Chúa Nhật (13-08-2023) – Trang suy niệm

12/08/2023

Lời Chúa Hôm Nay

CHÚA NHẬT 19 THƯỜNG NIÊN – NĂM A

BÀI ĐỌC I: 1 V 19, 9a. 11-13a

“Ngươi hãy ra đứng trên núi trước tôn nhan Chúa”.

Bài trích sách Các Vua quyển thứ nhất.

Trong những ngày ấy, khi Êlia đã lên núi Horeb của Thiên Chúa, ông trú ẩn trong một cái hang… Có lời Chúa phán cùng ông rằng: “Hãy ra đứng trên núi trước tôn nhan Chúa”. Bỗng Chúa đi qua; có một cơn gió mạnh xé núi non và nghiền nát đá trước mặt Chúa; nhưng Chúa không ở trong gió bão. Sau trận gió bão thì đất động; Chúa cũng không ở trong cơn động đất. Sau cơn động đất thì có lửa; nhưng Chúa cũng không ở trong lửa. Sau lửa thì có tiếng gió hiu hiu. Vừa nghe thấy, Êlia liền lấy áo choàng che mặt lại, đi ra đứng ở cửa hang.

Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 84, 9ab-10. 11-12. 13-14

Đáp: Lạy Chúa, xin tỏ lòng từ bi Chúa cho chúng con, và ban ơn cứu rỗi cho chúng con (c. 8).

1) Tôi sẽ nghe Chúa là Thiên Chúa của tôi phán báo điều chi? Chắc hẳn Người sẽ phán bảo về sự bình an. Vâng, ơn cứu độ Chúa gần đến cho những ai tôn sợ Chúa, để vinh quang Chúa ngự trị trong Đất Nước chúng tôi.

2) Lòng nhân hậu và trung thành gặp gỡ nhau, đức công minh và sự bình an hôn nhau âu yếm. Từ mặt đất, đức trung thành sẽ nở ra, và đức công minh tự trời nhìn xuống.

3) Vâng, Chúa sẽ ban cho mọi điều thiện hảo, và Đất Nước chúng con sẽ sinh bông trái. Đức công minh sẽ đi trước thiên nhan Chúa, và ơn cứu độ theo sau lốt bước của Ngài.

BÀI ĐỌC II:  Rm 9, 1-5

“Tôi đã ước ao được loại khỏi Đức Kitô vì phần ích anh em của tôi”.

Bài trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.

Anh em thân mến, tôi xin nói thật trong Đức Kitô, tôi không nói dối: lương tâm tôi làm chứng cho tôi trong Thánh Thần: là tôi buồn phiền quá đỗi, lòng tôi hằng đau đớn luôn. Chính tôi đã ao ước được loại khỏi Đức Kitô vì phần ích anh em của tôi, là những thân nhân của tôi về phần xác. Họ đều là người Israel, họ được quyền làm nghĩa tử, được vinh quang, giao ước, lề luật, việc phượng tự và lời hứa: các tổ phụ cũng là của họ, và bởi các đấng ấy mà Đức Kitô sinh ra phần xác, Người là Thiên Chúa trên hết mọi sự, đáng chúc tụng muôn đời.Amen.

Đó là lời Chúa.

ALLELUIA: Ga 1, 14 và 12b

All. All. – Ngôi Lời đã làm người và đã ở giữa chúng ta. Những ai tiếp rước Người, thì Người ban cho họ quyền làm con Thiên Chúa. – All.

PHÚC ÂM: Mt 14, 22-33

“Xin truyền cho con đi trên mặt nước mà đến cùng Thầy”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi dân chúng đã ăn no, lập tức Chúa Giêsu giục môn đệ trở xuống thuyền mà qua bờ bên kia trước, trong lúc Người giải tán dân chúng. Giải tán họ xong, Người lên núi cầu nguyện một mình. Đến chiều, Người vẫn ở đó một mình. Còn thuyền thì đã ra giữa biển, bị sóng đánh chập chờn vì ngược gió.

Canh tư đêm tối, Người đi trên mặt biển mà đến với các ông. Thấy Người đi trên mặt biển, các ông hoảng hồn mà nói rằng: “Ma kìa!”, và các ông sợ hãi kêu la lớn tiếng. Lập tức, Chúa Giêsu nói với các ông rằng: “Hãy yên tâm. Thầy đây, đừng sợ!” Phêrô thưa lại rằng: “Lạy Thầy, nếu quả là Thầy, thì xin truyền cho con đi trên mặt nước mà đến cùng Thầy”. Chúa phán: “Hãy đến!” Phêrô xuống khỏi thuyền, bước đi trên mặt nước mà đến cùng Chúa Giêsu. Khi thấy gió mạnh, ông sợ hãi và sắp chìm xuống nên la lên rằng: “Lạy Thầy, xin cứu con!” Lập tức, Chúa Giêsu giơ tay nắm lấy ông mà nói: “Người hèn tin, tại sao mà nghi ngờ?” Khi cả hai đã lên thuyền thì gió liền yên lặng. Những người ở trong thuyền đến lạy Người mà rằng: “Thật, Thầy là Con Thiên Chúa”.

Đó là lời Chúa.

(Nguồn: UBPV/HĐGMVN, ấn bản 1973)

++++++++++++++++++

13/08/2023 – CHÚA NHẬT TUẦN 19 TN – A

Mt 14,22-33

“ĐI TRÊN NƯỚC” ĐẾN VỚI CHÚA

Khi ấy ông Phê-rô liền thưa với Người: “Thưa Ngài, nếu quả là Ngài thì xin truyền cho con đi trên mặt nước mà đến với Ngài.” Đức Giê-su bảo ông: “Cứ đến!” (Mt 14,28)

Suy niệm: Tin tưởng vào Lời của Chúa, ông Phê-rô bước xuống thuyền đi trên mặt nước và đến với Ngài. Nhưng khi thấy gió thổi, ông sợ và la lên và rồi ông bắt đầu chìm. Cơn gió nổi lên làm ông phân tâm. Ông chìm vì ông không còn nhìn vào Chúa, vì ông không còn coi Chúa là điểm đến trong hành trình ‘đi trên nước’ của mình. Các ki-tô hữu trong hành trình đức tin của mình cũng vậy. Bao lâu chúng ta còn nhìn lên Chúa, bao lâu còn tập trung vào Chúa, còn coi Chúa là mục tiêu của đời mình thì bấy lâu chúng ta còn có thể “đi trên mặt nước” mà đến với Ngài. Câu chuyện ông Phê-rô hôm nay cũng là câu chuyện cuộc đời của mỗi người chúng ta trong hành trình theo Chúa khi sống giữa trần gian này.

Mời Bạn: Để có thể đi theo và đến được với Chúa Giê-su, mỗi chúng ta phải tập trung nhìn thẳng vào Chúa, đó là lúc chúng ta sống với Chúa trong kinh nguyện hàng ngày, trong mỗi thánh lễ và không để “những chuyện thế gian” làm chúng ta chia trí. Có vậy ta mới đi trọn vẹn tới Chúa là mục tiêu đời mình.

Chia sẻ: Bạn có kinh nghiệm “bị chìm” trong đời sống đức tin khi bạn sao nhãng, chia trí và xa rời Chúa không?

Sống Lời Chúa: Đối với các ki-tô hữu, nhìn ngắm Chúa, kết hợp với Chúa, đặt mục tiêu đời mình nơi Chúa, là cách tốt nhất để chúng ta có thể bước theo và đến với Ngài trong hành trình đời mình.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con vững tin để con luôn biết chăm chú nhìn Chúa là lẽ sống của con, nhờ đó con có được Chúa trong cuộc sống đời con mà bước đi theo Ngài. Amen.

(5 Phút Lời Chúa)

++++++++++++++++++

Suy niệm và cầu nguyện

Suy niệm

Không rõ lúc nào thì con thuyền các môn đệ gặp gió ngược.

Có gió thì có sóng, sóng đánh làm thuyền chòng chành.

Thuyền rơi vào tình trạng tiến thoái lưỡng nan.

Tiến tới bờ bên kia thì không được, mà về cũng không xong, 

vì con thuyền đã ra xa bờ nhiều dặm.

Các môn đệ phải tự mình đương đầu với sóng gió.

Tay chèo của họ mệt mỏi giữa đêm khuya.

Không có Thầy Giêsu ở đây, trong khoang thuyền này.

Tại sao Thầy bắt họ phải qua bờ bên kia ngay lập tức?

Tại sao Thầy không hoãn đến sáng mai, vì đâu có gì mà vội? 

Bây giờ Thầy đang làm gì một mình ở chỗ hoang vắng đó?

Thầy có biết các môn đệ vì vâng lời Thầy mà gặp rắc rối không?

Có một thứ sóng gió nào đó đang xôn xao trong lòng họ.

 

Thầy Giêsu đến với họ lúc trời còn tối, nên chẳng ai nhận ra.

Ngài đến với họ ngay giữa sóng gió, Ngài đạp lên sóng mà đi.

Các môn đệ thấy bóng người đi trên mặt nước.

Hoảng hốt và sợ hãi, họ tưởng mình thấy ma.

Họ nghĩ chỉ có ma mới đi trên mặt nước được.

Nhưng đây không phải là ma, đây là người Thầy của họ.

“Cứ yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ!”

Vậy mà Phêrô vẫn chưa nhận ra giọng nói và khuôn mặt Thầy. 

Ông muốn đưa ra một trắc nghiệm để kiểm chứng.

“Nếu quả là Ngài, xin truyền cho con đi trên nước để đến với Ngài.”

Nếu ông đi được trên nước thì người kia mới đúng là Thầy Giêsu.

Ông tin rằng: điều Thầy làm được, Thầy cũng cho trò làm được.

Phêrô tự đặt mình vào một thách đố không dễ dàng.

Thầy Giêsu chấp nhận thách đố này và mời Phêrô: “Hãy đến!”

Thầy đã đi trên sóng nước để đến với ông.

Nay Thầy mời ông đi trên sóng nước để đến với Thầy.

 

Cần hình dung giây phút Phêrô đặt chân trên mặt nước.

Mặt nước đáng sợ vì sóng to, gió lớn.

Ông có ngần ngại khi bước ra khỏi thuyền không?

Ông có dám tin mình sẽ đi được trên nước không? 

Phêrô đã làm gì để chiến thắng sự sợ hãi đang đè nặng?

Chúng ta chỉ biết ông đã thắng được chính mình,

đã ra khỏi thuyền, đã đặt chân trên sóng nước, và bước đi.

Không rõ người ông trở nên nhẹ hay mặt nước trở nên cứng.

Càng bước đi, ông càng xác tín rằng đúng là Thầy rồi.

Và ông cứ hướng về phía Thầy mà tiến bước. 

 

Nhưng ngay cả khi tin Thầy đang ở trước mặt mình, 

Phêrô cũng bị chao đảo vì một cơn gió mạnh bất ngờ ập tới. 

Ông sợ hãi và chìm xuống, nên ông la to xin Thầy cứu mình.

Thầy Giêsu lập tức đưa bàn tay ra nắm lấy ông.

Thầy trách ông đã nghi ngờ, dù chỉ trong một giây phút.

Nghi ngờ là dấu hiệu của lòng tin còn non yếu. 

Lòng tin dễ lung lay trước những biến động của cuộc đời.

Khi Thầy Giêsu nắm tay Phêrô và đưa ông về thuyền,

gió vẫn chưa ngừng, sóng vẫn đánh. 

Nhưng Phêrô yên tâm đi bên Thầy, đạp trên sóng gió mà đi. 

Chỉ khi Thầy trò về thuyền, gió mới lặng.

 

Kinh nghiệm của Phêrô cũng là kinh nghiệm của các kitô hữu.

Kinh nghiệm bị ép phải qua bờ bên kia ngay lập tức,

trong hoàn cảnh trời tối, ngược gió, và không có Thầy gần bên.

Kinh nghiệm hoảng hốt vì Thầy đến mà mình không nhận ra.

Kinh nghiệm hạnh phúc đi được trên nước để đến với Thầy,

và rồi bị chìm, dù biết Thầy ở ngay trước mặt.

Kinh nghiệm được Thầy dắt về thuyền trong bình an.

Bao nhiêu cung bậc cảm xúc trong từng kinh nghiệm.

Tất cả dẫn đến kinh nghiệm cuối là nhận ra Con Thiên Chúa

đang ở trong cùng thuyền với Hội Thánh hôm nay (Mt 14,33).  

 

Cầu nguyện

 

Lạy Chúa Giêsu,

Sống ở đời chẳng ai thích sóng gió,

nhưng sóng gió lúc nào cũng có trong đời người.

Các môn đệ đầu tiên đã nhiều lần gặp sóng gió ở hồ Galilê.

Sóng gió đến khi Chúa đang ngủ vùi trên thuyền,

khiến môn đệ phải vội vàng đánh thức.

Sóng gió đến khi Chúa không ở trong thuyền,

khiến môn đệ phải chèo chống vất vả.

 

Chúa không tránh cho đời chúng con khỏi mọi sóng gió,

vì Chúa biết sóng gió làm chúng con trưởng thành,

tập vượt qua nỗi sợ hãi bằng lòng tin,

tập vượt qua nỗi lo âu bằng hy vọng.

Chúa để chúng con chiến đấu suốt đêm với gió ngược,

nhưng lại đến với chúng con khi trời gần sáng.

 

Xin cho chúng con yêu quý sự bình an,

nhưng lại không ngỡ ngàng trước sóng gió.

Giữa cơn sóng gió, xin cho chúng con tin rằng

Chúa vẫn hiện diện gần bên chúng con,

và đang đưa con thuyền Giáo Hội về đến bến.

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

(phutcaunguyen.net)

++++++++++++++++++

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên

13 THÁNG TÁM

Xây Dựng Một Nơi Cư Ngụ Xứng Đáng Cho Con Người

Con người được mời gọi phát triển thế giới, làm việc hướng về việc phát triển tốt hơn các hệ thống kinh tế và văn hóa. Công việc này là một phần của ơn gọi con người, vì con người được mời gọi làm chủ trái đất. Đó là lý do tại sao sự suy nghĩ khoa học và kỹ thuật hiện đại cũng như văn hóa và sự khôn ngoan của mọi thời phải được định hình bởi con người để phù hợp với kế hoạch của Thiên Chúa đối với tạo vật của Ngài.

Công Đồng Vatican II nhìn nhận giá trị và chức năng của công việc và văn hóa trong thời đại chúng ta. Thật vậy, Hiến Chế Vui Mừng và Hy Vọng mô tả tình hình xã hội và văn hóa mới của chúng ta với những khả năng thay đổi và tiến bộ nhanh chóng của nó. Những khả năng này làm nhiều người ngạc nhiên và đem lại niềm hy vọng cho nhiều người khác. (MV 53-54).

Công Đồng không ngần ngại nhìn nhận những thành tựu ngoạn mục của con người. Công Đồng đặt những thành tựu này trong bối cảnh kế hoạch và lệnh truyền của Thiên Chúa cho con người. Công Đồng liên hệ những thành tựu ấy với Phúc Âm về tình huynh đệ được rao giảng bởi Đức Giê-su Kitô. “Khi cày cấy với hai bàn tay hoặc với phương tiện kỹ thuật để trái đất nảy sinh hoa quả và trở thành nơi cư ngụ xứng đáng của toàn thể gia đình nhân loại, và khi tham dự cách ý thức vào tập thể xã hội, con người đã tuân theo ý định của Thiên Chúa được tỏ bày ngay từ thuở đầu là loài người phải chế ngự trái đất và hoàn tất công cuộc tạo dựng, đồng thời con người phát triển được chính bản thân; và cùng khi ấy con người tuân giữ giới răn quan trọng của Chúa Kitô là hiến thân phục vụ anh em” (MV 57; 63).

– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –

Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác

LIFT UP YOUR HEARTS

Daily Meditations by Pope John Paul II

+++++++++++++++++

Lời Chúa Trong Gia Đình

Ngày 13/8

CHÚA NHẬT XIX THƯỜNG NIÊN

1V  19, 9a. 11-13a; Rm 9, 1-5; Mt 14, 22-33.

Lời Suy niệm: Khi Thầy trò đã lên thuyền, thì gió lặng ngay. Những kẻ ở trong thuyền bái lạy Người và nói: “Quả thật Ngài là Con Thiên Chúa.”

          Câu chuyện của Tin Mừng này được nối tiếp với Chúa nhật XVIII thường niên tuần trước, giúp cho chúng ta thấy được sự quan tâm và tình yêu thương của Chúa Giêsu đối với từng con người và từng cộng đoàn. Khi dân đi theo Chúa để nghe Người giảng dạy và được chữa lành, đang lâm vào cảnh đói nơi hoang vắng Người đã cho ăn no nê, khi dân muốn tôn Người lên làm vua, Một mình Người tự giải tán họ ra về trong an bình. Rồi Người tách các môn đệ Người ra khỏi dân chúng, để tránh cho các Tông Đồ lâm vào cảnh vinh quang của trần thế. Nhưng khi các môn đệ của Người đi trong đêm tối và gặp sóng gió thì Người lại đến với các ông: “Chính Thầy đây, đừng sợ.”

          Lạy Chúa Giêsu. Xin cho tất cả chúng con luôn tin vào tình thương và sự quan tâm của Chúa đối với chúng con trong từng hoàn cảnh sống, để chúng con vững tin Chúa luôn đang hiện diện và luôn đồng hành với chúng con trên mọi bước đường đời của chúng con. Amen.

Mạnh Phương

+++++++++++++++++

Gương Thánh Nhân

Ngày 13-08

Thánh PONTIANÔ, Giáo Hoàng Tử Đạo

Thánh HIPPÔLITÔ Linh Mục, Tử Đạo (thế kỷ III)

Thánh PONTIANÔ

Kế vị Thánh Urbanô I làm giáo hoàng khoảng năm 230 Ngài bị bắt đi lưu đày cùng với vị phản giáo hoàng là Hippôlitô, tới miền Sardinia trong thời kỳ bách hại của hoàng đế Maximinô. Ngài nổi danh và được kính nhớ vì đã tử đạo tại đó.

Thánh HIPPÔLITÔ : Ít ra có ba vị thánh mang tên này.

Một huyền thoại kể rằng thánh Hippôlitô là viên cai ngục canh giữ thánh Lorensô khi được thánh nhân cải hóa. Hippôlitô đã trở thành môn đệ và đã dự vào đám đông và đã dự vào đám táng thánh nhân. Tin này tới tai hoàng đế, ông ta truyền đánh đòn Ngài. Vú nuôi Ngài, thánh nữ Concordia cùng với 18 gia nhân bị đánh đòn cho tới chết, còn thánh nhân được tha để cho ngựa xé. Câu chuyện này còn đáng nghi ngờ, vì “Hippôlitô” có nghĩa là “ngựa tháo cương” và vì câu chuyện rất giống với huyền sử Hy lạp về Hippôlitô con của Therêô, cũng đã chịu một hình phạt như vậy. Điều thật dễ hiểu khi thánh nhân trở thành vị bảo trợ của các kỵ sĩ.

Đúng hơn, thánh Hippôlitô được kính nhớ hôm nay là một linh mục và là một thần học gia sống vào đầu thế kỷ thứ ba. Ngài đã trước tác một số tác phẩm bằng tiếng Hy lạp, nay chỉ còn lại quá ít. Trong số các tác phẩm này, cuốn Philosophoumena đả kích những học thuyết đương thời.

Kính Ngài, các đồ đệ đã dựng được một bức tượng mà thế kỷ XVI người ta tìm thấy. Trên ghế bức tượng của Ngài có bảng ghi các sách của Ngài. Ngài lập bảng tính về lễ phục sinh không được chính xác lắm. Trong số các sách chú giải kinh thánh của Ngài còn lại cuốn chú giải sách Daniel, trong đó Ngài trấn an người đương thời về biến cố Chúa lại đến bằng cách chứng minh rằng thế giới còn tồn tại 600 năm. Dầu không kết án, Đức Callistô nghi ngờ thần học của thánh Hippôlitô về lời Chúa.

Khi đức Callistô được chọn làm giáo hoàng năm 217, Hippôlitô chống lại và tự đặt mình làm phản giáo hoàng, Ngài còn tố giác điều mà Ngài coi như sự dung thứ của đức Callistô cũng như không rút lại lời dèm pha. Ngài được coi như là người đã viết cuốn chỉ nam chính yếu về phụng vụ gọi là cuốn “truyền thống tông đồ”. Sớm bị Giáo hội Tây Phương quên lãng, Ngài lại sống còn lâu dài trong các Giáo hội đông phương, thế giá của Ngài đối với chúng ta là bản lễ qui Roma của Ngài, dầu không cố định từng lời.

Năm 235, hoàng đế Maximinô khơi lại cuộc bách hại các Kitô hữu. Cả Đức Potianô lẫn vị phản giáo hoàng Hippôlitô đều bị đầy tới miền hầm mỏ Sardinia. Hippôlitô không đòi làm giáo hoàng nữa và khuyên những ai theo mình hãy vâng phục Đức giáo hòang hợp thức. Cả hai đấng đều từ trần như là nạn nhân của trại tập trung. Khi cuộc bách hại chấm dứt, xác các Ngài được mang về mai táng tại Roma (ngày 13 tháng 8).

Dầu thái độ cư xử của thánh Hippôlitô chẳng thánh thiện gì, nhưng Ngài được kính nhớ vì đời sống riêng rất khắc khổ nhiệm nhặt và vì đã chết vì đạo. Mộ Ngài ở tại nguyện đường Tiburtine được kính như mồ thánh tử đạo, nhưng chuyện thật của Ngài lại sớm bị quên lãng. Người ta còn coi Ngài như một vị thánh giám mục của Portô “con người lừng danh về học thức”. Nhưng có lẽ thánh Hippôlitô chính là đấng mà chúng ta đã nói đến ở trên.

(daminhvn.net)

+++++++++++++++++

13 Tháng Tám

Bức Tường Ô Nhục 

Ngày 13/8/1961, sau nhiều cuộc thương thảo vô ích giữa Washington và Mascơva nhằm giải quyết cuộc chiến tranh lạnh giữa hai khối Ðông và Tây, Kruschev, chủ tịch nhà nước Liên Xô, đã ra lệnh cho xây cất một bức tường ngăn cách Ðông và Tây Bá Linh. Bức tường này được dựng lên không những để đánh dấu sự đọan tuyệt giữa Ðông và Tây, nhưng còn để ngăn chặn làn sóng những người Ðông Ðức ồ ạt chạy sang tỵ nạn tại Tây Bá Linh. Khối Ðông Âu thì giải thích rằng bức tường này được dựng lên là để ngăn chặn những người Tây Phương có thể đến Ðông Ðức để làm gián điệp. Còn phía Tây Phương thì lại gọi bức tường đó là bức tường ô nhục… Nhưng dù được gọi dưới danh hiệu nào, dù được xây dựng dưới mục đích nào, bức tường ngăn cách giữa Ðông và Tây Bá Linh vẫn mãi mãi là biểu trưng của những chia cách giữa con người mà chính con người đã tạo nên…

Có những bức tường ngăn cách về kinh tế, chính trị, chủng tộc, văn hóa do con người dựng lên… Nhưng cũng có những bức tường vô hình mà mỗi người chúng ta có thể xây lên để tự ngăn cách với người khác.

Bức tường vô hình đó trước tiên là bức tường của nghi kỵ. Người ta thường xây kín khu vực của mình ở bằng kín cửa cao tường là bởi vì người ta sợ con mắt dòm ngó của những người xung quanh. Sự nghi kỵ không những ngăn ngừa người khác đến với mình, nhưng còn giam hãm chính mình trong cô đơn…

Bức tường vô hình cũng là bức tường của ích kỷ. Người ích kỷ chỉ biết đến thế giới của mình và khép mắt, bịt tai trước những gì đang xảy ra cho người khác…

Bức tường đó cũng có thể là bức tường của sự bất cảm thông. Kẻ xây tường để bao bọc mình sẽ không muốn nhìn thấy và thông cảm với những người xung quanh…

Nhưng bức tường nào cũng là một nấm mồ chôn kín mình trong sự cô đơn. Càng bảo vệ chính mình, con người càng mất mát trong sự hao mòn. Trái lại, càng cởi mở, càng đến với tha nhân càng triển nở trong nhân cách…

(Lẽ Sống)

++++++++++++++++++

Lời Chúa Mỗi Ngày

Chúa Nhật 19 thường niên – Năm A

Bài đọc: I Kgs 19:9, 11-13; Rom 9:1-5; Mt 14:22-33

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Chúa hiện diện ở đâu trong cuộc đời chúng ta.

Nhìn lại quãng đời đã đi qua nhiều khi làm chúng ta kinh ngạc: Có những điều trước đây chúng ta không bao giờ nghĩ là mình có được, thế mà bây giờ lại có! Có những nơi không bao giờ chúng ta nghĩ mình có thể đặt chân đến đó, thế mà lại đến và sống ở đó! Có những trở ngại mà lúc phải đương đầu chúng ta nghĩ không thể vượt qua, thế mà lại vượt qua được… Suy nghĩ những điều này làm chúng ta tự hỏi: Lạ thật! Hình như có người nào điều khiển cuộc đời chứ không phải chính chúng ta, vì có điều chúng ta mong muốn lại không xảy ra, và có điều chúng ta không mong muốn lại xảy ra!

Những điều này không chỉ xảy ra cho chúng ta trong thời đại này, nhưng nếu theo dõi kinh nghiệm của người xưa được thuật lại trong các Bài đọc hôm nay, chúng ta có thể nhận ra những nét quen thuộc. Trong bài đọc I, tiên tri Elijah cảm thấy nhiệt thành hăng hái khi dự cuộc thi để làm chứng cho Đức Chúa trên núi Carmel; nhưng khi phải chạy trốn hoàng hậu Isabel, ông cảm thấy buồn tủi và trách Thiên Chúa sao để ông phải chạy trốn như vậy. Thiên Chúa hiện đến với ông trong làn gió nhẹ hiu hiu, để nhắc nhở cho tiên tri biết Ngài vẫn đang hiện diện với ông. Trong bài đọc II, mặc dù được Thiên Chúa dành đặc biệt để loan truyền Tin Mừng cho Dân Ngoại, thánh Phaolô vẫn dành thời gian để rao truyền Đức Kitô cho người Do-thái vì lòng yêu mến dân tộc của ông. Thánh Phaolô không thể hiểu lý do tại sao người Do-thái không tin vào Đức Kitô mặc dù các ngôn sứ đã nói về Ngài trong Kinh Thánh. Sau cùng, thánh Phaolô phải nhìn nhận Thiên Chúa có kế hoạch riêng cho họ. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu truyền cho tông đồ Phêrô được đi trên mặt nước biển mà đến với Ngài; nhưng khi ông bắt đầu sợ hãi vì sóng gió nổi lên, ông bị chìm và kêu cầu Chúa cứu. Ngài đưa tay đỡ ông và trách: “Người đâu mà kém tin vậy! Sao lại hoài nghi?”

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: thuật lại kinh nghiệm của tiên tri Êlijah, ông sống khoảng 960 BC.

1.1/ Lý do tiên tri Elijah phải chạy trốn: Để hiểu Bài đọc hôm nay, chúng ta cần đọc trở lại ít chương nữa trong Sách Các Vua, quyển I, chương 18. Ông là tiên tri duy nhất của Chúa còn sót lại và nhiệm vụ của ông là khôi phục niềm tin vào Thiên Chúa đã mất trong Israel. Để thực hiện điều này, ông đã bảo Vua Akhab sai triệu tập tòan thể con cái Israel trên núi Carmel. Tại đây, ông đã thách thức 450 tiên tri của Baal để dự cuộc thi xem coi Chúa nào là Chúa thật bằng cách mỗi bên xẻ một con bò tơ, xẻ thịt ra rồi đặt trên củi, nhưng không châm lửa. Bên nào kêu xin thần của bên ấy, thần nào đáp lại bằng cách khiến lửa từ trời xuống đốt cháy thịt, thần đó là Thiên Chúa; và họ đã chấp nhận dự thi. 450 tiên tri của Baal kêu xin suốt từ sáng tới trưa mà không có lửa, nhưng khi một mình tiên tri Êlijah kêu cầu Thánh Danh Chúa, thì Ngài đã khiến lửa từ trời xuống thiêu rụi cả củi lẫn thịt.

Tòan dân thấy vậy thì sấp mặt xuống đất và nói: “Yahvê chính là Thiên Chúa!” Êlijah truyền bắt trói tất cả các tiên tri của Baal, mang xuống núi và cắt cổ họng hạ sát họ tại đó. Vì biến cố này mà hòang hậu Isabel ra chiếu chỉ bắt giết Êlijah để đền mạng cho các tiên tri bị hạ sát của bà, và Êlijah phải tìm đường chạy trốn từ Bắc xuống Nam, và trèo lên núi Hôreb nơi Thiên Chúa đã trao Thập Giới cho Môisen. Phần vì sợ hãi mệt mỏi, phần vì đường xa đói khát làm ông nản chí, ông mong được chết và nói: “Lạy Đức Chúa! Đủ rồi! Bây giờ xin Chúa lấy mạng sống con đi, vì con chẳng hơn gì cha ông của con.” Ông vào một cái hang và nghỉ đêm tại đó. Có lời Đức Chúa phán với ông: “Elijah ngươi làm gì ở đây?” Ông thưa: “Lòng nhiệt thành đối với Đức Chúa, Thiên Chúa các đạo binh nung nấu con, vì con cái Israel đã bỏ giao ước với Ngài, phá huỷ bàn thờ, dùng gươm sát hại các ngôn sứ của Ngài. Chỉ còn sót lại một mình con mà họ đang lùng bắt để lấy mạng sống con.” Người nói với ông: “Hãy ra ngoài và đứng trên núi trước mặt Đức Chúa.”

1.2/ Thiên Chúa hiện đến với ngôn sứ Elijah: Có tất cả 4 sự kiện xảy ra được tường thuật hôm nay.

(1) Gió to bão lớn xẻ núi non, đập vỡ đá tảng trước nhan Đức Chúa, nhưng Đức Chúa không ở trong cơn gió bão.

(2) Sau đó là động đất, nhưng Đức Chúa không ở trong trận động đất.

(3) Sau động đất là lửa, nhưng Đức Chúa cũng không ở trong lửa.

(4) Sau lửa có tiếng gió hiu hiu. Vừa nghe tiếng đó, ông Êlijah lấy áo choàng che mặt, rồi ra ngoài đứng ở cửa hang. Bấy giờ có tiếng hỏi ông: “Êlijah, ngươi làm gì ở đây?”

Rất nhiều lần trong cuộc đời, nhất là những lúc phải đương đầu với bao nhiêu thử thách khó khăn, chúng ta kêu van Chúa để Ngài giúp chiến đấu; nhưng không thấy bóng dáng Ngài đâu! Nhiều lúc quá mệt mỏi vì cố gắng xây dựng, chúng ta cũng đã phải thốt lên như Êlijah: “Chúa ơi! Quá đủ rồi! Không còn sức để đi tiếp nữa!” Nhưng sau những lúc ấy, khi cuộc đời bình an trở lại, chúng ta nhận ra kết quả của những gì chúng ta làm, chúng ta nhận ra ai đã giúp chúng ta chiến đấu trong khi mọi người bỏ rơi chúng ta! Ngài đúng là một Thiên Chúa ẩn mình! Chúng ta có thể nhận ra Ngài trong tiếng gió hiu hiu, nhưng chưa bao giờ được thấy mặt Ngài!

2/ Bài đọc II: thuật lại kinh nghiệm của Thánh Phaolô, gần 2000 năm trước chúng ta.

 2.1/ Thánh Phaolô muốn rao giảng Tin Mừng cho cả Do-thái cũng như cho Dân Ngoại: Thánh Phaolô, người sống cả ngàn năm sau tiên tri Êlijah, cũng cùng tâm trạng này. Ngài đã trở lại và trở thành tông đồ cho Dân Ngọai sau biến cố ngã ngựa và bị mù trên đường đi Damascus để bắt bớ những tín hữu theo đạo. Lòng nhiệt thành vì muốn cho mọi người hiểu và tin vào Chúa Kitô, ngài đã không quản ngại bất cứ một khổ cực nào để loan truyền Lời Chúa. Mặc dù gặt hái được nhiều thành công nơi Dân Ngọai, nhưng ngài phải đương đầu với rất nhiều chống đối và bắt bớ từ những người Do Thái đồng hương của ngài.

Trong trình hôm nay, ngài đã thành thực chia sẻ: “Có Đức Kitô chứng giám, tôi xin nói sự thật, tôi không nói dối và lương tâm tôi, được Thánh Thần hướng dẫn, cũng làm chứng cho tôi rằng: lòng tôi rất đỗi ưu phiền và đau khổ mãi không ngơi. Quả vậy, giả như vì anh em đồng bào của tôi theo huyết thống, mà tôi có bị nguyền rủa và xa lìa Đức Kitô, thì tôi cũng cam lòng.” Chúng ta đã biết Đức Kitô quan trọng thế nào cho cuộc đời Thánh Phaolô, thế mà ngài có thể thốt lên những lời tâm huyết này vì quá khao khát ơn Cứu Độ cho người Do Thái đồng hương của ngài.

2.2/ Thánh Phaolô không hiểu nổi lý do nhiều người Do-thái không tin Đức Kitô: Vì họ đã được thừa hưởng các đặc ân dành cho Israel mà Dân Ngọai không có: Họ là người Israel, họ đã được Thiên Chúa nhận làm con, được Người cho thấy vinh quang, ban tặng các giao ước, lề luật, một nền phụng tự và các lời hứa. Họ là con cháu các tổ phụ; và sau hết, chính Đức Kitô, xét theo huyết thống, cũng cùng một nòi giống với họ.

Tuy nhiên, Thiên Chúa đã có kế họach của Ngài và con người không thể hiểu kế họach đó: Chính vì sự cứng lòng tin của họ mà Dân Ngọai được nghe Tin Mừng và được sát nhập vào làm Dân Chúa. Chính Thánh Phaolô đã thú nhận: Sau cùng Chúa sẽ cứu Israel! Khi nào chuyện ấy sẽ xảy ra? Thời gian là của Chúa và không ai biết được ngày ấy ngọai trừ Chúa.

3/ Phúc Âm: Chúa truyền cho Thánh Phêrô đi trên biển để đến với Chúa.

Phép lạ trên Biển Hồ hôm nay được tường thuật sau phép lạ Chúa hóa bánh ra nhiều để nuôi 5000 người ăn bởi hấu hết các Thánh Ký. Chúa Giêsu muốn các tông đồ tiếp tục công việc thường nhật nên Ngài bắt các môn đệ xuống thuyền qua bờ bên kia trước, trong lúc Người giải tán dân chúng vì họ muốn tôn người làm vua (trình thuật của Gioan). Giải tán họ xong, Người lên núi một mình mà cầu nguyện. Tối đến Người vẫn ở đó một mình. Còn chiếc thuyền thì đã ra xa bờ đến cả mấy cây số, bị sóng đánh vì ngược gió.

3.1/ Các tông đồ sợ hãi khi nhìn thấy có người đi trên mặt nước biển và tiến về phía các ông: Các tông đồ là dân chài, nên có thể không sợ hãi nhiều vì sóng gió; nhưng khi thấy có người đi trên mặt biển thì các ông kinh hoàng vì không người nào có thể đi trên biển ngọai trừ quyền lực siêu nhiên; nhưng Chúa Giêsu liền bảo các ông: “Cứ yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ!”

Sợ hãi và hồ nghi là bản năng của con người, nhưng một khi đã được lý trí soi sáng cho biết điều gì đáng tin và không nên sợ, con người cần vượt thắng những bản năng này. Phêrô có lý do để tìm ra Sự Thật khi yêu cầu: “Thưa Ngài, nếu quả là Ngài, thì xin truyền cho con đi trên mặt nước mà đến với Ngài.” Đức Giêsu bảo ông: “Cứ đến!” Ông Phêrô từ thuyền bước xuống, đi trên mặt nước, và đến với Đức Giêsu.

3.2/ Sự sợ hãi làm cho Phêrô bắt đầu chìm: Phêrô đã đi được trên mặt nước nên ông không nên hồ nghi và sợ hãi nữa vì ông đã biết rõ người đứng trước mặt là Chúa Giêsu và uy quyền của Ngài có thể cho ông đi trên mặt nước, điều mà con người không thể làm được. Nhưng thấy gió thổi thì ông đâm sợ, và khi bắt đầu chìm, ông la lên: “Thưa Ngài, xin cứu con với!” Đức Giêsu liền đưa tay nắm lấy ông và nói: “Người đâu mà kém tin vậy! Sao lại hoài nghi?” Khi thầy trò đã lên thuyền, thì gió lặng ngay. Những kẻ ở trong thuyền bái lạy Người và nói: “Quả thật Ngài là Con Thiên Chúa!”

Đời mỗi người chúng ta là một cuộc hành trình trên biển như Phêrô: có lúc bình an, có lúc sóng gió, có lúc lật thuyền gần chìm. Khi nào chúng ta có lòng tin vững mạnh vào Chúa thì chúng ta sẽ bước đi bình an giữa muôn ngàn sóng gió; nhưng nếu chúng ta hồ nghi sự hiện diện hay uy quyền của Chúa trong cuộc đời, chúng ta sẽ chao đảo vì sóng gió. Những lúc như vậy, chúng ta có cảm tưởng như không thấy sự hiện diện của Chúa hay Người đang để chúng ta chiến đâu một mình; nhưng thực ra Chúa vẫn đồng hành ngay bên và sẵn sàng cứu vớt khi gần bị chết chìm.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

– Qua các bài đọc và kinh nghiệm cá nhân, chúng ta đã học được bài học quá khứ: bàn tay Chúa luôn ở với chúng ta trong mọi biến cố của cuộc đời.

– Tương lai đi đâu, đến chỗ nào, gặp ai, làm gì, chuyện gì sẽ xảy ra, lúc nào, thành công hay thất bại… chúng ta mù tịt; nhưng như tổ phụ Abraham, chúng ta cứ thẳng đường tiến tới, vì chúng ta đã có kinh nghiệm quá khứ: bàn tay Thiên Chúa không bao giờ rời chúng ta.

– Chúng ta hãy sống giây phút hiện tại cách an bình và làm tất cả những gì có thể. Không than thân trách phận khi phải đương đầu với quá nhiều đau khổ. Không nóng lòng chất vấn Chúa khi đã quá cố gắng mà chưa nhìn thấy kết quả. Không kết án cũng chẳng tiên đoán điều gì sẽ xảy ra cho ai vì cuộc đời còn dài, và cuộc đời mỗi người nằm trong sự quan phòng của Thiên Chúa. 

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

****************