Chúa Nhật (23-07-2023) – Trang suy niệm

22/07/2023

Lời Chúa Hôm Nay

CHÚA NHẬT 16 THƯỜNG NIÊN – NĂM A

BÀI ĐỌC I: Kn 12, 13. 16-19

“Người ban cho kẻ tội lỗi ơn ăn năn trở lại”.

Bài trích sách Khôn Ngoan.

Ngoài Chúa, không có chúa nào khác chăm sóc mọi sự, ngõ hầu minh chứng rằng Chúa không đoán xét bất công. Vì chưng, sức mạnh của Chúa là nguồn gốc sự công minh, và vì Người là Chúa mọi sự, nên tỏ ra khoan dung với mọi người. Chúa chỉ tỏ sức mạnh Chúa ra khi có kẻ không tin vào uy quyền của Chúa, và triệt hạ kẻ kiêu căng không nhìn biết Người. Vì là chủ sức mạnh, nên Chúa xét xử hiền lành, Chúa thống trị chúng ta với đầy lòng khoan dung: vì khi Chúa muốn, mọi quyền hành tuân lệnh Người. Khi hành động như thế, Người dạy dỗ dân Người rằng: Người công chính phải ăn ở nhân đạo, và Người làm cho con cái Người đầy hy vọng rằng: Người ban cho kẻ tội lỗi ơn ăn năn sám hối.

Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 85, 5-6. 9-10. 15-16a

Đáp: Lạy Chúa, Chúa nhân hậu và khoan dung (c. 5a).

1) Lạy Chúa, vì Chúa nhân hậu và khoan dung, giàu lượng từ bi với những ai kêu cầu Chúa. Lạy Chúa, xin nghe lời con khẩn nguyện, và quan tâm đến tiếng con van nài.

2) Các dân tộc mà Chúa tạo thành, họ sẽ tới, lạy Chúa, họ sẽ thờ lạy Ngài, và họ sẽ ca tụng danh Ngài. Vì Ngài cao cả và làm những điều kỳ diệu; duy một mình Ngài là Thiên Chúa.

3) Nhưng lạy Chúa, Ngài là Thiên Chúa từ bi, nhân hậu, chậm bất bình, rất mực khoan dung và thủ tín. Xin đoái nhìn đến con và xót thương con.

BÀI ĐỌC II: Rm 8, 26-27

“Thánh Thần cầu xin cho chúng ta bằng những tiếng than khôn tả”.

Bài trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.

Anh em thân mến, có Thánh Thần nâng đỡ sự yếu hèn của chúng ta. Vì chúng ta không biết cầu nguyện thế nào cho xứng hợp, nhưng chính Thánh Thần cầu xin cho chúng ta bằng những tiếng than khôn tả. Mà Đấng thấu suốt tâm hồn, thì biết điều Thánh Thần ước muốn. Bởi vì Thánh Thần cầu xin cho các thánh theo ý Thiên Chúa.

Đó là lời Chúa.

ALLELUIA: Ga 6, 64b và 69b

All. All. – Lạy Chúa, lời của Chúa là thần trí và là sự sống; Chúa có những lời ban sự sống đời đời. – All.

PHÚC ÂM: Mt 13, 24-43

“Hãy cứ để cả hai mọc lên cho đến mùa gặt”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán một dụ ngôn khác cùng dân chúng rằng: “Nước trời giống như người kia gieo giống tốt trong ruộng mình. Trong lúc mọi người ngủ, thì kẻ thù của ông đến gieo cỏ lùng vào ngay giữa lúa, rồi đi mất. Khi lúa lớn lên và trổ bông thì cỏ lùng cũng lộ ra. Đầy tớ chủ nhà đến nói với ông rằng: “Thưa ông, thế ông đã không gieo giống tốt trong ruộng ông sao? Vậy cỏ lùng từ đâu mà có?” Ông đáp: “Người thù của ta đã làm như thế”. Đầy tớ nói với chủ: “Nếu ông bằng lòng, chúng tôi xin đi nhổ cỏ”. Chủ nhà đáp: “Không được, kẻo khi nhổ cỏ lùng, các anh lại nhổ luôn cả lúa chăng. Hãy cứ để cả hai mọc lên cho đến mùa gặt. Và đến mùa, ta sẽ dặn thợ gặt: “Các anh hãy nhổ cỏ lùng trước, rồi bó lại từng bó mà đốt đi, sau mới thu lúa lại chất vào lẫm cho ta”. Người lại nói với họ dụ ngôn khác mà rằng: “Nước trời giống như hạt cải người kia gieo trong ruộng mình. Hạt đó bé nhỏ hơn mọi thứ hạt giống, nhưng khi mọc lên, thì lớn hơn mọi thứ rau cỏ, rồi thành cây, đến nỗi chim trời đến nương náu nơi ngành nó”. Người lại nói với họ một dụ ngôn khác nữa mà rằng: “Nước trời giống như men người đàn bà kia lấy đem trộn vào ba đấu bột, cho đến khi bột dậy men”. Chúa Giêsu dùng dụ ngôn mà phán những điều ấy với dân chúng. Người không phán điều gì với họ mà không dùng dụ ngôn, để ứng nghiệm lời tiên tri đã chép rằng: “Ta sẽ mở miệng nói lời dụ ngôn, Ta sẽ tỏ ra những điều bí nhiệm từ lúc dựng nên thế gian”. Sau khi giải tán dân chúng, Người trở về nhà. Các môn đệ đến gặp Người và thưa rằng: “Xin Thầy giải thích dụ ngôn cỏ lùng trong ruộng cho chúng con nghe”. Người đáp rằng: “Kẻ gieo giống tốt là Con Người. Ruộng là thế gian. Còn hạt giống tốt là con cái Nước trời. Cỏ lùng là con cái gian ác. Kẻ thù gieo cỏ lùng là ma quỷ. Mùa gặt là ngày tận thế. Thợ gặt là các thiên thần. Cũng như người ta thu lấy cỏ lùng, rồi thiêu đốt trong lửa thế nào, thì ngày tận thế cũng sẽ xảy ra như vậy: Con Người sẽ sai các thiên thần đi thu tất cả gương xấu và mọi kẻ làm điều gian ác khỏi nước Chúa, rồi ném tất cả chúng vào lửa: ở đó sẽ phải khóc lóc nghiến răng. Bấy giờ kẻ lành sẽ sáng chói như mặt trời trong Nước của Cha mình. Ai có tai để nghe thì hãy nghe”.

Đó là lời Chúa.

(Nguồn: UBPV/HĐGMVN, ấn bản 1973)

++++++++++++++++++

23/07/2023 – CHÚA NHẬT TUẦN 16 TN – A

Mt 13,24-43

KIÊN NHẪN-HY VỌNG-THƯƠNG XÓT

“Đừng, sợ rằng khi nhặt cỏ lùng, các anh làm bật luôn rễ lúa. Cứ để cả hai cùng lớn lên cho tới mùa gặt.” (Mt 13,29)

Suy niệm: Đức Giê-su dùng phương pháp tương phản để cho thấy hai đường lối khác biệt. Ông chủ: gieo giống tốt, ban ngày, công khai, quan tâm chăm sóc; kẻ thù (Satan): gieo cỏ lùng, ban đêm, lén lút, bỏ mặc. Cỏ lùng khi lớn lên giống như lúa, nếu nhổ đi sẽ ảnh hưởng tới cây lúa, cũng như có thể nhổ nhầm cây lúa. Ruộng là thế gian, trong “ruộng thế gian” này, người Ki-tô hữu là giống tốt được gieo vào, được mong mỏi đơm bông kết hạt; thế nhưng, họ vẫn có “nguy cơ” trở thành “cỏ lùng” khi để tâm hồn nên xấu xa tội lỗi. Chiến thắng cuối cùng vẫn thuộc về Thiên Chúa, Đấng đã gieo giống tốt vào ruộng thế gian, thậm chí “gieo” cả Con Một mình, là hạt lúa mì chịu mục nát, chết đi, sống lại, để sản sinh bao hạt lúa khác.

Mời bạn: Ta thường loại bỏ những người bất đồng quan điểm, không tương hợp với mình; hoặc do cho rằng họ “tội lỗi” hơn ta, nơi họ không có gì đáng tôn trọng. Bạn hãy ngắm nhìn Người gieo giống: kiên nhẫn, khoan dung, thương xót, chờ đợi, luôn hy vọng “cỏ lùng” sẽ có ngày hoán cải, trở thành lúa tốt. Không phải chờ đợi một hai năm, nhưng đến mùa gặt, ngày cuối đời. Bạn hãy suy ngắm, thực hành mẫu gương Người gieo giống ấy. Bạn biết không, ngày cánh chung Thiên Chúa sẽ xét xử bạn dựa trên việc bạn đã sống lòng thương xót với anh chị em mình chưa?

Sống Lời Chúa: Cầu nguyện cho một người đang sống xa lìa Chúa.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, cảm tạ Chúa luôn kiên nhẫn chờ đợi con hoán cải. Xin cho con kiên nhẫn, hy vọng, thương xót với anh chị em và với chính mình.

(5 Phút Lời Chúa)

++++++++++++++++++

Suy niệm và cầu nguyện

Suy Niệm

Dụ ngôn cỏ lùng là một dụ ngôn chỉ có trong Tin Mừng Mátthêu.
Dụ ngôn này cũng thuộc loại khó hiểu nên các môn đệ đã phải đến
để xin Thầy Giêsu giải thích riêng tại nhà (Mt 13,36).
Thầy Giêsu kể dụ ngôn người gieo giống để giải thích cho họ biết
tại sao việc gieo vãi Lời Chúa lại  không sinh trái ở một số người.
Qua dụ ngôn cỏ lùng, Thầy lại muốn giải thích cho họ biết
tại sao trong thế giới và trong Hội Thánh lại có những phần tử xấu xa.
Tại sao lại có cuộc xung đột giữa cái tốt và cái xấu trên thế gian này?

“Cỏ lùng ở đâu mà ra vậy?”
Câu hỏi của các đầy tớ ông chủ ruộng là câu hỏi ngàn đời của chúng ta.
Khi thấy sự dữ tác oai tác quái trên mặt địa cầu,
chúng ta vẫn thường hỏi câu đó: tại sao có cỏ lùng? tại sao có sự dữ?
Chúng ta muốn biết nguyên nhân, gốc rễ của sự dữ đang xảy ra.
Như các đầy tớ, chúng ta ngỡ ngàng khi thấy cỏ lùng trong ruộng lúa,
khi lúa đã mọc lên và trổ  bông.

“Kẻ thù đã làm đó !”, ông chủ trả lời.
Ông chủ chỉ gieo giống tốt, vậy phải có một kẻ đã gieo cỏ lùng vô ruộng.
Kẻ đó đã lén lút, lợi dụng bóng tối ban đêm, khi mọi người ngủ,
để gieo cỏ lùng vào giữa lúa, rồi trốn đi.
Kẻ đó là quỷ, là kẻ thù của Đức Kitô, ông chủ của cả thế giới.
Hóa ra không phải chỉ có một người gieo là ông chủ tốt lành.
Còn có Xatan, kẻ chỉ muốn phá hoại ruộng lúa là thế giới.
Xatan là nhân vật có thật, chứ không phải là chuyện hư cấu.
Xatan là quỷ, là ác thần, có mặt và hoạt động trong cánh đồng thế giới.
Nó hoạt động khéo léo, bí mật, gian manh và có tính phá hoại.
Không dễ bắt gặp khi nó đang gieo cỏ lùng.
Cỏ lùng là “con cái của ác thần”, của Xatan (Mt 13,38).
Cỏ lùng là “mọi kẻ làm gương xấu, mọi kẻ làm điều gian ác” (Mt 13,41).
Như vậy Xatan đã biến người thường thành cỏ lùng,
khi nó cám dỗ, lôi kéo, làm người ta sa ngã
và ngả về phía nó, rốt cuộc thành tay sai của nó để đi hại người khác.
Chẳng ai tự bản chất là “con cái của ác thần”.
Người ta thành con cái của ác thần khi nghe lời Xatan mà chối bỏ Chúa.

“Vậy ông có muốn chúng tôi đi gom cỏ lùng lại không?”
Như lúa tốt phải sống chung với cỏ lùng,
“con cái của Nước Trời” phải sống chung với “con cái của ác thần”:
Đó là chuyện làm chúng ta khó chịu và muốn giải quyết ngay.
Chúng ta muốn thửa ruộng chỉ gồm có lúa tốt.
Chúng ta muốn thế giới và Hội Thánh chỉ gồm những người thánh thiện.
Chúng ta muốn nhổ ngay mọi thứ xấu xa, vì biết cỏ lùng làm hại lúa.
Nhưng đó lại không phải là ý của ông chủ.
Ông không muốn nhổ cỏ lùng vì sợ gây hại cho cây lúa đang trổ bông.
Ông nghĩ cứ để cả hai cùng lớn lên cho đến mùa gặt,
khi ấy có nhổ cỏ lùng và đốt đi cũng không muộn.

Dụ ngôn cỏ lùng cho thấy sự bao dung, kiên nhẫn của Chúa Giêsu.
Ngài không trừng phạt trước ngày tận thế.
Khi ấy, Ngài mới tống những kẻ làm điều gian ác ra khỏi Nước của Ngài.
Như vậy, Ngài vẫn cho mọi người chúng ta thời gian hoán cải.
Cỏ lùng chẳng bao giờ thành lúa tốt,
nhưng “con cái của ác thần” có thể trở thành “con cái của Nước Trời”.
Khi còn sống trên đời, ai cũng có thể trở thành con cái của Chúa,
và ai cũng có thể trở thành con cái của Xatan.
Chúng ta là con cái Chúa, đừng biến mình thành cỏ lùng.
Đừng để cỏ lùng lấn át chúng ta, làm chúng ta suy yếu,
nhưng cuộc sống của chúng ta phải “chói lọi như mặt trời” (Mt 13,43),
để có thể biến cỏ lùng thành lúa tốt.

Cầu Nguyện

Lạy Thầy Giêsu,
thật là khó khi phải giữ thái độ khoan dung
đối với những ai đang gây ra bất công và đau khổ
cho bao người trên thế giới.
Chúng con chỉ muốn bứng gốc sự dữ ra khỏi địa cầu,
và làm cho Giáo Hội gồm toàn người thánh thiện.

Nhưng lạy Thầy Giêsu,
Thầy lại muốn chúng con để cỏ lùng sống chung với lúa,
và để cả hai cùng lớn lên cho đến mùa gặt.
Chúng con hiểu tại sao ác nhân vẫn tung hoành,
và Xatan dường như thắng thế trong cuộc chiến hiện tại.
Thầy cho chúng con thấy khuôn mặt của Chúa Cha,
Đấng chậm giận, thứ tha và đầy nhân hậu.
Cha cho mặt trời sáng trên kẻ dữ,và cho mưa rơi trên ác nhân.
Cha quý cả những ai đã trở nên kẻ thù của Cha,
và kiên nhẫn đưa họ trở về chính lộ.

Xin Thầy dạy chúng con biết cách chấp nhận
cuộc xung đột kéo dài đến tận thế
giữa con cái ánh sáng và con cái tối tăm, giữa lúa tốt và cỏ lùng.
Và xin cho chúng con tin rằng
chiến thắng cuối cùng
sẽ thuộc về ánh sáng và sự thiện, công lý và tình yêu.

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

(phutcaunguyen.net)

++++++++++++++++++

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên

23 THÁNG BẢY

Thông Dự Vào Ánh Sáng

Chúng ta đọc thấy trong Thư Cô-lô-sê: “Anh em hãy vui mừng cảm tạ Chúa Cha, đã làm cho anh em trở nên xứng đáng chung hưởng phần gia nghiệp của các thánh trong cõi đầy ánh sáng. Ngài đã giải thoát ta khỏi quyền lực tối tăm, và đưa vào Vương Quốc Thánh Tử chí ái; trong Thánh Tử, ta được ơn cứu chuộc, được thứ tha tội lỗi” (Cl 1,12-14).

Vương Quốc của Thiên Chúa là Vương Quốc của “Thánh Tử chí ái”, theo một nghĩa rất đặc biệt, bởi vì chính nhờ công cuộc của Người mà “ơn cứu chuộc” và việc “thứ tha tội lỗi” được hoàn thành. Những lời của Tông Đồ Phao-lô ám chỉ đến tội lỗi của con người. Vì thế, sự tiền định tác động hiệu năng không duy chỉ do mối quan hệ của con người với việc sáng tạo thế giới và chỗ đứng của con người trong thế giới. Một cách căn bản, sự tiền định đối với con người có liên hệ với công cuộc cứu chuộc của Chúa Con – là Đức Giê-su Kitô.

Công cuộc cứu chuộc ấy trở thành một diễn tả cụ thể sự quan phòng cứu độ của Thiên Chúa. Chúng ta nhận ra rằng Thiên Chúa, Cha chúng ta, cai quản mọi sự một cách đầy quan tâm, nhất là đối với những thụ tạo mà Ngài đã trao ban cho sự tự do.

– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –

Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác

LIFT UP YOUR HEARTS

Daily Meditations by Pope John Paul II

+++++++++++++++++

Lời Chúa Trong Gia Đình

Ngày 23-7

Chúa Nhật XVI Thường Niên

Kn 12, 13. 16-19; Rm 8, 26-27; Mt 13, 24-43.

Lời suy niệm: “Nước Trời ví như chuyện người kia gieo giống tốt trong ruộng mình. Khi mọi người đang ngủ, thì kẻ thù ông đến gieo thêm cỏ lùng vào giữa lúa, rồi đi mất.”

          Chúa Giêsu đưa dụ ngôn: “Cỏ Lùng và cây lúa” Đối với người làm nghề nông, đặc biệt với người trồng lúa; Cỏ lùng là loại cỏ dại mà họ cần phải diệt trừ tận gốc. Lúc còn nhỏ, cây cỏ lùng và cây lúa vừa mới cấy, trông bên ngoài nó giống nhau, khó phân biệt. Nên không thể an toàn khi bật gốc cỏ lùng mà không làm ảnh hýởng ðến gốc cây lúa. Chỉ khi lớn lên cả hai ðõm bông, thì mới nhận ra sự khác biệt của chúng. Hạt cây lúa giúp cho sự sống; còn hạt của cây cỏ lùng gây cho sự ngộ độc dẫn đến sự chết. Tất cả đều có ngày gặt. Và cuối cùng, khi mùa gặt đến hạt lúa sẽ được thu vào kho lẫm, còn cỏ lùng và bông hạt của nó, sẽ bó lại,  đốt trong lò lửa.

          Lạy Chúa Giêsu. Chúng con đang sống trên trần gian, luôn có “Cỏ lùng” mọc chung quanh chúng con. Xin Chúa gìn giữ, bảo vệ chúng con, để chúng con không bị ảnh hưởng bởi cỏ lùng. Amen.

Mạnh Phương

+++++++++++++++++

Gương Thánh Nhân

Ngày 23-07: Thánh BRIGITTA

(1303 – 1373)

Thánh Brigitta (hay là Birgitta) sinh ngày 14 tháng 6 năm 1303 tại Upland, Thụy Điển, nơi cha Ngài cai quản, Mẹ Ngài, bà Ingeborg Phinsta, là con của vị quan cai quản miền đông Goythland. Brigitta là con út trong số 7 người con.

Truyền thuyết mặc cho cuộc sinh hạ của thánh nữ nhiều biến cố siêu nhiên.

Ngay trước khi sinh ra thánh nữ, mẹ Ngài đã thoát chết cách lạ lùng trong một cuộc đắm tàu. Một linh mục được thị kiến, thấy “tiếng nói của con trẻ được mọi người nghe theo”. Thực tế, Brigitta tới 3 tuổi mới nói được, nhưng lại nói rất sõi làm cho láng giềng phải kinh ngạc.

Lúc lên 7 tuổi, một buổi sáng có bà mặc áo trắng hiện đến đầu giường, tay cầm triều thiên và nói: – Brigitta, con có muốn thiên thần này không ?

Đứa trẻ đáp lời: – Dạ con muốn lắm chứ.

Và Đức trinh nữ đã đội triều thiên lên đầu Brigitta.

Buổi lên mười, Brigitta đã được nghe giảng về cuộc khổ nạn của Chúa, Thánh nữ rất cảm động. Đêm sau, Chúa Giêsu hiện ra, mình đầy thương tích bê nết máu. Chúa nói: – Con xem cha bị đối xử tàn tệ thế nào.

Đau đớn thánh nữ hỏi: – Lạy Chúa, ai làm cho Chúa bị thương tích như vậy ?
Chúa nói: – Những người khinh thường các giới luật và quên lãng tình yêu cha.

Những hình ảnh này không bao giờ phai mờ trong tâm trí Brigitta. Năm 1314 mẹ thánh nữ từ trần. Ngài sống với người dì. Năm 1316, vì vâng lời và ngược với khuynh hướng tự nhiên, thánh nữ kết hôn với Ulj Gudmarsson, 18 tuổi, nghị viên tương lai của vương quốc. Họ sinh được tám người con, 4 trai, 4 gái.

Hai người con trai chết sớm. Karl, người con trưởng nặng tinh thần thế tục, nhưng lại rất kính mến Đức Mẹ. Birger, người con gái thứ hai, lập gia đình. Nhưng sau này trở thành người cộng sự của mẹ và sẽ đem xác mẹ từ Roma về chôn cất tại Thụy Điển. Ba người con gái khác đều lập gia đình Merita và Cêcilia ở lại Thụy Điển. Còn Catarina sau khi mất chồng đã sống với mẹ (Brigitta tạ thế năm 1381 và được tuyên thánh năm 1476).

Người con trai thứ tư, Ingebord đã trở thành tu sĩ dòng Xitô.

Vua Magour vời thánh nữ vào làm cố vấn cho hoàng hậu Blanche. Ngài trở thành người quản gia thứ hai trong triều sau hoàng hậu, nhưng đã cố gắng một cách vô hiệu trong nỗ lực biến cải đời sống của hoàng hậu lẫn của nhà vua.

Sau một cơn bệnh nguy ngập và được Đức Trinh Nữ chữa lành, thánh nữ khuyên chồng rời bỏ triều đình lui về nhà riêng họ đã sống đời gia đình gần như sống trong tu viện.

Brigitta cùng chồng đi hành hương đền thờ thánh Giacôbê ở Compostella. Trên cùng về, ông Ulf lâm trọng bệnh tại tu viện Alvasta. Năm 1943, nghĩa là 28 năm sau ngày cưới, ông qua đời và Brigitta sống đời sám hối gần tu viện Xitô ở Alvasta. Khi sống tại đây thánh nữ soạn một bộ luật dòng, Ngài được kêu gọi thành lập, nhưng sinh thời Ngài không bao giờ thấy được dòng ấy thành hình.

Chính Cararina, ái nữ Ngài, sẽ hướng dẫn nhà dòng phát triển mạnh mẽ, sau khi được Đức Urbanô V châu phê năm 1370 và sau khi thánh nữ qua đời.

Thánh nữ Brigitta được ơn tiên tri và thực hiện nhiều cuộc chữa trị lạ lùng cho Giáo hội và xã hội. Chúng ta biết rằng: khi đã trở thành goá phụ, thánh nữ đã sống đời khổ hạnh, ít ăn, ít ngủ và cầu nguyện không ngừng. Ngài theo đuổi một luật sống nghiêm ngặt và thực hiện đủ công trình bác ái, đến nỗi chính Ngài phải đi ăn xin. Dù vậy, Ngài không rút lui hoàn toàn vào cô đơn.

Ngài được linh ứng và cha tuyên úy của Ngài viết lại bằng tiếng La-tinh dưới tựa đề “mạc khải”. Ngài cũng viết nhiều thư tín cho các Đức giáo hoàng, các Đức Hồng y, các nhà cầm quyền để vạch trần những tật xấu của họ, cũng như chỉ vẽ cách thế canh tân đời sống họ. Đối với nhà vua, Ngài chỉ trích các hà khắc và khuyên sống với địa vị của mình. Ngài còn nhờ một giám mục mang thư khuyên hai vua Anh và Pháp hòa giải với nhau. Đối với Đức giáo hoàng Clêmentê VI đang ở Avignon, Ngài xin vị cha chung trở về Roma.

Năm 1349, thánh nữ đi hành hương Roma để dự năm thánh. Nhân dịp này, Ngài xin toà thánh châu phê luật dòng, nhưng từ năm 1215 công đồng Lateranô IV đã cấm lập thêm dòng mới. Đức giáo hoàng Urbanô V lại bỏ Roma sang Avigno sau khi châu phê luật dòng của Ngài, năm 1370. Được ơn soi sáng, năm 1372, thánh Brigitta đi hành hương thánh địa để cầu nguyện cho Giáo hội.

Năm 1373, thánh nữ trở về Roma và từ trần ngày 23 tháng 7. Mười tám năm sau, Ngài được tuyên thánh, ngày 7 tháng10 năm 1391.

(daminhvn.net)

+++++++++++++++++

23 Tháng Bảy

Những Lọ Ðựng Muối Tiêu 

Sưu tầm là một giải trí rất phổ thông hiện nay. Người ta sưu tầm tem, nhãn hiệu, lon bia, chai lọ, sách quý… và lâu lâu đem triển lãm.

Tại một nhà thờ nọ tại Chicago bên Hoa Kỳ, trong một cuộc triển lãm các vật sưu tầm, người ta thấy có cả một khu dùng để triển lãm các lọ đựng muối tiêu. Một ông khách nọ vừa bước vào, sau khi mua một cái bánh Hamburger ở cửa vào, đã vội vã đi một vòng quan sát. Khi tới khu triển lãm các lọ đựng muối tiêu, ông mới sực nhớ ra cái Hamburger của mình nhạt quá. Thế là ông đã cầm lấy một lọ muối và xốc nhiều lần. Nhưng xốc đến lọ thứ mười hai mà ông vẫn chưa thấy muối. Ông đành phải trở lại cửa xin người bán hàng cho ít muối và phàn nàn: “Gần hai trăm cái lọ muối thế kia mà không có lấy một hột muối”.

Ðó là hình ảnh của cuộc đời Kitô chúng ta. Mang lấy danh hiệu là muối đất, nhưng lắm lúc chúng ta chỉ là những lọ trống không. Muối dùng để ướp đồ ăn cho khỏi ươn thối. Muối dùng để sát trùng, chữa những vết thương. Muối dùng để nêm cho thức ăn được thêm đậm đà…

Trong một xã hội đang thối rữa vì những tệ đoan, người Kitô cần phải là muối để thanh tẩy và đem lại cho cuộc sống thêm đậm đà hương vị. Một lời nói, một hành động của chúng ta, nếu có chút muối của Ðức Tin, Ðức Ái sẽ mang lại cho những người xung quanh niềm vui và sức sống.

(Lẽ Sống)

++++++++++++++++++

Lời Chúa Mỗi Ngày

Chúa Nhật 16 – Năm A – Thường Niên

Bài đọc: Wis 12:13, 16-19; Rom 8:26-27; Mt 13:24-43 (hay 24-30)

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Kiên nhẫn chờ đợi sự công bằng và nhân từ của Thiên Chúa.

Khi chứng kiến những cảnh thê lương, hậu quả của những trận lũ lụt hay động đất, con người hay thắc mắc: Chúa nhân từ ở đâu sao không can thiệp mà lại để những điều đau thương xảy ra gây đau khổ cho dân lành? Nếu không tìm được câu trả lời, họ tự kết luận: hoặc Thiên Chúa không có uy quyền để ngăn cản, hoặc có uy quyền nhưng không nhân từ để ngăn cản, và họ gạt Thiên Chúa ra ngoài cuộc sống! Khi phải đương đầu với những bất công xảy ra cho cá nhân, cho gia đình, hay xã hội, con người cũng thắc mắc: Chúa công bằng ở đâu mà lại để cho kẻ dữ hoành hành làm thiệt hại cho dân lành? Như vậy trời cao không có mắt, và họ cũng gạt Thiên Chúa ra khỏi cuộc sống! Nói tóm, con người thách đố Thiên Chúa trong sự quan phòng của Ngài cho thế giới theo như cách suy tư và hành động của con người! Con người muốn điều khiển Thiên Chúa, chứ không muốn để Thiên Chúa điều khiển mình.

Các bài đọc hôm nay muốn làm nổi bật sự khôn ngoan của Thiên Chúa trong việc quan phòng thế giới; đồng thời cũng nói lên những giới hạn về sự hiểu biết của con người. Trong bài đọc I, tác giả Sách Khôn Ngoan chứng minh Thiên Chúa luôn hành động khôn ngoan và đối xử nhân từ cũng như công bằng với hết mọi người. Trong bài đọc II, thánh Phaolô mặc khải cho chúng ta một chân lý: vì con người không biết cách cầu nguyện thế nào cho đúng, nên Thiên Chúa ban cho con người chính Thần Khí của Ngài, để giúp con người dâng lên những lời cầu nguyện thích hợp, vừa đẹp lòng Thiên Chúa vừa sinh ích lợi cho con người. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu trả lời một vấn nạn thường xuyên bị chất vấn bởi con người: Tại sao Thiên Chúa không tiêu diệt kẻ gian ác, mà cứ để chúng sống phây phây, ức hại dân lành?

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Thiên Chúa toàn năng, nhân từ và công bằng.

1.1/ Chính do sức mạnh của Chúa mà Chúa hành động công minh: Đọc lại các Sách Khôn Ngoan của Cựu Ước, chúng ta sẽ thấy rõ những giới hạn về hiểu biết của con người. Chẳng hạn trong Sách Ông Job, ông không hiểu tại sao Thiên Chúa để người lành phải đau khổ. Các bạn của ông vịn vào truyền thống cho là vì tội lỗi của tổ tiên, của chính ông hay của con cái. Ông xét thấy điều đó không đúng và băn khoăn, khắc khoải, muốn chính Thiên Chúa cho ông câu trả lời. Khi Thiên Chúa hiện ra và chất vấn, ông đã phải đưa tay bịt miệng mà thưa: “điều đã nói ra, con xin rút lại, trên tro bụi, con sấp mình thống hối ăn năn” (Job 42:6). Thực ra, ông bị đau khổ chỉ vì Thiên Chúa muốn ông chứng minh cho Satan biết niềm tin yêu ông dành cho Ngài không lệ thuộc vào những sự tốt lành Ngài đã ban cho và chúc lành cho ông (Job 1:6-2:7).

Thiên Chúa có khôn ngoan và uy quyền để dựng nên và quan phòng thế giới; con người quá yếu ớt và hạn hẹp để hiểu biết những công việc của Thiên Chúa. Bổn phận của con người là phải khiêm nhường nhận ra giới hạn của mình, và đừng bao giờ trách Thiên Chúa bất công. Tác giả Sách Khôn Ngoan cũng khuyên con người: “Chính do sức mạnh của Chúa mà Chúa hành động công minh, và vì Chúa làm bá chủ vạn vật, nên Chúa nương tay với muôn loài. Khi không có ai tin rằng Chúa nắm trọn quyền năng, thì Ngài tỏ sức mạnh; còn ai đã biết mà vẫn to gan, thì Ngài trị tội.”

1.2/ Thiên Chúa vừa nhân từ vừa công bằng: Nhân từ và công bằng là 2 đặc tính của Thiên Chúa. Các thánh ví hai đức tính này như hai cánh của con chim hoặc hai chân của một người. Chim không thể bay với một cánh và con người không thể đi lại với một chân. Khi một người quá chú trọng đến sự công bằng của Thiên Chúa, anh có thể sẽ rơi vào sự thất vọng, vì anh không tin Ngài có thể tha thứ những tội lỗi to lớn của anh. Khi một người quá chú trọng đến khía cạnh nhân từ của Thiên Chúa, anh dễ bị rơi vào tình trạng “lạc quan miền Thượng.” Ngài sẽ tha thứ hết tất cả mà chẳng cần phải ăn năn!

Làm sao Thiên Chúa dung hòa được hai nhân đức này? Tác giả Sách Khôn Ngoan trả lời: “Chúa xử khoan hồng vì Ngài làm chủ được sức mạnh. Ngài lấy lượng từ bi cao cả mà cai quản chúng con, nhưng có thể sử dụng quyền năng bất cứ khi nào Ngài muốn… Ngài đã cho con cái niềm hy vọng tràn trề là người có tội được Ngài ban ơn sám hối.”

2/ Bài đọc II: Thần Khí cầu thay nguyện giúp cho dân thánh theo đúng ý Thiên Chúa.

2.1/ Con người chúng ta không biết cầu nguyện thế nào cho phải: Nếu thật tâm nhận xét, tất cả chúng ta đều không biết cách cầu nguyện thế nào cho phải. Trong Phúc Âm, các môn đệ nhận ra điều này, nên đến xin Chúa Giêsu dạy cho các ông biết cách cầu nguyện, và Ngài đã dạy cho các ông một Kinh nguyện vô giá; đó là Kinh Lạy Cha. Có ít nhất là 3 lý do chứng minh con người không biết cách cầu nguyện.

(1) Con người không biết những gì sẽ xảy đến trong tương lai: Con người chỉ biết những gì xảy ra trong giây phút hiện tại; vì thế, một điều có thể tốt trong giây phút hiện tại, nhưng sẽ không tốt cho con người trong tương lai. Ví dụ, xin cho giàu có thể đưa con người đến chỗ bị thiệt hại mạng sống hay mất hạnh phúc.

(2) Con người không biết điều gì tốt cho mình: Có những điều con người xin tưởng là tốt, nhưng mang lại nhiều cay đắng cho con người. Ví dụ, xin cho có quyền cao, chức trọng; nhưng con người không biết những hậu quả cay đắng mà con người không thể chịu được. Hay con cái xin cha mẹ cho được đi chơi đêm mà không biết hậu quả xấu sẽ xảy ra từ việc đi chơi đêm này.

(3) Con người không biết lời cầu xin của mình có hại cho người khác: Thiên Chúa có bổn phận bảo vệ mọi người, vì tất cả đều là con cái Ngài dựng nên dù họ có biết hay không. Ví dụ, xin Thiên Chúa trừng trị kẻ gian ác thích đáng và ngay lập tức. Ngài nói rõ ý định của Ngài: “Ta không muốn kẻ gian ác phải chết, nhưng muốn nó ăn năn sám hối và được sống” (Eze ).

2.2/ Chính Thần Khí cầu thay nguyện giúp cho chúng ta: Vì chúng ta không biết cầu nguyện thế nào cho phải, nên Thiên Chúa ban cho chúng ta Thần Khí của Ngài. Thánh Phaolô nói rõ: “Hơn nữa, lại có Thần Khí giúp đỡ chúng ta là những kẻ yếu hèn, vì chúng ta không biết cầu nguyện thế nào cho phải; nhưng chính Thần Khí cầu thay nguyện giúp chúng ta, bằng những tiếng rên siết khôn tả.”

Động từ Hy-lạp dùng ở Rom 8:23 là stenázô, có nghĩa là rên xiết trong lòng. Danh từ dùng trong trình thuật ở đây là stenámois alalêtois, “những tiếng rên xiết không diễn tả được thành lời.” Danh từ này có nguồn gốc trong Sách Xuất Hành, khi Thiên Chúa nghe thấy những tiếng rên xiết của con cái Israel phải làm nô lệ bên Ai-cập. Họ bị đối xử bất công bởi các người đốc công và bị vất vả khổ cực tư bề; nhưng không biết kêu cầu đến ai, chỉ biết rên xiết trong lòng (Act 7:34; Exo 3:7-10).

Tại sao Thiên Chúa ban Thần Khí của Ngài cho con người? Thánh Phaolô cắt nghĩa:

“Ai trong loài người biết được những gì nơi con người, nếu không phải là thần trí của con người trong con người? Cũng thế, không ai biết được những gì nơi Thiên Chúa, nếu không phải là Thần Khí của Thiên Chúa. Phần chúng ta, chúng ta đã không lãnh nhận thần trí của thế gian, nhưng là Thần Khí phát xuất từ Thiên Chúa, để nhận biết những ân huệ Thiên Chúa đã ban cho chúng ta” (1 Cor 2:11-13). “Và Thiên Chúa, Đấng thấu suốt tâm can, biết Thần Khí muốn nói gì, vì Thần Khí cầu thay nguyện giúp cho dân thánh theo đúng ý Thiên Chúa.”

3/ Phúc Âm: Cứ để cả hai cùng lớn lên cho tới mùa gặt.

3.1/ Dụ ngôn cỏ lùng: Giống như dụ ngôn Người Gieo Giống, Chúa Giêsu cắt nghĩa cho các môn đệ dụ ngôn Cỏ Lùng khi các ông đến hỏi Ngài. Thiên Chúa luôn gieo những điều thiện hảo vào lòng con người. Kẻ thù của Chúa là ma quỉ luôn chờ cơ hội để gieo điều xấu. Con người muốn nhổ cỏ lùng ngay; nhưng Thiên Chúa bảo phải chờ đợi cho đến mùa gặt; lý do: nếu nhổ ngay, người ta sẽ nhổ cả lúa chung với cỏ lùng.

Điều khó cho các nhà chú giải ở đây là cách giải thích của Chúa: Chúa giải thích thửa ruộng là thế giới, lúa tốt là con cái sự sáng, và cỏ lùng là con cái ma quỉ. Điều này đúng trong Ngày Phán Xét khi mọi sự đã rõ ràng; nhưng không giải thích được tại sao phải chờ cho tới mùa gặt; một khi đã biết cỏ lùng muôn đời sẽ là cỏ lùng, không bao giờ có thể trở thành lúa. Giải thích hợp lý hơn: Dụ ngôn không bao giờ chủ trương áp dụng mọi điều; nó chỉ muốn nói lên một điều chính. Điều chính ở đây là thời gian chờ đợi để lúa có thể phân biệt với cỏ lùng; chứ không phải nguy hiểm của cỏ lùng cần phải nhổ ngay. Nếu muốn áp dụng vào cuộc sống: Con người luôn phải đương đầu với điều tốt và điều xấu bao lâu còn sống trên trần gian. Những điều tốt và điều xấu không xác định được người tốt hay người xấu cho đến Ngày Phán Xét. Trong ngày đó, Chúa sẽ phân định cho chúng ta thấy ai là người tốt và ai là người xấu. Trong khi chờ đợi ngày đó đến, chúng ta hãy cố gắng làm tốt tránh xấu. Không ai có thể hãnh diện xác nhận mình là tốt vì không biết điều xấu nó mọc lên lúc nào. Nếu có làm xấu cũng đừng nản lòng, nhưng biết ăn năn trở lại và cậy trông vào lòng nhân từ Chúa. Cũng đừng kết tội ai là cỏ lùng khi nhìn thấy việc xấu của họ.

3.2/ Thiên Chúa kiên nhẫn chờ đợi: Kinh nghiệm dạy cho chúng ta, để có kết quả đòi phải có thời gian: hạt giống thành lúa phải đợi 3 tháng, cây có trái đòi 3 năm, con người thành tài đòi ít là 25 năm, và thành nhân đòi 100 năm hay cả cuộc đời! Trong thời gian chờ đợi con người phải kiên nhẫn. Kẻ thù của con người là sự thiếu kiên nhẫn, mặc dù nhiều người đã biết “dục tốc bất đạt hay có công mài sắt có ngày nên kim.” Con người hôm nay dường như không có kiên nhẫn để chờ; làm điều gì họ cũng muốn có kết quả ngay. Chính sự mất kiên nhẫn làm con người đau khổ và thất bại.

Tuy nhiên, kiên nhẫn cũng có giới hạn, mọi việc đều có thời gian của nó; nếu quá thời gian, cây sẽ phải chặt đi để dành cơ hội cho cây khác như dụ ngôn cây vả không sinh trái. Nếu cành nho không sinh trái sẽ bị chặt đi và quăng vào lửa! Công bằng sẽ tỏ rạng trong Ngày Phán Xét, khi mùa gặt sẽ tới: cỏ lùng sẽ bị cắt và quăng vào lửa, lúa sẽ được gặt và trữ vào kho lẫm. Khi những điều này xảy ra, không ai có quyền than trách Chúa không nhân từ hay không công bằng, vì mọi người đều có cơ hội đồng đều mà Ngài dành cho họ.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

– Hãy để Thiên Chúa cai trị và điều khiển thế giới theo đường lối khôn ngoan, nhân từ, và công bằng của Thiên Chúa. Chúng ta là ai mà dám chất vấn những việc làm của Thiên Chúa! Tốt hơn, chúng ta hãy học biết giới hạn của con người chúng ta.

– Chúng ta có bao giờ ước tính được chuyện gì sẽ xảy ra cho chúng ta, nếu để một con người bình thường như chúng ta điều khiển thế giới này? Chúng ta có kiên nhẫn để cho tội nhân có cơ hội ăn năn trở lại không? Án tử hình là một ví dụ của con người.

– Có bao giờ chúng ta tự hỏi: Tại sao một Thiên Chúa nhân từ lại để cho con mình chịu khổ đau chết quằn quại trên thập giá? Hay tại sao một Thiên Chúa công bằng không tru diệt hết những con người tội lỗi mà lại hy sinh người con một để cứu chuộc họ?

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

****************