Tin Mừng Ga 1,35-42
Khi ấy, ông Gio-an đang đứng với hai người trong nhóm môn đệ của ông. Thấy Đức Giê-su đi ngang qua, ông lên tiếng nói: “Đây là Chiên Thiên Chúa”. Hai môn đệ nghe ông nói, liền đi theo Đức Giê-su. Đức Giê-su quay lại, thấy các ông đi theo mình, thì hỏi: “Các anh tìm gì thế?”. Họ đáp: “Thưa Ráp-bi (nghĩa là thưa Thầy), Thầy ở đâu?”. Người bảo họ: “Đến mà xem”. Họ đã đến xem chỗ Người và ở lại với Người ngày hôm ấy. Lúc đó vào khoảng giờ thứ mười.
Ông An-rê, anh ông Si-môn Phê-rô, là một trong hai người đã nghe ông Gio-an nói và đi theo Đức Giê-su. Trước hết, ông gặp em mình là ông Si-môn và nói: “Chúng tôi đã gặp Đấng Mê-si-a” (nghĩa là Đấng Ki-tô). Rồi ông dẫn em mình đến gặp Đức Giê-su. Đức Giê-su nhìn ông Si-môn và nói: “Anh là Si-môn, con ông Gio-an, anh sẽ được gọi là Kê-pha” (tức là Phê-rô).
************************************
ĐI THEO CHÚA
Năm phụng vụ được cấu trúc xung quanh 2 đại lễ, Giáng sinh và Phục sinh. Mỗi “thời điểm đặc biệt” này có 1 thời gian chuẩn bị đi trước (mùa Vọng… mùa Chay) và sau đó còn được kéo dài (lễ Hiển linh… Mùa Phục sinh).
Ngoài hai giai đoạn lớn có tính cách lễ lạc ấy, “thời gian phụng vụ” lại trở thành “thường” hơn, các Chúa nhật ít màu sắc hơn (chúng ta gọi là “Mùa Thường niên”, “Mùa Quanh năm”). Điều đó không có nghĩa chúng trống rỗng. Cuộc sống của chúng ta đâu chỉ gồm những nhịp mạnh ! Phải đảm nhận cả cái thường ngày. Sau “lễ Giáng sinh” và “Năm mới”, hôm nay chúng ta lại đi vào một loạt Chúa nhật trong đó Giáo Hội trình bày “cuộc sống trưởng thành của Đức Giê-su”.
1. Các anh tìm gì… ?
“Hôm sau, Gio-an lại đứng với hai người trong nhóm môn đệ của ông”. Thánh Gio-an đã cố ý “biên soạn” chương thứ nhất của Tin Mừng ông như “tuần lễ đầu” để khiến ta lưu ý là Đức Giê-su làm nên một “khởi điểm”: * Ga 1,19 : ngày thứ nhất. Một phái đoàn Do Thái đến chất vấn Gio-an Tẩy giả tại sông Gio-đan. *Ga 1,29 : ngày thứ hai. “Hôm sau”, Gio-an Tẩy giả chỉ Đức Giê-su như Chiên Thiên Chúa. *Ga 1,35 : ngày thứ ba. “Hôm sau”, Gio-an Tẩy giả bàn giao môn đồ mình cho Đức Giê-su. *Ga 1,43 : ngày thứ tư : “Hôm sau”, Đức Giê-su còn kêu gọi hai môn đồ khác. *Ga 2,1 : ngày thứ bảy : “Ba ngày sau” xảy ra phép lạ đầu tiên, tiệc cưới Cana, nơi Đức Giê-su “tỏ vinh quang Người và các môn đệ tin Người!”. Qua phương pháp biên soạn này, thánh sử Gio-an trình bày cho chúng ta một “Tin Mừng” : đây bắt đầu một cuộc khai sinh mới, sáng tạo mới, lấy lại trang đầu tiên của Thánh Kinh, vốn cũng đã trình bày cuộc sáng tạo trong 7 ngày.
Ngày đầu và hai của cuộc “tái tạo”này, chúng ta đã đọc hôm mồng 2 và 3 tháng Giêng (cũng như trong CN 2 Thường niên A). Hôm nay là câu chuyện vị Tẩy giả giới thiệu Đức Giê-su cho riêng hai môn đồ và yêu cầu họ đi theo vị Thầy mới. Trong thái độ khiêm tốn xóa mình trước Đấng mình loan báo, Gio-an chỉ Thiên Chúa cho môn đồ để họ rời bỏ ông, người đóng vai trò phụ. Tước hiệu đầu tiên được gán cho kẻ mà đến hôm nay vẫn còn là anh thợ mộc làng Na-da-rét có ý nghĩa gì ? Gio-an Tẩy giả đã hiểu nó như thế nào ? Ta phải hiểu nó làm sao đây ? Chỉ cần gợi lên tất cả bối cảnh Do Thái thì rõ. Tước hiệu này quả là “bước chuyển”, “cây cầu”, từ Cựu Ước sang Tân Ước, được thốt lên của Đức Giê-su Ki-tô. Chúng ta biết từ thuở xa xưa, vào dịp lễ Vượt qua, mỗi một gia đình Do Thái đều sát tế một con chiên và lấy máu nó bôi lên cửa nhà mình, làm biểu tượng nhắc nhớ cuộc “giải phóng” Ít-ra-en thời Mô-sê. Từ “chiên” trong tiếng Aram, ngôn ngữ Đức Giê-su dùng, ngoài ra cũng có nghĩa là “tôi tớ” : mọi con dân Do Thái đều in trong tâm trí sấm ngôn thời danh của I-sai-a (53,7) trình bày “Tôi trung của Thiên Chúa” như “một Chiên con bị dẫn đến lò sát sinh mà không mở miệng”. Thành thử Đức Giê-su được giới thiệu như Đấng sẽ để mình bị sát tế trong thinh lặng, sẽ hiến mạng vì tình yêu ngõ hầu cất lấy tội lỗi thế gian. Trong các truyền thống Do Thái thời Đức Giê-su, người ta từng nói đến một “Chiên chúa” mọc sừng cừu đực và ra tay “bảo vệ bầy chiên”. Ngoài ra đó cũng là hình ảnh Gio-an sử dụng lại trong Khải huyền, khi ông cho thấy từ đàn chiên, có một con chiên đảm nhận việc bảo vệ anh em mình và tấn công cũng như phân tán thù địch (Kh 6,16; 7,17; 17,14). Thật khác xa biết bao bài thánh ca “Này là con chiên rất dịu dàng!” Chiên Thiên Chúa được chúng ta hát mừng trước khi rước lễ không phải là hình ảnh một chiến binh hiển thắng, nhưng phủ đầy máu đã đổ ra để cứu chúng ta khỏi tai họa ! Ngay từ ngày thứ ba cuộc sống công khai, Đức Giê-su được chỉ định như thế đấy !
“Hai môn đệ nghe ông nói, liền đi theo Đức Giê-su. Đức Giê-su quay lại, thấy các ông đi theo mình, thì hỏi: “Các anh tìm gì thế?”. Họ đáp : “Thưa Ráp-bi (nghĩa là thưa Thầy), Thầy ở đâu?”. Ta có thể tái dựng quang cảnh này trong trí tưởng tượng : Đức Giê-su bước đi trên một lối mòn ven sông. Hai thanh niên khởi sự theo Người, rụt rè, hồi hộp… Họ chưa bao giờ thấy Người. Đây là một kẻ vô danh. Cái gì sắp xảy đến ? Theo một kẻ vô danh như thế thật là liều lĩnh. Đấy có thể là một cuộc mạo hiểm. Nhưng mọi hành trình vĩ đại, mọi cái gì mở ra một con đường mới đều bắt đầu như thế. Đức Giê-su đã nghe những hòn sỏi lạo xạo dưới chân họ, đằng sau Người. Người quay lại. Đây là “cái nhìn đầu tiên” Đức Giê-su đặt trên những kẻ cũng vô danh không kém. Và đây cũng là “lời nói đầu tiên” của Đức Giê-su trong Tin Mừng Gio-an. Câu hỏi này của Đức Giê-su được ngỏ với mọi người, ngỏ với chúng ta hôm nay : “Bạn tin gì? Bạn tìm gì khi đi theo tôi ? Đâu là ước vọng của bạn ? Đâu là ý nghĩa bạn gán cho cuộc sống bạn ?”
Chúng ta nhận thấy rằng sự can thiệp đầu tiên của Đức Giê-su chẳng phải là một “khẳng định” nhưng là một “chất vấn” : để tiếp cận Người, phải “cởi mở”, không được “khép mình” trong một hệ thống đóng kín, như các “tư tế và lê vi” đến tìm Gio-an Tẩy giả (Ga 1,19), những kẻ mau chóng kết thúc cuộc đối thoại, vì thật ra họ “chẳng tìm gì”. Tiếng đầu tiên của Đức Giê-su nói lên cho ta biết điều kiện tiên quyết để làm phát sinh hay đào sâu đức tin, đó chính là “kiếm tìm”. Đức tin trước hết là một tìm kiếm, một câu hỏi. “Lạy Chúa, Ngài là ai?” Ai cho mình biết hết, ai tự phong tỏa trong các xác tín của mình, sẽ chẳng bao giờ tiến được. Có một lối “hoài nghi” vốn là chính điều kiện để tiến triển khoa học, đại triết gia Descartes từng nói thế. Có một lối “chất vấn” vốn là chính điều kiện để tiến triển đức tin. Và Péguy đã diễn tả điều đó thế này : “Có nhiều tâm hồn đóng kín (vì cho mình) hoàn hảo. Trong họ, chẳng có chỗ nào cho ân sủng đi qua. Không có chỗ “thấm” nào, họ không thể thẩm thấu được…”. Lạy Chúa, xin làm cho chúng con thành những tâm hồn rộng mở, những tâm hồn tìm kiếm.
2. Chúng tôi đã gặp…
“Người bảo họ: “Đến mà xem”. Tìm… Theo… Ở lại… Ba thái độ chủ yếu của tình yêu. Phải chăng tôi tìm kiếm Thiên Chúa? Phải chăng tôi theo dấu vết của Thiên Chúa? Phải chăng tôi ở lại với Thiên Chúa? Đức Giê-su trả lời cho khát vọng của họ… cho sự tìm kiếm của họ. Nhưng câu trả lời của Người tôn trọng tự do của họ biết bao ! “Thì đến mà xem!” Đức Giê-su không đột nhập bằng vũ lực. Người chẳng phải là một tay tuyên truyền, một nhà chính luận muốn cải đạo bằng mọi giá và bằng sức mạnh, nếu cần. Phần tôi, đâu là cách tôi đề nghị cho kẻ khác đức tin của tôi ?
Hai môn đệ đã đến xem chỗ Người “ở” và “ở lại” với Người. Có nhiều tiếng Gio-an không ngừng lặp đi lặp lại. Chẳng phải do nghèo nàn ngữ vựng mà là do chủ ý. Đây là một ngôn ngữ thần học và thiêng liêng. Qua chính những lặp lại này, ông mô tả tiến trình của người “môn đệ”: “tìm kiếm” (1,38)… “đến xem” (1,39.46)… “ở lại” (1,38.39). Mô tả kỹ như vậy vì tác giả Tin Mừng thứ tư này là một trong “hai” người đã theo Đức Giê-su. Kỷ niệm ông thật chính xác, như kỷ niệm cuộc gặp gỡ ban đầu của đôi tình nhân. «Cái thuở ban đầu lưu luyến ấy ! Ngàn năm chưa dễ đã ai quên» (Thế Lữ). Ông ghi nhớ cả thời điểm. Việc đó xảy ra vào lúc “mười” giờ (“bốn giờ” chiều hiện nay). Hôm đó họ đã nói gì ? Cả hai hẳn đã kể lại đời mình, các khát vọng, các ước muốn, các “tìm kiếm” của mình. Phần Người hẳn đã nói với họ các ước muốn, các dự định Người ấp ủ.
Sau đó An-rê tìm em mình là Si-môn, kể lại sự tình và dẫn em đến gặp vị Thầy mới. Quả là nét đặc trưng khi tiếng gọi của Thiên Chúa, “ơn thiên triệu”, được bày tỏ trong thực tế qua những mối liên hệ nhân loài. Để nghe được tiếng gọi Thiên Chúa, cũng phải chú ý đến những tiếng gọi của con người nữa. Chính Gio-an Tẩy giả trước hết đã gọi An-rê và Gio-an. Chính An-rê và Gio-an kêu gọi Si-môn. Và Na-tha-na-en sẽ được chính Phi-líp-phê gọi. Bạn đã có khi nào nghĩ rằng mình sẽ có lúc dẫn ai tới gặp gỡ Đức Giê-su không ? Bạn có bận tâm san sẻ cho người khác khám phá của bạn về ĐKT không ?
“Đức Giê-su nhìn ông Si-môn và nói: Anh là Si-môn, con ông Gio-an anh sẽ được gọi là Kê-pha (tức là Phê-rô) “: Làm môn đệ, đó là “đổi đời”… là đi vào trong một cuộc mạo hiểm mới, trở thành một “hữu thể” mới. Đấy là ý nghĩa việc đổi tên cho Si-môn. Các môn đệ tiên khởi đã nhớ lại rằng sự đổi đời của họ thật tuyệt diệu ! Cuộc sống họ bắt đầu có một định hướng hoàn toàn khác : một cuộc “mạo hiểm” thực sự. Theo não trạng Do Thái, việc đổi tên này cũng nói lên việc Thiên Chúa bắt lấy Si-môn Phê-rô. Những con người này đã “tìm kiếm” Đức Giê-su… Vâng! Nhưng thật ra chính Đức Giê-su đã tìm kiếm họ… Chính Người đã có sáng kiến, qua “ân sủng” nhiệm mầu của Người: “Con đã chẳng tìm Ta nếu con đã không gặp thấy Ta” (Pascal).
Lm. Phêrô Phan Văn Lợi