Chúa Nhật (16-01-2022) – Trang suy niệm

15/01/2022

Lời Chúa Hôm Nay

Chúa Nhật Tuần II Mùa Thường Niên Năm C

BÀI ĐỌC I: Is 62, 1-5

“Người chồng sẽ vui mừng vì vợ”.

Trích sách Tiên tri Isaia.

Vì Sion, tôi sẽ không im tiếng, và vì Giêrusalem, tôi sẽ không nghỉ ngơi, cho đến khi Đấng công chính xuất hiện như ánh sáng, Đấng Cứu độ Sion đến như ngọn đuốc sáng ngời. Mọi dân tộc sẽ thấy Người là Đấng công chính của ngươi, và mọi đế vương sẽ thấy vinh hiển Người. Chính Chúa sẽ đặt cho ngươi một tên mới. Ngươi sẽ là triều thiên vinh hiển trong tay Chúa, và vương miện quyền bính trong tay Thiên Chúa ngươi, ngươi sẽ không còn gọi là kẻ bị ruồng bỏ, và đất ngươi sẽ không còn gọi là chốn hoang vu. Ngươi sẽ được gọi là “kẻ Ta ưa thích”, và đất ngươi sẽ được gọi là đất có dân cư, vì ngươi đẹp lòng Thiên Chúa, và đất ngươi sẽ có dân cư.

(Như) thanh niên sẽ ở cùng trinh nữ, con cái ngươi sẽ ở trong ngươi; (như) người chồng sẽ vui mừng vì vợ, Thiên Chúa ngươi sẽ vui mừng vì ngươi. Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 95, 1-2a. 2b-3. 7-8a. 9-10ac.

Đáp: Hãy tường thuật phép lạ Chúa giữa chư dân (c. 3).

Xướng:

1) Hãy ca mừng Thiên Chúa bài ca mới, hãy ca mừng Thiên Chúa đi, toàn thể địa cầu. Hãy ca mừng Thiên chúa, hãy chúc tụng danh Người. – Đáp.

2) Ngày ngày hãy loan truyền ơn Người cứu độ. Hãy tường thuật vinh quang Chúa giữa chư dân, và phép lạ Người ở nơi vạn quốc. – Đáp.

3) Hãy kính tặng Thiên Chúa, hỡi người chư dân bá tánh, hãy kính tặng Thiên Chúa quyền thế với vinh quang, hãy kính tặng Thiên Chúa vinh quang xứng với danh Người. – Đáp.

4) Hãy mặc lễ phục, thờ lạy Thiên Chúa. Toàn thể địa cầu, hãy run sợ trước thiên nhan, hãy công bố giữa chư dân rằng Thiên Chúa ngự trị. Người cai quản chư dân theo đường đoan chính. – Đáp.

BÀI ĐỌC II: 1 Cr 12, 4-11

“Cùng một Thánh Thần ban phát ơn riêng cho mỗi người theo như Người quy định”.

Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Cô-rintô.

Anh em thân mến, có những hồng ân khác nhau, nhưng vẫn là một Thánh Thần; có nhiều chức vụ khác nhau, nhưng chính là một Chúa; và có những hành động khác nhau, nhưng chính là một Thiên Chúa, Người thực hiện hết mọi cái trong mọi người. Ơn Thánh Thần ban cho mỗi người mỗi khác, cốt để mưu cầu công ích. Người thì được Thánh Thần cho lời khôn ngoan, kẻ khác thì được lời thông minh, theo cùng một Thánh Thần; người khác được đức tin, trong cùng một Thánh Thần; kẻ khác nữa được ơn chữa bệnh, trong cũng một Thánh Thần đó; có người được ơn làm phép lạ, có kẻ được ơn tiên tri, người khác được ơn phân biệt các thần trí; có người được ơn nói nhiều thứ tiếng; người khác được ơn giải thích các thứ tiếng. Nhưng cùng một Thánh Thần duy nhất thực hiện tất cả những điều đó. Người ban phát ơn riêng cho mỗi người theo như Người quy định. Đó là lời Chúa.

ALLELUIA: Lc 19, 38

Alleluia, alleluia! – Chúc tụng Đức Vua, Đấng nhân danh Chúa mà đến, bình an trên trời và vinh quang trên các tầng trời. – Alleluia. 

PHÚC ÂM: Ga 2, 1-12

“Chúa Giêsu đã làm phép lạ đầu tiên này tại Cana xứ Galilêa”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, có tiệc cưới tại Cana xứ Galilêa. Và có mẹ của Chúa Giêsu ở đó. Chúa Giêsu và các môn đệ Người cũng được mời dự tiệc cưới. Và bỗng thiếu rượu, mẹ Chúa Giêsu nói với Người: “Họ hết rượu rồi”. Chúa Giêsu nói với mẹ: “Hỡi bà, Con với bà có can chi đâu, giờ Con chưa đến”. Mẹ Người nói với những người giúp việc: “Hễ Người bảo gì, thì phải làm theo”. Ở đó có sáu chum đá, dùng vào việc thanh tẩy của người Do-thái, mỗi chum đựng được hai hoặc ba thùng nước. Chúa Giêsu bảo họ: “Hãy đổ nước đầy các chum”. Họ đổ đầy tới miệng. Và Chúa Giêsu bảo họ: “Bây giờ hãy múc đem cho người quản tiệc!” Và họ đã đem đi. Khi người quản tiệc nếm thử nước đã hoá thành rượu, ông không biết tự đâu ra, nhưng những người giúp việc đã múc nước thì biết, ông mới gọi tân lang mà nói: “Ai cũng đem rượu ngon ra trước, khi khách ngà ngà thì mới đem rượu xoàng hơn. Còn ông, ông lại giữ rượu ngon tới giờ này”. Chúa Giêsu đã làm phép lạ đầu tiên này tại Cana xứ Galilêa, và đã tỏ vinh quang Người và các môn đệ Người tin Người.

Sau đó Người xuống Capharnaum làm một với mẹ Người, anh em (Người) và môn đệ của Người, nhưng các Ngài chỉ lưu lại ở đó ít ngày thôi. Đó là lời Chúa.

(thanhlinh.net)

++++++++++++++++++

16/01/2022 – CHÚA NHẬT TUẦN 2 TN – C

Ga 2,1-11

TIỆC CƯỚI THỜI COVID

Và bỗng thiếu rượu, mẹ Chúa Giê-su nói với Người: “Họ hết rượu rồi.” (Ga 2,3)

Suy niệm: Cơn đại dịch Covid đã xoá sạch mùa cưới thường rộ lên vào dịp cuối năm. Có những đám cưới phải hoãn đi hoãn lại nhiều lần. Có những đám phải ứng biến tổ chức “online” hoặc trong khu cách ly. Nhưng đó mới chỉ là khúc dạo đầu của biết bao thách thức khiến cho những lời chúc trăm năm hạnh phúc tưởng chừng như bất khả thi. Đám cưới tại Cana cũng rơi vào cảnh bế tắc vì một sự cố bất ngờ: “Họ hết rượu rồi!” Cặp mắt tinh tế và trái tim luôn quan tâm của Mẹ Ma-ri-a khiến Mẹ nhận ra được nỗi khó khăn ấy của gia chủ. Đức Giê-su đang cư xử như một vị khách mời không can dự vào công việc của nhà đám vì “giờ của Ngài chưa tới”; nhưng trước lời tế nhị của Mẹ chỉ bảo các gia nhân: “Ngài bảo gì các anh cứ làm theo”, Chúa Giê-su biết “đã đến giờ” Ngài làm “dấu lạ đầu tiên” biến nước lã thành rượu ngon, và các môn đệ đã tin vào Ngài.

Mời Bạn: Đôi tân hôn tại Cana được giải gỡ khỏi cơn bế tắc và tiệc cưới của họ đã nên trọn vẹn nhờ lời chuyển cầu của Mẹ Ma-ria. Mỗi người chúng ta và mỗi gia đình không tránh khỏi những khó khăn thách đố. Lắm khi cuộc sống gia đình trở nên khô cằn tẻ nhạt vì thiếu đi chất men nồng ấm của tình yêu.

Tại sao không đến với Mẹ, để Mẹ chuyển cầu cùng Chúa giúp chúng ta lấy lại năng lượng hồn hậu và đằm thắm của tình yêu, một tình yêu lớn lên trong tình yêu Thiên Chúa?

Sống Lời Chúa: Siêng năng lần chuỗi Mân Côi để nhờ Mẹ dẫn chúng ta đến với Chúa.

Cầu nguyện: Lạy Mẹ Ma-ri-a, xin Mẹ chuyển cầu cho chúng con trước toà Chúa. Có Mẹ chúng con không sợ lạc đường khi đến với Giê-su, Con của Mẹ.

(5 Phút Lời Chúa)

++++++++++++++++++

Suy niệm và cầu nguyện

Suy Niệm

Ðức Giêsu, Mẹ Ngài và các môn đệ
cùng có mặt trong một đám cưới ở làng quê Cana.
Ðám cưới là một cuộc vui kéo dài cả tuần.
Tiếc thay, tiệc nửa chừng thì hết rượu.
Ðức Giêsu đã làm dấu lạ đầu tiên trong Tin Mừng Gioan.
Ngài đã biến nước thành rượu.
Ngài trả lại bầu khí vui tươi cho đám cưới.

Tin Mừng Gioan hay kể lại những dấu lạ có ý nghĩa.
Những dấu lạ vén mở con người Ðức Giêsu.
Làm bánh hóa nhiều cho thấy Ðức Giêsu là Bánh thật.
Chữa người mù bẩm sinh cho thấy Ðức Giêsu là Ánh Sáng.
Hoàn sinh Ladarô cho thấy Ðức Giêsu là sự Sống Lại.
Dấu lạ ở tiệc cưới Cana cũng cho ta biết Ngài.
Thứ nước dùng cho nghi thức tẩy uế của Do Thái giáo,
Ðức Giêsu biến nó thành rượu ngon,
một lượng rượu khổng lồ vượt quá mức đòi hỏi.
Ngài biến nước của Cựu Ước thành rượu của Tân Ước.
Như thế Ngài đã mở ra một thời đại mới
thời đại thiên sai, chan chứa niềm vui cứu độ.
Ðức Giêsu cho thấy mình chính là Ðấng Mêsia.
Ngài đến để thiết lập một trật tự mới
dồi dào và phong phú, như rượu vừa nhiều vừa ngon.

Cựu Ước không làm con người mãn nguyện.
Con người vẫn khát khao và tìm kiếm hạnh phúc.
Nhưng hạnh phúc vẫn là cái gì bèo bọt, mong manh.
Ðức Giêsu đã dự tiệc cưới ở Cana.
Ngài muốn dự mọi bữa tiệc liên hoan của con người.
Ngài muốn chia sẻ và bảo vệ niềm vui bé nhỏ nơi họ.
Ðừng để Ðức Giêsu đứng ngoài hạnh phúc của bạn.
Ðừng coi Ngài là người ganh ghét với niềm vui bạn có.
Nếu bạn nghe lời Ngài, đổ nước đầy các chum rỗng,
bạn sẽ gặp được hạnh phúc vững bền.

Dấu lạ Cana chủ yếu cho ta thấy Ðức Giêsu là ai,
nhưng Ðức Maria cũng có một vai trò đáng kể.
Mẹ hiện diện trong tiệc cưới như thân mẫu Ðức Giêsu.
Mẹ thấy rõ sự lúng túng lo âu của chàng rể.
“Họ hết rượu rồi”: Mẹ chỉ nói với Con như vậy.
Câu nói của Mẹ ẩn chứa một lời nài xin kín đáo.
Mẹ mong Con làm một điều gì đó mà Mẹ không rõ.
“Người bảo gì, các anh hãy làm.”
Quả thật Ðức Giêsu có bảo và các gia nhân có làm,
nhờ đó dấu lạ Cana được thực hiện.
Qua sự đóng góp của Mẹ trong dấu lạ mở màn này,
đức tin của các môn đệ được củng cố và lớn lên.

Hôm nay Mẹ vẫn nói nhỏ với Chúa: Họ hết rượu rồi!
Niềm vui chợt tắt, tình yêu nhạt phai, gia đình tan vỡ…
Cần biết bao sự hiện diện của Chúa và Mẹ
trong mỗi gia đình, giữa lúc khó khăn bối rối.
“Người bảo gì, các con hãy làm”:
Ðó vẫn là lời Mẹ nhắn nhủ chúng ta hôm nay.

Cầu Nguyện

Lạy Mẹ Maria,
khi đọc Phúc Âm,
lúc nào chúng con cũng thấy Mẹ lên đường.
Mẹ đi giúp bà Isave, rồi đi Bêlem sinh Ðức Giêsu.
Mẹ đưa con đi trốn, rồi dâng Con trong đền thờ.
Mẹ tìm Con bị lạc và đi dự tiệc cưới ở Cana.
Mẹ đi thăm Ðức Giêsu khi Ngài đang rao giảng.
Và cuối cùng Mẹ đã theo Ngài đến tận Núi Sọ.

Mẹ lên đường để đáp lại một tiếng gọi
âm thầm hay rõ ràng, từ ngoài hay từ trong,
từ con người hay từ Thiên Chúa.
Chúng con thấy Mẹ luôn đi với Ðức Giêsu
trong mọi bước đường của cuộc sống.
Chẳng phải con đường nào cũng là thảm hoa.
Có những con đường đầy máu và nước mắt.

Xin Mẹ dạy chúng con
đừng sợ lên đường mỗi ngày,
đừng sợ đáp lại những tiếng gọi mới của Chúa
dù phải chấp nhận đoạn tuyệt chia ly.

Xin giữ chúng con luôn đi trên Ðường-Giêsu
để chúng con trở thành nẻo đường khiêm hạ
đưa con người hôm nay đến gặp gỡ Thiên Chúa.

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

(phutcaunguyen.net)

++++++++++++++++++

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên

16 THÁNG GIÊNG

Thờ Ơ Hay Chống Lại Các Giá Trị Của Gia Đình Là Tự Chuốc Lấy Tai Họa

Quyền lợi của gia đình, như chúng ta thấy, không phải chỉ là những vấn đề thuần túy thuộc địa hạt tâm linh tín ngưỡng mà xã hội trần thế có thể phớt lờ không đếm xỉa đến. Để thực thi sứ mạng của mình, Giáo Hội tích cực cổ võ cho các giá trị nền tảng của gia đình. Nhưng các nhà cầm quyền dân sự cũng phải đảm nhận trách nhiệm bảo vệ và đề cao các quyền lợi giúp thăng tiến và nâng đỡ đời sống hôn nhân.

Vận mệnh của cộng đồng nhân loại gắn kết chặt chẽ với “sức khỏe” của gia đình xét như một cơ chế trong xã hội. Khi quyền bính trần thế xem thường những giá trị mà gia đình Kitôhữu đem lại cho xã hội và khi quyền bính trần thế bàng quan đứng ngoài các giá trị đạo đức ấy, thì điều sẽ xảy ra là gia đình bị sụp đổ trong xã hội. Đồng thời, một thái độ dễ dãi đối với tình trạng sống chung chạ bên ngoài mối ràng buộc hôn nhân xem ra có thể là giải pháp cho một số vấn đề nào đó nhất thời. Song, về lâu về dài, tình trạng này sẽ phá hoại ghê gờm chính bản chất và phẩm cách của hôn nhân. Một xã hội như thế không thể tránh khỏi các hậu quả cay đắng.

– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –

Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác

LIFT UP YOUR HEARTS

Daily Meditations by Pope John Paul II

+++++++++++++++++

Lời Chúa Trong Gia Đình

Ngày 16/01

Chúa Nhật II Thường Niên

Is 62, 1-5; 1Cr 12, 4-11; Ga 2, 1-11.

Lời Suy Niệm: Đức Giêsu bảo họ: “Các anh đổ đầy nước vào chum đi!” Và họ đổ đầy tới miệng. Rồi Người nói với họ: “Bây giờ các anh múc và đem cho ông quản tiệc.” Họ liền đem cho ông.

          Tại tiệc cưới Cana, Phép lạ Nước hóa thành Rượu ngon, là do bởi Lời Chúa và sự Vâng Phục của con người; với sự cầu bàu của Đức Mẹ Maria với Chúa Giêsu: “Họ hết rượu rồi”. Cùng sự hướng dẫn của Đức Mẹ: “Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo.” Đời sống của mỗi người tín hữu muốn được sống hạnh phúc, cần phải mở rộng lòng mình đón nhận Chúa vào trong tâm hồn của mình, trước mỗi khó khăn, bất trắc và thử thách, cần phải chạy đến với Đức Mẹ, bởi Đức Mẹ vừa là Mẹ của chúng ta, vừa là Đấng trung gian và hằng quan tâm đến con cái của mình.

          Lạy Chúa Giêsu. Xin Chúa ban cho mọi thành viên trong gia đình chúng con luôn biết chạy đến với Đức Mẹ, Nhờ Mẹ, chúng con biết vâng nghe Lời Chúa và thực hành Lời Chúa dạy, để chúng con có niềm vui trong cuộc sống.

Mạnh Phương

+++++++++++++++++

16 Tháng Giêng

 Giấc Mơ Của Mẹ Têrêxa Calcutta  

Mẹ Têrêxa Calcutta, người được giải thưởng Nobel Hòa Bình năm 1979 và là người sáng lập viện của dòng Nữ Tử thừa sai Bác Aùi chuyên phục vụ người nghèo và hấp hối, đã kể lại ơn gọi phục vụ của Mẹ trong một lá thư viết từ Calcutta như sau:

“Trong những ngày đầu khi mới khởi sự làm việc cho những người cùng khổ nhất trong vùng ngoại ô, tôi bị sốt liệt giường. Trong cơn mê sảng, tôi bỗng thấy mình được đến trình diện trước mặt thánh Phêrô, người giữ cửa Thiên Ðàng. Nhưng Thánh Phêrô chận lại không cho tôi vào Thiên Ðàng. Ngài nói như sau: “Không thể để cho một người thuộc khu ổ chuột được vào Thiên Ðàng. Thiên Ðàng không có nơi cùng khổ”.

Tôi mới tức giận nói với Ngài như sau: “Thế ư? Vậy thì con sẽ làm mọi cách để làm cho Thiên Ðàng đầy dẫy dân cư của các khu ổ chuột và lúc đó, Ngài bị bắt buộc sẽ để cho con vào Thiên Ðàng”. 

Tội nghiệp thánh Phêrô. Kể từ sau giấc mơ ấy, Mẹ Têrêxa và các nữ tu của Mẹ đã không để cho Ngài được ở yên phút nào. Không biết bao nhiêu người cùng khổ và cô đơn đã qua đời trong vòng tay ôm ấp của Mẹ và các nữ tu. Thiên Ðàng đã trở thành nơi cư trú của những người cùng khổ. 

Giai thoại trên đây của Mẹ Têrêxa Calcutta như muốn nói lên một chân lý: không ai nên Thánh một mình, không ai lên Thiên Ðàng một mình.

Ðức Cha Fulton Sheen, vị diễn giả nổi tiếng trên các đài truyền thanh và truyền hình tại Hoa Kỳ, đã có lần phát biểu như sau: “Không ai trong chúng ta có thể vào Thiên Ðàng, nếu ở đó không có ai nói với chúng ta: chính tôi đã giúp đỡ để bạn được vào Thiên Ðàng”.

Ai cũng có thể là một trợ giúp để đưa chúng ta vào cửa Thiên Ðàng. Họ có thể là những người cùng khổ mà chúng ta chìa tay để san sẻ, để giúp đỡ. Họ cũng có thể là những người cách này hay cách khác làm cho chúng ta đau khổ. Nhưng ưu tiên hơn cả vẫn là những người chúng ta cố gắng làm cho hạnh phúc. Chính những người đó là kẻ giúp đỡ chúng ta được vào Thiên Ðàng. Nhưng Thiên Ðàng không đợi chờ ở đời sau. Hạnh phúc cũng không chỉ dành lại cho đời sau: Thiên Ðàng và Hạnh Phúc có thể đến với chúng ta ngay từ cõi đời này. Và Thiên Ðàng và Hạnh Phúc ấy là gì nếu không phải là mỗi lần chúng ta cố gắng làm cho người khác được hạnh phúc.

(Lẽ Sống)

++++++++++++++++++

Lời Chúa Mỗi Ngày

Chúa Nhật 2 – Năm C – Thường Niên

Bài đọc: Isa 62:1-5; I Cor 12:4-11; Jn 2:1-12.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Trung thành hiệp nhất trong những khác biệt của nhau.

Thiên Chúa tạo dựng mỗi người, ban ân sủng, và trao sứ vụ khác nhau. Ngài muốn mỗi người chu toàn sứ vụ của mình theo như những gì được ban cho, để xây dựng gia đình, xã hội, và Nhiệm Thể của Đức Kitô. Nhưng rất nhiều người không hiểu sự quan phòng của Thiên Chúa, họ lấy mình làm tiêu chuẩn để nhận xét, phê bình và đòi hỏi tha nhân phải giống họ. Hậu quả là họ phải gánh là bất đồng ý kiến, chia rẽ, và hận thù.

Các Bài Đọc hôm nay mời gọi con người hãy nhận ra sự khác biệt trong mỗi cá nhân, về quà tặng cũng như sứ vụ; để tôn trọng tha nhân và cùng nhau xây dựng Nước Chúa. Trong Bài Đọc I, vì không biết vâng lời Thiên Chúa và tôn trọng tha nhân, Jerusalem được ví như một người vợ bị chồng là Thiên Chúa bỏ rơi và con cái bị lưu đày cực khổ các nơi; nhưng tiên-tri Isaiah nhìn thấy trước ngày Thiên Chúa sẽ đoái thương nhìn đến và nối lại tình xưa nghĩa cũ với Jerusalem, vì Ngài là Thiên Chúa trung thành yêu thương. Trong Bài Đọc II, thánh Phaolô nêu bật một chìa khóa quan trọng để gìn giữ sự hiệp nhất và hạnh phúc trong gia đình cũng như cộng đoàn, là phải nhận ra những gì có chung và những gì khác biệt, để tôn trọng những khác biệt của nhau và cùng nhau xây dựng lợi ích chung. Mô hình lý tưởng là sự hiệp nhất giữa Ba Ngôi Thiên Chúa. Trong Phúc Âm, Mẹ Maria nhận ra ngay sự khó khăn của đôi tân hôn trong ngày trọng đại nhất của cuộc đời họ. Mẹ biết chỉ một người duy nhất có thể cứu vãn tình thế là Chúa Giêsu; nhưng Mẹ chỉ biết cầu cứu Chúa và nhắn nhủ các người giúp việc: “Hễ người bảo gì, cứ làm như vậy.”

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Ngươi sẽ là ngọc miện huy hoàng trong lòng bàn tay Đức Chúa.

1.1/ Jerusalem hoang phế sẽ được Thiên Chúa đoái thương nhìn tới: Jerusalem được tiên tri Isaiah nhân cách hóa như một người vợ để chỉ nhà Israel. Jerusalem bị Thiên Chúa bỏ rơi, vì đã bất trung với Thiên Chúa và bất công với tha nhân. Hậu quả là quân thù đã tiêu hủy bình địa Jerusalem và đem tất cả dân chúng đi lưu đày. Tuy nhiên, tình yêu và sự trung thành của Thiên Chúa là lý do Jerusalem được phục hồi. Thiên Chúa không đành lòng khi thấy Jerusalem điêu tàn hoang phế; nhưng Ngài phải sửa phạt để Jerusalem nhận ra những khuyết điểm của mình mà ăn năn xám hối và quay về với tình yêu đích thực. Nếu không sửa phạt, Jerusalem sẽ chết trong tội của mình và xa lìa Thiên Chúa. Trong trình thuật hôm nay, tiên-tri Isaiah được Thiên Chúa cho nhìn thấy trước ngày Jerusalem được phục hồi qua lời tuyên sấm: “Tới ngày đức công chính xuất hiện tựa hừng đông, ơn cứu độ của thành rực lên như ngọn đuốc. Rồi muôn dân sẽ được chiêm ngưỡng đức công chính của ngươi, mọi đế vương sẽ được ngắm nhìn vinh quang ngươi tỏ rạng. Người ta sẽ gọi ngươi bằng tên mới, chính là tên miệng Đức Chúa đặt cho. Ngươi sẽ là ngọc miện huy hoàng trong lòng bàn tay Đức Chúa, sẽ là mũ triều thiên vương giả Thiên Chúa ngươi cầm ở tay.”

1.2/ Hạnh phúc có được khi Jerusalem biết sống mối liên hệ với Thiên Chúa: Vì bất trung và không giữ các mệnh lệnh của Thiên Chúa mà Jerusalem bị mang tiếng là “Đồ bị ruồng bỏ!” Xứ sở bị mang tiếng là “Phận bạc duyên đơn.” Nhưng một khi quay trở về với Thiên Chúa, Ngài sẽ yêu thương và chăm sóc Jerusalem như một người vợ yêu dấu. Lúc đó, Jerusalem sẽ được chồng là Thiên Chúa gọi: “Ái khanh lòng Ta hỡi!” Xứ sở sẽ được nổi danh là “Duyên thắm chỉ hồng.” Jerusalem sẽ được Đức Chúa đem lòng sủng ái, Chúa sẽ lập hôn ước cùng xứ sở ngươi và Đấng tác tạo ngươi sẽ cưới ngươi về. Khi biết sống mối liên hệ của người vợ trung thành, Jerusalem sẽ trở thành niềm vui và niềm hãnh diện của Thiên Chúa.

2/ Bài đọc II: Có nhiều đặc sủng khác nhau, nhưng chỉ có một Thần Khí.

Đây là một tư tưởng quan trọng trong nền thần học về thân thể của Phaolô, và là chìa khóa hiệu nghiệm để xây dựng hiệp nhất, bình an, và hạnh phúc. Thánh Phaolô khuyên con người nhận ra hai đặc điểm quan trọng:

2.1/ Những gì mọi người cùng có chung: Để có thể sống chung và cùng nhau làm việc, con người phải nhận ra những gì mọi người có chung. Ngài liệt kê ra những điểm có chung quan trọng:

(1) Một Thánh Thần: Đấng ban những đặc sủng khác nhau cho mỗi người để xây dựng lợi ích chung và Nhiệm Thể của Đức Kitô.

(2) Một Chúa Kitô: Đấng hy sinh chịu chết cho mọi người được tha tội và mang lại ơn cứu độ cho mọi người. Tất cả chúng ta là chi thể của một Nhiệm Thể của Đức Kitô.

(3) Một Thiên Chúa: Đấng dựng nên và quan phòng mọi sự trong mọi người. Mỗi ngôi vị của Ba Ngôi Thiên Chúa tuy thi hành một sứ vụ khác nhau; nhưng cả ba cùng chung một mục đích là mưu cầu lợi ích cho con người.

(4) Chỗ khác, thánh Phaolô còn liệt kê thêm các tín hữu chỉ có một Phép Rửa, một niềm tin vào Ba Ngôi Thiên Chúa, và được tiền định để hướng về cùng một đích điểm.

2.2/ Những gì mọi người khác nhau: Bên cạnh những gì con người có chung, họ còn có rất nhiều khác biệt:

(1) Mỗi người được ban các đặc sủng khác nhau: “Người thì được Thần Khí ban cho ơn khôn ngoan để giảng dạy, người thì được Thần Khí ban cho ơn hiểu biết để trình bày. Kẻ thì được Thần Khí ban cho lòng tin; kẻ thì cũng được chính Thần Khí duy nhất ấy ban cho những đặc sủng để chữa bệnh. Người thì được ơn làm phép lạ, người thì được ơn nói tiên tri; kẻ thì được ơn phân định thần khí; kẻ khác thì được ơn nói các thứ tiếng lạ; kẻ khác nữa lại được ơn giải thích các tiếng lạ.” ”Nhưng chính Thần Khí duy nhất ấy làm ra tất cả những điều đó và phân chia cho mỗi người mỗi cách, tuỳ theo ý của Người.”

(2) Đặc sủng khác nhau dẫn tới những ơn gọi khác nhau: giáo sư để giảng dạy, cha xứ để chăm sóc phần linh hồn cho dân, giáo dân để cung cấp nhân lực và giúp đỡ cho xã hội và Giáo Hội, bác sĩ để chữa lành … Mỗi người một công việc khác nhau, không có ơn gọi này quan trọng hơn ơn gọi khác; nhưng tất cả đều góp phần trong việc xây dựng lợi ích chung.

(3) Mỗi người được tạo thành cách khác nhau: phái tính; tính khí; cơ thể …

(4) Ngoài ra, mỗi người còn sống trong môi trường và những nền văn hóa khác nhau; được nuôi dưỡng, dạy dỗ, và trưởng thành trong những gia đình khác nhau.

Chúng ta không thể nào tìm được hai cá nhân giống nhau về mọi phương diện; vì thế, chúng ta đừng bao giờ bắt tha nhân phải suy nghĩ và hành xử giống mình về mọi phương diện.

3/ Phúc Âm: “Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo.”

Trình thuật hôm nay bắt đầu sứ vụ công khai rao giảng của Chúa Giêsu và là phép lạ đầu tiên trong Tin Mừng theo thánh Gioan. Đây là phép lạ quan trọng, vì nó khơi mào kỷ nguyên của Đấng Thiên Sai. Chúa Giêsu tỏ uy quyền và sự quan tâm của Ngài cho Đức Mẹ, cho các môn đệ, và cho dân chúng để họ tin vào Ngài. Có ba phản ứng khác nhau trong trình thuật hôm nay.

3.1/ Phản ứng rất tinh tế của Đức Mẹ: Mẹ Maria, tuy là khách dự tiệc; nhưng Mẹ không giống như đa số khách dự tiệc đến để ăn. Mẹ là người đầu tiên nhận ra hoàn cảnh khó khăn của đôi tân hôn. Mẹ hiểu biến cố hết rượu trong ngày cưới sẽ ảnh hưởng đến hạnh phúc của đôi tân hôn, nên Mẹ đến cầu cứu với Chúa Giêsu cho đôi trẻ, và nói với con mình: “Họ hết rượu rồi.” Sự kiện Mẹ chọn đến thưa chuyện với Chúa Giêsu chứng minh hai điều:

(1) Niềm tin của Mẹ vào uy quyền của Chúa Giêsu: Mẹ biết Chúa Giêsu là người duy nhất có thể cứu vãn tình thế cho đôi trẻ.

(2) Mẹ không truyền lệnh; nhưng cầu cứu để Chúa Giêsu tự do đáp trả.

Sau đó, Mẹ ra ngoài bếp và nhắn nhủ những người giúp việc một điều quan trọng: “Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo.”

3.2/ Phản ứng của Chúa Giêsu: Khi nghe lời Mẹ cầu cứu, Đức Giêsu trả lời: “Thưa bà, chuyện đó can gì đến bà và tôi? Giờ của tôi chưa đến.” Giờ của Chúa Giêsu trong Tin Mừng Gioan là giờ mà Ngài được vinh quang khi bị treo trên Thập Giá. Toàn bộ cuộc đời của Chúa Giêsu trên dương thế đều hướng về giờ này.

Thoạt nghe câu trả lời của Chúa Giêsu, nhiều người có thể cho là Ngài bất hiếu; nhưng họ cần phải suy xét thêm: Trong cuộc đời, mỗi người có một sứ vụ Thiên Chúa trao để chu toàn và có một thời gian cố định để chu toàn sứ vụ đó. Chúng ta đừng bao giờ bắt người khác phải thi hành sứ vụ đó theo yêu cầu và thời gian của chúng ta. Đây là chìa khóa để giữ bình an, hiệp nhất và hạnh phúc của gia đình.

Lời nhận xét của người quản tiệc là một ví dụ khác cho việc đừng bắt người khác phải luôn theo truyền thống, vì mỗi người một hoàn cảnh khác nhau. Ông trách tân lang: “Ai ai cũng thết rượu ngon trước, và khi khách đã ngà ngà mới đãi rượu xoàng hơn. Còn anh, anh lại giữ rượu ngon mãi cho đến bây giờ.”

3.3/ Phản ứng của những người giúp việc: Trình thuật kể: “Ở đó có đặt sáu chum đá dùng vào việc thanh tẩy theo thói tục người Do-thái, mỗi chum chứa được khoảng tám mươi hoặc một trăm hai mươi lít nước.”

– Đức Giêsu bảo các người giúp việc: “Các anh đổ đầy nước vào chum đi!” Đây không phải một lệnh truyền dễ thi hành vì phải ra đi kín một lượng nước lớn trong ngày lễ cưới; nhưng họ đã vâng theo lệnh truyền của Chúa và đổ đầy tới miệng.

– Rồi Người nói với họ: “Bây giờ các anh múc và đem cho ông quản tiệc.” Lại một lệnh truyền không dễ làm vì đòi hỏi một niềm tin; nhưng họ vâng lời và đem cho ông quản tiệc.

– Kết quả: Khi người quản tiệc nếm thử nước đã hoá thành rượu, ông không biết rượu từ đâu ra, chỉ có gia nhân đã múc nước thì biết, ông mới gọi tân lang lại và hỏi: Tại sao giữ rượu ngon đến giờ này?

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

– Chúng ta phải tránh thái độ tự tôn cho mình có thể làm mọi việc mà không cần sự giúp đỡ của tha nhân.

– Chúng ta phải tôn trọng sự khác biệt của người khác. Đừng bao giờ bắt họ phải giống mình trong cách nhận xét, trình bày, và giải quyết các vấn đề.

– Điều chúng ta có thể làm là trình bày sự thật và mời gọi con người đáp trả; nhưng phải để cho tha nhân suy nghĩ và tự do đáp trả theo hoàn cảnh và thời gian của họ.

– Chúng ta đừng vội kết tội và đoạn tuyệt với tha nhân vì họ đã không nhận ra sự thật và làm theo ý muốn của mình.

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

****************