Chúa Nhật (18-09-2022) – Trang suy niệm

17/09/2022

Lời Chúa Hôm Nay

Chúa Nhật Tuần XXV Mùa Thường Niên Năm C

BÀI ĐỌC I: Am 8, 4-7

“Chống lại những kẻ lấy tiền mua người nghèo”.

Trích sách Tiên tri Amos.

Hãy nghe đây, hỡi những ai đàn áp kẻ nghèo khó, và muốn tiêu diệt hết những kẻ bần cùng trong cả nước. Các ngươi bảo: “Bao giờ qua tuần trăng mới để chúng tôi bán hàng? Khi nào hết ngày Sabbat để chúng tôi bán lúa mạch. Chúng tôi sẽ giảm lường đong, tăng giá và làm cân giả. Chúng tôi sẽ lấy tiền mua người nghèo, lấy đôi dép đổi lấy người túng thiếu. Chúng tôi sẽ bán lúa mục nát”. Vì Giacóp kiêu căng, Chúa đã thề rằng: “Ta sẽ không bao giờ lãng quên tất cả các việc chúng làm cho đến cùng”. Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 112, 1-2. 4-6. 7-8

Đáp: Hãy ngợi khen Chúa, Đấng nâng cao kẻ túng thiếu (c. 1a & 7b).

Xướng:

1) Hãy ngợi khen, hỡi những người tôi tớ Chúa, chư vị hãy ngợi khen danh Chúa. Nguyện danh Chúa được chúc tụng từ bây giờ và cho đến muôn đời. – Đáp.

2) Chúa siêu việt trên hết thảy chư dân, trên muôn cõi trời là vinh quang của Chúa… và Người để mắt nhìn coi khắp cả trên trời dưới đất. – Đáp.

3) Người nâng cao kẻ túng thiếu từ chỗ bụi tro, và cất nhắc bạn cơ bần từ nơi phẩn thổ, hầu cho họ ngồi với những bậc quân vương, với những bậc quân vương của dân Người. – Đáp.

BÀI ĐỌC II: 1 Tm 2, 1-8

“Cầu nguyện cùng Thiên Chúa cho mọi người. Ngài muốn cho mọi người được cứu độ”.

Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gởi Timôthêu.

Trước tiên, cha khuyên hãy cầu xin, khẩn nguyện, kêu van và tạ ơn cho mọi người: cho vua chúa, và tất cả những bậc vị vọng, để chúng ta được sống bằng yên vô sự, trong tinh thần đạo đức và thanh sạch. Đó là điều tốt lành và đẹp lòng Đấng Cứu Độ chúng ta là Thiên Chúa. Người muốn cho mọi người được cứu rỗi và đến nhận biết chân lý.

Vì chỉ có một Thiên Chúa, và một Đấng Trung Gian giữa Thiên Chúa và loài người, là Đức Giêsu Kitô, cũng là con người. Người đã phó mình làm giá cứu chuộc thay cho mọi người, để nên chứng tá trong thời của Người, mà vì chứng tá đó, cha đã được đặt lên làm kẻ rao giảng, làm Tông đồ (cha nói thật chứ không nói dối), và làm Thầy dạy dân ngoại trong đức tin và chân lý. Vậy cha muốn rằng những người đàn ông cầu nguyện trong mọi nơi, hãy giơ lên hai tay thanh sạch, không oán hờn và cạnh tranh. Đó là lời Chúa.

ALLELUIA: Ga 17, 17b và a

Alleluia, alleluia! – Chúa phán: “Lời Cha là chân lý; xin hãy thánh hoá chúng trong sự thật”. – Alleluia. 

PHÚC ÂM: Lc 16, 10-13 hoặc 1-13

“Các con không thể làm tôi Thiên Chúa mà lại làm tôi tiền của được”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Một người phú hộ kia có một người quản lý, và người này bị tố cáo đã phung phí của chủ. Ông chủ gọi người quản lý đến và bảo rằng: ‘Tôi nghe nói anh sao đó? Anh hãy tính sổ công việc quản lý của anh, vì từ nay, anh không thể làm quản lý nữa’. Người quản lý nghĩ thầm rằng: ‘Tôi phải làm thế nào, vì chủ tôi cất chức quản lý của tôi? Cuốc đất thì không nổi, ăn mày thì hổ ngươi. Tôi biết phải liệu thế nào, để khi mất chức quản lý, thì sẽ có người đón tiếp tôi về nhà họ’.

“Vậy anh gọi từng con nợ của chủ đến và hỏi người thứ nhất rằng: ‘Anh mắc nợ chủ tôi bao nhiêu?’ Người ấy đáp: ‘Một trăm thùng dầu’. Anh bảo người ấy rằng: ‘Anh hãy lấy văn tự, ngồi xuống mau mà viết lại: năm mươi’. Rồi anh hỏi người khác rằng: ‘Còn anh, anh mắc nợ bao nhiêu?’ Người ấy đáp: ‘Một trăm giạ lúa miến’. Anh bảo người ấy rằng: ‘Anh hãy lấy văn tự mà viết lại: tám mươi’. Và chủ khen người quản lý bất lương đó đã hành động cách khôn khéo: vì con cái đời này khi đối xử với đồng loại thì khôn khéo hơn con cái sự sáng.

“Phần Thầy, Thầy bảo các con: Hãy dùng tiền của gian dối mà mua lấy bạn hữu, để khi mất hết tiền bạc, thì họ sẽ đón tiếp các con vào chốn an nghỉ đời đời.

“Ai trung tín trong việc nhỏ, thì cũng trung tín trong việc lớn; ai gian dối trong việc nhỏ, thì cũng gian dối trong việc lớn. Vậy nếu các con không trung thành trong việc tiền của gian dối, thì ai sẽ giao phó của chân thật cho các con?

“Không đầy tớ nào có thể làm tôi hai chủ: vì hoặc nó ghét chủ này và mến chủ kia; hoặc phục chủ này và khinh chủ nọ. Các con không thể làm tôi Thiên Chúa mà lại làm tôi tiền của được”. Đó là lời Chúa.

(thanhlinh.net)

++++++++++++++++++

18/09/2022 – CHÚA NHẬT TUẦN 25 TN – C

Lc 16,1-13

ĐIỀU NHỎ BÉ

“Ai trung tín trong việc nhỏ thì cũng trung tín trong việc lớn. Ai bất lương trong việc rất nhỏ thì cũng bất lương trong việc lớn.” (Lc 16,10)

Suy niệm: Một sợi tơ mỏng manh nhỏ bé dường như chẳng làm nên tích sự gì. Nhưng bạn nên nhớ rằng tấm lụa mượt mà kia được dệt bằng những sợi tơ như thế. Cuộc đời chúng ta được kết dệt bằng biết bao việc nho nhỏ được trải trong khắp cả đời sống thường ngày. Từng giây, từng phút trong đời, những cử chỉ yêu thương, một lời nói dịu dàng, một hy sinh kín đáo, một cái nhìn cảm thông, một ý tưởng ngay lành, tất cả những điều đó, từng chút, từng chút một, sẽ dệt nên cuộc sống tươi đẹp, hào hùng nhuốm đầy ơn phúc của Thiên Chúa. Chính Chúa Giê-su nhắc nhở chúng ta: “Ai trung tín trong việc rất nhỏ thì cũng trung tín trong việc lớn, ai bất lương trong việc rất nhỏ, thì cũng bất lương trong việc lớn.”

Mời Bạn: Hãy nhìn ngắm Chúa Giê-su tại Na-da-rét, Chúa đã trung tín với bổn phận hằng ngày để chu toàn thánh ý Chúa Cha. Chúa cũng mời bạn hôm nay và trong cả cuộc đời hãy làm những việc tầm thường của bổn phận với lòng yêu mến Chúa.

Chia sẻ: Bạn có cảm nhận được niềm hạnh phúc cao thượng khi bạn có một việc giúp ích nho nhỏ để đem lại niềm vui và hạnh phúc cho tha nhân?

Sống Lời Chúa: Để sống Lời Chúa mời gọi hôm nay tôi sẽ cố gắng chu toàn bổn phận hằng ngày, bổn phận đối với Chúa và đối với những người thân yêu của tôi.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su đáng mến, xin cho con biết trung thành với Chúa khi làm những việc tầm thường nhỏ mọn trong đời sống hằng ngày của con để chứng tỏ lòng con yêu mến Chúa.

(5 Phút Lời Chúa)

++++++++++++++++++

Suy niệm và cầu nguyện

SUY NIỆM 

HÀNH ĐỘNG KHÔN KHÉO

“Mình phải làm gì đây?” (Lc 12,17).

Ông phú hộ đã tự hỏi như thế khi được mùa bội thu.

Ông nghĩ mình sẽ xây một cái kho thật to để chứa

tất cả hoa màu và của cải mình.

Như thế cuộc sống nhiều năm của ông được bảo đảm.

“Mình phải làm gì đây?” (Lc 16,3).

Người quản lý trong bài Tin Mừng hôm nay

cũng đặt một câu hỏi cho mình giống y như vậy,

tuy anh đang ở trong hoàn cảnh khác hẳn.

Anh sắp bị chủ sa thải, vì người ta tố cáo anh

đã phung phí của cải nhà ông chủ.

 

Vì không thấy anh biện hộ cho sự vô tội của mình,

nên ta có thể tin những lời đồn đoán về anh là đúng.

Anh chỉ còn ít thời gian để được giữ chức quản lý,

chỉ còn chút thời gian để kết toán chi thu.

Anh lo âu xem phải làm gì để chuẩn bị cho tương lai,

phải làm gì để khi mất chức còn có người đón tiếp.

Khi nghĩ về tương lai, anh không thấy gì sáng sủa.

Anh không có khả năng cuốc đất, vì sức lao động kém.

Anh không có khả năng ăn xin, vì sợ xấu hổ.

Hẳn anh đã lo nghĩ nhiều trước khi tìm ra giải pháp khả thi.

Cuối cùng anh reo lên: “Ô mình biết phải làm gì rồi!”

 

Nhìn đống sổ sách trước mặt, anh biết mình phải làm gì.

Ông chủ cho mướn đất để người thuê trồng trọt.

Đến mùa thu hoạch ô-liu hay lúa, họ phải trả phần huê lợi.

Anh quản lý đã cho gọi những người mắc nợ đến

và bảo họ ngồi xuống nhanh, và viết giấy nợ.

Anh tự tiện giảm nợ cho họ, dù điều đó làm chủ bị thiệt.

Nợ một trăm thùng dầu, họ chỉ viết năm mươi thôi.

Nợ một trăm bồ lúa, chỉ phải viết tám mươi thôi…

Những người mắc nợ chắc chắn rất vui sướng ngỡ ngàng,

và lập tức coi người quản lý như vị ân nhân đáng kính.

                                                               

Hành động tạm gọi là khôn khéo của anh

cho ta thấy anh đúng là tên quản lý bất lương.

Điều người ta đồn về anh quả là đúng sự thật (Lc 16,2). 

Chẳng nghĩ gì đến quyền lợi của ông chủ,

anh chỉ muốn xây đắp tương lai ổn định cho anh.

Không rõ làm sao ông chủ biết chuyện anh lươn lẹo,

nhưng ông đã chẳng muốn làm to chuyện,

vì nếu người ngoài biết, chính ông cũng bị mang tiếng xấu.

Chúng ta rất ngạc nhiên khi thấy ông chủ khen anh.

Thật ra ông không khen sự bất lương của anh,

nhưng khen sự khôn khéo của anh (Lc 16,8).

Anh biết cách xoay sở để sau này có người đón tiếp.

 

Chúng ta có thể bị sốc khi nghe Chúa Giêsu kể dụ ngôn này,

bởi lẽ Ngài có ý mời chúng ta bắt chước anh quản lý,

một người rõ ràng là bất lương và gian xảo!

Anh ta tượng trưng cho “con cái đời này,”

còn chúng ta là “con cái ánh sáng” (Lc 16,8).

Chúa rất tiếc vì chúng ta không khôn khéo bằng anh ta,

nghĩa là không dám nghĩ và dám làm (Lc 16,3-4)

không biết khéo léo tận dụng những gì Chúa đang ban

như chức vụ, tiền bạc, thời gian và các mối liên hệ mình có,

để chuẩn bị cho mình được đón tiếp vào nơi vĩnh cửu.

Có lẽ vì chúng ta không coi trọng hạnh phúc đời sau

bằng anh quản lý coi trọng hạnh phúc đời này.

 

Dụ ngôn trên đây có cái nhìn rất tươi tắn về của cải,

vì Chúa Giêsu mời ta dùng tiền của để tạo bạn bè.

Bạn bè của ta là những người nghèo cần ta giúp đỡ.

Ngày sau hết, họ sẽ đón ta vào Nước Trời (Lc 16,9).

Không phải mọi người giàu đều khó chui qua lỗ kim.

Chỉ những ai làm nô lệ cho Thần Tài mới bị từ chối.

 

Hãy sử dụng tiền của như một phương tiện Chúa ban.

Hãy tạ ơn Chúa vì Chúa cho chúng ta giàu có.

Ai trung tín trong việc sử dụng của cải phù du ở đời này

sẽ được Chúa giao phó của cải chân thật ở đời sau.

 

LỜI NGUYỆN

Lạy Cha, xin cho con ý thức rằng
tấm bánh để dành của con thuộc về người đói,
chiếc áo nằm trong tủ thuộc về người trần trụi,
tiền bạc con cất giấu thuộc về người thiếu thốn.
Lạy Cha, có bao điều con giữ mà chẳng dùng,
có bao điều con lãng phí
bên cạnh những Ladarô túng quẫn,
có bao điều con hưởng lợi
dựa trên nỗi đau của người khác,
có bao điều con định mua sắm dù chẳng có nhu cầu.
Con hiểu rằng nguồn gốc sự bất công
chẳng ở đâu xa.
Nó nằm ngay nơi sự khép kín của lòng con.
Con phải chịu trách nhiệm
về cảnh nghèo trong xã hội.

Lạy Cha chí nhân,
vũ trụ, trái đất và tất cả tài nguyên của nó
là quà tặng Cha cho mọi người có quyền hưởng.
Cha để cho có sự chênh lệch, thiếu hụt,
vì Cha muốn chúng con san sẻ cho nhau.
Thế giới còn nhiều người đói nghèo
là vì chúng con giữ quá điều cần giữ.
Xin dạy chúng con biết cách đầu tư làm giàu,
nhờ sống chia sẻ yêu thương. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

(phutcaunguyen.net)

++++++++++++++++++

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên

18 THÁNG CHÍN

Niềm Hy Vọng Vinh Quang

Trong sứ vụ cứu rỗi phổ quát của mình, Hội Thánh không ngừng được Thánh Thần của Chúa Phục Sinh thúc đẩy. Hội Thánh thiết tha mong muốn đưa dẫn mọi người đến niềm hạnh phúc trên trời – hạnh phúc mà các thánh đang vui hưởng. Trong thành đô trên trời ấy, các thánh thi hành phần vụ của mình là cầu bầu cho Hội Thánh lữ hành dưới đất. Về phần mình, Hội Thánh hướng nhìn với đôi mắt đức tin về Giêrusalem trên trời và tìm thấy nơi đó ánh sáng và hy vọng mà Hội Thánh cần trong hành trình tiến tới và chia sẻ con đường cứu rỗi và nên thánh với thế giới này.

Bởi đó, Hội Thánh giữa lòng thế giới dẫn dắt nhân loại tiến tới đền thờ vĩnh cửu trong Thành Thánh muôn đời, như ta đọc thấy trong Sách Khải Huyền của Thánh Gioan. “Tôi không thấy đền thờ nào trong thành, vì đền thờ của thành chính là Đức Chúa toàn năng và là Con Chiên” (Kh 21,22).

Thành Giêrusalem thiên quốc – khác với Hội Thánh dưới thế này – hoàn toàn tinh tuyền và thánh thiện. Thành ấy được thánh hiến hoàn toàn cho Thiên Chúa. Trong Thành đó không có một chút gì phàm tục cần phải tách ra khỏi những sự thánh thiêng của Thiên Chúa. Trong Thành đó không có đền thờ, bởi vì không cần phải có một hình thức hiện diện trung gian. Không, mọi sự trên trời đều biểu hiện vẻ rạng ngời của Thiên Chúa Ba Ngôi. Nói cách khác, Thiên Chúa hiện diện một cách vĩnh hằng trong đền thờ là trong chính mọi sự mọi người trên thiên quốc.

Thiên Chúa cũng thực sự hiện diện nơi Hội Thánh dưới đất này. Nhưng Ngài hiện diện một cách giấu ẩn trong đức tin kiên định và đức cậy dạt dào của dân Thiên Chúa. Và vì thế, chúng ta không nhìn thấy vinh quang của Đức Kitô rõ ràng như Hội Thánh trên trời, nhưng chúng ta khắc khoải chờ mong cuộc quang lâm của Đức Kitô và sự sống lại của những người đã chết. Bấy giờ, Hội Thánh sẽ hoàn toàn hiệp nhất trên trời với Đức Kitô.

Ôi tuyệt diệu! Đấy sẽ là Hội Thánh trong vinh quang sung mãn của mình. Đấy sẽ là Hội Thánh như Thánh Gioan đã thị kiến trong Sách Khải Huyền.

– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –

Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác

LIFT UP YOUR HEARTS

Daily Meditations by Pope John Paul II

+++++++++++++++++

Lời Chúa Trong Gia Đình

NGÀY 18/9

CHÚA NHẬT XXV THƯỜNG NIÊN

Am 8, 4-7; 1Tm 2, 1-8; Lc 16, 1-13.

LỜI SUY NIỆM: “Tôi nghe người ta nói gì về anh đó? Công việc quản lý của anh, anh tính sổ đi, vì từ nay anh không được làm quản gia nữa!”

          Chúa Giêsu đưa ra dụ ngôn người quản gia bất lương, cho mỗi một người trong chúng ta thấy được, nơi mỗi con người luôn quan tâm đến trong cuộc sống hiện tại, và họ biết dùng sự khôn ngoan của trần thế, để sắp đặt cho cuộc sống hiện tại nơi trần gian này, mà cứ tưởng đó là điều tuyệt hảo. Nhưng với Người Kitô hữu, tin còn có sự sống đời sau mới là viên mãn, cần phải khôn ngoan tận dụng ngay khi còn sống biết hướng đến đời sống mai sau.

          Lạy Chúa Giêsu. Xin cho chúng con luôn biết khôn ngoan để lựa chọn ngay lúc này những gì đem lại sự sống đời đời cho chúng con.

Mạnh Phương

+++++++++++++++++

18 Tháng Chín

Những Giọt Nước Mắt Của Sám Hối

Người Hồi Giáo thường nói đến ý nghĩa và giá trị của lòng sám hối qua câu chuyện tưởng tượng như sau:

Một hôm Allah, Ðấng Khôn Ngoan, truyền cho một sứ thần xuống trần gian để tìm cho được điều tốt đẹp nhất và mang về Thiên quốc.

Vị sứ thần đáp ngay xuống một trận chiến nơi máu của những vị anh hùng đang chảy lai láng. Vị sứ thần thu nhặt một ít máu và mang về trình cho Ðấng Allah. Nhưng Ðấng Allah xem ra không hài lòng mấy. Ngài nói: “Máu đổ ra cho tổ quốc và tôn giáo là một điều quý giá, nhưng vẫn chưa phải là điều tốt đẹp nhất dưới trần gian”.

Vị sứ thần đành phải giáng trần một lần nữa. Lần này, ngài gặp ngay một đám tang của một người giàu có, nhưng rất quảng đại. Vô số người nghèo đi đằng sau quan tài, vừa đi vừa khóc lóc, vừa xông hương để biểu lộ lòng biết ơn của họ đối với vị ân nhân. Vị sứ thần bèn thu nhặt hương thơm ngào ngạt và mang về trời. Lần này, Ðấng Allah mỉm cười đón lấy mùi thơm ngào ngạt. Nhưng xem ra Ngài vẫn chưa hài lòng. Ngài nói: “Dĩ nhiên, lòng biết ơn là một trong những điều tốt đẹp và hiếm có dưới trần gian. Nhưng ta nghĩ rằng còn có một cái gì khác tốt đẹp hơn”.

Lại một lần nữa, vị sứ thần đành phải vâng lệnh Allah để trở lại trần gian. Phải mất một thời gian lâu, sau khi đã đi rảo khắp bốn phương, vị sứ thần mới tìm được điều mong mỏi. Một buổi chiều nọ, ngồi nghỉ mệt bên vệ đường, ngài bỗng thấy một người đàn ông bên cạnh khóc sướt mướt. Vị sứ thần được người đàn ông giải thích như sau: “Tô đã chiều theo cơn cám dỗ để phạm tội… Giờ đây, nước mắt là cơm bữa hằng ngày của tôi”. Vị sứ thần bèn đưa tay hứng lấy những giọt nước mắt còn nóng hổi và vội vã bay về trời. Ðấng Allah nhìn thật lâu vào những giọt nước mắt và mỉm cười nói với vị sứ thần:

“Thế là người đã hoàn thành tốt sứ mệnh. Quả thật dưới trần gian, không có gì đẹp và hữu ích cho bằng lòng sám hối, bởi vì nó có sức canh tân cuộc sống. Tuy nhiên, người đã thấy đó, trước khi vui mừng, ta đã nhìn thật kỹ xuyên qua những giọt nước mắt. Một lòng sám hối giả dối không có ích lợi gì cả. Một sự sám hối thành thật có sức biến đổi mùa đông giá rét của lòng người thành mùa xuân của Tình Yêu”.

Trong Tin Mừng theo thánh Luca ở đoạn 15 câu 7, Chúa Giêsu đã nói: “Trên trời sẽ vui mừng gấp bội khi có một người tội lỗi ăn năn hối cải hơn là 99 người công chính không ăn năn hối cải”.

Vinh quang của Thiên Chúa, niềm vui của Thiên Chúa chính là con người được sống. Và sự sung mãn, sự sống đích thực chính là ân sủng, là sự sống của Thiên Chúa trong tâm hồn con người. Sự sống ấy chỉ có thể đến trong tâm hồn con người, nếu con người biết mở rộng cửa tâm hồn để đón nhận Thiên Chúa… Những giọt nước mắt sám hối chính là sức đẩy để mở tung cánh cửa tâm hồn vậy.

(Lẽ Sống)

++++++++++++++++++

Lời Chúa Mỗi Ngày

Chúa Nhật 25 – Năm C – Thường Niên

Bài đọc: Amo 8:4-7; 1 Tim 2:1-8; Lk 16:1-13.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Cầu nguyện cho mọi người biết quản lý tốt các ơn lành Chúa ban.

Tiền của có sức mạnh làm mọi người ở mọi nơi và mọi thời mờ mắt, đến nỗi họ không còn biết nhận ra đâu là đích điểm của cuộc đời, đâu là thứ tự ưu tiên trong cuộc đời, và đâu là điều tốt phải làm và điều xấu phải tránh. Hiểu biết giá trị tạm thời của tiền của, hình phạt phải chịu cho những người đối xử bất công với tha nhân, và cách quản lý tiền của cách đúng đắn, sẽ giúp mọi người dùng tiền của theo sự quan phòng khôn ngoan của Thiên Chúa.

Các bài đọc hôm nay tập trung trong bài học quan quan trọng là con người phải biết nhận ra giá trị tạm thời của tiền của và biết quản lý nó cách đúng đắn. Trong bài đọc I, ngôn sứ Amos cảnh cáo tất cả những ai tôn thờ tiền bạc và đối xử bất công với dân nghèo. Nếu họ không sửa đổi, Thiên Chúa sẽ trả cho họ theo như từng việc họ làm. Trong bài đọc II, thánh Phaolô khuyên các tín hữu nên cầu nguyện cho vua chúa và các nhà lãnh đạo, để họ biết dùng những ơn lành Thiên Chúa ban mà mưu cầu an bình và mang lại lợi ích cho mọi người. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu kể câu truyện về cách hành xử khôn ngoan của một người quản gia bất lương, với mục đích khuyên các môn đệ biết dùng đúng những của cải đời này để đạt tới Nước Trời.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Nếu tội nhân không hoán cải, họ sẽ phải lãnh nhận hình phạt tương xứng.

1.1/ Ngôn sứ Amos tố cáo hai tội chính con cái Israel đã xúc phạm đến Đức Chúa.

(1) Bất kính trong khi thờ phượng: Họ tham dự phụng vụ cách miễn cưỡng, trong khi thân xác họ ở trước tôn nhan Thiên Chúa; nhưng tâm hồn của họ chu du mọi nơi. Họ nghĩ đến những việc sắp làm để kiếm tiền, và mong ngày Sabbath chóng qua để họ làm chuyện đó. Họ tin Thiên Chúa bằng môi miệng, và họ nghĩ chỉ cần giữ qua loa những lễ nghi bên ngoài là đủ đẹp lòng Ngài; chứ họ không bao giờ nghĩ đến họ phải hoán cải và thay đổi lối sống bất công với tha nhân. Điều này chứng minh họ chỉ thờ phượng Thiên Chúa bên ngoài, còn tâm hồn họ xa Ngài vạn dặm. Họ không kể chi đến việc tuân giữ Luật “mến Chúa, yêu người” của Ngài.

(2) Lỗi đức công bằng: Họ sáng chế ra những cách để làm giàu và đối xử bất công với những người nghèo hèn khốn khổ như:

– Buôn bán điêu ngoa: Họ “làm cho cái đấu nhỏ lại, cho quả cân nặng thêm, làm lệch cán cân để đánh lừa thiên hạ.” Cái đấu có thể làm nhỏ lại bằng cách bóp méo, quả cân có thể nặng thêm bằng cách hàn thêm chì dưới đáy, cán cân cũng có thể làm lệch bằng cách sửa lại vị trí thăng bằng. Nói tóm, họ có cả trăm cách để thu nhập của cải về cho họ mà không cần để ý đến tình trạng bi đát của người mua là mẹ góa con côi hay kẻ nghèo khổ cơ bần.

– Coi trọng tiền bạc hơn nhân phẩm: Họ dùng “tiền bạc mua đứa cơ bần, đem đôi dép đổi lấy tên cùng khổ.” Truyền thống Do-thái có thói quen người mượn nợ phải trao đôi dép của mình cho chủ nợ; khi con nợ không có tiền chuộc, đôi dép sẽ là bằng chứng. Chủ nợ có thể xiết nợ bằng cách tịch thu tài sản hay bắt con nợ phải làm nô lệ cho họ.

– Lường gạt: Để lường gạt người mua, họ có thể để trong thùng chứa những lúa gạo tốt bên trên trên, trong khi bên dưới toàn lúa nát gạo mục.

Cả hai tội trên đều xúc phạm đến Thiên Chúa vì những gì họ làm cho tha nhân là họ làm cho chính Ngài.

1.2/ Hình phạt tương xứng: Tất cả những ý nghĩ và việc làm của họ, tuy có thể lừa bịp người đời; nhưng không thể đánh lừa được Thiên Chúa. Tiên tri Amos tuyên bố: Nếu họ không biết hối cải, Thiên Chúa sẽ luận phạt mọi tội lỗi của họ. Ngài sẽ chẳng bao giờ quên một hành vi nào của họ.

2/ Bài đọc II: Hãy dâng lời cầu xin, khẩn nguyện, nài van, tạ ơn cho tất cả mọi người.

2.1/ Mọi người đều cần lời cầu nguyện.

Bất công xã hội xảy ra ở mọi nơi và mọi thời vì lòng tham không đáy của con người, những người lãnh đạo thường lạm dụng quyền hành để vơ vét tài sản của dân nghèo. Khi bị đối xử bất công, người nghèo dễ có khuynh hướng dâng lời cầu nguyện xin Thiên Chúa tiêu diệt lũ cường hào ác bá đó. Chỉ trích, ghen ghét và tìm cách trả thù tuy dễ làm, nhưng không phải là cách thức để xây dựng xã hội; vì hết quyền lực chính trị này sẽ đến quyền lực chính trị khác, nhiều khi còn tệ hại hơn. Vì thế, cách tốt hơn là nỗ lực cầu nguyện để xin Thiên Chúa tha thứ và thay đổi tâm lòng mọi người lãnh đạo để có một xã hội an cư lạc nghiệp, đạo đức và xứng nhân phẩm.

Thánh Phaolô xác quyết đó là điều tốt và đẹp lòng Thiên Chúa. Ngài muốn cho mọi người nhận ra chân lý để được cứu độ, và không muốn cho bất cứ một ai phải hư mất. Lời khẩn nguyện của các tín hữu kèm với các hy sinh có sức mạnh để xin Thiên Chúa biến đổi lòng mọi người, cứu vãn các trật tự trong xã hội, và đem lại ơn cứu độ cho mọi người.

2.2/ Hãy cầu nguyện với tâm hồn thánh thiện, không giận hờn, không xung khắc.

Phaolô ý thức rất rõ về tội lỗi và yếu đuối của con người, vì chính ông đã hưởng được lòng Chúa yêu thương khi ông còn là tội nhân trên đường đi Damascus. Ông đã từng hãnh diện về truyền thống Do-thái và khinh thường Dân Ngoại, ông đã từng nghĩ con người có thể tự cứu mình bằng việc giữ cẩn thận các Lề Luật; nhưng cuộc gặp gỡ Đức Kitô trên đường đã đảo lộn tất cả. Đức Kitô đã tỏ cho ông biết con người được cứu độ là nhờ niềm tin vào Đức Kitô, Đấng đã tự hiến làm giá cứu chuộc cho mọi người, và Ngài không muốn một ai phải hư đi. Con người sống bằng ơn thánh của Thiên Chúa ban qua Cuộc Thương Khó của Đức Kitô như Ngài đã ban cho ông, chứ không bằng sức riêng của con người.

Có kinh nghiệm như thế, ông được sai đi để loan báo về sự thật này. Ông xác tín về sứ vụ rao giảng sự thật của ông, và ông khuyên mọi người: “Vậy tôi ước mong những người đàn ông (mọi người) hãy cầu nguyện ở mọi nơi, giơ tay thánh thiện lên trời, không giận hờn, không xung khắc.”

3/ Phúc Âm: Con cái đời này khôn khéo hơn con cái ánh sáng khi xử sự với người đồng loại.

Trước khi phân tích dụ ngôn này, chúng ta cần lưu ý một điều: Khi xử dụng dụ ngôn, tác giả chỉ muốn nêu bật một điều chính, và không bao giờ có ý làm thỏa mãn tất cả mọi điều; vì sẽ rất khó để thực hiện. Điểm Chúa Giêsu muốn nêu bật trong dụ ngôn này là cách hành xử của viên quản lý khi anh biết anh sẽ mất việc.

3.1/ Cách hành xử của người quản gia bất lương: Ngay từ đầu, trình thuật đã cho khán giả biết đây là một quản gia không tốt, và đó là lý do tại sao anh bị thất nghiệp. Một người quản gia tốt không phải chỉ biết cách làm việc mà còn phải biết trung tín với chủ. Người quản gia này có thể rất khôn lanh, nhưng không trung tín; vì anh bị tố cáo đã phung phí tài sản của chủ. Vì thế, chủ mới gọi anh ta đến mà bảo: “Tôi nghe người ta nói gì về anh đó? Công việc quản lý của anh, anh tính sổ đi, vì từ nay anh không được làm quản gia nữa!”

Ông là người quản gia khôn lanh, ông biết dùng tài sản của chủ như một phương tiện để chuẩn bị cho tương lai của ông: “Mình sẽ làm gì đây? Vì ông chủ đã cất chức quản gia của mình rồi. Cuốc đất thì không nổi, ăn mày thì hổ ngươi. Mình biết phải làm gì rồi, để sau khi mất chức quản gia, sẽ có người đón rước mình về nhà họ!” Ông nghĩ ra cách dùng tài sản của chủ để thu phục nhân tâm.

Câu 8 có thể gây hiểu lầm, chúng ta cần phân biệt: Câu 8a là lời của ông chủ tên đầy tớ. Ông nhận ra sự khôn lanh của tên quản lý đã qua mặt ông để làm lợi cho nó cách hợp pháp. Ông chủ khen cách cư xử của người quản lý bất lương, chứ không khen tư cách của người quản lý, ông gọi hắn là bất lương từ đầu. Câu 8b là lời của Chúa Giêsu. Ngài không khen tên quản lý bất lương, nhưng nhận ra cách hành xử khôn lanh của anh ta khi đối xử với đồng loại.

Cụm từ “tiền của bất chính” trong câu 9 có thể gây sự hiểu lầm: Chúa có cho phép lấy của người khác để mua bạn bè không? Đó là tội lỗi đức công bằng; và nếu đã lấy, phải trả lại cho chủ của nó. Điều Chúa muốn nói ở đây là của cải Thiên Chúa ban là cho mọi người cùng hưởng; thay vì tiêu xài nó cách xa hoa phung phí, hãy biết dùng nó cho người nghèo hay những nơi cần thiết để “khi hết tiền hết bạc, họ sẽ đón rước anh em vào nơi ở vĩnh cửu.” Câu này cũng phù hợp với lời khuyên của Hội Thánh cho các tội nhân: Nếu không thể trả lại cho chủ, phải dùng nó để giúp đỡ người nghèo, chứ không được dùng nó cho mình.

3.2/ Phải biết quản lý khôn ngoan những gì Thiên Chúa trao ban.

Các câu 10-13 là những lời giảng dạy của Chúa Giêsu, và có thể tự đứng một mình; nhưng Lucas đặt ở đây vì nó liên quan đến việc quản lý. Chúng ta có thể phân tích từng câu:

(1) Quản lý đòi hỏi kinh nghiệm. Chủ nhân thường thử người quản lý trước khi trao cho anh nhiều của cải hơn. Nếu anh không trung thành trong việc nhỏ, không ai tin cậy để trao cho anh việc lớn hơn.

(2) Quản lý của cải thiêng liêng quan trọng hơn của cải vật chất: Trong lãnh vực thiêng liêng cũng thế, ai đã bất trung trong việc xử dụng của cải vật chất, Thiên Chúa sẽ không bao giờ trao cho họ những của cải chân thật; chẳng hạn, việc coi sóc các linh hồn và phân phát ơn thánh qua các bí tích.

(3) Phần thưởng chỉ dành cho người quản lý trung tín: Một người được lãnh nhận phần thưởng là do việc chứng minh lòng trung thành của mình với chủ. Chẳng chủ nào thưởng công cho quản lý bất lương.

(4) Quản lý không thể phục vụ hai chủ: Không giống như thời đại ngày nay, người nô lệ hay gia nhân thời xưa chỉ có thể phục vụ một chủ mà thôi. Cho dẫu ngày nay con người có thể làm tôi hai chủ, mức độ trung thành với hai chủ không bằng nhau: hoặc sẽ ghét chủ này mà yêu chủ kia, hoặc sẽ gắn bó với chủ này mà khinh dể chủ nọ.

Cũng vậy trong việc phục vụ Thiên Chúa: “Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi tiền của được.” Rất nhiều người suy nghĩ ngược lại với Chúa Giêsu: họ nghĩ họ có cách để phục vụ cả hai một lúc. Một ví dụ điển hình là người Pharisêu: “Họ vốn ham hố tiền bạc, nên nghe các điều ấy, thì cười nhạo Đức Giêsu.” Cũng có những người vì ham hố kiếm tiền, nên đã không còn thời giờ cho Thiên Chúa, ngay cả việc đi tham dự Thánh Lễ ngày Chủ Nhật.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

– Tiền của chỉ là phương tiện sinh sống trong trần gian. Chúng ta đừng bao giờ để tiền của làm chủ cuộc đời mình, và nhất là để nó thay thế Thiên Chúa.

– Lòng ham muốn tiền của dễ đưa tới những đối xử bất công với người nghèo. Chúng ta phải cẩn thận vì Thiên Chúa sẽ xét xử chúng ta về tất cả những bất công này.

– Cách tốt nhất để có công bằng xã hội là cầu xin Thiên Chúa soi sáng và đổi lòng những nhà lãnh đạo để họ biết cách quản lý đúng tất cả những ơn lành được trao ban.

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

****************