Chúa Nhật (23-04-2023) – Trang suy niệm

22/04/2023

Lời Chúa Hôm Nay

CHÚA NHẬT 3 PHỤC SINH – NĂM A

BÀI ĐỌC I: Cv 2, 14. 22-28

“Không thể nào để cho Người bị cầm giữ trong cõi chết”.

Bài trích sách Tông đồ Công vụ.

Trong ngày lễ Ngũ Tuần, Phêrô cùng với mười một Tông đồ đứng ra, lên tiếng nói rằng: “Hỡi các người Do-thái và tất cả những ai ở Giêrusalem, xin hãy biết điều này và lắng nghe lời tôi! Hỡi những người Israel, hãy nghe những lời này: Đức Giêsu Nadarét là người đã được Thiên Chúa chứng nhận giữa anh em bằng những việc vĩ đại, những điều kỳ diệu và những phép lạ mà Thiên Chúa đã dùng Người để thực hiện giữa anh em, như chính anh em đã biết. Theo như Thiên Chúa đã định và biết trước, Người đã bị nộp, và anh em đã dùng tay những kẻ độc ác mà hành hạ rồi giết đi. Sau khi bẻ gãy xiềng xích tử thần, Thiên Chúa đã giải thoát Người khỏi những đau khổ của cõi chết mà cho Người phục sinh, vì không thể nào để cho Người bị cầm giữ trong đó. Vì chưng Đavít đã nói về Người rằng: ‘Tôi hằng chiêm ngưỡng Chúa trước mặt tôi, vì Người ở bên hữu tôi, để tôi không nao núng. Vì thế, lòng tôi hân hoan, miệng lưỡi tôi hát mừng, và xác tôi yên nghỉ trong niềm cậy trông: vì Chúa không để linh hồn tôi trong cõi chết, và không để Đấng Thánh của Chúa thấy sự hư nát. Chúa đã cho tôi biết con đường sự sống và cho tôi đầy hân hoan tận hưởng nhan thánh Chúa’”.

Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 15, 1-2a và 5. 7-8. 9-10. 11

Đáp: Chúa sẽ chỉ cho con biết đường lối trường sinh (c. 11a).

1) Xin bảo toàn con, lạy Chúa, vì con tìm nương tựa Chúa. Con thưa cùng Chúa: “Ngài là chúa tể con, Chúa là phần gia nghiệp và phần chén của con, chính Ngài nắm giữ vận mạng của con”.

2) Con chúc tụng Chúa vì đã ban cho con lời khuyên bảo, đó là điều lòng con tự nhủ, cả những lúc đêm khuya. Con luôn luôn đặt Chúa ở trước mặt con, vì Chúa ngự bên hữu con, con sẽ không nao núng.

3) Bởi thế lòng con vui mừng và linh hồn con hoan hỉ, ngay cả đến xác thịt của con cũng nằm nghỉ an toàn, vì Chúa chẳng bỏ rơi linh hồn con trong Âm phủ, cũng không để thánh nhân của Ngài thấy sự hư nát.

4) Chúa sẽ chỉ cho con biết đường lối trường sinh, sự no đầy hoan hỉ ở trước thiên nhan, sự khoái lạc bên tay hữu Chúa tới muôn muôn đời!

BÀI ĐỌC II: 1 Pr 1, 17-21

“Anh em được cứu độ bằng Máu châu báu của Đức Kitô, Con Chiên tinh tuyền”.

Bài trích thư thứ nhất của Thánh Phêrô Tông đồ.

Anh em thân mến, nếu anh em gọi Người là Cha, Đấng không thiên vị ai khi xét đoán mỗi người theo việc họ làm, thì anh em hãy sống trong sự kính sợ suốt thời anh em còn lưu trên đất khách. Anh em biết rằng không phải bằng vàng bạc hay hư nát mà anh em đã được cứu chuộc khỏi nếp sống phù phiếm tổ truyền, nhưng bằng máu châu báu của Đức Kitô, Con Chiên tinh tuyền, không tì ố. Người đã được tiền định trước khi tác thành vũ trụ và được tỏ bày trong thời sau hết vì anh em. Nhờ Người, anh em tin vào Thiên Chúa, Đấng làm cho Người sống lại từ cõi chết, và ban vinh quang cho Người để anh em đặt cả lòng tin và niềm hy vọng nơi Thiên Chúa.

Đó là lời Chúa.

ALLELUIA: x. Lc 24, 32

All. All. – Lạy Chúa Giêsu, xin giải thích cho chúng con những lời Thánh Kinh; xin làm cho tâm hồn chúng con sốt sắng khi nghe Chúa nói với chúng con. – All.

PHÚC ÂM: Lc 24, 13-35

“Hai ông đã nhận ra Người lúc bẻ bánh”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Cùng ngày thứ nhất trong tuần, có hai môn đệ đi đến một làng tên là Emmaus, cách Giêrusalem độ sáu mươi dặm. Dọc đường, các ông nói với nhau về những việc vừa xảy ra. Đang khi họ nói truyện và trao đổi ý kiến với nhau, thì chính Chúa Giêsu tiến lại cùng đi với họ, nhưng mắt họ bị che phủ nên không nhận ra Người. Người hỏi: “Các ông có truyện gì vừa đi vừa trao đổi với nhau mà buồn bã vậy?” Một người tên là Clêophas trả lời: “Có lẽ ông là khách hành hương duy nhất ở Giêrusalem mà không hay biết những sự việc vừa xảy ra trong thành mấy ngày nay”. Chúa hỏi: “Việc gì thế?” Các ông thưa: “Sự việc liên can đến ông Giêsu quê thành Nadarét. Người là một vị tiên tri có quyền lực trong hành động và ngôn ngữ, trước mặt Thiên Chúa và toàn thể dân chúng. Thế mà các trưởng tế và thủ lãnh của chúng ta đã bắt nộp Người để xử tử và đóng đinh Người vào thập giá. Phần chúng tôi, chúng tôi vẫn hy vọng Người sẽ cứu Israel. Các việc ấy đã xảy ra nay đã đến ngày thứ ba rồi. Nhưng mấy phụ nữ trong nhóm chúng tôi, quả thật, đã làm chúng tôi lo sợ. Họ đến mồ từ tảng sáng. Và không thấy xác Người, họ trở về nói đã thấy thiên thần hiện ra bảo rằng: Người đang sống. Vài người trong chúng tôi cũng ra thăm mồ và thấy mọi sự đều đúng như lời các phụ nữ đã nói; còn Người thì họ không gặp”. Bấy giờ Người bảo họ: “Ôi kẻ khờ dại chậm tin các điều tiên tri đã nói! Chớ thì Đấng Kitô chẳng phải chịu đau khổ như vậy rồi mới được vinh quang sao?” Đoạn Người bắt đầu từ Môsê đến tất cả các tiên tri, giải thích cho hai ông tất cả các lời Kinh Thánh chỉ về Người. Khi gần đến làng hai ông định tới, Người giả vờ muốn đi xa hơn nữa. Nhưng hai môn đệ nài ép Người rằng: “Mời ông ở lại với chúng tôi, vì trời đã về chiều, và ngày sắp tàn”. Người liền vào với các ông. Đang khi cùng các ông ngồi bàn, Người cầm bánh, đọc lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho hai ông. Mắt họ sáng ra và nhận ra Người. Đoạn Người biến mất. Họ bảo nhau: “Phải chăng lòng chúng ta đã chẳng sốt sắng lên trong ta, khi Người đi đường đàm đạo và giải thích Kinh Thánh cho chúng ta đó ư?” Ngay lúc ấy họ chỗi dậy trở về Giêrusalem, và gặp mười một tông đồ và các bạn khác đang tụ họp. Họ bảo hai ông: “Thật Chúa đã sống lại, và đã hiện ra với Simon”. Hai ông cũng thuật lại các việc đã xảy ra dọc đường và hai ông đã nhận ra Người lúc bẻ bánh như thế nào.

Đó là lời Chúa.

(Nguồn: UBPV/HĐGMVN, ấn bản 1973)

++++++++++++++++++

23/04/2023 – CHÚA NHẬT TUẦN 3 PS – A

Lc 24,13-35

GIẢI ĐÁP CỦA ĐẤNG PHỤC SINH

Người cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, bẻ ra trao cho họ, mắt họ mở ra và họ nhận ra Người… Họ mới bảo nhau: “Dọc đường, khi Người nói chuyện và giải thích Kinh Thánh, lòng chúng ta đã chẳng bừng cháy lên sao?” (Lc 24,30-32)

Suy niệm: Đức Ki-tô Phục Sinh xuất hiện trên đường như một lữ khách. Người đã giải thích cuộc đời mình dưới ánh sáng Kinh Thánh. Việc duyệt lại đời Ngài giúp hai môn đệ Em-mau duyệt lại đời mình. “Lòng ta đã chẳng bừng cháy khi nghe Người giải thích Kinh thánh trên đường chiều đó sao?” Qua cuộc đàm thoại và chuyến  hội ngộ bên quán trọ chiều hôm ấy, với những cử chỉ thân quen của Chúa “cầm lấy bánh bẻ ra”, họ đã nhận ra người đã chết nay là Đấng hằng sống. Tháng ngày quá khứ dường như đã chết của họ nay lại hồi sinh. Chỉ khi nhận ra Chúa Phục sinh, cuộc đời mới trở thành niềm vui.

Mời Bạn: Đức Ki-tô vẫn luôn hiện diện Người đồng hành với chúng ta trên khắp nẻo đường đời. Hãy đọc cho ra mặc khải Chúa trong Thánh Kinh, sẽ thấy lửa đức tin bừng sáng lên, dù có xuôi vạn lý, cũng không thấy đường đời đơn côi. Đức tin không phải là một mớ kiến thức học được trong sách vở, nhưng là cuộc gặp gỡ cá vị và trực tiếp với Đức Ki-tô. Lời Chúa làm đảo lộn tâm hồn, Thánh Thể  giúp ta tiếp nhận sự sống đời đời của Đấng Phục Sinh.

Chia sẻ: Bạn đã giúp gia đình bạn cầu nguyện và sống lời Chúa thế nào?

Sống Lời Chúa: Kiên trì đọc Lời Chúa mỗi ngày và xin cho Lời Chúa biến đổi giúp bạn bỏ đi một tính xấu.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con luôn biết lắng nghe Lời Chúa, vì Lời Chúa là sức sống đời con, là ánh sáng đời con, là đường để con hằng đi tới. Amen.

(5 Phút Lời Chúa)

++++++++++++++++++

Suy niệm và cầu nguyện

Suy Niệm

Nhiều khi chúng ta hay quên chuyện này,
Đức Giêsu phục sinh là người tràn đầy niềm vui.
Ngài vui vì Ngài được Cha phục sinh.
Ngài vui vì Cha đã đóng ấn trên toàn bộ cuộc đời Ngài,
chứng nhận mọi việc Ngài làm, mọi lời Ngài nói.
Cha cho cả thế giới biết rằng Đấng không xuống khỏi thập giá
không phải là người bị Thiên Chúa nguyền rủa hay bỏ rơi,
nhưng là Chiên Thiên Chúa, Đấng mang cho trần gian bao tội lụy.
    
Đức Giêsu đã trải qua đức tin tăm tối như chúng ta.
Ngài vẫn luôn tin rằng Cha sẽ cứu Ngài, cứu theo cách của Cha.
Ngài đã lớn tiếng kêu van khóc lóc mà dâng lời khẩn nguyện lên Cha.
Rốt cuộc, Ngài đã được Cha nhậm lời (Hr 5,7).
Cha không cứu Con khỏi thập giá và cái chết,
nhưng Cha cứu Con khỏi nấm mộ và âm phủ.
Phục sinh là món quà quý Cha tặng cho Chúa Giêsu,
Người Con Một đã vâng lời Cha cho đến chết trên thập giá (Pl 2,8).
Chúa phục sinh vui thật là vui, và Ngài muốn đem niềm vui cho môn đệ.
Khi hai môn đệ bỏ cuộc, bỏ cộng đoàn để về quê ở Emmau,
Ngài không muốn mất họ và muốn hiện ra gặp họ.
Ngài muốn dựng lên một “kịch bản” đáng nhớ cho cuộc gặp gỡ này.
                                                        
Trước hết Ngài cùng đi với họ như một người tình cờ đi chung đường.
Ngài thấy rõ vẻ buồn bã trên khuôn mặt của họ,
Và cũng biết rõ họ đang đắng lòng về chuyện của thầy Giêsu.
Vậy mà Ngài vẫn làm như không biết,
và khiêm tốn xin được tham dự vào câu chuyện của hai người:
“Hai anh đang trao đổi chuyện gì vậy?”
 Ngài chỉ nhận được câu trả lời thiếu thiện cảm của Clêôpát:
“Chắc ông là người duy nhất không biết chuyện mới xảy ra.”
Chúa Giêsu kiên nhẫn, không vội cắt đứt câu chuyện.
Ngài hỏi: “Chuyện gì vậy?”
Dĩ nhiên Chúa quá biết chuyện mới xảy ra về cái chết của Ngài,
nhưng Ngài vẫn làm như không biết.
Ngài làm bộ hỏi để cho họ có cơ hội trải lòng.
Hai môn đệ đã tha hồ kể về niềm hy vọng đã vỡ tan, về nỗi đau.
Họ không nuốt trôi được chuyện Thầy của họ là người công chính,
mà phải chết như một tên tội phạm, bị Thiên Chúa ruồng rẫy.
Chỉ sau khi đã lắng nghe hết mọi chuyện,
Chúa mới dùng Kinh Thánh để giúp họ hiểu được biến cố vừa qua.
Thầy của họ phải đi ngang qua cây cầu khổ đau và cái chết
để qua bên kia cầu là sự sống vinh quang.

Khi biết sắp đến lúc phải chia tay, để hai ông vào làng của họ,
Chúa Giêsu làm ra vẻ mình phải đi xa hơn.
Ngài làm thế để cho họ được tùy ý mời Ngài vào nhà.
Đây cũng là cách Ngài xem họ đã đón nhận đến mức nào
những soi sáng của Ngài dựa trên Kinh Thánh.
Quả thật hai ông đã mê người khách lạ đi chung với mình rồi.
vì lời của ông này làm ấm lại trái tim lạnh giá của họ.
Hai ông đã ép người khách lạ vào nhà để nghỉ ngơi qua đêm.
Dĩ nhiên Chúa Giêsu đồng ý ngay.
Chính trong lúc Ngài bẻ bánh trao cho họ, thì họ nhận ra Ngài.
Hai ông chắc đã bỏ dở bữa ăn để về ngay Giêrusalem.
Đi lại mười một cây số nữa trong đêm, nhưng lòng rất vui.
Họ huyên thuyên với nhau suốt đường dài,
ôn lại những chi tiết về những gì đã xảy ra dọc đường,
nhất là lúc mắt họ mở ra để thấy Chúa khi bẻ bánh.

Không phải Chúa phục sinh chỉ đi với hai môn đệ này một lần.
Ngài đi với từng người chúng ta nhiều lần trong đời,
khi chúng ta bỏ cuộc, chán chường, buồn sầu và thất vọng.
Ngài biết những thử thách chúng ta phải chịu trên đường đời.
Ngài mong đưa chúng ta về với đức tin, về với cộng đoàn.
Mỗi lần đến, Ngài lại theo một “kịch bản” riêng.
Chúng ta có nhận ra Ngài không?

Cầu nguyện

Xin ở lại với con, lạy Chúa,
vì con cần có Chúa hiện diện
để con khỏi quên Chúa.

Chúa thấy con dễ bỏ Chúa biết chừng nào.
Xin ở lại với con, lạy Chúa,
vì con yếu đuối,
con cần Chúa đỡ nâng để con khỏi ngã quỵ.

Không có Chúa,
con đâu còn nồng nhiệt hăng say.
Xin ở lại với con, lạy Chúa,
vì trời đã xế chiều  và ngày sắp tàn,
cuộc đời qua đi, vĩnh cửu gần đến.

Con cần được thêm sức mạnh
để khỏi ngừng lại dọc đường.

Xin ở lại với con, lạy Chúa,
vì con cần Chúa trong đêm tối cuộc đời.

Con không dám xin những ơn siêu phàm,
chỉ xin ơn được Ngài hiện diện.

Xin ở lại với con,
vì con chỉ tìm Chúa, yêu Chúa
và không đòi phần thưởng nào khác
ngoài việc được yêu Chúa hơn.

(Cha thánh Piô Năm Dấu)

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

(phutcaunguyen.net)

++++++++++++++++++

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên

23 THÁNG TƯ

Xây Dựng Hòa Bình Là Chống Lại Sự Chết

Con người hôm nay có thật sự sẵn lòng tham dự vào sự hiển thắng của Thiên Chúa trên sự chết hay không? Có một thách đố cho con người hôm nay. Thách đố này vừa phức tạp vừa thúc bách hơn bất cứ thách đố nào khác. Đó chính là thách đố của hòa bình. Chọn lựa hòa bình có nghĩa là chọn lựa sự sống. Xây dựng hòa bình có nghĩa là tham dự một cách can đảm và đầy trách nhiệm vào công cuộc cứu độ của Thiên Chúa của những người sống. Thiên Chúa mời gọi con người hôm nay chống lại sự chết bất cứ nơi đâu sự chết xuất hiện.

Bất cứ nơi đâu mà sự chết xuất hiện xét như là hệ lụy của ích kỷ, chia rẽ và bạo lực, thì con người phải chống lại nó. Bất cứ nơi đâu mà máu người ta đổ ra do những xung đột quân sự, do chiến tranh du kích, do khủng bố, do trả thù, bất cứ nơi đâu mà phẩm giá con người bị chà đạp, nhân vị và tự do của con người bị phủ nhận … thì con người phải phản kháng.

Tôi muốn mời gọi mọi người – thuộc mọi niềm tin tôn giáo, tất cả mọi người thiện chí – cùng cầu nguyện đặc biệt cho hòa bình. Chúng ta hãy khẳng định lại quyết tâm vượt thắng sự chết. Chúng ta hãy khẳng định chiến thắng của sự sống, chiến thắng của Chúa Kitô Phục Sinh.

– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –

Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác

LIFT UP YOUR HEARTS

Daily Meditations by Pope John Paul II

+++++++++++++++++

Lời Chúa Trong Gia Đình

NGÀY 23/4

CHÚA NHẬT III PHỤC SINH

Cv 2, 14. 22b-33; 1Pr 1, 17-21; Lc 24, 13-35.

LỜI SUY NIỆM: “Đang lúc họ trò chuyện và bàn tán, thì chính Đức Giêsu tiến đén gần và cùng đi với họ.”

          Những ai là môn đệ của Chúa Giêsu, thì Người không để họ lạc mất. Như với hai môn đệ rời bỏ Giêrusalem để trở về Emau, Người sợ mất hai ông. Nên Người đã tiến lại gần, cùng đi với hai ông, giúp cho hai ông hiểu rõ thêm về Kinh Thánh và cuối cùng Người tỏ mình ra trong lúc bẻ bánh giúp cho hai ông nhận ra Người. Để rồi hai ông quay trở lại Giêrusalem gặp Nhóm Mười Một và các bạn hữu đang tụ họp ở đó.”

          Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã sống lại, Chúa đang cùng hoạt động với các Tông Đồ, Chúa đang hiên diện và gìn giữ  chúng con. Xin cho chúng con tín thác đời sống trong tay Chúa. Amen.

Mạnh Phương

+++++++++++++++++

Gương Thánh Nhân

Ngày 23-04

Thánh GIORGIÔ
Tử Đạo (+303)

Thánh Giorgiô chịu chết vì đạo ở Lydda, Palestine có lẽ trước thời vua Constantinô. Đó là tất cả những gì chúng ta biết chắc về vị thánh thời danh này. Nhưng lòng tôn kính dành cho Ngài lan rộng cách mau chóng. Người Đông phương gọi Ngài là vị tử đạo vĩ đại, người Hy lạp mừng kính Ngài, các hiệp sĩ suy tôn Ngài, nước Anh chọn Ngài làm thánh bổn mạng và lễ kính của Ngài được coi là lễ nghỉ bắt buộc, tại đây cho tới năm 1778.

Có nhiều sách viết về thánh Giorgio nhưng lại khác biệt và không liên hệ gì với nhau:

Một tài liệu kể rằng: Thánh nhân sinh ra tại Cappatocia trong một gia đình quyền quí. Cha Ngài là lương dân, mẹ Ngài là một Kitô hữu. Khi thân phụ qua đời, Ngài theo người mẹ về Palestine. Sau này, Ngài ôm mộng làm lính chiến. Diocletianô đã nhận thấy khả năng chiến đấu của Ngài nên dù còn rất trẻ,

Ngài đã được xếp vào hàng sĩ quan cao cấp. Nhưng khi vị vua này ra sắc chỉ cấm đạo, Giorgiô đã can đảm chỉ trích ông trước hội nghị về sắc chỉ bất công này. Lời biện hộ làm mủi lòng người nghe, nhưng nhà vua đã nổi giận và ra lệnh hành hạ thánh nhân, Ông còn cho cột thánh nhân lại và giam vào ngục tối. Ông còn cho cột thánh nhân vào bánh xe với dao bén và mũi nhọn mà xoay vòng. Những hình phạt còn nhiều thứ độc dữ như đánh đòn, dầu sôi…

Tuy nhiên, khi tưởng thánh nhân đã chết, thì một phép lạ đã chữa lành mọi vết thương. Thấy mọi cực hình đều vô hiệu, nhà vua dịu giọng mở lời khuyên nhủ. Thánh nhân xin vua cho đến đền thờ. Tưởng thành công, ông đã triệu tập dân chúng lại và dọn sẵn lễ vật cho Giorgiô dâng kính các ngẫu thần.

Tại đền thờ, thánh nhân dùng tượng thần Apolô mà hỏi: – Người có phải là Thiên Chúa để cho chúng tôi dâng lễ vật không ?

Tượng thần bỗng lên tiếng : – Không, tôi không phải là Thiên Chúa.

Thánh Giorgiô liền làm dấu thánh giá và tượng thần đổ vỡ tan tành.

Mọi người run sợ. Nhà vua truyền lệnh chém đầu thánh nhân ngày hôm đó.

(daminhvn.net)

+++++++++++++++++

23 Tháng Tư

Bữa Ăn Thiên Ðàng Và Hỏa Ngục 

Một ký giả kia được phép xuống hỏa ngục và lên thiên đàng để làm một bản phóng sự về đời sống của nhân dân tại đó. 

Sau một cuộc hành trình gay go, ký giả trên lọt được vào địa ngục đúng vào giờ ăn. Nhìn vào bàn ăn, anh ta không khỏi lấy làm lạ khi thấy trưng bày toàn sơn hào hải vị đang bốc khói hương ngào ngạt làm anh ta không khỏi nuốt nước bọt.

Nhưng lúc các kiều dân địa ngục tiến vào phòng ăn, chàng ta lại càng ngạc nhiên hơn khi thấy họ ốm o gầy mòn, chỉ còn da bọc xương, vài người đi không muốn nổi. Sự kinh ngạc tan biến khi chàng phóng viên chứng kiến cảnh họ dùng bữa. Vì muỗng nĩa rất dài buộc dính vào đôi tay không cho phép họ đưa thức ăn vào miệng, nên dù họ có cố gắng thế nào đi nữa, thức ăn chỉ đổ tháo ra đầy bàn hay rơi tung tóe xuống mặt đất. Tệ hại hơn là cảnh họ tranh giành nhau: vài người dùng muỗng nĩa để thay vì đưa thức ăn vào miệng, lại biến chúng thành những khí giới đập đánh nhau. Thật là một bãi chiến trường. Khi chuông báo giờ ăn đã mãn, họ buồn phiền rời phòng ăn, dạ dày vẫn trống rỗng.

Quá sợ hãi, chàng ký giả lập tức từ giã địa ngục để tiếp tục lên phóng sự trên thiên đàng. Ðến nơi cũng đúng vào giờ cơm. Bàn ăn cũng trưng bày những thức ăn ngon miệng. Quan sát nhân dân, chàng ta thấy ai nấy đều phương phi, khỏe mạnh, tuy đôi tay họ cũng được gắn chặt những muỗng nĩa rất dài. Có khác là thay vì họ cố gắng đưa thức ăn vào miệng mình, họ lại dùng muỗng nĩa để đút thức ăn cho nhau. Phòng ăn vang lên những giọng nói cười vui, thỏa mãn.

Kết thúc bài phóng sự tường trình về những điều mắt thấy tai nghe, chàng ký giả viết: Ích kỷ và vị tha là hai điểm khác biệt giữa địa ngục và thiên đàng.

Kết thúc thời gian sáng thế, Thiên Chúa phán với hai ông bà nguyên tổ: “Hãy sinh sôi nảy nở và hãy nên đầy dẫy trên đất. Hãy làm bá chủ nó. Hãy trị trên cá biển và chim trời và mọi loài sinh vật nhung nhúc trên đất. Này Ta ban cho các ngươi mọi thứ cỏ lá sinh hạt giống có trên mặt đất, và mọi thứ cây có quả sinh hạt giống, chúng sẽ làm thức ăn cho các ngươi”.

Với công trình sáng tạo và lời chúc phúc trên, Thiên Chúa muốn biến mặt đất thành Vườn Ðịa Ðàng, nhưng con người đã chia mặt đất thành đông, tây, nam, bắc, thành những nước thống trị và những nước bị đô hộ, thành những quốc gia giàu và những nước nghèo. Ðó là chưa kể con người đã và đang biến Vườn Ðịa Ðàng thành địa ngục qua bao nhiêu cuộc chiến tranh lớn nhỏ mà xét cho cùng cũng chỉ vì tranh giành quyền lợi, tranh nhau miếng ăn, manh áo. Thật vậy, ích kỷ và vị tha là hai điểm khác biệt giữa địa ngục và thiên đàng.

(Lẽ Sống)

++++++++++++++++++

Lời Chúa Mỗi Ngày

Chúa Nhật III – Năm A – Phục Sinh

Bài đọc: Acts 2:14, 22-28; 1 Pet 1:17-21; Lk 24:13-35.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa đã được phác họa ngay từ đầu, khi trái đất và con người chưa được tạo dựng.

Có những sự khác biệt to lớn giữa Thiên Chúa và con người: Ngài không bị lệ thuộc vào thời gian như con người; tư tưởng và ý định của Ngài bao trùm từ khởi sự cho đến hoàn thành, trong khi kiến thức con người quá giới hạn đến độ không thể lãnh nhận những mặc khải của Thiên Chúa một lúc. Thiên Chúa đã có kế hoạch cứu độ con người ngay từ đầu, khi trời đất và con người chưa được tạo thành, và dĩ nhiên, chưa phạm tội trong vườn Địa Đàng. Trọng tâm của kế hoạch cứu độ là Đức Kitô, Ngài là Đấng sẽ mang lại ơn cứu độ cho con người qua cái chết và sự phục sinh vinh hiển của Ngài. Kế hoạch cứu độ có hai phần chính: phần đầu Thiên Chúa chọn dân tộc Do-thái để chuẩn bị cho việc nhập thể của Đức Kitô; phần hai khi Đức Kitô đến, Ngài mở rộng ơn cứu độ của Thiên Chúa cho tất cả mọi người. Vì thế, Đức Kitô là giao điểm của Cựu Ước và Tân Ước. Tất cả những gì Đức Kitô sẽ làm đã được tiên báo cách ẩn tàng trong Cựu Ước. Khi Đức Kitô đến, Ngài thực thi tất cả những gì đã được tiên báo trong Cựu Ước. Thánh Augustinô nhận định rất chính xác: Cựu Ước chuẩn bị cho Tân Ước và Tân Ước làm trọn những gì Cựu Ước chuẩn bị. Thánh Phaolô diễn tả cách tương tự: nếu chỉ đọc Cựu Ước thôi, một người sẽ chỉ hiểu lờ mờ kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa như đang bị một bức màn che mắt; nhưng nếu đọc Cựu Ước với ánh sáng của Tân Ước, một người sẽ hiểu rõ tất cả chi tiết của kế hoạch cứu độ (2 Cor 3:13-17).

Các bài đọc hôm nay cho chúng ta thấy lợi ích của việc giải thích những biến cố xảy ra cho Đức Kitô trong ánh sáng của Cựu Ước. Trong bài đọc I, thánh Phêrô chứng minh cho người Do-thái biết Đức Giêsu thành Nazareth chính là Đấng Thiên Chúa sai đến, để thực thi kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa và mang lại cuộc sống trường sinh cho con người, như đã được loan báo trong Kinh Thánh. Trong bài đọc II, tác giả Thư Phêrô thứ nhất cũng lặp lại tư tưởng của bài đọc I, Đức Kitô là Đấng mà Thiên Chúa đã biết trước khi vũ trụ được dựng nên. Ngài xuất hiện trong thời cuối cùng để làm trọn kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa. Trong Phúc Âm, chính Đức Kitô thân hành hiện đến và cùng đồng hành với hai môn đệ trên đường Emmaus, để giải thích cho họ về những lời Kinh Thánh được làm trọn qua cái chết và sự phục sinh của Ngài. Hai ông đã nhận ra chính là Ngài khi Ngài cùng bẻ bánh với hai ông.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Đức Giêsu đã bị nộp và giết chết theo kế hoạch Thiên Chúa đã định và biết trước.

Bài giảng của Phêrô sau biến cố Chúa Thánh Thần hiện xuống gồm hai phần chính:

1.1/ Phêrô làm chứng cho những gì Đức Kitô đã thực hiện: Phêrô đứng chung với Nhóm Mười Một lớn tiếng nói với họ rằng: “Thưa anh em miền Judah và tất cả những người đang cư ngụ tại Jerusalem, xin biết cho điều này, và lắng nghe những lời tôi nói đây… Thưa đồng bào Israel, xin nghe những lời sau đây. Đức Giêsu Nazareth, là người đã được Thiên Chúa phái đến với anh em. Và để chứng thực sứ mệnh của Người, Thiên Chúa đã cho Người làm những phép mầu, điềm thiêng và dấu lạ giữa anh em. Chính anh em biết điều đó.” Phêrô không cần phải dẫn chứng nhiều, vì tất cả những gì Đức Kitô đã làm và những gì xảy ra cho Ngài vẫn còn sống động trong tâm hồn khán giả của ông.

1.2/ Phêrô nối kết những biến cố này với những gì đã được đề cập tới trong Kinh Thánh: Vì người Do-thái tin vào Kinh Thánh, Phêrô làm chứng cho Đức Kitô bằng cách liên kết những biến cố mới xảy ra với những gì đã được đề cập trong Kinh Thánh. Mục đích của Phêrô là để khơi niềm tin nơi khán giả vào Thiên Chúa và vào Đức Kitô. Kinh Thánh đã nói trước về mục đích của cái chết và sự sống lại của Đức Kitô. Ngài phải chết và phục sinh theo kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa. Mục đích là để tha thứ tội lỗi và mang lại cuộc sống trường sinh vĩnh cửu cho con người: “Theo kế hoạch Thiên Chúa đã định và biết trước, Đức Giêsu ấy đã bị nộp, và anh em đã dùng bàn tay kẻ dữ đóng đinh Người vào thập giá mà giết đi. Nhưng Thiên Chúa đã làm cho Người sống lại, giải thoát Người khỏi những đau khổ của cái chết. Vì lẽ cái chết không tài nào khống chế được Người mãi.”

Phêrô trưng dẫn những lời của Thánh Vịnh 16:8-11, để minh chứng điều này. Câu 27 của trình thuật mang một ý nghĩa quan trọng về cuộc sống trường sinh: “Vì Chúa chẳng đành bỏ mặc linh hồn con trong cõi âm ty, cũng không để Vị Thánh của Ngài phải hư nát.” Ai là “Vị Thánh của Ngài” mà Thánh Vịnh 16 nói tới? Chắc chắn không phải là vua David, vì David đã chết, và mộ của vua vẫn còn ở Hebron cho tới ngày nay. Truyền thống Do-thái thời đó vẫn tin người nào đã vào trong cõi âm ty (Sheol, Hades), sẽ không bao giờ có ngày trở về trên cõi dương gian. Quan niệm về cuộc sống đời sau, được hưởng hạnh phúc muôn đời với Thiên Chúa, là một quan niệm rất xa lạ với người Do-thái thời đó. Vì thế, câu “Chúa sẽ dạy con biết đường về cõi sống, và cho con được vui sướng tràn trề khi ở trước Thánh Nhan” phải là một lời tiên tri nói về Đấng Cứu Thế, và được áp dụng cho sự chết và phục sinh của Đức Kitô.

2/ Bài đọc II: Người là Đấng Thiên Chúa đã biết trước khi vũ trụ chưa được dựng nên.

(1) Chúng ta được cứu độ là do bởi máu vô giá của Đức Kitô: Tác giả Thư Phêrô I nhắc nhở cho các tín hữu biết: “không phải nhờ những của chóng hư nát như vàng hay bạc mà anh em đã được cứu thoát khỏi lối sống phù phiếm do cha ông anh em truyền lại; nhưng anh em đã được cứu chuộc nhờ bửu huyết của Con Chiên vẹn toàn, vô tỳ tích, là Đức Kitô.” Theo kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa có từ muôn thuở, “Người là Đấng Thiên Chúa đã biết từ trước, khi vũ trụ chưa được dựng nên, và Người đã xuất hiện vì anh em trong thời cuối cùng này. Nhờ Người, anh em tin vào Thiên Chúa, Đấng đã cho Người trỗi dậy từ cõi chết, và ban cho Người được vinh hiển, để anh em đặt niềm tin và hy vọng vào Thiên Chúa.” Ai tin vào Ngài, người ấy sẽ nhận được ơn cứu độ là được sống muôn đời.

(2) Hãy biết sống làm sao ở đời này cho xứng với tình yêu Thiên Chúa: Con người không thể nhận lãnh ơn cứu độ bằng sức riêng của mình hay bằng việc giữ cẩn thận Lề Luật; vì mọi người đều phạm tội. Họ chỉ có thể được cứu độ bằng việc tin tưởng vào Đức Kitô và cố gắng giữ những gì Ngài truyền. Để đáp trả tình yêu của Thiên Chúa và của Đức Kitô đã hy sinh mạng sống cho con người, tác giả răn dạy các tín hữu: “Vậy nếu anh em gọi Người là Cha, thì anh em hãy đem lòng kính sợ mà sống cuộc đời lữ khách này.”

3/ Phúc Âm: Người giải thích cho hai ông những gì liên quan đến Người trong tất cả Sách Thánh.

3.1/ Lòng trí các anh thật là chậm tin vào lời các ngôn sứ: Khi phải đương đầu với những biến cố đau buồn trong cuộc sống, nhiều người đã không còn nhận ra Thiên Chúa và sự quan phòng của Ngài. Thái độ này dễ đưa con người đến chỗ thất vọng và không nhận ra Thiên Chúa, dù Ngài có hiện ra và đồng hành với họ. Hai môn đệ của Chúa Giêsu rời Jerusalem để về Emmaus là một ví dụ sống động của thái độ này. Họ buồn và rời Jerusalem vì bao nhiêu hy vọng của họ đặt nơi Chúa Giêsu giờ đã tan thành mây khói. Họ tưởng Chúa Giêsu là Đấng Thiên Sai uy quyền, Ngài sẽ dùng quyền năng để đánh đuổi đế quốc Rôma và giải phóng dân tộc Do-thái khỏi ngoại bang; nhưng nay Ngài đã chết rồi. Vài tia hy vọng mong manh của việc Chúa sống lại không đủ để trợ giúp niềm tin bị thử thách của họ.

Điều này chứng minh cho chúng ta thấy chúng ta cần có những giây phút cầu nguyện và thinh lặng để suy niệm và để nối kết những biến cố xảy ra trong cuộc đời. Chỉ có sự soi sáng của Thiên Chúa mới có thể giúp chúng ta nhận ra những lý do của sự việc xảy ra, và giúp chúng ta vững tin nơi quyền năng của Ngài.

3.2/ “Mời ông ở lại với chúng tôi, vì trời đã xế chiều, và ngày sắp tàn.” Hai môn đệ nhận ra sự tăm tối của tâm hồn và mời Ngài ở lại. Chính lời mời gọi này đã giúp cho hai ông nhận ra Đức Kitô và thêm tin tưởng nơi Ngài. Ba điều quan trọng chúng ta cần học là:

(1) Đức tin được kiên cố qua việc học hỏi Lời Chúa để nhìn ra kế hoạch cứu độ trong các biến cố xảy ra hàng ngày và các biến cố đặc biệt. Bấy giờ Đức Giêsu nói với hai ông rằng: “Các anh chẳng hiểu gì cả! Lòng trí các anh thật là chậm tin vào lời các ngôn sứ! Nào Đấng Kitô lại chẳng phải chịu khổ hình như thế, rồi mới vào trong vinh quang của Người sao? Rồi bắt đầu từ ông Moses và tất cả các ngôn sứ, Người giải thích cho hai ông những gì liên quan đến Người trong tất cả Sách Thánh. Khi gần tới làng họ muốn đến, Đức Giêsu làm như còn phải đi xa hơn nữa. Họ nài ép Người rằng: “Mời ông ở lại với chúng tôi, vì trời đã xế chiều, và ngày sắp tàn.”

Bấy giờ Người mới vào và ở lại với họ.

(2) Tham dự Lễ Bẻ Bánh giúp tăng tình yêu của con người vào Thiên Chúa: “Khi đồng bàn với họ, Người cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, và bẻ ra trao cho họ. Mắt họ liền mở ra và họ nhận ra Người, nhưng Người lại biến mất. Họ mới bảo nhau: “Dọc đường, khi Người nói chuyện và giải thích Kinh Thánh cho chúng ta, lòng chúng ta đã chẳng bừng cháy lên sao?”

(3) Đức tin cần được sự nâng đỡ của cộng đoàn: “Ngay lúc ấy, họ đứng dậy, quay trở lại Jerusalem, gặp Nhóm Mười Một và các bạn hữu đang tụ họp tại đó. Những người này bảo hai ông: “Chúa trỗi dậy thật rồi, và đã hiện ra với ông Simon.” Còn hai ông thì thuật lại những gì đã xảy ra dọc đường và việc mình đã nhận ra Chúa thế nào khi Người bẻ bánh.” Người nào có khuynh hướng xé lẻ để tự giải quyết lấy thường dễ rơi vào cạm bẫy của ma quỉ, Judah Iscariot là một trường hợp điển hình.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

– Chúng ta phải học Cựu Ước để hiểu rõ Tân Ước, và phải học Tân Ước để hiểu rõ Cựu Ước. Cả hai chỉ là hai phần khác nhau của một kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa.

– Tham dự Thánh Lễ cách trọn vẹn, vừa lắng nghe Lời Chúa vừa lãnh nhận Mình Thánh Chúa, thắp lên trong chúng ta ngọn lửa tình yêu cho Thiên Chúa, giữ vững niềm hy vọng, và nhiệt thành làm chứng cho Ngài.

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

****************