Lc 23,35-43: Dân chúng đứng đó mà nhìn, các thủ lãnh thì cười nhạo Chúa Giêsu rằng: “Ông ta đã từng cứu người ta; bây giờ ông ta hãy tự cứu mình đi, nếu ông ta là Đấng Kitô của Thiên Chúa, Đấng đã được tuyển chọn!”. Lính tráng cũng chế diễu Ngài: chúng đưa giấm chua lên miệng Ngài và nói: “Nếu ông là Vua Dân Do Thái, thì hãy tự cứu mình đi!”. Cũng có một tấm bảng ở phía trên đầu Ngài ghi: “Đây là Vua Dân Do Thái”.
Một trong hai kẻ trộm cùng bị đóng đinh đã sỉ nhục Chúa Giêsu: “Ông không phải là Đấng Kitô sao? Hãy cứu lấy mình đi và cứu cả chúng tôi nữa!”. Nhưng tên kia mắng anh ta: “Này, anh không kính sợ Thiên Chúa sao, anh cũng đang chịu cùng hình phạt? Với chúng ta thì đây là chuyện phải lẽ vì với những việc đã làm, chúng ta đáng phải chịu thế này. Nhưng người này chẳng làm điều gì xấu cả”. Và anh ta thưa Ngài: “Lạy Ngài Giêsu, xin nhớ đến con khi Ngài vào trong Nước của Ngài”. Chúa Giêsu nói với anh ta: “Amen, Tôi bảo anh: ngay hôm nay, anh sẽ ở trên Thiên Đàng với Tôi”.
Đoạn 23,35-43 là màn chế giễu cuối cùng (x. 22,63; 23,11) Chúa Giêsu chịu trước khi Người trút hơi thở cuối cùng (23,44-49). Người đã đến Núi Sọ, bị đóng đinh giữa hai phạm nhân. Áo xống của Người cũng bị tước đoạt (23,33-34). Trình thuật nầy có rất nhiều nhân vật: dân chúng, các thủ lãnh, lính tráng, hai phạm nhân với hai thái độ khác nhau và Chúa Giêsu. Có thể chia đoạn nầy làm hai: – Nhóm dân chúng, thủ lãnh và quân lính (23,35-38); – Hai phạm nhân (23,39-44). Chúa Giêsu là trung tâm của cảnh chế giễu nầy.
Luca đã dùng phân từ “kai”, “và” để lên kết các nhóm người lại “và dân chúng (c. 35) – và các thủ lãnh” – “và quân lính” – “và tấm bảng”. Mỗi người mỗi cách, nhưng chung một thái độ chế giễu Chúa Giêsu. Điểm chung là họ dùng câu điều kiện “nếu”, trong đó họ có lời thách thức giống nhau “Hãy tự cứu mình” (cc. 35.37.39), và họ gọi Chúa Giêsu bằng những tước hiệu tương tự nhau “Đấng Kitô” (c. 35), “Vua dân Do thái” (c. 37); “Đấng Kitô” (c. 39). Câu trả lời cho những thách thức và chế giễu nầy nằm trong lời tuyên xưng của phạm nhân thứ hai (c. 42), và trong lời hứa thiên đàng cho phạm nhân nầy (c. 43).
Dân chúng (c. 35)
Luca chỉ ghi nhận “dân chúng đứng nhìn”. Dân chúng không chỉ đứng đó nhìn cách bàng quan, mà tham dự vào sự khinh rẻ và chế nhạo diễn ra lúc ấy. Xem Tv 22,8: “Ai thấy (theōreō) tôi cũng nhạo báng (ekmyktērizō) lắc đầu bĩu mỏ buông lời mỉa mai”. Trong 14,29, Luca cho thấy “cái nhìn” (theōreō) gắn liền với “chế giễu” (empaizō) (14,29). Chính dân chúng đã đứng chung với các thượng tế và thủ lãnh trước toà Philatô (23,13) và đồng ý kết án tử Chúa Giêsu (23,18). Vậy, dân chúng đứng nhìn lâu (động từ ở thể phân từ hiện tại) mà không phản đối, chính là đồng loã với những người lên tiếng chế giễu Người.
Các thủ lãnh (c. 35)
Ở đây Luca chỉ nói đến “các thủ lãnh”, trong khi ở 23,13 và 24,20, ông nhắc đến cả các thượng tế. Động từ ekmyktērizō nghĩa là “nhạo báng”; chỉ gặp trong 16,14; 23,35. Có thể có mối liên hệ giữa đoạn nầy với Tv 22,8. Trong lời họ nhạo báng, Luca nhấn mạnh đến khía cạnh cứu chuộc của Chúa Giêsu, tư cách Con Thiên Chúa được Thiên Chúa sai đến. Cụm từ “Hãy cứu lấy chính mình” được lập lại 3 lần bởi các thủ lãnh (c. 35), quân lính (c. 37) và phạm nhân (c. 39). Động từ “sozō” “cứu” dùng rất nhiều trong trình thuật nầy (cc. 35[2x].37.39). Nó mang ý nghĩa rộng hơn sự chữa lành bệnh. Đó là cứu khỏi tội và đưa vào Nước Trời (x. 7,50; 8,48.50; 17,19; 18,42). Động từ “sozō” và tước hiệu “Christos”, Kitô, liên hệ với nhau. Sau lời Phêrô tuyên xưng Người là “Đấng Kitô” (9,20), Chúa Giêsu nói đến sự cứu độ cho những ai bỏ mình và vác thánh giá đi theo Người (9,24). Tước hiệu “Đấng Kitô của Thiên Chúa” đã được Phêrô tuyên xưng lần đầu tiên (9,20). Tước hiệu nầy nhấn mạnh nguồn gốc của Đấng Kitô và tương quan và sự thông hiệp của Người với Thiên Chúa. “Của Thiên Chúa” có nghĩa là do Thiên Chúa tuyển chọn và sai đến. Tước hiệu “Kitô” đứng một mình như trong lời của phạm nhân thứ nhất (c. 39) có thể hiểu là một đấng thiên sai, một vị vua được xức dầu nào đó. Rồi tước hiệu “Người được tuyển chọn” cũng nói lên liên hệ với Thiên Chúa (18,7). Chính Thiên Chúa xác nhận điều nầy về Chúa Giêsu trong biến cố biến hình (9,35).
Nhóm quân lính (c. 36)
Sau các thủ lãnh tôn giáo, đến dân ngoại chế giễu Chúa Giêsu. Họ là những người canh giữ (22,63), Hêrôđê (23,11), lính tráng (23,36). Điều nầy đã được nói đến trong lời tiên báo thứ ba về cuộc khổ nạn (18,32; 22,62). “Empaizō” “chế giễu” là khinh rẻ và lấy người khác làm trò chơi cho mình. Những người canh giữ Chúa Giêsu đã bịt mắt Người, đánh Người và bảo Người đoán xem ai đã làm điều ấy (x. 22,63-65); Hêrôđê muốn Người làm những phép lạ để thoả mãn sự tò mò của ông (23,8-9). Lính tráng bên thập giá đưa giấm lên cho Người uống (23,36). Tước hiệu “Vua dân Do thái” nầy phát xuất từ dân ngoại mà thôi: Philatô (x. 23,3), tấm bảng treo trên đầu Người (23,38) và lính tráng ở đây. Lần đầu tiên Chúa Giêsu được dân Do thái gọi là vua, basileus, khi Người vào thành Giêrusalem: “Chúc tụng Đức Vua, Đấng nhân danh Chúa mà đến” (x. 19,38). Chúa Giêsu là vua, basileus, mà cũng là Christos (x. 23,2).
Cho đến lúc nầy, cả các thủ lãnh lẫn dân ngoại chẳng ai biết rõ và chắc chắn Chúa Giêsu là ai. Người ta thắc mắc về căn tính của Người (x. 20,41; 22,67; 23,2); ngoại trừ ma quỉ (4,34; 4,41; 8,28) và nhóm Mười Hai (9,20), không ai biết rõ căn tính của Người. Người ta thắc mắc về Người (x. 20,41; 22,67; 23,2). Bởi đó, họ nghĩ đây là cơ hội cuối cùng họ có thể buộc Chúa Giêsu chứng tỏ ra Người là ai, bằng cách làm theo yêu cầu của họ. Chúa Giêsu đã không làm theo yêu cầu của họ, vì Người biết họ không tin vào Người ( 22,67), và chính khi chịu đóng đinh, Người tỏ ra cách tỏ tường nhất Người là Đấng Kitô của Thiên Chúa; nói cách khác là Đấng Thiên Sai, được gởi đến để cứu chuộc con người. Không làm theo điều kiện họ đặt ra, Chúa Giêsu không phải là Đấng Kitô theo ý nghĩ của họ.
Tấm bảng (cc. 23:38)
“Và” (xem trên) liên kết tấm bảng nầy với những nhóm người nhạo báng Chúa Giêsu. Có sự khác biệt ít nhiều giữa các tin mừng về điều ghi trên tấm bảng treo trên đầu Chúa Giêsu (x. Mt 27,37; Mc 15,26; Ga 19,19). “Houtos” chỉ Đấng bị đóng đinh dưới tấm bảng. Cách trình bày đơn sơ “Và có tấm bảng trên đầu Người” muốn ám chỉ điều ghi trên tấm bảng “Người nầy là Vua dân Do thái” tương phản với người đang bị đóng đinh. Như thế, tấm bảng nối dài lời nhạo báng của lính tráng.
Phạm nhân thứ nhất (cc. 23,39)
Luca dùng động từ blasphēmēō, “nói phạm thượng”, để chỉ thái độ của người nầy đối với Chúa Giêsu. Động từ nầy chỉ dùng ba lần trong Luca: nói phạm thượng đến Chúa Thánh Thần (12,10), những người canh giữ và phạm nhân nầy nói phạm thượng đến Chúa Giêsu (22,65; 23,39). Như thế, blasphēmēō là nói những lời chống lại Thiên Chúa. Người nầy nói phạm thượng vì tình cảnh bất lực và vô vọng của mình. Anh muốn Chúa Giêsu dùng quyền năng của Đấng Kitô để giải thoát anh khỏi cái chết gần kề.
Phạm nhân thứ hai (cc. 40-42)
Người nầy ngỏ lời trước tiên với người đồng chịu án (23,40-41) và với Chúa Giêsu (23,42). Trong lời ngỏ với phạm nhân kia, người nầy nói đến sự kính sợ Thiên Chúa, đến việc nhìn nhận tội và chấp nhận hình phạt xứng với việc đã làm và bênh vực Chúa Giêsu là vô tội. Khi trách phạm nhân kia không kính sợ Thiên Chúa bằng câu hỏi, người nầy gián tiếp cho thấy ông có lòng kính sợ Thiên Chúa. Ông quan toà là tiêu biểu của những người không kính sợ Thiên Chúa (18,2-4). Ngược lại, Mẹ Maria là gương mẫu của người kính sợ Thiên Chúa. Ai kính sợ Thiên Chúa thì được Người xót thương (1,50). Phạm nhân thứ hai nầy tỏ ra kính sợ Thiên Chúa khi ông dám nói nghịch lại phạm nhân kia, cũng là nghịch lại dân chúng, các thủ lãnh và lính tráng. Cái chết gần kề, ông không sợ. Ông chỉ sợ Đấng có thể ném cả thân xác và linh hồn ông vào hoả ngục (x. 12,4-9). Bởi có lòng kính sợ nầy, ông sẽ được Thiên Chúa xót thương và cứu lấy ông.
Nói về Chúa Giêsu, ông bênh vực Người là vô tội (23,41). Chính Philatô cũng đã nhận ra như thế (23,22). Ngỏ lời với Chúa Giêsu, ông gọi Người bằng tên “Giêsu”, chứ không bằng bất cứ tước hiệu nào. Tên “Giêsu” nầy liên kết với “Đấng Thánh của Thiên Chúa (4,34), với “Con của Đấng Tối Cao” (8,28), với “Con vua Đavít” (18,38), với “Thầy” (17,13) và “Chúa” (Cv 7,59). Ông xin Người nhớ đến ông trong Nước của Người. Mimneskomai, “nhớ”, bao hàm ý nghĩa cứu độ. Thiên Chúa nhớ tỏ lòng thương xót trên Abraham và con cháu ông đến muôn đời (1,54). Thiên Chúa nhớ đến giao ước mà cứu khỏi tay kẻ thù (1,72). Ông nói đến “Nước”, basileia, của Người. Nước của Chúa Giêsu đồng hóa với Nước của Thiên Chúa (22,29.30); “Nước Thiên Chúa” được nhắc đến tới 31 lần trong Luca. Như thế lời của phạm nhân thứ hai nầy ngỏ với Chúa Giêsu trở thành câu trả lời gián tiếp cho những người nhạo báng trên, và đó cũng là lời tuyên xưng đức tin của ông: – “Giêsu” là Con Thiên Chúa, nên Người mới có thể nhớ và tỏ lòng thương xót ông như Thiên Chúa; – “Giêsu” là Đấng Kitô, là Vua nên Người mới có “Nước của Người”; – Nước của Người là Nước của Thiên Chúa và Người là Con Thiên Chúa; đồng thời cũng là Con vua Đavít. Vậy Người thật sự là “Đấng Kitô của Thiên Chúa”, và cũng là “Vua dân Do thái”.
Chúa Giêsu trả lời với phạm nhân nầy bằng lời hứa là hôm nay ông sẽ cùng với Người trong thiên đàng. Đây là thiên đàng của Thiên Chúa (x. Kh 2,7). “Ở trong thiên đàng” là ở trong sự hiệp thông trọn vẹn với Thiên Chúa. Nói cách khác là “trong tay” của Người (x. 23,46). Phạm nhân thứ hai đã tuyên xưng Chúa Giêsu trước mặt mọi người, nhất là những người chối bỏ Người; bởi đó ông được Người nhận biết và cho hưởng Nước Trời (x. 12,8).
Chúa Giêsu không chết trong thinh lặng. Người chết sau khi được tuyên xưng cách công khai là “Đấng Kitô của Thiên Chúa”. Như thế cái chết trên thập giá của Người có tính cách cứu độ và mang ơn giải thoát đến cho mọi người.
Linh mục Luigi Gonzaga Đặng Quang Tiến