Chúa Nhật (12-09-2021) – Trang suy niệm

11/09/2021

Lời Chúa Hôm Nay

Chúa Nhật Tuần XXIV Mùa Thường Niên Năm B

BÀI ĐỌC I: Is 50, 5-9a

“Tôi đã đưa lưng cho kẻ đánh tôi”.

Trích sách Tiên tri Isaia.

Thiên Chúa đã mở tai tôi mà tôi không cưỡng lại và cũng chẳng thối lui. Tôi đã đưa lưng cho kẻ đánh tôi, đã đưa má cho kẻ giật râu. Tôi đã không che mặt giấu mày, tránh những lời nhạo cười và những người phỉ nhổ tôi.

Vì Chúa nâng đỡ tôi, nên tôi không hổ thẹn: nên tôi trơ mặt chai như đá, tôi biết tôi sẽ không phải hổ thẹn. Đấng xét tôi vô tội ở gần tôi, ai còn tranh tụng với tôi được? Chúng ta hầu toà, ai là kẻ thù địch của tôi, hãy đến đây! Này đây Chúa là Thiên Chúa bênh đỡ tôi, ai dám kết tội tôi?. Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 114, 1-2. 3-4. 5-6. 8-9

Đáp: Tôi sẽ tiến đi trước thiên nhan Chúa trong miền đất của nhân sinh (c. 9).

Xướng:

1) Tôi yêu mến Chúa, vì Chúa đã nghe tiếng tôi cầu khẩn, vì Chúa đã lắng tai nghe lời tôi, trong ngày tôi kêu cầu Chúa. – Đáp.

2) Thừng chão tử thần đã quấn lấy tôi, và màng lưới âm phủ đã chụp trên người tôi; tôi đã rơi vào cảnh lo âu khốn khó. Và tôi đã kêu cầu danh Chúa: “Ôi lạy Chúa, xin cứu vớt mạng sống con!” – Đáp.

3) Chúa nhân từ và công minh, và Thiên Chúa của chúng ta rất từ bi. Chúa gìn giữ những người chất phác; tôi đau khổ và Người đã cứu thoát tôi. – Đáp.

4) Bởi người đã cứu tôi khỏi tử thần, cho mắt tôi khỏi rơi lệ và chân tôi không quỵ ngã. Tôi sẽ tiến đi trước thiên nhan Chúa trong miền đất của nhân sinh. – Đáp. 

BÀI ĐỌC II: Gc 2, 14-18

“Đức tin không có việc làm là đức tin chết”.

Trích thư của Thánh Giacôbê Tông đồ.

Anh em thân mến, nếu ai nói mình có đức tin, mà không hành động theo đức tin, thì nào có ích gì? Đức tin như thế có thể cứu được nó ư? Nếu có anh chị em nào không cơm ăn áo mặc, mà có kẻ trong anh em lại bảo họ rằng: “Chúc anh chị em đi bình an, và ăn no mặc ấm”, mà anh em lại không cho họ những gì cần dùng cho thân xác, thì nào có ích gì?

Về đức tin cũng vậy, nếu không có việc làm, là đức tin chết tận gốc rễ. Nhưng có người sẽ nói: “Anh, anh có đức tin; còn tôi, tôi có việc làm”. Anh hãy tỏ cho tôi thấy đức tin không việc làm của anh, và tôi sẽ lấy việc làm mà chỉ cho anh thấy đức tin của tôi. Đó là lời Chúa.

ALLELUIA: Ga 14, 5

Alleluia, alleluia! – Chúa phán: “Thầy là đường, là sự thật và là sự sống; không ai đến được với Cha mà không qua Thầy”. – Alleluia. 

PHÚC ÂM: Mc 8, 27-35

“Thầy là Đấng Kitô. Con Người sẽ phải chịu khổ nhiều”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Khi ấy, Chúa Giêsu cùng các môn đệ đi về phía những làng nhỏ miền Cêsarê thuộc quyền Philipphê. Dọc đường, Người hỏi các ông rằng: “Người ta bảo Thầy là ai?” Các ông đáp lại rằng: “Thưa là Gioan tẩy giả. Một số bảo là Êlia, một số khác lại cho là một trong các vị tiên tri”. Bấy giờ Người hỏi: “Còn các con, các con bảo Thầy là ai?” Phêrô lên tiếng đáp: “Thầy là Đấng Kitô”. Người liền nghiêm cấm các ông không được nói về Người với ai cả.

Và Người bắt đầu dạy các ông biết Con Người sẽ phải chịu đau khổ nhiều, sẽ bị các kỳ lão, các trưởng tế, các luật sĩ chối bỏ và giết đi, rồi sau ba ngày sẽ sống lại. Người công khai tuyên bố các điều đó. Bấy giờ Phêrô kéo Người lui ra mà can trách Người. Nhưng Người quay lại nhìn các môn đệ và quở trách Phêrô rằng: “Satan, hãy lui đi! vì ngươi không biết việc Thiên Chúa, mà chỉ biết việc loài người”.

Người tập họp dân chúng cùng các môn đệ lại, và phán: “Ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ mình, vác thập giá mình mà theo Ta. Quả thật, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất. Còn ai chịu mất mạng sống mình vì Ta và vì Tin Mừng, thì sẽ cứu được mạng sống mình”. Đó là lời Chúa.

(thanhlinh.net)

++++++++++++++++++

12/09/2021 – CHÚA NHẬT TUẦN 24 TN – B

Mc 8,27-35

“ANH EM BẢO THẦY LÀ AI?”

Người lại hỏi các ông: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” (Mc 8,29)

Suy niệm: Chúa Giê-su hỏi các môn đệ nhìn nhận Ngài là ai trong bối cảnh họ bị “nhiễu thông tin” từ những điều “người ta” nói về Ngài. Đây không chỉ là vấn đề tri thức theo kiểu bản tin dự báo thời tiết. Trả lời cho câu hỏi đó là lời khẳng định tác động đến cả cuộc sống của các ông. Đó là nhận biết căn tính đích thực của vị Thầy mà họ đang đi theo làm môn đệ, sự nhận biết bao hàm lời tuyên xưng đức tin và là lời cam kết dành trọn cuộc sống để đi theo con đường của Đấng Ki-tô, con đường của thập giá, chịu khổ nạn rồi phục sinh vinh quang. Đó phải là câu trả lời từ sự xác tín của chính bản thân các ông không vay mượn, dựa thế của ai, câu trả lời xác định mối quan hệ các ông thuộc về Ngài cách thân thiết và trọn vẹn.

Mời Bạn: Lời tuyên xưng không đơn thuần là vấn đề của nhận thức mà còn là kết quả của lòng tin và là cánh cửa mở ra ơn cứu độ (x. Rm 10,9-10). Nếu ngày hôm nay Ngài hỏi bạn: “Con bảo Thầy là ai?” bạn sẽ tuyên xưng Đức Ki-tô là ai, là gì đối với bạn? Cách bạn trả lời cho thấy bạn tin Ngài như thế nào và điều đó biến đổi cuộc đời của bạn ra sao. Nếu bạn tuyên nhận Chúa Giê-su là Đấng Ki-tô, thì bạn sẽ chú ý lắng nghe Lời Ngài, thực hành những gì Ngài nói, và hiến dâng đời sống mình như một hy lễ để thuộc trọn về Ngài.

Sống Lời Chúa: Tuyên xưng niềm tin vào Đức Ki-tô bằng cách làm việc bổn phận, phục vụ với tinh thần của Ngài (hiền lành, khoan dung, tha thứ,…)

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Con Thiên Chúa hằng sống, xin giúp tuyên xưng Chúa bằng chính đời sống của con khi con luôn thực hành theo lời Chúa truyền dạy.

(5 Phút Lời Chúa)

++++++++++++++++++

Suy niệm và cầu nguyện

Suy niệm

“Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?”
Ðức Giêsu đặt câu hỏi trên cho các môn đệ
sau khi họ đã ở với Ngài và được Ngài sai đi (x. Mc 3,14),
sau khi họ đã thấy việc Ngài làm, nghe lời Ngài giảng.
Hôm nay Ðức Giêsu cũng đặt câu hỏi này cho tôi
sau khi tôi đã theo đạo một thời gian dài,
đã cầu nguyện và tham dự các bí tích…
“Còn anh, anh bảo Thầy là ai?”
Câu hỏi này nhắm thẳng vào tôi, đòi tôi phải trả lời.
Tôi không được trả lời qua loa hay máy móc.
Câu trả lời của tôi phải bắt nguồn từ một kinh nghiệm,
kinh nghiệm gặp gỡ và quen biết Ðức Giêsu.
Chẳng nên theo một người mà mình không quen và tin tưởng.

Ðời tín hữu là một hành trình tìm kiếm không ngừng
để khám phá ra khuôn mặt luôn mới mẻ của Ðức Giêsu.
Ngài thật là một mầu nhiệm khôn dò và quá phong phú.
Chúng ta chỉ mon men đến gần,
nhưng không sao múc cạn được mầu nhiệm ấy.
Phải thanh lọc những hình ảnh ta vốn có về Ngài.
Người làng Nadarét cứ nghĩ Ðức Giêsu chỉ là bác thợ.
Gioan Tẩy Giả nghĩ Ngài là một Mêsia vinh quang toàn thắng.
Phải gột bỏ cái biết cũ về Ngài
để đón nhận một Ðức Kitô khác, vượt xa điều mình nghĩ.
“Tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa”.
Cần trở nên trẻ thơ để nhận ra khuôn mặt thật của Giêsu.

Hôm nay, chúng ta dễ dàng trả lời như Phêrô:
“Thầy là Ðức Kitô”,
và hơn Phêrô: “Thầy là Ngôi Lời nhập thể, là Con Thiên Chúa”.
Nhưng vấn đề không phải chỉ là trả lời đúng câu hỏi
mà còn là sống tận căn thân phận của Thầy.
Ngay sau khi loan báo con đường khổ nạn mình sắp đi,
Ðức Giêsu loan báo con đường dành cho người môn đệ.
Môn đệ chỉ có một con đường, con đường của Thầy.
Thầy đã sống phận người với tất cả bấp bênh tăm tối,
tôi có dám sống phận người của tôi trong niềm vui không?
Thầy đã chịu chết vì làm chứng cho sự thật,
tôi có dám hiến mạng tôi vì Thầy và vì Tin Mừng không?
Thầy đã vượt qua đau khổ để vào vinh quang bất diệt,
tôi có dám chọn con đường khiêm hạ và nghèo khó không?

“Người ta bảo Thầy là ai?”
Ta cần biết cái nhìn của con người hôm nay về Ðức Giêsu.
Nhiều cái nhìn đúng nhưng chưa đủ.
Truyền giáo là giúp người ta biết đúng và đủ về Ngài.
Không phải là cái biết lý thuyết trong sách vở,
nhưng là cái biết thân tình của người môn đệ.
Cuộc sống của ta vén mở căn tính của Ðức Giêsu.
Dung mạo của ta phải mang nét đặc trưng của Ngài.
Ðức Giêsu đã nói: “Ai thấy Thầy là thấy Cha” (Ga 14,9).
Chúng ta ao ước nói: “Ai thấy tôi là thấy Ðức Giêsu”.

Cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa,
Chúa đã làm người như chúng con,
nên Chúa hiểu gánh nặng của phận người.
Cuộc đời đầy cạm bẫy mời mọc
mà con người lại yếu đuối mong manh.
Hạnh phúc thường được trộn bằng nước mắt,
và giữa ánh sáng,
cũng có những bóng mờ đe dọa.

Lạy Chúa Giêsu,
nếu có lúc con mệt mỏi và xao xuyến,
xin nhắc con nhớ rằng trong Vườn Dầu
Chúa đã buồn muốn chết được.
Nếu có lúc con thấy bóng tối bủa vây,
xin nhắc con nhớ rằng trên thập giá
Chúa đã thốt lên : Sao Cha bỏ con ?

Xin nâng đỡ con, để con đừng bỏ cuộc.
Xin đồng hành với con, để con không cô đơn.
Xin cho con yêu đời luôn
dù đời chẳng luôn đáng yêu.
Xin cho con can đảm
đối diện với những thách đố
vì biết rằng cuối cùng
chiến thắng thuộc về người
có niềm hy vọng lớn hơn. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

(phutcaunguyen.net)

++++++++++++++++++

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên

12 THÁNG CHÍN

Ai Thấy Thầy Là Thấy Cha

Hưởng kiến Thiên Chúa trực tiếp, đó là nỗi khao khát sâu thẳm nhất của tâm hồn con người. Về khát vọng này, Tông Đồ Philipphê đã nói lên một cách hết sức tha thiết: “Lạy Thầy, xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha và thế là đủ cho chúng con rồi” (Ga 14,8). Những lời thật cảm kích, vì bộc lộ được khát vọng thâm sâu nhất của tâm khảm con người. Song câu trả lời của Đức Giêsu còn cảm kích hơn nữa.

Đức Giêsu giải thích cho các tông đồ: “Ai thấy Thầy là thấy Cha” (Ga 14,9). Ngài là mạc khải đầy đủ về Chúa Cha. Ngài diễn tả cho thế giới biết Chúa Cha là Đấng nào – không phải vì Ngài là Chúa Cha – nhưng vì Ngài hoàn toàn nên một với Chúa Cha trong sự hiệp thông sự sống thần linh. Ngài nói: “Thầy ở trong Cha và Cha ở trong Thầy” (Ga 14,11).

Cảm tạ Thiên Chúa ! Con người không còn phải hoàn toàn đơn độc kiếm tìm Thiên Chúa nữa. Cùng với Đức Kitô, con người khám phá Thiên Chúa – và con người khám phá ra Thiên Chúa nơi Đức Kitô.

Vâng, trong Đức Giêsu Kitô, sự tự mạc khải của Thiên Chúa đạt đến tột đỉnh và đầy đủ nhất. Tác giả thư Do thái đã nhấn mạnh điều này khi nói: “Thuở xưa, nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã nói với cha ông chúng ta qua các tiên tri; trong những ngày sau hết này, Ngài nói với chúng ta qua một người con” (Dt 1,1-2). Vì vậy, Đức Kitô mãi mãi là con đường của chúng ta. Chúng ta có một Đấng Cứu Độ và một Đấng Trung Gian nối kết chúng ta với Thiên Chúa.

– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –

Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác

LIFT UP YOUR HEARTS

Daily Meditations by Pope John Paul II

+++++++++++++++++

Lời Chúa Trong Gia Đình

NGÀY 12/9

Chúa Nhật XXIV Thường Niên

Is 50, 5-9a; Gc 2, 14-18; Mc 8, 27-35.

LỜI SUY NIỆM: “Rồi Người dạy cho các ông biết: Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết và sau ba ngày sẽ sống lại. Người nói rõ điều đó, không úp mở.”

           Với lời tuyên xưng của Phêrô: “Thầy là Đấng Kitô, con Thiên Chúa hằng sống.” Nhưng liền đó khi nghe Chúa Giêsu loan báo cuộc Thương Khó của Người, Phêrô đã ngăn cản Người; điều này cho thấy Phêrô đã không thể hiểu rõ về vai trò và sứ vụ của “Đấng Kitô”

          Lạy Chúa Giêsu. Xin cho mọi thành viên trong gia đình chúng con có được một đức tin tuyệt đối vào sự quqn phòng và tình yêu của Thiên Chúa, với sự vâng phục trong mọi hoàn cảnh sống của mình.

Mạnh Phương

+++++++++++++++++

12 Tháng Chín

Bức Tranh Ðời Người 

Một họa sĩ vô danh nọ vào thời Trung Cổ đã tóm tắt đời người thành 4 bức tranh xếp bên cạnh nhau. Bức tranh thứ nhất họa lại tuổi thơ. Không gì đẹp và thanh thản cho bằng tuổi thơ. Một em bé hồn nhiên, vô tư ngồi trên một chiếc ghe buồm vừa nhổ neo ra khỏi bờ… Em bé nhìn theo sóng nước không sợ hãi bởi vì người đang cầm bánh lái là một thiên thần. Bóng đen đang ngủ một cách dịu hiền đằng sau bánh lái.

Sang đến bức tranh thứ hai, người ta bỗng thấy cậu bé trở thành một trang thiếu niên đang đứng nhìn chân trời xa tắp với những háo hức trước những điều mới lạ… Vị thiên thần vẫn còn cầm tay lái, nhưng sóng đã bạt đầu và bóng đen đã thức giấc.

Bức tranh thứ ba là cảnh tuổi trưởng thành. Bầu trời đã trở nên ảm đạm. Sóng gió ập phủ tứ bề. Bánh lái đã nằm trong tay của bóng đen. Vị thiên thần đã bị trói chặt trong một góc. Người đàn ông đã phải dùng tất cả sức lực của mình để chiến đấu, để chiếc ghe không bị lật úp…
Cuối cùng, trong bức tranh thứ tư, người ta thấy một cụ già đang ngồi ung dung giữa ghe. Sóng yên, gió lặng, mặt trời xuất hiện trở lại. Vị thiên thần đã dành lại được bánh lái, còn bóng đen thì bị trói chặt đằng sau.

Ðời là một cuộc hải trình gay go… Ðích điểm có thể là bến yên hàn mà cũng có thể là vực thẳm của chết chóc. Ðến nơi yên hàn hay đứt gánh giữa đường: số mệnh ấy không ai có thể định đoạt cho ta, mà chỉ có mỗi người phải biết làm chủ, lèo lái con thuyền của mình…

Có lẽ nhiều người trong chúng ta đã quá quen thuộc với trò chơi “Thiên Ðàng Hỏa Ngục” mà các em bé thường tụ tập trước sân thánh đường để cùng biểu diễn… Thiên đàng hỏa ngục hai bên, ai khéo thì nhờ ai vụng thì sa… Trả lời được một số câu hỏi thì được vào Thiên Ðàng, trả lời không được thì bị chận lại ngoài cửa.

Trò chơi đơn sơ nhưng cũng có tác dụng gieo vào đầu chúng ta một hình ảnh về cuộc đời. Ðời là một cuộc ra đi. Hướng đi của cuộc đời tùy thuộc ở sự định đoạt của mỗi người. Con đường dẫn đến hư đốn luôn rộng thênh thang. Con đường dẫn đến sự sống là một con đường chật hẹp, đòi hỏi nhiều chiến đấu…

Sự thánh thiện là một ơn Chúa ban, nhưng phải mất nhiều lao nhọc, vất vả chiến đấu, con người mới đạt được. Nói đến chiến đấu là nói đến kẻ thù. Con sư tử lượn quanh tìm mồi cắn xé trong cuộc sống của chúng ta là không biết bao nhiêu cạm bẫy giăng mắc trên lối đi của chúng ta. Những cạm bẫy đó từ bên ngoài cũng có, nhưng hầu hết đều xuất phát từ trong tâm hồn chúng ta… Ðó là những dục vọng, đam mê đang cào xé tâm hồn chúng ta. Chỉ khi nào chúng ta đánh bại được kẻ nội thù ấy và biến chúng thành đạo binh trung thành thì lúc đó chúng ta mới chiến thắng được kẻ thù đến từ bên ngoài…

Khí giới tiên quyết và chủ yếu giúp chúng ta chiến thắng được nội thù đó là sự cầu nguyện. Chúa Giêsu đã nói với các môn đệ của Ngài: chỉ có ăn chay và cầu nguyện các con mới chiến thắng được loài quỷ này…

(Lẽ Sống)

++++++++++++++++++

Lời Chúa Mỗi Ngày

Chủ Nhật 24 – Năm B – Thường Niên.

Bài đọc: Isa 50:5-9a; Jas 2:14-18; Mk 8:27-35.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Đau khổ là con đường duy nhất dẫn tới vinh quang.

            Cô P đang mang thai và sắp đến ngày sinh nở, mẹ cô đã qua đời để lại cha cô và 3 người em. Cô phải thay mẹ chăm sóc các em; nhất là người em gái còn trẻ mắc chứng bệnh “lupus” hiểm nghèo. Khi gặp một linh mục công giáo đến an ủi, cô rơm rớm nước mắt và thắc mắc: Tại sao một Thiên Chúa có uy quyền làm mọi sự và thương yêu con người, lại bắt cô, em cô, và gia đình cô phải chịu nhiều đau khổ như thế?

            Các Bài Đọc hôm nay có thể giúp trả lời thắc mắc của cô P: mặc dù Thiên Chúa có uy quyền làm cho mẹ cô P sống và chữa lành em cô khỏi bệnh; nhưng Ngài chọn con đường đau khổ để mọi người trong gia đình cô P được hưởng ơn cứu độ muôn đời. Trong Bài Đọc I, tiên tri Isaiah tiên báo những gì sẽ xảy ra cho Người Tôi Trung của Thiên Chúa: Ngài sẽ phải chịu nhiều đau khổ; nhưng sẽ vượt qua tất cả vì một niềm tin không lay chuyển vào Thiên Chúa. Chính vì những đau khổ Ngài chịu, mà ơn cứu độ được dâng tặng cho mọi người. Trong Bài Đọc II, thánh Giacôbê khuyên các tín hữu: đức tin của họ vào Thiên Chúa phải được bày tỏ qua hành động. Nếu họ yêu thương Thiên Chúa, họ cũng phải giúp đỡ tha nhân bằng những hành động cụ thể. Đức tin không có việc làm là đức tin chết. Trong Phúc Âm, khi Phêrô can ngăn Chúa Giêsu đừng chấp nhận con đường đau khổ, Ngài mắng Phêrô: “Satan! lui lại đàng sau Thầy! Vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người.”

 KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC: 

1/ Bài đọc I: Bài ca thứ ba về Người Tôi Trung của Thiên Chúa

1.1/ Người Tôi Trung phải chịu đau khổ: Tiên-tri Isaiah được Thiên Chúa cho thấy trước những gì sẽ xảy ra cho Đấng Thiên Sai và cho con người. Đấng Thiên Sai là Người Tôi Trung của Thiên Chúa sẽ giải thoát con người bằng cách chịu mọi cực hình và gian khổ: “Đức Chúa là Chúa Thượng đã mở tai tôi, còn tôi, tôi không cưỡng lại, cũng chẳng tháo lui. Tôi đã đưa lưng cho người ta đánh đòn, giơ má cho người ta giật râu. Tôi đã không che mặt khi bị mắng nhiếc phỉ nhổ.” Những điều tiên đoán này đã xảy ra cho Đức Kitô khi Ngài được Thiên Chúa sai xuống trần để chuộc tội cho con người; nhất là trong Cuộc Thương Khó và cái chết đau khổ của Ngài trên Thập Giá.

1.2/ Niềm tin vững mạnh của Người Tôi Trung vào Thiên Chúa: Để vượt qua đau khổ, Người Tôi Trung cần có một niềm tin không lay chuyển vào Thiên Chúa, Đấng đã sai Ngài tới thế gian: “Có Đức Chúa là Chúa Thượng phù trợ tôi, vì thế, tôi đã không hổ thẹn, vì thế, tôi trơ mặt ra như đá. Tôi biết mình sẽ không phải thẹn thùng. Đấng tuyên bố rằng tôi công chính, Người ở kề bên. Ai tranh tụng với tôi? Cùng nhau ta hầu toà! Ai muốn kiện cáo tôi? Cứ thử đến đây coi! Này, có Đức Chúa là Chúa Thượng phù trợ tôi, ai còn dám kết tội?”

            Trong những phải đương đầu với đau khổ như cô P, không ai có thể giúp cô được, ngoại trừ một mình Thiên Chúa. Ngài để đau khổ xảy ra cho cô, không phải vì Ngài không thương cô hay muốn cô chịu đau khổ cho bỏ ghét; trái lại, Ngài muốn cô và mọi người trong gia đình nhận ra một sự thật: họ không thể sống thiếu tình thương của Thiên Chúa. Trong giai đoạn hiện tại, họ phải chịu gian khổ; nhưng trong tương lai, họ nhận ra tình thương của Thiên Chúa, của cha mẹ, của những thành phần trong gia đình. Những điều này sẽ giúp họ trung thành với Thiên Chúa và với nhau hơn. Hậu quả là họ sẽ cùng nhau đoàn tụ trong Nước Trời.

            Nhưng giả sử nếu những điều này không xảy ra cho gia đình cô P, có thể cô P và những người trong gia đình quá bằng lòng với vật chất thế gian, mà không cần đến Thiên Chúa; điển hình là có vài phần tử trong gia đình cô đã không tham dự thánh lễ hàng tuần nữa! Đây là câu hỏi cho cô P phải suy nghĩ: Nếu mục đích của cuộc đời là được đoàn tụ với Thiên Chúa đời đời trên Thiên Đàng, điều nào đáng cho cô P mong ước hơn: chịu đau khổ tạm thời ở đời này hay chịu đau khổ và xa cách vĩnh viễn ở đời sau?

2/ Bài đọc II: Đức tin không có hành động thì quả là đức tin chết.

2.1/ Ngụy biện của con người: Nhiều con người ngày nay đang đánh lừa chính mình và người khác bằng ngụy thuyết: con người được công chính hóa nhờ đức tin, chứ không nhờ bất cứ việc lành nào con người làm (Rom 3:28, Gal 2:16). Thánh Phaolô quả thực có lý do để nói điều này vì con người được cứu chuộc nhờ giá máu của Đức Kitô; nhưng không phải vì đó, mà con người sẽ được cứu chuộc bằng bất cứ giá nào. Chính thánh Phaolô cũng đưa ra bao điều con người phải thực hành để được cứu độ. Chúng ta có thể liệt kê ít là 3 ví dụ trong Thư Rôma:

            (1) Trong Ngày Phán Xét: “Thiên Chúa sẽ thưởng phạt mỗi người tuỳ theo việc họ làm; những ai bền chí làm việc thiện mà tìm vinh quang, danh dự và phúc trường sinh bất tử, thì Thiên Chúa sẽ cho họ được sống đời đời” (Rom 2:6-7).

             (2) Hay nói về việc không được xét đoán, thánh Phaolô dạy: “mỗi người trong chúng ta sẽ phải trả lời về chính mình trước mặt Thiên Chúa. Vậy chúng ta đừng xét đoán nhau nữa. Tốt hơn, anh em hãy xét sao để tránh gây cớ cho anh em mình phải vấp hay phải ngã” (Rom 14:12-13).

             (3) Hay nói về việc chuẩn bị cho Ngày Phán Xét, ngài khuyên: “Đêm sắp tàn, ngày gần đến. Vậy chúng ta hãy loại bỏ những việc làm đen tối, và cầm lấy vũ khí của sự sáng để chiến đấu. Chúng ta hãy ăn ở cho đứng đắn như người đang sống giữa ban ngày: không chè chén say sưa, không chơi bời dâm đãng, cũng không cãi cọ ghen tương” (Rom 13:12-13).

            Chính Chúa Giêsu đã tuyên bố thẳng thắn: “Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: “Lạy Chúa! lạy Chúa!” là được vào Nước Trời cả đâu! Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi” (Mt 7:21). Thánh Giacôbê trong trình thuật hôm nay đưa ra một trường hợp cụ thể: “Thưa anh em, ai bảo rằng mình có đức tin mà không hành động theo đức tin, thì nào có ích lợi gì? Đức tin có thể cứu người ấy được chăng? Giả như có người anh em hay chị em không có áo che thân và không đủ của ăn hằng ngày, mà có ai trong anh em lại nói với họ: “Hãy đi bình an, mặc cho ấm và ăn cho no,” nhưng lại không cho họ những thứ thân xác họ đang cần, thì nào có ích lợi gì?”

2.2/ Đức tin phải biểu tỏ bằng hành động: Vấn đề ở chỗ không phải chọn có đức tin hay làm việc lành; nhưng ở chỗ có đức tin và làm việc lành, làm việc lành là dấu biểu tỏ người có đức tin. Vì thế, thánh Giacôbê kết luận: “đức tin không có hành động thì quả là đức tin chết.” Đức tin và làm việc lành như hai mặt của một đồng tiền; đã chọn đồng tiền thì phải làm cả hai. Mỗi người chúng ta đều đã có kinh nghiệm này: chúng ta không tin được những người chỉ yêu bằng môi miệng; nhưng nhìn vào những việc làm của họ, chúng ta có thể nhận ra họ yêu thương chân thành hay không. Hoàn cảnh đau khổ mà gia đình đang chịu sẽ giúp em cô P nhận ra tình thương của Thiên Chúa, của cô P, và của các thành phần trong gia đình. Sự cảm nhận này sẽ giúp em cô P tin tưởng vào tình yêu Thiên Chúa và tình yêu của những người trong gia đình; chứ không sống ích kỷ như không có Thiên Chúa và không có ai trong cuộc đời. 

3/ Phúc Âm: Thầy là Đấng Thiên Sai.

3.1/ Phêrô tuyên xưng đức tin vào Chúa Giêsu: Cuộc Thương Khó đã gần kề, Chúa Giêsu và các môn đệ của Người đi tới các làng xã vùng Caesarea Philippi. Dọc đường, Người hỏi các môn đệ: “Người ta nói Thầy là ai?” Các ông đáp: “Họ bảo Thầy là ông Gioan Tẩy Giả, có kẻ thì bảo là ông Elijah, kẻ khác lại cho là một ngôn sứ nào đó.” Mỗi ý kiến trên đây đều dựa vào một trong những đặc điểm của Chúa Giêsu như nói năng thẳng thắn như Gioan Tẩy Giả, có uy quyền làm phép lạ như tiên tri Elijah. Nhưng tất cả những ý kiến này không diễn tả đúng nguồn gốc của Chúa Giêsu.

            Người lại hỏi các ông: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” Ông Phêrô trả lời: “Thầy là Đấng Kitô.” Đấng Kitô có nghĩa là Đấng được xức dầu hay Đấng Thiên Sai mà Cựu Ước thường xuyên đề cập tới. Ngài có nguồn gốc từ Thiên Chúa và được sai tới để giải thoát con người. Trong Marcô, Đức Giêsu thường cấm ngặt các ông không được nói với ai về Người. Lý do, Ngài muốn họ hiểu biết đúng về Đấng Thiên Sai: Ngài không dùng uy quyền, nhưng chịu đau khổ để giải phóng con người.

3.2/ Đấng Thiên Sai phải chịu đau khổ: Sau lời tuyên xưng của Phêrô vào thiên tính của Chúa Giêsu, Người bắt đầu mặc khải cho các ông biết về cách thức cứu độ mà Đấng Thiên Sai phải trải qua: “Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết và sau ba ngày, sống lại.”

            (1) Thiên Chúa muốn dùng đau khổ để cứu độ con người: Dĩ nhiên, Thiên Chúa có uy quyền để cứu độ con người theo cách thức con người mong muốn; nhưng đó không phải là cách thức Ngài mong muốn, mà là qua con đường đau khổ. Nhiều người chất vấn tại sao Thiên Chúa làm như thế? Câu trả lời trước tiên là con người không khôn ngoan hơn Thiên Chúa: khi Thiên Chúa chọn cách nào, đó là cách thức tốt đẹp nhất cho con người. Nếu đầy tớ không thể chất vấn người chủ tại sao phải làm cách này mà không làm cách kia, con người cũng không có quyền chất vấn Thiên Chúa. Thứ hai, theo kinh nghiệm, con người chỉ cậy dựa vào Thiên Chúa khi họ bị đau khổ; khi con người sung sướng, hạnh phúc, rất ít người nhớ tới và yêu thương Thiên Chúa. Sau cùng, con người yêu thương sâu xa những ai đã hiến mình vì họ; mỗi lần nhìn lên Thập Giá, con người cảm nhận tình thương vô biên Thiên Chúa dành cho họ.

            (2) Con người trốn tránh đau khổ: Phản ứng của Phêrô cũng giống như phản ứng của cô P ở trên, và cũng giống như truyền thống Do-thái tin một Đấng Thiên Sai uy quyền. Họ không chấp nhận một Đấng Thiên Sai chịu đau khổ. Đó là lý do ông Phêrô liền kéo riêng Người ra và bắt đầu trách Người.

            Nhưng khi Đức Giêsu quay lại, nhìn thấy các môn đệ, Người trách ông Phêrô: “Satan! lui lại đàng sau Thầy! Vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người.” Lời nói của Chúa Giêsu xác nhận tư tưởng của Thiên Chúa khác xa với tư tưởng của con người: thay vì phải chấp nhận thánh ý của Thiên Chúa; Phêrô muốn Chúa Giêsu làm theo ý của mình. Đó là lý do Chúa mắng ông là Satan, vì Satan luôn cản trở ý định của Thiên Chúa. Đó là lý do Chúa đuổi ông ra đàng sau, vì bổn phận của môn đệ là theo Thầy; chứ không bắt Thầy phải theo mình.

            Rồi Đức Giêsu gọi đám đông cùng với các môn đệ lại. Người nói với họ rằng: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo. Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi và vì Tin Mừng, thì sẽ cứu được mạng sống ấy.”           

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

            – Chúng ta không khôn ngoan hơn Thiên Chúa. Hãy chấp nhận những lời dạy dỗ khôn ngoan của Thiên Chúa, cho dù những dạy dỗ này hoàn toàn ngược với ý muốn của chúng ta.

            – Con đường đau khổ là con đường khôn ngoan Thiên Chúa dùng để cứu độ con người. Ngài muốn Con Một Ngài chịu đau khổ để cứu chuộc con người và Ngài cũng muốn dùng đau khổ để con người nhận ra: họ không thể sống thiếu Thiên Chúa và tin vào Đức Kitô.

            – Để trở thành môn đệ Đức Kitô, chúng ta phải từ bỏ ý riêng mình và vác thập giá theo Chúa. Một cuộc sống dễ dãi sẽ làm chúng ta xa lánh Chúa và không đạt được mục đích của cuộc đời. 

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

****************