Chúa Nhật (18-06-2023) – Trang suy niệm

17/06/2023

Lời Chúa Hôm Nay

CHÚA NHẬT 11 THƯỜNG NIÊN – NĂM A

BÀI ÐỌC I: Xh 19, 2-6a

“Ðối với Ta, các ngươi sẽ là một vương quốc tư tế, một dân tộc hiến thánh”.

Bài trích sách Xuất Hành.

Trong những ngày ấy, con cái Israel đi đến hoang địa Sinai, và đóng trại ở đó. Israel cũng dựng nhà xếp trên triền núi. Còn Môsê thì lên cùng Thiên Chúa. Từ trên núi, Chúa gọi ông và bảo: “Ngươi hãy nói với nhà Giacóp và thông báo cho con cái Israel thế này: Chính các ngươi đã thấy những gì Ta làm cho người Ai-cập. Ta đã mang các ngươi trên cánh phượng hoàng và đem các ngươi đến với Ta. Từ nay, nếu các ngươi nghe lời Ta và giữ giao ước Ta, thì các ngươi sẽ là sở hữu của Ta được tách biệt khỏi mọi dân, vì cả trái đất là của Ta. Ðối với Ta, các ngươi sẽ là một vương quốc tư tế, một dân tộc hiến thánh”.

Ðó là Lời Chúa.

ÐÁP CA: Tv 99, 2. 3. 5

Ðáp: Ta là dân tộc, là đoàn chiên Chúa chăn nuôi (c. 3c).

1) Hãy phụng sự Chúa với niềm vui vẻ, hãy vào trước thiên nhan với lòng hân hoan khoái trá.

2) Hãy biết rằng Chúa là Thiên Chúa, chính Người đã tạo tác thân ta, và ta thuộc quyền sở hữu của Người; ta là dân tộc, là đoàn chiên Chúa chăn nuôi.

3) Vì chưng Chúa thiện hảo, lòng từ bi Người tồn tại muôn đời, và lòng trung tín còn tới muôn muôn thế hệ.

BÀI ÐỌC II: Rm 5, 6-11

“Nếu chúng ta được giao hoà cùng Thiên Chúa nhờ cái chết của Con Ngài, ắt chúng ta sẽ được cứu độ trong sự sống của Ngài”.

Bài trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.

Anh em thân mến, Chúa Kitô theo kỳ hẹn đã chịu chết vì chúng ta là kẻ tội lỗi. Ít có ai chết thay người công chính, hoạ chăng có những người dám chết vì kẻ lành. Nhưng Thiên Chúa chứng tỏ tình yêu của Người đối với chúng ta, nghĩa là trong lúc chúng ta còn là tội nhân, thì theo kỳ hẹn, Chúa Kitô đã chết vì chúng ta. Vậy phương chi bây giờ, chúng ta đã nên công chính trong máu của Người, và nhờ Người chúng ta sẽ được cứu khỏi cơn thịnh nộ. Bởi chưng, nếu khi chúng ta còn là thù nghịch, mà chúng ta đã được giao hoà cùng Thiên Chúa nhờ cái chết của Con Ngài, thì huống chi khi đã được giao hoà, ắt chúng ta sẽ được cứu độ trong sự sống của chính Chúa Kitô, và không những thế, chúng ta còn được vinh hiển trong Thiên Chúa nhờ Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, nhờ Người mà bây giờ chúng ta được lãnh ơn giao hoà.

Ðó là lời Chúa.

ALLELUIA: Ga 6, 64b và 69b

All. All. – Lạy Chúa, lời của Chúa là thần trí và là sự sống; Chúa có những lời ban sự sống đời đời. – All.

PHÚC ÂM: Mt 9, 36 – 10, 8

“Sau khi triệu tập mười hai môn đệ, Người sai các ông đi”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, Chúa Giêsu thấy đoàn lũ dân chúng, liền động lòng xót thương họ: vì họ tất tưởi bơ vơ như những con chiên không có người chăn, Người liền bảo môn đệ rằng: “Lúa chín đầy đồng, mà thợ gặt thì ít. Các con hãy xin chủ ruộng sai thợ đi gặt lúa”. Và Người liền triệu tập mười hai môn đệ, ban cho họ quyền năng trên các thần ô uế, để họ xua đuổi chúng, và chữa lành mọi bệnh hoạn tật nguyền. Ðây là tên của mười hai tông đồ: trước hết là Simon cũng gọi là Phêrô, rồi đến Anrê em ông; Giacôbê con của Giêbêđê và Gioan em ông; Philipphê và Bartôlômêô; Tôma và Matthêu người thu thế; Giacôbê con của Alphê và Tađêô; Simon người Cananêô và Giuđa Iscariốt, kẻ nộp Người. Chúa Giêsu sai mười hai ông này đi và truyền lệnh cho các ông rằng: “Các con đừng đi về phía dân ngoại, và đừng vào thành các người Samaritanô. Nhưng tốt hơn, các con hãy đi đến cùng chiên lạc của nhà Israel trước đã, và rao giảng rằng: “Nước Trời đã đến gần”. Hãy chữa lành người liệt, phục sinh kẻ chết, chữa lành người phung, và xua trừ ma quỷ. Các con đã lãnh nhận nhưng không, thì hãy cho nhưng không”.

Ðó là lời Chúa.

(Nguồn: UBPV/HĐGMVN, ấn bản 1973)

++++++++++++++++++

18/06/2023 – CHÚA NHẬT TUẦN 11 TN – A

Mt 9,36-10,8

XIN BAN THÊM NHIỀU THỢ GẶT

Người liền bảo môn đệ rằng: “Lúa chín đầy đồng, mà thợ gặt thì ít. Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về.” (Mt 9,37-38)

Suy niệm: Lời mời gọi truyền giáo là đề tài xuyên suốt của Đức Giê-su trong hành trình sứ vụ của Ngài. Từng lời nói, cử chỉ và hành động của Ngài đều nhằm thực thi sứ vụ đó. Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta đồng cảm với Đức Giê-su trong tình yêu thương, thấu hiểu và hết lòng phục vụ con người cách vô vị lợi, không tìm lợi lộc, danh vọng cho bản thân mình bởi vì: “Anh em đã được cho không, thì cũng phải cho không như vậy” (Mt 10,8). Cầu nguyện là hình thức dấn thân đầu tiên của các môn đệ cho sứ vụ rao giảng Lời Chúa. “Các con hãy xin” đó không chỉ là việc của hai ngàn năm trước nhưng là sứ mệnh của mọi thời đại và từng người chúng ta hôm nay.

Mời Bạn: Bản chất của Giáo Hội là truyền giáo, và mỗi người chúng ta khi lãnh nhận Bí Tích Thánh Tẩy là dự phần vào sứ vụ đem Chúa đến cho những người ta gặp gỡ. Bạn đã cầu xin “chủ mùa” sai nhiều thợ gặt thì khi được “chủ mùa” sai đi gặt lúa, bạn đừng từ chối, nhưng hãy sẵn lòng đáp lại lời mời gọi đó và làm chứng cho Chúa qua môi trường mình sống bằng một lời nói an ủi, khích lệ, một nụ cười thân thiện, một cử chỉ hòa giải, một ánh nhìn cảm thông, v.v…

Sống Lời Chúa: Mỗi ngày luôn dành một lời cầu nguyện cho những “thợ gặt” đang dấn thân trên cánh đồng truyền giáo và đặc biệt cho chính mình sẵn sàng đáp lại tiếng Chúa khi được Ngài gọi mời.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin cho chúng con biết ý thức nhiệm vụ cao cả của mỗi người tín hữu chúng con là loan báo Tin Mừng của Chúa bằng lời cầu nguyện, bằng đời sống chứng nhân và bằng cả lời rao giảng nữa. Amen.

(5 Phút Lời Chúa)

++++++++++++++++++

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên

18 THÁNG SÁU

Sự Chọn Lựa Của Ta Và Kế Hoạch Không Dang Dở Của Thiên Chúa

Hãy nhớ rằng chúng ta không lẻ loi một mình khi cố gắng nhận hiểu hoạt động cứu độ của Thiên Chúa trong thế giới. Các triết gia lớn, các bậc thầy của các tôn giáo lớn, và ngay cả những người bình dân thất học cũng vẫn trăn trở với dấu hỏi khó khăn này. Thậm chí một số người còn cố giải thích hành động của Thiên Chúa bằng một loại luận cứ nào đó.

Rất nhiều câu trả lời đã được đề ra. Và không phải tất cả đều có thể được chấp nhận. Không có câu trả lời nào trong đó đạt mức toàn triệt. Từ những thời xa xưa, một số người đã nại đến định mệnh mù quáng hay số phận. Cũng có nhiều người coi thường ý chí tự do của con người khi nhấn mạnh đến sự tiền định. Trong thời đại của chúng ta, một số người cho rằng họ cần phải phủ nhận Thiên Chúa để khẳng định con người và sự tự do của con người.

Tất cả những quan điểm ấy đều cực đoan và phiến diện, nhưng ít nhất chúng giúp chúng ta nhận ra những sự thật nào bật ra khi chúng ta cố gắng nhận hiểu sự quan phòng của Thiên Chúa. Làm thế nào có thể hòa hợp hành động toàn năng của Thiên Chúa và sự tự do của chúng ta? Làm thế nào sự tự do của chúng ta có thể hòa hợp với những kế hoạch không thể gãy đổ của Thiên Chúa? Tương lai của chúng ta sẽ thế nào? Làm thế nào chúng ta có thể bắt đầu hiểu biết và nhìn nhận chân lý và sự khôn ngoan vô cùng của Thiên Chúa giữa những sự dữ ngập tràn thế giới này? Ta nghĩ sao về sự xấu xa của tội lỗi? Ta nghĩ sao về những đau khổ của bao con người vô tội?

Lịch sử của chúng ta – với bao thăng trầm của các quốc gia, với những tai họa khủng khiếp lẫn những hành động cao cả và thánh thiện tuyệt vời – tất cả có nghĩa gì? Phải chăng có thể xảy ra một đại nạn cuối cùng chôn vùi vĩnh viễn hết mọi sự sống? Hay phải chăng thật sự có một Đấng Quan Phòng yêu thương mà chúng ta gọi là Thiên Chúa? Đó là Đấng Thiên Chúa vẫn luôn bao bọc chúng ta bằng thượng trí, khôn ngoan và lòng trìu mến của Ngài. Đó là Đấng Thiên Chúa dẫn dắt chúng ta thật quyết liệt nhưng cũng thật êm ái. Đó là Đấng Thiên Chúa hướng dẫn thế giới, hướng dẫn cuộc đời chúng ta, và thậm chí hướng dẫn ý chí phản loạn của chúng ta – nếu chúng ta chấp nhận để cho Ngài hướng dẫn. Đó là Đấng Thiên Chúa hướng dẫn chúng ta đến sự nghỉ ngơi của “ngày thứ bảy”, sự nghỉ ngơi của công trình tạo dựng đang tiến gần đến điểm thành toàn của mình.

Đây là câu trả lời. Lời Chúa đứng chênh vênh giữa hai bờ hy vọng và thất vọng. Vâng, Lời Chúa trao cho chúng ta những lý do tuyệt vời để hy vọng. Lời Chúa luôn luôn mới mẻ tinh khôi. Lời Chúa xoáy vào trong tâm trí người ta với sứ điệp lạ kỳ của nó.

– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –

Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác

LIFT UP YOUR HEARTS

Daily Meditations by Pope John Paul II

+++++++++++++++++

Lời Chúa Trong Gia Đình

Ngày 18/6

CHÚA NHẬT XI THƯỜNG NIÊN

Xh 19, 2-6a; Rm 5, 6-11; Mt 9, 36-10,8.

Lời Suy niệm: Đức Giêsu thấy đám đông thì chạnh lòng thương, vì họ lầm than vất vưởng như chiên không người chăn dắt. Bấy giờ Người nói với môn đệ rằng: “Lua chín đầy đồng, mà thợ gặt lại ít. Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về.”

          Chúa Giêsu đến thế gian này với một tình yêu của Chúa Cha, nên khi Người thấy cảnh sống của con người nơi trần gian này đã làm cho Người chạnh lòng thương. Nên Người chữa lành mọi bệnh nhân đến với Người, Người cảm thương những người đói khát; Người ban của ăn no đầy, Người xúc động trước cảnh người đàn bà goá theo sau quan tài người con trai độc nhất, Người đã cho người con trai đó sống lại. Người thấy những người cô đơn trong cơn bênh phong nơi hoang vắng, Người cho được sạch để đoàn tụ lại với cộng đồng.

          Lạy Chúa Giêsu. Thế giới của chúng con đang sống thiếu tình thương, thiếu chủ chăn. Xin Chúa thương chọn gọi trong từng gia đình, từng giáo xứ những người trẻ biết tận hiến mình, để đáp lại lời mời gọi của Chúa. Amen.

Mạnh Phương

+++++++++++++++++

18 Tháng Sáu

Tạ ơn Chúa 

Thi sĩ Lamartine của Pháp có kể lại một giai thoại như sau: Một hôm, tình cờ đi qua một khu rừng, ông nghe một âm thanh kỳ lạ. Cứ sau mỗi tiếng búa gõ vào đá lại vang lên một tiếng “Cám ơn”. Ðến gần nơi phát ra âm thanh, thi sĩ mới nhận thấy một người thợ đang miệt mài làm việc. Cứ mỗi lần gõ vào phiến đá, ông lại thốt lên “Cám ơn’.

Thi sĩ Lamartine mới nấn ná đến trò chuuyện, người thợ đập đá giải thích: “Tôi cảm ơn Chúa”. Ngạc nhiên về lòng tin của một con người mà cuộc sống hẳn phải lầm than lam lũ, thi sĩ mới nói: “Giả như bác được giàu có, thì tôi hiểu tại sao bác không ngừng thốt lên hai tiếng cám ơn. Ðằng này, Thiên Chúa chỉ nghĩ tới bác có mỗi một lần duy nhất đó là lúc Ngài tạo nên bác. Sau đó, Ngài ban cho bác có mỗi cái búa này để rồi không còn ngó ngàng gì đến bác nữa. Thế thì tại sao bác lại mỏi miệng để cám ơn Ngài?”.

Nghe thế, người đập đá mới hỏi vặn lại thi sĩ: “Ngài cho rằng Chúa chỉ nghĩ đến tôi có một lần thôi sao”. Thi sĩ Lamartine bèn thách thức: “Dĩ nhiên, Chúa chỉ nghĩ đến bác có mỗi một lần mà thôi”.

Người thợ đá nghèo, nhưng đầy lòng tin, mới mếu máo thốt lên: “Tôi nghĩ rằng điều đó không có gì đáng ngạc nhiên cả. Ngài nghĩ rằng Thiên Chúa đã đoái thương đến một người thợ đá thấp hèn như tôi, dù chỉ một lần thôi. Vậy không đủ cho tôi cám ơn Ngài sao? Vâng, cám ơn Chúa, cám ơn Chúa”. Nói xong, ông bỏ mặc cho thi sĩ đứng đó và tiếp tục điệp khúc quen thuộc của ông, vừa đục đá vừa tạ ơn Chúa.

Thiên Chúa yêu thương con người. Ðó là bài ca mà chúng ta không chỉ hát lên trong mùa Giáng Sinh, mà phải được lập lại trong từng khoảnh khắc của cuộc sống. Nhưng khi chúng ta nói: Thiên Chúa yêu thương con người, điều đó trước hết phải có nghĩa là Ngài yêu thương tôi. Thiên Chúa không yêu thương con người bằng một cách chung. Thiên Chúa yêu thương mỗi người bằng một tình yêu cá biệt, riêng rẽ. Ðiều đó cũng có nghĩa là mỗi người là một chương trình trong trái tim của Thiên Chúa.

Ðối với Thiên Chúa, không có đám đông vô danh, cũng không có những con số. Ngài gọi mỗi người bằng tên gọi riêng… Chúng ta không thể đo lường Tình Yêu của Thiên Chúa bằng thước đo hẹp hòi, thiển cận của chúng ta. Trong Tình Yêu Quan Phòng của Ngài, mỗi một con người là một chương trình và mỗi một chương trình đều cao cả. Thiên Chúa không tạo dựng chúng ta theo một khuôn mẫu, mà theo một chương trình riêng cho mỗi người. Mỗi một biến cố xảy đến đều được Ngài sử dụng để đem lại điều thiện hảo cho chúng ta. Nói như thánh Phaolô, Thiên Chúa quy mọi sự về điều thiện cho những kẻ Ngài yêu thương. Cũng chính vị thánh này nói: “Tất cả nọi sự đều là ân sủng của Chúa”.

(Lẽ Sống)

++++++++++++++++++

Lời Chúa Mỗi Ngày

Chúa Nhật 11 – Năm AThường Niên

Bài đọc: Xh 19:2-6a; Rm 5:6-11; Mt 9:36-10:8.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Các tiến trình trong Kế-hoạch Cứu Độ của Thiên Chúa.

            Con người ở mọi thời rất dễ lẫn lộn và khi lẫn lộn họ không biết mình phải làm gì. Vì thế, Giáo Hội luôn cần những nhà rao giảng sáng suốt và nhiệt thành để lãnh đạo và biết cách để đưa những tín hữu đã lạc xa Thiên Chúa trở về. Một trong những điều cần thiết là các nhà rao giảng phải biết tổng quát các tiến trình trong Kế-hoạch Cứu Độ của Thiên Chúa. Theo Kế-hoạch này, Thiên Chúa chọn hai ông Mô-sê và A-ha-ron để thành lập một Dân Riêng theo giao ước tại Sinai. Mục đích của việc thành lập Dân Riêng này là chuẩn bị cho Đấng Thiên Sai tới. Các ngôn-sứ của Thời Lưu Đày và Hậu Lưu Đày không ngừng chuẩn bị tâm hồn dân để đón chờ Đấng Thiên Sai. Kế tiếp, Đức Ki-tô là Đấng được Thiên Chúa sai đến để thành lập một giao ước mới, ký kết bằng chính Máu của Ngài. Song song với việc mặc khải Tin Mừng Cứu Độ, Ngài thành lập Nhóm Mười Hai và một số đông môn-đệ, huấn luyện và sai họ đem Tin Mừng Cứu Độ đến cho mọi người.

            Các bài đọc hôm nay cho chúng ta thấy những nét đại cương của Kế-hoạch Cứu Độ. Trong bài đọc I, Đức Chúa, qua sự lãnh đạo của Mô-sê và A-ha-ron, dẫn đưa con cái Ít-ra-en ra khỏi Ai-cập vào chân núi Sinai, để thiết lập với họ một giao ước. Với giao ước này, Ngài trở thành Thiên Chúa của họ và họ trở thành một Dân Riêng của Ngài. Trong bài đọc II, Thiên Chúa sai Đức Ki-tô vào trần gian. Ngài trở thành trung gian của một giao ước mới. Với giao ước này, ơn cứu độ được mở rộng đến cho mọi dân tộc, người Do-thái cũng như Dân Ngoại. Tất cả những ai tuyên xưng niềm tin của mình vào Đức Ki-tô đều trở thành Dân của Thiên Chúa, sẽ được giao hòa với Thiên Chúa và được hưởng ơn cứu độ muôn đời. Trong Phúc Âm, Chúa Giê-su kêu gọi và huấn luyện 12 tông-đồ, như 12 chi tộc của một nước mới, Nước Thiên Chúa. Ngài ban quyền cho các ông và sai các ông đi rao giảng về Nước Thiên Chúa và chữa lành dân chúng.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC

1/ Bài đọc I: “Ta sẽ coi các ngươi là một vương quốc tư-tế, một dân thánh.”

1.1/ Thành lập một Dân Riêng là hoàn toàn do ý định của Đức Chúa: Trong Sách Sáng Thế, Đức Chúa đã hứa với các tổ-phụ Áp-ra-ham, I-xa-ác và Gia-cóp là sẽ ban cho các ngài một dòng dõi, Đất Hứa và phúc lành. Trong Sách Xuất Hành, Đức Chúa thực thi tất cả những gì Ngài đã hứa. Bắt đầu với việc Ngài bảo Mô-sê vào xin vua Pha-ra-ô để dân vào gặp Ngài trong sa mạc… Sau khi đã vượt qua Biển Đỏ, họ dừng chân tại chân núi Sinai. Tại đây, Đức Chúa đã tỏ mình ra cho dân tộc Ít-ra-en và lập một giao ước với họ.

            Vì dân không thể chứng kiến uy quyền của Thiên Chúa bày tỏ, nên họ xin Đức Chúa nói với Mô-sê và Mô-sê chuyển sứ điệp lại cho họ. Ông Mô-sê lên gặp Thiên Chúa. Từ trên núi, Đức Chúa gọi ông và phán: Ngươi sẽ nói với nhà Gia-cóp, sẽ thông báo cho con cái Ít-ra-en thế này: “Các ngươi thấy Ta đã xử với Ai-cập thế nào và đã mang các ngươi như trên cánh chim bằng, mà đem đến với Ta.” Đức Chúa muốn cho ông Mô-sê và con cái Ít-ra-en nhớ rõ: Việc đưa toàn dân ra khỏi đất Ai-cập là chuyện không thể đối với con người; nhưng đó là chuyện Thiên Chúa đã làm. Ngài đã mang họ ra khỏi Ai-cập như chim bằng cõng con trên cánh vì yêu thương và giữ lời đã hứa với các tổ-phụ của họ.

1.2/ Bổn phận của dân tộc Ít-ra-en: Theo giao ước Đức Chúa đã ký kết với dân tộc Ít-ra-en qua trung gian của ông Mô-sê, Đức Chúa sẽ bảo vệ dân và ban cho 12 chi tộc Ít-ra-en Đất Hứa làm sản nghiệp. Phần con cái Ít-ra-en, họ phải nghe tiếng Đức Chúa dạy dỗ họ qua các nhà lãnh đạo và phải giữ giao ước của Đức Chúa, biểu hiện qua Thập Giới. Đức Chúa truyền cho ông Mô-sê phải nói những lời này cho con cái Ít-ra-en: “Vậy giờ đây, nếu các ngươi thực sự nghe tiếng Ta và giữ giao ước của Ta, thì giữa hết mọi dân, các ngươi sẽ là sở hữu riêng của Ta. Vì toàn cõi đất đều là của Ta. Ta sẽ coi các ngươi là một vương quốc tư-tế, một dân thánh.”

            Con cái Ít-ra-en rất hãnh diện là Dân Riêng của Đức Chúa, được Ngài thân hành hiện ra để ban Thập Giới. Họ được Đức Chúa kêu gọi để trở nên thánh thiện như Đức Chúa là Đấng Thánh và bổn phận của họ là phải yêu mến và thờ phượng Đức Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn.

2/ Bài đọc II: “Đức Ki-tô đã chết vì chúng ta, ngay khi chúng ta còn là những người tội lỗi; đó là bằng chứng Thiên Chúa yêu thương chúng ta.”

2.1/ Chúng ta được giao hòa với Thiên Chúa nhờ Đức Giê-su Ki-tô: Thánh Phao-lô là người hiểu rất rõ về Kế-hoạch Cứu Độ của Thiên Chúa, vì Ngài đã có kinh nghiệm bản thân về điều ngày trên đường đi Đa-mát. Trước khi té ngựa, ngài vẫn nghĩ Kế-hoạch Cứu Độ chỉ dành cho người Do-thái và không tin Đức Ki-tô là Đấng Thiên Sai của Thiên Chúa. Sau khi bị mù, Phao-lô thay đổi hoàn toàn: Ngài tin Đức Ki-tô là Đấng Cứu Độ và Kế-hoạch Cứu Độ của Thiên Chúa giờ đây được mở rộng tới mọi người và cho mọi dân tộc. Trong trình thuật hôm nay, ngài tuyên bố với các tín hữu Rô-ma, phần đông là những người Dân Ngoại: “Quả vậy, khi chúng ta không có sức làm được gì vì còn là hạng người vô đạo, thì theo đúng kỳ hạn, Đức Ki-tô đã chết vì chúng ta. Hầu như không ai chết vì người công chính, hoạ may có ai dám chết vì một người lương thiện chăng. Thế mà Đức Ki-tô đã chết vì chúng ta, ngay khi chúng ta còn là những người tội lỗi; đó là bằng chứng Thiên Chúa yêu thương chúng ta.”

            Đức Ki-tô đổ máu ra là cho tất cả mọi người: Do-thái cũng như Dân Ngoại, vì cả hai đều có tội và cần được trở nên công chính. Khi con người có tội, họ phải xa lìa Thiên Chúa; nhưng nếu máu Đức Ki-tô đã rửa sạch tội, họ được trở nên công chính nhờ niềm tin vào Đức Ki-tô. Hậu quả là họ được giao hòa với Thiên Chúa và tránh khỏi cơn thịnh nộ của Ngài.

2.2/ Chúng ta được thông phần vào sự sống của Thiên Chúa nhờ máu của Chúa Giê-su Ki-tô đổ ra cho chúng ta: Các tín hữu không những được rửa sạch và được giao hòa với Thiên Chúa, nhưng họ còn được thông phần sự sống thần linh của Người Con ấy. Phao-lô có lẽ muốn nói tới những ơn thánh mà các tín hữu nhận được qua công cuộc cứu độ của Đức Ki-tô.

3/ Phúc Âm: Chúa Giê-su đến để thiết lập một dân mới đặt trên một giao ước mới.

3.1/ Mục đích của việc thiết lập là quy tụ tất cả các chiên tản lạc về cùng một mối: Nhiều người thắc mắc: Tại sao tất cả mọi người đều do Thiên Chúa dựng nên, thế mà Ngài chỉ chọn dân tộc Do-thái làm Dân Riêng của Ngài? Hỏi tức là trả lời, Thiên Chúa không thể chỉ chọn dân tộc Do-thái, nhưng Ngài chọn họ trước để chuẩn bị cho Đức Ki-tô đến. Khi Ngài đến, Ngài sẽ mở rộng Kế-hoạch Cứu Độ của Thiên Chúa cho mọi người. Bắt đầu trình thuật hôm nay, thánh Mát-thêu tường thuật: “Đức Giê-su thấy đám đông thì chạnh lòng thương, vì họ lầm than vất vưởng, như bầy chiên không người chăn dắt.”

            Lòng thương xót dân chúng của Chúa Giê-su là động lực thúc đẩy Ngài lo việc cứu vớt dân chúng. Bầy chiên không người chăn dắt có thể vì nhiều lý do:

            (1) không có mục tử chăn dắt: Điều này vẫn đang xảy ra vì nhiều lý do: chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa hưởng thụ vật chất, hiện tượng ngừa thai và sinh ít con của các gia đình…

            (2) không có mục tử nhiệt thành: Thay vì nhiệt thành rao giảng Lời Chúa và chăm sóc chiên, các mục tử lại để ý đến lông chiên hay thịt chiên, thay vì lo xây dựng đền thờ tâm hồn cho dân chúng, các mục tử lại chỉ lo lắng đến việc xây cất đền thờ vật chất…

            (3) có mục tử nhưng không biết cách chăn dắt: Thay vì nuôi dưỡng chiên bằng Lời Chúa và các bí-tích, lại cho chiên ăn tất cả những gì không phải là Lời Chúa và ơn thánh.

            Chúa Giê-su nói với môn-đệ rằng: “Lúa chín đầy đồng, mà thợ gặt lại ít. Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về.” Lòng thương xót dân chúng và tình yêu dành cho Thiên Chúa phải là động lực thúc đẩy mọi công cuộc truyền giáo. Các tín hữu phải cầu nguyện cho có nhiều người hăng say rao giảng và chính họ cũng phải hăng say hoạt động và đóng góp công sức trong cánh đồng truyền giáo.

3.2/ Chúa Giê-su thành lập Nhóm Mười Hai để thi hành mục đích: Chúa Giê-su lo cho chiên có người chăn, bằng cách dùng con người và huấn luyện họ thành những chủ chăn nhiệt thành và có khả năng, trước khi sai họ vào cánh đồng truyền giáo.

            Danh từ “apostolos” đến từ động từ “apostellein” có nghĩa là được sai đi. Tất cả các ông đều được chọn bởi chính Chúa Giê-su và được sai đi, không có ai trong số 12 tình nguyện theo Chúa Giê-su cả. Tính tình của các ông khác nhau đến độ xung khắc: Phê-rô nhiệt thành và mau nói ở với Gio-an thâm trầm và suy tư, Si-môn thuộc nhóm Quá Khích (đây là Nhóm rất ghét những ai làm tay sai cho ngoại bang) ở với Mát-thêu, người thu thuế cho ngoại bang. Nhưng các ông đã ở với nhau để cùng chung lo cho sứ vụ mở mang Nước Thiên Chúa.

            Nhóm Mười Hai không có ai nổi bật, nếu không nói là hèn kém theo tiêu chuẩn thế gian. Điều này chứng minh quyền lực và khôn ngoan của Thiên Chúa. Ai ngờ những con người ít học, sợ sệt, ham danh vọng này lại trở thành những con người hăng say rao giảng, chinh phục thế giới và xây dựng một Giáo Hội vững chắc hơn 2,000 năm qua!

3.3/ Ngài sai các ông đi với một chỉ thị: Rao giảng Nước Trời đã đến gần: Tại sao Chúa Giê-su ra chỉ thị: “Tốt hơn là hãy đến với các con chiên lạc nhà Ít-ra-en?” Trước khi Kế-hoạch Cứu Độ được lan tràn đến mọi người, Thiên Chúa chọn dân tộc Ít-ra-en là Dân Riêng để huấn luyện họ. Chúa Giê-su cũng theo cách lãnh đạo rất khôn ngoan của Thiên Chúa: Trước khi Tin Mừng bành trướng ra toàn thế giới, Ngài huấn luyện nhóm nhỏ và rao giảng từng chỗ, bắt đầu với các chiên lạc của nhà Ít-ra-en trước. Sau này, Ngài chọn Phao-lô và Ba-na-ba để sai hai ông rao giảng Tin Mừng cho Dân Ngoại, vì hai ông đã có nhiều kinh nghiệm trong một thế giới rộng lớn hơn. Con người vẫn sử dụng cách thức huấn luyện nhóm nhỏ rất hiệu nghiệm trong mọi lãnh vực ngày nay.

            Chỉ thị của Chúa Giê-su rất rõ ràng: Lên đường và lo sao cho mọi người được biết Tin Mừng Cứu Độ vì Nước Trời đã đến gần. Ngài ban cho các ông quyền năng chữa lành để khơi mào niềm tin. Ngài truyền cho các ông: “Anh em đã được cho không, thì cũng phải cho không như vậy.” Vì Tin Mừng được Chúa Giê-su ban tặng cho các ông cách nhưng không, Ngài truyền cho các ông cũng phải rao giảng cách nhưng không.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG

            – Chúng ta cần học hỏi để biết Kế-hoạch Cứu Độ của Thiên Chúa. Hiểu biết Kế-hoạch này sẽ giúp chúng ta biết ý định của Thiên Chúa để thi hành và tránh được những thái độ quá khích với các dân tộc hay thái độ phe đảng.

            – Đức Giê-su Ki-tô là trung tâm Kế-hoạch Cứu Độ của Thiên Chúa. Ngài đến để làm trọn tất cả ý định của Thiên Chúa và thiết lập một dân mới cho Nước Thiên Chúa.

            – Mỗi người chúng ta được Thiên Chúa cho hiện hữu trong cuộc đời là cho một mục đích: làm sao cho mình và cho mọi người được hưởng ơn cứu độ của Thiên Chúa. Chúng ta đừng bị phân tâm đến những hoạt động khác mà quên đi bổn phận chính yếu là rao giảng Tin Mừng.

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

****************