Chúa Nhật (20-03-2022) – Trang suy niệm

19/03/2022

Lời Chúa Hôm Nay

Chúa Nhật Tuần III Mùa Chay Năm C

BÀI ĐỌC I: Xh 3, 1-8a. 13-15

“Đấng hiện hữu sai tôi đến với anh em”.

Trích sách Xuất Hành.

Trong những ngày ấy, Môsê chăn chiên cho ông nhạc là Giêtrô, tư tế xứ Mađian. Ông lùa đoàn chiên qua sa mạc, đến núi Horeb là núi của Thiên Chúa. Thiên Chúa hiện ra với ông trong ngọn lửa cháy từ giữa bụi gai. Ông nhìn thấy bụi gai bốc lửa, nhưng không bị thiêu rụi. Môsê nói: “Ta hãy lại xem cảnh tượng kỳ lạ này, vì sao bụi gai không bị thiêu rụi”.

Thiên Chúa thấy ông lại xem, từ giữa bụi gai Người gọi ông: “Môsê! Môsê!” Ông thưa: “Dạ con đây!” Chúa nói: “Ngươi đừng đến gần đây. Hãy cởi dép ở chân ra, vì chỗ ngươi đang đứng là nơi thánh”. Chúa lại nói: “Ta là Thiên Chúa của Tổ phụ ngươi. Thiên Chúa của Abraham, Thiên Chúa của Isaac, Thiên Chúa của Giacóp”. Môsê che mặt, vì không dám nhìn Thiên Chúa. Chúa nói: “Ta đã thấy dân Ta phải khổ cực ở Ai-cập. Ta đã nghe tiếng chúng kêu than kẻ đốc công áp bức. Ta biết nỗi đau khổ của chúng, nên Ta xuống cứu chúng thoát khỏi tay người Ai-cập và đưa ra khỏi đất ấy đến miền đất tốt tươi rộng lớn, đất tràn trề sữa và mật”.

Môsê thưa với Thiên Chúa rằng: “Này con sẽ đến với con cái Israel và bảo họ: Thiên Chúa của tổ phụ anh em đã sai tôi đến với anh em. Nếu họ hỏi con: ‘Tên Người là gì?’, con sẽ nói sao với họ?” Thiên Chúa nói với Môsê: “Ta là Đấng Tự Hữu”. Chúa nói: “Ngươi sẽ bảo con cái Israel thế này: ‘Đấng Tự Hữu sai tôi đến với anh em’ “.

Thiên Chúa lại nói với Môsê: “Ngươi sẽ bảo con cái Israel thế này: ‘Thiên Chúa của tổ phụ anh em, Thiên Chúa của Abraham, Thiên Chúa của Isaac, Thiên Chúa của Giacóp sai tôi đến với anh em’. Đó là danh Ta cho đến muôn đời, đó là danh Ta phải ghi nhớ qua mọi thế hệ”. Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 102, 1-2. 3-4. 6-7. 8 và 11

Đáp: Chúa là Đấng từ bi và hay thương xót (c. 8a).

Xướng:

1) Linh hồn tôi ơi, hãy chúc tụng Chúa, và toàn thể con người tôi, hãy chúc tụng danh Người. Linh hồn tôi ơi, hãy chúc tụng Chúa, và chớ khá quên mọi ân huệ của Người. – Đáp.

2) Người đã thứ tha cho mọi điều sai lỗi, và chữa ngươi khỏi mọi tật nguyền. Người chuộc mạng ngươi khỏi chỗ vong thân, Người đội đầu ngươi bằng mão từ bi, ân sủng. – Đáp.

3) Chúa thi hành những sự việc công minh, và trả lại quyền lợi cho những người bị ức. Người tỏ cho Môsê được hay đường lối, tỏ công cuộc Người cho con cái Israel. – Đáp.

4) Chúa là Đấng từ bi và hay thương xót, chậm bất bình và hết sức khoan nhân. Nhưng cũng như trời xanh cao vượt trên trái đất, lòng nhân Người còn siêu việt hơn thế trên kẻ kính sợ Người.- Đáp.

BÀI ĐỌC II: 1 Cr 10, 1-6. 10-12

“Đời sống dân chúng đối với Môsê trong hoang địa được viết ra để răn bảo chúng ta”.

Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.

Anh em thân mến, tôi không muốn để anh em không hay biết điều này, là tất cả cha ông chúng ta đã được ở dưới áng mây, đi ngang qua biển và tất cả nhờ Môsê mà được thanh tẩy, dưới áng mây và trong lòng biển; tất cả đã ăn cùng một thức ăn thiêng liêng, và uống cùng một thức uống thiêng liêng. Thật vậy, tất cả đã uống nước phát xuất từ tảng đá thiêng liêng đi theo họ: tảng đá ấy chính là Chúa Kitô. Tuy nhiên, không phải phần đông trong họ đã sống đẹp lòng Chúa, vì họ đã bị gục ngã trong hoang địa.

Bao nhiêu sự kiện đó nêu gương cho chúng ta, để chúng ta đừng chiều theo những dục vọng xấu xa như những người đó đã chiều theo. Anh em đừng lẩm bẩm kêu trách như một số người trong bọn họ đã làm, và đã vong mạng bởi tay một sứ thần huỷ diệt. Những việc đó đã xảy đến cho họ để làm gương, và đã được ghi chép để răn bảo chúng ta là những người đang sống trong thời đại cuối cùng. Thế nên, ai tưởng mình đang đứng vững, hãy ý tứ kẻo ngã. Đó là lời Chúa.

CÂU XƯỚNG TRƯỚC PHÚC ÂM: 2 Cr 6, 2

Này là lúc thuận tiện, này là ngày cứu độ. 

PHÚC ÂM: Lc 13, 1-9

“Nếu các ngươi không ăn năn hối cải, thì tất cả các ngươi cũng sẽ bị huỷ diệt như vậy”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, có những kẻ thuật lại cho Chúa Giêsu về việc quan Philatô giết mấy người Galilê, làm cho máu họ hoà lẫn với máu các vật họ tế sinh. Ngài lên tiếng bảo: “Các ngươi tưởng rằng mấy người xứ Galilê bị ngược đãi như vậy là những người tội lỗi hơn tất cả những người khác ở xứ Galilê ư? Ta bảo các ngươi: không phải thế. Nhưng nếu các ngươi không ăn năn hối cải, thì tất cả các ngươi cũng sẽ bị huỷ diệt như vậy. Cũng như mười tám người bị tháp Silôe đổ xuống đè chết, các ngươi tưởng họ tội lỗi hơn những người khác ở Giêrusalem ư? Ta bảo các ngươi: không phải thế. Nếu các ngươi không ăn năn hối cải, thì tất cả các ngươi cũng sẽ bị huỷ diệt như vậy”.

Ngài nói với họ dụ ngôn này: “Có người trồng một cây vả trong vườn nho mình. Ông đến tìm quả ở cây đó mà không thấy, ông liền bảo người làm vườn rằng: ‘Kìa, ba năm nay ta đến tìm quả cây vả này mà không thấy có. Anh hãy chặt nó đi, còn để nó choán đất làm gì!’ Nhưng anh ta đáp rằng: ‘Thưa ông, xin để cho nó một năm nay nữa, tôi sẽ đào đất chung quanh và bón phân; may ra nó có quả chăng, bằng không năm tới ông sẽ chặt nó đi'”. Đó là lời Chúa.

(thanhlinh.net)

++++++++++++++++++

20/03/2022 – CHÚA NHẬT TUẦN 3 MC – C

Lc 13,1-9

HOA TRÁI BỐN MÙA

“Thưa ông, xin cứ để nó lại năm nay nữa. Tôi sẽ vun xới chung quanh và bón phân cho nó, may ra sang năm nó có trái. Nếu không, thì ông sẽ chặt nó đi.” (Lc 13,8-9)

Suy niệm: Ai trồng cây cũng trông mong ăn trái, nhưng chẳng phải cây nào cũng cho trái, nhất là trái ngon. Cây trái lại có mùa vụ. Ít có giống nào ra trái quanh năm. Thế mà Chúa trồng chúng ta trong cuộc đời để chúng ta cho hoa trái và phải đâm hoa kết trái bốn mùa và trong mọi thời tiết dù có khắc nghiệt đến mấy đi nữa!!! Đời sống thiêng liêng chẳng có mùa vụ. Những mùa phụng vụ trải rộng quanh năm, Giáo Hội dùng để “bón phân tưới tắm” cho cây tín hữu.

Bạn ơi, có bao giờ bạn nghe người ta diễu cợt: “Anh ấy, chị ấy giữ đạo hồi hồi” – nghĩa là hồi giữ hồi không? Ấy thế mà lại có thật đấy! Nhiều khi đó chính là bạn hay người thân của bạn. Những lúc chúng ta không đâm hoa kết trái thiêng liêng là lúc chúng ta không sống trọn vẹn niềm Tin, Cậy, Mến. Mùa chay là một cơ hội lớn đấy bạn. Hãy để Giáo Hội chăm bón cho bạn bằng các bí tích, nhất là bí tích giao hoà.

Chia sẻ: Những hoa trái thiêng liêng bạn có thể “sinh sản” được kể tên và hát lên trong Kinh Hoà Bình. Bạn thử liệt kê những loại trái ngon ngọt đó và thảo luận với nhau về cách làm thế nào để cho những loại trái cây đó được trổ sinh phong phú trong đời sống Ki-tô hữu của mình.

Sống Lời Chúa: Bạn hãy chọn một loại “trái cây” trong vườn cây trái “Hoà Bình” đó để trao tặng cho nhau qua những hành động bác ái, chia sẻ.

Cầu nguyện: Bạn hãy cầu nguyện với Chúa trong khi hát lên những lời ngọt ngào đó trong Kinh Hoà Bình.

(5 Phút Lời Chúa)

++++++++++++++++++

Suy niệm và cầu nguyện

Sau nửa ngày hành trình từ Giuđê về Galilê,
Ðức Giêsu nghỉ mệt bên một giếng nước ở vùng Samari.
Ngài vừa đói vừa khát, giữa cái nắng ban trưa.
Các môn đệ vào thành mua thức ăn.
Còn lại một mình Ðức Giêsu ngồi bên bờ giếng.
Chính nơi đây đã diễn ra cuộc gặp gỡ
giữa Ngài và người phụ nữ Samari vốn bị coi là ô nhơ.
Ðức Giêsu bắt đầu gieo hạt
để chuẩn bị cho mùa gặt mai sau của các môn đệ.

“Cho tôi chút nước uống.”
Ðức Giêsu mở đầu cuộc đối thoại bằng một lời nài xin.
Ngài chẳng sợ thú nhận sự thiếu thốn của mình.
Xin nước uống là làm một cuộc cách mạng,
là bắc một nhịp cầu qua vực sâu
ngăn cách hai dân tộc Samari và Do thái
vốn dĩ đã thù ghét và xa lánh nhau từ bốn thế kỷ.
Chẳng ai hiểu nổi một bậc thầy như Ðức Giêsu
lại nói chuyện và xin nước một phụ nữ Samari.
Ðức Giêsu đã cúi mình phá bỏ những hàng rào
để xây doing một cuộc đối thoại đích thực và bình đẳng.
“Cho tôi chút nước uống.”
Ngài là người xin nước trước khi là người cho…
Chúng ta cũng có nhiều điều phải xin
nơi chính những người cần chúng ta giúp đỡ.

Ðức Giêsu cho thấy Ngài có một thứ nước lạ lùng,
uống vào không còn khát nữa.
Người phụ nữ vội vã xin Ngài thứ nước kỳ diệu đó.
Chị đâu ngờ chính mình đã bắt đầu được nếm rồi.
Nước đó chính là Lời của Ðức Giêsu,
Lời vén mở dần dần con người thâm sâu của Ngài.
Ðức Giêsu cho thấy Ngài biết rõ gia cảnh của chị.
Cái biết của Ngài không nhằm soi mói, nhưng để cảm thông.
Cái biết của Ngài về những điều riêng tư thầm kín
đã khiến chị coi Ngài là một ngôn sứ đáng tin.
Từ đó, chính chị gợi lên vấn đề tôn giáo,
một vấn đề khiến chị rất bận tâm;
Chính chị nói lên niềm mong đợi của mình về Ðấng Mêsia,
Ðấng sẽ đến dạy dỗ mọi sự (Ga 4,25);
rồi cũng chính chị đã bỏ vò nước lại
mà hân hoan chạy đi giới thiệu Ðức Giêsu cho đồng bào.
Chị đã tìm thấy thứ nước tuyệt diệu nơi Ðức Giêsu.
Ngài từ từ tỏ mình cho chị:
“Ðấng ấy chính là tôi, người đang nói với chị đây.”

Không thấy nói đến chuyện Ðức Giêsu ăn hay uống.
“Lương thực của Thầy là thi hành ý Ðấng đã sai Thầy.”
Ðức Giêsu chỉ đòi một điều, đó là nuôi dưỡng nhân loại.
Ngài chỉ khát một điều, đó là ban nguồn nước sự sống.
Chúng ta có dám chia sẻ cơn đói khát của Ngài không?

Cầu Nguyện

Lạy Chúa Giêsu,
xin cho con biết con,
xin cho con biết Chúa.

Xin cho con chỉ khao khát một mình Chúa,
quên đi chính bản thân,
yêu mến Chúa và làm mọi sự vì Chúa.

Xin cho con biết tự hạ,
biết tán dương Chúa và chỉ nghĩ đến Chúa.

Ước gì con biết hãm mình và sống trong Chúa.
Ước gì con biết nhận từ Chúa
tất cả những gì xảy đến cho con
và biết chọn theo chân Chúa luôn.

Xin đừng để điều gì quyến rũ con, ngoài Chúa.
Xin Chúa hãy nhìn con, để con yêu mến Chúa.
Xin Chúa hãy gọi con, để con được thấy Chúa.
Và để con hưởng nhan Chúa đời đời. Amen.

Thánh Âu-tinh

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

(phutcaunguyen.net)

++++++++++++++++++

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên

20 THÁNG BA

Phải Chăng Chúng Ta Đã Từ Khước Tình Cha?

Chỗi dậy và trở về với Cha (Lc 15,18), chúng ta sẽ lấy lại được những gì mình đã đánh mất do tội lỗi. Giống như Người Con Đi Hoang, chúng ta bắt đầu nhận ra rằng khi mình sống trong tội lỗi, mình đã phong tỏa chính mình khỏi sự bảo vệ và tình yêu của Cha. Chúng ta sẽ nhận hiểu tấm lòng Cha yêu thương ta biết mấy – thế mà ta đã quay lưng lại với Ngài!

Sa vào tội lỗi và hoang phí sản nghiệp của Cha, chúng ta đã bứt đứt mọi mối gắn kết giữa Cha với mình. Chúng ta không đáng được Cha tiếp nhận vào nhà. Sự hòa giải chỉ có thể bắt đầu khi Người Con Đi Hoang thực sự muốn quay về. Rồi, tình yêu và lòng nhân hậu của Cha có thể giúp người con ương ngạnh ấy thắng vượt mặc cảm tội lỗi và bất xứng của mình. Chính khi nhìn vào đáy mắt Cha mình là lúc anh ta nghe được lời tha thứ.

Về gần đến nhà Cha mình, người con trai tự nghĩ : “Con không đáng được gọi là con của Cha nữa”. Nhưng Cha anh đang quay quắt đợi chờ, bền bỉ đợi chờ; và thoạt trông thấy bóng anh, ông tràn ngập vui mừng. Người Cha quên hết những điều sai trái mà con mình đã phạm. Người Cha vồn vã ôm chầm lấy đứa con đang hối hận tận đáy lòng. “Lạy Cha, con đã lỗi phạm …, con không đáng được gọi là con của Cha nữa” (Lc 15,21).

Trong Mùa Chay này, mỗi người chúng ta – dù tội lỗi có tày đình đến mấy đi nữa – cũng có thể quay về và thú nhận tội lỗi của mình. Chúng ta cần phải vạch mặt chỉ tên rõ ràng những tội lỗi của mình – và tiến về phía vòng tay đang đón đợi của Cha.

Chúng ta hãy bắt đầu cuộc hành trình trở về nhà Cha. Hãy khảo sát lương tâm mình, xưng thú tội lỗi mình, thống hối và quyết tâm sống một đời sống mới. Đó là những bước của một lộ trình hoán cải.

– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –

Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác

LIFT UP YOUR HEARTS

Daily Meditations by Pope John Paul II

+++++++++++++++++

Lời Chúa Trong Gia Đình

NGÀY 20/3

CHÚA NHẬT III MÙA CHAY

Xh 3, 1-8a. 13-15; 1Cr 10, 1-6. 10-12; Lc 13, 1-9.

LỜI SUY NIỆM: “Tôi nói cho các ông biết: “Không phải thế đâu; nhưng nếu các ông không chịu sám hối thì các ông sẽ chết hết như vậy.”

          Người đời thường khi thấy một ai đó bị tai nạn, đều có suy nghĩ là người đó mắc vào một tội nào đó, giờ đây phải lãnh nhận hậu quả. Điều này Chúa Giêsu cho chúng ta biết: “Không phải thế đâu; nhưng nếu các ông không chịu sám hối thì các ông sẽ chết hết như vậy.”

          Lạy Chúa Giêsu, Chúa cho mỗi người trong chúng con khi thấy những tại nạn và những hoàn cảnh đau khổ của người anh em phải chịu, để giúp chúng con nhìn lại chính mình, để điều chỉnh lại lối sống, để nhận được sự bình an của Chúa.

Mạnh Phương

+++++++++++++++++

20 Tháng Ba

Ánh Sáng Ðô Thị

Một trong những cuốn phim hay nhất của Charlot và cũng có lẽ là một trong những cuốn phim hay nhất trong lịch sử điện ảnh, đó là cuốn phim có tựa đề là: “Ánh sáng đô thị”. Ðó là câu chuyện tình của một gã lang thang và một cô gái bán hoa.

Nàng là một cô gái mù bán hoa bên vệ đường. Một nhà tỷ phú trong vùng ngày nào cũng dừng lại mua hoa của nàng. Ngày kia, gã lang thang là Charlot cũng dừng lại mua hoa của nàng. Cô gái bán hoa tưởng chàng là người tỷ phú. Thế là một giấc mộng đã chớm nở và nối kết hai tâm hồn. Nàng tưởng mình gặp được người mình mơ mộng từ lâu nay. Chàng thì hy vọng sẽ kiếm được tiền để chữa lành tật mù lòa của nàng.
Nhưng chẳng may, vì một sự ngộ nhận, chàng đã bị cảnh sát giam giữ. Sau một thời gian cầm tù, chàng được trả tự do. Chàng trở lại chỗ cũ để tìm người con gái mù, nhưng nàng không còn ở đó nữa. Nhờ tiền bạc trước kia chàng đã gửi cho nàng, người con gái đã được chữa lành và nay đứng trông coi một cửa hàng bán hoa rộng lớn hơn. Chàng đi qua đi lại nhiều lần, nhưng không thể nào nhận ra nàng. Tình cờ, một cánh hoa hồng rơi xuống đất, chàng nhặt lấy. Người con gái cười như nhạo báng. Chàng định bỏ đi, nhưng chợt nhận ra tiếng cười, chàng quay lại. Chàng hỏi một cách nhút nhát: “Cô đã thấy được rồi sao?
“. Người con gái nhận ra tiếng nói quen thuộc. Nàng từ từ nhặt cánh hoa và gắn lên áo chàng. Và nàng thốt lên trong cảm xúc: “Anh đấy sao?”. Thế là cả hai đã nhận ra nhau và họ sẽ không bao giờ rời nhau nữa.

Cuộc gặp gỡ trong bất cứ một cuộc tình nào cũng là hình bóng của cuộc gặp gỡ trong đức tin giữa chúng ta và Thiên Chúa. Thiên Chúa là tình yêu và chúng ta là những con người có tự do. Do đó Thiên Chúa không nói với chúng ta bằng một ngôn ngữ nào khác hơn là tình yêu. Tình yêu không bao giờ là một cưỡng bách, nhưng là một mời gọi tự do.

Những người Do Thái thời Chúa Giêsu đòi hỏi những dấu lạ, những bằng chứng hiển nhiên về sứ mệnh của Ngài. “Ông hãy làm cho chúng tôi một dấu lạ”.

Ngày nay thì trái lại, với những tiến bộ vượt bậc về khoa học kỹ thuật, con người dường như không còn tin ở phép lạ nữa. Tưởng mình có thể chế ngự và làm chủ vũ trụ, con người muốn loại bỏ Thiên Chúa ra khỏi cuộc sống.

Chúng ta có thể ngạc nhiên tại sao Thiên Chúa không làm phép lạ nhãn tiền cho những người biệt phái hay cho những kẻ vô thần ngày nay. Tại sao Ngài không viết tên Ngài trên trời để xóa tan mọi nghi ngờ trong lòng người? Thiên Chúa có lối sư phạm của Ngài. Ngài đã không là Thiên Chúa của những điềm lạ cả thể, nhưng là một Thiên Chúa đã chọn lựa làm tôi tớ để chinh phục tình yêu và lòng tín nhiệm của con người. Thiên Chúa không những là một Thiên Chúa của quyền năng ở bên trên con người, nhưng còn là Thiên Chúa ở bên trong con người. Và, cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu chính là dấu lạ cả thể nhất, bởi vì đó là dấu chứng của tình yêu. Chúa Giêsu đã nói đến dấu chứng đó khi dùng hình ảnh của tiên tri Giona. Giona được Thiên Chúa sai đến cho dân thành Ninivê. Ông tưởng Chúa sẽ dùng ông để làm một dấu lạ cả thể khiến dân thành sẽ tin vào sứ mệnh của ông. Nhưng cuối cùng, qua con người của ông, Thiên Chúa chỉ kêu mời sự hoán cải và tình yêu.

Thiên Chúa đến gặp gỡ chúng ta qua những sinh hoạt và những biến cố tầm thường nhất trong cuộc sống. Ngài mời gọi chúng ta nhận ra Ngài trong cái ăn, cái uống, cái mặc, trong tiếng cười, tiếng khóc, trong tất cả mọi gặp gỡ của chúng ta với tha nhân. Và ngay cả trong cái chết mà con người cho là điểm cuối cùng của cuộc sống, Thiên Chúa cũng có mặt.

Nhận ra Ngài như cô gái bán hoa đã nhận ra giọng nói của chàng Charlot, đó là ơn gọi của người Kitô chúng ta. Một đức tin trưởng thành không đòi hỏi và thử thách Thiên Chúa, nhưng tín thác và nhận ra dấu chỉ của Ngài qua những cái tầm thường nhất của cuộc sống.

(Lẽ Sống)

++++++++++++++++++

Lời Chúa Mỗi Ngày

Chúa Nhật III – Năm C – Mùa Chay 

Bài đọc: Exo 3:1-8a, 13-15; I Cor 10:1-6, 10-12; Lk 13:1-9.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Hãy biết dùng cơ hội Thiên Chúa ban để sám hối và sinh hoa kết trái.

Không ai trong chúng ta muốn giữ những thứ vô dụng, vừa choán chỗ vừa không dùng được: chiếc áo đã rách, đôi giày đã thủng lỗ, cái dù đã bị bung; nếu đã cố gắng sửa mà vẫn không dùng được, chúng ta sẽ vất nó vào sọt rác để mua sắm cái khác. Con người trước mặt Thiên Chúa cũng thế, Ngài sẽ làm mọi cách để sửa dạy và giúp con người thăng tiến như: răn dạy, cảnh cáo, và dùng hình phạt; nhưng nếu đã cố gắng mọi cách mà không sửa đổi được, Ngài sẽ phải cất đi để khỏi tốn công và tránh thiệt hại cho người khác.

Các Bài Đọc của Chủ Nhật III Mùa Chay tập trung trong việc con người phải biết nắm lấy cơ hội Thiên Chúa ban để ăn năn sám hối và thăng tiến không ngừng. Trong Bài Đọc I, Thiên Chúa động lòng thương xót dân của Ngài khi thấy họ bị đối xử tàn nhẫn như những nô lệ bên Ai-cập; Ngài hiện ra với ông Moses để tỏ ý định của Ngài và sai ông đến với con cái Israel để chuẩn bị đưa họ ra khỏi đất nô lệ để vào Đất Hứa. Trong Bài Đọc II, Phaolô muốn các tín hữu nhìn lại biến cố Xuất Hành để rút ra bài học cụ thể cho các tín hữu Corintô: cho dù con cái Israel đã được Thiên Chúa yêu thương và ban cơ hội để giải thoát; nhưng nhiều người trong họ đã không biết dùng cơ hội, vẫn càm ràm, than trách, và sau cùng phải chết trước khi vào Đất Hứa. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu muốn nhắc nhở cho dân chúng phải biết nhìn các biến cố xảy ra trong cuộc đời và học hỏi những điều quan trọng cho bản thân: khi thấy người khác chết, đừng nghĩ là họ tội lỗi hơn mình, nhưng hãy biết sự chết cũng sẽ xảy ra cho mình; điều quan trọng là phải biết ăn năn sám hối và sinh hoa kết trái cho Thiên Chúa.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Ta xuống để giải thoát chúng khỏi làm nô lệ cho người Ai-cập.

1.1/ Thiên Chúa thương xót và muốn giải cứu con cái Israel khỏi cảnh làm nô lệ.

(1) Cuộc thần hiện của Thiên Chúa cho ông Moses: Moses tuy là người Do-thái; nhưng lớn lên trong hoàng gia như là con của công chúa Ai-cập. Sở dĩ ông phải bỏ hoàng gia để trốn qua đất Madian là vì ông đã giết một người Ai-cập khi người này đối xử dã man với một người Do-thái; tin này được loan truyền tới tai vua Pharaoh và nhà vua đang tìm cách bắt ông. Giống như tổ-phụ Abraham, Moses chưa một lần được biết Thiên Chúa. Để tỏ cho ông Moses biết uy quyền của Thiên Chúa, Ngài cho ông chứng kiến một hiện tượng lạ khi ông đang chăn chiên cho bố vợ là Jethro, tư tế Madian. Ông Moses nhìn thấy bụi cây cháy bừng, nhưng bụi cây không bị thiêu rụi, ông tự bảo: “Mình phải lại xem cảnh tượng kỳ lạ này mới được: vì sao bụi cây lại không cháy rụi?” Đức Chúa thấy ông lại xem, thì từ giữa bụi cây Thiên Chúa gọi ông: “Moses! Moses!” Ông thưa: “Dạ, tôi đây!” Người phán: “Chớ lại gần! Cởi dép ở chân ra, vì nơi ngươi đang đứng là đất thánh.”

(2) Ý định của Thiên Chúa: Người mặc khải cho Moses: “Ta là Thiên Chúa của cha ông ngươi, Thiên Chúa của Abraham, Thiên Chúa của Isaac, Thiên Chúa của Jacob… Ta đã thấy rõ cảnh khổ cực của dân Ta bên Ai-cập, Ta đã nghe tiếng chúng kêu than vì bọn cai hành hạ. Phải, Ta biết các nỗi đau khổ của chúng. Ta xuống giải thoát chúng khỏi tay người Ai-cập, và đưa chúng từ đất ấy lên một miền đất tốt tươi, rộng lớn, miền đất tràn trề sữa và mật.”

1.2/ Thiên Chúa chọn ông Moses để lãnh đạo con cái Israel: Khi biết Thiên Chúa muốn chọn mình để lãnh đạo con cái Israel ra khỏi Ai-cập, ông Moses nhìn thấy trước hai khó khăn trong sứ vụ Thiên Chúa trao phó: Thứ nhất, vua Pharaoh đang tìm giết ông, làm sao ông dám vào để yêu cầu nhà vua phóng thích con cái Israel. Thứ hai, con cái Israel sẽ không tin ông, một người họ không biết và chẳng có trong tay một sức mạnh nào cả.

(1) Thánh danh của Thiên Chúa: Ông Moses thưa với Thiên Chúa: “Bây giờ, con đến gặp con cái Israel và nói với họ: Thiên Chúa của cha ông anh em sai tôi đến với anh em. Vậy nếu họ hỏi con: Tên Đấng ấy là gì? Thì con sẽ nói với họ làm sao?” Thiên Chúa phán với ông Moses: “Ta là Đấng Hằng Hữu.” Người phán: “Ngươi nói với con cái Israel thế này: “Đấng Hiện Hữu sai tôi đến với anh em.”” Đấng Hằng Hữu nghĩa là Đấng luôn có. Đây là thánh danh mới của Thiên Chúa mặc khải cho con người. Để cho Moses và con cái Israel khỏi nhầm lẫn với một thần mới, Thiên Chúa dùng hai lần câu: “Thiên Chúa của cha ông anh em, Thiên Chúa của Abraham, Thiên Chúa của Isaac, Thiên Chúa của Jacob.” Nói cách khác, Ngài vẫn là Thiên Chúa mà tổ phụ của họ đã biết và chính họ đang kêu cầu. Truyền thống Do-thái sau này rất sợ dùng thánh danh “Yahveh,” họ thay thế bằng các danh từ: Đức Chúa (Elohim), Thiên Chúa của con (Adonai), Thiên Chúa các đạo binh (El Sabaoth), Thiên Chúa uy quyền (El Shaddai)…

(2) Mối liên hệ giữa Thiên Chúa với ông Moses: Để củng cố niềm tin và đánh tan sự sợ hãi của Moses, Ngài hứa với ông: “Ta sẽ ở với ngươi” (x/c 12). Lời hứa này được Thiên Chúa thực hiện bắt đầu từ cuộc thương lượng với vua Pharaoh, suốt trong cuộc hành trình 40 năm trong sa mạc, cho tới khi đem dân vào Đất Hứa. Ông Moses cũng chịu thử thách bởi Thiên Chúa như dân. Thử thách lớn nhất ông phải chịu là tuy được thấy Đất Hứa từ xa; nhưng không được cùng dân vào Đất Hứa, mà được Thiên Chúa cất đi trước khi qua sông Jordan.

2/ Bài đọc II: Chúng ta đừng chiều theo những dục vọng xấu xa như cha ông chúng ta.

2.1/ Biến cố Xuất Hành là bài học cho mọi tín hữu: Bối cảnh của trình thuật hôm nay là câu trả lời của Phaolô cho các tín hữu Corintô có nên ăn thịt cúng. Phaolô cho các tín hữu một nguyên tắc: được ăn, nhưng phải có lòng bác ái tôn trọng những người yếu đức tin; hơn nữa, người tín hữu phải biết đề phòng các chước cám dỗ; đừng quá tự tin nơi sức hèn của mình.

Để dẫn chứng một ví dụ cụ thể, Phaolô mời họ nhìn lại gương của con cái Israel khi họ xuất hành khỏi Ai-cập, lang thang suốt 40 năm trời trong sa mạc để được thanh luyện bởi Thiên Chúa, trước khi được vào Đất Hứa. Phaolô viết: “Thưa anh em, tôi không muốn để anh em chẳng hay biết gì về việc này: là tất cả cha ông chúng ta đều được ở dưới cột mây, tất cả đều vượt qua Biển Đỏ. Tất cả cùng được chịu phép rửa dưới đám mây và trong lòng biển, để theo ông Moses.

Tất cả cùng ăn một thức ăn linh thiêng (manna), tất cả cùng uống một thức uống linh thiêng, vì họ cùng uống nước chảy ra từ tảng đá linh thiêng vẫn đi theo họ. Tảng đá ấy chính là Đức Kitô. Nhưng phần đông họ không đẹp lòng Thiên Chúa, bằng chứng là họ đã quỵ ngã trong sa mạc.”

2.2/ Biết học nơi gương người đi trước: Phaolô khuyên các tín hữu: Biến cố Xuất Hành không chỉ là biến cố lịch sử của người Do-thái; nhưng còn là “bài học răn dạy chúng ta đừng chiều theo những dục vọng xấu xa như cha ông chúng ta.”

Được hưởng mọi đặc quyền từ Thiên Chúa không có nghĩa là sẽ được vào Đất Hứa. Giống như con cái Israel trong biến cố Xuất Hành, người tín hữu cũng đã được hưởng mọi đặc quyền từ Đức Kitô: được chịu Phép Rửa trong Phép Rửa của Ngài, được ăn thịt và uống máu trong Bữa Tiệc Ly với Ngài; nhưng những điều này không bảo đảm sẽ được phục sinh vinh hiển với Đức Kitô trong vương quốc của Ngài, nếu người tín hữu không biết dùng ơn thánh Đức Kitô ban để luyện tập nhân đức và vượt qua mọi cám dỗ cuộc đời để giữ vững đức tin vảo Thiên Chúa. Các tín hữu Corintô không thể tự mãn với đức tin của họ; nếu họ không đề phòng và làm cho đức tin vững mạnh, họ cũng có thể sa ngã như những người đi trước.

3/ Phúc Âm: Nếu các ông không ăn năn sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết như vậy.

3.1/ Phải biết ăn năn sám hối khi còn có cơ hội.

(1) Đừng vội kết tội tha nhân: Truyền thống Do-thái có khuynh hướng đồng nhất đau khổ, bệnh tật, chết chóc với tội lỗi của cá nhân (x/c Sách Job, Jn 9:1). Trong trình thuật hôm nay, “có mấy người đến kể lại cho Đức Giêsu nghe chuyện những người Galilee bị tổng trấn Philatô giết, khiến máu đổ ra hoà lẫn với máu tế vật họ đang dâng.”

Đức Giêsu đáp lại rằng: “Các ông tưởng mấy người Galilee này phải chịu số phận đó vì họ tội lỗi hơn mọi người Galilee khác sao? Tôi nói cho các ông biết: không phải thế đâu; nhưng nếu các ông không sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết như vậy.” Như câu trả lời của Chúa Giêsu cho các môn đệ trong John 9, Chúa Giêsu từ chối làm một sự nối liền giữa đau khổ và tội lỗi.

(2) Hãy học gương người đi trước: Điều Ngài muốn nhấn mạnh là con người phải biết rút ra bài học cho mình khi chứng kiến những gì xảy ra cho người khác. Trong hai ví dụ hôm nay, Chúa Giêsu muốn nhấn mạnh đến nhu cầu con người phải ăn năn sám hối khi còn có cơ hội; nếu không họ cũng sẽ chết mà không được hưởng ơn cứu độ.

3.2/ Thiên Chúa kiên nhẫn với con người: Rồi Đức Giêsu kể dụ ngôn này: “Người kia có một cây vả trồng trong vườn nho mình. Bác ta ra cây tìm trái mà không thấy, nên bảo người làm vườn: “Anh coi, đã ba năm nay tôi ra cây vả này tìm trái, mà không thấy. Vậy anh chặt nó đi, để làm gì cho hại đất?”

(1) Con người phải sinh hoa trái cho Thiên Chúa bằng các việc lành: Ai cũng cho cây không sinh trái là cây vô dụng, con người không sinh ích lợi cho Thiên Chúa và tha nhân cũng là người vô dụng. Khi một người hay một vật đã trở nên vô dụng, họ sẽ bị lấy đi để dành cơ hội cho người khác. Khi những thứ vô dụng bị loại ra ngoài, chúng sẽ bị hủy hoại. Sự kiện người làm vườn kiên nhẫn cho cây vả 3 năm để sinh hoa kết trái cho thấy sự kiên nhẫn của ông. Thiên Chúa cũng thế, Ngài kiên nhẫn cho con người rất nhiều cơ hội để sửa mình và sinh hoa kết trái cho Ngài.

(2) Hãy biết năm lấy cơ hội như lần cuối cùng: Nhưng người làm vườn đáp lời ông chủ: “Thưa ông, xin cứ để nó lại năm nay nữa. Tôi sẽ vun xới chung quanh, và bón phân cho nó. May ra sang năm nó có trái, nếu không thì ông sẽ chặt nó đi.”

Con người phải khôn ngoan vì họ không biết khi nào là cơ hội cuối cùng. Đừng bao giờ giả định cơ hội sẽ đến mãi: Biết bao nhiêu người chúng ta nhìn thấy năm trước, năm nay không còn nhìn thấy họ nữa; điều này có thể xảy ra cho chúng ta; vì thế, hãy sống như đây là Mùa Chay cuối cùng của cuộc đời; và hãy biết lợi dụng cơ hội Chúa ban để trở về.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

– Thiên Chúa cho chúng ta sống trong thế gian là để chúng ta mưu cầu lợi ích cho phần rỗi linh hồn của chúng ta và của tha nhân.

– Nếu sau khi Thiên Chúa đã cung cấp mọi cơ hội để chúng ta có thễ lãnh nhận ơn cứu độ mà chúng ta vẫn từ chối, Ngài phải cất đi để chúng ta đừng làm thiệt hại phần hồn cho người khác.

– Hãy biết nắm lấy cơ hội như là cơ hội cuối cùng của cuộc đời, vì chúng ta không biết cơ hội có đến nữa hay không. Đàng khác, tại sao không tận dụng cơ hội để sống hạnh phúc và bình an ngay từ bây giờ để khỏi làm nô lệ cho xác thịt, thế gian và quỉ thần.

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

****************