Chúa Nhật (19-11-2023) – Trang suy niệm

18/11/2023

Lời Chúa Hôm Nay

Kính trọng thể các Thánh Tử Đạo Việt Nam

BÀI ĐỌC I: Kn 3, 1-9

“Chúa chấp nhận các ngài như của lễ toàn thiêu”.

Trích sách Khôn Ngoan.

Linh hồn những người công chính ở trong tay Chúa, và đau khổ sự chết không làm gì được các ngài. Ðối với con mắt của người không hiểu biết, thì hình như các ngài đã chết và việc các ngài từ biệt chúng ta, là như đi vào cõi tiêu diệt. Nhưng thật ra các ngài sống trong bình an. Và trước mặt người đời, dầu các ngài có chịu khổ hình, lòng trông cậy của các ngài cũng không chết. Sau một giây lát chịu khổ nhục, các ngài sẽ được vinh dự lớn lao; vì Chúa đã thử thách các ngài như thử vàng trong lửa, và chấp nhận các ngài như của lễ toàn thiêu.

Khi đến giờ Chúa ghé mắt nhìn các ngài, các người công chính sẽ sáng chói và chiếu toả ra như ánh lửa chiếu qua bụi lau. Các ngài sẽ xét sử các dân tộc, sẽ thống trị các quốc gia, và Thiên Chúa sẽ ngự trị trong các ngài muôn đời. Các ngài đã tin tưởng ở Chúa, thì sẽ hiểu biết chân lý, và trung thành với Chúa trong tình yêu, vì ơn Chúa và bình an sẽ dành cho những người Chúa chọn.

Ðó là Lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 125, 1-2ab. 2cd-3. 4-5. 6

Ðáp: Chúa đã đối xử đại lượng với chúng tôi, nên chúng tôi mừng rỡ hân hoan (c. 3).

Xướng: 1) Khi Chúa đem những người Sion bị bắt trở về, chúng tôi dường như Người đang mơ, bấy giờ miệng chúng tôi vui cười, lưỡi chúng tôi thốt lên những tiếng hân hoan. – Ðáp.

2) Bấy giờ dân thiên hạ nói với nhau rằng: “Chúa đã đối xử với họ cách đại lượng”. Chúa đã đối xử đại lượng với chúng tôi, nên chúng tôi mừng rỡ hân hoan. – Ðáp.

3) Lạy Chúa, xin hãy đổi số phận của con, như những dòng suối ở miền nam. Ai gieo trong lệ sầu, sẽ gặt trong hân hoan. – Ðáp.

4) Thiên hạ vừa đi vừa khóc, tay mang thóc đi gieo; họ trở về hân hoan, vai mang những bó lúa. – Ðáp.

 BÀI ĐỌC II: 1 Cr 1, 17-25

“Vì tiếng nói của Thập Giá là sức mạnh của Thiên Chúa ban cho chúng ta”.

Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.

Anh em thân mến, Ðức Kitô không sai tôi đi rửa tội, mà là rao giảng Tin Mừng, không phải bằng lời nói khôn khéo, kẻo Thập giá của Ðức Kitô ra hư không.

Vì chưng lời rao giảng về Thập giá là sự điên rồ đối với những kẻ hư mất; nhưng đối với những người được cứu độ là chúng ta, thì điều đó là sức mạnh của Thiên Chúa. Vì như đã chép rằng: “Ta sẽ phá huỷ sự khôn ngoan của những kẻ khôn ngoan, sẽ chê bỏ sự thông thái của những người thông sáng. Người khôn ngoan ở đâu? Người trí thức ở đâu? Người lý sự đời này ở đâu?” Nào Thiên Chúa chẳng làm cho sự khôn ngoan của đời này hoá ra điên rồ đó sao? Vì thế gian tự phụ là khôn, không theo sự khôn ngoan của Thiên Chúa mà nhận biết Thiên Chúa, thì Thiên Chúa đã muốn dùng sự điên rồ của lời rao giảng để cứu độ những kẻ tin. Vì chưng, các người Do-thái đòi hỏi những dấu lạ, những người Hy-lạp tìm kiếm sự khôn ngoan, còn chúng tôi, chúng tôi rao giảng Chúa Kitô chịu đóng đinh trên thập giá, một cớ vấp phạm cho người Do-thái, một sự điên rồ đối với các người ngoại giáo. Nhưng đối với những người được gọi, dầu là Do-thái hay Hy-lạp, thì Ngài là Chúa Kitô, quyền năng của Thiên Chúa, và sự khôn ngoan của Thiên Chúa, vì sự điên dại của Thiên Chúa thì vượt hẳn sự khôn ngoan của loài người, và sự yếu đuối của Thiên Chúa thì vượt hẳn sức mạnh của loài người.

Ðó là lời Chúa.

ALLELUIA: 1 Pr 4, 14

Alleluia, alleluia! – Nếu anh em bị sỉ nhục vì danh Chúa Kitô, thì phúc cho anh em, vì Thánh Thần Chúa sẽ ngự trên anh em. – Alleluia.

PHÚC ÂM: Mt 10, 17-22

“Các con sẽ bị điệu đến nhà cầm quyền và vua chúa vì Thầy, để làm chứng cho họ và cho dân ngoại biết”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các Tông đồ rằng: “Các con hãy coi chừng người đời, vì họ sẽ nộp các con cho công nghị, và sẽ đánh đập các con nơi hội đường của họ. Các con sẽ bị điệu đến nhà cầm quyền và vua chúa vì Thầy, để làm chứng cho họ và cho dân ngoại được biết. Nhưng khi người ta bắt nộp các con, thì các con đừng lo nghĩ phải nói thế nào và nói gì. Vì trong giờ ấy sẽ cho các con biết phải nói gì: vì chưng, không phải chính các con nói, nhưng là Thánh Thần của Cha các con nói trong các con. Anh sẽ nộp em, cha sẽ nộp con, con cái sẽ chống lại cha mẹ và làm cho cha mẹ phải chết. Vì danh Thầy, các con sẽ bị mọi người ghen ghét, nhưng ai bền đỗ đến cùng, kẻ ấy sẽ được cứu độ”.

Ðó là lời Chúa.

(Nguồn: UBPV/HĐGMVN, ấn bản 1973)

++++++++++++++++++

19/11/2023 – CHÚA NHẬT TUẦN 33 TN – A

Kính trọng thể các thánh tử đạo Việt Nam

Lc 9,23-26

TƯỞNG MẤT ĐI NHƯNG LẠI ĐƯỢC

“Ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất, còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi, thì sẽ cứu được mạng sống ấy.” (Lc 9,24)

Suy niệm: Những lời Chúa trên đây vẫn vang vọng và hiện thực qua bao thế hệ cho đến hôm nay. Đã có bao nhiêu người sẵn sàng đánh đổi mạng sống để thực thi lời ấy? Ngày ấy ai đã dám bước lên pháp trường trong ánh mắt và linh hồn hướng về trời; ngày ấy ai đã dám ‘bất khẳng quá khoá’ (không chịu chối đạo bằng cách bước qua thập giá), để rồi phải chịu chết rũ tù, chịu phanh thây, trảm quyết, bá đao và biết bao khổ hình khủng khiếp khác? Đó là hàng trăm ngàn tín hữu đã chấp nhận vong thân để làm chứng cho niềm tin bất khuất, mà trong số đó, 118 vị được nêu danh và tuyên hiển thánh và chân phước. Lời Chúa trên đây đã thành hiện thực: “Ai dám liều mất mạng sống mình vì Chúa thì sẽ cứu được mạng sống ấy.”

Mời Bạn: Chúng ta không chết vì đạo như các vị thuở xưa nhưng có thể chết vì đạo từng giây phút trong cuộc sống hằng ngày, khi chúng ta hy sinh, đón nhận những điều trái ý, những bất công, khinh miệt, thù ghét chỉ vì chúng ta dám trung thành sống theo Lời Chúa truyền dạy. Bạn đã có kinh nghiệm tử vì đạo trong những tình huống tương tự như vậy chưa?

Sống Lời Chúa: Bạn chọn một điều trong Tám Mối Phúc Thật để trung thành thực hiện trong cuộc sống.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, lời Chúa là sức mạnh để các thánh tử đạo trung kiên trong niềm tin vào Chúa. Xin cho chúng con cũng biết lấy Lời Chúa làm kim chỉ nam cho cuộc sống để chúng con luôn trung thành với Chúa trong mọi hoàn cảnh, dù gặp bất cứ khó khăn, thiệt thòi nào. Amen.

(5 Phút Lời Chúa)

++++++++++++++++++

Suy niệm và cầu nguyện

Suy Niệm

Khi một người biết mình sắp lìa đời,
người ấy thường nghĩ đến những người thân yêu phải xa cách.
Đức Giêsu cũng vậy.
Trong lời cầu nguyện với Cha trước giờ ra đi,
Ngài đã nói nhiều với Cha về các môn đệ (Ga 17,9-19).
Đây là những kẻ mà Ngài yêu đến tột cùng và kỳ cùng (Ga 13,1).
Sắp đến giờ chia tay, Thầy trò mỗi người một ngả.
Thầy thì bỏ thế gian mà “đến cùng Cha” (Ga 17,11.13).
Trò thì vẫn còn ở trong thế gian, bị thế gian thù ghét (Ga 17,11.14).
Đức Giêsu biết rõ sức mạnh của thế gian, của bóng tối,
sức mạnh mà Ngài sắp phải đối đầu.
và các môn đệ cũng sẽ phải đối diện, khi không có Ngài ở bên.

Đức Giêsu chia sẻ với Cha nỗi lo của mình về các môn đệ.
Khi còn ở với họ, Ngài đã gìn giữ họ, đã canh giữ (Ga 17,12).
Giờ đây, Ngài nài xin Cha gìn giữ họ khỏi ác thần (Ga 17,11b.15).
Ngài lo cho họ trong cuộc chiến với tên thủ lãnh thế gian (Ga 16,11),
dù Ngài từng nói với họ: “Thầy đã thắng thế gian !” (Ga 16,33).
Đức Giêsu biết đàn chiên rồi sẽ bị tấn công, bị cướp bóc.
Nhưng nhiệm vụ của Cha và Con là bảo vệ,
để không ai cướp được chiên khỏi tay mình (Ga 10,28-29).

Nếu các môn đệ bị thế gian thù ghét, đó đâu phải là chuyện lạ,
vì nó đã thù ghét Thầy trước rồi (Ga 15,18.24).
Bị thế gian khai trừ, chống đối, bị ngược đãi, và bị giết:
đó là thân phận của người môn đệ (Ga 15,20-21; 16,1-2; 17,14).
Đó là thân phận của người không “thuộc về thế gian.”
Thế gian ghét những ai không thuộc về nó.
Người môn đệ được Thầy Giêsu chọn ra khỏi thế gian (Ga 15,19),
rồi lại được Thầy sai vào trong thế gian (Ga 17,18).
Đức Giêsu không xin Cha đem họ ra khỏi thế gian (Ga 17,15),
chỉ mong họ ở trong thế gian mà không thuộc về nó (Ga 17,14.16),
nhưng thuộc trọn về Cha và về Con (Ga 17,6.10).
Nhờ sống giữa thế gian, họ mới làm cho thế gian tin
và nhận biết rằng chính Cha đã sai Con (Ga 17,21.23).

Những lời Đức Giêsu cầu xin với Cha đã ứng nghiệm
nơi cuộc sống và cái chết của các Thánh Tử Đạo tại Việt Nam.
Chẳng ai biết được chính xác số kitô hữu
đã chịu đau khổ và chịu chết trên mảnh đất quê hương này.
Họ gồm cả nam nữ, trẻ già, linh mục, giám mục và giáo dân,
là lính hay quan, là người Việt hay nhà truyền giáo ngoại quốc.
Họ chết vì đủ kiểu tra tấn, xử trảm, xử giảo, hay chết rũ tù.
Trước khi đón nhận cái chết, họ đã chọn Đức Giêsu là Chúa.
Chọn lựa này khiến họ không thể đưa chân bước qua thập tự,
dù bước qua là thoát gông cùm, được chức quyền, bổng lộc.
Rõ ràng họ không chọn thuộc về thế gian,
không lung lay trước những mời mọc và hứa hẹn của nó.
“Vì danh Thầy” họ chịu những gì Thầy đã chịu (Ga 15,20).
Chúa Cha và Chúa Con đã gìn giữ và che chở họ,
không phải để họ tránh khỏi cái chết thảm khốc,
nhưng để họ can đảm đón nhận cái chết với nhiều tình yêu.
Nhờ ơn Chúa, các vị tử đạo đã thắng được mọi nỗi sợ.
Họ thường tiến ra pháp trường với sự đĩnh đạc an vui.
Vui vì biết cái chết chóng qua sẽ đưa họ ở bên Thầy mãi mãi.

Lúc nào chúng ta cũng phải sống trong thế gian.
Thế gian của các vị tử đạo là thế gian thời phong kiến.
Thế gian hôm nay có nhiều quyến rũ hơn, ru ngủ hơn.
Không có bách hại gay go, nhưng có nhiều cám dỗ ngọt ngào.
Lắm khi chúng ta bước qua thập giá mà không hay.
Xin Cha làm chúng ta nên thánh trong thế gian này (Ga 17,17),
để sau khi sống cuộc vượt qua của riêng mình,
ta được cùng ở với Chúa Giêsu trong nhà Cha (Ga 17,24).

 Cầu Nguyện

Lạy Chúa Giêsu, vị tử đạo tuyệt vời,
Chúa đưa chúng con vào thế giằng co liên tục.
Chúa vừa chọn chúng con ra khỏi thế gian,
lại vừa sai chúng con vào trong thế gian đó.
Thế gian này vàng thau lẫn lộn.
Có khi vàng chỉ là lớp mạ bên ngoài.

Xin cho chúng con
giữ được bản lãnh của mình,
giữ được vị mặn của muối,
và sức tác động của men,
để đem đến cho thế gian
một linh hồn, một sức sống.
Chúng con chẳng sợ mình bỏ đạo,
chỉ sợ mình bỏ sống đạo
vì bị quyến rũ bởi bao thú vui trần thế.

Xin cho chúng con đừng bao giờ quên rằng
chúng con mang dòng máu của các vị tử đạo,
những người đã đặt Chúa lên trên mạng sống.

Lạy Chúa Giêsu, nếu thế gian ghét chúng con,
thì xin cho chúng con cảm thấy niềm vui
của người được diễm phúc nên giống Chúa.

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

(phutcaunguyen.net)

++++++++++++++++++

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên

19 THÁNG MƯỜI MỘT

Tiếng Gọi Chung Thủy

Được sinh ra từ tình yêu sáng tạo của Thiên Chúa, hôn nhân tìm thấy luật nền tảng và giá trị luân lý của nó trong một tình yêu đích thực giữa hai người. Cả vợ và chồng đều hoàn toàn dấn thân để nâng đỡ nhau. Và xuất phát từ khát vọng chung của hai người muốn sống trung thành với tình yêu của Thiên Chúa – là Đấng Sáng Tạo và là Cha của mình – họ sinh ra sự sống mới. Sứ mạng mà họ lãnh nhận từ Thiên Chúa này đòi hỏi họ phải có một sự dấn thân triệt để hơn nữa và một ý thức cao vượt hơn nữa về những trách nhiệm của họ trong tư cách là con người và là Kitôhữu.

Họ phải không ngừng tìm cách tận dụng các ân sủng tuôn chảy từ Bí Tích Hôn Nhân. Ân sủng bí tích này thật cần thiết để giúp họ đương đầu với những thách đố của bao khó khăn trong cuộc sống hằng ngày. Các đôi vợ chồng Kitôhữu tìm thấy ánh sáng và sức mạnh để giải quyết những vấn đề riêng của họ nhờ ân sủng này. Họ có thể sống triệt để một tình yêu đích thực và phổ quát – trước hết đó là tình yêu hướng về Thiên Chúa, vì họ phải khao khát vinh quang của Ngài và nhiệt tình mở rộng Nước Ngài; thứ hai, đó là tình yêu hướng về con cái họ trong ánh sáng của nguyên tắc Thánh Phao-lô: “Tình yêu không tìm ích lợi cho riêng mình” (1Cr 13,5); và cuối cùng, đó là tình yêu hướng về nhau trong đó người này tìm cách phục vụ người kia và hiểu được những tâm tư nguyện vọng tốt lành của người kia. Ở đây không có sự độc đoán hay ích kỷ chen vào trong ý hướng. Không, ở đây chỉ có một tình yêu trọn vẹn và phổ quát.

Điều này giải thích tại sao linh đạo vợ chồng đòi hỏi một nỗ lực triệt để về luân lý và sự thánh thiện suốt đời. Nó phải được nuôi dưỡng bởi những niềm vui và những hy sinh trong đời sống hằng ngày.

Những người vợ và chồng, anh chị em đừng cảm thấy cô đơn trong sự dấn thân của anh chị em cho các mục đích nói trên. Thật vậy, Công Đồng nhắc anh chị em rằng “Hôn Phu của Giáo Hội đến gặp gỡ các đôi vợ chồng Kitôhữu qua Bí Tích Hôn Phối. Ngài vẫn ở với họ để – như Ngài đã yêu thương Giáo Hội và hiến mình cho Giáo Hội – họ cũng yêu thương nhau bằng một tình yêu chung thủy” (MV 48). Anh chị em hãy sống tình yêu chung thủy ấy, sự chung thủy được nâng đỡ bởi chính tình yêu của Chúa Kitô.

– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –

Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác

LIFT UP YOUR HEARTS

Daily Meditations by Pope John Paul II

+++++++++++++++++

Lời Chúa Trong Gia Đình

Ngày 19-11

Chúa Nhật XXXIII Thường niên

Kính trọng thể Các Thánh Tử Đạo Việt Nam

Cn 31, 10-13.19-20. 30-31; 1Tx 5, 1-6; Mt 25, 14-30.

Lời suy niệm: “Vì phàm ai đã có, thì được cho thêm và sẽ có dư thừa, còn ai không có, thì ngay cái đang có, cũng sẽ bị lấy đi”

          Hôm nay ngày Chúa Nhật 33 Thường Niêm gần cuối năm phụng vụ. Giáo Hội cho chúng ta nghe lại Tin Mừng: “Dụ ngôn Những Nén Bạc” mà Chúa Giêsu đã đưa ra. Để mỗi người trong chúng ta tổng kết đời mình với những tình yêu và ân sủng của Chúa ban. Chúng ta đã sử dụng như thế nào? Đã sinh lợi cho mình, cho gia đình mình, cho người anh em, và cho Nước Trời như thế nào? Nếu không biết sử dụng, không sinh lợi, thì Chúa sẽ cất đi mà giao cho người khác.

          Lạy Chúa Giêsu. Xin cho chúng con luôn biết dùng ơn thánh Chúa ban cho nên; để đem lại phần rỗi linh hồn chúng con. Và làm vinh danh Chúa nơi môi trường chúng con đang sống. Để mọi người nhìn thấy mọi việc chúng con làm mà nhận ra có Thiên Chúa. Amen.

Mạnh Phương

+++++++++++++++++

19 Tháng Mười Một

Một Lỗ Nhỏ Trên Vách Tường

Tại một trung tâm bài phung nọ, đa số các nạn nhân đều buồn chán vì cảm thấy bị bỏ rơi và bị mọi người xa lánh. Tuy nhiên, có một người vẫn còn biết cười và vẫn tiếp tục tạ ơn khi được giúp đỡ.

Vị nữ tu coi sóc trung tâm muốn tìm hiểu đâu là nguyên nhân của phép lạ này. Sau nhiều ngày theo dõi, vị nữ tu mới khám phá rằng, xuyên qua một lỗ nhỏ trên vách tường ngăn cách trung tâm với thế giới bên ngoài, ngày ngày có một người đàn bà đến nhìn vào và mỉm cười rất trìu mến. Ðó là tất cả sức mạnh và niềm hy vọng của người đàn ông xấu số. Mỗi ngày, ông chờ đợi nụ cười ấy. Khuôn mặt của người đàn bà chỉ chợt xuất hiện, mỉm cười và biến mất. Người đàn ông duy nhất còn biết cười trong trung tâm bài phung đó đã giải thích cho vị nữ tu như sau:

“Người đàn bà ấy chính là vợ tôi. Trước khi tôi đến đây, nàng đã tìm đủ mọi cách để chữa chạy tôi. Mỗi ngày, nàng lau sạch một khoảng nhỏ trên khuôn mặt tôi và đặt lên đó một cái hôn… Nhưng cuối cùng, nàng không thể giữ tôi lâu hơn. Người ta đã đến đưa tôi vào trung tâm này.

Nhưng vợ tôi đã không bỏ tôi. Mỗi ngày, nàng đến nhìn qua lỗ hỏng của vách tường và mỉm cười với tôi. Nhờ nàng, tôi biết rằng tôi vẫn còn sống. Nhờ nàng, tôi vẫn còn muốn sống…”.

Tình yêu mạnh hơn sự chết. Tình yêu đã làm cho người vợ không nhìn người chồng xấu số như một con người đáng xa lánh. Tình yêu của người vợ đã đem lại sức mạnh và niềm vui sống cho người chồng… Nhu cầu căn bản nhất của con người là yêu và được yêu. Bất cứ ai cũng cần đến tình yêu và muốn thể hiện tình yêu… Bạn có biết rằng có bao người đang cần một nghĩa cử, một nụ cười, một ánh mắt cảm thông của bạn không?

(Lẽ Sống)

++++++++++++++++++

Lời Chúa Mỗi Ngày

Chúa Nhật 33 – Năm A – Thường Niên 

Bài đọc: Prov 31:10-13, 19-20, 30-31; I Thes 5:1-6; Mt 25:14-30. 

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Chăm chỉ làm việc cho xứng đáng với sự tin tưởng của Thiên Chúa.

Chăm chỉ làm việc là yếu tố quan trọng nhất quyết định sự thành công của một người. Truyện ngụ ngôn của Jean de La Fontaine đã nhiều lần chứng minh điều này qua câu truyện của con ve sầu và con kiến, con rùa và con thỏ, … Dù không có tài năng nhiều, nhưng nếu chăm chỉ làm việc, sớm muộn rồi cũng thành công đạt đích; nhưng nếu tài năng xuất chúng mà lười biếng không chịu làm việc, sẽ không bao giờ thành công được. Các Bài đọc hôm nay cho chúng ta nhìn thấy sự cần thiết của chăm chỉ làm việc: Bài đọc I dẫn chứng hình ảnh của người vợ khôn ngoan, bà chuyên cần làm việc để mưu ích cho gia đình. Bài đọc II dẫn chứng hình ảnh người đầy tớ trung thành, anh biết tỉnh thức và sống tiết độ để chờ ngày chủ trở về. Phúc Âm dẫn chứng 2 hình ảnh trái ngược: 2 người đầy tớ trung thành và khôn ngoan, biết lợi dụng tài sản chủ trao, chăm chỉ làm việc để sinh lợi cho chủ; và người đầy tớ biếng nhác, chẳng những đã không sinh lời cho chủ, mà còn cay đắng trách luôn cả chủ là người hà khắc, keo kiệt.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Người vợ khôn ngoan

Bài đọc hôm nay nằm trong chương cuối cùng của Sách Châm Ngôn. Sau khi đã chưng dẫn rất nhiều ý tưởng khôn ngoan của người xưa và của các dân tộc trong Sách, tác giả tổng kết lại trong hình ảnh của một người vợ lý tưởng. Khôn ngoan trong Israel ngày xưa không như khôn ngoan trong triết học ngày nay, lối khôn ngoan rất cách xa với cuộc sống thực tế và không mấy quan tâm để tìm ra lẽ sống. Khôn ngoan ngày xưa trước tiên là biết quán xuyến đời mình. Vai trò của người vợ trong gia đình là phải biết cách tạo nên một tổ ấm cho gia đình được hạnh phúc, và giúp đào tạo những người con có khả năng phục vụ gia đình và xã hội trong tương lai. Theo tác gỉa, tìm được một người vợ khôn ngoan như thế là như tìm được một kho tàng: “Nàng quý giá vượt xa châu ngọc. Chồng nàng hết dạ tin tưởng nàng, chàng sẽ chẳng thiếu chi lợi lộc. Suốt đời, nàng đem lại hạnh phúc chứ không gây tai hoạ cho chồng.”

Thế nào là một người vợ lý tưởng? Phải chăng là sắc đẹp hay duyên dáng? Tác giả cho “duyên dáng là giả trá, sắc đẹp là phù vân.” Giống như quan niệm của cha ông ta ngày xưa, “cái nết đánh chết cái đẹp.” Sắc đẹp mau tàn, nhiều khi đã chẳng sinh lợi, lại còn làm cho gia đình tan nát; nhưng các đức tính tốt sẽ tồn tại và chắc chắn sinh lợi ích cho gia đình. Nhưng đâu là những đức tính quan trọng của người vợ lý tưởng? Tác giả liệt kê 2 nhân đức:

(1) Mến Chúa yêu người: là 2 tiêu chuẩn quan trọng nhất để xác định một người vợ lý tưởng.

– Kính mến Chúa: Theo truyền thống khôn ngoan của Do-Thái: “Kính sợ Chúa là đầu mối mọi khôn ngoan.” Người vợ kính sợ Chúa sẽ biết cách khuyên bảo chồng và dạy dỗ con biết kính sợ Chúa và giữ các giới răn của Ngài: “Người phụ nữ kính sợ Đức Chúa mới đáng cho người đời ca tụng.”

– Yêu tha nhân: Ai kính sợ Thiên Chúa, cũng phải yêu tha nhân. Người vợ khôn ngoan không chỉ biết lo cho gia đình ở đời này, nhưng còn biết lo liệu sao cho gia đình được đòan tụ trên Nước Trời đời sau. Giúp đỡ người nghèo khổ là chuẩn bị cho gia đình đời sau. Vì vậy, người vợ khôn ngoan là người biết “rộng tay giúp người nghèo khổ và đưa tay cứu kẻ khốn cùng.”

(2) Chuyên cần làm việc: Vì “ở không là mẹ các tật xấu,” người vợ khôn ngoan không phí thời giờ để bàn chuyện thiên hạ; “nàng tìm kiếm len và vải gai, rồi vui vẻ ra tay làm việc; nàng tra tay vào guồng kéo sợi, và cầm chắc suốt chỉ trong tay.” Bằng chăm chỉ làm việc, người vợ khôn ngoan biết chăm lo mọi sự trong nhà, chăm sóc miếng ăn cho chồng con. Nàng biết nhìn xa trông rộng, không tiêu xài hoang phí, và biết kiếm thêm tiền để phòng xa, chứ không chỉ trông vào đồng lương của chồng mà thôi.

Hậu quả người vợ khôn ngoan gặt hái đựơc là thành công: cá nhân nàng, gia đình nàng, và xã hội. Thiên hạ tán dương nàng: “Ước chi nơi cổng thành nàng luôn được tán dương ca tụng do những việc nàng làm.”

2/ Bài đọc II: Người đầy tớ trung thành biết tỉnh thức và sống tiết độ.

2.1/ Sự bất thình lình của ngày giờ Chúa đến: “Thưa anh em, về ngày giờ và thời kỳ Chúa đến, anh em không cần ai viết cho anh em. Vì chính anh em đã biết rõ: ngày của Chúa sẽ đến như kẻ trộm ban đêm.” Điểm “bất ngờ” này đã được Chúa Giêsu đề cập đến nhiều lần trong các Tin Mừng (x/c Mt 24:43, Lk 12:39). Chính khi người ta nói: “Bình an biết bao, yên ổn biết bao!” thì lúc ấy tai hoạ sẽ thình lình ập xuống, tựa cơn đau chuyển bụng đến với người đàn bà có thai, và sẽ chẳng có ai trốn thoát được.

2.2/ Người đầy tớ trung thành biết tỉnh thức và chăm chỉ làm việc: Vì không biết khi nào Ngày ấy sẽ đến, nên con người phải luôn tỉnh thức sẵn sàng. Đêm tối là lúc cám dỗ con người nhiều nhất, và con người dễ bị sa ngã trong khỏang thời gian này vì mê ngủ và vì không chuẩn bị sẵn sàng. Để có thể thắng vượt được cám dỗ, Thánh Phaolô khuyên: “Vì tất cả anh em là con cái ánh sáng, con cái của ban ngày. Chúng ta không thuộc về đêm, cũng không thuộc về bóng tối. Vậy chúng ta đừng ngủ mê như những người khác, nhưng hãy tỉnh thức và sống tiết độ.”

3/ Phúc Âm: Trung thành làm việc cho xứng với niềm tin của chủ.

Chúa Giêsu kể cho dân một ngự ngôn như sau: Quả thế, cũng như có người kia sắp đi xa, liền gọi đầy tớ đến mà giao phó của cải mình cho họ. Ông cho người này năm yến, người kia hai yến, người khác nữa một yến, tuỳ khả năng riêng mỗi người. Yến bạc có giá trị tương đương khỏang 5000-6000 dennari thời đó; và tiền công nhật mỗi ngày là 1 dennari; như thế, một yến tương xứng với khỏang 18 năm làm việc mỗi ngày, một số tiền không phải nhỏ.

3.1/ Sự khôn ngoan và tin tưởng của ông chủ:

– Sự khôn ngoan của ông chủ: Nhiều người thắc mắc: “Tại sao ông chủ không trao đồng đều để tránh sự ganh tị?” Lý do là vì ông chủ biết rõ tính các đầy tớ của mình, nên ông giao của tùy khả năng mỗi người. Điều này chứng tỏ sự khôn ngoan của ông: tiền bạc đầu tư là phải sinh lời. Nếu là người lười biếng thì có giao cho họ dù chỉ một yến cũng là vô ích.

– Ông tin tưởng nơi các đầy tớ: Khi giao cho họ xong là ông trẩy đi phương xa, chứ không ở gần để xem xét dòm ngó hay khuyên răn chỉ bảo. Họ có tự do hòan tòan để dùng khôn ngoan mà đầu tư tiền của chủ dưới bất cứ hình thức nào.

3.2/ Đầy tớ khôn ngoan và phần thưởng trung thành: Điểm đặc biệt của ông chủ là ông không ra giá phải sinh lợi bao nhiêu, ông để cho các đầy tớ hòan tòan quyết định điều đó.

(1) Đầy tớ tài giỏi: Lập tức, người đã lãnh năm yến lấy số tiền ấy đi làm ăn buôn bán, và gây lời được năm yến khác. Cũng vậy, người đã lãnh hai yến gây lời được hai yến khác. Họ bắt đầu làm việc “ngay lập tức,” chứ không phí thời giờ chờ đợi.

(2) Phần thưởng trung thành: Sau một thời gian lâu dài, ông chủ đến tính sổ với các đầy tớ và thanh toán sổ sách với họ:

– Người đã lãnh năm yến tiến lại gần, đưa năm yến khác, và nói: “Thưa ông chủ, ông đã giao cho tôi năm yến, tôi đã gây lời được năm yến khác đây.” Ông chủ nói với người ấy: “Khá lắm! hỡi đầy tớ tài giỏi và trung thành! Được giao ít mà anh đã trung thành, thì tôi sẽ giao nhiều cho anh. Hãy vào mà hưởng niềm vui của chủ anh!”

– Người đã lãnh hai yến cũng tiến lại gần và nói: “Thưa ông chủ, ông đã giao cho tôi hai yến, tôi đã gây lời được hai yến khác đây.” Ông chủ nói với người ấy: “Khá lắm! hỡi đầy tớ tài giỏi và trung thành! Được giao ít mà anh đã trung thành, thì tôi sẽ giao nhiều cho anh. Hãy vào mà hưởng niềm vui của chủ anh!”

3.3/ Đầy tớ lười biếng và hình phạt:

– Phản ứng của người lãnh một yến: Đã không sinh lời cho chủ, anh còn tìm lý do để biện minh cho sự biếng lười của mình bằng cách tố cáo chủ: “Thưa ông chủ, tôi biết ông là người hà khắc, gặt chỗ không gieo, thu nơi không vãi. Vì thế, tôi đâm sợ, mới đem chôn giấu yến bạc của ông dưới đất. Của ông đây, ông cầm lấy!”

– Phản ứng của ông chủ: “Hỡi đầy tớ tồi tệ và biếng nhác! Anh đã biết tôi gặt chỗ không gieo, thu nơi không vãi, thì đáng lý anh phải gởi số bạc của tôi vào ngân hàng, để khi tôi đến, tôi thu được cả vốn lẫn lời chứ! Vậy các ngươi hãy lấy yến bạc khỏi tay nó mà đưa cho người đã có mười yến. Còn tên đầy tớ vô dụng kia, hãy quăng nó ra chỗ tối tăm bên ngoài: ở đó, sẽ phải khóc lóc nghiến răng.”

– Ý hướng của ông chủ: Ông không đặt nặng vấn đề lời lãi vì ông không ra giá phải sinh lời bao nhiêu phần trăm. Ông trao cho mỗi người tùy theo khả năng và ông mong họ cũng sinh lời cho ông tùy theo khả năng của họ. Điểm ông muốn nhắm tới ở đây là sự chăm chỉ làm việc; qua dấu chỉ này, các đầy tớ chứng tỏ cho ông biết họ có xứng đáng với lòng tin của ông vào họ hay không. Ông chủ nói rõ: “Vì phàm ai đã có, thì được cho thêm và sẽ có dư thừa; còn ai không có, thì ngay cái đang có, cũng sẽ bị lấy đi.”

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

– Thiên Chúa cho chúng ta thời giờ, tài năng, sức khỏe, của cải vật chất trong cuộc đời là để cho chúng ta chăm chỉ làm việc sinh lời cho Thiên Chúa. Chắc chắn sẽ có ngày chúng ta phải tính sổ với Ngài. Nếu chúng ta luôn chăm chỉ làm việc, chúng ta sẽ không quan tâm đến ngày phải tính sổ; nhưng nếu chúng ta ngủ mê lười biếng, ngày ấy sẽ là ngày kinh hòang cho chúng ta.

– Chúng ta đừng bận tâm nhìn chung quanh để so sánh bản thân với người khác; nhưng để tâm xét mình để nhìn ra chúng ta có thể làm gì với những quà tặng Thiên Chúa đã ban. Ngài ban cho mỗi người tùy khả năng: ban càng nhiều thì phải sinh lời càng nhiều và ngược lại. Điều quan trọng không phải ở chỗ lời lãi; nhưng ở chỗ chúng ta chăm chỉ làm việc và trung thành sống xứng đáng với lòng tin tưởng của Thiên Chúa.

– Nếu chúng ta sống xứng đáng với sự tin tưởng của Thiên Chúa, Ngài sẽ ban cho chúng ta thêm và cho chúng ta hưởng muôn vàn phúc lành khác; nhưng nếu chúng ta ngủ mê, than phiền, lười biếng, Ngài sẽ lấy đi tất cả và chúng ta sẽ phải khóc lóc suốt đời. 

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

****************