Chúa Nhật (10-07-2022) – Trang suy niệm

09/07/2022

Lời Chúa Hôm Nay

Chúa Nhật Tuần XV Mùa Thường Niên Năm C

BÀI ĐỌC I: Đnl 30, 10-14

“Lời ở sát bên các ngươi, để các ngươi thực thi”.

Trích sách Đệ Nhị Luật.

Môsê nói cùng dân chúng rằng: “Nếu các ngươi nghe tiếng Chúa là Thiên Chúa các ngươi, hãy tuân giữ các giới răn và huấn thị của Người đã được ghi chép trong sách Luật này, hãy trở về cùng Chúa là Thiên Chúa các ngươi hết lòng và hết linh hồn các ngươi. Thánh chỉ ta truyền cho các ngươi hôm nay không quá khó khăn cũng không quá sức các ngươi. Nó không phải ở đâu trên trời, để các ngươi có thể nói: ‘Ai trong chúng tôi có thể lên trời mang luật xuống giảng cho chúng tôi nghe để chúng tôi thực hành được?’ Nó cũng không phải ở bên kia biển, để các ngươi viện lẽ nói rằng: ‘Ai trong chúng tôi có thể vượt biển, và mang nó về cho chúng tôi, để chúng tôi được nghe và thực hành điều đã truyền dạy?’ Nhưng lời ở sát bên các ngươi, nơi miệng các ngươi, trong lòng các ngươi, để các ngươi thực thi”. Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 68, 14 và 17. 30-31. 33-34. 36ab và 37

Đáp: Các bạn khiêm cung, các bạn tìm kiếm Chúa, lòng các bạn hãy hồi sinh (c. 33).

Xướng:

1) Lạy Chúa, con dâng lời nguyện cầu lên Chúa, ôi Thiên Chúa, đây là lúc biểu lộ tình thương. Xin nhậm lời con theo lượng cả đức từ bi, theo ơn phù trợ trung thành của Chúa. Lạy Chúa, xin nhậm lời con vì lòng khoan nhân trắc ẩn, theo lượng cả đức từ bi, xin nhìn đến tấm thân con. – Đáp.

2) Phần con, con đau khổ cơ hàn, lạy Chúa, xin gia ân phù trợ bảo toàn thân con. Con sẽ xướng bài ca ngợi khen danh Chúa, và con sẽ chúc tụng Ngài với bài tri ân. – Đáp.

3) Các bạn khiêm cung, hãy nhìn coi và hoan hỉ, các bạn tìm kiếm Chúa, lòng các bạn hãy hồi sinh: vì Chúa nghe những người cơ khổ và không chê bỏ con dân của Người bị bắt cầm tù. – Đáp.

4) Vì Thiên Chúa sẽ cứu độ Sion, Người sẽ tái thiết thành trì của Giuđa, con cháu của bầy tôi Chúa sẽ thừa hưởng đất này, và tại đây những người yêu danh Chúa sẽ định cư. – Đáp.

BÀI ĐỌC II: Cl 1, 15-20

“Mọi vật đã được tạo thành nhờ Người và trong Người”.

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côlôxê.

Đức Giêsu Kitô là hình ảnh của Thiên Chúa vô hình, là trưởng tử mọi tạo vật; vì trong Người muôn loài trên trời dưới đất đã được tác thành, mọi vật hữu hình và vô hình, dù là các Bệ thần hay Quản thần, dù là Chủ thần hay Quyền thần: Mọi vật đã được tạo thành nhờ Người và trong Người. Và Người có trước mọi loài và mọi loài tồn tại trong Người. Người là đầu thân thể tức là Hội thánh, là nguyên thuỷ và là trưởng tử giữa kẻ chết, để Người làm bá chủ mọi loài. Vì chưng, Thiên Chúa đã muốn đặt tất cả viên mãn nơi Người. và Thiên Chúa đã giao hoà vạn vật nhờ Người và vì Người; nhờ máu Người đổ ra trên thập giá, Thiên Chúa ban hoà bình trên trời dưới đất. Đó là lời Chúa.

ALLELUIA: Lc 19, 38

Alleluia, alleluia! – Chúc tụng Đức Vua, Đấng nhân danh Chúa mà đến, bình an trên trời và vinh quang trên các tầng trời. – Alleluia. 

PHÚC ÂM: Lc 10, 25-37

“Ai là anh em của tôi?”

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, có một người thông luật đứng dậy hỏi thử Chúa Giêsu rằng: “Thưa Thầy, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời”. Người nói với ông: “Trong Lề luật đã chép như thế nào? Ông đọc thấy gì trong đó?” Ông trả lời: “Ngươi hãy yêu mến Chúa là Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết sức và hết trí khôn ngươi, và hãy thương mến anh em như chính mình”. Chúa Giêsu nói: “Ông đã trả lời đúng, hãy làm như vậy và ông sẽ được sống”. Nhưng người đó muốn bào chữa mình, nên thưa cùng Chúa Giêsu rằng: “Nhưng ai là anh em của tôi?” Chúa Giêsu nói tiếp:

“Một người đi từ Giêrusalem xuống Giêricô, và rơi vào tay bọn cướp; chúng bóc lột người ấy, đánh nhừ tử rồi bỏ đi, để người ấy nửa sống nửa chết. Tình cờ một tư tế cũng đi qua đường đó, trông thấy nạn nhân, ông liền đi qua. Cũng vậy, một trợ tế khi đi đến đó, trông thấy nạn nhân, cũng đi qua. Nhưng một người xứ Samaria đi đường đến gần người ấy, trông thấy và động lòng thương. Người đó lại gần, băng bó những vết thương, xức dầu và rượu, rồi đỡ nạn nhân lên lừa mình, đưa về quán trọ săn sóc. Hôm sau, lấy ra hai quan tiền, ông trao cho chủ quán mà bảo rằng: ‘Ông hãy săn sóc người ấy và ngoài ra, còn tốn phí hơn bao nhiêu, khi trở về, tôi sẽ trả lại ông’. Theo ông nghĩ, ai trong ba người đó là anh em của người bị rơi vào tay bọn cướp?” Người thông luật trả lời: “Kẻ đã tỏ lòng thương xót với người ấy”. Và Chúa Giêsu bảo ông: “Ông cũng hãy đi và làm như vậy”. Đó là lời Chúa.

(thanhlinh.net)

++++++++++++++++++

10/07/2022 – CHÚA NHẬT TUẦN 15 TN – C

Lc 10,25-37

NHÂN HẬU LÀ BIẾT THƯƠNG XÓT

“Ai là người thân cận với người với người đã bị rơi vào tay kẻ cướp?… Chính là kẻ đã thực thi lòng thương xót đối với người ấy.” (Lc 10,36-37)

Suy niệm: Trong bối cảnh người Do Thái và cư dân miền Sa-ma-ri đang coi nhau như thù địch, dù họ có chung một tổ phụ, Chúa Giê-su đưa ra câu chuyện một người Sa-ma-ri để làm mẫu gương về lòng nhân hậu. Trong khi những bậc chức sắc của đạo Do Thái nhắm mắt làm ngơ trước người bị cướp trấn lột, và bị đánh đập nằm bên đường “dở sống dở chết” thì một người Sa-ma-ri đi ngang qua, gạt bỏ mọi định kiến, chỉ thấy trước mắt mình đây là một người anh em đáng thương, đang cần được giúp đỡ. Bất chấp nguy hiểm, ông dừng lại, và ngay lập tức, ông có những hành động cụ thể để sơ cứu, và còn gửi nạn nhân ở lại nơi quán trọ để tiếp tục chăm sóc.

Mời Bạn: Để trả lời cho câu hỏi của người thông luật: ai là người thân cận mà ta phải yêu thương, Chúa Giê-su kể câu chuyện người Sa-ma-ri nhân hậu với lời kết: “Hãy đi và làm như vậy.” Nhân hậu là biết xót thương không chỉ bằng lời lẽ mà bằng việc làm cụ thể. Một chút lắng lòng xem ta có dám trả giá khi chọn lựa làm điều tốt? Có dám tháo dỡ mọi rào cản của tự ái, sự thù hận để yêu thương và giúp đỡ anh chị em? Có dám gánh cịu những phiền toái, hệ luỵ, thậm chí những thiệt thòi khi dấn thân phục vụ tha nhân?

Sống Lời Chúa: Chuyên cần “làm việc thiện, không sờn lòng nản chí” (x. 2Tx 3,13), đặc biệt, đối với người mình không mấy thiện cảm.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, con cảm tạ Chúa luôn dùng mọi cách dạy chúng con sống yêu thương để trở thành chứng nhân của lòng thương xót Chúa ở giữa thế gian. Amen.

(5 Phút Lời Chúa)

++++++++++++++++++

Suy niệm và cầu nguyện

SUY NIỆM

Một người thông luật đứng lên hỏi để thử Thầy Giêsu:

“Tôi phải làm gì để được sống đời đời.”

Thật ra ông đã biết câu trả lời rồi, và đã trả lời đúng.

Phải yêu Thiên Chúa với trọn cả con người mình,

và yêu người thân cận như chính mình (Đnl 6,5; Lv 19,18).

Thầy Giêsu bảo ông: “Cứ làm như vậy thì ông sẽ sống.”

Người thông luật muốn cho thấy mình có lý

nên hỏi lại Thầy Giêsu: “Ai là người thân cận của tôi?”

Ông muốn xin Thầy soi sáng về ý niệm “người thân cận.”

vì ông cần xác định người thân cận là ai, trước khi yêu.

 

Thầy Giêsu đã kể một dụ ngôn để trả lời câu hỏi của ông.

Khung cảnh là con đường từ Giêrusalem xuống Giêricô.

Đây là một con đường quanh co, vắng vẻ và nguy hiểm.

Cướp bóc, trấn lột vẫn thường xảy ra ở đây,

nên không lạ gì khi có một người bị cướp nằm bên đường.

Anh ta từ Giêrusalem xuống nên có thể anh là người Do-thái.

Nhưng nhìn bề ngoài thì chẳng biết anh là ai,

vì quần áo của anh bị lột sạch, nằm mê man, không nói được.

Có một tư tế cũng từ Đền Thờ đi xuống con đường ấy.

Khi thấy nạn nhân, ông tránh qua bên kia mà đi.

Một thầy Lêvi đến chỗ đó, thấy, cũng tránh qua bên kia.

Cả hai mới làm xong việc phụng tự ở Đền thờ.

Chúng ta không rõ tại sao hai vị này lại tránh như vậy.

Vì họ không muốn mất thì giờ, vì sợ bọn cướp còn đâu đây,

hay vì họ sợ mình có thể bị ô nhơ nếu chạm vào xác chết ?

Dù sao thì cả hai đều thấy nạn nhân, nhưng không dừng lại.

Người thứ ba là một người Samari.

Ông không phải là người Do-thái mới đi lễ ở Giêrusalem về,

vì dân Samari có đền thờ riêng ở trên núi Garidim.

Như vị tư tế và thầy Lêvi, ông này cũng thấy nạn nhân,

nhưng ông không tránh qua bên kia như họ.

Chính lòng xót thương kéo ông lại gần và lo cấp cứu.

Trước hết là sát trùng bằng rượu, rồi xức dầu cho dịu đau,

cuối cùng là băng bó các vết thương.

Ông không thể để nạn nhân nằm ở đây, nên đã đưa lên lừa,

đem về quán trọ mà săn sóc cả ngày hôm ấy,

rồi trao tiền để chủ quán lo cho đến khi bình phục.

 

Dụ ngôn trên của Đức Giêsu vang vọng cho đến tận thế,

vì thế giới của chúng ta lúc nào cũng có những nạn nhân.

Thế giới cần những người Samaria có lòng thương xót.

Không giúp ai đó vì họ gần mình, nhưng vì họ cần mình.

Không giúp ai đó vì họ gần mình, nhưng vì mình lại gần họ.

Như thế nên đổi câu hỏi: “Ai là người thân cận của tôi?”

thành câu hỏi: “Tôi là người thân cận của ai?”

Tôi không đi tìm người thân cận với tôi để giúp đỡ,

nhưng tôi giúp ai, thì người đó thành người thân cận với tôi.

Dụ ngôn trên cho ta một lối hiểu mới về tình yêu với tha nhân.

Khi nhìn người Samari săn sóc kẻ bị trấn lột nằm trên đường,

chúng ta hiểu tình thương có thể vượt qua mọi ngăn cách

của chủng tộc, văn hóa, tôn giáo, chính trị, oán thù…

Khi thương một người, dù là kẻ thù không đội trời chung,

ta chỉ thấy người đó là một nhân vị, đáng quý, đáng trọng.

đáng cho ta ta hy sinh thời gian và công sức.

 

Đức Thánh Cha Phanxicô, trong Thông điệp Fratelli Tutti,  

đã dành cả chương Hai để nói về dụ ngôn quan trọng này.

Thế giới chúng ta đang sống là một thế giới bị thương,

như người bị cướp, nằm đó nửa sống nửa chết.

Có bao nhiêu mối đe dọa sự sống loài người

như biến đổi khí hậu, chiến tranh, dịch bệnh, nghèo đói…

Nhiều thứ bạo lực đến từ lòng độc ác của con người.

Con người vẫn vui vẻ giết nhau bằng thứ vũ khí mới nhất,

vẫn lãnh đạm, dửng dưng trước khổ đau của anh em.

“Ông hãy làm như vậy”, hãy làm như người Samari.

Thế giới hôm nay vẫn cần những người Samari biết bao!

 

LỜI NGUYỆN

 

Lạy Chúa,

các dòng sông không uống nước của chính mình,

cây cũng không ăn trái của nó,

mặt trời không chiếu sáng cho bản thân,

và hoa không tỏa hương cho mình thưởng thức.

 

Sống vì người khác là quy luật tự nhiên.

Chúa dựng nên chúng con là để sống cho nhau,

nhờ đó chúng con lớn lên thành con cái Chúa.

Xin cho chúng con sống và để cho người khác sống,

tìm hạnh phúc cho mình,

nhưng cũng biết làm cho người khác hạnh phúc.

Xin cho chúng con đừng chữa lành nỗi đau của mình

bằng cách gây tổn thương cho người khác.

 

Lạy Chúa,

chúng con tự hào về những tiến bộ khoa học kỹ thuật,

nhưng thế giới chúng con đang sống lại thụt lùi về tình yêu.

Con người sống như con sói với người khác.

Xin cho chúng con đừng đối xử tàn ác với nhau,

trong gia đình, ngoài xã hội và trên thế giới.

Cho chúng con luôn thấy khuôn mặt Chúa nơi anh em.

(Gợi hứng từ Đức Thánh Cha Phanxicô)

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

(phutcaunguyen.net)

++++++++++++++++++

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên

10 THÁNG BẢY

Hậu Quả Cay Đắng

Của Sự Tự Do Sai Quấy

Trên hành trình đào sâu nhận thức về mầu nhiệm quan phòng của Thiên Chúa, chúng ta thường phải đối diện với vấn nạn này: Nếu Thiên Chúa hiện diện và điều hành mọi sự, thì làm sao con người có thể tự do được? Và nhất là, đâu là ý nghĩa và vai trò của tự do trong đời sống chúng ta? Và đâu là hậu quả cay đắng của tội lỗi gây ra do sự tự do sai quấy? Làm sao có thể hiểu tất cả những điều này trong ánh sáng của sự quan phòng thần linh?

Chúng ta hãy nhớ lại giáo huấn của Công Đồng Vatican I: “Tất cả những gì Thiên Chúa đã tạo thành thì Ngài giữ gìn và điều khiển với sự quan phòng của Ngài – sự quan phòng mở rộng từ chân trời này đến chân trời kia và cai quản mọi sự một cách tốt đẹp (Kn 8,1). Mọi sự đều phơi bày rõ ràng trước mắt Ngài (Dt 4,13), kể cả những gì diễn ra trong sáng kiến tự do của tạo vật” (DS 3003).

Mầu nhiệm quan phòng thần linh tác động trên tất cả thế giới tạo vật một cách thâm sâu. Trong tư cách là một diễn tả của sự khôn ngoan vĩnh cửu của Thiên Chúa, kế hoạch quan phòng đến trước chính công cuộc sáng tạo. Trong tư cách là một diễn tả quyền lực của Thiên Chúa, nó hướng dẫn và triển khai công cuộc ấy. Một cách nào đó, chúng ta thậm chí có thể nói rằng sự quan phòng được thực hiện trong chính công việc của nó. Đó là một sự quan phòng siêu việt, nhưng đồng thời nó cũng hiện diện trong mọi sự. Điều này áp dụng cho giáo huấn của Giáo Hội mà chúng ta vừa mới nhắc lại trên đây, nhất là khi vận dụng vào con người với lý trí và tự do của mình.

– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –

Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác

LIFT UP YOUR HEARTS

Daily Meditations by Pope John Paul II

+++++++++++++++++

Lời Chúa Trong Gia Đình

NGÀY 10/7

CHÚA NHẬT XV THƯỜNG NIÊN

Đnl 30, 10-14; Cl 1, 15-20; Lc 10, 25-37.

LỜI SUY NIỆM: Ông ấy thưa: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực, và hết trí khôn ngươi, và yêu người thân cận như chính mình… Nhưng ông ấy muốn chứng tỏ là mình có lý, nên mới thưa cùng Đức Giêsu  rằng: “Ai là người thân cận của tôi?”

Trong dụ ngôn người Sa-ma-ri tốt lành Chúa Giêsu hỏi thông luật: “Vậy theo ông nghĩ, trong ba người đó, ai đã tỏ ra là người thân cận với người đã bị rơi vào tay kẻ cướp? Người thông luật trả lời: chính là kẻ đã thực thi lòng thương xót đối với người ấy” (Lc 10,36-37).

Đứng trước câu hỏi của Chúa Giêsu, ai cũng có thể trả lời một cách chính xác, và hoàn hảo như người thông luật. Nhưng trong thực tế của cuộc sống con người thì không dễ chút nào. Bởi trong mỗi một con người ai ai cũng có lòng trắc ẩn khi thấy tình cảnh đó, nhưng từ lòng trắc ẩn cho đến hành động thương xót và cứu giúp thì nó lại là một khoảng cách quá dài, do những suy nghĩ, những tính toán về an toàn cho bản thân, cho túi tiền, thời giờ và công việc của mình; để rồi làm lơ, bỏ qua.

Lạy Chúa Giêsu. Xin ban cho chúng con sức mạnh tình yêu trong trái tim, hầu giúp chúng con thực hiện lòng trắc ẩn, mỗi khi đứng trước những khổ đau của người anh em đang cần đến sự hy sinh, giúp đỡ của chúng con.

Mạnh Phương

+++++++++++++++++

10 Tháng Bảy

Lời Lãi Cả Thế Gian Ðể Làm Gì? 

Có một lý tưởng để đeo đuổi, có một hướng đi cho cuộc đời: đó là nguồn hạnh phúc lớn lao cho con người.

Thông thường, những kẻ than thân trách phận, những con người bất mãn trong cuộc sống, những kẻ chán đời, không phải là những kẻ nghèo khổ, những người kiếm cơm kiếm gạo từng ngày, mà chính là những con người dư dả, giàu sang.

Thi sĩ Anh, Lord Byron, mặc dù sống trên nhung lụa, vẫn than thở: “Sâu bọ, ruồi nhằn, khổ đau là thức ăn hằng ngày của tôi”. Văn sĩ nổi tiếng của Pháp là Voltaire, mặc dù có một đời sống phú túc và danh tiếng vẻ vang, vẫn phải thốt lên: “Tận cùng của cuộc sống ấy là buồn thảm, khoảng giữa của cuộc sống là vô nghĩa và khởi đầu của cuộc sống ấy là thô bỉ… Phải chi tôi đừng sinh ra thì hơn”.

Talleyrand, một nhà chính trị nổi tiếng của Pháp vào thế kỷ thứ 19, sau một quãng đời sống trong nhung lụa và vinh quang, đã ghi lại trong tập nhật ký của mình nhân ngày sinh 83 như sau: “83 năm của đời tôi đã đi qua, không để lại một kết quả nào khác hơn là mệt mỏi, trong thể xác lẫn tâm hồn, một nỗi đắng cay khi nhìn về tương lai và chán chường khi nhìn lại quá khứ”.

Tại sao những con người trên đây đã tỏ ra đắng cay và thất vọng về cuộc sống? Thưa là bởi vì họ đã không tìm ra được mục đích của cuộc đời. Một cuộc đời không có mục đích thì chẳng khác nào một công trình xây dựng không đồ án. Với tất cả mọi vật liệu, nhưng nếu không có đồ án, người ta không thể kiến thiết được bất cứ công trình nào.

Một cuộc sống không có mục đích, một cuộc sống không có lý tưởng thường cũng chỉ kéo theo cay đắng, buồn sầu, bất mãn… Chúa Giêsu đã chẳng nói với chúng ta: “Lời lãi cả thế gian để làm gì, nếu để mất linh hồn?”.Phúc cho những ai có tinh thần nghèo khó, phúc cho những ai hiền lành, phúc cho những ai khóc lóc, phúc cho những ai đói khát công chính, phúc cho những ai có lòng thương xót, phúc cho những ai có lòng trong sạch, phúc cho những ai kiến tạo hòa bình, phúc cho những ai bị bách hại vì Nước Trời… Trước khi công bố Hiến Chương của Hạnh Phúc ấy, Chúa Giêsu hẳn phải là con người hạnh phúc. Hạnh phúc đối với Chúa Giêsu không có nghĩa là không có nước mắt và đau khổ. Hạnh phúc đối với Chúa Giêsu không có nghĩa là được mọi may mắn trên cõi đời này. Hạnh phúc đối với Chúa Giêsu không có nghĩa là thành công trong cuộc sống này.

Ngài đã sống như một con người đau khổ. Ngài đã không trốn chạy khỏi đau khổ. Ngài đã không cất lấy đau khổ khỏi cuộc đời này.

Hạnh phúc của Ngài chính là tiếp nhận đau khổ, là đi vào cõi chết, nhưng không tiếp nhận đau khổ và đi vào cõi chết như một ngõ cụt, trái lại khai thông con đường dẫn đến sự sống. Cuộc đời đã có một hướng đi. Cuộc đời đã có một ý nghĩa, và đó chính là nguồn hạnh phúc đích thực của con người.

(Lẽ Sống)

++++++++++++++++++

Lời Chúa Mỗi Ngày

Chúa Nhật 15 – Năm C – Thường Niên 

Bài đọc: Deut 30:10-14; Col 1:15-20; Lk 10:25-37.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Phải làm gì để được sống và sống đời đời?

 Đạo Công Giáo không chỉ dạy đâu là mục đích tối hậu của đời người, mà còn dạy rất rõ ràng làm sao để đạt được mục đích đó. Thực ra, những lời dạy này đã có từ thời Cựu Ước; nhưng con người không nắm được những lời dạy chính yếu, nên cứ tập trung vào những điều phụ thuộc. Khi Chúa Giêsu đến, Ngài chỉ rõ những điều phải làm, như trong Phúc Âm hôm nay.

Các bài đọc hôm nay tập trung trong việc tìm ra con người phải làm gì để đạt được cuộc sống đời đời. Trong bài đọc I, trong Sách Đệ Nhị Luật, Moses đã dạy cho con cái Israel là phải: “nghe và giữ những mệnh lệnh và thánh chỉ Người ghi trong sách Luật… và trở về với Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, hết lòng hết dạ.” Trong bài đọc II, tác giả Thư Colossians khuyên phải tin vào Thánh Tử Giêsu, vì “nhờ máu Người đổ ra trên thập giá, Thiên Chúa đã đem lại bình an cho mọi loài dưới đất và muôn vật trên trời.” Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu trả lời: “phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực, và hết trí khôn ngươi, và yêu mến người thân cận như chính mình.” Ngài cũng đưa một ví dụ cụ thể để chứng minh như thế nào là yêu người đích thực.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Anh em hãy nghe tiếng Đức Chúa và giữ những mệnh lệnh và thánh chỉ của Người.

1.1/ Những gì phải làm đã được ghi rõ trong Sách Luật.

Nhiều học giả cho những lời này của Sách Đệ Nhị Luật có thể là những lời của bài giảng của một kinh sư trong Thời Lưu Đày. Ông nhắc lại cho dân chúng: điều kiện để được Thiên Chúa bảo vệ và chúc lành là họ phải tuân giữ những mệnh lệnh và thánh chỉ của Thiên Chúa ghi trong Sách Luật, họ phải thành tâm trở về với Đức Chúa là Thiên Chúa duy nhất của họ.

Thiên Chúa không bao giờ truyền cho con người làm chuyện không thể. Đây là những điều con người có thể làm được, chứ không vượt quá sức lực của con người. Điều tối cần là con người phải đặt niềm tin vào Thiên Chúa. Họ phải tin chắc những gì Thiên Chúa hứa Ngài sẽ thực hiện.

1.2/ Con người có khả năng nhận ra, thấu hiểu và thi hành được.

Truyền thống Do-thái rất hãnh diện về Lề Luật. Họ tin không có một thần nào trên thế gian có uy quyền và thương dân đến độ thân hành hiện ra và ban cho dân chúng Lề Luật. Hơn nữa, Thiên Chúa của họ là Đấng dựng nên và quan phòng trời đất, vì vậy, biết được sự khôn ngoan của Ngài qua Lề Luật là biết được những gì đưa sự sống và tránh được những gì đưa tới cái chết. Thánh Vịnh 119 là một ví dụ biểu tỏ niềm tin này.

Trong trình thuật hôm nay, tác giả lặp lại việc Thiên Chúa thân hành ban Lề Luật cho họ: “Mệnh lệnh đó không ở trên trời, khiến anh em phải nói: “Ai sẽ lên trời lấy xuống cho chúng tôi và nói cho chúng tôi nghe, để chúng tôi đem ra thực hành?” Mệnh lệnh đó cũng không ở bên kia biển, khiến anh em phải nói: “Ai sẽ sang bên kia biển lấy về cho chúng tôi và nói cho chúng tôi nghe, để chúng tôi đem ra thực hành?” Thật vậy, lời đó ở rất gần anh em, ngay trong miệng, trong lòng anh em, để anh em đem ra thực hành.” Tác giả có ý muốn nói họ đọc Lề Luật và suy niệm chúng mỗi ngày. Họ chỉ thiếu một điều là đem chúng ra thực hành thì sẽ được Thiên Chúa chúc lành và bảo vệ.

2/ Bài đọc II: Nhờ máu Người đổ ra trên thập giá, Thiên Chúa đã đem lại bình an.

2.1/ Thiên Chúa tạo dựng mọi sự qua Ngôi Lời

Nhiều học giả cho Colossians 1:9-14 là một Bài Thánh Ca cổ, được hát trong lúc hội họp hay thờ phượng trong những cộng đoàn tiên khởi để ca tụng Đức Kitô, Ngôi Lời của Thiên Chúa. Có học giả còn cho nguồn gốc của Bài Thánh Ca là để chống lại chủ thuyết Thuần Tri (Gnosticism) rất thịnh hành thời đó trong quốc gia Hy-lạp. Nhưng một sự so sánh giữa những gì Giáo Hội dạy và những gì thuyết Thuần Tri chủ trương, cho thấy sự đối nghịch hoàn toàn với chủ thuyết Thuần Tri.

(1) Đức Kitô là Thánh Tử, là Ngôi Lời (Logos), là hình ảnh (eikon) của Thiên Chúa vô hình; đến nỗi có thể nói: thấy Đức Kitô là thấy Thiên Chúa (Jn 14:9). Chủ thuyết Thuần Tri cho Đức Kitô tuy cao hơn các tạo vật, nhưng không phải là Thiên Chúa vì mang trong mình chất liệu của con người; chỉ có Thiên Chúa là hoàn toàn không lệ thuộc vật chất.

(2) Đức Kitô là Trưởng Tử sinh ra trước mọi loài thọ tạo: Ngài là Lời, là sự khôn ngoan của Thiên Chúa. Trong trình thuật về tạo dựng của Sách Sáng Thế, Thiên Chúa tạo dựng bằng cách phán: “Hãy có!” tức thì mọi vật liền có. Do Ngôi Lời mà muôn vật được tạo thành, và không có Ngài, chẳng có vật gì được tạo thành (Jn 1:3). Thuyết Thuần Tri không cho Thiên Chúa tạo dựng thế giới, mà thế giới được tạo thành bởi một vị thần ác, đối nghịch với Thiên Chúa. Thần này muốn hủy hoại công trình của Thiên Chúa.

(3) Thiên Chúa quan phòng mọi sự qua Đức Kitô vì Ngài là chính sự khôn ngoan của Thiên Chúa: “Tất cả đều tồn tại trong Người.” Thuyết Thuần Tri cho vũ trụ tồn tại nhờ chính nó.

2.2/ Thiên Chúa cứu chuộc và hòa giải qua Ngôi Lời.

(1) Đức Kitô cứu chuộc con người: bằng cách đổ máu để thanh tẩy tội lỗi, làm cho con người khỏi chết, và cho con người được sống đời đời với Thiên Chúa bằng sự phục sinh vinh hiển của Ngài. Thuyết Thuần Tri cho con người được giải thoát khỏi nô lệ cho vật chất và đoàn tụ với Thiên Chúa nhờ kiến thức đặc biệt và bí mật, mà chỉ có họ mới có thể cung cấp cho con người.

(2) Đức Kitô hòa giải con người với Thiên Chúa và với nhau: Ngài hòa giải con người bằng việc chấp nhận cái chết trên Thập Giá. Nhờ sự hòa giải này, con người có được sự bình an.

Thuyết Thuần Tri không tin vào tội lỗi và vào sự hòa giải, vì Thiên Chúa không thay đổi và con người luôn xấu xa vì bị giam cầm trong thân xác.

Tại sao Thiên Chúa cho Đức Kitô vào thế gian? Tác giả Thư Do Thái cho chúng ta một lý do: Mặc dù Thiên Chúa đã mặc khải nhiều lần và dưới nhiều hình thức qua các tiên tri, nhưng con người vẫn chưa lĩnh hội hết được. Chúng ta có thể thấy rõ những điều này nơi các kinh sư và biệt phái khi họ tranh luận với Chúa Giêsu. Đức Kitô là mặc khải toàn vẹn của Thiên Chúa. Ngài mang lấy thân xác con người để truyền thông cho con người những gì Ngài thấy nơi Thiên Chúa. Hơn nữa, Ngài mang thân xác để gánh chịu hình phạt của tội lỗi thay cho con người, để con người được hòa giải với Thiên Chúa, và lãnh nhận ơn cứu độ là cuộc sống đời đời. Vì thế, để đạt được cuộc sống đời đời, Đức Kitô đòi hỏi người nghe phải tin vào Ngài. Đây cũng chính là thánh ý của Thiên Chúa (Jn 6:39-40).

3/ Phúc Âm: Mến Chúa và yêu người hết lòng.

3.1/ Phải làm gì để được sự sống đời đời?

Đây là câu hỏi rất quan trọng và thực tiễn của cuộc đời. Người hỏi là thầy thông luật, tuy ông đã biết câu trả lời nhưng vẫn hỏi để thử Chúa Giêsu. Thay vì cho ông câu trả lời, Chúa Giêsu hỏi lại ông: “Trong Luật đã viết gì? Ông đọc thế nào?” Ông ấy thưa: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực, và hết trí khôn ngươi, và yêu mến người thân cận như chính mình.” Đức Giêsu bảo ông ta: “Ông trả lời đúng lắm. Cứ làm như vậy là sẽ được sống.” Câu trả lời của người luật sĩ là tổng hợp của hai đoạn trong Sách Luật đã có sẵn trong Cựu Ước: Deuteronomy 6:5 và Leviticus 19:18.

3.2/ Ai là người thân cận của tôi?

Người Do-thái không phải không biết những gì Luật dạy; nhưng điều họ thiếu là thi hành Luật, nhất là cho những người mà họ từ chối nhận là “thân cận.”

Tuy Jericho cách Jerusalem khỏang 20 dặm nhưng độ cao khác biệt là 3,600 ft. Đây là đọan đường rất nguy hiểm vì lối đi hẹp và có rất nhiều hang động, chỗ ẩn của trộm cướp. Rất ít ai dám đi một mình trên quãng đường này. Người bị đánh trọng thương rất có thể là người Do-thái vì đi từ Jerusalem xuống. Chúa Giêsu liệt kê ra 3 lọai người và phản ứng của họ khi nhìn thấy người bị thương:

(1) Thầy tư tế: là người Do-thái. Lý do tại sao ông tránh có thể vì sợ sẽ bị không sạch trong 7 ngày (Num 19:11); nếu động tay vào xác chết, và sẽ không được phục vụ trong Đền Thờ. Ông đặt việc tế tự trên lòng thương xót khi ông tránh qua bên kia mà đi.

(2) Thầy Lêvi: cũng là người Do-thái. Nhiệm vụ của các Lêvi là phục vụ cung điện nơi Hòm Bia của Thiên Chúa ngự. Giống như tư tế ở trên, ông có lẽ cũng sợ bị không sạch, nên tuy cũng thấy người bị trọng thương, nhưng rồi cũng tránh qua bên kia mà đi.

(3) Người Samaria xem người Do-Thái như thù địch và không muốn chung chạ gì với họ. Nhưng khi thấy người bị trọng thương, người Samaria không để ý đến nạn nhân là người Do-thái hay không, ông chạnh lòng thương nạn nhân đau khổ: một niềm thương xót giữa người với người.

Ông ta lại gần, lấy dầu lấy rượu đổ lên vết thương cho người ấy và băng bó lại, rồi đặt người ấy trên lưng lừa của mình, đưa về quán trọ mà săn sóc. Hôm sau, ông lấy ra hai quan tiền, trao cho chủ quán và nói: “Nhờ bác săn sóc cho người này, có tốn kém thêm bao nhiêu, thì khi trở về, chính tôi sẽ hoàn lại bác.”

3.3/ Chúa Giêsu hỏi thầy thông luật: “Vậy theo ông nghĩ, trong ba người đó, ai đã tỏ ra là người thân cận với người đã bị rơi vào tay kẻ cướp?” Người thông luật trả lời: “Chính là kẻ đã thực thi lòng thương xót đối với người ấy.” Đức Giêsu bảo ông ta: “Ông hãy đi, và cũng hãy làm như vậy.” Qua câu truyện, Chúa Giêsu nhấn mạnh đến việc làm, chứ không phải chỉ biết mà thôi; và khi làm, Chúa đòi làm cho tới nơi tới chốn; chứ không phải chỉ làm cho qua lần chiếu lệ.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

– Mến Chúa trên hết mọi sự và yêu tha nhân như chính mình là hai điều kiện cốt yếu để vào Nước Trời. Chúng ta phải sống hai điều này chứ không phải chỉ tin như thế.

– Chúa Giêsu là hình ảnh của Chúa Cha vô hình. Ngài mặc lấy thân xác để biểu lộ tình thương Thiên Chúa và dạy dỗ con người. Tin yêu Đức Kitô là tin yêu Thiên Chúa.

– Tình yêu không có giới hạn và cũng không biết tính toán lợi nhuận. Chúng ta phải yêu Chúa và tha nhân như Chúa đã yêu thương chúng ta.

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

****************