Chúa Nhật (26-11-2023) – Trang suy niệm

25/11/2023

Lời Chúa Hôm Nay

Chúa nhật 34 Thường Niên Năm A

Lễ Chúa Kitô Vua Vũ Trụ

BÀI ĐỌC I: Ed 34, 11-12. 15-17

“Phần các ngươi là những đoàn chiên của Ta, Ta xét xử giữa chiên với chiên”.

Trích sách Tiên tri Êdêkiel.

Đây Chúa là Thiên Chúa phán: “Này chính Ta săn sóc đoàn chiên của Ta và Ta sẽ kiểm soát chúng. Như một mục tử kiểm điểm đoàn chiên trong ngày chúng bị tản mát, thì Ta cũng kiểm điểm đoàn chiên Ta như vậy. Ta sẽ giải thoát chúng khỏi mọi nơi mà chúng đã bị phân tán, và trong ngày mây mù đen tối.

“Chính Ta sẽ chăn dắt các chiên Ta, chính Ta sẽ cho chúng nằm nghỉ, Chúa là Thiên Chúa phán như thế. Ta sẽ tìm con chiên đã mất, sẽ đem con chiên lạc về, sẽ băng bó con chiên bị thương tích, sẽ lo chữa con chiên bị ốm đau, con nào mập béo, Ta sẽ chăm sóc, và sẽ chăn dắt nó trong sự công chính.

“Còn các ngươi, hỡi chiên của Ta, Chúa là Thiên Chúa phán thế này: Này Ta sẽ phân xử giữa con này với con khác, giữa cừu đực với dê đực”. Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 22, 1-2a. 2b-3. 5. 6

Đáp: Chúa chăn nuôi tôi, tôi chẳng thiếu thốn chi (c. 1).

1) Chúa chăn nuôi tôi, tôi chẳng thiếu thốn chi. Trên đồng cỏ xanh rì Người thả tôi nằm nghỉ. – Đáp.

2) Tới nguồn nước, chỗ nghỉ ngơi, Người hướng dẫn tôi, tâm hồn tôi, Người lo bồi dưỡng. Người dẫn tôi qua những con đường đoan chính, sở dĩ vì uy danh Người. – Đáp.

3) Chúa dọn ra cho tôi mâm cỗ, ngay trước mặt những kẻ đối phương: đầu tôi thì Chúa xức dầu thơm, chén rượu tôi đầy tràn chan chứa. – Đáp.

4) Lòng nhân từ và ân sủng Chúa theo tôi hết mọi ngày trong đời sống; và trong nhà Chúa, tôi sẽ định cư cho tới thời gian rất ư lâu dài. – Đáp.

BÀI ĐỌC II: 1 Cr 15, 20-26. 28

“Người đã trao vương quốc lại cho Thiên Chúa Cha, để Thiên Chúa nên mọi sự trong mọi sự”.

Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.

Anh em thân mến, Đức Kitô đã từ cõi chết sống lại, là hoa quả đầu mùa của những kẻ yên giấc. Vậy sự chết bởi một người, thì sự kẻ chết sống lại cũng bởi một người. Cũng như mọi người đều phải chết nơi Ađam thế nào, thì mọi người cũng sẽ được tác sinh trong Đức Kitô như vậy. Nhưng ai nấy đều theo thứ tự của mình, hoa quả đầu mùa là Đức Kitô, đoạn đến những kẻ thuộc về Đức Kitô, những kẻ đã tin Người xuống thế: rồi đến tận cùng khi Người đã trao vương quốc lại cho Thiên Chúa Cha, và đã tiêu diệt mọi đầu mục, quyền năng và thế lực.

Nhưng Người còn phải cai trị cho đến khi Người đặt mọi quân thù dưới chân Người. Kẻ thù cuối cùng sẽ bị tiêu diệt là sự chết. Khi mọi sự đã suy phục Người, bấy giờ chính Con cũng sẽ suy phục Đấng đã bắt mọi sự suy phục mình, để Thiên Chúa nên mọi sự trong mọi sự. Đó là lời Chúa.

ALLELUIA: Mc 11, 10

Alleluia, alleluia! – Chúc tụng Đấng nhân danh Chúa mà đến: chúc tụng nước Đavít tổ phụ chúng ta đã đến. – Alleluia.

PHÚC ÂM: Mt 25, 31-46

“Người sẽ ngự trên ngai uy linh của Người, và sẽ phân chia họ ra”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Khi Con Người đến trong vinh quang, có hết thảy mọi thiên thần hầu cận, Người sẽ ngự trên ngai uy linh của Người. Muôn dân sẽ được tập họp lại trước mặt Người, và Người sẽ phân chia họ ra, như mục tử tách chiên ra khỏi dê. Chiên thì Người cho đứng bên phải, còn dê ở bên trái.

“Bấy giờ Vua sẽ phán với những người bên hữu rằng: ‘Hãy đến, hỡi những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy lãnh lấy phần gia nghiệp là Nước Trời đã chuẩn bị cho các ngươi từ khi tạo dựng vũ trụ. Vì xưa Ta đói, các ngươi cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta mình trần, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu các ngươi đã viếng thăm; Ta bị tù đày, các ngươi đã đến với Ta’.

“Khi ấy người lành đáp lại rằng: ‘Lạy Chúa, có bao giờ chúng con thấy Chúa đói mà cho ăn, khát mà cho uống; có bao giờ chúng con thấy Chúa là lữ khách mà tiếp rước, mình trần mà cho mặc; có khi nào chúng con thấy Chúa yếu đau hay bị tù đày mà chúng con đến viếng Chúa đâu?’ Vua đáp lại: ‘Quả thật, Ta bảo các ngươi: những gì các ngươi đã làm cho một trong các anh em bé mọn nhất của Ta đây là các ngươi đã làm cho chính Ta’.

“Rồi Người cũng sẽ nói với những kẻ bên trái rằng: ‘Hỡi phường bị chúc dữ, hãy lui khỏi mặt Ta mà vào lửa muôn đời đã đốt sẵn cho ma quỷ và kẻ theo chúng. Vì xưa Ta đói, các ngươi không cho ăn; Ta khát, các ngươi không cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi chẳng tiếp rước; Ta mình trần, các ngươi không cho đồ mặc; Ta đau yếu và ở tù, các ngươi đâu có viếng thăm Ta!’

“Bấy giờ họ cũng đáp lại rằng: ‘Lạy Chúa có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đói khát, khách lạ hay mình trần, yếu đau hay ở tù, mà chúng con chẳng giúp đỡ Chúa đâu?’ Khi ấy Người đáp lại: “Ta bảo thật cho các ngươi biết: những gì các ngươi đã không làm cho một trong các anh em bé mọn nhất của Ta đây, là các ngươi đã không làm cho chính Ta’. Những kẻ ấy sẽ phải tống vào chốn cực hình muôn thuở, còn các người lành thì được vào cõi sống ngàn thu”. Đó là lời Chúa.

(Nguồn: UBPV/HĐGMVN, ấn bản 1973)

++++++++++++++++++

26/11/2023 – CHÚA NHẬT TUẦN 34 TN

Chúa Ki-tô, Vua Vũ trụ

Mt 25,31-46

VUA HOÀ BÌNH

“Khi Con Người đến trong vinh quang, có hết thảy mọi thiên thần hầu cận, Người sẽ ngự trên ngai uy linh của Người.” (Mt 25,31)

Suy niệm: “Sự nổi loạn của các cá nhân và quốc gia chống lại quyền bính của Đức Ki-tô đã tạo ra những hậu quả đáng trách… những thù hận cay đắng và sự kình địch giữa các quốc gia, vẫn luôn gây nhiều cản trở đến sự nghiệp hòa bình” (Thông điệp Quas Primas, 24). Mừng lễ Chúa Ki-tô Vua hôm nay, trong bối cảnh đau thương của chiến tranh, thế lực sự dữ tung hoành khắp nơi, chúng ta được mời gọi giữ vững niềm trông cậy, vì chỉ duy có Chúa Giê-su là Vua vũ trụ. Ngài không thiết lập Vương quốc bằng vũ khí, bạo lực, nhưng bằng cái chết tự hiến trên thập giá; không cai trị bằng vũ lực, nhưng bằng tình yêu thương, phục vụ; cũng chẳng có lãnh thổ trên bản đồ thế giới, nhưng nơi trái tim con người. Chính Người mới có thể giúp cho con người tìm ra ý nghĩa, lẽ sống của đời mình, đem lại bình an, tự do, hạnh phúc, giúp ta hoàn tất hành trình dương thế đạt đến Vương quốc vĩnh cửu. Hãy để cho Đức Giê-su luôn có chỗ đứng quan trọng nhất trong đời mình.

Mời Bạn: Con người thời nay, nhất là giới trẻ, hay đi tìm một thần tượng nào đó để học đòi, bắt chước. Bạn đang chọn ai làm khuôn mẫu cho cuộc đời mình. Phải chăng đó chính là Thầy Giê-su? Được vậy thì hay biết mấy.

Sống Lời Chúa: Tâm niệm mọi chia rẽ, hận thù, ghen ghét… là những điều không thuộc về Nước Thiên Chúa.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa luôn muốn nhân loại được bình an. Xin cho chúng con yêu Chúa trên hết mọi sự, mến anh chị em như chính mình, để chúng con góp phần xây dựng Nước Chúa ngay giữa thế trần này. Amen.

(5 Phút Lời Chúa)

++++++++++++++++++

Suy niệm và cầu nguyện

Suy Niệm

Một số vị vua thời xưa, vì muốn biết đời sống thực tế của dân
nên đã vi hành, nghĩa là cải trang làm thường dân,
bí mật ra khỏi cung vua, không cho ai biết.
Vua cố tình che giấu thân phận thật sự của mình,
vì muốn mắt thấy tai nghe những gì đang diễn ra trong nước,
nhờ đó vua biết được dân tình, và lãnh đạo sao cho hợp ý dân.
Vi hành thường là hành vi của một vị minh quân.

Bài Tin Mừng hôm nay cũng cho chúng ta hình ảnh một vị vua.
Đây không phải là một vị vua trần thế,
mà là Vua Giêsu trong ngày Ngài trở lại
ngự trên ngai vinh hiển, bừng tỏa ánh vinh quang,
có tất cả thiên sứ của Ngài theo sau hầu cận.
Muôn dân thiên hạ đông vô kể được tập hợp trước nhan Ngài.
Vua Giêsu sẽ là Đấng tuyên bố về số phận đời đời của họ.
Ngài tách biệt mọi người thành hai nhóm, đứng hai bên tả hữu.
Nhóm bên hữu được gọi là “những kẻ được Cha Ta chúc phúc.”
Nhóm này được mời đến thừa hưởng Nước Trời.
Còn nhóm bên tả là “những kẻ bị nguyền rủa.”
Họ sẽ phải chịu cực hình muôn kiếp với Satan.
Bởi đâu có sự khác biệt kinh khủng này nơi hai nhóm?
Vua Giêsu lấy tiêu chuẩn nào để phân loại đôi bên?
Biết được tiêu chuẩn này, chúng ta hy vọng được ơn cứu độ.

Có sáu việc bác ái được Vua Giêsu kể tới bốn lần:
Cho người đói ăn, người khát uống, người trần trụi áo che thân,
tiếp khách lỡ đường, thăm nom bệnh nhân, đến với tù nhân.
Một người được thưởng hay bị luận phạt
tùy theo người ấy làm hay không làm những việc ấy cho tha nhân.
Tha nhân ở đây là những kẻ thiếu thốn cả hồn lẫn xác.
Họ không chỉ cần cơm áo mà còn cần một mái nhà,
cần được an ủi, đỡ nâng, cần được lắng nghe, thăm hỏi.
Bất cứ ai dám ra khỏi mình, ra khỏi những bận tâm về mình,
đối xử với người khác như một phần của chính mình,
người ấy đã giữ được điều răn thứ hai mà Đức Giêsu nói đến.

Nhưng nét độc đáo và lý thú của bài Tin Mừng hôm nay
lại nằm ở chỗ Đức Giêsu đưa ra một khẳng định bất ngờ.
Đó là: những kẻ đói khát, rách rưới, vô gia cư, yếu đau,
thậm chí cả những kẻ bị giam cầm tù tội,
đều là hiện thân của chính Ngài, là sự hiện diện của Ngài.
Ai giúp họ là giúp Ngài, ai từ chối họ là từ chối Ngài.
Mà ai từ chối Ngài sẽ bị Cha Ngài không nhận vào Vương quốc.
Chúng ta thường quen với hình ảnh một Thiên Chúa oai phong,
một Thiên Chúa giàu sang, luôn là Đấng ban phát dư dật.
Chúng ta không quen với hình ảnh một Thiên Chúa ngửa tay xin,
Một Thiên Chúa xấu xí vì túng nghèo, vì bệnh tật, vì vấp váp.
Vua Giêsu nhận mình chính là đấng Emmanuel lạ lùng.
Ngài chẳng những ở với chúng ta,
mà còn ở nơi những anh chị em bất hạnh, thiếu may mắn.
Như thế Ngài vẫn ở quanh ta, ở gần ta đến nỗi ta có thế chạm được.
Lúc nào ta cũng có thể tiếp xúc với Ngài: nuôi sống Ngài qua ngày,
cho Ngài trú ngụ trong nhà mình, thăm ngài ở nhà tù, nhà thương.
Ngài không chỉ là Đấng ban ơn trong nhà thờ,
mà còn là Đấng đang xin ta trợ giúp ngoài nhà thờ.

Vào ngày tận thế, hy vọng chúng ta không bị sững sờ mà nói:
“Lạy Chúa, có bao giờ con thấy Chúa đói khát, lỡ đường, bệnh tật…”
Vua Giêsu quyền năng đã đồng hóa mình với những người yếu,
mà Ngài gọi là “những anh em bé mọn nhất này của Ta đây.”
Ngài không vi hành, giả trang thường dân như các vị vua ngày xưa.
vì Ngài hiện diện thật sự nơi từng người bị xã hội coi thường.
Chúng ta phải có khả năng thấy được sự hiện diện khó nghèo ấy.
Chúng ta sẽ bị xét xử không phải vì đã làm điều xấu xa,
Nhưng vì tội thiếu sót, không làm điều tốt có thể làm cho tha nhân.

Cầu Nguyện

Lạy Chúa,
Xin ban cho chúng con ánh sáng đức tin
để nhận ra Chúa hôm nay và hàng ngày,
nơi khuôn mặt khốn khổ
của tất cả những người bị thử thách:
những kẻ đói, không chỉ vì thiếu của ăn,
nhưng vì thiếu Lời Chúa;
những kẻ khát, không chỉ vì thiếu nước,
nhưng còn vì thiếu bình an, sự thật,
công bằng và tình thương;
những kẻ vô gia cư,
không chỉ tìm kiếm một mái nhà,
nhưng còn tìm một con tim hiểu biết, yêu thương;
những kẻ bệnh hoạn và hấp hối,
không chỉ trong thân xác,
nhưng còn trong tinh thần nữa,
bằng cách thực thi lời hy vọng này:
“Điều mà ngươi làm
cho người bé mọn nhất trong anh em
là làm cho chính Ta.”

Thánh Têrêsa Calcutta

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

(phutcaunguyen.net)

++++++++++++++++++

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên

 26 THÁNG MƯỜI MỘT

Mỗi Đứa Trẻ Đều Mang Một Sứ Điệp Về Lòng Tín Thác

Mỗi khi một đôi bạn đến trước bàn thờ để cử hành Bí Tích Hôn Phối, Giáo Hội kêu cầu Chúa Thánh Thần để Ngài biến đổi tâm hồn họ – một sự biến đổi trở thành một nền tảng vững chắc cho giao ước hôn nhân của họ.

Sự biến đổi thâm sâu này cũng là một sự thánh hiến đặc biệt của hôn nhân (Humanae vitae 25). Khi người nam và người nữ cam kết dấn thân cho nhau, họ thánh hiến linh hồn và thân xác họ cho Thiên Chúa bằng một cách thế mà một đời sống gia đình trọn vẹn có thể nảy sinh từ sự kết hợp đó: một sự hiệp thông của tình yêu và sự sống được diễn tả trong một cộng đồng nhân vị.

Những người vợ và chồng nhận sự hiệp thông này từ Thiên Chúa như một món quà. Đây là một quà tặng mà họ phải ân cần chăm sóc và đào sâu qua tháng năm. Cùng với nhau, họ đem lại sự sống từ mối hiệp thông yêu thương thâm sâu này. Con cái họ trở thành một dấu hiệu và một hoa trái của tình yêu vốn là quà tặng của Thiên Chúa ấy. Với sự chào đời của đứa con, một điều vốn cần đến tình yêu dâng hiến, họ khám phá rằng sự kết hợp của họ trong tình yêu đã đào sâu tới mức bao gồm một con người khác. Họ nhận ra sự thực trong những lời sau đây của nhà hiền triết Ấn Độ R. Tagore: “Mỗi đứa trẻ được sinh ra mang theo với nó sứ điệp rằng Thiên Chúa không mất lòng tín thác vào con người”.

Công Đồng Vatican II dạy rằng những cha mẹ có trách nhiệm phải cân nhắc đến “thiện ích của mình và thiện ích của con cái mà mình đã sinh ra hoặc chưa sinh ra, phải biết đọc những dấu chỉ của thời đại và của hoàn cảnh riêng mình trên phương diện vật chất và tinh thần, và cuối cùng phải biết đánh giá về thiện ích của gia đình, của xã hội và của Giáo Hội” (MV 51).

– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –

Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác

LIFT UP YOUR HEARTS

Daily Meditations by Pope John Paul II

+++++++++++++++++

Lời Chúa Trong Gia Đình

Ngày 26-11

Chúa Nhật XXXIV Thường niên

Đức Giêsu Vua Vũ Trụ

Ed 34, 11-12.15-17; 1Cr 15, 20-26.28; Mt 25, 31-46.

Lời suy niệm: “Khi Con Người đến trong vinh quang của Người. Có tất cả thiên sứ theo hầu, bấy giờ Người sẽ ngự trên ngai vinh hiển của Người. Các dân thiên hạ sẽ được tập họp trước mặt Người, và Người sẽ tách biệt họ với nhau, như mục tử tách biệt chiên với dê.”

          Chúa Nhật cuối năm phụng vụ Lễ Chúa Giêsu Vua Vũ Tru. Giáo hội cho chúng ta nghe lại Lời Chúa Giêsu công bố quang cảnh ngày quang lâm của Người. Trong ngày đó uy quyền của Người là uy quyền của một vị vua trên các vị vua. Các thiên thần sẽ quy tụ nhân loại trước mặt Người và chính Người đứng ra tách biệt người lành kẻ dữ. Người lành là những con người đã sống tốt lành thánh thiện trong ơn nghĩa của Người, còn những kẻ dữ, là những người đã sống theo thói tục của thế gian và không tin nhận Người là Chúa là Đấng cứu độ của họ. Giữa họ giờ đây,  không còn đứng chung với nhau được nữa.

          Lạy Chúa Giêsu. Xin cho mỗi người trong chúng con khi sống có tinh thần trách nhiệm: biết quan tâm đến nhau, biết giúp đỡ, chia sẻ cơm ăn áo măc, nước uống, viếng thăm an ủi trong những lúc gặp hoạn nạn với tình huynh đệ. Để được Chúa cho đứng bên hữu của Chúa, là những người đáng được lên thiên đàng. Amen.

Mạnh Phương

+++++++++++++++++

26 Tháng Mười Một

Vui Với Người Vui, Khóc Với Kẻ Khóc

Cha Pierre, người sáng lập phong trào Emmaus, chuyên giúp những người không nhà không cửa tìm được nơi cư ngụ và tự lực cánh sinh từ việc chế biến những đồ phế thải, đã ôn lại một trong những kỷ niện mà ngài cho là ý nghĩa nhất trong cuộc đời như sau: Gia đình tôi gồm có tất cả 8 anh chị em. Một ngày thứ năm nọ, chúng tôi muốn tập trung lại với nhau để đi đến thăm một gia đình bà con của chúng tôi. Nhưng cha mẹ tôi đã phạt tôi bằng cách bắt tôi phải ở nhà. Buổi chiều hôm đó, các anh em tôi trở về, ai cũng nói huyên thuyên vì một ngày được chơi đùa thỏa thích. Thái độ đó càng làm tôi bực tức thêm. Không kềm hãm được sự ghen tức, tôi đã nói với một người anh như sau:” Không có tôi thì kể như cuộc chơi cũng không có ý nghĩa gì”. Tôi trút hết cả giận dữ cũng như sự kiêu hãnh của tôi và bỏ đi nơi khác.

Ba tôi đang đau liệt trong phòng của ông. Tình cờ nghe được lời phát biểu ngạo mạn của tôi, ông cho gọi tôi vào. Lúc đó tôi mới hiểu được sai trái của tôi cũng như nỗi khổ tâm của cha tôi. Nhưng cha tôi đã không la rày tôi. Ông chỉ nhỏ nhẹ bảo tôi:” Con không biết rằng con vừa nói một lời lẽ xấu xa ư ? Con nghĩ rằng chỉ có con là người quan trọng nhất sao? Tại sao con không bằng lòng khi những người khác được sung sướng?”

Lúc đó tôi mới hiểu rằng ba tôi đau khổ trong thân xác đã đành, nhưng ông còn đau khổ gấp bội trong tinh thần vì tính xấu xa của tôi.

Tôi không bao giờ quên được câu chuyện trên đây. Và có lẽ đây là câu chuyện đánh dấu cả cuộc đời còn lại của tôi.

Ba nguyên tắc cơ bản hướng dẫn đời sống của các cộng đồng Emmaus do cha Pierre sáng lập, trước hết đó là lao động. Các thành phần của cộng đồng Emmaus không chấp nhận bất cứ một sự dâng cúng nào. Tay làm hàm nhai, mỗi người trong cộng đồng đều ý thức về giá trị của việc làm và sự đóng góp của mình.

Nguyên tắc thứ hai đó là đời sống cộng đoàn. Tất cả mọi tiền của kiếm được đều bỏ vào quỹ chung của cộng đoàn. Từ 30 năm nay, tất cả tiền của thu tích được đều được chi dùng cho đời sống của cộng đồng cũng như được bố thí cho những người nghèo khổ túng thiếu hơn.

Nguyên tắc thứ ba là phục vụ. Ðây là nguyên tắc tổng hợp mọi nguyên tắc khác của đời sống cộng đoàn. Phục vụ có nghĩa là sống cho người khác, lấy đau khổ của người khác làm chính đau khổ của mình, lấy niềm vui của người khác làm chính niềm vui của mình.

Có lẽ nguyên tắc cơ bản mà cha Pierre đang áp dụng trong các cộng đoàn Emmaus của ngài chính là bài học mà ngài tiếp thu được từ thân phụ của mình: “Con không bằng lòng khi thấy những người khác được hạnh phúc ư?”.

Nguyên tắc trên đây cũng là lời khuyên mà thánh Phaolô thường nhắn nhủ các tín hữu của ngài:”Vui với người vui, khóc với kẻ khóc”.

Dù sống trong địa vị nào trong xã hội, dù sống dưới hình thức gia đình nào, độc thân hay có đôi bạn, mọi người đều được mời gọi để sống chung với những người xung quanh. Nguyên tắc đơn sơ và cơ bản nhất trong cuộc sống chung vẫn là:” Lấy hạnh phúc của người khác làm hạnh phúc của chính mình, lấy niềm đau của người khác làm nỗi khổ của chính mình”.

(Lẽ Sống)

++++++++++++++++++

Lời Chúa Mỗi Ngày

Chúa Nhật 34 – Năm A – Thường Niên: Lễ Chúa Kitô, Vua vũ trụ

Bài đọc: Eze 34:11-12, 15-17; I Cor 15:20-26; Mt 25:31-46.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Xin Chúa làm Vua cai trị chúng con.

Con người ở mọi nơi và mọi thời luôn mơ ước có được một “thiên đàng trần gian;” nơi sẽ không còn chiến tranh, hận thù, ghen ghét, bóc lột; nơi con người sẽ sống an vui, yêu thương, hạnh phúc, và không thiếu thốn bất kỳ thứ gì. Biết bao nhiêu chủ thuyết qua mọi thời hứa hẹn cái “thiên đàng trần gian” này như: các đế quốc Ba-Tư, Hy-Lạp, Rôma, Fascism, Marxism, Capitalism; nhưng tất cả chỉ là những bánh vẽ, nghe rất lý tưởng, nhưng khi nếm vào mới cảm thấy nhục nhằn cay đắng. Có 3 lý do tại sao lý tưởng của nước “thiên đàng trần gian” không thành công:

(1) Vua chúa và các thủ lãnh thế gian là những con người bất tòan. Họ sống bất công và không lo lắng cho dân; họ lợi dụng niềm tin của dân để vơ vét của cải cho mình.

(2) Vuơng quốc trần gian luôn thay đổi: Hết triều đại này đến triều đại kia, hết đế quốc này tới đế quốc khác. Kiếm mỏi mắt được một người biết thương yêu lo lắng cho dân, lại bị ám sát hay chết sớm.

(3) Dân chúng hỗn hợp nhiều lọai khác nhau: cả người lành lẫn kẻ dữ, cả chiên lẫn dê; vì thế, rất khó cai trị.

Nhưng đối với các Kitô hữu, thiên đàng chỉ có được ở đời sau, nơi mà cả 3 điều kiện trên đều có thể tìm được:

(1) Vua duy nhất là Đức Kitô: Ngài sẽ chiến thắng tất cả, và các thủ lãnh thế gian phải qui phục Ngài. Ngài sẽ qui tụ tất cả về cho Thiên Chúa; sẽ cai trị trong tâm hồn; sẽ cai trị trong sự thật, công bằng, và thương yêu.

(2) Vương quốc của Ngài là Nước Trời, sẽ tồn tại muôn đời.

(3) Dân của Vua Kitô: chỉ tòan chiên (những người công chính), dê (những kẻ gian ác) bị lọai ra ngòai. Họ sẽ không bao giờ phải chết nữa. Điều kiện để thuộc về vương quốc: nghe tiếng (tin) vào Đức Kitô.

Các Bài đọc hôm nay tập trung vào 3 yếu tố căn bản này: Vua Kitô, vương quốc Nước Trời, và dân riêng của Ngài: Trong Bài đọc I, TT Êzêkiel tiên đóan trước Ngày đó sẽ đến và những gì sẽ xảy ra trong Ngày đó. Bài đọc II tập trung vào Đức Kitô: sự chiến thắng các địch thù và khôi phục Vương Quốc của Ngài. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu sẽ chọn chiên ra khỏi dê. Ngài phán xét con người theo tiêu chuẩn của Đức Bác Ái, và thưởng hay phạt tùy theo những gì con người làm cho tha nhân.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Đức Kitô là Vua yêu thương.

1.1/ Chính Chúa Thượng sẽ chăm sóc chiên: Không ai biết chăm sóc và thương yêu chiên bằng chủ của nó; không ai biết chăm sóc và thương yêu con người bằng chính Đấng Tạo Hóa đã dựng nên con người. TT Ezekiel đã nhìn thấy và tiên báo Ngày này sẽ xảy ra: “Quả thật, Đức Chúa là Chúa Thượng phán thế này: Đây, chính Ta sẽ chăm sóc chiên của Ta và thân hành kiểm điểm. Như mục tử kiểm điểm đàn vật của mình vào ngày nó ở giữa đàn chiên bị tản mác thế nào, thì Ta cũng sẽ kiểm điểm chiên của Ta như vậy. Ta sẽ kéo chúng ra khỏi mọi nơi chúng đã bị tản mác, vào ngày mây đen mù mịt. Chính Ta sẽ chăn dắt chiên của Ta, chính Ta sẽ cho chúng nằm nghỉ – sấm ngôn của Đức Chúa là Chúa Thượng.”

1.2/ Người Mục Tử Tốt Lành: Kẻ chăn chiên là những người làm thuê; vì thế, họ không những không quan tâm đến tình trạng của chiên, mà còn chỉ để ý đến lông chiên và thịt chiên. Người Mục Tử Tốt Lành quan tâm đến đòan chiên của mình và sẵn sàng thí mạng sống mình vì đòan chiên. Một số dấu hiệu của Người Mục Tử Tốt Lành:

(1) Con nào bị mất, Ta sẽ đi tìm; dụ ngôn Người Cha Nhân Hậu.

(2) Con nào đi lạc, Ta sẽ đưa về; Chúa làm bạn với những người thu thuế và gái điếm.

(3) Con nào bị thương, Ta sẽ băng bó; Chúa lập các Bí-tích để chữa lành.

(4) Con nào bệnh tật, Ta sẽ làm cho mạnh; Chúa chữa đủ mọi thứ bệnh tật trong dân.

(5) Con nào béo mập, con nào khoẻ mạnh, Ta sẽ canh chừng. Ta sẽ theo lẽ chính trực mà chăn dắt chúng. Chúa giáo huấn dạy dỗ theo đường ngay nẻo chính.

2/ Bài đọc II: Đức Kitô là Vua uy quyền.

2.1/ Đức Kitô có quyền trên Thần Chết: Thánh Phaolô dùng 2 hình ảnh của con người đầu tiên, Adam, và con người mới, Đức Kitô, để chứng minh con người sẽ sống lại. Vì Adam, con người đầu tiên phạm tội, nên tội lỗi lan tràn đến con cháu của ông (tội tổ tông); và hậu quả là con người phải chết đời đời. Con người không những phải chết vì tội tổ tông mà còn vì cả tội cá nhân của mỗi người nữa. Nhưng Đức Kitô, Con Thiên Chúa từ trời nhập thể trong thân xác con người, Ngài không vương tì ố tội lỗi, nên sự chết không có quyền trên Ngài. Không những thế, Ngài còn tiêu diệt sự chết bằng Cuộc Thương Khó và sự Phục Sinh của Ngài. Thánh Phaolô quả quyết: “Đức Kitô đã trỗi dậy từ cõi chết, mở đường cho những ai đã an giấc ngàn thu. Vì nếu tại một người mà nhân loại phải chết, thì cũng nhờ một người mà kẻ chết được sống lại. Quả thế, như mọi người vì liên đới với Ađam mà phải chết, thì mọi người nhờ liên đới với Đức Kitô, cũng được Thiên Chúa cho sống.” Người đi trước mở đường là Đức Kitô; sau đó đến những kẻ thuộc về Người. Thánh Phaolô gọi sự sống lại của Đức Kitô là “Của Đầu Mùa,” vì phải có của đầu mùa mới có những mùa màng hoa quả sau đó; nếu không có của đầu mùa, cũng không thể có mùa màng hay hoa quả theo sau.

2.2/ Đức Kitô có quyền trên Ba Thù: Rất nhiều quyền lực thống trị con người trong thế giới. Để hòan tòan giải phóng con người, Đức Kitô phải tiêu diệt tòan bộ những quyền lực này: “Sau đó mọi sự đều hoàn tất, khi Người đã tiêu diệt hết mọi giới thống trị, mọi nhà cầm quyền và mọi sức mạnh, rồi trao vương quyền lại cho Thiên Chúa là Cha.” Bản dịch của Nhóm PVCGK không sáng tỏ bằng nguyên bản trong câu này, vì họ dịch: quản thần (giới thống trị), quyền thần (giới cai quản), dũng thần (các sức mạnh). Để hiểu 3 giới này, có lẽ cách tốt nhất là giải thích theo quan niệm “Ba Thù” luôn đe dọa đời sống các tín hữu:

(1) Quỉ Thần: Satan và các đồng bọn của nó. Với chiến thắng của Đức Kitô, Satan và đồng bọn không còn thống trị con người nữa như lời Sách Khải Huyền: “Vì Satan, kẻ tố cáo anh em của Ta, ngày đêm tố cáo họ trước Tòa Thiên Chúa, nay bị tống ra ngòai” (Rev 12:10).

(2) Thế gian: Rất nhiều các vua chúa thế gian, ở mọi nơi và mọi thời, luôn có những sắc chỉ và luật lệ chống lại và bắt bớ các Kitô hữu, vì lối sống theo sự thật và theo tiêu chuẩn Nước Trời của họ. Nhưng Đức Kitô đã chiến thắng thế gian, và các thánh tử đạo, những người theo chân Đức Kitô, cũng có sức mạnh vượt thắng được những đe dọa của vua chúa muốn họ bỏ đạo.

(3) Sức mạnh của xác thịt và của các khuynh hướng xấu trong tâm hồn con người. Thế gian với mọi cám dỗ của nó như tiền của, uy quyền, danh vọng, mời gọi thỏa mãn xác thịt, luôn là mối đe dọa nguy hiểm cho các Kitô hữu. Những cám dỗ này có thể lướt thắng được khi con người để Đức Kitô hòan tòan làm Vua ngự trị trong tâm hồn. Cuộc đời các thánh là những bằng chứng hùng hồn cho sức mạnh của Đức Kitô.

3/ Phúc Âm: Chúa Kitô là Vua khôn ngoan. Ngày Phán Xét: Ngài phân biệt chiên ra khỏi dê.

“Khi Con Người đến trong vinh quang của Người, có tất cả các thiên sứ theo hầu, bấy giờ Người sẽ ngự lên ngai vinh hiển của Người. Các dân thiên hạ sẽ được tập hợp trước mặt Người, và Người sẽ tách biệt họ với nhau, như mục tử tách biệt chiên với dê. Người sẽ cho chiên đứng bên phải Người, còn dê ở bên trái.”

3.1/ Phán xét chiên (bên phải): Tiêu chuẩn phán xét là Đức Bác Ái.

(1) Lời Chúa phán xét và phần thưởng: “Nào những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các ngươi ngay từ thuở tạo thiên lập địa. Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã thăm viếng; Ta ngồi tù, các ngươi đến hỏi han.”

(2) Lời kẻ lành đáp lại : Có bao giờ thấy Chúa đâu? “Lạy Chúa, có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đói mà cho ăn, khát mà cho uống; có bao giờ đã thấy Chúa là khách lạ mà tiếp rước; hoặc trần truồng mà cho mặc? Có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đau yếu hoặc ngồi tù, mà đến hỏi han đâu?”

(3) Lời củng cố của Chúa: “Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta.” Không gì làm hài lòng cha mẹ hơn khi thấy người khác giúp đỡ con cái của mình. Cũng vậy, tất cả đều là con cái của Thiên Chúa; và Ngài vui sướng khi thấy con cái của Ngài được yêu thương giúp đỡ.

3.2/ Phán xét dê (bên trái): Cùng một tiêu chuẩn phán xét: Đức Bác Ái.

(1) Lời Chúa phán xét và hình phạt: “Quân bị nguyền rủa kia, đi đi cho khuất mắt Ta mà vào lửa đời đời, nơi dành sẵn cho tên Ác Quỷ và các sứ thần của nó. Vì xưa Ta đói, các ngươi đã không cho ăn; Ta khát, các ngươi đã không cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã không tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã không cho mặc; Ta đau yếu và ngồi tù, các ngươi đã chẳng thăm viếng.”

(2) Lời kẻ dữ đáp lại: “Lạy Chúa, có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đói, khát, hoặc là khách lạ, hoặc trần truồng, đau yếu hay ngồi tù, mà không phục vụ Chúa đâu?”

(3) Lời củng cố của Chúa: “Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi không làm như thế cho một trong những người bé nhỏ nhất đây, là các ngươi đã không làm cho chính Ta vậy.”

Thế là họ ra đi để chịu cực hình muôn kiếp, còn những người công chính ra đi để hưởng sự sống muôn đời.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

– Chúng ta đã nhận ra sự giả tạo của “thiên đàng trần gian:” sự bất tòan của các nhà lãnh đạo, sự chóng qua của vương quốc trần gian, và sự lẫn lộn của cả người lành lẫn kẻ dữ. Đồng thời chúng ta cũng nhận ra sự tòan hảo của Đức Kitô: Người là Vua của thương yêu, uy quyền, và khôn ngoan, vương quốc Nước Trời sẽ tồn tại muôn đời, và công dân Nước Trời sẽ sống ấm no, hạnh phúc, và bình an muôn đời. Xin Đức Kitô làm Vua cai trị lòng chúng ta muôn đời.

– Muốn làm công dân của Vua Kitô, phải có nhân đức thương yêu như Ngài. Nếu không sẽ bị lọai ra ngòai.

– Vua Kitô và vương quốc Nước Trời không phải là chuyện tưởng tượng như các nhà vô thần và cộng sản tuyên truyền. Bằng chứng cụ thể là các tín hữu đã được nếm thử sự dịu ngọt của Vua tình thương ngay từ đời này. Các Kitô hữu đã chứng minh họ là những người biết sống, sống có mục đích, và sống yêu thương mọi người. 

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

****************