Giới răn mới… mới là giới răn – Chúa nhật 5 Phục Sinh Năm C

16/05/2025

“GIỚI RĂN MỚI – MỚI LÀ GIỚI RĂN”

CHÚA NHẬT 5 PHỤC SINH – NĂM C

“Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu anh em.” (Ga 13,34)

1. Đức Giêsu sống triệt để giới răn mới

Trong bữa Tiệc Ly, giữa khung cảnh đầy yêu thương và cũng lắm “bóng tối” bao trùm, Đức Giêsu không để lại những huấn thị phức tạp, không nói về quyền lực hay kế hoạch tương lai đầy hấp dẫn mời gọi, Ngài chỉ trao ban một di chúc đơn sơ và sâu xa: Hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu.

Đây không phải là một lời khuyên luân lý, cũng chẳng phải một điều răn đạo đức chung chung. Đây là một lối sống, là con đường, là hơi thở của người môn đệ. Và tình yêu ấy không trừu tượng, không dừng ở cảm xúc chóng qua nhất thời. Đó là tình yêu cụ thể mà chính Ngài đã sống triệt để bằng cách:

– Sẵn sàng cúi xuống rửa chân cho các môn đệ, kể cả kẻ bội Thầy phản bạn.

– Sẵn sàng thương xót và bao dung đối với người tội lỗi và khốn cùng: Ngài đụng chạm đến người phong cùi, bảo vệ người phụ nữ ngoại tình, đồng bàn với người thu thuế…bởi “đức mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả” (1 Cr 13,7).

– Sẵn sàng tha thứ vô điều kiện, ngay cả kẻ thù: Trên thập giá, Ngài cầu nguyện cho những kẻ đóng đinh mình: “Lạy Cha, xin tha cho họ vì họ không biết việc họ làm” (x. Lc 23,34).

– Sẵn sàng hiến mạng vì người mình yêu: Đức Giêsu yêu đến tận cùng, dám chấp nhận hy sinh mạng sống mình trên thập giá để cứu độ nhân loại. Đây là đỉnh cao của giới răn yêu thương: “Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người thí mạng vì bạn hữu mình” (Ga 15,13).

Yêu như Thầy là yêu không chọn lựa người để yêu, nhưng yêu cả người làm ta tổn thương. Là chấp nhận đau đớn để người khác được sống, là trao ban chính mình vì hạnh phúc và ơn cứu độ của người khác.

2. Đức cố Giáo hoàng Phanxicô, chứng nhân sống động của giới răn mới

Tinh thần của giới răn yêu thương ấy đã được cụ thể hóa cách sống động nơi đời sống của Đức cố Giáo hoàng Phanxicô – một người mục tử mang đậm hồn Tin Mừng. Ngài không chỉ rao giảng lòng thương xót, mà trở nên hiện thân sống động của lòng thương xót ấy, bằng chính cung cách sống và mục vụ trong suốt 12 năm triều đại Giáo hoàng.

Mỗi năm, vào thứ Năm Tuần Thánh, ngài không chọn cử hành nghi thức long trọng tại Đền thờ thánh Phêrô (Vatican), mà lặng lẽ đến nhà tù, trại tị nạn, trung tâm khuyết tật… để rửa chân cho các tù nhân, người nghèo, người ngoài lề xã hội. Ngài đã rửa chân cho cả người Hồi giáo, phụ nữ, người vô thần – những người mà nhiều người trong Giáo hội trước đây chưa từng nghĩ có thể làm vậy.

Hành động ấy không chỉ phá vỡ hình thức, mà làm sống lại căn cốt của Tin Mừng: “Thầy là Chúa mà còn rửa chân cho các con, thì các con cũng hãy làm như vậy” (Ga 13,14).

Bằng chính đôi tay nhăn nheo của tuổi tác, dáng đi mỏi mệt của bệnh tật, ánh mắt đầy thương xót – Ngài đã sống giới răn yêu thương ấy không bằng lời nói, mà bằng hành động.

Thế giới yêu mến, kính trọng và thương nhớ Đức cố Giáo hoàng Phanxicô không phải vì ngài để lại những bài giảng hùng hồn hay những thành tựu khoa học vĩ đại theo chuẩn mực thế gian; nhưng vì nơi ngài, người ta nhận ra tình yêu Thiên Chúa được thể hiện cách sống động và chân thành. Ngài đã sống giới răn yêu thương không bằng lời nói, mà bằng chính cuộc đời khiêm nhường, gần gũi, luôn hướng về người nghèo khổ, bị bỏ rơi. Tình yêu nơi ngài không phô trương, nhưng âm thầm lan tỏa, chạm đến những tâm hồn đang bơ vơ lạc lõng và bị loại trừ. Chính điều ấy mới làm nên sức mạnh và di sản tinh thần lớn lao của một vị Mục tử trong lòng nhân loại.

3. Lời mời gọi dành cho mỗi Kitô hữu

Hôm nay, Lời Chúa không chỉ nhắc lại một giới răn đã cũ cách đây hơn 2000 năm, nhưng mời gọi mỗi Kitô hữu sống điều răn ấy như mới, trong hoàn cảnh và ơn gọi riêng mình.

– Yêu như Thầy là gì trong gia đình ta? Có thể là lắng nghe thay vì cáu gắt, là thứ tha thay vì chấp nhặt.

– Yêu như Thầy là gì trong giáo xứ? Có thể là sẵn sàng phục vụ, là ngưng những lời chỉ trích để bắt đầu hành động xây dựng.

– Yêu như Thầy là gì giữa xã hội? Có thể là dám sống trung thực, dám chọn thiện giữa một thế giới chạy theo lợi ích và loại trừ.

Chúng ta không cần làm những điều lớn lao. Nhưng mỗi cử chỉ yêu thương nhỏ bé, khi được làm với lòng chân thành, đều trở thành hạt giống Nước Trời gieo vào lòng người và vào thế giới. Như chính Mẹ Thánh Têrêsa thành Calcutta đã chia sẻ: “Không phải ai trong chúng ta cũng có thể làm những điều vĩ đại, nhưng chúng ta có thể làm những điều nhỏ bé với tình yêu lớn lao”.

Lạy Chúa Giêsu, Chúa không chỉ ban giới răn mới, nhưng chính Chúa là mẫu gương tuyệt hảo của giới răn ấy. Xin cho con đừng chỉ nhớ điều răn mới bằng trí óc, nhưng mãi khắc ghi trong trái tim con như một sứ mạng sống. Xin cho con, theo gương Đức cố Giáo hoàng Phanxicô, biết sống Tin Mừng bằng những hành động nhỏ, kiên trì và âm thầm. Để từng chút một, con cũng có thể yêu như Thầy đã yêu bởi “Giới răn mới – Mới là giới răn”. Amen.

Lm. Giuse Nguyễn Văn Tiến