giây phút gặp Người, chị có cơ hội để bước ra khỏi bóng tối (8,11) và bắt đầu cuộc sống mới trong ánh sáng của Người (8,12). Vậy, Chúa Giêsu lấy quyền xét đoán của Người mà thứ tha cho người phụ nữ và kết án những người cố giữ truyền thống Môsê để không tin vào Người (x. 3,17-18; 5,22. 25-29).

Chúa Giêsu đến trần gian không phải để xét xử, mà để cứu sống (7,17). Tuy nhiên, phải tin vào Người.

Linh mục Luigi Gonzaga Đặng Quang Tiến