Chúa Nhật (20-02-2022) – Trang suy niệm

19/02/2022

Lời Chúa Hôm Nay

Chúa Nhật Tuần VII Mùa Thường Niên Năm C

BÀI ĐỌC I: 1 Sm 26, 2. 7-9. 12-13. 22-23

“Chúa trao đức vua trong tay tôi mà tôi không nỡ ra tay”.

Trích sách Samuel quyển thứ nhất.

Trong những ngày ấy, Saolê cùng với ba ngàn quân sĩ tinh nhuệ của Israel kéo xuống hoang địa Ziphô để vây bắt Đavít. Ban đêm Đavít và Abisai đến nơi quân sĩ (của vua) đóng, và thấy Saolê đang nằm ngủ trong lều, cây giáo của ông thì cắm xuống đất ở phía đầu. Abner và quân sĩ thì ngủ chung quanh ông.

Abisai liền nói với Đavít rằng: “Hôm nay, Thiên Chúa đã trao kẻ thù trong tay ngài; vậy giờ đây xin cho tôi lấy giáo đâm ông ấy một phát thâu xuống đất, không cần đến phát thứ hai”. Nhưng Đavít nói với Abisai rằng: “Chớ giết ngài, vì có ai đưa tay phạm đến Đấng Chúa xức dầu mà vô tội đâu?” Rồi Đavít lấy cây giáo và bình nước ở phía đầu của Saolê và cả hai ra đi. Không ai hay biết và không ai thức dậy, nhưng mọi người vẫn ngủ, vì Chúa khiến họ ngủ say.

Đavít sang phía bên kia, đứng trên ngọn núi đàng xa, đôi bên cách xa nhau. Ngài hô lên rằng: “Đây là ngọn giáo của nhà vua, một trong các cận vệ của vua hãy qua đây mà lấy, Chúa sẽ báo đáp cho mỗi người tuỳ theo sự công minh và thành tín cuả họ, vì hôm nay Chúa trao đức vua trong tay tôi mà tôi không nỡ ra tay giết đấng được Chúa xức dầu”. Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 102, 1-2. 3-4. 8 và 10. 12-13.

Đáp: Chúa là Đấng từ bi và hay thương xót. (c. 8a).

Xướng:

1) Linh hồn tôi ơi, hãy chúc tụng Chúa, và toàn thể con người tôi, hãy chúc tụng danh Người. Linh hồn tôi ơi, hãy chúc tụng Chúa, và chớ khá quên mọi ân huệ của Người. – Đáp.

2) Người đã tha thứ cho mọi điều sai lỗi, và chữa ngươi khỏi mọi tật nguyền. Người chuộc mạng ngươi khỏi chỗ vong thân, Người đội đầu ngươi bằng mão từ bi, ân sủng. – Đáp.

3) Chúa là Đấng từ bi và hay thương xót, chậm bất bình và hết sức khoan nhân. Người không xử với chúng tôi như chúng tôi đắc tội, và không trả đũa theo điều oan trái chúng tôi. – Đáp.

4) Cũng như từ đông sang tây xa vời vợi, Người đã ném tội lỗi xa khỏi chúng tôi. Cũng như người cha yêu thương con cái, Chúa yêu thương những ai kính sợ Người. – Đáp.

BÀI ĐỌC II: 1 Cr 15, 45-49

“Như chúng ta đã mang hình ảnh của người thuộc địa giới, thì chúng ta cũng sẽ mang hình ảnh người thiên quốc như vậy”.

Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.

Anh em thân mến, Ađam cũ là người có sự sống, còn Ađam mới thì có thần trí ban sự sống. Những điều có trước, không phải thuộc linh giới, mà là thuộc thể giới, rồi mới đến cái thuộc về linh giới. Người thứ nhất bởi đất mà ra, thì thuộc về địa giới, còn người thứ hai bởi trời mà đến, thì thuộc thiên giới. Người thuộc địa giới đó thế nào, thì những người khác thuộc địa giới cũng vậy; và người thuộc thiên giới đó thế nào, thì những người khác thuộc thiên giới cũng vậy. Bởi thế, như chúng ta đã mang hình ảnh của người thuộc địa giới, thì chúng ta cũng sẽ mang hình ảnh người thiên quốc như vậy. Đó là lời Chúa.

ALLELUIA: Ga 6, 64b và 69b

Alleluia, alleluia! – Lạy Chúa, lời của Chúa là thần trí và là sự sống; Chúa có những lời ban sự sống đời đời. – Alleluia. 

PHÚC ÂM: Lc 6, 27-38

“Các con hãy tỏ lòng thương xót như Cha các con hay thương xót”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca. 

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Thầy bảo các con đang nghe Thầy đây: Các con hãy yêu kẻ thù, hãy làm ơn cho những kẻ ghét mình, hãy chúc phúc cho những kẻ nguyền rủa mình, hãy cầu nguyện cho những kẻ vu khống mình. Ai vả má con bên này, thì đưa cả má bên kia; ai lột áo ngoài của con, thì con cũng đừng cản nó lấy áo trong. Ai xin, thì con hãy cho và ai lấy gì của con, thì đừng đòi lại. Các con muốn người ta làm điều gì cho các con, thì hãy làm cho người ta như vậy. Nếu các con yêu những kẻ yêu các con, thì còn ân nghĩa gì nữa? Vì cả những người tội lỗi cũng yêu những ai yêu họ. Và nếu các con làm ơn cho những kẻ làm ơn cho các con, thì còn ân nghĩa gì? Cả những người tội lỗi cũng làm như vậy. Và nếu các con cho ai vay mượn mà trông người ta trả lại, thì còn ân nghĩa gì? Cả những người tội lỗi cũng cho những kẻ tội lỗi vay mượn để rồi được trả lại sòng phẳng.

Vậy các con hãy yêu kẻ thù, hãy làm ơn, và cho vay mượn mà không trông báo đền. Phần thưởng của các con bấy giờ sẽ lớn lao, và các con sẽ là con cái Đấng Tối Cao, vì Người nhân hậu với những kẻ bội bạc và những kẻ gian ác.

Vậy các con hãy ở nhân từ như Cha các con là Đấng nhân từ. Đừng xét đoán, thì các con sẽ khỏi bị xét đoán; đừng kết án, thì các con khỏi bị kết án. Hãy tha thứ, thì các con sẽ được tha thứ. Hãy cho, thì sẽ cho lại các con; người ta sẽ lấy đấu hảo hạng, đã dằn, đã lắc và đầy tràn mà đổ vào vạt áo các con. Vì các con đong đấu nào, thì cũng sẽ được đong trả lại bằng đấu ấy”. Đó là lời Chúa.

(thanhlinh.net)

++++++++++++++++++

20/02/2022 – CHÚA NHẬT TUẦN 7 TN – C

Lc 6,27-38

CÓ LÒNG NHÂN TỪ NHƯ CHÚA

“Anh em có hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em là Đấng nhân từ.” (Lc 6,36)

Suy niệm: Chúa Giê-su dạy phải có lòng nhân từ như Chúa Cha là Đấng nhân từ. Nhưng “nhân từ như Chúa” là như thế nào đây? Thưa, khi dạy như thế, Chúa Giê-su cũng cho chúng ta câu trả lời bằng chính thân phận và cuộc sống của Ngài, đặc biệt “giờ” của Ngài là cuộc khổ nạn và chịu chết trên thập giá. Ngài thương dân chúng “bơ vơ như chiên không có người chăn”, Ngài giảng dạy họ và còn cho họ ăn no. Ngài chạnh lòng thương trước nỗi khổ của những người bệnh tật, thổn thức trước người cha có đứa con bị quỉ ám, trước người mẹ có đứa con trai duy nhất phải chết đi. Và Ngài đã ra tay cứu giúp họ. Ngài không chỉ tuyên bố tha tội trong một số trường hợp, mà còn kêu cầu Chúa Cha tha tội cho kẻ đóng đinh Ngài.

Mời Bạn: Khi bị xúc phạm, bình thường, ta có thể biểu lộ sự bực dọc ra bên ngoài bằng những trận nổi trận tam bành, hay âm thầm nuôi dưỡng lòng thù hận và tìm dịp thuận tiện trả đũa. Nhưng hãy nhìn vào lòng nhân từ của Chúa, để tập biểu lộ tinh thần thiện chí, can đảm, kiên trì để tha thứ cho nhau.

Chia sẻ: Tôi có cảm nghiệm nào về lòng nhân từ Chúa tác động cách cụ thể đến đời sống tôi không?

Sống Lời Chúa: Quỳ dưới chân thập giá nhìn ngắm tượng Chúa chịu đóng đinh, để cảm nghiệm lòng Chúa nhân từ.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, khi có người làm tổn thương đến con, bình thường con cảm thấy tức giận, lạnh lùng, nổi xung và nuôi động cơ trả thù. Nhưng từ rày về sau, xin cho con nhận ra lòng quảng đại tha thứ của Chúa để nhờ đó, con biết mở rộng con tim nhân ái đối với mọi người như Chúa đã dành cho con. Amen.

(5 Phút Lời Chúa)

++++++++++++++++++

Suy niệm và cầu nguyện

Suy Niệm

Khi đọc lời nhắn nhủ trên đây của Ðức Giêsu,
chúng ta thường thấy đó là chuyện không thể làm nổi,
hay nếu làm được, ắt sẽ sinh ra những hậu quả tồi tệ.
Chắc chắn Ðức Giêsu không dạy ta bao che cho kẻ ác,
hay đòi hủy bỏ luật hình sự để phạt các phạm nhân.
Ngài không cổ vũ việc ăn xin khi nói: “Ai xin, con hãy cho.”
Ngài cũng không biến chúng ta thành người bạc nhược.
Bài Tin Mừng hôm nay là một viên ngọc,
vì nó cho thấy nét đặc trưng của người Kitô hữu.
Nó vén mở một lý tưởng mà ta phải vươn tới.
Chúng ta cần vượt lên trên nghĩa đen của mặt chữ
để cảm được tinh thần mà Chúa muốn ta sống.
Không sống lời Ngài, ta vẫn là kẻ đứng ngoài Kitô giáo.

“Hãy yêu kẻ thù”: câu này được nhắc lại hai lần.
Theo bài Tin Mừng này thì kẻ thù của tôi là ai?
Ðó là kẻ ghét tôi, kẻ nguyền rủa tôi và vu khống.
Ðó là kẻ tát vào mặt tôi và đoạt áo ngoài của tôi.
Như thế kẻ thù tôi chẳng đâu xa, ngày ngày tôi vẫn gặp.
Họ là những người hay làm phiền và lợi dụng tôi,
là những kẻ xúc phạm đến danh dự và quyền lợi của tôi.
Họ là những người tự nhiên tôi không ưa, hay không ưa tôi.
Ðức Giêsu không đòi tôi yêu kẻ thù như yêu người thân:
về mặt tình cảm, chuyện đó khó thực hiện.
Nhưng Ngài mời tôi yêu bằng hành động.
Yêu là làm ơn, là chúc lành, là cho vay.
Yêu là cầu nguyện điều lành cho kẻ thù (cc. 27-28).
Khi làm điều tốt cho kẻ thù,
tôi được giải phóng khỏi cái tôi ăn miếng trả miếng,
và nhờ đó chính kẻ thù tôi cũng có thể được giải phóng
khỏi cái tôi ích kỷ của họ.
Khi yêu kẻ thù bằng những hành động tử tế,
tôi không còn coi họ là kẻ thù của tôi nữa.
Dần dần, tình cảm của tôi đối với họ cũng biến đổi.
Cần can đảm biết bao khi chào hỏi, bắt tay
một người làm tôi vô cùng đau khổ.
Ðó chẳng phải là một hành động giả hình,
nhưng là một nỗ lực thắng vượt tình cảm tự nhiên.
Ðó chẳng phải là một hành vi của kẻ yếu,
nhưng là dấu hiệu của tính quả cảm anh hùng.

Kitô hữu được mời gọi vượt lên trên cái tự nhiên.
Suy nghĩ tự nhiên, tình cảm tự nhiên, phản ứng tự nhiên…
Phải ra khỏi cái tự nhiên, thường tình,
mới vào được thế giới siêu nhiên,
thế giới của những người con, sống nhân hậu như Cha.
Sống nhân hậu như Cha là trở nên hoàn thiện.

Thế giới văn minh không chỉ nhờ tiến bộ của khoa học,
nhưng chủ yếu nhờ những chiến thắng trên lòng ích kỷ
của từng người cũng như của mọi tập thể lớn nhỏ.
Trái đất chỉ tồn tại nhờ tha thứ yêu thương.
Kitô giáo chỉ sống còn nhờ yêu thương tha thứ.

 

Cầu Nguyện

Lạy Chúa,
xin cho con quả tim của Chúa.

Xin cho con đừng khép lại trên chính mình,
nhưng xin cho quả tim con quảng đại như Chúa
vươn lên cao, vượt mọi tình cảm tầm thường
để mặc lấy tâm tình bao dung tha thứ.

Xin cho con vượt qua mọi hờn oán nhỏ nhen,
            mọi trả thù ti tiện.
Xin cho con cứ luôn bình an, trong sáng,
            không một biến cố nào làm xáo trộn,
            không một đam mê nào khuấy động hồn con.

Xin cho con đừng quá vui khi thành công,
            cũng đừng quá bối rối khi gặp lời chỉ trích.
Xin cho quả tim con đủ lớn
            để yêu người con không ưa.
Xin cho vòng tay con luôn rộng mở
            để có thể ôm cả những người thù ghét con.

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

(phutcaunguyen.net)

++++++++++++++++++

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên

20 THÁNG HAI

Những Bã Phù Vân

Sứ điệp đầu tiên của mùa Chay – trong ngày Thứ Tư Lễ Tro – là một sứ điệp rất sâu sắc và quyết liệt: “Hỡi người, hãy nhớ mình là tro bụi và sẽ trở về bụi tro!”

Vậy, làm thế nào chúng ta có thể thực sự tìm thấy sự viên mãn? Làm thế nào người ta có thể hoàn thành chính mình trong cõi đời này khi mà mầm hủy diệt con người đã có sẵn đấy và thế giới được đặt dưới qui luật của sự chết? Con người kiếm tìm sự sống trong thế giới xung quanh mình, nhưng điểm đến của con người lại là thực tại sự chết!

Vâng, trong cuộc đời tạm bợ này, chúng ta có thể có một số niềm thỏa mãn ‘phù du’ nào đó. Những niềm thỏa mãn ấy không thể kéo dài. “Nguơi sẽ trở về tro bụi” – Thiên Chúa nói với con người như thế.

Chúng ta phải biết lắng đọng tâm hồn và nhìn vào trong thâm sâu hữu thể của mình. Và chúng ta sẽ nhận ra những mầm mống bất tử của chính mình. Chúng ta cũng sẽ nhận ra tính bèo bọt vô ích của những nỗ lực nơi mình nhằm tìm kiếm các thỏa mãn phù vân.

Và chính khi nhận thức được như vậy, chúng ta có thể bắt đầu hiểu ra tại sao Thiên Chúa mời gọi mình: “Hãy trở về với Ta!” Vâng, Ngài mời gọi chúng ta trở về với Ngài bằng cả tấm lòng.

– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –

Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác

LIFT UP YOUR HEARTS

Daily Meditations by Pope John Paul II

+++++++++++++++++

Lời Chúa Trong Gia Đình

NGÀY 20/2

CHÚA NHẬT VII THƯỜNG NIÊN

1Sm 26, 2. 7-9. 12-13. 22-23; 1Cr 15, 45-49; Lc 6, 27-38.

LỜI SUY NIỆM: “Thầy nói với anh em là những người đang nghe Thầy đây: hãy yêu kẻ thù và làm ơn cho kẻ ghét anh em; hãy chúc lành cho kẻ nguyền rủa anh em và cầu nguyện cho kẻ vu khống anh em.”

          Chúa Giêsu. Có đặc tính của Người Tôi Trung của Thiên Chúa: Cây lau bị giập, Người không đành bẻ gãy, tim đèn leo lét, chẳng nở tắt đi.” (Mt 12,20). Nơi Người luôn thể hiện tình yêu thương và tha thứ và sự đợi chờ sự sám hối của con người. Nên Người đưa ra một giáo lý: “yêu thương và tha thứ cho kẻ thù, và luôn cầu nguyện cho họ; giúp cho con cái của Ngài thể hiện tình yêu của Thiên Chúa.

          Lạy Chúa Giêsu. Xin cho chúng con thực hiện đức bác ái đối với những kẻ ghét chúng con; để chúng con cảm nhận được tình yêu mà Chúa Cha đã thương tha thứ mọi lỗi lầm thiếu sót của chúng con, để tất cả chúng con được rỗi linh hồn.

Mạnh Phương

+++++++++++++++++

20 Tháng Hai

Giáo Ðường

Văn hào Aleksandr Solzenicyn đã ca tụng những ngôi giáo đường bằng những vần thơ như sau: 

“Thư thái trên sườn đồi, ngạo nghễ trên những ngọn núi cao, hãy ẩn mình trong những dòng sông sâu, những ngôi giáo đường đẹp như những công chúa vận xiêm y rực rỡ.

Nhìn xuống những mái nhà gỗ tranh là những ngọn tháp chuông hùng dũng. Từ phố chợ đến thôn quê, từ đỉnh tháp hướng về trời cao, những tiếng chuông không ngừng giục giã gọi nhau.

Từ thuở nào con người vẫn ích kỷ nhỏ nhen. Nhưng chiều về, khi tiếng chuông đổ hồi trên thôn xóm, trên đồng ruộng, trên núi rừng, người người dừng lại, ngẩng nhìn và ra khỏi cuộc sống thấp hèn của họ.

Cha ông của chúng tôi đã để lại phần cao quý nhất cảu các ngài. Mãi mãi, tâm tình của các ngài vẫn còn ghi khắc trong những viên đá này, trong những tháp chuông này”.

Ở bất cứ nơi nào trên thế giới, giáo đường vẫn luôn là biểu trưng của sự sống. Còn gì buồn thảm cho bằng một ngôi giáo đường biến thành bảo tàng viện hoặc không còn người lui tới.

Giáo đường là nhà của con người: gặp gỡ giữa trời cao và đất thấp, gặp gỡ giữa con người với Thiên Chúa. Nhưng quan trọng hơn cả, giáo đường chính là nơi gặp gỡ giữa người với người: gặp gỡ ở trong lời cầu nguyện, gặp gỡ nhau trong chia sẻ, gặp gỡ nhau trong lời chào bình an, trong cái bắt tay của tha thứ, của hòa giải, gặp gỡ nhau để nối kết vòng tay với người khác, gặp gỡ nhau để trở lại cuộc sống với hăng say và nhiệt thành hơn.

Chúng ta không thể đến nhà thờ mỗi ngày mà vẫn khước từ gặp gỡ với tha nhân. Chúng ta không thể đến nhà thờ mỗi ngày mà lại không muốn gặp gỡ Chúa trong cuộc sống hằng ngày. Chúng ta không thể tách biệt nhà thờ ra khỏi cuộc sống. Bao lâu ngôi giáo đường còn đó, bấy lâu người Kitô vẫn được mời gọi để nối kết đức tin với cuộc sống hằng ngày.

(Lẽ Sống)

++++++++++++++++++

Lời Chúa Mỗi Ngày

Chúa Nhật 7 – Năm C – Thường Niên 

Bài đọc: 1 Sam 26:2, 7-9, 12-13, 22-23; 1 Cor 15:45-49; Lk 6:27-38.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ:Anh em hãy có lòng nhân từ như Cha anh em là Đấng nhân từ.

            Một lần, sau khi đã giảng bài Phúc Âm hôm nay cho đám trẻ, và nhấn mạnh đến những lời dạy dỗ của Đức Kitô, tôi muốn thử đám trẻ xem coi chúng sống Lời Chúa như thế nào. Tôi bảo đứa em là Anjali (7 tuổi) thử tát anh là Raj (9 tuổi) xem coi anh mình phản ứng thế nào. Anjali quay lại, lấy hết sức bình sinh tát anh một cái như trời giáng. Raj túm lấy em đánh túi bụi ngay khi đang tham dự thánh lễ trước sự chứng kiến của cha mẹ và nhiều người. Cha mẹ phải can hai anh em. Tôi không ngờ Anjali tát anh mình một cái tát mạnh như thế, có lẽ là tích tụ của bao năm bị anh bắt nạt! Tôi hỏi Raj: “Tại sao cha mới dạy em về cách hành xử theo Đức Kitô dạy là hễ ai tát má này, hãy đưa má khác cho người ta, mà con đã không đưa má khác thì chớ, lại còn đánh em túi bụi?” Raj trả lời: “Tại vì nó tát con đau quá. Nếu nó chỉ tát nhẹ thôi, con sẽ đưa má khác cho nó!”

            Các bài đọc hôm nay nhấn mạnh đến cách hành xử của Đức Kitô và của những người con Thiên Chúa. Trong bài đọc I, vua Saul tiếp tục truy lùng để tìm giết David cho dẫu David không ngừng làm những điều tốt lành cho nhà vua. Khi cơ hội ngàn năm một thuở đến để David có thể trả thù, David từ chối hành xử theo kiểu của thế gian, ông lấy cây Phủ Việt và bình nước của nhà vua khi vua đang say ngủ, đi ra mộtquãng xa, và gọi vua sai binh lính sang lấy về. Vua Saul rất ngạc nhiên về cách cư xử của David, và nhà vua thay đổi lòng dạ với David. Trong bài đọc II, Đức Kitô tuy không có tội chi cả, nhưng sẵn sàng chấp nhận làm người để chết thay cho nhân loại. Chính hành động dũng cảm này đã xóa tội cho nhân loại và ban Thần Khí của Thiên Chúa cho mọi người. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu dạy các môn đệ cách hành xử của người Kitô hữu đối với kẻ thù. Ngài cũng cho những lý do tại sao họ phải làm như thế.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Phải có kiên nhẫn để thay đổi lòng dạ của kẻ thù.           

1.1/ Mối thù hận của vua Saul đối với David: Vua Saul ghen tị với David vì David được mọi người khen ngợi (1 Sam 18:7). Khi được biết Thiên Chúa đã truất phế mình, và ngôn sứ Samuel đã xức dầu phong vương cho David; Saul nhất định tìm cách để tiêu diệt David. Vua Saul lên đường và xuống sa mạc Ziph, cùng với ba ngàn quân tinh nhuệ của Israel, để tìm bắt ông David trong sa mạc Ziph.

            Khi cơ hội để David có thể tiêu diệt Saul và sống an lành tới, người cháu Abishai thuyết phục David để ông giết vua Saul, cho David khỏi vấy máu nhà vua: “Hôm nay Thiên Chúa đã nộp kẻ thù của cậu vào tay cậu. Bây giờ, xin cho cháu dùng giáo ghim nó xuống đất, một nhát thôi; cháu không cần đâm nhát thứ hai.” David từ chối vì ông là người biết kính sợ Thiên Chúa: “Đừng giết vua! Có ai tra tay hại đấng Đức Chúa đã xức dầu tấn phong mà vô sự đâu?”           

1.2/ Cách hành xử cao đẹp của David: David lấy cây giáo và bình nước ở phía đầu vua Saul, rồi cả hai người ra đi. David đi sang phía bên kia và đứng trên đỉnh núi, ở đàng xa; có một khoảng cách lớn giữa họ. Rồi David la to: “Cây giáo của đức vua đây. Một trong các đầy tớ hãy sang mà lấy. Xin Đức Chúa thưởng công cho mỗi người tuỳ theo sự công chính và lòng trung thành của họ: hôm nay Đức Chúa đã nộp cha vào tay con, nhưng con đã không muốn tra tay hại đấng Đức Chúa đã xức dầu tấn phong.”

            Bằng hành động cao thượng này, David đã cải hóa được tâm hồn vua Saul. Từ đó, ông nhận ra kế hoạch của Thiên Chúa, và không còn tìm giết David nữa. Ông phải thú nhận David những lời này: “Cha thật đắc tội! David con cha, trở về đi! Cha sẽ không hại con nữa, bởi vì ngày hôm nay con đã coi mạng sống của cha là quý. Phải, cha đã hành động ngu xuẩn, cha đã sai lỗi nặng nề!” (1 Sam 26:21).

2/ Bài đọc II: Chúng ta cũng sẽ được mang hình ảnh Đấng từ trời mà đến.           

2.1/ Sự giống nhau và khác biệt giữa Adam và Đức Kitô: Thánh Phaolô nhìn ra sự liên hệ giữa Adam và Đức Kitô trong Kế Hoạch Cứu Độ của Thiên Chúa. Hai nhân vật quan trọng này có những điểm tương đồng và dị biệt.

            (1) Giống nhau: Cả hai cùng mang bản tính con người. Cả hai cùng phải chịu đau khổ; nhưng đau khổ của Adam phải chịu là do tội của ông gây ra. Đức Kitô không có tội, Ngài chịu đau khổ để xóa mọi tội cho con người.

            (2) Khác biệt: Đức Kitô có nguồn gốc từ trời, trong khi Adam bởi đất mà ra. Ngoài bản tính con người, Đức Kitô còn mang bản tính Thiên Chúa. Đức Kitô có Thần Khí của Thiên Chúa.

Người bởi đất phải chết, Người có Thần Khí của Thiên Chúa sẽ sống muôn đời.           

2.2/ Chúng ta cũng được mang hình ảnh của Adam và của Đức Kitô: Con người chúng ta được mang cả hai hình ảnh của Adam và của Đức Kitô. Chúng ta giống Adam vì chúng ta bởi đất mà ra. Chúng ta giống Đức Kitô vì chúng ta đã được rửa sạch và Ngài đã ban Thánh Thần của Ngài cho chúng ta. Vì thế, chúng ta cũng phải chết cho tội lỗi và sống cho Thiên Chúa.

3/ Phúc Âm: Anh em hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em là Đấng nhân từ.           

3.1/ Anh em muốn người ta làm gì cho mình, thì cũng hãy làm cho người ta như vậy: Thoạt mới nghe qua những lời Chúa dạy, chúng ta thấy chúng rất giống những lời khôn ngoan hay đạo lý của các tôn giáo khác, chẳng hạn lời của Khổng-Tử mà thường được gọi là Luật Vàng hay Luật Hỗ-Tương: “Đừng làm cho người khác điều gì mình không muốn người khác làm cho mình.” Nhưng nếu cẩn thận nghiên cứu, chúng ta sẽ thấy chúng khác xa và vượt lên trên tất cả các đạo lý từ trước tới nay. Luật của Chúa dạy là luật tích cực: “Làm cho người khác những gì mình muốn người khác làm cho mình;” trong khi Luật Vàng là luật tiêu cực: “Đừng làm cho người khác điều gì mình không muốn người khác làm cho mình.” Luật tích cực khó thực hiện hơn luật tiêu cực, và nó đòi con người phải thấm nhuần tình yêu Thiên Chúa mới có thể làm được.           

3.2/ Làm thế nào có thể yêu kẻ thù? Một sự phân biệt về từ ngữ sẽ giúp chúng ta hiểu rõ những đòi hỏi của Chúa Giêsu. Trong tiếng Hy-Lạp, có 3 động từ để diễn tả hành động “yêu”:

            (1) Để diễn tả tình yêu lãng mạn giữa trai gái, họ dùng động từ “eran.

            (2) Để diễn tả tình yêu giữa những người thân trong gia đình hay tình bằng hữu, họ dùng động từ “filein.”

            (3) Để diễn tả tình yêu giữa những người tin vào Chúa Kitô như được dùng hôm nay, các Thánh Ký dùng động từ “agapan.” Động từ này chỉ dùng trong khuôn khổ của Kitô giáo.

            Con người không thể yêu kẻ thù với nghĩa “eran,” vì họ không thể yêu kẻ thù bằng tiếng sét ái tình. Họ cũng không thể yêu kẻ thù bằng nghĩa “filein,” vì làm như vậy là trái với tự nhiên. Nhưng con người có thể yêu kẻ thù bằng nghĩa “agapan,” bằng tình yêu của Thiên Chúa. Tình yêu này không chỉ tùy thuộc vào con tim mà còn tùy thuộc rất nhiều nơi lòng muốn. Với tình yêu đến từ Thiên Chúa, con người có thể làm những điều không thể như Chúa đòi hôm nay: “Hãy yêu kẻ thù và làm ơn cho kẻ ghét anh em, hãy chúc lành cho kẻ nguyền rủa anh em và cầu nguyện cho kẻ vu khống anh em. Ai vả anh má bên này, thì hãy giơ cả má bên kia nữa. Ai đoạt áo ngoài của anh, thì cũng đừng cản nó lấy áo trong. Ai xin, thì hãy cho, ai lấy cái gì của anh, thì đừng đòi lại.”           

3.3/ Tại sao phải yêu kẻ thù? Để biết những lời dạy của các bậc thánh nhân có hiệu quả hay không, chúng ta cần phải xét tới hậu quả mà lối sống đó mang lại. Chúng ta có thể liệt kê một số hậu quả của những lời Đức Kitô dạy chúng ta hôm nay.

            (1) Để được Thiên Chúa xót thương và tha thứ: Nếu chúng ta không tin Thiên Chúa là Người vẫn đang quan phòng và xét xử thế gian này, chúng ta có lý do để xét xử và báo thù những người đối xử cách bất công với chúng ta. Nhưng nếu chúng ta tin Thiên Chúa là Đấng quan phòng và xét xử mọi người, chúng ta hãy để cho Thiên Chúa làm chuyện ấy. Phần chúng ta, cứ việc sống đúng như những lời Ngài truyền dạy. Điều Ngài dạy chúng ta: “Anh em đừng xét đoán, thì anh em sẽ không bị Thiên Chúa xét đoán. Anh em đừng lên án, thì sẽ không bị Thiên Chúa lên án. Anh em hãy tha thứ, thì sẽ được Thiên Chúa thứ tha.” Nếu chúng ta không tha thứ cho tha nhân, Thiên Chúa cũng chẳng tha thứ cho các tội lỗi của chúng ta.

            Chúng ta biết Thiên Chúa là Đấng thông suốt mọi sự và nhìn thấu tâm hồn; hơn nữa, Ngài có uy quyền để làm mọi sự. Khi chúng ta rộng lượng cho đi, Ngài sẽ tiếp tục ban cho chúng ta, “Người sẽ đong cho anh em đấu đủ lượng đã dằn, đã lắc và đầy tràn, mà đổ vào vạt áo anh em. Vì anh em đong bằng đấu nào, thì Thiên Chúa sẽ đong lại cho anh em bằng đấu ấy.” Ngược lại, nếu một người chỉ biết nắm chặt những gì Thiên Chúa ban, họ chỉ có bằng đó, hay có thể mất luôn những gì họ đang có. Tại sao không rộng lượng cho đi để chúng ta tiếp tục có nhiều hơn và mọi người chung quanh đều được hưởng nhờ.

            (2) Để có thể trở nên giống Thiên Chúa: Thiên Chúa dựng nên con người giống hình ảnh Thiên Chúa. Điều làm cho con người trở nên giống Thiên Chúa nhất là tình yêu dành cho mọi người. Thiên Chúa yêu thương tất cả mọi người vì tất cả đều do Ngài dựng nên và là những con cái của Ngài. Thiên Chúa cho mặt trời chiếu soi và cho mưa rơi xuống trên cả ác nhân lẫn người công chính. Con nhà tông chẳng giống lông cũng giống cánh. Là con Thiên Chúa phải nên giống Cha mình, nhất là nên giống Cha trong nét đẹp của yêu thương và tha thứ.

            Nếu mọi người đều là con cái Thiên Chúa, chúng ta đều là anh chị em với nhau. Chúng ta không thể coi nhau như kẻ thù, vì như thế không đẹp lòng Thiên Chúa. Khi đọc Kinh Lạy Cha hàng ngày, chúng ta tuyên xưng những điều này khi đọc: “Lạy Cha chúng con ở trên trời. Chúng con nguyện Danh cha cả sáng, Nước Cha trị đến, Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời…” Khi coi nhau như kẻ thù, chúng ta không xứng đáng đọc kinh nguyện này.

            (3) Để có tâm hồn bình an: Người nuôi dưỡng hận thù sẽ không bao giờ được bình an trong tâm hồn. Lúc nào họ cũng sợ bị đối phương trả thù hay phải luôn nghĩ cách để trả thù đối phương. Nhưng nếu một người tin tưởng nơi những lời dạy của Thiên Chúa, họ tha thứ, cầu nguyện, và tìm cách làm ơn cho kẻ thù, tâm hồn họ sẽ có sự bình an.

            (4) Để có thể hoán cải kẻ thù thành bạn hữu: Tha thứ và yêu thương là cách hiệu nghiệm nhất để hoán cải kẻ thù và mang lại sự sống cho cả hai bên. Ngược lại thù hận chỉ càng ngày càng chồng chất và mang lại sự chết cho một hay cả hai bên.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG: 

            – Không ai có quyền tước lấy đi sự sống của người khác, trừ trường hợp phải bảo vệ sự sống của mình. Chúng ta đừng lo việc báo thù, hãy để việc xét xử cho Thiên Chúa.

            – Chúng ta hãy noi gương Đức Kitô. Ngài chấp nhận hy sinh để hòa giải con người với nhau và hòa giải mọi người với Thiên Chúa.

            – Chúng ta không được đối xử với ai như kẻ thù; ngược lại, chúng ta phải đối xử với mọi người như anh/chị/em một nhà, con cùng Cha. Người khác sẽ nhận ra tình yêu của chúng ta dành cho mọi người và họ sẽ tin tưởng vào Thiên Chúa.

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

****************