Chúa Nhật (18-10-2020) – Trang suy niệm

17/10/2020

Lời Chúa Hôm Nay

Chúa Nhật Tuần XXIX Mùa Thường Niên Năm A

BÀI ĐỌC I: Is 45, 1. 4-6

“Ta đã cầm tay hữu của Cyrô để bắt các dân suy phục trước mặt nó”.

Trích sách Tiên tri Isaia.

Đây Chúa phán cùng Cyrô, kẻ xức dầu của Chúa mà Ta đã cầm tay hữu nó, để bắt các dân suy phục trước mặt nó, bắt các vua quay lưng lại, mở các cửa trước mặt nó, và các cửa không được đóng lại:

Nhân vì Giacóp tôi tớ Ta, và Israel kẻ Ta kén chọn, Ta đã gọi đích danh ngươi: Ta đã kêu gọi ngươi khi ngươi không nhận biết Ta. Ta là Chúa, và chẳng còn chúa nào khác: ngoài Ta ra, không có Thiên Chúa nào nữa. Ta đã thắt lưng cho ngươi khi ngươi không nhận biết Ta, để các kẻ từ đông sang tây nhận biết rằng ngoài Ta ra không có ai khác: Ta là Chúa, và chẳng có chúa nào khác. Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 95, 1 và 3. 4-5. 7-8. 9-10a và c

Đáp: Hãy kính tặng Thiên Chúa quyền thế với vinh quang (c. 7b).

Xướng:

1) Hãy ca mừng Thiên Chúa bài ca mới, hãy ca mừng Thiên Chúa, hỡi toàn thể địa cầu. Hãy tường thuật vinh quang Chúa giữa chư dân, và phép lạ Người ở nơi vạn quốc. – Đáp.

2) Vì Thiên Chúa, Người hùng vĩ và rất đáng ngợi khen, Người khả uý hơn mọi bậc chúa tể. Vì mọi chúa tể của chư dân là hư ảo, nhưng Thiên Chúa đã tác tạo trời xanh. – Đáp.

3) Hãy kính tặng Thiên Chúa, hỡi người chư dân bá tánh, hãy kính tặng Thiên Chúa quyền thế với vinh quang, hãy kính tặng Thiên Chúa vinh quang xứng với danh Người. Hãy mang lễ vật, tiến vào hành lang nhà Chúa. – Đáp.

4) Mặc lễ phục, thờ lạy Thiên Chúa. Toàn thể địa cầu, hãy run sợ trước thiên nhan, hãy công bố giữa chư dân rằng Thiên Chúa ngự trị. Người cai quản chư dân theo đường đoan chính. – Đáp.

BÀI ĐỌC II: 1 Tx 1, 1-5b

“Tôi hằng nhớ đến đức tin, đức cậy và đức mến của anh em”.

Khởi đầu thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Thêxalônica.

Phaolô, Silvanô và Timôthêu kính gửi giáo đoàn thành Thêxalônica trong Thiên Chúa Cha và trong Chúa Giêsu Kitô. Nguyện chúc cho anh em được ân sủng và bình an.

Tôi hằng tạ ơn Thiên Chúa cho mọi người anh em, trong khi tôi cầu nguyện, tôi hằng nhớ đến anh em không ngừng; tôi nhớ đến sự nghiệp của lòng tin, công việc của lòng bác ái, sự vững lòng trông cậy của anh em vào Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, trước mặt Thiên Chúa là Cha chúng ta. Hỡi anh em là những kẻ được Thiên Chúa yêu mến, tôi từng biết anh em được Chúa tuyển chọn, bởi vì Tin Mừng của chúng tôi ở nơi anh em, không phải chỉ với lời nói mà thôi, mà là với quyền năng, với Thánh Thần và với lòng xác tín. Đó là lời Chúa.

ALLELUIA: Ga 10, 27

Alleluia, alleluia! – Chúa phán: “Con chiên Ta thì nghe tiếng Ta; Ta biết chúng và chúng theo Ta”. – Alleluia. 

PHÚC ÂM: Mt 22, 15-21

“Cái gì của Cêsarê thì hãy trả cho ông Cêsarê, và cái gì của Thiên Chúa thì hãy trả cho Thiên Chúa”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, các người biệt phái họp nhau lại bàn mưu để bắt bẻ Chúa Giêsu trong lời nói. Các ông sai môn đồ của các ông đi với những người thuộc phái Hêrôđê đến nói với Người rằng: “Thưa Thầy, chúng tôi biết Thầy là người ngay chính, căn cứ theo sự thật mà dạy bảo đường lối Thiên Chúa. Thầy chẳng cần để ý đến ai, vì Thầy không tây vị người nào. Vậy xin Thầy nói cho chúng tôi biết Thầy nghĩ thế nào: Có được phép nộp thuế cho Cêsarê hay không?” Chúa Giêsu thừa hiểu ác ý của họ, nên nói: “Bọn người giả hình, các ngươi gài bẫy Ta làm gì? Hãy đưa Ta xem đồng tiền nộp thuế”. Họ đưa cho Người một đồng bạc. Và Chúa Giêsu hỏi họ: “Hình tượng và danh hiệu này là của ai?” Họ thưa rằng: “Của Cêsarê”. Bấy giờ Người bảo họ rằng: “Vậy, cái gì của Cêsarê thì hãy trả cho Cêsarê, và cái gì của Thiên Chúa thì hãy trả cho Thiên Chúa”. Đó là lời Chúa.

(thanhlinh.net)

++++++++++++++++++

18/10/2020 – CHÚA NHẬT TUẦN 29 TN – A

Chúa Nhật Truyền Giáo

Mt 22,15-21

THÁNH HIẾN TRẦN THẾ

“Của Xê-da, trả về Xê-da; của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa.” (Mt 22,21)

Suy niệm: Chúa Giê-su đã không để mình mắc bẫy lắt léo của những mánh lới chính trị. Nhưng nhân cơ hội đó, Ngài nâng chúng ta lên một bình diện cao hơn bằng cách đưa ra một chân lý thật giản đơn, rõ ràng nhưng cũng thật thâm thuý. “Của Xê-da, trả cho Xê-da,”: Thế gian có những giá trị nội tại (khoa học, kỹ thuật, kinh tế, văn hoá, chính trị…) mà ta phải tôn trọng: “Sự độc lập của những giá trị trần thế, nghĩa là các tạo vật và xã hội đều có những định luật và giá trị riêng là điều không những người đương thời đòi hỏi mà còn phù hợp với ý muốn của Tạo Hoá… Con người phải tôn trọng tất cả những điều ấy… Bởi vậy, việc khảo sát có phương pháp trong mọi ngành, nếu tiến hành một cách khoa học thực sự và đúng theo tiêu chuẩn luân lý sẽ không bao giờ trái nghịch với đức tin…” (Vui Mừng và Hy Vọng, số 36). Đã xác định được những gì là “của Xê-da” để “trả về Xê-da”, chúng ta sẽ dễ dàng nhận ra những gì “của Thiên Chúa” để “trả về Thiên Chúa.”

Mời Bạn: Người ki-tô hữu được kêu gọi không phải là tiêu diệt các thực tại trần thế mà là thánh hiến chúng theo phương châm: “Thánh hiến trần thế từ trong trần thế và bằng những phương tiện của trần thế.”

Chia sẻ: Cụ thể, phương châm trên có ý muốn nói gì?

Sống Lời Chúa: Làm thật tốt công viêc nghề nghiệp và bổn phận hằng ngày của bạn theo đúng tinh thần Tin Mừng Đức Ki-tô.

Cầu nguyện: Đọc kinh “Cúi xin Chúa sáng soi” hoặc làm dấu Thánh Giá trước khi làm một việc gì.

(5 Phút Lời Chúa)

++++++++++++++++++

Suy niệm và cầu nguyện

Suy Niệm

Khi Thượng Hội Đồng điệu Đức Giêsu ra trước mặt Philatô,
họ tố cáo Ngài về tội sách động dân chúng nổi loạn,
tội ngăn cản dân nộp thuế, và tội xưng mình là vua (Lc 23,1-2.5.14).
Philatô chẳng bao giờ tin vào những lời tố cáo ấy (Lc 23,4.14.22).
Đối với ông, Đức Giêsu chẳng hề phạm tội chính trị.
Dù Đức Giêsu có nói về Nước của Ngài,
nhưng Nước ấy lại không thuộc về thế giới này (Ga 18,36).
Cũng chẳng bao giờ Ngài nhận mình là vua
một cách minh nhiên (Mc 15,2; Mt 27,11; Lc 23,3; Ga 18,37).
Tin Mừng hôm nay cho thấy Ngài không chống lại chuyện nộp thuế.

Đế quốc Rôma cai trị xứ Giuđê từ năm 63 trước công nguyên.
Mọi người Do-thái trưởng thành phải nộp thuế thân cho họ.
Mỗi năm nộp một đồng tiền denarius, bằng một ngày lương.
Có một số người Do-thái phản đối mạnh mẽ chuyện nộp thuế,
vì đối với họ nộp thuế là tôn thờ các hoàng đế Rôma.
Nhóm Pharisêu cũng không ưng chuyện nộp thuế,
nhưng họ phản ứng nhẹ nhàng hơn, chứ không dùng bạo động.
Còn nhóm Hêrôđê vì thân với Rôma nên ủng hộ chuyện này.
Vậy mà hôm nay hai nhóm Pharisêu và Hêrôđê
lại hợp lực để gài bẫy Đức Giêsu về chuyện nộp thuế.

Họ khéo léo nịnh Đức Giêsu là người nói thẳng, nói thật,
để Ngài bộc trực mà trả lời câu hỏi của họ (Mt 22,16):
“Có được phép nộp thuế cho Xê-da không?”
 Đây là câu hỏi nóng vào thời đó,
và cũng khá nham hiểm vì đưa Ngài vào thế kẹt.
Nếu trả lời được phép, thì Đức Giêsu là người chạy theo Rôma.
Nếu trả lời không được phép, thì Ngài là người chống đối đế quốc.
Đức Giêsu biết họ đang thử mình, nhưng Ngài thoát bẫy ra sao?

Ngài xin họ đưa cho Ngài một đồng tiền để nộp thuế.
Họ đem đến cho Ngài một đồng denarius,
trên đó có khắc hình và danh hiệu.
Khi biết đó là hình và danh hiệu của Xê-da, hoàng đế Rôma,
Đức Giêsu nói ngay một câu làm họ kinh ngạc:
“Của Xê-da trả lại cho Xê-da, của Thiên Chúa trả lại cho Thiên Chúa.”
Câu trả lời này đã làm Đức Giêsu thoát khỏi cái bẫy họ giăng.
Ngài không trả lời được phép hay không được phép,
nhưng khi nói “của Xê-da trả lại cho Xê-da”
Ngài có vẻ không phản đối chuyện nộp thuế cho Rôma,
và không coi đó là một tội phạm thượng.
Ngài còn đi xa hơn khi nói: “của Thiên Chúa trả lại cho Thiên Chúa.”

Cầu nguyện

Lời của Đức Giêsu đã được đưa vào sách Giáo lý Công giáo (số 2242).
“Của Xê-da trả lại cho Xê-da”:
mọi quyền hành hợp pháp đều đến từ Thiên Chúa,
nên ta phải tôn trọng, phục tùng và cộng tác (Rm 13,1-7; 1 Pr 2,13-17).
Chỉ khi quyền hành đó bị lạm dụng, đi ngược với đạo lý luân thường,
ngược với Lời Chúa dạy, với những đòi hỏi của lương tâm ngay thẳng,
chúng ta mới phải từ chối tuân theo.
“Phải vâng lời Thiên Chúa hơn vâng lời người phàm” (Cv 5,29).
Chúng ta đang sống trong một thế giới cho phép làm nhiều điều,
như phá thai, ly dị, án tử hình, an tử, hôn nhân đồng tính…
nhưng chúng ta không buộc phải theo.

“Của Thiên Chúa trả lại cho Thiên Chúa.”
Nói cho cùng, không có gì lại không phải là của Thiên Chúa.
Mọi người, dù là ai, cũng đều mang hình ảnh của Thiên Chúa (St 1,27).
Mọi sự tôi có và mọi sự trên mặt đất là của Đấng Tạo thành.
Con người không được quyền lấy cắp của Ngài.
Bổn phận của chúng ta là trả lại cho Thiên Chúa điều thuộc về Ngài,
là chỉnh lại những hình ảnh của Ngài đã bị méo mó, dập nát.
là đưa mọi thụ tạo trên trái đất về với Ngài là nguồn cội.
Mong mọi người đều mang hình và danh hiệu Thiên Chúa trong tim.

CẦU NGUYỆN

Giữa một thế giới mê đắm bạc tiền,
xin được sống nhẹ nhàng thanh thoát.
Giữa một thế giới lọc lừa dối trá,
xin được sống chân thật đơn sơ.
Giữa một thế giới trụy lạc đam mê,
xin được sống hồn nhiên thanh khiết.
Giữa một thế giới thù hận dửng dưng,
xin được chia sẻ yêu thương và hy vọng.

Lạy Chúa Giêsu mến thương,
xin dạy chúng con biết cách làm chứng cho Chúa giữa cuộc đời.
Xin giúp chúng con tìm ra những cách thức mới
để người ta tin và yêu Chúa.
Ước gì hơn hai tỉ Kitô hữu
giữ được vị mặn của muối và sức biến đổi của men,
để chúng con làm cho thế giới này mặn mà tình người,
và làm cho trần gian trở thành tấm bánh thơm ngon.
Chỉ mong Thiên Chúa Cha được tôn vinh
qua những việc tốt đẹp chúng con làm cho những người bé nhỏ.

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

(phutcaunguyen.net)

++++++++++++++++++

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên

18 THÁNG MƯỜI

Mang Tin Vui Cho Người Nghèo

Thời đại của chúng ta đang đứng trước rất nhiều tình trạng đói nghèo về mặt luân lý, trong đó tự do và nhân phẩm của con người bị đe dọa nghiêm trọng. Khốn nạn cùng cực nhất là tình trạng của những người sống mà không hiểu biết được ý nghĩa của cuộc sống. Lương tâm con người trở nên bị sai lệch hay hoàn toàn hư hỏng, đó là một dạng nghèo. Bao gia đình phân rã hay đổ vỡ, đó cũng là một dạng nghèo. Chung qui, tất cả đều là cái nghèo của tội lỗi.

Trong một thế giới bị xâu xé bởi quá nhiều hình thức nghèo như thế, Giáo Hội phải cố gắng “mang tin vui đến cho người nghèo” (Lc 4,18). Và Giáo hội đã làm điều đó bằng cách thể hiện những nỗ lực như của Mẹ Têrêsa Calcutta và những nỗ lực tương tự của nhiều người khác. Tình yêu của họ đối với Chúa Kitô và công việc phục vụ của họ đối với những con người nghèo khổ nhất đang bộc lộ sâu sắc ý nghĩa ngôn sứ và sứ mạng loan báo Tin Mừng của toàn Giáo Hội.

Những chứng tá hy sinh chất chứa bản chất tình yêu Kitô giáo ấy quả là một nguồn khích lệ lớn lao. Đối với từng người và đối với toàn Giáo Hội, những chứng tá ấy là “một niềm khích lệ trong Chúa Kitô”â, “một sự an ủi trong lòng mến”, và “một sự thông dự trong Thánh Thần”. (Pl 2,1)

– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –

Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác

LIFT UP YOUR HEARTS

Daily Meditations by Pope John Paul II

+++++++++++++++++

Lời Chúa Trong Gia Đình

NGÀY 18/10

Chúa Nhật XXIX Thường Niên

Is 45, 1. 4-6; 1Tx 1, 1-5b; Mt 22, 15-21.

LỜI SUY NIỆM: “Thế thì của Xêda, trả về Xêda, của Thiên Chúa trả về Thiên Chúa.”

           Những người Pharisêu và nhóm người của vua Hêrôđê đã đề cao Chúa Giêsu một cách giả hình: “Thưa Thầy, chúng tôi biết Thầy là người chân thật mà cứ sự thật mà dạy đường lối của Thiên Chúa, cũng chẳng vị nể ai, vì Thầy không cứ bề ngoài mà đánh giá người ta.” Họ dùng lời đề cao này để rồi gài bẫy Người: “Xin Thầy cho biết ý kiến có được phép nộp thuế cho Xêda hay không?” Nhưng đối với  Chúa Giêsu, Người biết rõ tâm địa độc ác của họ; Người đã công khai nói: “Tại sao các ngươi thử tôi, hỡi những kẻ giả hình.” Nhưng qua sự ác ý của hai nhóm người trên, Chúa Giêsu đã cho họ và chúng ta ngày hôm nay một bài học cần cho sự sống đời này lẫn đời sau: “Của Xêda trả về Xêda, của Thiên Chúa trả về Thiên Chúa.”

          Lạy Chúa Giêsu. trong cuộc sống của tất cả các tạo vật trong đó có con người đang được sống và sống dồi dào là do lòng thương xót và quan phòng của Thiên Chúa, nơi mỗi con người và mỗi tạo vật đều do ơn ban của Cha trên trời. Xin cho tất cả chúng con luôn biết dâng lời cảm tạ và tôn vinh Ngài.

Mạnh Phương

+++++++++++++++++

Gương Thánh Nhân

Ngày 18-10

Thánh LUCA THÁNH SỬ
(Thế kỷ I)

Thánh Luca, tác giả Phúc âm thứ ba và sách Công vụ sứ đồ, là người đóng góp đơn độc và rông rãi nhất cho Tân ước. Như các tác phẩm cho thấy, Ngài là một trong những Kitô hữu có học nhất thời Giáo hội ly khai. Dầu vậy, Ngài rất mực khiêm tốn và ẩn mình đi đến nỗi dù một chút gì chúng ta biết về Ngài cũng phải đọc trong những dòng chữ của Ngài bằng kính phóng đại. Chúng ta chú mục vào những chỗ “nhóm chúng tôi” thay vì “họ”, nghĩa là Ngài nhận sự có mặt của mình trong khung cảnh chuyển nó vào những dẫn chứng rời rạc trong thánh Phaolô, tìm những khuôn mặt xem ra rõ rệt nhất, phân tích việc chọn lựa và xử dụng từ ngữ của Ngài. Dần dần hình ảnh của thánh Luca nổi lên:

Ngài tự bẩm sinh là người Hylạp, chứ không phải Do thái, nhưng theo ngôn ngữ và văn minh xem ra Ngài đã không sinh ra tại những thành phố Hy lạp lớn miền cận đông. Một tác giả thứ hai nói Ngài sinh ra tại Antiôkia, Syria và khi những biến cố xảy ra dường như Ngài đang sống ở đó trong thập niên bốn mươi của thế kỷ đầu và đã là một trong những lương dân trở lai đầu tiên.

Theo nghề nghiệp, Ngài là y sĩ và rất có thể đã theo học đại học tại Tarse. Bởi đó có thể Ngài đã có vài tiếp xúc trước với thánh Phaolô khoảng năm 49 hay 50, Ngài đã liên kết với thánh Phaolô trong sứ vụ qua Tiểu Á tới Au Châu. Dầu vậy khi tới Philipphê, thánh Luca đã dừng lại đó, không phải là giám mục của Giáo hội tân lập vì dường như thánh nhân đã không hề lãnh nhận chức thánh, nhưng đúng hơn ta có thể gọi là “thủ lãnh giáo dân”. Hơn nữa, Ngài dường như dấn thân vào thành phần sử gia, một vai trò mà sự giáo dục và cố gắng rất phù hợp với Ngài. Sự quan sát kỹ lưỡng và diễn tả chính xác là những từ ngữ của các trường thuốc Hy lạp và các văn phẩm của thánh Luca chứng tỏ để Ngài đã biết áp dụng chúng vào lãnh vực lịch sử.

Dầu vậy, vào khoảng năm 57, thánh Phaolô đã từ Corintô trở lại qua Macedonia trên đường đi Giêrusalem, để thu thập các đại diện từ nhiều Giáo hội khác nhau và thánh Luca đã nhập bọn, từ đó trở đi Ngài đã không hề rời xa thầy mình. Ngài đã chứng kiến việc người Do thái tìm cách hại Phaolô và việc người Roma giải cứu thánh nhân. Khi Phaolô đáp tàu đi Roma sau hai năm bị tù ở Cêsarêa, thánh Luca ở với Ngài. Họ bị đắm tàu ở Malta và cùng tới Rôma. Nhưng ở Roma. Thánh Luca đã thấy một trách vụ khác đang chờ đón Ngài. Roma là con mắt của Phêrô và người phát ngôn của thánh Phêrô là Marcô đã xuất bản Phúc âm viết tay của Ngài.

Nhưng còn những ký ức khác đã được viết ra hay truyền tụng rời rạc hoặc toàn bộ về cuộc đời của Chúa chúng ta trên trần gian. Thánh Luca đã quyết định rằng: sứ vụ cho lương dân cần một Phúc âm mới, được viết ra bằng Hy ngữ văn chương hơn là Phúc âm của Marcô cho hợp với lương dân có học và không dành riêng cho người Do thái như là Phúc âm của thánh Mathêo: việc trước tác sách này là phần tiếp theo sách Công vụ sứ đồ xem như hoàn thành tại Roma giữa năm 61 tới 70, nhưng thánh Luca đã trốn cuộc bách hại của Nêrô và đã trải qua quãng đời còn lại tại Hy Lạp.

Tài liệu thế kỷ thứ hai viết: – “Trung thành phục vụ Chúa, không lập gia đình và không có con; Ngài được qua đời hưởng thọ 84 tuổi ở Boctica, đầy tràn Thánh Thần”.

Thánh Luca là một vị thánh luôn luôn bình dân. Một phần có lẽ vì chúng ta hiểu rõ Ngài là một giáo dân, thừa hưởng văn hóa Hy lạp cổ. Hơn nữa, Ngài bình dân vì đặc tính lương dân và dấn thân của mình. Tất cả văn phẩm của Ngài đầy quan tâm đến con người, thương cảm con người, liên hệ tới người nghèo, hào hiệp với phụ nữ. Ngài cũng rất hấp dẫn bởi đã thu thập và kể lại vô số những công cuộc đầy nhân hậu của Chúa Kitô.

Thật ra người ta sẽ lầm lẫn khi dìm mất tính chất và giáo huấn nghiêm khắc của Chúa. Nhưng các y sĩ có thể hãnh diện về Ngài vì chắc hắn không có y sĩ nào sẽ qua mặt được Ngài về “tình yêu dành cho nhân loại”. Và những người còn lại trong chúng ta có thể biết ơn Ngài vì nhờ Ngài chúng ta có được dụ ngôn cây vả khô chồi (13,60, đứa con hoang đàng (15,11) và người Samaria nhân hậu (10,300. Chúng ta cũng biết ơn Ngài vì câu chuyện người kẻ trộm thống hối và cả năm mầu nhiệm Mân Côi mùa Vui.

Nhưng trên tất cả, chúng ta mắc ơn Ngài Kinh Ave “Ngợi khen” (Magnificat), chúc tụng (Benedictus), Phó dâng (Nuncdimittis) với quá phân nửa câu truyện ngày lễ Giáng sinh. Rồi đây là chỗ mà sự khiêm tốn ẩn mình của thánh nhân xa rời chúng ta.

Thánh Luca đã nghe truyện từ miệng Chúa không ? Thánh nhân không nói điều này cho chúng ta nhưng rất có thể lắm. Chúng ta biết sau cuộc đóng đinh, mẹ đã được thánh Gioan săn sóc và chắc chắn đã có sự giao tiếp giữa hai thánh sử này. Nhưng trùng hợp của hai Phúc âm (như về việc biến hình) hay những trùng hợp về ngôn ngữ trong phần đầu sách Công vụ mạnh mẽ minh chứng điều này,

Hơn nữa, nếu thánh Luca được rửa tội ở Antiôkia khoảng năm 40 thì tự nhiên là có thể tìm gặp được thánh Gioan ở Giêrusalem… Lúc ấy Đức Mẹ trên dưới 70 tuổi. Như vậy không có lý gì thánh Luca lại không thể nghe chính môi miệng mẹ kể chuyện. Mà dầu chuyện nầy có đến với Ngài cách gián tiếp đi nữa, chúng ta vẫn biết ơn Ngài đã lưu lại cho chúng ta những giai thoại đặc biệt ấy.

(daminhvn.net)

+++++++++++++++++

18 Tháng Mười

Lòng Ðầy Miệng Mới Nói Ra

Người ta thường bảo: “Lòng đầy miệng mới nói ra” hay “Văn tức là người”. Hai câu nói này có thể áp dụng rất đúng vào vị thánh Giáo Hội mừng kính hôm nay: thánh Luca, thánh sử.

Chúng ta không có được những sử liệu để biết về cuộc đời của thánh Luca ngoài danh hiệu thánh Phaolô nói về ngài: “Luca, vị y sĩ rất thân mến của chúng tôi…”. Vì thế, chúng ta phải tìm hiểu về con người của thánh Luca qua hai tác phẩm ngài biên soạn, nhất là qua sách Phúc Âm, thường được trao tặng những biệt hiệu sau đây:

  1. Phúc Âm thánh Luca là Phúc Âm của Lòng Thương Xót: Thánh Luca đặc biệt nêu bật lòng ưu ái và sự kiên nhẫn của Chúa Giêsu đối với những tội nhân và những kẻ đau khổ. Ngài luôn mở rộng đôi tay để đón nhận họ: những người xứ Samaria, những kẻ bị bệnh phong hủi, những người thu thuế, những kẻ phạm tội công khai, những người nghèo cũng như các mục đồng thất học.

Ngụ ngôn về người phụ nữ ngoại tình, về một con chiên lạc, một đồng tiền bị đánh mất, về đứa con hoang đàng và người trộm lành chỉ được ngòi bút của thánh Luca ghi lại rất linh động và xúc tích.

  1. Phúc Âm thánh Luca là Phúc Âm của Ơn Cứu Rỗi phổ quát và đại đồng: Chúa Giêsu dang rộng đôi cánh tay, chết treo trên thập giá là cho tất cả mọi người. Trong luồng tư tưởng này, thánh Luca ghi lại gia phả của Chúa Giêsu ngược lại đến nguyên tổ Ađam chứ không phải chỉ ghi lại Chúa Giêsu là con vua Ðavit, con ông Abraham như thánh sử Matthêu. Và trong lúc Chúa Giêsu hoạt động rao giảng Tin Mừng, nhiều người dân không phải là Do Thái cũng được Ngài ân cần tiếp đón và thi ân.

3.Phúc Âm thánh Luca là Phúc Âm của những người nghèo, trong đó những người đơn sơ, nhỏ bé, đóng một vai trò quan trọng, như: ông Giacaria và bà Ysave, Ðức Maria và thánh Giuse, những người mục đồng, ông Simêon và bà góa Anna.

  1. Phúc Âm thánh Luca là Phúc Âm của sự cầu nguyện và của Chúa Thánh Thần: Luca thường mở đầu đoạn Phúc Âm với lời ghi nhận: “Chúa Giêsu đang cầu nguyện” và Thánh Thần mang Giáo Hội đến chỗ hoàn hảo cuối cùng.
  2. Phúc Âm thánh Luca là Phúc Âm của niềm vui: thánh Luca thành công trong việc phác họa hình ảnh Giáo Hội sơ khai tràn đầy niềm hân hoan vì cảm nghiệm được mầu nhiệm Phục Sinh, sự hiện diện của Chúa Thánh Thần và Ơn Cứu Rỗi.

Mừng lễ kính thánh Luca, chúng ta hãy cùng nhau đọc đoạn cuối của Phúc Âm, gồm những dòng có thể so sánh như chiếc gạch nối liên kết sách Phúc Âm với sách Tông Ðồ Công Vụ để diễn tả một sinh hoạt rất quan trọng của Giáo Hội và của mọi tín hữu Kitô: “Ðoạn Chúa dẫn các môn đệ đi về phía làng Bêtania. Chúa giơ tay chúc phúc cho họ. Ðang khi Chúa phán, Chúa rời khỏi họ mà lên trời. Các môn đệ thờ lạy Chúa rồi trở về Giêrusalem, lòng đầy hân hoan. Họ có mặt luôn luôn trong đền thờ để ca tụng và cảm tạ Thiên Chúa”.

Dõi theo gương của các môn đệ tiên khởi của Chúa Giêsu, chúng ta hãy luôn dâng lời ca tụng và cảm tạ Thiên Chúa.

(Lẽ Sống)

++++++++++++++++++

Lời Chúa Mỗi Ngày

Chúa Nhật 29 Thường Niên, Năm A

Bài đọc: Isa 45:1, 4-6; I Thes 1:1-5; Mt 22:15-21.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa.

Theo lẽ công bằng chúng ta phải trả cho tha nhân những gì thuộc về họ. Khi chúng ta nộp thuế cho chính phủ là chúng ta trả cho chính phủ những gì họ đã phục vụ chúng ta: trật tự công cộng, giao thông, y tế … Vấn đề xảy ra là khi con người lỗi đức công bằng: hưởng thụ mà không chịu đóng góp hay nhận của đóng góp mà không chịu phục vụ. Trong Phúc Âm hôm nay, các Kinh-sư toa rập với Bè-phái Hêrôđê để giăng bẫy Chúa bằng câu hỏi: “Có nên nộp thuế cho Caecar?” Họ nghĩ Chúa sẽ không có đường thóat, nhưng câu trả lời của Chúa không những đã làm cho họ phải câm miệng, mà còn đòi họ phải tự vấn lương tâm để xem nếu từ bấy lâu nay họ đã lỗi đức công bình với cả Thiên Chúa và với tha nhân. Hai Bài đọc I và II mời gọi chúng ta suy nghĩ để nhận ra những gì thuộc về Thiên Chúa.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Thiên Chúa làm mọi sự qua mọi người.

1.1/ Thiên Chúa chọn Vua Cyrus: Tuy Cyrus, Vua Ba-Tư, là Dân Ngọai và không biết Thiên Chúa; nhưng Thiên Chúa đã chọn và xức dầu cho ông. Chính Thiên Chúa đã nói với Vua Cyrus: “Ta đã gọi đích danh ngươi, đã ban cho ngươi một tước hiệu, dù ngươi không biết Ta. Ta đã trang bị cho ngươi đầy đủ, dù ngươi không biết Ta, để từ Đông sang Tây, thiên hạ biết rằng chẳng có thần nào khác, ngoại trừ Ta.” Sự xử dụng chủ từ “Ta” nhiều lần nói lên tính chủ động của Thiên Chúa, con người chỉ giữ vai trò thụ động hay đáp trả. Ngài cũng cho Vua Cyrus chinh phục đế quốc Babylon và các dân tộc: “Ta đã cầm lấy tay phải nó, để bắt các dân tộc suy phục nó, Ta tước khí giới của các vua, mở toang các cửa thành trước mặt nó, khiến các cổng không còn đóng kín nữa.”

1.2/ Thiên Chúa dùng Vua Cyrus cho một mục đích: là để giải phóng Israel khỏi lưu đày như Ngài đã nói rõ: “Vì lợi ích của tôi tớ Ta là Giacóp, và của người Ta đã chọn là Israel.” Năm 587 BC, Thiên Chúa dùng Vua Babylon Nebuchanezza như chiếc roi để sửa phạt dân Do-Thái. Vua Babylon đã chinh phục vương quốc Judah, phá hủy Đền Thờ, và bắt tất cả vua quan cũng như dân sang lưu đày bên Babylon. Sau một thời gian thanh luyện ở chốn lưu đày, như Thiên Chúa hứa qua Tiên tri Isaiah, Ngài sẽ cho những người sống sót trở về và xây dựng lại giang sơn. Đó là lý do tại sao Ngài chọn Vua Batư Cyrus, ban cho Vua thắng được Đế-quốc Babylon, và thiết lập Đế-quốc Ba-Tư. Sau khi đã thắng trận, chính Nhà Vua đã ký sắc lệnh cho dân Do-Thái hồi hương và cho họ được xây dựng lại Đền Thờ. Hơn nữa, Nhà Vua còn trả lại những tài sản đã trưng dụng của Đền Thờ và cung cấp các vật liệu cần thiết để họ sớm hòan tất.

1.3/ Thiên Chúa dùng các vua như khí cụ để hòan thành những gì Ngài muốn: Lịch sử chứng minh mọi quyền bính đến từ Thiên Chúa như chính Thiên Chúa đã lặp đi lặp lại trong Bài đọc I: “Ta là Đức Chúa, không còn chúa nào khác; chẳng có ai là Thiên Chúa, ngoại trừ Ta.” Chúa dùng Vua Babylon như cái roi để sửa phạt người Do-Thái; nhưng sau khi họ đã ăn năn trở lại, Chúa dùng Vua Ba-Tư đánh bại Vua Babylon như bẻ gẫy cái roi, để đưa dân Do-Thái hồi hương. Vua Babylon chẳng biết Thiên Chúa và cũng chẳng biết kế họach của Thiên Chúa, nhưng ông vẫn phải thi hành kế họach Thiên Chúa, trong khi thi hành ông vẫn nghĩ là thắng vương quốc Judah bằng sức mạnh quân đội của mình. Vua Ba-Tư có thể nghĩ mình đã thi ân hay người Do-Thái có thể cám ơn Vua Ba-Tư, nhưng người họach định mọi sự là chính Thiên Chúa.

2/ Bài đọc II: Biết ơn và cám ơn đúng chỗ.

Con người thường rất bất bình khi thấy những cố gắng của mình bị tước đọat và trao cho người khác, nhưng rất nhiều lần con người đã tước đọat công ơn của Thiên Chúa: hoặc lấy làm của mình hoặc gán cho người khác. Thánh Phaolô dạy chúng ta một bài học quí giá: phải trả cho Thiên Chúa những gì thuộc Thiên Chúa. Ngài đã chuẩn bị mọi sự cho Hội Thánh Thessalônica.

2.1/ Không phải công ơn của người rao giảng: Tuy là người sáng lập ra cộng đòan Thessalônica, Thánh Phaolô không nghĩ đó là công ơn của mình khi nhìn thấy mọi sự tốt đẹp triển nở trong cộng đòan; nhưng ngài biết Thiên Chúa là tác giả của những kết quả này, và ngài cùng với các môn đệ, tạ ơn Thiên Chúa cho họ: “Chúng tôi hằng tạ ơn Thiên Chúa về tất cả anh em. Chúng tôi nhắc đến anh em trong lời cầu nguyện, và trước mặt Thiên Chúa là Cha chúng ta, chúng tôi không ngừng nhớ đến những việc anh em làm vì lòng tin, những nỗi khó nhọc anh em gánh vác vì lòng mến, và những gì anh em kiên nhẫn chịu đựng vì trông đợi Chúa chúng ta là Đức Giêsu Kitô.”

2.2/ Cũng chẳng phải công ơn của những người tin: Giống như cách đối xử của Thiên Chúa với các Vua trong Bài đọc I, Ngài chuẩn bị mọi sự cho các tín hữu để họ có thể tin vào Đức Kitô, sống bác ái với tha nhân, và kiên nhẫn trông đợi Ngày Chúa Kitô giáng lâm. Khi làm tất cả những điều này, một người có thể nghĩ đó là công sức và cố gắng của họ, nhưng Thánh Phaolô đã chỉ cho họ thấy đó là công việc của Thiên Chúa:

(1) Thiên Chúa đã chọn con người vì thương mến: Bước đầu tiên và là bước quyết định là Thiên Chúa đã chọn con người chứ không phải con người đã chọn Thiên Chúa. Nếu Thiên Chúa không chọn, con người sẽ bị hủy diệt trong tội lỗi của mình. Vì Thiên Chúa chọn, nên Ngài đã chuẩn bị một Kế Họach Cứu Độ cho con người qua biến cố Nhập Thể, cuộc Thương Khó, và Phục Sinh của Đức Kitô.

(2) Ngài tiếp tục gởi đến con người các sứ giả loan báo Tin Mừng: Bắt đầu từ các Tông Đồ và các môn đệ, họ được sai đi bởi chính Đức Kitô. Sau đó, các Tông Đồ và các môn đệ lại tiếp tục đào tạo những sứ giả và sai đi để loan báo Tin Mừng. Giáo Hội qua các thời đại vẫn tiếp tục đào tạo và sai đi những nhà rao giảng Tin Mừng. Chính Thánh Phaolô cũng từng đặt câu hỏi: Làm sao có đức tin nếu không có những người rao giảng Tin Mừng?

(3) Thiên Chúa ban Thánh Thần để soi lòng mở trí các tín hữu hiểu biết những lời rao giảng: Đây là yếu tố quyết định và Thánh Phaolô cắt nghĩa rất hay hôm nay: “Vì khi chúng tôi loan báo Tin Mừng cho anh em, thì không phải chỉ có lời chúng tôi nói, mà còn có quyền năng, có Thánh Thần, và một niềm xác tín sâu xa.”

(4) Cuộc sống chứng nhân của các môn đệ Chúa: Không chỉ rao giảng bằng lời nói, nhưng những người rao giảng Tin Mừng còn làm chứng cho Thiên Chúa bằng chính cuộc sống của mình: “Anh em biết, khi ở với anh em, chúng tôi đã sống thế nào để mưu ích cho anh em.”

3/ Phúc Âm: “Của Caesar, trả về Caesar; của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa.”

3.1/ Bẫy của các Kinh-sư: Bấy giờ các Kinh-sư đi bàn bạc với nhau, tìm cách làm cho Chúa Giê-su phải lỡ lời mà mắc bẫy. Họ sai các môn đệ của họ cùng đi với những người phe Hêrôđê đến gặp với Đức Giêsu. Mục đích của họ là dùng người Hêrôđê để bắt Chúa Giêsu nếu trả lời: “không” và dùng các môn đệ như sức ép nếu Chúa trả lời “có.” Bắt đầu bằng lời khen chóp lưỡi đầu môi: “Thưa Thầy, chúng tôi biết Thầy là người chân thật và cứ sự thật mà dạy đường lối của Thiên Chúa. Thầy cũng chẳng vị nể ai, vì Thầy không cứ bề ngoài mà đánh giá người ta. Vậy xin Thầy cho biết ý kiến: có được phép nộp thuế cho Caesar hay không?”

Họ nói vậy mà không phải vậy; nếu họ tin những lời họ nói, họ sẽ không bao giờ gài bẫy Ngài. Nhưng Đức Giêsu biết rõ ác ý của họ, nên Người nói với họ: “Tại sao các người lại thử tôi, hỡi những kẻ giả hình! Cho tôi xem đồng tiền nộp thuế! Họ liền đưa cho Người một quan tiền.” Nếu Chúa trả lời “không,” những người Hêrôđê sẽ bắt Chúa vì dám xúi giục dân chống lại đế quốc Rôma. Nếu Chúa trả lời “có,” Ngài sẽ mất sự kính trọng của dân, vì đã vào hùa với đế quốc để bắt dân phải đóng thuế. Đối với các Kinh-sư, chỉ có Thiên Chúa là Chúa thật. Họ quan niệm không cần phải đóng thuế cho Caecar, và coi những người thu thuế như Dân Ngọai.

3.2/ Cách thóat bẫy của Chúa: Người hỏi họ: “Hình và danh hiệu này là của ai đây?” Họ đáp: “Của Caesar.” Bấy giờ, Người bảo họ: “Thế thì của Caesar, trả về Caesar; của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa.” Bằng câu trả lời này Chúa muốn dạy họ 2 điều:

(1) Họ là công dân của nước trần thế: Theo lẽ công bằng họ phải đóng thuế cho chính phủ để trả lại những gì chính phủ đã làm cho họ: an ninh, giao thông, y tế …

(2) Họ là công dân của Nước Thiên Chúa: Theo lẽ công bằng họ phải trả cho Thiên Chúa những gì thuộc về Ngài: thời giờ, tài năng, tình yêu …

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

– Mọi quyền bính đến từ Thiên Chúa dù người cầm quyền có biết hay không. Ngài có thể xử dụng nhà cầm quyền như chiếc roi để đánh phạt dân và có thể bẻ gẫy cây roi khi đã dùng xong. Mọi thần quyền hay thế quyền đều bị điều khiển bởi Thiên Chúa.

Niềm tin của chúng ta có được cũng là do Thiên Chúa: Ngài đã chọn chúng ta trước, Ngài ban Thánh Thần giúp chúng ta hiểu biết Lời Chúa và tin vào Chúa Kitô, và Ngài gởi các sứ giả đến rao giảng Tin Mừng cho chúng ta.

– Chúng ta là công dân của cả hai nước: Nước Trời và nước trần thế. Chúng ta phải suy xét cẩn thận để tìm ra câu trả lời cho câu hỏi: “Cái gì thuộc về Thiên Chúa?” Sau đó, phải mạnh dạn trả Thiên Chúa những gì thuộc về Thiên Chúa. Đồng thời, chúng ta cũng là công dân của quốc gia trần thế; chúng ta có bổn phận phải đóng góp để xây dựng quốc gia. 

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

****************