Chúa Nhật (08-12-2024) – Trang suy niệm

07/12/2024

Lời Chúa Hôm Nay

Chúa Nhật Tuần 2 Mùa Vọng – Năm C

BÀI ĐỌC I: Br 5, 1-9

“Chúa sẽ tỏ bày huy hoàng của Chúa trong ngươi”.

Trích sách Tiên tri Ba-rúc.

Hỡi Giê-ru-sa-lem, hãy cởi áo tang chế và sầu khổ của ngươi, hãy mặc lấy sự huy hoàng và vinh quang đời đời của Chúa mà Chúa ban cho ngươi. Chúa sẽ mặc cho ngươi áo công lý, và đặt vương miện vĩnh cửu trên đầu ngươi. Vì chưng, Chúa sẽ tỏ bày huy hoàng của Chúa trong ngươi cho mọi kẻ trần gian. Vì Thiên Chúa sẽ đời đời gọi tên ngươi là Hoà bình trong công lý và Vinh dự trong hiếu nghĩa.

Hỡi Giê-ru-sa-lem, hãy chỗi dậy, đứng nơi cao, và nhìn về hướng đông. Hãy nhìn con cái ngươi từ đông sang tây họp lại theo lệnh của Ðấng Thánh, họ hân hoan thấy Chúa nhớ đến họ. Họ bị quân thù dẫn đi xa ngươi, nhưng Chúa đã đem họ về cho ngươi trong vinh dự như các hoàng tử. Vì Chúa đã ra lệnh triệt hạ mọi núi cao và mọi đồi từ ngàn xưa, lấp đầy những hố sâu, để trái đất được bằng phẳng, hầu Ít-ra-en vững vàng bước đi cao rao vinh quang Thiên Chúa.

Theo lệnh Chúa, những cánh rừng, những cây có hương thơm, đã cho Ít-ra-en núp bóng, vì Chúa sẽ hân hoan lấy lòng từ bi và công bình của Người dẫn dắt Ít-ra-en đến ánh vinh quang.

Ðó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 125, 1-2ab. 2cd-3. 4-5. 6

Ðáp: Chúa đã đối xử đại lượng với chúng tôi, nên chúng tôi mừng rỡ hân hoan (c. 3).

Xướng: Khi Chúa đem những người Si-on bị bắt trở về, chúng tôi dường như người đang mơ, bấy giờ miệng chúng tôi vui cười, lưỡi chúng tôi thốt lên những tiếng hân hoan. 

Xướng: Bấy giờ dân thiên hạ nói với nhau rằng: Chúa đã đối xử với họ cách đại lượng. Chúa đã đối xử đại lượng với chúng tôi, nên chúng tôi mừng rỡ hân hoan. 

Xướng: Lạy Chúa, xin hãy đổi số phận chúng con, như những dòng suối ở miền nam. Ai gieo trong lệ sầu, sẽ gặt trong hân hoan. 

Xướng: Thiên hạ vừa đi vừa khóc, tay mang thóc đi gieo. Họ trở về trong hân hoan, vai mang những bó lúa. 

BÀI ĐỌC II: Pl 1, 4-6. 8-11

“Anh em hãy ăn ở trong sạch và không đáng trách, cho đến ngày của Ðức Ki-tô”.

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Phi-líp-phê.

Anh em thân mến, luôn luôn trong mọi lời cầu nguyện của tôi, tôi hân hoan khẩn cầu cho tất cả anh em, vì anh em đã thông phần vào việc rao giảng Phúc Âm từ ngày đầu cho tới nay. Tôi tin tưởng rằng Ðấng đã khởi đầu việc lành đó trong anh em, cũng sẽ hoàn tất cho đến ngày của Ðức Giê-su Ki-tô.

Vì Thiên Chúa làm chứng cho tôi rằng: tôi yêu mến tất cả anh em với tâm tình của Ðức Giê-su Ki-tô. Ðiều tôi cầu nguyện bây giờ là lòng bác ái của anh em ngày càng gia tăng trong sự thông biết và am hiểu, để anh em xác định những điều quan trọng hơn, để anh em được trong sạch và không đáng trách cho đến ngày của Ðức Ki-tô, anh em được Ðức Giê-su Ki-tô ban cho dư đầy hoa quả công chính, hầu tôn vinh và ngợi khen Thiên Chúa.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia, alleluia! – Hãy dọn đường Chúa, hãy sửa đường Chúa cho ngay thẳng; và mọi người sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa. – Alleluia.

PHÚC ÂM: Lc 3, 1-6

“Mọi người sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa”.

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Lu-ca.

Ðời hoàng đế Ti-bê-ri-ô năm thứ mười lăm, Phong-xi-ô Phi-la-tô làm toàn quyền xứ Giu-đê-a, Hê-rô-đê làm thủ hiến xứ Ga-li-lê-a, còn em là Phi-líp-phê làm thủ hiến xứ I-tu-rê và Tra-khô-nít; Li-xa-ni-a làm thủ hiến xứ A-bi-lên; An-na và Cai-pha làm thượng tế; có lời Chúa đã kêu gọi Gio-an, con Da-ca-ri-a, trong hoang địa.

Ông liền đi khắp miền sông Gio-đan, rao giảng phép rửa sám hối cầu ơn tha tội, như lời chép trong sách Tiên tri I-sai-a rằng: “Có tiếng kêu trong hoang địa: Hãy dọn đường Chúa, hãy sửa đường Chúa cho ngay thẳng, hãy lấp mọi hố sâu và hãy bạt mọi núi đồi; con đường cong queo hãy làm cho ngay thẳng, con đường gồ ghề hãy san cho bằng. Và mọi người sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa”.

Ðó là lời Chúa.

++++++++++++++++++

08/12/2024 – CHÚA NHẬT TUẦN 2 MV – C

Lc 3,1-6

LỜI MỜI GỌI HOÁN CẢI

Có Lời Chúa phán cùng ông Gio-an trong hoang địa. Ông liền đi… (Lc 3,2-3)

Suy niệm: Bức tranh Gác Đêm của Rembrandt nổi tiếng nhờ độ tương phản giữa màu sáng và màu tối của tuyệt tác này. Để bảo vệ tranh, mỗi thế hệ lại đắp thêm nhiều lớp sơn dầu, khiến màu sáng trở thành mờ tối. Nhờ kỹ thuật xử lý bằng hóa chất, người ta đã phục hồi được nguyên bản. Thế nhưng, lắm người thất vọng thốt lên: “Đây không còn là Rembrant của tôi nữa.” Quá quen nhìn những lớp sơn dầu thêm vào, họ nhận thấy tranh gốc xa lạ và nhạt nhẽo. Cũng vậy, có thể do đọc Lời Chúa qua những lớp ‘sơn dầu’ quen thuộc, ta cảm thấy Lời ấy xa lạ, mất sức mạnh, đôi khi còn gây sốc cho mình. Trong khung cảnh của hoang địa thanh vắng, ông Gio-an có cơ hội thuận tiện để tiếp cận với Lời Chúa. Lời Chúa ông nghe và sống đã thúc đẩy ông trở thành ngôn sứ, nghĩa là thành lời mời gọi người khác nghe và sống theo Lời Ngài.

Mời Bạn: Sứ mạng của các ngôn sứ qua mọi thời đại là “nuôi dưỡng và khơi gợi một ý thức và cảm nhận khác với ý thức và cảm nhận của nền văn hóa trổi vượt chung quanh ta” (Brueggemann). Bạn đang sống trong nền văn hóa tiêu thụ, ý thức và cảm nhận của con người thời đại là đề cao chủ nghĩa cá nhân, mua sắm và hưởng thụ. Lời Chúa hôm nay (qua ngôn sứ Gio-an và I-sai-a) có tạo cho bạn một ý thức và cảm nhận khác với nền văn hóa tiêu thụ không?

Sống Lời Chúa: Hoạch định một chương trình sống mùa Vọng, với ý thức và cảm nhận về những giá trị theo tinh thần Tin Mừng: khó nghèo, chia sẻ, xây dựng hòa bình, hiền lành…

Cầu nguyện: Đọc kinh Lạy Cha, đọc chậm rãi và đặc biệt suy niệm về những “chước cám dỗ” mà bạn dễ vấp phải.

(5 Phút Lời Chúa)

++++++++++++++++++

Suy niệm và cầu nguyện

THẤY ƠN CỨU ĐỘ CỦA THIÊN CHÚA 

Malakhi được coi là vị ngôn sứ cuối cùng của Cựu Ước

Ông viết một lời tiên tri ở cuối cuốn sách của ông:

“Này Ta sai ngôn sứ Êlia đến với các ngươi,

trước khi Ngày của ĐỨC CHÚA đến” (Ml 3,23).

Bởi đó nhiều người Do-thái đã tin và chờ.

Người ta chờ Êlia trở lại để chuẩn bị cho Chúa đến.

Dân Israel đã chờ vị ngôn sứ đó từ năm thế kỷ.

Khi Gioan Tẩy giả xuất hiện, người ta tin ông là Êlia.

 

Nhưng Gioan không xuống từ trời trong cơn gió lốc (2V 2,11). 

Ông được sinh ra bởi một đôi vợ chồng cao niên, hiếm muộn.

Thiên sứ đã báo cho người cha là Dacaria biết về Gioan:

em sẽ được đầy thần khí và quyền năng của Êlia (Lc 1,17).

Dacaria biết con mình sẽ là ngôn sứ của Chúa, 

đi trước Chúa, để dọn đường cho Ngài,

và giúp dân Israel nhận biết ơn cứu độ (Lc 1,76-77).

 

Mỗi lần đến Mùa Vọng, chúng ta lại gặp Gioan Tẩy giả,

một ngôn sứ thích sống trong hoang địa (Lc 1,80). 

Ông đã sống ở đó cho đến khi bắt đầu sứ vụ. 

Người Do-thái vui khi nhận ra ông là ngôn sứ,

vì họ biết Thiên Chúa đã muốn nối lại với Israel

cuộc đối thoại bị cắt đứt qua nhiều thế kỷ.

“Có lời Thiên Chúa phán cùng ông Gioan” (Lc 3,2).

Lời Chúa đến với Gioan như xưa đã đến với các ngôn sứ.

Chính hoang địa là nơi Chúa nói với Gioan

để Gioan nói lại cho dân chúng.

Gioan không nói lời của mình, không làm việc của mình.

Ông là người phát ngôn của Chúa và làm việc cho Chúa.

Ông đã đi khắp vùng ven sông Giođan

kêu gọi người ta đến với ông để lãnh nhận phép rửa. 

Phép rửa này nhằm giúp họ bày tỏ lòng sám hối,

mong được ơn tha tội, làm hòa với Chúa (Lc 3,3).

Gioan ý thức mình là người dọn đường.

Ông nhận ra mình chính là tiếng hô trong hoang địa,

nên ông tâm đắc với lời mời gọi trong sách Isaia:

“Hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa…” (Is 40,3).

Gioan không mời người ta dọn con đường vật chất,

nhưng con đường trong tâm của mình.

Con đường ấy vốn mấp mô, quanh co, lồi lõm.

nay phải làm cho ngay thẳng, phẳng phiu.

Để chuẩn bị con đường như thế, cần hối cải và hoán cải.

Hoán cải là biến đổi tâm của mình, từ đó đổi cả cuộc đời.

Gioan mời người ta đến để ông dìm họ xuống dòng nước.

Dòng nước thanh tẩy và đưa họ vào cuộc sống mới.

 

Thiên Chúa đã cho xuất hiện ngôn sứ Gioan,

vào thời đế quốc Rôma đô hộ người Do-thái.

Thượng tế Kha-nan đã bị Rôma truất phế

để đưa con rể ông là Cai-pha lên thay.

Vào thời ấy, đất Israel bị chia để trị, một phần cho Philatô,

ba phần dành cho ba con trai của Vua Hêrôđê Cả.

Gioan đến vào cái thời hỗn loạn nhiễu nhương như thế,

để chuẩn bị đường cho Đấng Cứu độ, cho Đức Chúa (Lc 2,11).

 

Thời nào Thiên Chúa cũng tặng cho nhân loại những Gioan,

những người dọn đường cho Con Ngài đến.

Gioan can đảm mời gọi người ta hoán cải đổi đời,

và chính ông cũng có can đảm để sống hoán cải.

Con Thiên Chúa đã đến trần gian từ 2000 năm qua,

nhưng thế giới hôm nay vẫn giống với thời của Gioan Tẩy giả,

vẫn cần tự do, cần bình an, cần hạnh phúc.

Bởi đó vẫn cần những người dọn đường như Gioan.

 

LỜI NGUYỆN

Lạy Chúa, con cám ơn Chúa 

về tất cả những điều Chúa đòi hỏi nơi con trong suốt cuộc đời.

Chúc tụng Chúa về thời đại con đang sống.

Chúc tụng Chúa về những giờ phút sướng vui

và những ngày tủi thân buồn bã.

Chúc tụng Chúa về cả những gì

Chúa đã không cho con được hưởng.

 

Lạy Chúa, xin đừng sa thải 

người tôi tớ bất xứng và lười biếng của Chúa đây.

Ôi lạy Chúa khôn ngoan, nhân hậu và yêu thương,

xin đừng đuổi con xa Chúa.

Xin giữ con để con luôn phụng sự Chúa trong suốt đời con.

Xin giữ con để con phục vụ bất cứ điều gì Chúa muốn.

Dù khi mỏi mệt, dù khi chán chường,

con xin Chúa vẫn luôn kiên nhẫn,

để không bao giờ mỏi mệt về con,

và giữ con luôn luôn phụng sự Chúa.

 

Xin Chúa đến giúp con,

ban cho con ơn bắt đầu và lại bắt đầu,

cho con biết cậy trông

cả những khi cùng đường tuyệt vọng,

cho con tin chắc rằng Chúa sẽ thắng,

một chiến thắng huy hoàng nơi con.

Karl Rahner

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

(phutcaunguyen.net)

++++++++++++++++++

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên

8 THÁNG MƯỜI HAI

Mầu Nhiệm Khởi Nguyên

Phụng vụ lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm gợi cho chúng ta suy tư về ‘mầu nhiệm khởi nguyên’. Thực vậy, bài đọc I được trích từ Sách Sáng Thế. Ở đây chúng ta thấy lịch sử cứu độ khởi đầu bằng tội lỗi của người nam và người nữ đầu tiên. Lời tiên báo đầu tiên về Đấng Cứu Thế được ghi lại cho các thế hệ tương lai: Protoevangelium (Tin Mừng tiên khởi).

Thiên Chúa Giavê nói với Thần Dữ dưới lốt con rắn: “Ta sẽ đặt mối thù giữa ngươi và người đàn bà, giữa dòng dõi ngươi và dòng dõi nàng; Người sẽ đạp đầu mi, còn mi sẽ cố cắn gót chân Người” (St 3,15).

Đức Nữ Trinh Vô Nhiễm được giới thiệu như một tương phản của cảnh sa ngã ấy. Vô Nhiễm có nghĩa là tự do khỏi di lụy tội nguyên tổ. Vô nhiễm là sự giải thoát Đức Maria khỏi các hậu quả do sự bất tuân phục của Ađam thứ nhất.

Sự giải thoát ấy được trả giá bằng sự vâng phục của Ađam thứ hai là Đức Kitô. Đúng là nhờ giá này, giá máu cứu độ của Người, mà cái chết thiêng liêng do tội lỗi không thể chạm tới Mẹ của Đấng Cứu Chuộc.

– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –

Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác

LIFT UP YOUR HEARTS

Daily Meditations by Pope John Paul II

+++++++++++++++++

Lời Chúa Trong Gia Đình

Ngày 08/12

CHÚA NHẬT II MÙA VỌNG

Br 5, 1-9; Pl 1, 4-6. 8-11; Lc 3, 1-6.

Lời Suy Niệm: Như có lời chép trong sách ngôn sứ Isaia rằng: “Có tiếng người hô trong hoang địa: Hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa; sửa lối cho thẳng để Người đi. Mọi thung lũng, phải lấp cho đầy, mọi núi đồi, phải bạt cho thấp, khúc quanh co, phải uốn cho ngay, đường lồi lõm, phải phang cho thẳng. Rồi mọi người sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa.” (Lc 3,4-6)

          Cộng đồng dân Chúa đang tiến dần đến ngày Chúa Giáng Sinh với bao niềm hy vọng như dân thành Giêrusalem xưa kia: “Hỡi Giêrusalem, hãy cởi bỏ áo tang khổ nhục và mặc lấy ánh vinh quang vĩnh cửu Thiên Chúa ban cho ngươi, hãy khoác vào mình áo choàng công chính của Thiên Chúa và đội trên đầu triều thiên vinh quang Đấng Vĩnh Hằng ban tặng.” (Br 5,1-2). Để hưởng được những niềm vui hy vọng này, mỗi người phải biết sửa soạn, sắp xếp lại nội tâm của mình để bản thân dễ dàng đến với Chúa và Chúa đến với mình, cũng như dến với người đồng loại mà không phải đi qua những núi đồi kiêu ngạo, những hố sâu chia rẽ hận thù và ích kỷ cùng những quanh co mưu mô gian dối xảo quyệt.

          Lạy Chúa Giêsu, trong cuộc sống của chúng con luôn có Lời Chúa hướng dẫn. Xin ban cho mọi thành viên trong gia đình chúng con luôn biết lắng nghe và vâng phục để trở nên khiêm nhượng và yêu thương đối với nhau và hết thảy mọi người chung quanh chúng con. Amen.

Mạnh Phương

+++++++++++++++++

Gương Thánh Nhân

Ngày 08-12: ĐỨC MARIA VÔ NHIỄM NGUYÊN TỘI

Một trong những lễ đẹp lòng trái tim Mẹ Maria nhất, chắc chắn là lễ vô nhiễm nguyên tội. Thánh lễ này nhằm tôn kính đặc ân riêng cho mẹ là đã được thụ thai trong lòng thánh Anna một cách tinh tuyền không vương tì ố. Thiên Chúa đã giữ gìn Mẹ khỏi tội tổ tông, tội mà vì mọi người chúng ta khi sinh ra đều vướng mắc vì thuộc dòng giống Adam. Đức Maria, do một đặc ân duy nhất, từ lúc hình thai, vẫn luôn tinh tuyền xinh đẹp trước mặt Chúa. Bởi vậy, do ơn thánh và do cuộc sống, Mẹ luôn là đối tượng đẹp mắt Chúa, theo như lời thánh kinh đã được quy về Mẹ: – Mẹ tuyệt mỹ, không hề vương vấn tội tình.

Người ta có thể tự hỏi, làm sao lại có đặc ân này ? Để trả lời cho trường hợp đặc biệt này, chúng ta chạy đến ơn phúc của Chúa Giêsu Kitô. Ơn cứu chuộc của Chúa Kitô đã có sức mạnh toàn năng để cứu nhân loại khỏi tội nguyên tổ, cũng đã giữ gìn cho Mẹ khỏi tội tổ tông. Chắc chắn đây là một phép lạ, nhưng phép lạ này không lạ lùng hơn các điều kỳ diệu trong cuộc đời Đức Mẹ. Hơn nữa, các dặc ân khác Đức Mẹ thụ hưởng mà chúng ta chấp nhận sễ dàng, đều là hiệu quả của ơn vô nhiễm nguyên tội và giả thuyết ơn huệ này, nếu chối bỏ ơn Vô Nhiễm nguyên tội, mỗi biến cố trong cuộc đời Đức Maria đều giả thiết một phép lạ mới, nhưng với ơn vô nhiễm nguyên tội, mọi điều đều có thể giải thích được dễ dàng, vì không vương mắc tội nguyên, Mẹ Maria vượt qua tất cả những gì là hiệu quả và hình phạt do tội gây nên, như tình tư dục, thống khổ và tan rữa sau khi chết. Con người không mắc tội nguyên tổ là một bí ẩn không thể giải thích nổi. Đức Maria, nếu mắc tội nguyên tổ lại còn là một bí ẩn khó giải thích hơn nữa.

Niềm tin vào sự vô nhiễm nguyên tội của Mẹ Maria là một niềm tin không thễ thay đổi. Các nhà thần học đã chứng minh điều đó, các giáo phụ giảng dạy, các nhà giảng thuyết phổ biến… nhưng thời đại của chúng ta được thấy sự vinh quang cao cả này trở thành tín điều trong đức tin Kitô giáo, ngày 8 tháng 12 năm 1854, trước sự hiện diện của 54 hồng y, 42 Đức Tổng giám mục và 92 Đức Giám mục cùng đoàn người đông đảo, vị đại diện Chúa Kitô đã tuyên bố tín điều từ bao thế kỷ đợi trông. Chúng ta kể ra một vài lý do khiến Giáo hội công bố tín điều: Đức Trinh Nữ Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội.

1. Chúa Giêsu Kitô, vì sự thánh thiện của Ngài, phải được sinh ra bởi người mẹ Vô Nhiễm Nguyên tội. Đấng thấy cả tì vết nơi các thiên thần, lại chịu sinh ra từ một thân thể bị nhơ nhớp vì tội lỗi được sao ? Thân xác của Chúa Kitô là xác thân bởi Mẹ Maria. Vậy nếu Mẹ Maria thụ thai trong tội, hẳn Ngài đã thông truyền cho Chúa Giêsu một xác thể bị nhơ uế vì tội lỗi. Quả là một điều ô nhục cho Chúa Giêsu một xác thể bị nhơ uế vì tội lỗi. Quả là một điều ô nhục cho Chúa !

2. Vinh quang của Chúa Giêsu phải giữ cho Mẹ Người khỏi vết nhơ tội nguyên. Mục đích của Chúa Con khi xuống trần gian này là để hủy diệt sự uy quyền của quỉ dữ và tội lỗi. Người đã thắng ma quỉ khi nhờ phép rửa tội, đưa các Kitô hữu ra hỏi vòng tội lỗi, thanh tẩy các tội nhân nhờ phép giải tội. Người đã thắng ma quỉ cả trước khi Người sinh ra, như khi thánh hóa từ lòng mẹ tiên tri Giêrêmia, thánh Gioan tẩy giả, thánh Giuse bạn Đức Trinh Nữ.

Nhưng những chiến thắng này chưa hoàn toàn. Còn một lúc mà quyền lực hỏa ngục khoe khoang rằng: có thể làm cho ơn thánh bị vô hiệu, đó là lúc thụ thai. Vậy sự chiến thắng sẽ hoàn hảo nếu Mẹ Maria được ơn vô nhiễm nguyên tội, đặc ân này thể hiện lời hứa đã được loan báo từ trước: – Ta sẽ đặt hận thù giữa ngươi và người đàn bà, giữa giòng giống ngươi và dòng giống nó. Dòng giống nó sẽ đạp nát đầu ngươi, còn ngươi sẽ táp lại gót chân” (St 3,15).

Niềm tin vào ơn vô nhiễm nguyên tội của Đức Maria đã được chính Đức Mẹ chứng thực. Năm 1858, nghĩa là chỉ bốn năm sau ngày tuyên bố tín điều, Mẹ đã hiện ra tại Lộ Đức và tuyên bố: – Ta là Đấng vô nhiễm nguyên tội ngay từ buổi đầu thai.

Việc mừng trọng thể lễ Đức Trinh nữ Maria Vô nhiễm nguyên tội vào mùa vọng có một ý nghĩa đặc biệt, như mừng “cuộc chuẩn bị căn bản cho Đấng Cứu thế xuất hiện, vầng đông sáng tươi của một Hội Thánh không tì vết” (Marialis Cultus 3)

(daminhvn.net)

+++++++++++++++++

08 Tháng Mười Hai

Thiên Chúa Vẫn Tiếp Tục Yêu Thương

Ðời người, có lẽ ai cũng có một lần trải qua một biến cố lớn trong lịch sử thế giới hay dân tộc…

Một ít cụ già hiện còn sống sót có lẽ đã trải qua cuộc đại chiến thứ nhất. Nhiều người đã có thể chứng kiến những tàn phá khốc liệt của thời đệ nhị thế chiến, cộng với nạn đói kinh hoàng ở Bắc Việt năm 1945. Và đa số chúng ta đã trực tiếp hay gián tiếp chứng kiến không biết bao nhiêu đổi thay, bao nhiêu cuộc chiến trong nước cũng như tại các nước khác trong những năm gần đây… Thêm vào đó, còn có biết bao nhiêu thiên tai và tai nạn khủng khiếp đã xảy ra cho con người.

Chiến tranh và sự sa đọa của con người có lẽ mang lại cho chúng ta cái cảm tưởng rằng sự dữ, tội ác đã lan tràn khắp cả mặt đất; thế giới ngày nay không còn biết đến Thiên Chúa nữa. Cùng với tất cả một đoàn người mà Ðức cố Giáo Hoàng Gioan 23 gọi là “các tiên tri chuyên loan báo thảm họa”, có lẽ chúng ta chỉ nhìn vào thế giới bằng đôi mắt của bi quan, thất vọng, chúng ta chỉ nhìn thấy thảm họa, tang tóc… để rồi loan báo ngày tận cùng của thế giới như kề bên.

Thế giới có tội lỗi đó, thế giới có tang thương đó, thế giới có nhiều thảm họa đó, nhưng chúng ta đừng quên rằng chương trình của Thiên Chúa đang được thực hiện dọc theo chiều dài của lịch sử nhân loại. Giữa hai cực: một bên là sự sa ngã ở khởi đầu lịch sử và một bên là ngày tận cùng của thế giới, đã có cuộc nhập thể làm người của Con Thiên Chúa: Ngài đã làm người ngay giữa lòng của một nhân loại tội lỗi của thời đại Ngài…

Thế giới của chúng ta đầy dẫy tội lỗi, Thiên Chúa vẫn yêu thương thế giới ấy. Thay vì chỉ nhìn thấy hận thù, bạo động và sa đọa dưới mọi hình thức, chúng ta hãy cố đọc được những dấu chỉ của thời đại để thấy rằng Thiên Chúa vẫn luôn có mặt trong lịch sử con người, Thiên Chúa vẫn tiếp tục yêu thương con người.

Mừng lễ Ðức Mẹ Vô Nhiễm nguyên tội, hôm nay Giáo Hội cũng muốn lập lại với chúng ta chân lý ấy: Thiên Chúa đã yêu thương con người và không có gì Thiên Chúa không làm được.
Thiên Chúa đã tạo dựng Mẹ và gìn giữ Mẹ khỏi mọi tỳ vết của tội lỗi. Mẹ là nền tảng của niềm hy vọng của chúng ta, Mẹ là bình minh của nhân loại mới, một nhân loại được Thiên Chúa cứu chuộc và ban cho sức mạnh để vươn lên không ngừng.

Chúng ta hãy chiêm ngắm Mẹ với tất cả niềm cậy trông và lạc quan ấy. Qua Mẹ, Thiên Chúa muốn tỏ bày tình yêu không hề lay chuyển của Ngài cho nhân loại và qua Mẹ, Ngài cũng muốn chúng ta bước đi trong vâng phục và yêu mến, cậy trông.

Thân phận yếu hèn của chúng ta được dệt bằng những vấp ngã và chỗi dậy không ngừng. Chúa ban cho chúng ta một người Mẹ không tỳ vết để chúng ta không ngừng ngước mắt nhìn lên. Chúa ban cho chúng ta một người Mẹ luôn “Thưa, xin vâng!” giữa muôn ngàn đớn đau thử thách, để chúng ta tiếp tục chỗi dậy sau những lần vấp ngã.

Chúng ta hãy nhìn lên Mẹ. Mẹ luôn có đó để giúp chúng ta khỏi vấp ngã và nếu chúng ta có vấp ngã, Mẹ sẽ đỡ chúng ta dậy và giúp chúng ta tiếp tục “Thưa, xin vâng!” với Chúa để chúng ta bước đi theo Chúa Giêsu…

(Lẽ Sống)

++++++++++++++++++

Lời Chúa Mỗi Ngày

Chúa Nhật II – Năm C – Mùa Vọng 

Bài đọc: Bar 5:1-9; Phi 1:4-6, 8-11; Lk 3:1-6.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Sự cần thiết của Thiên Chúa trong cuộc đời con người.

Tình thương và uy quyền của Thiên Chúa vẫn ấp ủ và bảo vệ con người; nhưng để cảm nhận được, con người cần có con mắt đức tin và trái tim đầy tình yêu. Nhiều người nghĩ họ có thể đi tìm vinh quang cho cuộc đời mà không cần biết đến Thiên Chúa; nhưng thực tế đã chứng minh đó chỉ là vinh quang nhất thời, giả tạo, và không mang lại niềm vui cũng như bình an đích thực cho con người.

Các Bài Đọc hôm nay muốn nêu bật tầm quan trọng sự hiện diện của Thiên Chúa trong cuộc sống con người và sự cần thiết phải sửa dọn tâm hồn để có thể lãnh nhận Ngài. Trong Bài Đọc I, tiên-tri Baruch nhận ra sự khờ dại của toàn thể con cái Israel khi họ từ bỏ Thiên Chúa để chạy theo các thần ngoại bang và vinh quang giả tạo của trần thế. Hậu quả là mất nước, Đền Thánh bị phá hủy, và vua quan cũng như dân chúng phải chịu lưu đày cực khổ. Tiên-tri cũng nhận ra tình thương và uy quyền của Thiên Chúa: nếu toàn dân chịu xám hối và ăn năn trở lại, Thiên Chúa sẽ hủy bỏ tang phục mà họ đang mặc trên mình. Ngài sẽ mặc cho họ áo choàng công chính, đội triều thiên vinh quang, và chiếu dọi ánh vinh quang vĩnh cửu của Ngài trên họ. Trong Bài Đọc II, Phaolô, sau khi đã có kinh nghiệm về hạnh phúc của một người được Thiên Chúa hoàn toàn chiếm hữu, đã chia sẻ niềm vui và cầu nguyện cho các tín hữu cũng sẽ được hưởng niềm vui và hạnh phúc như ông; nhưng họ phải hoàn toàn đặt trọn niềm tin yêu nơi Đức Giêsu Kitô và cố gắng sống tinh tuyền thánh thiện trong khi chờ đợi ngày Ngài đến. Trong Phúc Âm, Gioan Tiền Hô được Thiên Chúa trao sứ vụ dọn đường cho Đấng Thiên Sai tới bằng việc kêu gọi con người sửa dọn tâm hồn và thay đổi cuộc sống. Khi Đấng Thiên Sai xuất hiện, chỉ những người đã chuẩn bị tâm hồn sẽ được “nhìn thấy” ơn cứu độ của Thiên Chúa.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Thiên Chúa sẽ cho khắp cả hoàn cầu thấy hào quang rực rỡ của ngươi.

1.1/ Thiên Chúa là Đấng giải thoát con cái Israel: Tác giả của Sách tiên-tri Baruch được nhiều học giả cho là thư ký của tiên-tri Jeremiah. Sách này có thể được viết trong Thời Lưu Đày hay sau đó, khi tác giả có cơ hội suy nghĩ nhiều về tình thương của Thiên Chúa dành cho con cái Israel, dù họ đã bất trung phản bội Ngài.

(1) Thiên Chúa sửa phạt rồi lại xót thương: Tác giả nhìn lại lịch sử Israel và cảm nhận được uy quyền của Thiên Chúa. Ngài điều khiển các thế lực chính trị để sửa phạt và bắt con cái Israel đi lưu đày trước khi cho họ trở về. Mục đích của việc sửa phạt là để mở mắt cho họ nhìn thấy tình thương và uy quyền của Ngài dành cho họ. Sách Baruch có nhiều tư tưởng tương tự với Sách tiên-tri Jeremiah, một trong những điều tương tự là tác giả ví Jerusalem như một người vợ mất chồng là Thiên Chúa, và mất con cái là tất cả dân chúng bị lưu đày. Sự khổ nhục này bị các Dân Ngoại chê trách làm cho niềm đau càng quặn thắt hơn.

Trình thuật hôm nay nói về việc Thiên Chúa sẽ đổi ngược số phận hoàn toàn của bà mẹ Jerusalem trong ngày Ngài ra tay cứu độ. Ngài sẽ cho toàn thể địa cầu nhìn thấy vinh quang của Jerusalem: “Hỡi Jerusalem, hãy cởi bỏ áo tang khổ nhục, và mặc lấy ánh vinh quang vĩnh cửu Thiên Chúa ban cho ngươi; hãy khoác vào mình áo choàng công chính của Thiên Chúa, và đội lên đầu triều thiên vinh quang Đấng Vĩnh Hằng ban tặng. Vì Thiên Chúa sẽ cho khắp cả hoàn cầu thấy hào quang rực rỡ của ngươi.”

Hai bài học quí giá Ngài dạy cho con cái Israel: Thứ nhất, “vinh quang phát xuất từ lòng kính sợ Thiên Chúa.” Tất cả các vinh quang ngoài Thiên Chúa chỉ tạm thời và gây ra mọi nỗi ô nhục cho họ. Thứ hai, “bình an xây dựng trên công chính.” Nếu họ không tuân hành những Lề Luật Thiên Chúa dạy và đối xử công bằng với mọi người, chiến tranh sẽ lan tràn và nhân loại không bao giờ được bình an.

(2) Con cái Israel được trở về vinh quang từ nơi lưu đày: Có hai áp dụng cho lời tiên tri này. Thứ nhất, là cuộc hồi hương của con cái Israel vào năm 538 BC theo chiếu chỉ của hoàng-đế Ba-tư là Cyrus. Cuộc trở về này tuy vui mừng, nhưng không vinh quang huy hoàng như trình thuật diễn tả hôm nay: “Xưa chúng bị quân thù áp giải, phải rời ngươi, không xe không ngựa. Nay Thiên Chúa lại đưa chúng trở về với ngươi, chúng được kiệu đi vinh quang rực rỡ, khác chi một ngai vàng.” Thứ hai, tác giả có lẽ muốn nói tới vinh quang của Israel trong ngày Đấng Thiên Sai ngự đến.

1.2/ Israel phải chuẩn bị để đón Đấng Thiên Sai: Để những điều này xảy ra, con cái Israel phải chuẩn bị tâm hồn, ăn năn xám hối về những lỗi lầm họ đã xúc phạm tới Thiên Chúa, và đặt trọn vẹn niềm tin yêu nơi Ngài. Tác giả viết: “Vì Thiên Chúa đã ra lệnh phải bạt thấp núi cao và gò nổng có tự lâu đời, phải lấp đầy thung lũng cho mặt đất phẳng phiu, để Israel tiến bước an toàn dưới ánh vinh quang của Thiên Chúa.”

Khi Đức Chúa lãnh đạo dân Người trở về, Israel sẽ được thịnh vượng và bình an: “Theo lệnh của Thiên Chúa, rừng xanh và đủ loại quế trầm sẽ toả bóng che rợp Israel, vì Thiên Chúa sẽ dẫn Israel đi trong hoan lạc, dưới ánh sáng vinh quang của Chúa, cùng với lòng từ bi và sự công chính của Người.”

2/ Bài đọc II: Thiên Chúa hoàn tất những gì Ngài đã khởi sự nơi con người.

2.1/ Thiên Chúa khởi sự mọi điều nơi con người: Lá thư gởi cho các tín hữu Philip được viết từ nơi lao tù. Đây là cộng đoàn có thể nói rất được yêu mến bởi thánh Phaolô. Hai điều ngài muốn chia sẻ với họ: Thứ nhất, Thiên Chúa là Đấng bắt đầu hành trình đức tin nơi con người, khi Ngài ban cho con người hiểu được những gì thánh Phaolô rao giảng về Đức Kitô để họ tin vào Ngài. Không những thế Ngài còn nuôi dưỡng và nâng đỡ đức tin của các tín hữu để họ có thể trung thành cho đến hơi thở cuối cùng. Thánh Phaolô xác tín với họ điều này: “Tôi tin chắc rằng: Đấng đã bắt đầu thực hiện nơi anh em một công việc tốt lành như thế, cũng sẽ đưa công việc đó tới chỗ hoàn thành cho đến ngày Đức Giêsu Kitô quang lâm.” Nói cách khác, từ khởi sự cho đến hoàn thành niềm tin của con người đều do bởi ơn thánh của Thiên Chúa. Thứ hai, Thiên Chúa cho con người tham gia vào công cuộc rao giảng Tin Mừng. Theo kinh ngiệm của Phaolô, sứ vụ rao giảng Tin Mừng không phải là một bổn phận; nhưng là một ân huệ Thiên Chúa ban cho các tín hữu được cộng tác với Ngài trong việc làm cho Nước Chúa trị đến.

2.2/ Đời sống công chính là hiệu quả ơn thánh của Thiên Chúa và sự cộng tác của con người: Thánh Phaolô cầu xin 2 điều cho các tín hữu Philipphê:

(1) Thiên Chúa ban lòng mến: Tình yêu của Đức Kitô là động lực thúc đẩy thánh Phaolô và các tín hữu làm mọi sự, ngài nói: “Có Thiên Chúa làm chứng cho tôi: tôi hết lòng yêu quý anh em tất cả, với tình thương của Đức Giêsu Kitô. Điều tôi khẩn khoản nài xin, là cho lòng mến của anh em ngày thêm dồi dào, cùng với kiến thức và tất cả mọi thấu hiểu.”

Lòng mến là điều kiện tiên quyết thúc đẩy việc học hỏi: khi yêu ai hay thích điều gì, con người sẽ tìm mọi cơ hội để tìm hiểu, để biết về điều đó hay người đó hơn. Nếu không có sự thúc đẩy của tình yêu, con người sẽ không bận tâm để tìm hiểu. Càng tìm hiểu bao nhiêu, con người càng có kiến thức nhiều. Khi các tín hữu càng yêu mến Đức Kitô, họ sẽ ra sức tìm hiểu để biết Ngài, và càng hiểu về Đức Kitô bao nhiêu, họ càng thấu hiểu những gì liên quan tới Ngài. Điều này sẽ giúp cho con người nhận ra những sai lầm giả trá của thế gian.

(2) Các tín hữu sống thánh thiện: Đức tin không bao giờ ở mức độ thuần tri thức, nhưng thúc đẩy con người tới chỗ hành động. Lại một lần nữa, thánh Phaolô chứng tỏ ơn cứu độ đến với con người không chỉ bởi niềm tin, nhưng còn tùy thuộc vào việc làm để chứng tỏ niềm tin của các tín hữu. Hai điều các tín hữu phải làm trong khi chờ đợi ngày Đức Kitô quang lâm là phải giữ mình sạch tội, và phải cố gắng để càng ngày càng trở nên tinh tuyền thánh thiện hơn. Chỉ như thế, các tín hữu mới có thể “đem lại hoa trái dồi dào là sống một đời công chính nhờ Đức Giêsu Kitô, để tôn vinh và ngợi khen Thiên Chúa.”

3/ Phúc Âm: Tất cả phải chuẩn bị đường cho Đức Kitô đến.

3.1/ Tình hình chính trị và tôn giáo trong thời Đức Kitô nhập thể: Phần đầu của trình thuật hôm nay, thánh Luca muốn nhấn mạnh đến tính cách lịch sử của biến cố Đức Kitô Nhập Thể trong hậu trường của thế giới:

– Tình hình thế giới: Toàn vùng Cận Đông thời đó đều nằm dưới sự cai trị của đế quốc Rôma, năm thứ mười lăm dưới triều hoàng đế Tiberius.

– Tình hình nước Palestine: Khi Herode Cả chết, ông chia vương quốc thành 3 miền cho 3 con của ông cai trị: Herode Antipas làm tiểu vương miền Galilee, người em là Philíp làm tiểu vương miền Ituraea và Trachonitis, Herode Archelaus điều khiển miền Judah, cùng với Pontius Pilate làm tổng trấn miền Judah.

– Tình hình tôn giáo: Hannah là thượng tế về hưu, nhưng có thế lực rất mạnh. Caiaphas, con rể của Hannah là thượng tế đương quyền; nhưng bị lệ thuộc rất nhiều vào Hannah.

Sống dưới sự đô hộ của đế quốc Rôma, trong thời kỳ đất nước bị chia ba, lại thêm bè phái trong hàng ngũ lãnh đạo tôn giáo; con dân Israel mong đợi Đấng Thiên Sai tới để giải phóng họ khỏi những thế lực này.

3.2/ Sứ vụ của Gioan Tẩy Giả: Trong thời kỳ khó khăn như vậy, Thiên Chúa vẫn nhớ tới con người, Ngài sai Gioan Tẩy Giả tới để mang Tin Mừng cho con người, như trong trình thuật hôm nay: “Có lời Thiên Chúa phán cùng con ông Zachariah là ông Gioan trong hoang địa. Ông liền đi khắp vùng ven sông Jordan, rao giảng, kêu gọi người ta chịu phép rửa tỏ lòng sám hối để được ơn tha tội.”

Bổn phận của Gioan Tẩy Giả được sai tới là để chuẩn bị tâm hồn cho mọi người đón nhận Thiên Chúa. Sứ vụ của ông đã được loan báo trước trong sách ngôn sứ Isaiah: “Có tiếng người hô trong hoang địa: hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi. Mọi thung lũng, phải lấp cho đầy, mọi núi đồi, phải bạt cho thấp, khúc quanh co, phải uốn cho ngay, đường lồi lõm, phải san cho phẳng.”

Không phải ai cũng có khả năng đón nhận món quà vô giá Thiên Chúa gởi đến là Người Con Một của Ngài. Để có thể nhận ra và đón nhận Ngài, con người phải chuẩn bị tâm hồn cùng với ơn thánh của Thiên Chúa. Điều Gioan khuyên dân chúng đây không phải là những chuẩn bị bề ngoài, mà là tâm hồn bên trong. Con người phải loại trừ những kiêu căng, ích kỷ, mọi thứ tham lam… trước khi họ có thể nhận ra ơn cứu độ của Thiên Chúa.”

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

– Thiên Chúa có uy quyền làm mọi sự cho con người. Để được vinh quang của Thiên Chúa chiếu tỏa trong cuộc đời, chúng ta cần phải biết kính sợ và tin tưởng hoàn toàn nơi Ngài.

– Để có thể đón nhận Thiên Chúa, con người cần biết chuẩn bị tâm hồn xứng đáng: tránh xa tội lỗi, luyện tập nhân đức để càng ngày càng trở nên tinh tuyền thánh thiện.

– Ơn cứu độ không chỉ dành cho một dân tộc hay một số người; nhưng mở rộng đến cho mọi dân tộc và mọi người. Chúng ta được mời gọi để cộng tác với Thiên Chúa trong việc mang ơn cứu độ đến cho mọi người.

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

****************