Chúa Nhật (13-02-2022) – Trang suy niệm

12/02/2022

Lời Chúa Hôm Nay

Chúa Nhật Tuần VI Mùa Thường Niên Năm C

BÀI ĐỌC I: Gr 17, 5-8

“Khốn thay cho kẻ tin tưởng người đời; phúc thay cho người tin tưởng vào Thiên Chúa”.

Trích sách Tiên tri Giêrêmia.

Đây Chúa phán: “Khốn thay cho kẻ tin tưởng người đời, họ nương tựa vào sức mạnh con người, còn tâm hồn họ thì sống xa Chúa. Họ như cây cỏ trong hoang địa, không cảm thấy khi được hạnh phúc; họ ở những nơi khô cháy trong hoang địa, vùng đất mặn không người ở. Phúc thay cho người tin tưởng vào Thiên Chúa, và Chúa sẽ là niềm cậy trông của họ. Họ sẽ như cây trồng nơi bờ suối, cây đó đâm rễ vào nơi ẩm ướt, không sợ gì khi mùa hè đến, lá vẫn xanh tươi, không lo ngại gì khi nắng hạn mà vẫn sinh hoa kết quả luôn. Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 1, 1-2. 3. 4 và 6

Đáp: Phúc thay người đặt niềm tin cậy vào Chúa (Tv 39, 5c).

Xướng:

1) Phúc cho ai không theo mưu toan kẻ gian ác, không đứng trong đường lối những tội nhân, không ngồi chung với những quân nhạo báng, nhưng vui thoả trong lề luật Chúa, và suy ngắm luật Chúa đêm ngày. – Đáp.

2) Họ như cây trồng bên suối nước, trổ sinh hoa trái đúng mùa; lá cây không bao giờ tàn úa. Tất cả công việc họ làm đều thịnh đạt. – Đáp.

3) Kẻ gian ác không được như vậy; họ như vỏ trấu bị gió cuốn đi, vì Chúa canh giữ đường người công chính, và đường kẻ gian ác dẫn tới diệt vong. – Đáp.

BÀI ĐỌC II: 1 Cr 15, 12. 16-20

“Nếu Đức Kitô đã không sống lại, thì lòng tin của anh em cũng là hão huyền”.

Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.

Anh em thân mến, nếu Đức Kitô được rao giảng rằng Người đã từ cõi chết sống lại, thì làm sao có người trong anh em cho rằng không có sự sống lại từ cõi chết? Vì nếu kẻ chết không sống lại, Đức Kitô cũng đã không sống lại. Nếu Đức Kitô đã không sống lại, thì lòng tin của anh em cũng là hão huyền, và hiện anh em vẫn còn ở trong tội lỗi của anh em. Như thế ai đã chết trong Đức Kitô, cũng bị tiêu huỷ cả. Nếu chúng ta chỉ hy vọng vào Đức Kitô trong cuộc đời này mà thôi, thì chúng ta là những người vô phúc nhất trong thiên hạ.

Nhưng không, Đức Kitô đã từ cõi chết sống lại, là hoa quả đầu mùa của những người đã yên giấc. Đó là lời Chúa.

ALLELUIA: Ga 14, 23

Alleluia, alleluia! – Nếu ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy, và Cha Thầy yêu mến người ấy, và Chúng Ta sẽ đến và ở trong người ấy. – Alleluia. 

PHÚC ÂM: Lc 6, 17. 20-26

“Phúc cho những kẻ nghèo khó. Khốn cho các ngươi là kẻ giàu có”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Chúa Giêsu từ trên núi xuống cùng với mười hai tông đồ, và dừng lại trên một khoảng đất bằng; ở đó có đông môn đệ và một đám đông dân chúng từ Giuđêa, Giêrusalem, miền duyên hải Tyrô và Siđon kéo đến để nghe Người giảng và xin Người chữa bệnh tật. Bấy giờ Người đưa mắt nhìn các môn đệ và nói: “Phúc cho các ngươi là những kẻ nghèo khó, vì nước Thiên Chúa là của các ngươi. Phúc cho các ngươi là những kẻ bây giờ đói khát, vì các ngươi sẽ được no đầy. Phúc cho các ngươi là những kẻ bây giờ phải khóc lóc, vì các ngươi sẽ được vui cười. Phúc cho các ngươi, nếu vì Con Người mà người ta thù ghét, trục xuất và phỉ báng các ngươi, và loại trừ tên các ngươi như kẻ bất lương. Ngày ấy, các ngươi hãy hân hoan và reo mừng, vì như thế, phần thưởng các ngươi sẽ bội hậu trên trời. Chính cha ông họ cũng đã đối xử với các tiên tri y như thế.

“Nhưng khốn cho các ngươi là kẻ giàu có, vì các ngươi hiện đã được phần an ủi rồi. Khốn cho các ngươi là kẻ đã được no nê đầy đủ, vì các ngươi sẽ phải đói khát. Khốn cho các ngươi là kẻ hiện đang vui cười, vì các ngươi sẽ ưu sầu khóc lóc. Khốn cho các ngươi khi mọi người đều ca tụng các ngươi, vì chính cha ông họ cũng từng đối xử như vậy với các tiên tri giả”. Đó là lời Chúa.

(thanhlinh.net)

++++++++++++++++++

13/02/2022 – CHÚA NHẬT TUẦN 6 TN – C

Lc 6,17.20-26

HẠNH PHÚC THẬT

“Phúc cho anh em là những người nghèo khó, vì Nước Thiên Chúa là của anh em.” (Lc 6,20)

Suy niệm: Chắc chắn Chúa Giê-su không có ý nói rằng cuộc sống lầm than túng thiếu, không xứng với phẩm giá con người lại là điều đáng chúc phúc. Vậy Chúa ám chỉ ai và điều gì khi Ngài nói “Phúc cho anh em là những người nghèo khó”? Dĩ nhiên, nghèo khó trước hết nói về những người thiếu thốn về vật chất, người không có quyền lực, bị áp bức, bị bóc lột… Sau nữa, theo Thánh Kinh, người nghèo khó là những người luôn đặt trọn niềm tin tưởng phó thác vào Thiên Chúa. Khi không đặt cho mình chỗ dựa nào trong cuộc đời này, người ta mới khám phá hạnh phúc thật không thể tìm thấy ở của cải đời này mà là ở nơi Thiên Chúa. Và như thế, ngay cả những người có nhiều của cải vật chất cũng có thể trở nên nghèo khó bằng cách sống trọn niềm tín thác nơi Thiên Chúa và cảm thông chia sẻ với người đang gặp cảnh khó khăn.

Mời Bạn: Trở ngại lớn nhất khiến người ta không thể sống tinh thần nghèo khó không phải là vì ngày nay người ta có thể làm ra quá nhiều của cải, mà là vì người ta quá lệ thuộc của cải đến nỗi không thể chia sẻ cho nhau một cách quảng đại, và nhất là không thể sống trong niềm tín thác vào Chúa.

Sống Lời Chúa: Thường xuyên kiểm điểm để cảnh giác mình khỏi trở thành nô lệ cho của cải vật chất: – Tôi có cảm thấy mất bình an khi bị mất hay thiệt thòi về của cải không? – Tôi có cảm thấy ngần ngại do dự khi phải cho đi một cái gì không?

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin dạy biết sống nghèo khó như Chúa, là biết luôn tựa nương vào Chúa là nguồn hạnh phúc chân thật vĩnh cửu.

(5 Phút Lời Chúa)

++++++++++++++++++

Suy niệm và cầu nguyện

Suy Niệm

Một học sinh nghèo trả lại chiếc bóp lượm được.
Một giáo viên kiên trì theo đuổi nghề giáo.
Một cán bộ về hưu trong cảnh thanh bạch.
Một bạn nữ bỏ chỗ làm có thu nhập cao…
Một nhân viên từ chối những đồng tiền hối lộ.
Giữa cuộc sống khó khăn,
vẫn có bao người không bị mê hoặc bởi bạc tiền.
Họ chọn sống trong cảnh nghèo,
lam lũ hơn, nhưng vui hơn và thanh thản hơn.
Vẫn có bao người nếm được mối phúc của Tin Mừng:
“Phúc cho anh em là những người nghèo khó,
vì Nước Trời là của anh em.”

Người đời thường coi hạnh phúc bắt nguồn
từ giàu sang, no đủ, từ danh thơm tiếng tốt.
Ðức Giêsu đưa chúng ta đi vào một thế giới khác,
với lối đánh giá khác, làm chúng ta ngỡ ngàng.
Ngài cho các môn đệ của Ngài biết rằng:
họ là những người có phúc,
khi phải chịu nghèo đói, đau khổ, bách hại vì Ngài.
Nước Trời đã thuộc về họ từ đây,
và hạnh phúc sẽ trọn vẹn trong ngày sau hết.

Ðức Giêsu đã sống những mối phúc trước chúng ta.
Ngài là một người thợ thủ công nghèo,
Ngài biết đến sự dày vò của cơn đói,
Ngài đã từng nhỏ lệ trước thành Giêrusalem,
và đã chịu mọi khổ hình cho đến chết.
Nhưng Ðức Giêsu là con người hạnh phúc,
vì biết mình luôn sống cho Cha và con người.
Chúng ta cần có kinh nghiệm của Ðức Giêsu:
Nghèo của cải mà thật giàu Nước Thiên Chúa.

Ðức Giêsu chúc phúc cho những môn đệ nghèo của Ngài,
nhưng Ngài không ca ngợi sự bần cùng, lạc hậu.
Cả cuộc đời Ngài là một hành vi cúi xuống
để nâng dậy những ai nghèo sức khoẻ, nghèo niềm vui.
Hôm nay Ngài muốn chúng ta
đến với khu lao động, với lớp học tình thương,
xóa đi cái nghèo tri thức, nghèo những ước mơ cao cả.
Sự no đủ và niềm vui phải bắt đầu từ đời này.
Ước gì chúng ta sống như Ðức Kitô,
tự nguyện trở nên nghèo hơn
để làm giàu cho người khác (2Cr 8,9).

 

Cầu Nguyện

Lạy Chúa,
xin cho con nhìn thấy những người nghèo
ở quanh con, ở trong gia đình con,
đang cần đến con.
Bất cứ ai cần đến con đều là người nghèo,
xin cho con thấy Chúa trong họ.

Dần dần con hiểu rằng
cả người giàu cũng nghèo,
nghèo vì cần thấy đời họ có ý nghĩa.
Dần dần con chấp nhận rằng
cả bản thân mình cũng nghèo
và cần đến người khác.
Lắm khi con cần một nụ cười, một ánh mắt,
một lời thăm hỏi đỡ nâng.

Cám ơn Chúa vì đã dựng nên chúng con
ai cũng nghèo về một mặt nào đó,
ai cũng cần đến người khác.
Như thế là chúng con được mời gọi sống cho nhau,
làm cho nhau thêm giàu có.

Cám ơn Chúa vì Chúa cũng nghèo,
vì Chúa rất cần đến chúng con
để hoàn thành công trình cứu độ.
Xin cho con khiêm tốn nhận mình nghèo
để nhận lãnh,
can đảm nhận mình giàu
để hiến trao. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

(phutcaunguyen.net)

++++++++++++++++++

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên

13 THÁNG HAI

Theo Đuổi Kỷ Luật Bản Thân

Thánh Phao-lô nhấn mạnh đến ý nghĩa tâm linh của thể thao: “Phàm là tay đua, thì phải kiêng kỵ đủ điều” (1Cr 9, 25). Ngài nhận thức rằng sự quân bình, kỷ luật bản thân, sự điều độ và nhất là nhân đức là những yếu tố không thể thiếu trong hoạt động thể thao.

Để trở thành một vận động viên chân chính, người ta cần phải trung thực với chính mình và với người khác. Người ta cần có lòng trung thành và nghị lực tinh thần hơn cả sức lực thể lý. Người ta phải biết kiên trì, phải có tinh thần cộng tác, tính cách hào hiệp, lòng quảng đại, thái độ cởûi mở bao dung. Tất cả những điều ấy đều là những đòi hỏi của một căn bản đạo đức. Nhưng, Tông Đồ Phao-lô còn thêm: “Các vận động viên làm thế để chiến thắng một triều thiên tạm bợ chóng qua, còn chúng ta, chúng ta nhắm đến một triều thiên vĩnh cửu”. Qua những lời ấy, chúng ta tìm thấy sự phác họa một nền đạo đức thể thao và thậm chí một nền thần học soi sáng cho tất cả các giá trị của thể thao.

– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –

Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác

LIFT UP YOUR HEARTS

Daily Meditations by Pope John Paul II

+++++++++++++++++

Lời Chúa Trong Gia Đình

NGÀY 13/2

CHÚA NHẬT VI THƯỜNG NIÊN

Gr 17, 5-8; 1Cr 15, 12. 16-20; Lc  6, 17. 20-26.

LỜI SUY NIỆM: “Đức Giêsu ngước mắt lên nhìn các môn đệ và nói: “Phúc cho anh em là những người nghèo khó, vì Nước Thiên Chúa là của anh em…” – Nhưng khốn cho các ngươi là những kẻ giàu có, vì các ngươi đã được phần an ủi của mình rồi.  “

          Chúa Giêsu đang công bố về bốn mối phúc và bốn mối hoạ, giúp cho người tín hữu nhìn thấy được thế nào là được gọi là phúc và thế nào là mối hoạ, để phân định, để chọn lựa mà sống.

          Lạy Chúa Giêsu. Trong bài giảng khai mạc Các mối phúc thật. Đây thật là một Tin Mừng cho những người đang gặp khó khăn trong cuộc sống, giúp họ có được một niềm hy vọng lớn lao là sẽ được “Nước Thiên Chúa” làm của riêng mình.

Mạnh Phương

+++++++++++++++++

13 Tháng Hai

Mang Tên Một Vị Thánh 

Hiện nay, những người vẽ bản đồ tại Liên Xô đang phải điên đầu vì tên của các thành phố. Khắp nơi trong toàn lãnh thổ, dân chúng yêu cầu hoàn lại tên cũ cho thành phố, tên mà Stalin và những người kế vị của ông đã xóa bỏ. Tại Leningrat chẳng hạn, dân chúng yêu cầu đòi lại đô thị của họ với tên cũ là Petersburg hay St. Petersburg, nghĩa là đô thị của Thánh Phêrô. Ðây là một trong những đề tài nóng bỏng mà hội đồng thành phố đang đưa ra thảo luận. Trong một chương trình truyền hình địa phương người hướng dẫn chương trình đã tránh dùng tên Lenigrat mà lại gọi tắt là Peter, nghĩa là tên gọi cũ của đô thị. ngững người yêu cầu hoàn trả tên cũ lại cho các đô thị nói rằng: cũng như những người có quyền giữ tên cha sinh mẹ đẻ của mình, thì cũng thế, một đô thị cũng phải được quyền giữ tên khai nguyên của nó.

Tại cộng hòa Georgia, trường đại hoạc kỹ thuật Tbilisi đã xóa bỏ tên của Lênin và ngay cả tượng của ông cũng bị đạp đổ. Tại nhiều nơi khác, người ta cũng xóa bỏ tên mới của các đô thị để lấy lại tên cũ vốn đã có từ thời các đô thị này được thiết lập. Gorky sẽ được phục hồi lại như trước kia là Novgorod. Bezhnev sẽ được mang tên cũ là Nabereznye, Zhadanov sẽ được phuc hồi là Mariupol, nghĩa là đô thị của Ðức Maria.

Mỗi người chúng ta, khi chịu phép rửa cũng đều mang một tên mới. Chúng ta thường gọi đó là tên thánh. Thánh bởi vì đó là tên của một vị Thánh, nhưng thánh bởi vì tất cả chúng ta đều được mời gọi để nên thánh, hay nói như Thánh Phaolô, tất cả chúng ta đều là những người thánh. Thật thế, nhờ Phép Rửa, người tín hữu Kitô được tham dự vào chính sự thánh thiện của Thiên Chúa; nhờ Phép Rửa, người tín hữu Kitô trở thành Ðền Thờ thánh thiện của Chúa Thánh Thần.

Ðó là nguồn gốc, là căn tính của người Kitô chúng ta. Mang lấy tên của một vị thánh, người Kitô luôn được nhắc nhở rằng bản chất của họ chính là nên thánh, nguồn gốc của họ chính là sự thánh thiện. Chính vì nguồn gốc ấy, cho nên họ luôn được mời gọi để làm việc thiện, để cầu nguyện, để chịu đựng, để sống tử tế, để sống vui tươi, để sống phục vụ. Nói tóm lại, vì thông dự vào sự thánh thiện của Thiên Chúa, người Kitô luôn được mời gọi để sống như Ðức Kitô, Ðấng qua cái chết và sự Phục Sinh, đã thể hiện chính sự thánh thiện của Thiên Chúa.

(Lẽ Sống)

++++++++++++++++++

Lời Chúa Mỗi Ngày

Chúa Nhật 6 – Năm C – Thường Niên 

Bài đọc: Jer 17:5-8; I Cor 15:12, 16-20; Lk 6:17, 20-26.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Hãy đặt trọn vẹn niềm tin nơi Thiên Chúa!

Đa số con người ở mọi thời đều tin: “ở hiền gặp lành, gieo gió gặt bão.” Đàng sau niềm tin này là niềm tin vào “ông Trời,” hay “Thượng Đế,” hay “Thiên Chúa;” vì phải có một Đấng uy quyền nhìn xem để bảo vệ người lành và trừng phạt kẻ ác. Mới đầu, niềm tin này chỉ giới hạn trong cuộc đời trên dương gian của mỗi người; nhưng khi thấy có những người ăn ở hiền hậu mà vẫn không gặp lành, hay những kẻ ăn ở thất nhân ác đức mà vẫn sống phây phây; niềm tin này lan rộng tới đời sau. Nếu ông trời có mắt, phải thưởng công cho những người ăn ở hiền lành và phải phạt kẻ ác ở đời sau.

Các Bài Đọc hôm nay tập trung trong việc con người phải đặt trọn vẹn niềm tin tưởng nơi Thiên Chúa, để được Ngài ghé mắt thương tới cả đời này và đời sau. Trong Bài Đọc I, tiên-tri Jeremiah so sánh sự đau khổ của những kẻ tin tưởng nơi sức phàm nhân với hạnh phúc của những ai đặt niềm trông cậy nơi Thiên Chúa. Trong Bài Đọc II, thánh Phaolô khuyên các tín hữu Corintô phải giữ vững niềm tin vào sự sống lại của Đức Kitô và niềm tin mình cũng sẽ được sống lại với Ngài. Đây chính là lý do thúc đẩy con người thực hành những gì Đức Kitô dạy. Trong Phúc Âm, thánh Lucas tường thuật bài giảng của Đức Kitô nơi đồng bằng. Ngài chúc lành cho tất cả những ai nghèo khó, đói khát, khóc lóc, và bị đối xử bất công vì danh Thiên Chúa. Ngược lại, Ngài báo trước khốn cho những ai bây giờ đang giầu có, no đầy, vui cười, và được mọi người ca tụng.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Phúc thay kẻ đặt niềm tin vào Đức Chúa, và có Ngài làm chỗ nương thân.

1.1/ Kẻ tin ở sức con người: Mục đích của Jeremiah là nêu bật sự tương phản giữa niềm tin nơi sức con người với niềm tin nơi Thiên Chúa. Điều đầu tiên chúng ta cần lưu ý: để bị nguyền rủa, một người phải có cả ba yếu tố được liệt kê: tin ở người đời, lấy xác thịt mình làm sức mạnh, và lòng dạ xa rời Đức Chúa! Nếu một người tin cha mẹ, tự tin nơi mình, và tin tưởng Thiên Chúa, người đó sẽ không bị nguyền rủa. Jeremiah muốn nhấn mạnh con người phải đặt trọn vẹn niềm tin nơi Thiên Chúa, hơn là chỉ tin tưởng nơi tài năng của mình, hay cậy dựa vào người đời cho dẫu họ có quyền thế đến đâu chăng nữa. Điều dễ hiểu là nếu con người không có đức tin nơi Thiên Chúa, họ sẽ dễ dàng rơi vào chán chường và tuyệt vọng khi phải đương đầu với bệnh tật, phản bội, hay cái chết; vì họ không còn biết trông cậy vào ai hay vào điều gì nữa.

1.2/ Người trông cậy nơi Thiên Chúa: Lịch sử của Cựu Ước là một chuỗi những bài học dẫn chứng những điều tốt lành xảy đến cho các tổ-phụ, nhà lãnh đạo, các vua, và các tiên tri, khi họ tuân hành giữ cẩn thận các điều Thiên Chúa truyền dạy. Chúng ta có thể nói lời sấm của ngôn sứ Jeremiah hôm nay là kết luận của những gì Thiên Chúa muốn in sâu vào tâm khảm của con người: “Phúc thay kẻ đặt niềm tin vào Đức Chúa, và có Đức Chúa làm chỗ nương thân. Người ấy như cây trồng bên dòng nước, đâm rễ sâu vào mạch suối trong, mùa nóng có đến cũng chẳng sợ gì, lá trên cành vẫn cứ xanh tươi, gặp năm hạn hán cũng chẳng ngại, và không ngừng trổ sinh hoa trái.”

Nếu con người biết hoàn toàn trông cậy nơi Thiên Chúa, Ngài sẽ tiếp tục chúc lành, bảo vệ, và ban mọi ơn lành. Lịch sử Cựu Ước cũng chứng minh: khi một con người hay cả dân tộc không tin tưởng nơi Thiên Chúa, chỉ tin vào sự khôn ngoan hay sức mạnh của mình, hay chỉ biết cậy dựa vào sức mạnh của quốc gia khác, họ sẽ phải lãnh nhận biết bao đau khổ, tủi nhục, và lưu đày.

2/ Bài đọc II: Niềm tin vào sự sống lại giúp con người thi hành những gì Thiên Chúa dạy.

Truyền thống Do-thái cho tới năm 200 BC không có giải thích rõ rệt về sự sống lại, mặc dù có nhiều đoạn nói về chỗ nghỉ của kẻ chết nhất là những người được trở thành bạn hữu với Thiên Chúa. Niềm tin vào sự sống lại bắt đầu được đề cập tới trong Sách tiên tri Daniel và Sách Maccabees.

2.1/ Niềm tin căn bản là niềm tin vào sự sống lại: Có nhiều lý do đưa tới việc thánh Phaolô dạy dỗ về sự sống lại:

(1) Niềm tin của các triết gia Hy-lạp: Họ tin vào sự bất tử của linh hồn, vì linh hồn không cấu thành bởi vật chất, nên không bị tiêu tan. Họ cũng tin thân xác là ngục tù giam hãm linh hồn, nên con người phải tìm mọi cách để giải thoát linh hồn khỏi thân xác. Đó là một trong những lý do mà họ nhạo cười Phaolô tại Areopagus, Athens, khi ông nói về sự sống lại của thân xác. Corintô cũng là một thành phố của Hy-lạp, chắc chắn đã có người phản đối Phaolô về sự giáo huấn thân xác sẽ sống lại.

(2) Kinh nghiệm của các chứng nhân: Thánh Phaolô có kinh nghiệm rõ rệt về sự phục sinh của Đức Kitô trên đường đi Damascus. Ngài tưởng một người tên Giêsu đã bị Thượng Hội Đồng kết tội và giết chết sẽ rơi vào quên lãng như bao người; nhưng không, Ngài vẫn sống và tỏ uy quyền cho Phaolô: “Ta là Người mà ngươi đang truy tố. Khốn cho ngươi nếu ngươi cứ giơ chân đạp mũi nhọn!” Chính cuộc gặp gỡ này đã thay đổi hoàn toàn cuộc đời Phaolô: từ chỗ không tin có sự sống lại đến chỗ phải tin; từ chỗ bắt bớ đạo Chúa đến chỗ nhiệt thành rao giảng… Nếu một Người đã chết mà vẫn sống, mọi điều Người ấy nói đều có thực; nhất là những mặc khải về ý định của Thiên Chúa cho con người và về sự sống đời sau.

(3) Niềm tin của đa số con người: Rất nhiều người dù không tin nơi Thiên Chúa, nhưng vẫn tin: “ở hiền gặp lành, gieo gió gặt bão;” nhưng có những người ăn ở thất nhân ác đức mà vẫn sống phây phây ở đời này. Vì thế, nếu ông trời có mắt, phải thưởng công cho những người ăn ở hiền lành và phải phạt kẻ ác ở đời sau.

(4) Mục đích của biến cố Nhập Thể của Đức Kitô: là để tha tội lỗi cho con người và mang lại cho con người cuộc sống đời đời với Thiên Chúa.

2.2/ Niềm tin vào sự sống lại giúp chúng ta biết sống thế nào trong cuộc đời: Có hai niềm tin và hai cách sống tương xứng với hai niềm tin này.

(1) Người không tin có sự sống lại: Họ sẽ giản lược tất cả vào việc tìm cách hưởng thụ tối đa những gì mà thế gian dâng tặng, cho dẫu phải đối xử bất công với anh chị em đồng loại. Họ không lo bị ai phán xét, vì chết là hết. Họ sẽ không phí thời giờ học hỏi Lời Chúa hay thực hành những gì Thiên Chúa dạy.

(2) Người tin vào sự sống lại sẽ sống đời này với cặp mắt luôn hướng về đời sau. Họ sống đời này như cuộc đời tạm thời để tiến về cuộc sống mai sau vĩnh cửu với Đức Kitô. Thánh Phaolô không chấp nhận giải pháp tin vào Đức Kitô sẽ giúp ích cho người tín hữu chỉ ở đời này: “Nếu chúng ta đặt hy vọng vào Đức Kitô chỉ vì đời này mà thôi, thì chúng ta là những kẻ đáng thương hơn hết mọi người.” Nói cách khác, nếu không tin vào sự sống lại, chúng ta hãy hưởng thụ tối đa cuộc sống đời này, như những người vô thần. Lý do: nếu không, đời này chúng ta đã không được hưởng mà đời sau cũng chẳng có để hưởng.

3/ Phúc Âm: Bài giảng về Nước Thiên Chúa nơi đồng bằng

3.1/ Những điều khác biệt giữa Lucas và Matthew: Có ít nhất 3 điều khác biệt giữa hai thánh ký:

(1) Khác với Matthew trong Bài Giảng Trên Núi (Mt 5:1-12), trong đó Chúa Giêsu chỉ dạy dỗ các môn đệ; trình thuật của Lucas xảy ra ở một chỗ đất bằng và mở rộng cho dân chúng: “từ khắp miền Judah, Jerusalem cũng như từ miền duyên hải Tyre và Sidon.”

(2) Matthew tường thuật rõ ràng Bát Phúc; trong khi Lucas phân chia thành bốn mối phúc và bốn sự khốn.

(3) Matthew xử dụng ngôi thứ ba trong khi Lucas xử dụng ngôi thứ hai.

3.2/ Những mối phúc: Đức Giêsu ngước mắt lên nhìn các môn đệ và nói: “Phúc cho anh em là những kẻ nghèo khó, vì Nước Thiên Chúa của anh em.” Lucas dùng động từ ở thời hiện tại trong câu này, như có ý bảo khi con người sống nghèo khó, họ bắt đầu sở hữu Nước Thiên Chúa. Trong thực tế, khi con người sống trong hoàn cảnh nghèo nàn, họ dễ trông cậy vào Thiên Chúa hơn khi họ trở nên giàu có. Người giàu thường cậy vào của cải của mình.

Trong câu kế tiếp, Lucas dùng mệnh đề thứ nhất ở thời hiện tại và mệnh đề thư hai ở thời tương lai: “Phúc cho anh em là những kẻ bây giờ đang phải đói, vì Thiên Chúa sẽ cho anh em được no lòng. Phúc cho anh em là những kẻ bây giờ đang phải khóc, vì anh em sẽ được vui cười.”

Lucas có ý muốn nói những gì xảy ra trong tương lai sẽ đảo ngược hoàn toàn những gì đang xảy ra trong hiện tại.

Câu kế tiếp Lucas dùng các động từ của mệnh đề thứ nhất ở thời điều kiện, và các động từ của mệnh đề thứ hai ở thời hiện tại: “Phúc cho anh em khi vì Con Người mà bị người ta oán ghét, khai trừ, sỉ vả và bị xoá tên như đồ xấu xa. Ngày đó, anh em hãy vui mừng nhảy múa, vì này đây phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao. Bởi lẽ các ngôn sứ cũng đã từng bị cha ông họ đối xử như thế.” Lucas có ý muốn nói nếu những điều đó xảy ra, các tín hữu hãy vui mừng, vì Thiên Chúa sẽ đền bù xứng đáng những gì họ phải chịu thiệt hại ở đời này.

3.3/ Những sự khốn: Có lẽ câu truyện giúp chung ta dễ hiểu Bài Giảng của Chúa Giêsu trong Lucas là câu truyện của Lazarus và người giàu có (Lk 16:20-31). Trong mối khốn thứ nhất, Lucas cũng dùng động từ của mệnh đề thứ nhất ở thời hiện tại và của mệnh đề thứ hai ở thời hoàn hảo: “Nhưng khốn cho các ngươi là những kẻ giàu có, vì các ngươi đã được phần an ủi của mình rồi.” Khi con người sống trong hoàn cảnh giàu có ở đời này, họ đã được hưởng phần an ủi rồi. Trong câu kế tiếp, cấu trúc động từ cũng tương xứng với cấu trúc bên trên: “Khốn cho các ngươi, hỡi những kẻ bây giờ đang được no nê, vì các ngươi sẽ phải đói. Khốn cho các ngươi, hỡi những kẻ bây giờ đang được vui cười, vì các ngươi sẽ phải sầu khổ khóc than.” Tổ phụ Abraham cũng nói lời tương tự với người nhà giàu: “Con ơi, hãy nhớ lại: suốt đời con, con đã nhận phần phước của con rồi; còn Lazarô suốt một đời chịu toàn những bất hạnh. Bây giờ, Lazarô được an ủi nơi đây, còn con thì phải chịu khốn khổ.”

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

– Chúng ta đừng đặt trọn vẹn niềm tin tưởng vào mình hay bất cứ ai ngoại trừ vào Thiên Chúa, chỉ có Ngài là người yêu thương và có uy quyền mang lại hạnh phúc đời đời cho chúng ta.

– Niềm tin vào sự sống lại là sự khác biệt căn bản giữa những người tin tưởng vào Thiên Chúa và những người không tin tưởng nơi Ngài.

– Đức tin của chúng ta cần phải được tôi luyện và thử thách trong đau khổ; nhưng những thử thách này chỉ tạm thời. Nếu không có thử thách, chúng ta sẽ không có cơ hội chứng minh niềm tin của chúng ta nơi Thiên Chúa.

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

****************