Chúa Nhật (14-01-2024) – Trang suy niệm

13/01/2024

Lời Chúa Hôm Nay

CHÚA NHẬT 2 THƯỜNG NIÊN – NĂM B

BÀI ĐỌC I: 1 Sm 3, 3b-10. 19

“Lạy Chúa, xin hãy nói, vì tôi tớ Chúa đang nghe”.

Bài trích sách Samuel quyển thứ nhất.

Ngày ấy, Samuel ngủ trong đền thờ Chúa, nơi đặt Hòm Bia Thiên Chúa. Chúa đã gọi Samuel; cậu trả lời: “Này con đây”, rồi chạy đến Hêli và nói: “Này con đây, vì thầy gọi con”. Hêli trả lời: “Ta đâu có gọi, hãy trở về ngủ đi”. Samuel đi ngủ lại. Nhưng Chúa gọi Samuel lần nữa, và Samuel chỗi dậy, chạy đến Hêli và nói: “Này con đây, vì thầy gọi con”. Hêli trả lời: “Này con, Ta đâu có gọi, hãy trở về ngủ đi”. Samuel chưa nhận ra Chúa, và lời Chúa chưa được mạc khải cho cậu. Chúa lại gọi Samuel lần thứ ba. Cậu chỗi dậy, chạy đến Hêli và nói: “Này con đây, vì thầy gọi con”. Hêli biết Chúa đã gọi Samuel, nên nói với Samuel: “Hãy đi ngủ, và nếu Người còn gọi con, thì con nói rằng: ‘Lạy Chúa, xin hãy nói, vì tôi tớ Chúa đang nghe’”. Samuel trở về chỗ mình và ngủ lại. Chúa đến gần và gọi Samuel như những lần trước: “Samuel, Samuel!” Và Samuel thưa: “Lạy Chúa, xin hãy nói, vì tôi tớ Chúa đang nghe”. Phần Samuel ngày càng lớn lên. Chúa hằng ở cùng cậu, và cậu không để rơi mất lời nào của Chúa.

Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 39, 2 và 4ab. 7-8a. 8b-9. 10

Đáp: Lạy Chúa, này con xin đến để thực thi ý Chúa (c. 8a và 9a).

1) Con đã cậy trông, con đã cậy trông ở Chúa, Ngài đã nghiêng mình về bên con, Ngài đã đặt trong miệng con một bài ca mới, bài ca mừng Thiên Chúa chúng ta. (2) Hy sinh và lễ vật thì Chúa chẳng ưng, nhưng Ngài đã mở rộng tai con. Chúa không đòi hỏi lễ toàn thiêu và lễ đền tội, bấy giờ con đã thưa: “Này con xin đến”. (3) Như trong quyển vàng đã chép về con: lạy Chúa, con sung sướng thực thi ý Chúa, và pháp luật của Chúa ghi tận đáy lòng con. (4) Con đã loan truyền đức công minh Chúa trong Đại Hội, thực con đã chẳng ngậm môi, lạy Chúa, Chúa biết rồi.

BÀI ĐỌC II: 1 Cr 6, 13c-15a, 17-20

“Thân xác anh em là chi thể của Chúa Kitô”.

Bài trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Cô-rintô.

Anh em thân mến, thân xác không phải vì dâm dật, mà vì Chúa, và Chúa vì thân xác. Thiên Chúa đã cho Chúa sống lại, cũng sẽ dùng quyền năng Người cho ta sống lại. Anh em không biết thân xác anh em là chi thể của Chúa Kitô sao? Nhưng ai kết hợp với Chúa thì nên một thần trí. Vậy hãy xa lánh dâm dật. Mọi tội lỗi người ta phạm đều ngoài thân xác, nhưng kẻ tà dâm thì phạm tội trong thân xác mình. Anh em không biết thân xác anh em là đền thờ Chúa Thánh Thần, Đấng ngự trong anh em mà anh em đã nhận lãnh nơi Thiên Chúa, vì anh em không còn thuộc về chính mình nữa sao? Vì anh em đã được mua chuộc bằng một giá rất lớn. Vậy anh em hãy tôn vinh Chúa trong thân xác anh em.

Đó là lời Chúa.

ALLELUIA: Mt 11, 23

All. All. – Lạy Cha là Chúa trời đất, Chúa đáng chúc tụng, vì đã mạc khải cho các trẻ nhỏ biết những mầu nhiệm nước trời. – All.

PHÚC ÂM: Ga 1, 35-42

“Họ xem chỗ Người ở, và ở lại với Người”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, Gioan đang đứng với hai người trong nhóm môn đệ của ông nhìn theo Chúa Giêsu đang đi mà nói: “Đây là Chiên Thiên Chúa”. Hai môn đệ nghe ông nói, liền đi theo Chúa Giêsu. Chúa Giêsu ngoảnh mặt lại, thấy họ đi theo Mình, thì nói với họ: “Các ngươi tìm gì?” Họ thưa với Người: “Rabbi, nghĩa là: thưa Thầy, Thầy ở đâu?” Người đáp: “Hãy đến mà xem”. Họ đã đến và xem chỗ Người ở, và ở lại với Người ngày hôm ấy, lúc đó độ chừng giờ thứ mười. Anrê, em ông Simon Phêrô, (là) một trong hai người đã nghe Gioan nói và đã đi theo Chúa Giêsu. Ông gặp Simon anh mình trước hết và nói với anh: “Chúng tôi đã gặp Đấng Messia, nghĩa là Đấng Kitô”. Và ông dẫn anh mình tới Chúa Giêsu. Chúa Giêsu nhìn Simon và nói: “Ngươi là Simon, con ông Gioan, ngươi sẽ được gọi là Kêpha, nghĩa là Đá”.

Đó là lời Chúa.

(Nguồn: UBPV/HĐGMVN, ấn bản 1973)

++++++++++++++++++

14/01/2024 – CHÚA NHẬT TUẦN 2 TN – B

Ga 1,35-42

GẶP GỠ ĐỨC KI-TÔ

[An-rê] dẫn em mình đến gặp Đức Giê-su. Đức Giê-su nhìn ông Si-môn và nói: “Anh là Si-mon, con ông Gio-an, anh sẽ được gọi là Kê-pha’’(tức là Phê-rô). (Ga 1,42)

Suy niệm: Hai anh em, An-rê và Si-môn, con ông Gio-an, tên của họ ngày nay sẽ chẳng ai còn nhắc đến, nếu họ vẫn tiếp tục, ngày qua ngày, ‘bám biển bám tàu’ bên bờ hồ Ti-bê-ri-a. Nhưng mọi sự thay đổi khi Đức Giê-su bước vào cuộc đời của họ. Đầu tiên là An-rê, nhờ lời giới thiệu của Gio-an Tẩy giả, đi theo Đức Giê-su và ở lại với Ngài đêm hôm ấy. Thế rồi, ông về giới thiệu và dẫn em mình đến gặp Đức Giê-su. Chúa đã đổi tên ông thành ‘Kê-pha’ nghĩa là ‘Đá’. Không chỉ là thay tên đổi họ, nhưng là đổi đời thay vận để xây dựng nền móng của Hội Thánh Chúa Ki-tô. Cả hai được chọn làm Tông đồ. Riêng Phê-rô trở thành thủ lãnh các Tông đồ và là vị Giáo Hoàng đầu tiên của Hội Thánh.

Mời Bạn: “Gặp gỡ Đức Ki-tô biến đổi của đời mình.” Bài hát quen thuộc ấy nói lên kinh nghiệm đổi đời trong cuộc gặp gỡ Đức Ki-tô. ĐGH Bê-nê-đi-tô XVI khẳng định: “Là ki-tô hữu không phải là hệ quả của một lựa chọn luân lý hay một lý tưởng cao quý, nhưng là sự gặp gỡ với một biến cố, một người; một cuộc gặp gỡ có khả năng mở ra cho đời mình một chân trời mới và một hướng sống có tính quyết định” (Thiên Chúa Là Tình Yêu, số 1). Đối với bạn ngày hôm nay, Đức Ki-tô không chỉ là một nhân vật dẫu rất tuyệt vời trong quá khứ, mà hơn thế nữa, Ngài là Thiên Chúa đang hiện hữu sống động mà tôi có thể gặp gỡ.

Sống Lời Chúa: Siêng năng gặp gỡ Chúa Ki-tô bằng việc suy niệm Lời Chúa và rước Thánh Thể.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin cho con siêng năng gặp Chúa và cũng biết dẫn đưa tha nhân đến gặp gỡ Chúa.

(5 Phút Lời Chúa)

++++++++++++++++++

Suy niệm và cầu nguyện

Suy Niệm

Các Tin Mừng Nhất Lãm đều kể chuyện Đức Giêsu
gọi bốn môn đệ đầu tiên, gồm hai cặp anh em ruột.
Để đáp lại, họ phải bỏ nghề đánh cá, bỏ lưới và thuyền,
bỏ cha mẹ, bỏ gia đình thân yêu.
Đó là những điều cao quý và thân thương đối với họ.
Họ chấp nhận bỏ để theo Đức Giêsu,
bước vào cuộc sống mới, bấp bênh hơn, phiêu lưu hơn.
Bài Tin Mừng hôm nay cũng kể chuyện Đức Giêsu
gọi các môn đệ đầu tiên (Ga 1,35-51).
Không thấy nói đến chuyện họ bỏ gia đình hay nghề nghiệp,
nhưng hai môn đệ đầu tiên đã phải bỏ một điều khác.
Họ đã bỏ vị thầy cũ của họ là Gioan Tẩy giả
để đi theo vị thầy mới là Đức Giêsu.

Con đường đến với Thầy Giêsu gồm nhiều bước.
Các bước này xâu thành một chuỗi, gắn kết với nhau.
Bước trước chuẩn bị cho bước sau.
Bước sau lại chuẩn bị cho bước kế tiếp.
Lỡ một bước là làm hỏng cả hành trình,
vì mỗi bước đều có tầm quan trọng như nhau.
Hai môn đệ của Gioan Tẩy giả đã mở lòng để dấn bước.
Và Đức Giêsu cũng mở lòng để mời gọi hai ông.

Như một sự tình cờ, Đức Giêsu đi ngang qua chỗ Gioan
và hai môn đệ của ông đang đứng.
Bước một bắt đầu bằng lời giới thiệu của Gioan.
Lời này không dễ hiểu: “Đây là Chiên Thiên Chúa” (Ga 1,36).
Trước đây Gioan đã từng làm chứng: “Đây là Chiên Thiên Chúa,
đây Đấng xóa bỏ tội trần gian” (Ga 1,29).
Dù chưa hiểu tại sao thầy mình gọi vị này là Chiên Thiên Chúa,
nhưng hai môn đệ vẫn nghe và tin vào lời của thầy.
Họ đã đáp lại bằng hành động đi theo Đức Giêsu: đó là bước hai.
Đi theo có thể coi là bắt đầu hành trình làm môn đệ.
Đức Giêsu đi trước, hai môn đệ đi sau (Ga 1,37).
Không rõ họ đi như vậy bao lâu, chẳng ai nói một câu.
Hai ông ngần ngại, nhút nhát không dám lên tiếng trước.
Đức Giêsu có biết rằng hai người này đang đi theo mình không,
hay đơn giản chỉ là tình cờ đi chung đường?
Có. Ngài biết rõ hai ông cố ý đi theo mình.
Và Ngài đã quay lại, đã nói câu nói đầu tiên: “Các anh tìm gì?”
Đây là bước thứ ba, bước của Đức Giêsu (Ga 1,38).
Các anh theo tôi để tìm gì? Các anh nghĩ tôi có thể cho cái gì?
Câu hỏi của Đức Giêsu bắt người ta đi vào lòng mình
để nhận ra đâu là khao khát sâu thẳm của trái tim.

Đức Giêsu đã mở lời, bắt đầu cuộc đối thoại.
Câu hỏi của Ngài đã được trả lời bằng một câu hỏi khác:
“Thưa Rabbi, Thầy ở đâu?” (Ga 1,38):
đó là bước thứ tư, biểu lộ lòng khao khát.
Chúng con muốn biết nhà của Thầy, muốn thăm nhà Thầy.
Muốn biết nhà Thầy vì chúng con muốn biết chính Thầy.
Muốn biết rõ một người thì chỉ mong đến nhà người ấy.
“Các anh hãy đến mà xem”: đó là bước thứ năm (Ga 1,39).
Lời mời của Đức Giêsu đáp lại lòng mong mỏi của họ.
Ngài mời họ đến nhà để vén mở cho họ thấy thế giới của mình.
Hai ông vui sướng đáp lại ngay, đó là bước thứ sáu (Ga 1,39).
Họ đã đến, đã xem thấy nơi ở, và đã ở lại với Đức Giêsu.
Có thể họ đã ở lại cả đêm để trò chuyện với vị Thầy mới.
Ngây ngất và hạnh phúc như người khám phá ra kho tàng,
Anrê nhận ra vị Thầy này chính là Đấng Mêsia (Ga 1,41).

Bao giờ cũng cần những người giới thiệu như Gioan Tẩy giả.
Và bao giờ cũng cần những người giới thiệu như Anrê.
Ông đã hưởng niềm vui quá lớn đến độ vào hôm sau
ông đã lập tức đi tìm người em là Simôn (Ga 1,41-42),
rối rít khoe với em về khám phá mới,
và không cần nhiều bước, ông dẫn em đến ngay với Đức Giêsu.
Philipphê cũng sẽ giới thiệu Đức Giêsu cho Nathanaen (Ga 1,45).
Chuyện giới thiệu Đức Giêsu sẽ còn kéo dài đến tận thế.
Nói chung rao giảng Tin Mừng là tiếp tục giới thiệu.
Không ai có thể giới thiệu Đức Giêsu
nếu đã không đích thân gặp Ngài và tin Ngài.
Không ai thực sự gặp Đức Giêsu và tin Ngài
mà lại không muốn giới thiệu Ngài cho người khác.

Cầu Nguyện

Lạy Chúa,
xin hãy đi trước con và làm thầy dẫn lối.
Con xin đi theo Ngài từng bước thôi.
Xin hãy đi sau con và làm người bảo vệ.
Con sẽ đưa Ngài đến thăm tệ xá của lòng con.
Xin hãy đi bên con và làm người bạn đường.    
Con sẽ trò chuyện với Ngài suốt đường đi.

(gợi hứng từ Saint Exupéry)

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

(phutcaunguyen.net)

++++++++++++++++++

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên

14 THÁNG GIÊNG

Thiên Chúa Muốn Con Người Quan Hệ Mật Thiết Với Nhau

Việc thực thi công bằng – là nền tảng của đời sống xã hội – không hề giới hạn hay cương tỏa tự do của nhân vị khi việc ấy không đi ngược lại bản tính con người và không độc đoán. Trái lại, nó giúp đỡ và hướng dẫn cho người ta, nam cũng như nữ, thực hiện những quyết định của riêng mình một cách phù hợp với thiện ích chung. Đời sống hôn nhân và gia đình là những cơ chế tự nhiên như thế. Chúng bắt rễ trong chính sự hiện hữu của nhân vị. Và sự thiện hảo riêng của những cơ chế này sẽ là nhân tố cho sự thiện hảo của toàn xã hội. Chúng giúp người ta có được những sự chọn lựa tốt lành và đúng đắn.

Thật vậy, Hiến Chế Mục Vụ Gaudium et spes của Công Đồng Vatican II nêu rõ: “Thiên Chúa đã không dựng nên con người cô độc; bởi vì từ khởi thủy, ‘Ngài đã tạo dựng có nam có nữ’’ (St 1, 27). Sự liên kết giữa họ đã tạo nên một thứ cộng đoàn đầu tiên giữa người với người. Thực vậy, tự bản tính thâm sâu của mình, con người là một hữu thể có xã hội tính và nếu không liên lạc với những hữu thể khác thì con người sẽ không thể sống và phát triển tài năng mình.” (MV 12)

Đời sống hôn nhân và gia đình – nền tảng của xã hội – là những cơ chế mà toàn thể cộng đồng thế tục cũng như tôn giáo phải phục vụ cho. Nếu chúng ta nhận thức rằng “xã hội này của người nam và người nữ là mô hình đầu tiên của hiệp thông nhân vị”, chúng ta sẽ hoàn toàn chấp nhận rằng bất cứ hành động nào phục vụ cho đời sống hôn nhân và gia đình cũng có sức củng cố và làm phong phú hóa mọi cộng đồng khác và trên hết là toàn thể xã hội loài người.

– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –

Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác

LIFT UP YOUR HEARTS

Daily Meditations by Pope John Paul II

+++++++++++++++++

Lời Chúa Trong Gia Đình

Ngày 14/01

CHÚA NHẬT II THƯỜNG NIÊN

1Sm 3, 2b-10. 19; 1Cr 6, 13c-15a. 17-20; Ga 1, 35-42.

Lời Suy Niệm: Đức Giêsu quay lại, thấy các ông đi theo mình, thì hỏi: “Các anh tìm gì thế?” Họ đáp: “Thưa Ráp-bi (nghĩa là thưa Thầy), Thầy ở đâu?” Người bảo họ: “Đến mà xem”. Họ đến xem chỗ người ở, và ở lại với Người ngày hôm ấy, lúc đó vào khoảng giờ thứ mười. (Ga 1,38-39) 

          Tin Mừng cho chúng ta thấy được mỗi cuộc gặp gỡ giữa một người với Chúa Giêsu, đều được diễn tiến là: Chúa Giêsu luôn luôn là người chủ động, và gợi mở cho người đối diện có sự gần giủ với Người, như Tin Mừng ngày hôm nay: Chúa Giêsu đã quay lại nhìn hai người môn đệ đi theo sau Người, Người hỏi: “Các anh tìm gì thế?”. Và Người đối thoại với hai ông: “Cứ đến mà xem”. Cũng như đối với Na-tha-na-en; Chúa Giêsu đã chào Na-tha-na-en: “Đây đích thực là một người Ít-ra-en, lòng dạ không có gì gian dối.” Và Người đã đối thoại: “Trước khi Phi-líp-phê gọi anh, lúc anh đang ở dưới cây vả, tôi đã thấy anh rồi.” (Ga 3,47-48). Và với Hai môn đệ trên đường Em-mau Người gợi mở băng cách đồng hành với họ với lời thắc mác, để rồi Người giải thích những gì Kinh Thánh đã ghi chép và cuối cùng là dấu chỉ “Bẻ Bánh”. (Lc 24,15-30).

          Lạy Chúa Giêsu. Chúa đang sống với mỗi chúng con. Xin Chúa cho chúng con luôn được gặp Chúa trong cuộc sống, và nhận ra tiếng gọi của Chúa với sự vâng phục bước đi với Chúa cho đến trọn đời của chúng con. Amen.

Mạnh Phương

+++++++++++++++++

14 tháng Giêng

 Xuống Ðường  

Thông thường, hai chữ “Xuống Ðường” gợi lên cho chúng ta hình ảnh của những chống đối, biểu tình, đôi khi mang tính cách bạo động trong đường phố. Nhưng cũng có những trường hợp người ta “xuống đường” là để gặp gỡ, cảm thông với người khác, nhất là những người không nhà không cửa, những người sống bên lề đường, những người bị đẩy ra bên lề xã hội cách này hay cách khác: Ðó là trường hợp “xuống đường” của một số giáo dân thuộc xứ Saint Leu Gilles thuộc phận 16 của thủ đô Paris Pháp quốc.

 Từ 8 năm qua,  một số giáo dân thuộc xứ trên đây đã tụ họp lại để thành lập một hiệp hội có tên là “Giải phóng kẻ bị giam cầm”. Thật ra đây không phải là một chương trình xã hội quy tụ các nhà giáo, các cán sự xã hội để săn sóc cho những người đầu đường xó chợ, mà chỉ là một nhóm nhỏ gồm những tín hữu chỉ muốn xuống đường, ra khỏi bốn bức tường nhà thờ, hoặc mái ấm gia đình để đến gặp gỡ, trò chuyện với những người đứng đường như các cô gái điếm, những người nghiện ngập. Mục đích duy nhất của những gặp gỡ này chính là thiết lập tình thân hữu với những người mà ai cũng ghét bỏ.

 Một thanh niên thường xuyên đến gặp gỡ với những cô gái điếm ở đường Saint Denis đã giải thích như sau: “Trước mặt Chúa, chúng ta cũng như những cô gái điếm đứng đường, nhưng chúng ta biết rằng Chúa yêu thương chúng ta bên kia tất cả những hành động đĩ diếm của chúng ta. Các cô gái điếm đánh động lương tâm đang ngủ yên của chúng ta. Họ mời gọi chúng ta hãy tự đặt vào trong cái nhìn của Chúa và đừng bao giờ kết án ai.”

 Mục đích của những người xuống đường trên đây không hẳn là thuyết phục những người lầm đường lạc lối, ăn năn hối cải và quay về với chính lộ. Tất cả cố gắng của họ chỉ là nói với các cô gái điếm, những người nghiện ngập, những kẻ lang thang đầu đường xó chợ rằng: Thiên Chúa là Tình Yêu, Thiên Chúa yêu thương tất cả mọi người. Ðể bày tỏ sứ điệp ấy, những người làm công tác tông đồ này chỉ có mỗi một động tác là lắng nghe, hỏi han với tất cả yêu thương và cảm thông.

 Nếu có một thứ hoán cải, thì chính những người trong xã hội phải là những người đầu tiên hoán cải: hoán cải trong thái độ sống đối với người khác, hoán cải trong cái nhìn đối với người khác. Chúa Giêsu đã từng nói: Các cô gái điếm sẽ vào Nước Chúa trước các ngươi. Phải chăng, khi xuống đường  đến với người khác, những người bị bỏ rơi trong xã hội, chính chúng ta không là những người cải hóa cho Tin Mừng?

(Lẽ Sống)

++++++++++++++++++

Lời Chúa Mỗi Ngày

Chúa Nhật 2 – Năm B – Thường Niên

Bài đọc: I Sam 3:3-10, 19; I Cor 6:13-15, 17-20; Jn 1:35-42

CHỦ ĐỀ: Nhận ra thánh ý Thiên Chúa

            Thiên Chúa có thể mặc khải trực tiếp cho một người hay qua trung gian của người khác. Để nhận ra ý định của Thiên Chúa, nhiều khi con người cần cả ba: Thiên Chúa, người trung gian, và chính đương sự. Các Bài Đọc hôm nay cho chúng ta thấy những trường hợp con người có thể nhận ra ý định của Thiên Chúa.

            Trong Bài đọc I, Thiên Chúa gọi con trẻ Samuel 3 lần giữa đêm tối trong Đền Thờ, và Samuel đã nhận ra tiếng của Thiên Chúa qua sự giúp đỡ của Thầy Cả Eli. Trong Bài Đọc II, qua sự dạy dỗ của Thánh Phaolô, chúng ta nhận ra phẩm giá của thân xác và phải biết quí trọng nó, vì thân xác chúng ta là một phần chi thể của Đức Kitô, và là Đền Thờ của Chúa Thánh Thần. Trong Phúc Âm, Gioan Tẩy Giả chỉ đường cho hai môn đệ thân tín của mình theo Chúa Giêsu. Anrê, sau khi đã gặp được Chúa, dẫn em mình là Phêrô đến gặp Chúa Giêsu.

 KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC: 

1/ Bài đọc I: Con trẻ Samuel được Thầy Cả Êli hướng dẫn để nhận ra tiếng gọi của Thiên Chúa.

            Cuộc đời con trẻ Samuel đặc biệt từ khi chưa ra đời. Mẹ của Samuel là Bà Hanna, Bà son sẻ và chịu sự khinh bỉ của người đời vì không có con một thời gian lâu dài. Bà khấn hứa với Thiên Chúa: nếu Ngài ban cho Bà một đứa con, Bà sẽ dâng con trẻ lại cho Thiên Chúa để nó phục vụ trong Đền Thờ luôn. Thiên Chúa đã nhận lời cầu xin của Bà và cho Bà có con trai. Tên Bà đặt cho con trẻ, Samuel, có nghĩa là “quà tặng của Thiên Chúa.” Giữ lời đã hứa với Thiên Chúa, khi con trẻ dứt sữa, Bà mang con và lễ vật hy sinh đến dâng cho Thầy Cả Êli trong Đền Thờ Thiên Chúa tại Shiloh. Sau khi từ giã mẹ, con trẻ Samuel ở luôn trong Đền Thờ từ ngày đó, cho đến khi xảy ra biến cố “Chúa gọi Samuel” hôm nay.

            (1) Thiên Chúa gọi Samuel ba lần: Trình thuật kể: “Đèn của Thiên Chúa chưa tắt và Samuel đang ngủ trong đền thờ Đức Chúa, nơi có đặt Hòm Bia Thiên Chúa. Đức Chúa gọi Samuel. Cậu thưa: “Dạ, con đây!” Rồi chạy lại với ông Êli và thưa: “Dạ, con đây, thầy gọi con.” Ông bảo: “Thầy không gọi con đâu. Con về ngủ đi.” Cậu bèn đi ngủ. Đức Chúa lại gọi Samuel lần nữa. Samuel dậy, đến với ông Êli và thưa: “Dạ, con đây, thầy gọi con.” Ông bảo: “Thầy không gọi con đâu, con ạ. Con về ngủ đi.” Bấy giờ Samuel chưa biết Đức Chúa, và lời Đức Chúa chưa được mặc khải cho cậu. Đức Chúa lại gọi Samuel lần thứ ba. Cậu dậy, đến với ông Êli và thưa: “Dạ, con đây, thầy gọi con.” Thiên Chúa gọi con người nhiều lần, nhưng con người có biết lắng nghe để nhận ra tiếng Chúa gọi hay không là chuyện khác. Sự ồn ào của thế gian và sự mải mê chạy theo những tiếng gọi khác là những lý do ngăn cản không cho con người nhận ra tiếng Chúa gọi.

            (2) Thầy Cả Êli giúp Samuel nhận ra và đáp lại tiếng Chúa: Bấy giờ ông Êli hiểu là Đức Chúa gọi cậu bé. Ông Êli nói với Samuel: “Con về ngủ đi, và hễ có ai gọi con thì con thưa: “Lạy Đức Chúa, xin Ngài phán, vì tôi tớ Ngài đang lắng nghe.”

            (3) Samuel đáp trả tiếng Chúa gọi: Được sự hướng dẫn của Thầy, nên khi nghe Thiên Chúa gọi lần thứ ba, Samuel mau mắn thưa: “Xin Ngài phán, vì tôi tớ Ngài đang lắng nghe.” Kể từ khi nhận ra tiếng Chúa, Samuel tiếp tục đàm đạo với Chúa nhiều lần. Samuel lớn lên, Đức Chúa ở với ông và Người không để cho một lời nào của Người ra vô hiệu.

            Mấy điều chúng ta có thể học nơi con trẻ Samuel: (1) Đền Thờ là nơi dễ nhận ra tiếng Thiên Chúa gọi, vì là nơi tĩnh mịch và xa cách những ồn ào của thế gian. Samuel phục vụ nơi Thánh Điện và ngủ trong Đền Thờ tại Shiloh; (2) Mỗi lần nghe tiếng gọi là mỗi lần mau mắn đáp trả, dù chưa nhận ra là tiếng của Thiên Chúa. Mỗi biến cố quan trọng xảy ra trong cuộc đời mỗi người là Thiên Chúa đang muốn nói gì với cá nhân đó. Để nhận ra, đương sự cần có thời giờ suy nghĩ và cầu nguyện; (3) Bàn hỏi với vị linh hướng và theo sự chỉ bảo của ngài. Samuel chạy đến với Thầy mình, để xin sự hướng dẫn, và Samuel thực hành những gì Thầy dạy.

2/ Bài đọc II: Thân xác con người quan trọng và cần thiết để làm việc cho Thiên Chúa.

            Chúng ta biết hầu hết các Thư viết bởi Phaolô là để trả lời cho những vấn nạn đang xảy ra trong những cộng đòan do Ngài thiết lập. Vấn nạn hôm nay là việc gian dâm, mà có một số người trong cộng đòan Côrintô không cho là tội. Theo một số các triết gia Hy-Lạp, thân xác là ngục tù giam hãm linh hồn. Vì thế, có 2 lối sống là hệ quả của quan niệm này: (1) khổ chế: hành hạ thân xác bằng ăn chay nghiệm nhặt và đánh đập thân xác để chế ngự nó; và (2) buông thả: vì thân xác không quan trọng trong việc giải thóat con người, nên cứ việc tự do hưởng thụ khóai lạc. Thánh Phaolô phải đương đầu với lối sống thứ hai này; ngài khuyên các tín hữu Corintô phải tránh xa tội gian dâm vì 2 phẩm giá của thân xác.

2.1/ Thân xác anh em là một phần thân thể của Đức Kitô: Thần học về thân thể Đức Kitô là một trong những chủ đề chính của Thư Phaolô. Theo thần học này, các Kitô hữu là những chi thể của thân thể Đức Kitô; vì thế, tất cả các tín hữu đều có bổn phận phải bảo vệ thân thể cho nguyên vẹn, vì một chi thể đau là tòan thân đều cảm thấy đau lây. Dựa vào nguyên lý này, Phaolô kết luận, thân xác con người không phải để gian dâm, mà để phụng sự Chúa. Ngài hướng dẫn họ:

            – Thân xác con người sẽ bị hủy diệt: “Thức ăn dành cho bụng, và bụng dành cho thức ăn. Thiên Chúa sẽ huỷ diệt cả cái này lẫn cái kia. Nhưng thân xác con người không phải để gian dâm, mà để phụng sự Chúa, vì Chúa làm chủ thân xác.”

            – Thân xác con người sẽ được Thiên Chúa cho sống lại: “Thiên Chúa đã làm cho Chúa Kitô sống lại; chính Người cũng sẽ dùng quyền năng của mình mà làm cho chúng ta sống lại. Nào anh em chẳng biết rằng thân xác anh em là phần thân thể của Đức Kitô sao? Tôi lại lấy phần thân thể của Đức Kitô mà làm phần thân thể của người kỹ nữ sao? Không đời nào! Ai đã kết hợp với Chúa, thì nên một tinh thần với Người.” Chuyện kết hợp với ai là nên một thân xác với người ấy; điều này chỉ cho phép trong liên hệ vợ chồng. Khi chuyện này xảy ra ngòai liên hệ vợ chồng, kẻ làm chuyện ấy tự tách mình ra khỏi thân thể của Đức Kitô, vì tội lỗi không thể ở chung với sự thánh thiện trong thân thể của Chúa.

2.2/ Thân xác anh em là Đền Thờ của Thánh Thần: “Hay anh em lại chẳng biết rằng thân xác anh em là Đền Thờ của Thánh Thần sao? Mà Thánh Thần đang ngự trong anh em là Thánh Thần chính Thiên Chúa đã ban cho anh em. Như thế, anh em đâu còn thuộc về mình nữa, vì Thiên Chúa đã trả giá đắt mà chuộc lấy anh em. Vậy anh em hãy tôn vinh Thiên Chúa nơi thân xác anh em.” Qua Bí-tích Rửa Tội và Thêm Sức, các tín hữu đã có Chúa Thánh Thần qua việc xức dầu; và Chúa Thánh Thần là Đấng rất mực thánh thiện vì Ngài là Thiên Chúa. Con người chúng ta không thể sống cho chính chúng ta nữa, vì chúng ta đã được Thiên Chúa cứu chuộc qua cái chết của Đức Kitô. Do đó, chúng ta phải sống cho Thiên Chúa và làm vinh quang Ngài qua thân xác chúng ta.

3/ Phúc Âm: Người bảo họ: “Đến mà xem!”

3.1/ Gioan giới thiệu Đức Kitô cho 2 môn đệ của ông: “Hôm sau, ông Gioan lại đang đứng với hai người trong nhóm môn đệ của ông. Thấy Đức Giêsu đi ngang qua, ông lên tiếng nói: “Đây là Chiên Thiên Chúa.” Khi một người giới thiệu môn đệ của mình với một Thầy hay hơn mình là chấp nhận mất môn đệ. Gioan không giữ môn đệ cho mình, ông chỉ cho hai môn đệ đi theo Thầy tốt hơn; vì ông quan tâm đến lợi ích cho môn đệ chứ không giữ lợi ích cho mình. Mấy ai trong chúng ta có được thái độ như của Gioan? Chúng ta đã đề cập đến nguồn gốc lịch sử của câu “Đây là Chiên Thiên Chúa.” Chúa Giêsu chính là Con Chiên, lễ vật hy sinh để đền tội cho con người.

3.2/ Phản ứng của hai môn đệ: Hai môn đệ nghe ông nói, liền đi theo Đức Giêsu. Hai môn đệ của Gioan có lẽ ngượng ngùng không biết mở lời làm sao, nên cứ tiếp tục theo đàng sau Chúa Giêsu. Để dễ dàng cho họ phản ứng, Chúa Giêsu mở lời trước: “Các anh tìm gì thế?” Họ đáp: “Thưa Rabbi (nghĩa là thưa Thầy), Thầy ở đâu?”

            – Chúng ta có thể nhận ra cả 3 yếu tố quan trọng đều có ở đây: (1) Gioan, người trung gian chỉ đường cho hai ông đến với Chúa; (2) chính hai ông phải vượt qua xấu hổ, ngượng ngùng để đi theo Ngài; và (3), Chúa Giêsu mở lời trước để đánh tan ngượng ngùng lúc ban đầu, và mời gọi hai ông đến và xem.

            – Câu hỏi Chúa đặt cho hai ông: “Các anh tìm gì thế?” là câu hỏi nền tảng nhất trong đời sống con người. Câu trả lời cho câu hỏi này sẽ giúp chúng ta nhận ra tại sao chúng ta đi tìm hay không đi tìm Thiên Chúa. Nếu câu trả lời là đi tìm của cải, danh vọng, chức quyền; chúng ta đừng đến với Chúa, vì Ngài sẽ không thỏa mãn khát vọng của ta. Nếu câu trả lời như của người thanh niên trẻ: “Tôi phải làm gì để đạt được cuộc sống đời đời?” Hãy đến với Chúa, Ngài sẽ giúp chúng ta tìm ra câu trả lời.

3.3/ Lời mời gọi của Đức Kitô: Người bảo họ: “Đến mà xem.” Họ đã đến xem chỗ Người ở, và ở lại với Người ngày hôm ấy. Lúc đó vào khoảng giờ thứ mười.

            – Người khác có thể nói về Chúa cho chúng ta nghe, hay giới thiệu chúng ta đến với Chúa; nhưng để nhận ra Chúa là ai, chúng ta cần kinh nghiệm của cá nhân chúng ta. Chỉ khi nào chúng ta có được kinh nghiệm cá nhân biết Chúa, lúc đó Chúa mới thực sự thuyết phục chúng ta.

            – Các môn đệ đáp trả lời mời của Chúa Giêsu; họ đến và ở với Ngài suốt ngày hôm đó. Giờ thứ mười của Do-Thái là khỏang 4 giờ chiều của chúng ta.

3.4/ Người nhận ra tiếng gọi theo Chúa trở thành người mời gọi: “Ông Anrê, anh ông Simon Phêrô, là một trong hai người đã nghe ông Gioan nói và đi theo Đức Giêsu. Trước hết, ông gặp em mình là ông Simon và nói: “Chúng tôi đã gặp Đấng Messiah” (nghĩa là Đấng Kitô). Rồi ông dẫn em mình đến gặp Đức Giêsu. Đức Giêsu nhìn ông Simon và nói: “Anh là Simon, con ông Gioan, anh sẽ được gọi là Kêpha” (tức là Phêrô).”

            – Yêu ai thực sự là muốn điều tốt nhất cho người ấy. Anrê đã gặp Đấng Thiên Sai, và đây là Tin Mừng quan trọng nhất cho những người Do-Thái. Thương em, Anrê dắt em mình tới giới thiệu với Đức Kitô.

            – Phản ứng của Chúa Giêsu khi gặp Phêrô: Vừa gặp lần đầu, Chúa Giêsu đã biết rõ con người Phêrô là ai, và Ngài đã có sẵn cho ông một sứ vụ.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG: 

            – Chúng ta cần lắng nghe và nhìn xem để nhận ra thánh ý của Thiên Chúa.

            – Chúng ta cần cả ba: tiếng Thiên Chúa gọi, người trung gian, và chính bản thân để nhận ra thánh ý của Thiên Chúa. Nếu chúng ta không cố gắng, chúng ta sẽ không bao giờ nhận ra thánh ý của Thiên Chúa.

            – Một khi đã nhận ra thánh ý của Thiên Chúa, chúng ta có bổn phận phải thi hành những gì Thiên Chúa dạy.

            – Ngòai ra, chúng ta còn phải hướng dẫn và đưa mọi người đến với Thiên Chúa. 

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

****************