Chúa Nhật (15-11-2020) – Trang suy niệm

14/11/2020

Lời Chúa Hôm Nay

Chúa Nhật Tuần XXXII Mùa Thường Niên Năm A

BÀI ĐỌC I: Cn 31, 10-13, 19-20. 30-31

“Nàng cần mẫn dùng tay làm việc”.

Trích sách Châm Ngôn.

Ai tìm được một người vợ tài đức? Nàng đáng giá hơn ngọc ngà. Chồng nàng đặt lòng tin tưởng nơi nàng và chàng không thiếu thốn vật thực. Trọn đời, nàng sẽ mang lại cho chồng sự lành, chứ không phải sự dữ. Nàng tìm lông chiên và sợi gai, rồi nàng cần mẫn dùng tay làm việc. Nàng ra tay đưa thoi dệt vải, và ngón tay nàng cầm xe kéo sợi. Nàng rộng tay bố thí cho người nghèo khó, và giơ tay hướng dẫn kẻ bần cùng.

Duyên dáng thì giả dối và nhan sắc thì hão huyền: Người phụ nữ kính sợ Chúa, sẽ được ca tụng. Hãy tặng cho nàng hoa quả do tay mình làm ra, và sự nghiệp của nàng hãy ca tụng nàng tại các cửa thành. Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 127, 1-2. 3. 4-5

Đáp: Phúc thay những bạn nào tôn sợ Thiên Chúa (x. c. 1a).

Xướng:

1) Phúc thay những bạn nào tôn sợ Thiên Chúa, bạn nào ăn ở theo đường lối của Người. Công quả tay bạn làm ra bạn được an hưởng, bạn được hạnh phúc và sẽ gặp may. – Đáp.

2) Hiền thê bạn như cây nho đầy hoa trái, trong gia thất nội cung nhà bạn, con cái bạn như những chồi non của khóm ô liu, ở chung quanh bàn ăn của bạn. – Đáp.

3) Đó là phúc lộc dành để cho người biết tôn sợ Thiên Chúa. Nguyện Thiên Chúa từ Sion chúc phúc cho bạn, để bạn nhìn thấy cảnh thịnh đạt của Giêrusalem, hết mọi ngày trong đời sống bạn. – Đáp.

BÀI ĐỌC II: 1 Tx 5, 1-6

“Ngày của Chúa bắt chợt anh em như kẻ trộm”.

Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Thêxalônica.

Anh em thân mến, về thời nào và lúc nào, anh em không cần chúng tôi viết cho anh em. Vì chính anh em đã biết rõ ngày Chúa sẽ đến như kẻ trộm trong đêm tối.

Khi người ta nói rằng: “Yên ổn và an toàn”, thì chính lúc đó tai hoạ thình lình giáng xuống trên họ, như cơn đau đớn xảy đến cho người mang thai và họ không sao thoát khỏi. Phần anh em, hỡi anh em thân mến, anh em không còn tối tăm, đến nỗi ngày đó bắt chợt anh em như kẻ trộm, vì tất cả anh em là con cái sự sáng, con cái ban ngày; chúng ta không thuộc về ban đêm và tối tăm. Vậy chúng ta đừng mê ngủ như những người khác, nhưng hãy tỉnh thức và điều độ. Đó là lời Chúa.

ALLELUIA: Lc 21, 36

Alleluia, alleluia! – Các con hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn, để có thể xứng đáng đứng vững trước mặt Con Người. – Alleluia. 

PHÚC ÂM: Mt 25, 14-30

“Vì ngươi đã trung tín trong việc nhỏ, ngươi hãy vào hưởng sự vui mừng của chủ ngươi”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ dụ ngôn này rằng: “Có một người kia sắp đi xa, liền gọi các đầy tớ đến mà giao phó tài sản của ông. Ông trao cho người này năm nén bạc, người kia hai nén, người khác nữa một nén, tuỳ theo khả năng của mỗi người, đoạn ông ra đi.

“Người lãnh năm nén bạc, ra đi và dùng tiền ấy buôn bán làm lợi được năm nén khác. Người lãnh hai nén cũng đi làm lợi được hai nén khác. Còn người lãnh một nén, thì đi đào lỗ chôn giấu tiền của chủ mình.

“Sau một thời gian lâu dài, ông chủ các đầy tớ ấy trở về và đòi họ tính sổ. Vậy người lãnh năm nén bạc đến, mang theo năm nén khác mà nói rằng: ‘Thưa ông, ông trao cho tôi năm nén bạc, đây tôi làm lợi được năm nén khác’. Ông chủ bảo người ấy rằng: ‘Hỡi đầy tớ tốt lành và trung tín, vì ngươi đã trung tín trong việc nhỏ, ta sẽ đặt ngươi làm những việc lớn, ngươi hãy vào hưởng sự vui mừng của chủ ngươi’. Người đã lãnh hai nén bạc cũng đến và nói: ‘Thưa ông, ông đã trao cho tôi hai nén bạc; đây tôi đã làm lợi được hai nén khác’. Ông chủ bảo người ấy rằng: ‘Hỡi đầy tớ tốt lành và trung tín, vì ngươi đã trung tín trong việc nhỏ, ta sẽ đặt ngươi làm những việc lớn, ngươi hãy vào hưởng sự vui mừng của chủ ngươi’.

“Còn người lãnh một nén bạc đến và nói: ‘Thưa ông, tôi biết ông là người keo kiệt, gặt nơi không gieo và thu nơi ông không phát: nên tôi khiếp sợ (mà) đi chôn giấu nén bạc của ông dưới đất. Đây của ông, xin trả lại cho ông’. Ông chủ trả lời người ấy rằng: ‘Hỡi đầy tớ hư thân và biếng nhác, người đã biết ta gặt chỗ không gieo, thu nơi không phát: vậy lẽ ra người phải giao bạc của ta cho người đổi tiền, và khi ta trở về, ta sẽ thu cả vốn lẫn lời. Bởi thế, các ngươi hãy lấy nén bạc lại mà trao cho người có mười nén. Vì người có sẽ cho thêm và sẽ được dư dật, còn kẻ chẳng có, thì vật gì coi như của nó, cũng lấy đi. Còn tên đầy tớ vô dụng, các ngươi hãy ném nó ra ngoài vào nơi tối tăm, ở đó sẽ phải khóc lóc nghiến răng'”. Đó là lời Chúa.

Hoặc bài vắn này: Mt 25, 14-15. 19-20

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu. 

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ dụ ngôn này rằng: “Có một người kia sắp đi xa, liền gọi các đầy tớ đến mà giao phó tài sản của ông. Ông trao cho người này năm nén bạc, người kia hai nén, người khác nữa một nén, tuỳ theo khả năng của mỗi người, đoạn ông ra đi.

“Sau một thời gian lâu dài, ông chủ các đầy tớ ấy trở về và đòi họ tính sổ. Vậy người lãnh năm nén bạc đến, mang theo năm nén khác mà nói rằng: ‘Thưa ông, ông trao cho tôi năm nén bạc, đây tôi làm lợi được năm nén khác'”. Đó là lời Chúa.

(thanhlinh.net)

++++++++++++++++++

15/11/2020 – CHÚA NHẬT TUẦN 33 TN – A

Kính trọng thể các thánh tử đạo Việt Nam

Mt 25,14-20

SINH LỢI CHO NƯỚC TRỜI

“Người đã lãnh năm yến lấy số tiền ấy đi làm ăn buôn bán, và gây lời được năm yến khác. Cũng vậy, người đã lãnh hai yến gây lời được hai yến khác.” (Mt 25,16-17)

Suy niệm: Trong não trạng thế tục thời nay, mọi sự đều quy về giá trị kinh tế, cái gì cũng phải trở thành vốn đầu tư sinh lợi. Cũng tương tự như thế nhưng được mở rộng trong tầm nhìn chương trình cứu độ. Tất cả những gì chúng ta có và cả sự hiện hữu của chúng ta là những nén bạc Chúa trao và Ngài mong muốn chúng ta sử dụng chúng không phải để thoả mãn hưởng thụ vật chất và ở đời này mà để sinh lợi cho Nước Trời (x. Mt 21,43). “Tên dầy tớ vô dụng” đem nén bạc đi chôn, đã bị trừng phạt không phải vì ăn chơi tiêu mất tài sản của chủ mà vì đã không biết dùng nó để “sinh lợi cho Nước Trời”.

Mời Bạn: Mỗi người đều được Thiên Chúa ban cho những tài sản vốn liếng tinh thần, trí tuệ, sức khỏe, của cải vật chất. Nhận thức như vậy, chúng ta biết cám ơn Chúa, và nhất là cám ơn Ngài vì đã cho chúng ta sinh ra trên cõi đời này. Ngài mời gọi mỗi người đừng cất giấu những ơn lành Chúa ban, nhưng hãy tìm cách làm cho những ân sủng đó sinh hoa trái bằng cách mở lòng ra và chia sẻ cho tha nhân. Càng được chia sẻ, những nén bạc càng sinh lợi.

Sống Lời Chúa: Sinh lợi cho Nước Chúa bằng cách dùng những khả năng Chúa ban để chia sẻ, phục vụ tha nhân, nhất là những người bé mọn, đau khổ.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, mọi sự con có đều là do Chúa ban. Tuy nhiên, nhiều lúc con tự hào cho rằng đó là do tài năng của con, nên con cất giấu làm của riêng. Xin biến đổi tâm hồn con, con biết hiến thân để chia sẻ, phục vụ anh chị em con. Amen.

(5 Phút Lời Chúa)

++++++++++++++++++

Suy niệm và cầu nguyện

Suy Niệm

Khi một người biết mình sắp lìa đời,
người ấy thường nghĩ đến những người thân yêu phải xa cách.
Đức Giêsu cũng vậy.
Trong lời cầu nguyện với Cha trước giờ ra đi,
Ngài đã nói nhiều với Cha về các môn đệ (Ga 17,9-19).
Đây là những kẻ mà Ngài yêu đến tột cùng và kỳ cùng (Ga 13,1).
Sắp đến giờ chia tay, Thầy trò mỗi người một ngả.
Thầy thì bỏ thế gian mà “đến cùng Cha” (Ga 17,11.13).
Trò thì vẫn còn ở trong thế gian, bị thế gian thù ghét (Ga 17,11.14).
Đức Giêsu biết rõ sức mạnh của thế gian, của bóng tối,
sức mạnh mà Ngài sắp phải đối đầu.
và các môn đệ cũng sẽ phải đối diện, khi không có Ngài ở bên.

Đức Giêsu chia sẻ với Cha nỗi lo của mình về các môn đệ.
Khi còn ở với họ, Ngài đã gìn giữ họ, đã canh giữ (Ga 17,12).
Giờ đây, Ngài nài xin Cha gìn giữ họ khỏi ác thần (Ga 17,11b.15).
Ngài lo cho họ trong cuộc chiến với tên thủ lãnh thế gian (Ga 16,11),
dù Ngài từng nói với họ: “Thầy đã thắng thế gian !” (Ga 16,33).
Đức Giêsu biết đàn chiên rồi sẽ bị tấn công, bị cướp bóc.
Nhưng nhiệm vụ của Cha và Con là bảo vệ,
để không ai cướp được chiên khỏi tay mình (Ga 10,28-29).

Nếu các môn đệ bị thế gian thù ghét, đó đâu phải là chuyện lạ,
vì nó đã thù ghét Thầy trước rồi (Ga 15,18.24).
Bị thế gian khai trừ, chống đối, bị ngược đãi, và bị giết:
đó là thân phận của người môn đệ (Ga 15,20-21; 16,1-2; 17,14).
Đó là thân phận của người không “thuộc về thế gian.”
Thế gian ghét những ai không thuộc về nó.
Người môn đệ được Thầy Giêsu chọn ra khỏi thế gian (Ga 15,19),
rồi lại được Thầy sai vào trong thế gian (Ga 17,18).
Đức Giêsu không xin Cha đem họ ra khỏi thế gian (Ga 17,15),
chỉ mong họ ở trong thế gian mà không thuộc về nó (Ga 17,14.16),
nhưng thuộc trọn về Cha và về Con (Ga 17,6.10).
Nhờ sống giữa thế gian, họ mới làm cho thế gian tin
và nhận biết rằng chính Cha đã sai Con (Ga 17,21.23).

Những lời Đức Giêsu cầu xin với Cha đã ứng nghiệm
nơi cuộc sống và cái chết của các Thánh Tử Đạo tại Việt Nam.
Chẳng ai biết được chính xác số kitô hữu
đã chịu đau khổ và chịu chết trên mảnh đất quê hương này.
Họ gồm cả nam nữ, trẻ già, linh mục, giám mục và giáo dân,
là lính hay quan, là người Việt hay nhà truyền giáo ngoại quốc.
Họ chết vì đủ kiểu tra tấn, xử trảm, xử giảo, hay chết rũ tù.
Trước khi đón nhận cái chết, họ đã chọn Đức Giêsu là Chúa.
Chọn lựa này khiến họ không thể đưa chân bước qua thập tự,
dù bước qua là thoát gông cùm, được chức quyền, bổng lộc.
Rõ ràng họ không chọn thuộc về thế gian,
không lung lay trước những mời mọc và hứa hẹn của nó.
“Vì danh Thầy” họ chịu những gì Thầy đã chịu (Ga 15,20).
Chúa Cha và Chúa Con đã gìn giữ và che chở họ,
không phải để họ tránh khỏi cái chết thảm khốc,
nhưng để họ can đảm đón nhận cái chết với nhiều tình yêu.
Nhờ ơn Chúa, các vị tử đạo đã thắng được mọi nỗi sợ.
Họ thường tiến ra pháp trường với sự đĩnh đạc an vui.
Vui vì biết cái chết chóng qua sẽ đưa họ ở bên Thầy mãi mãi.

Lúc nào chúng ta cũng phải sống trong thế gian.
Thế gian của các vị tử đạo là thế gian thời phong kiến.
Thế gian hôm nay có nhiều quyến rũ hơn, ru ngủ hơn.
Không có bách hại gay go, nhưng có nhiều cám dỗ ngọt ngào.
Lắm khi chúng ta bước qua thập giá mà không hay.
Xin Cha làm chúng ta nên thánh trong thế gian này (Ga 17,17),
để sau khi sống cuộc vượt qua của riêng mình,
ta được cùng ở với Chúa Giêsu trong nhà Cha (Ga 17,24).

 Cầu Nguyện

Lạy Chúa Giêsu, vị tử đạo tuyệt vời,
Chúa đưa chúng con vào thế giằng co liên tục.
Chúa vừa chọn chúng con ra khỏi thế gian,
lại vừa sai chúng con vào trong thế gian đó.
Thế gian này vàng thau lẫn lộn.
Có khi vàng chỉ là lớp mạ bên ngoài.

Xin cho chúng con
giữ được bản lãnh của mình,
giữ được vị mặn của muối,
và sức tác động của men,
để đem đến cho thế gian
một linh hồn, một sức sống.
Chúng con chẳng sợ mình bỏ đạo,
chỉ sợ mình bỏ sống đạo
vì bị quyến rũ bởi bao thú vui trần thế.

Xin cho chúng con đừng bao giờ quên rằng
chúng con mang dòng máu của các vị tử đạo,
những người đã đặt Chúa lên trên mạng sống.

Lạy Chúa Giêsu, nếu thế gian ghét chúng con,
thì xin cho chúng con cảm thấy niềm vui
của người được diễm phúc nên giống Chúa.

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

(phutcaunguyen.net)

++++++++++++++++++

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên

15 THÁNG MƯỜI MỘT

Đức Giêsu Trân Trọng Những Thực Tại Đời Thường

Tiệc cưới Cana trong Tin Mừng Gioan là một câu chuyện hùng hồn nổi bật trên bối cảnh giáo lý mạc khải. Ở đầu sứ vụ mêsia của Người, Đức Giêsu Na-da-rét xuất hiện ở Cana, xứ Galilê, để dự một đám cưới. Người không đến đó một mình. Mẹ Người và các môn đệ Người cùng có mặt với Người ở đó.

Điều ấy cho thấy tầm quan trọng mà Đức Giêsu gán cho biến cố này. Tuy nhiên, thoạt nhìn, chúng ta không khỏi ngạc nhiên. Cả bốn Sách Tin Mừng đều trình bày Đức Giêsu như một người dốc hết tâm lực để phụng sự Cha trên trời (Lc 2,49). Chính Người nói rằng sứ mạng của Người qui hướng vào việc thiết lập Nước Thiên Chúa, không phải một vương quốc trên cõi đời này.

Vì thế, việc Người tham dự một đám cưới có thể thoạt thấy như chẳng ăn nhập gì với tiếng gọi và với lối sống của Người. Nhưng sự thật không phải thế. Thầy Chí Thánh muốn dạy chúng ta biết cách định hướng các thực tại trần gian này qui hướng về Vương Quốc của Thiên Chúa. Đám cưới ở Cana là một biến cố nêu bật giáo huấn này. Đức Giêsu liên đới với các thực tại đời thường của cuộc sống con người để giúp chúng ta hiểu rằng những giá trị đích thực của con người có thể và phải phục vụ cho một định mệnh siêu vượt trên cuộc sống trần gian này.

– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –

Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác

LIFT UP YOUR HEARTS

Daily Meditations by Pope John Paul II

+++++++++++++++++

Lời Chúa Trong Gia Đình

NGÀY 15/11

Chúa Nhật XXXIII Thường Niên

Cn 31, 10-13. 19-20. 30-31; 1Tx 5, 1-6; Mt 25, 14-30.

LỜI SUY NIỆM:  “Vì phàm ai đã có, thì được cho thêm và sẽ có dư thừa; còn ai không có, thì ngay cái đang có, cũng sẽ bị lấy đi”

          Thiên Chúa tạo dựng nên con người (có nam và có nữ) Không ai giống ai, nhưng là để bổ túc cho nhau, và cần dến nhau; Và Ngài trao ban cho mỗi một người mỗi sứ vụ, một nơi chốn, tùy theo khả năng của từng người, nhưng phải hoàn thành sứ vụ đã được giao phó; một cách tốt nhất, sinh lợi cho Nước Trời.

          Lạy Chúa Giêsu; Ơn ban của Chúa luôn đủ, để giúp chúng con sinh lợi cho phần rỗi linh hồn của chúng con. Xin Chúa cho mọi thành viên trong gia đình chúng con luôn biết đón nhận và sinh lời; Để được Chúa yêu thương và ban thêm, ngày càng dư đầy.

Mạnh Phương

+++++++++++++++++

Gương Thánh Nhân

Ngày 15/11: THÁNH ALBERTÔ CẢ

Gíam mục, Tiến Sĩ Hội Thánh (1206 – 1280)

Thánh Albertô là một người thuộc thế hệ đầu của dòng Đaminh, Dòng được thành lập năm 1216. Ngài góp phần lớn trong những tiến triển quan trọng về trí thức trong thế kỷ XIII và Đức giáo hoàng Piô XII năm1941 đã đặt Ngài làm thánh bảo trợ cho những ai say mê nghiên cứu các khoa học tự nhiên.

Ngài sinh ra tại Swabia có lẽ vào năm 1206, là con trưởng thuộc một gia đình quí phái trong binh nghiệp. Điều người ta biết rõ về người thiếu niên Đức này là lòng yêu thích nghiên cứu học hành và thiên nhiên. Khi thì Ngài học với các thầy dòng Benedictô, khi thì Ngài lạc lõng trong miền quê, say mê quan sát cây cỏ khám phá các loại cây và để cho năng khiếu chín mùi trước cảnh sắc của tạo hóa.

Cuối cùng Albertô đã bỏ rơi truyền thống hiệp sĩ của gia đình. Một người cậu đã dẫn Albertô tới Bologne để hoàn tất việc học hành. Ngài nghe một bài giảng của chân phước Giocdano (Jordain) miền Saxe thuộc dòng Đaminh và cảm thấy được Chúa gọi, Nhưng lại ngập ngừng vì mới 16 tuổi. Ông cậu muốn Albertô quên đi ý tưởng này. Nhưng ở Padua, Albertô gặp lại chân phước Giocđanô và sau một cuộc đàm thoại đã nói với Ngài:- Thưa thày ai đã tỏ lộ lòng con cho Ngài ?

Từ đây không ai ngăn cản nổi ơn kêu gọi của Albertô nữa. Ngài vào nhà tập dòng anh em giảng thuyết. Lời cầu nguyện của Ngài diễn tả một ước muốn sống tự thoát: – “Lạy Chúa Giêsu Kitô, con kêu lên Chúa, xin Chúa đừng để con bị quyến rũ bởi những lời hão huyền về danh giá gia đình, về uy thế của dòng tu, về sự lôi cuốn của khoa học”.

Dưới ánh sáng chân lý Ngài đã tuân theo, Albertô nhiệt thành nghiên cứu khoa học và trở thành tu sĩ thánh thiện, nhà tư tưởng lớn, giáo sư siêu việt, nhà sưu tầm bách khoa tài ba. Ngài có sự hiểu biết uyên bác đặc biệt như một số những nhà trí thức lớn thời Trung cổ.

Luôn luôn tìm gia tăng những hiểu biết, Albertô rảo qua khắp nước Đức, thu thập những ý niệm về các loại súc vật cây cỏ, trước tác những tác phẩm về khoa học tự nhiên. Ngài quan tâm tới các thuyết của Aristote và tìm cách Kitô hóa các lý thuyết đó. Ngài lần lượt dạy học tại Cvologne, Pribourg, Ratisbonne, Strasbourg, Ngài sẽ ảnh hửơng trọng yếu tới người học trò thiên phú này là “bò câm”, Ngài tiên báo rằng: tiếng rống của con bò này sẽ vang dội khắp nơi.

Khoảng năm 1240, Ngài tới Paris giữ ghế giáo sư tại đây. Các lớp học quá nhỏ không đủ để dung nạp hết các thính giả của Ngài, Ngài phải dạy họ tại công trường nay vẫn còn giữ tên Ngài: công trường Maubert hay Albertô cả. Lời Ngài có uy tín đến nỗi để chấm dứt cuộc tranh luận chỉ cần nói: “Thày Albertô đã nói vậy”.

Tài năng Ngài lan rộng tại đại học Paris, đạihọc danh tiếng nhất thế giới. Ngài trú ngụ tại nhà dòng thánh Giacobê, viết nhiều tác phẩm về nhiều đề tài khác nhau: thần học, toán học, luân lý, chính trị, triết học, hình học, điạ chất học. Người ta kể rằng: ngày kia một thày dòng Đaminh vô danh đến trước mặt thánh Albertô, tội nghiệp cho sự lao lực của Ngài và khuyên Ngài nghỉ ngơi lo lắng tới sức khỏe. Đây lại chẳng phải là một thần dữ mặc lốt thày dòng sao ? Để trả lời, thánh làm dấu thánh giá. Thế là hết các cám dỗ, satan trốn mất.

Vua thánh Luy (Louis) tỏ tình nghĩa với thày dòng thời danh này và trao cho Ngài nhiều kỷ vật quí báu trước khi nghe về Đức, bởi vì thánh Albertô được đặt làm giám tỉnh. Vâng lệnh đức giáo hoàng , Ngài giã từ căn phòng sách vở và học trò, suốt ba năm Ngài đi bộ, không tiền của, ăn xin để thăm các nhà dòng và lập nhiều nhà mới. Roma kêu mời Ngài để làm sáng tỏ cuộc tranh cãi giữa các giáo sĩ. Albertô được một thời an bình trong dòng để dạy học và viết lại những quan sát và suy tư của mình. Nhưng Đức giáo hoàng buộc Ngài nhậm chức Đức giám mục Ratisbonne, một trách vụ năng nề.

Trong trung tâm giàu có phồn thịnh này, người ta kể lại rằng: Đức giám mục không có lấy “một đồng tiền trong két, một giọt rượu trong hầm, một nhúm bột trong vựa”. Dầy vậy, thánh ALBERTO vẫn trả hết nợ và xây dựng một nhà thương. Khi đã hoàn thành công cuộc hết sưc có thể, Ngài xin từ chức để trở lại đời sống một tu sĩ đơn giản. Năm 1623 theo lệnh Đức giáo hoàng, Ngài đi kêu gọi nghĩa binh trong các làng quê nước Đức.

Một năm sau Đức giáo hoàng qua đời và Ngài ngừng công việc lại. Thánh Albertô thấy cần được hồi tâm. Ngài lui về tu viện Surtzbourg và đắm mình vào cuộc nghiên cứu và chỉ đi sửa lại những cuộc tranh luận cãi. Một lần nữa lại được rảo gọi qua các đô thị lớn nước Đức, Ngài thánh hiến các thánh đường, truyền chứa cho các giáo sĩ. Năm 1270 Ngài đến dạy tại Cologne. Ơ Công đồng Lyon, Ngài bênh vực Rodolphe I miền Habbsourg. Bảy năm sau, tức năm 1277, dầu đã già Ngài buộc phải đi Paris để bênh vực cho giáo thuyết học trò mình là Tôma Aqunô.

Albertô hoàn toàn già nua, Ngài chọn cho mình một phần mộ trong dòng và mỗi ngày đến đọc kinh nhật tụng cầu cho kẻ chết, để cầu cho chính mình. Dần dần Ngài đâm ra lú lẫn. Một lần có du khách hỏi thăm Ngài trả lời chắc nịch: – “Albertô không còn ở đây nữa, ông ta …”

Ngài qua đời êm ái tại phòng riêng giữa các anh em đầy chung quanh, Ngài được phong làm tiến sĩ Hội Thánh năm 1931.

(daminhvn.net)

+++++++++++++++++

15 Tháng Mười Một

Xuống Núi  

Có hai vị thiền sư vừa xuống núi. Họ đi vào trong một con đường lầy lội. Cơn mưa nặng hạt đã khiến một thiếu nữ xinh đẹp không thể băng qua ngã tư lầy lội được… Lập tức, một trong hai vị thiền sư đến bồng người thiếu nữ trên tay và đưa qua đường. Vị sư khác lấy làm khó chịu nên không mở miệng nói với bạn mình một lời. Mãi một lúc sau, không còn nhịn được nữa, ông ta mới lên tiếng: “Chúng ta là người tu hành, không được phép gần đàn bà, nhất là những cô gái đẹp. Sao anh lại bồng đàn bà trên tay?”.

Vị sư đã bồng người thiếu nữ trên tay mỉm cười đáp: “Tôi đã bỏ cô ta tại chỗ rồi. Còn anh sao cứ mãi mang cô ta tới đây”.

Chúa Giêsu đã nói: “Chính từ lòng người mới xuất phát mọi tội ác… Sự hoán cải đích thực chính là hoán cải nội tâm. Tất cả những thực hành đạo đức bên ngoài, nếu không đi cùng một ý hướng ngay lành và một tâm hồn sám hối thực sự, chỉ là trò giả hình…

(Lẽ Sống)

++++++++++++++++++

Lời Chúa Mỗi Ngày

Chúa Nhật 33 Thường Niên, Năm A

Bài đọc: Prov 31:10-13, 19-20, 30-31; I Thes 5:1-6; Mt 25:14-30.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Chăm chỉ làm việc cho xứng đáng với sự tin tưởng của Thiên Chúa.

Chăm chỉ làm việc là yếu tố quan trọng nhất quyết định sự thành công của một người. Truyện ngụ ngôn của Jean de La Fontaine đã nhiều lần chứng minh điều này qua câu truyện của con ve sầu và con kiến, con rùa và con thỏ, … Dù không có tài năng nhiều, nhưng nếu chăm chỉ làm việc, sớm muộn rồi cũng thành công đạt đích; nhưng nếu tài năng xuất chúng mà lười biếng không chịu làm việc, sẽ không bao giờ thành công được. Các Bài đọc hôm nay cho chúng ta nhìn thấy sự cần thiết của chăm chỉ làm việc: Bài đọc I dẫn chứng hình ảnh của người vợ khôn ngoan, bà chuyên cần làm việc để mưu ích cho gia đình. Bài đọc II dẫn chứng hình ảnh người đầy tớ trung thành, anh biết tỉnh thức và sống tiết độ để chờ ngày chủ trở về. Phúc Âm dẫn chứng 2 hình ảnh trái ngược: 2 người đầy tớ trung thành và khôn ngoan, biết lợi dụng tài sản chủ trao, chăm chỉ làm việc để sinh lợi cho chủ; và người đầy tớ biếng nhác, chẳng những đã không sinh lời cho chủ, mà còn cay đắng trách luôn cả chủ là người hà khắc, keo kiệt.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Người vợ khôn ngoan

Bài đọc hôm nay nằm trong chương cuối cùng của Sách Châm Ngôn. Sau khi đã chưng dẫn rất nhiều ý tưởng khôn ngoan của người xưa và của các dân tộc trong Sách, tác giả tổng kết lại trong hình ảnh của một người vợ lý tưởng. Khôn ngoan trong Israel ngày xưa không như khôn ngoan trong triết học ngày nay, lối khôn ngoan rất cách xa với cuộc sống thực tế và không mấy quan tâm để tìm ra lẽ sống. Khôn ngoan ngày xưa trước tiên là biết quán xuyến đời mình. Vai trò của người vợ trong gia đình là phải biết cách tạo nên một tổ ấm cho gia đình được hạnh phúc, và giúp đào tạo những người con có khả năng phục vụ gia đình và xã hội trong tương lai. Theo tác gỉa, tìm được một người vợ khôn ngoan như thế là như tìm được một kho tàng: “Nàng quý giá vượt xa châu ngọc. Chồng nàng hết dạ tin tưởng nàng, chàng sẽ chẳng thiếu chi lợi lộc. Suốt đời, nàng đem lại hạnh phúc chứ không gây tai hoạ cho chồng.”

Thế nào là một người vợ lý tưởng? Phải chăng là sắc đẹp hay duyên dáng? Tác giả cho “duyên dáng là giả trá, sắc đẹp là phù vân.” Giống như quan niệm của cha ông ta ngày xưa, “cái nết đánh chết cái đẹp.” Sắc đẹp mau tàn, nhiều khi đã chẳng sinh lợi, lại còn làm cho gia đình tan nát; nhưng các đức tính tốt sẽ tồn tại và chắc chắn sinh lợi ích cho gia đình. Nhưng đâu là những đức tính quan trọng của người vợ lý tưởng? Tác giả liệt kê 2 nhân đức:

(1) Mến Chúa yêu người: là 2 tiêu chuẩn quan trọng nhất để xác định một người vợ lý tưởng.

– Kính mến Chúa: Theo truyền thống khôn ngoan của Do-Thái: “Kính sợ Chúa là đầu mối mọi khôn ngoan.” Người vợ kính sợ Chúa sẽ biết cách khuyên bảo chồng và dạy dỗ con biết kính sợ Chúa và giữ các giới răn của Ngài: “Người phụ nữ kính sợ Đức Chúa mới đáng cho người đời ca tụng.”

– Yêu tha nhân: Ai kính sợ Thiên Chúa, cũng phải yêu tha nhân. Người vợ khôn ngoan không chỉ biết lo cho gia đình ở đời này, nhưng còn biết lo liệu sao cho gia đình được đòan tụ trên Nước Trời đời sau. Giúp đỡ người nghèo khổ là chuẩn bị cho gia đình đời sau. Vì vậy, người vợ khôn ngoan là người biết “rộng tay giúp người nghèo khổ và đưa tay cứu kẻ khốn cùng.”

(2) Chuyên cần làm việc: Vì “ở không là mẹ các tật xấu,” người vợ khôn ngoan không phí thời giờ để bàn chuyện thiên hạ; “nàng tìm kiếm len và vải gai, rồi vui vẻ ra tay làm việc; nàng tra tay vào guồng kéo sợi, và cầm chắc suốt chỉ trong tay.” Bằng chăm chỉ làm việc, người vợ khôn ngoan biết chăm lo mọi sự trong nhà, chăm sóc miếng ăn cho chồng con. Nàng biết nhìn xa trông rộng, không tiêu xài hoang phí, và biết kiếm thêm tiền để phòng xa, chứ không chỉ trông vào đồng lương của chồng mà thôi.

Hậu quả người vợ khôn ngoan gặt hái đựơc là thành công: cá nhân nàng, gia đình nàng, và xã hội. Thiên hạ tán dương nàng: “Ước chi nơi cổng thành nàng luôn được tán dương ca tụng do những việc nàng làm.”

2/ Bài đọc II: Người đầy tớ trung thành biết tỉnh thức và sống tiết độ.

2.1/ Sự bất thình lình của ngày giờ Chúa đến: “Thưa anh em, về ngày giờ và thời kỳ Chúa đến, anh em không cần ai viết cho anh em. Vì chính anh em đã biết rõ: ngày của Chúa sẽ đến như kẻ trộm ban đêm.” Điểm “bất ngờ” này đã được Chúa Giêsu đề cập đến nhiều lần trong các Tin Mừng (x/c Mt 24:43, Lk 12:39). Chính khi người ta nói: “Bình an biết bao, yên ổn biết bao!” thì lúc ấy tai hoạ sẽ thình lình ập xuống, tựa cơn đau chuyển bụng đến với người đàn bà có thai, và sẽ chẳng có ai trốn thoát được.

2.2/ Người đầy tớ trung thành biết tỉnh thức và chăm chỉ làm việc: Vì không biết khi nào Ngày ấy sẽ đến, nên con người phải luôn tỉnh thức sẵn sàng. Đêm tối là lúc cám dỗ con người nhiều nhất, và con người dễ bị sa ngã trong khỏang thời gian này vì mê ngủ và vì không chuẩn bị sẵn sàng. Để có thể thắng vượt được cám dỗ, Thánh Phaolô khuyên: “Vì tất cả anh em là con cái ánh sáng, con cái của ban ngày. Chúng ta không thuộc về đêm, cũng không thuộc về bóng tối. Vậy chúng ta đừng ngủ mê như những người khác, nhưng hãy tỉnh thức và sống tiết độ.”

3/ Phúc Âm: Trung thành làm việc cho xứng với niềm tin của chủ.

Chúa Giêsu kể cho dân một ngự ngôn như sau: Quả thế, cũng như có người kia sắp đi xa, liền gọi đầy tớ đến mà giao phó của cải mình cho họ. Ông cho người này năm yến, người kia hai yến, người khác nữa một yến, tuỳ khả năng riêng mỗi người. Yến bạc có giá trị tương đương khỏang 5000-6000 dennari thời đó; và tiền công nhật mỗi ngày là 1 dennari; như thế, một yến tương xứng với khỏang 18 năm làm việc mỗi ngày, một số tiền không phải nhỏ.

3.1/ Sự khôn ngoan và tin tưởng của ông chủ:

– Sự khôn ngoan của ông chủ: Nhiều người thắc mắc: “Tại sao ông chủ không trao đồng đều để tránh sự ganh tị?” Lý do là vì ông chủ biết rõ tính các đầy tớ của mình, nên ông giao của tùy khả năng mỗi người. Điều này chứng tỏ sự khôn ngoan của ông: tiền bạc đầu tư là phải sinh lời. Nếu là người lười biếng thì có giao cho họ dù chỉ một yến cũng là vô ích.

– Ông tin tưởng nơi các đầy tớ: Khi giao cho họ xong là ông trẩy đi phương xa, chứ không ở gần để xem xét dòm ngó hay khuyên răn chỉ bảo. Họ có tự do hòan tòan để dùng khôn ngoan mà đầu tư tiền của chủ dưới bất cứ hình thức nào.

3.2/ Đầy tớ khôn ngoan và phần thưởng trung thành: Điểm đặc biệt của ông chủ là ông không ra giá phải sinh lợi bao nhiêu, ông để cho các đầy tớ hòan tòan quyết định điều đó.

(1) Đầy tớ tài giỏi: Lập tức, người đã lãnh năm yến lấy số tiền ấy đi làm ăn buôn bán, và gây lời được năm yến khác. Cũng vậy, người đã lãnh hai yến gây lời được hai yến khác. Họ bắt đầu làm việc “ngay lập tức,” chứ không phí thời giờ chờ đợi.

(2) Phần thưởng trung thành: Sau một thời gian lâu dài, ông chủ đến tính sổ với các đầy tớ và thanh toán sổ sách với họ:

– Người đã lãnh năm yến tiến lại gần, đưa năm yến khác, và nói: “Thưa ông chủ, ông đã giao cho tôi năm yến, tôi đã gây lời được năm yến khác đây.” Ông chủ nói với người ấy: “Khá lắm! hỡi đầy tớ tài giỏi và trung thành! Được giao ít mà anh đã trung thành, thì tôi sẽ giao nhiều cho anh. Hãy vào mà hưởng niềm vui của chủ anh!”

– Người đã lãnh hai yến cũng tiến lại gần và nói: “Thưa ông chủ, ông đã giao cho tôi hai yến, tôi đã gây lời được hai yến khác đây.” Ông chủ nói với người ấy: “Khá lắm! hỡi đầy tớ tài giỏi và trung thành! Được giao ít mà anh đã trung thành, thì tôi sẽ giao nhiều cho anh. Hãy vào mà hưởng niềm vui của chủ anh!”

3.3/ Đầy tớ lười biếng và hình phạt:

– Phản ứng của người lãnh một yến: Đã không sinh lời cho chủ, anh còn tìm lý do để biện minh cho sự biếng lười của mình bằng cách tố cáo chủ: “Thưa ông chủ, tôi biết ông là người hà khắc, gặt chỗ không gieo, thu nơi không vãi. Vì thế, tôi đâm sợ, mới đem chôn giấu yến bạc của ông dưới đất. Của ông đây, ông cầm lấy!”

– Phản ứng của ông chủ: “Hỡi đầy tớ tồi tệ và biếng nhác! Anh đã biết tôi gặt chỗ không gieo, thu nơi không vãi, thì đáng lý anh phải gởi số bạc của tôi vào ngân hàng, để khi tôi đến, tôi thu được cả vốn lẫn lời chứ! Vậy các ngươi hãy lấy yến bạc khỏi tay nó mà đưa cho người đã có mười yến. Còn tên đầy tớ vô dụng kia, hãy quăng nó ra chỗ tối tăm bên ngoài: ở đó, sẽ phải khóc lóc nghiến răng.”

– Ý hướng của ông chủ: Ông không đặt nặng vấn đề lời lãi vì ông không ra giá phải sinh lời bao nhiêu phần trăm. Ông trao cho mỗi người tùy theo khả năng và ông mong họ cũng sinh lời cho ông tùy theo khả năng của họ. Điểm ông muốn nhắm tới ở đây là sự chăm chỉ làm việc; qua dấu chỉ này, các đầy tớ chứng tỏ cho ông biết họ có xứng đáng với lòng tin của ông vào họ hay không. Ông chủ nói rõ: “Vì phàm ai đã có, thì được cho thêm và sẽ có dư thừa; còn ai không có, thì ngay cái đang có, cũng sẽ bị lấy đi.”

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

– Thiên Chúa cho chúng ta thời giờ, tài năng, sức khỏe, của cải vật chất trong cuộc đời là để cho chúng ta chăm chỉ làm việc sinh lời cho Thiên Chúa. Chắc chắn sẽ có ngày chúng ta phải tính sổ với Ngài. Nếu chúng ta luôn chăm chỉ làm việc, chúng ta sẽ không quan tâm đến ngày phải tính sổ; nhưng nếu chúng ta ngủ mê lười biếng, ngày ấy sẽ là ngày kinh hòang cho chúng ta.

– Chúng ta đừng bận tâm nhìn chung quanh để so sánh bản thân với người khác; nhưng để tâm xét mình để nhìn ra chúng ta có thể làm gì với những quà tặng Thiên Chúa đã ban. Ngài ban cho mỗi người tùy khả năng: ban càng nhiều thì phải sinh lời càng nhiều và ngược lại. Điều quan trọng không phải ở chỗ lời lãi; nhưng ở chỗ chúng ta chăm chỉ làm việc và trung thành sống xứng đáng với lòng tin tưởng của Thiên Chúa.

– Nếu chúng ta sống xứng đáng với sự tin tưởng của Thiên Chúa, Ngài sẽ ban cho chúng ta thêm và cho chúng ta hưởng muôn vàn phúc lành khác; nhưng nếu chúng ta ngủ mê, than phiền, lười biếng, Ngài sẽ lấy đi tất cả và chúng ta sẽ phải khóc lóc suốt đời. 

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

****************