Chúa Nhật (27-03-2022) – Trang suy niệm

26/03/2022

Lời Chúa Hôm Nay

Chúa Nhật Tuần IV Mùa Chay Năm C

BÀI ĐỌC I: Gs 5, 9a. 10-12

“Dân Chúa tiến vào đất Chúa hứa và mừng Lễ Vượt Qua”.

Trích sách Giosuê.

Trong những ngày ấy, Chúa phán cùng Giosuê rằng: “Hôm nay, Ta đã cất sự dơ nhớp của Ai-cập khỏi các ngươi!” Con cái Israel tạm trú tại Galgali và mừng Lễ Vượt Qua vào ban chiều ngày mười bốn trong tháng, trên cách đồng Giêricô. Ngày hôm sau Lễ Vượt Qua, họ ăn các thức ăn địa phương, bánh không men và lúa mạch gặt năm ấy. Từ khi họ ăn các thức ăn địa phương, thì không có manna nữa. Và con cái Israel không còn ăn manna nữa, nhưng họ ăn thổ sản năm đó của xứ Canaan. Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 33, 2-3. 4-5. 6-7

Đáp: Các bạn hãy nếm thử và hãy nhìn coi, cho biết Chúa thiện hảo nhường bao (c. 9a).

Xướng:

1) Tôi chúc tụng Chúa trong mọi lúc, miệng tôi hằng liên lỉ ngợi khen Người. Trong Chúa linh hồn tôi hãnh diện, bạn nghèo hãy nghe và hãy mừng vui. – Đáp.

2) Các bạn hãy cùng tôi ca ngợi Chúa, cùng nhau ta hãy tán tạ danh Người. Tôi cầu khẩn Chúa, Chúa đã nhậm lời, và Người đã cứu tôi khỏi mọi điều lo sợ. – Đáp.

3) Hãy nhìn về Chúa để các bạn vui tươi, và các bạn khỏi hổ ngươi bẽ mặt. Kìa người đau khổ cầu cứu và Chúa đã nghe, và Người đã cứu họ khỏi mọi điều tai nạn. – Đáp.

BÀI ĐỌC II: 2 Cr 5, 17-21

“Thiên Chúa đã nhờ Đức Kitô giao hoà chúng ta với mình”.

Trích thư thứ hai của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.

Anh em thân mến, nếu ai ở trong Đức Kitô, thì người đó sẽ là một thụ tạo mới, những gì là cũ đã qua đi: này đây tất cả mọi sự đã trở thành mới. Vì mọi sự bởi Thiên Chúa, Đấng đã nhờ Đức Kitô giao hoà chúng ta với mình, và trao phó cho chúng tôi chức vụ giao hoà. Thật vậy, Thiên Chúa là Đấng giao hoà thế gian với chính mình Người trong Đức Kitô, nên không kể chi đến tội lỗi của loài người, và đặt lên môi miệng chúng tôi lời giao hoà. Nên chúng tôi là sứ giả thay mặt Đức Kitô, như chính Chúa dùng chúng tôi mà khuyên bảo. Vì Đức Kitô, chúng tôi van nài anh em hãy giao hoà với Thiên Chúa. Đấng không hề biết tội, thì Thiên Chúa làm nên thân tội vì chúng ta, để trong Ngài, chúng ta trở nên sự công chính của Thiên Chúa. Đó là lời Chúa.

CÂU XƯỚNG TRƯỚC PHÚC ÂM: Lc 15, 18

Tôi muốn ra đi trở về với cha tôi và thưa người rằng: Thưa cha, con đã lỗi phạm đến trời và đến cha.

PHÚC ÂM: Lc 15, 1-3. 11-32

“Em con đã chết nay sống lại”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, những người thu thuế và những kẻ tội lỗi đến gần Chúa Giêsu để nghe Người giảng; thấy vậy, những người biệt phái và luật sĩ lẩm bẩm rằng: “Ông này đón tiếp những kẻ tội lỗi và cùng ngồi ăn uống với chúng”. Bấy giờ Người phán bảo họ dụ ngôn này: “Người kia có hai con trai. Đứa em thưa với cha rằng: ‘Thưa cha, xin cha cho con phần gia tài thuộc về con’. Người cha liền chia gia tài cho các con. Ít ngày sau, người em thu nhặt tất cả của mình, trẩy đi miền xa và ở đó ăn chơi xa xỉ phung phí hết tiền của. Khi nó tiêu hết tiền của thì vừa gặp nạn đói lớn trong miền đó, và nó bắt đầu cảm thấy túng thiếu. Nó vào giúp việc cho một người trong miền, người này sai nó ra đồng chăn heo. Nó muốn ăn những đồ cặn bã heo ăn cho đầy bụng, nhưng cũng không ai cho. Bấy giờ nó hồi tâm lại và tự nhủ: ‘Biết bao người làm công ở nhà cha tôi được ăn uống dư dật, còn tôi, tôi ở đây phải chết đói. Tôi muốn ra đi trở về với cha tôi và thưa người rằng: “Thưa cha, con đã lỗi phạm đến trời và đến cha, con không đáng được gọi là con cha nữa, xin cha đối xử với con như một người làm công của cha” ‘. Vậy nó ra đi và trở về với cha nó. Khi nó còn ở đàng xa, cha nó chợt trông thấy, liền động lòng thương; ông chạy ra ôm choàng lấy cổ nó và hôn nó hồi lâu…

Người con trai lúc đó thưa rằng: ‘Thưa cha, con đã lỗi phạm đến trời và đến cha, con không đáng được gọi là con cha nữa’. Nhưng người cha bảo đầy tớ: ‘Mau mang áo đẹp nhất ra đây và mặc cho cậu, hãy đeo nhẫn vào ngón tay cậu, và xỏ giầy vào chân cậu. Hãy bắt con bê béo làm thịt để chúng ta ăn mừng: vì con ta đây đã chết, nay sống lại, đã mất, nay lại tìm thấy’. Và người ta bắt đầu ăn uống linh đình.

“Người con cả đang ở ngoài đồng. Khi về gần đến nhà, nghe tiếng đàn hát và nhảy múa, anh gọi một tên đầy tớ để hỏi xem có chuyện gì. Tên đầy tớ nói: ‘Đó là em cậu đã trở về, và cha cậu đã giết bê béo, vì thấy cậu ấy về mạnh khoẻ’. Anh liền nổi giận và quyết định không vào nhà. Cha anh ra xin anh vào. Nhưng anh trả lời: ‘Cha coi, đã bao năm con hầu hạ cha, không hề trái lệnh cha một điều nào, mà không bao giờ cha cho riêng con một con bê nhỏ để ăn mừng với chúng bạn. Còn thằng con của cha kia, sau khi phung phí hết tài sản của cha với bọn đàng điếm, nay trở về thì cha lại sai làm thịt bê béo ăn mừng nó’. Nhưng người cha bảo: ‘Hỡi con, con luôn ở với cha, và mọi sự của cha đều là của con. Nhưng phải ăn tiệc và vui mừng, vì em con đã chết nay sống lại, đã mất nay lại tìm thấy’ “. Đó là lời Chúa.

(thanhlinh.net)

++++++++++++++++++

27/03/2022 – CHÚA NHẬT TUẦN 4 MC – C

Lc 15,1-3.11-32

NGƯỜI CHA NHÂN HẬU

“Chúng ta phải ăn mừng, phải vui vẻ, vì em con đây đã chết mà nay sống lại, đã mất mà nay lại tìm thấy.” (Lc 15,32)

Suy niệm: Người cha trong bài Tin Mừng không chỉ có đứa con thứ bỏ nhà đi hoang, nhưng còn người con cả ở nhà coi mình như người làm công, chứ không phải con cái trong gia đình. Thế nhưng, ông tỏ lòng nhân hậu với cả hai người con: vui mừng, đón tiếp linh đình khi con thứ thân tàn ma dại trở về; năn nỉ người con cả để anh đối xử với người con thứ thật sự như em của mình. Từ “chúng ta” bao gồm ông với người con trưởng; nói cách khác, cả gia đình phải ăn mừng vì một đứa con, đứa em hư hỏng trở về. Như thế cả nhà – trên trời dưới đất – phải cùng nhau chia sẻ niềm vui lớn lao khi một tội nhân trở lại cùng Chúa. Người cha nhân hậu ấy chính là Thiên Chúa; ngoài Ngài, mọi người đều phải trở nên “người cha” với anh chị em của mình. Như vậy, chúng ta mới giống Cha trên trời, Đấng làm mưa trên người lành kẻ dữ.

Mời Bạn: Sám hối, hoán cải, trở về là những động từ cần đem ra thực hiện cách đặc biệt trong mùa Chay. Sự sám hối, hoán cải, trở về ấy mà được người khác đón nhận, người trở lại sẽ sung sướng, tin tưởng, mạnh dạn làm lại cuộc đời. Bạn cũng hãy tỏ ra nhân từ với ai đó đang xích mích với bạn, đi bước trước  làm hòa với họ thì còn gì đẹp bằng!

Sống Lời Chúa: Ngày hôm nay khi nghe tiếng Chúa, anh chị em chớ cứng lòng, nhưng hãy lắng nghe, đem ra thực hành; hãy tập nghĩ, tập hành động với tâm tình nhân hậu với hết mọi người.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con biết nhìn lên mẫu gương của Chúa, đối xử nhân từ, thông cảm, tha thứ với những ai đang làm con đau khổ, hầu có thể cảm hóa được họ. Amen.

(5 Phút Lời Chúa)

++++++++++++++++++

Suy niệm và cầu nguyện

SUY NIỆM

Tâm sự của Con Thứ

Người ta hay bảo là tôi bất hiếu.

Cha còn sống mà đòi chia gia tài, rồi bỏ nhà ra đi.

Thật ra sống với cha và người anh mãi rồi cũng chán.

Tôi muốn thay đổi môi trường bị bó hẹp.

Có những vùng xa vẫy gọi, đến đó chắc vui hơn.

Cha tôi là người thương con và tôn trọng tự do của con,

nên ông chẳng phản đối gì, ông nghĩ là tôi đã đủ khôn lớn.

Thế là tôi lên đường, tự tin và kiêu hãnh.

Tôi đã tận hưởng những khoái lạc chỉ có trong mơ,

và chẳng mấy chốc, khối gia tài lớn đã tiêu tán.

Khi tôi tay trắng thì nạn đói ập đến vùng ấy.

Tôi phải đi chăn heo cho một người dân trong vùng,

nhưng vẫn không tránh được cái đói hành hạ.

Tôi bị vỡ mộng vì cái vùng mà tôi tưởng là thiên đàng

lại là cái vùng đói, vùng đưa tôi đến chỗ ở đợ.

Khi rơi vào sự cùng quẫn và bị đe dọa bởi cái chết,

tôi liền nghĩ đến chuyện trở về với cha.

Tôi chợt hiểu tất cả là do tôi, do tội của tôi.

Nếu trở về, tôi sẽ phải đối diện với nhiều thách đố.

Cha tôi và người anh cả có đón nhận tôi không?

Gia nhân và hàng xóm láng giềng sẽ nghĩ sao về tôi?

Chẳng ai muốn trở về trong nhục nhã, xấu hổ.

Dù sao tôi cũng phải về, không chỉ vì sắp chết đói,

nhưng để nói một lời xin lỗi cha tôi.

 

Tâm sự của Con Cả

Từ ngoài đồng về, được gia nhân báo cho biết

cả nhà đang ăn mừng vì anh con thứ trở về,

tôi nổi giận, như phát điên lên.

Tôi không thể vào nhà để dự tiệc được.

Mở đại tiệc với bê béo, có khách mời, có ca vũ nhạc,

để mừng đứa con hư hỏng trở về,

tôi không hiểu sao cha tôi lại làm chuyện như vậy.

Khi cha tôi đi ra, năn nỉ tôi vào,

tôi đã nói thẳng với cha về sự bất công tôi phải chịu.

Bao năm phụng dưỡng cha, chẳng được một con dê nhỏ,

còn đứa con phung phá trở về lại giết bê béo ăn mừng.

Nhiều người cho rằng vào nhà ăn mừng là chuyện dễ.

Họ đâu biết rằng làm sao dự tiệc được khi không vui,

làm sao ngồi cạnh người mà tôi không muốn nhìn mặt.

Tôi thấy rõ cha tôi vui như chưa bao giờ vui đến thế.

Nhưng tôi xin lỗi, tôi không thể vui với cha tôi được.

Tôi như người đứng ngoài, lạnh lùng, dửng dưng.

 

Tâm sự của Người Cha

Có người bảo tôi là người cha nhu nhược,

vì tôi đã chạy ra để đón đứa con thứ,

đã đi ra năn nỉ đứa con cả.

Họ không hiểu được tấm lòng của người cha,

chẳng muốn mất đứa con nào, vì cả hai đều quý.

Tôi không đi tìm đứa con thứ, vì biết nó sẽ trở về.

Tôi đã ngóng trông và thấy nó trước khi nó thấy tôi.

Khi ôm chầm lấy nó mà hôn, tôi không thấy mùi heo.

Tôi chỉ thấy mùi quen thuộc của con tôi,

đứa con đã mất nay lại thấy, đã chết nay sống lại.

Tiếc là đứa con cả không hiểu tôi.

Phải nhận nó là đứa con tử tế, lúc nào cũng ở với cha,

nhưng nó cứ tưởng cha chỉ yêu đứa nào tử tế thôi.

Nó không biết là tôi yêu cả đứa con hư hỏng,

thậm chí có vẻ yêu nhiều hơn, khi nó ăn năn trở về.

Nó phàn nàn và ganh tỵ vì nghĩ tôi không công bằng,

nên tôi phải nhắc nhở: tất cả cơ nghiệp này là của nó.

Bữa tiệc này sẽ chẳng trọn vẹn nếu nó vẫn không vào.

Tôi muốn hai đứa con tôi ngồi bên nhau.

Tôi muốn đứa con cả nói với con thứ của tôi:

“Em cứ ở nhà, đừng đi nữa, cha và anh sẽ lo cho em!”

 

 

LỜI NGUYỆN

Lạy Thầy Giêsu,

thật là khó khi phải giữ thái độ khoan dung

đối với những ai đang gây ra bất công và đau khổ

cho bao người trên thế giới và trong Giáo Hội.

Chúng con muốn bứng gốc sự dữ ra khỏi địa cầu,

và làm cho Giáo Hội chỉ gồm những người thánh thiện.

 

Nhưng lạy Thầy Giêsu,

Thầy lại muốn chúng con để cỏ lùng sống chung với lúa,

và để cả hai cùng lớn lên cho đến mùa gặt.

Chúng con hiểu tại sao ác nhân vẫn tung hoành,

và Xatan dường như thắng thế trong cuộc chiến hiện tại.

Thầy cho chúng con thấy khuôn mặt của Chúa Cha,

Đấng kiên nhẫn chờ con người hối cải,

Đấng cho mặt trời sáng trên kẻ dữ,

và mưa rơi trên ác nhân.

Thầy cũng cho chúng con thấy khuôn mặt của Thầy,

Đấng không bẻ gãy cây lau bị giập,

không làm tắt tim đèn còn khói.

 

Xin Thầy dạy chúng con biết cách chấp nhận

cuộc xung đột kéo dài đến tận thế

giữa con cái ánh sáng và con cái tối tăm,

giữa lúa tốt và cỏ lùng.

Và xin cho chúng con tin rằng

chiến thắng cuối cùng

sẽ thuộc về ánh sáng và sự thiện,

công lý và tình yêu.

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

(phutcaunguyen.net)

++++++++++++++++++

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên

27 THÁNG BA

Sự Im Lặng Đầy Căng Thẳng

Trong Tin Mừng Matthêu, chúng ta gặp thấy Đức Giêsu Na-da-rét đến Giê-ru-sa-lem. Sự kiện Người vào thành gắn liền với niềm khấp khởi nôn nao của đám đông khách hành hương là những người tựu về để mừng Lễ Vượt Qua. Họ tung hô: “Vạn tuế Con Vua Đa-vít” (Mt 21,9).

Tuy nhiên, chúng ta cũng biết rằng – trong vài chốc lát – niềm phấn khởi ấy đã trở thành ngột ngạt căng thẳng. Đó là lúc mà từ giữa đám đông, một số người Pha-ri-sêu yêu cầu Đức Giêsu cấm các môn đệ Người tung hô Người (Lc 19,39).

Câu trả lời của Đức Giêsu thật đầy ý nghĩa: “Nếu họ câm miệng, thì chính những hòn đá sẽ cất tiếng tung hô” (Lc 19,40). Vâng, chúng ta hãy nhìn ngắm Đấng “nhân danh Chúa mà đến” (Mt 21,9) trong viễn tượng của Tuần Thánh. “Nào chúng ta lên Giê-ru-sa-lem … Con Người … sẽ bị nộp vào tay dân ngoại, sẽ bị chế nhạo, sỉ vả; và sau khi đã đánh đòn Người, họ sẽ treo Người trên Thập Giá …” (Lc 18,31-33).

Những lời tung hô của đám đông vào Chúa Nhật Lễ Lá sẽ ngưng bặt. Chính Con Người cũng bị ‘dập tắt’ bởi sự im lặng của cái chết. Và rồi, vào chiều hôm trước ngày sa-bát, người ta hạ Người xuống khỏi thập giá, họ sẽ đặt Người vào trong một ngôi mộ, sẽ lăn một tảng đá lấp cửa mộ, và sẽ niêm kín lại.

Nhưng ba ngày sau, tảng đá ấy sẽ được lăn đi. Các phụ nữ đến mộ và nhận ra rằng ngôi mộ trống không. Phê-rô và Gio-an cũng chứng kiến ngôi mộ trống không. Đó, khi mọi người và mọi sự đều lặng thinh thì đá sẽ “cất tiếng lên”! Tảng đá lấp cửa mồ đã cất tiếng! Nó loan báo mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Giê-su Kitô. Và chính từ tảng đá ấy mà mầu nhiệm này được mạc khải cho các phụ nữ và các tông đồ – và các ngài sẽ rao giảng về mầu nhiệm này trên khắp các ngả đường Giê-ru-sa-lem và, về sau, đến khắp cùng thế giới. Bởi đó, từ thế hệ này đến thế hệ kia, “những hòn đá vẫn không ngừng cất tiếng kêu lên”.

– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –

Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác

LIFT UP YOUR HEARTS

Daily Meditations by Pope John Paul II

+++++++++++++++++

Lời Chúa Trong Gia Đình

NGÀY 27/3

CHÚA NHẬT IV MÙA CHAY

Gs 5, 9a. 10-12; 2Cr 5, 17-21; Lc 15, 1-3. 11-32.

LỜI SUY NIỆM: ““Con à, lúc nào con cũng ở với cha, tất cả những gì của cha đều là của con. Nhưng chúng ta phải ăn mừng, phải vui vẻ, vì em con dây đã chết mà nay lại sống, đã mất mà nay lại tìm thấy.”

          Với dụ ngôn Người Cha nhân hậu. “Chúa Giêsu đã mô tả tiến trình hối cải và thống hối một cách tuyệt vời trong dụ ngôn…. Đó là những nét tiêu biểu của tiến trình hối cải… Đồng thời cho chúng ta thấy được Chúa Giêsu là Đấng thấu suốt các tầng sâu thẳm của tình yêu của Cha Người, mới có thể mạc khải cho chúng ta tận đáy lòng thương xót của Thiên Chúa một cách đơn sơ và đầy vẻ đẹp như vậy.” (GL 1439)

          Lạy Chúa Giêsu. Xin cho mỗi người trong chúng con luôn ý thức khi phạm tội là tự mình cắt đứt sự hiệp thông với Chúa, làm thương tổn cho sự hiệp thông với Hội Thánh, để chúng con biết tránh xa tội lỗi.

Mạnh Phương

+++++++++++++++++

27 Tháng Ba

Người Vỗ Tay

Một nữ văn sĩ kia thuật lại một kinh nghiệm như sau:

Mỗi khi tôi bị thất vọng với những gì xảy ra trong cuộc sống, tôi thường để tâm hồn lắng dịu và hồi tưởng về em bé mang tên Jamie Scott. Jamie mơ ước được đóng một vai trong vở kịch được tổ chức hằng năm tại trường. Ðêm trình diễn vở kịch này là một trong những biến cố quan trọng nhất trong các sinh hoạt của học đường. Mẹ em Jamie cho tôi biết là em để hết tâm hồn vào vở kịch sắp được trình diễn, mặc dầu bà sợ là Jamie sẽ không được chọn để đóng một vai trò nào.

Vào ngày ủy ban phụ trách đêm văn nghệ cho biết quyết định của họ về việc chọn các diễn viên, tôi theo mẹ Jamie đến trường đón em. Từ xa, chúng tôi đã thấy Jamie chạy nhanh về phía chúng tôi với tất cả niềm vui và phấn khởi được diễn tả qua gương mặt và nhất là qua đôi mắt chiếu sáng lên vẻ tự hào.

Sau khi đã lấy lại bình tĩnh, Jamie đã nói những điều sau đây mà tôi luôn giữ trong ký ức để làm bài học cho mình: “Mẹ ơi, trong đêm văn nghệ con được chọn để vỗ tay tán thưởng và reo hò khuyến khích”.

Câu chuyện của nữ văn sĩ chấm dứt nửa vời, không một lời giải thích tại sao câu nói của em bé đáng làm bài học cho mình. Nhưng một cách nào đó, câu chuyện trên đây cũng hội tụ vào cùng một ý nghĩa với kinh nghiệm được Ðức Gioan 23 thuật lại như sau:

Lúc tôi mới được bầu làm Giáo Hoàng để lãnh đạo Giáo hội hoàn vũ, tôi rất lo lắng, sợ hãi trước một trách vụ quá nặng nề. Nhưng một đêm kia, trong giấc ngủ, tôi nghe một tiếng bảo tôi: “Gioan, đừng tự xem mình quá quan trọng”. Tôi đã đem áp dụng câu nói này, và từ dạo ấy, tôi ăn ngon, ngủ yên như trước khi được chọn làm Giáo Hoàng.

“Mẹ ơi, trong đêm văn nghệ con được chọn vỗ tay tán thưởng và reo hò khuyến khích”. “Gioan, đừng tự xem mình quá quan trọng”.

Có lẽ hai câu nói và hai kinh nghiệm trên giúp chúng ta phần nào trong việc sống Lời Chúa Giêsu: “Ai hạ mình xuống sẽ được nhắc lên”.

Khiêm nhượng là một đức tính được Thiên Chúa yêu mến. Khác với tính tự cao, tự đại, có thể so sánh với những ngọn đồi, đức khiêm nhượng giúp chúng ta đào sâu những trủng thấp để đón nhận những hồng ân của Thiên Chúa, không thể dừng lại ở những ngọn đồi, nhưng chảy xuống và đọng lại ở những trủng thấp dưới chân đồi.

(Lẽ Sống)

++++++++++++++++++

Lời Chúa Mỗi Ngày

Chúa Nhật IV – Năm C – Mùa Chay

Bài đọc: Jos 5:9a, 10-12; II Cor 5:17-21; Lk 15:1-3, 11-32.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Hoà giải với Thiên Chúa và với tha nhân

 Nếu con người biết vâng lời Thiên Chúa và giữ trọn Thập Giới, họ sẽ sống đúng mối liên hệ với Thiên Chúa, với tha nhân, và với thế giới chung quanh. Thiên Chúa sẽ chúc lành cho mọi việc họ làm và bảo vệ họ khỏi mọi điều nguy hiểm hồn xác. Nhưng con người đã không giữ lời Thiên Chúa dạy, họ nghe theo tiếng gọi của ba thù và đảo lộn mọi trật tự của Thiên Chúa. Họ khước từ tình yêu đích thực của Thiên Chúa, cha mẹ, và anh em để chạy theo những tình yêu giả dối và tạm thời. Mùa Chay là mùa Thiên Chúa kêu gọi con người xét lại mối liên hệ của con người đối với Ngài và với nhau, để hòa giải và sống đúng các mối liên hệ trong cuộc đời.

Các Bài Đọc hôm nay đặt trọng tâm trong sự hòa giải giữa con người với Thiên Chúa và với nhau. Trong Bài Đọc I, Thiên Chúa dẫn đưa con cái Israel vào Đất Hứa, sau cuộc Xuất Hành và thanh luyện 40 năm trong sa mạc. Ngài truyền cho ông Joshua phải cắt bì cho tất cả những người nam của Israel tại Ghilgal, như một giao ước phải tuân giữ: Ngài sẽ bảo vệ và chúc lành nếu họ tuân giữ các thánh chỉ và Lề Luật của Ngài. Trong Bài Đọc II, con người tự mình không thể giao hòa với Thiên Chúa vì tất cả đều phạm tội; nhưng vì yêu thương, Thiên Chúa đã cho Đức Kitô, Người Con duy nhất xuống trần để đền tội cho con người. Đức Kitô là lý do con người được giao hòa với Thiên Chúa. Trong Phúc Âm, người con thứ khước từ tình yêu chân thật của cha để chạy theo những tình yêu gian dối và tạm thời của thế gian; nhưng khi nhận ra tình yêu đích thực, anh đã mạnh dạn trỗi dậy và quay về để hòa giải với cha và với anh của mình.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: “Hôm nay Ta đã cất khỏi các ngươi cái ô nhục của người Ai-cập.”

1.1/ Chấm dứt hành trình 40 năm trong sa mạc: Đức Chúa phán với ông Joshua: “Hôm nay Ta đã cất khỏi các ngươi cái ô nhục của người Ai-cập.” Vì thế, người ta đã gọi tên nơi ấy là Ghilgal cho đến ngày nay. Biến cố Xuất Hành và thanh luyện trong sa mạc suốt 40 năm là thời kỳ Thiên Chúa sống mật thiết với con cái Israel. Ngài theo họ trong suốt cuộc hành trình để hướng dẫn, dạy dỗ, thanh luyện, và bảo vệ; trước khi dẫn đưa họ vào Đất Hứa. Trình thuật hôm nay kết thúc cuộc hành trình, Ngài ký kết với họ giao ước tại Ghilgal qua sự kiện ông Joshua cắt bì cho tất cả các người nam của Israel: Ngài sẽ bảo vệ họ sống hạnh phúc trong Đất Hứa nếu họ tuân giữ cẩn thận các giới răn của Ngài.

1.2/ Bắt đầu cuộc sống trong Đất Hứa: “Con cái Israel đóng trại ở Ghilgal và cử hành lễ Vượt Qua ngày mười bốn trong tháng, vào buổi chiều, trong vùng thảo nguyên Jericho. Hôm sau lễ Vượt Qua, họ đã dùng thổ sản trong xứ, tức là bánh không men và hạt lúa rang, vào đúng ngày đó. Hôm sau, không còn manna nữa, khi họ dùng thổ sản trong xứ. Năm ấy, họ đã dùng hoa màu của đất Canaan.” Bắt đầu cuộc sống tự do trong Đất Hứa, con cái Israel không còn lý do nào để than phiền và làm nô lệ cho tội lỗi. Họ được hưởng dùng tất cả những của ngon vật lạ trong Đất Hứa, vùng đất chảy sữa và mật. Họ được tự do sống mối liên hệ yêu thương và trung thành với Thiên Chúa.

2/ Bài đọc II: Trong Đức Kitô, Thiên Chúa đã cho thế gian được hoà giải với Người.

2.1/ Đức Kitô đã chịu chết để con người được hòa giải với Thiên Chúa: Theo thánh Phaolô, tất cả mọi người đều đã vi phạm Lề Luật; vì thế, họ phải chịu hình phạt Thiên Chúa ra là phải chết. Không một ai có thể cho mình là công chính trước mặt Thiên Chúa và xứng đáng được hưởng cuộc sống đời đời; nhưng vì yêu thương, Thiên Chúa đã cho Đức Kitô, Người Con duy nhất xuống trần để đền tội cho con người. Nhờ Máu của Người đổ ra trên Thập Giá, Người đã giao hòa con người với Thiên Chúa và với nhau. Trước khi con người được hòa giải với Thiên Chúa, con người làm nô lệ cho tội lỗi và phải chết. Sau khi con người được hòa giải với Thiên Chúa, họ trở nên một tạo vật mới: tội lỗi không còn thống trị con người nữa; con người được trở nên công chính; và con người không phải chết, nhưng được sống đời đời.

2.2/ Các tông đồ được Đức Kitô trao ban sứ vụ hòa giải: Trong Kế Hoạch Cứu Độ, Đức Kitô chọn các tông đồ và trao ban cho các ông và những người kế vị, sứ vụ giao hòa con người với Thiên Chúa (Mt 16:19; Lk 24:47). Thánh Phaolô cũng được trao ban sứ vụ hòa giải; vì thế, thánh nhân kêu gọi tất cả các tín hữu: “Thật vậy, trong Đức Kitô, Thiên Chúa đã cho thế gian được hoà giải với Người. Người không còn chấp tội nhân loại nữa, và giao cho chúng tôi công bố lời hoà giải… Vậy, nhân danh Đức Kitô, chúng tôi nài xin anh em hãy làm hoà với Thiên Chúa.

Đấng chẳng hề biết tội là gì, thì Thiên Chúa đã biến Người thành hiện thân của tội lỗi vì chúng ta, để làm cho chúng ta nên công chính trong Người.”

3/ Phúc Âm: “Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với cha.”

3.1/ Quay mặt đi với tình yêu đích thực: Tại sao người con thứ bỏ đi? Trình thuật không nêu rõ lý do, nhưng chúng ta có thể phỏng đoán những lý do sau: Thứ nhất, cậu nghĩ cuộc sống kỷ luật trong gia đình giới hạn sự tự do của cậu; vì thế, cần thoát ly gia đình để có thể làm tất cả những gì mình muốn. Thứ hai, cậu không cảm nhận được tình yêu của cha dành cho và hạnh phúc khi còn sống trong mái ấm gia đình, và muốn chạy theo những tiếng mời gọi hấp dẫn hơn của xác thịt, bè bạn, và thế gian. Sau cùng, cậu nghĩ có tiền và có tự do là sẽ có hạnh phúc; nhưng cuộc đời không đơn giản nhưng cậu tưởng.

3.2/ Người con thứ nhận ra tình yêu chân thực của cha và hạnh phúc của mái ấm gia đình: Con người thường hay giả định mọi sự phải như vậy thay vì biết suy nghĩ tại sao những sự ấy xảy ra; nhưng khi đã mất rồi, con người mới biết trân quí khi nhận lại. Người con thứ phải trải qua đói khát và đau khổ để nhận ra tình yêu của Thiên Chúa và của cha mình. Khi xa cha, phẩm giá con người của cậu còn thua cả loài heo, là con vật được coi là nhơ bẩn theo truyền thống Do-thái. Là một con người mà muốn ăn thứ heo ăn cũng không ai cho. Cậu hồi tưởng tới những đầy tớ ở nhà cha mình: Đầy tớ của cha còn có cơm gạo dư thừa để ăn, thế mà phận làm con phải chết đói.

Khi đã nhận ra đâu là tình yêu và hạnh phúc đích thực, cậu can đảm bảo mình: Thôi, ta đứng lên, đi về cùng cha và thưa với người: “Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với cha, chẳng còn đáng gọi là con cha nữa. Xin coi con như một người làm công cho cha vậy.”

3.3/ Hạnh phúc khi con người được hòa giải: Người cha tuy đau khổ phải xa con; nhưng ông biết ông không thể giữ con ở nhà, nên ông đã đau khổ chia gia tài cho con. Ông biết có thể ông sẽ mất con vĩnh viễn, nhưng ông hy vọng đói khát và đau khổ sẽ làm cho con ông nhận ra đâu là tình yêu đích thực và quay về với ông. Nhiều người thắc mắc tại sao ông biết lúc nào con trở về và nhận ra cậu ngay khi còn ở đàng xa. Điều này chỉ có thể trả lời bằng tình yêu mà ông dành cho con, ông phải ra đầu ngõ ngóng chờ mỗi ngày để có thể thấy con từ xa như trình thuật hôm nay.

Chúa Giêsu đưa tình phụ tử lên tới tuyệt đỉnh khi mô tả thái độ của người cha đón con về: Không giống như người cha thế gian ngồi đợi con đến trước mặt và nói lời xin lỗi trước khi người cha có thể tha thứ; người cha trong trình thuật chạy ra trước đón con, ông không đòi một điều kiện nào, và cũng chẳng đợi cho con nói hết lời xin lỗi; ông phục hồi tất cả phẩm giá cho con mình khi nói với các đầy tớ: “Mau đem áo đẹp nhất ra đây mặc cho cậu, xỏ nhẫn vào ngón tay, xỏ dép vào chân cậu, rồi đi bắt con bê đã vỗ béo làm thịt để chúng ta mở tiệc ăn mừng! Vì con ta đây đã chết mà nay sống lại, đã mất mà nay lại tìm thấy.” Và họ bắt đầu ăn mừng.

3.4/ Tính ghen tị là kẻ thù của tình yêu: Người con cả tuy ở nhà với cha luôn; nhưng vẫn không hiểu tình yêu của cha mình. Anh làm việc vất vả không phải vì thương cha; nhưng hy vọng sẽ được thừa hưởng tất cả những gì cha để lại. Anh nghĩ mình có lý do để tức giận vì sẽ phải chia gia tài với em mình lần nữa. Anh đặt giá trị vật chất lên trên tình phụ tử và tình huynh đệ khi nói thẳng vào mặt cha mình: “Cha coi, đã bao nhiêu năm trời con hầu hạ cha, và chẳng khi nào trái lệnh, thế mà chưa bao giờ cha cho lấy được một con dê con để con ăn mừng với bạn bè. Còn thằng con của cha đó, sau khi đã nuốt hết của cải của cha với bọn điếm, nay trở về, thì cha lại giết bê béo ăn mừng!”

Anh không một chút quan tâm đến tình cảm của cha mình, cho dù anh đã được chứng kiến nỗi đau khổ của cha mỗi ngày ra ngõ ngóng con. Nếu cảm nhận được tình yêu với cha, anh phải vui chung với niềm vui của cha, chứ không để cho niềm vui của cha chưa trọn đã phải đương đầu với một đứa con khác, đứa con cha anh tưởng nó yêu thương mình thật, nhưng nay khám phá ra nó yêu mình vì tài sản. Anh cũng chẳng còn chút tình cảm gì cho em. Khi nói với cha “thằng con của cha đó,” anh coi nó chẳng có chút liên hệ máu mủ ruột thịt gì với mình.

Trình thuật muốn nêu bật tình yêu chân thật, tha thứ, và vô vị lợi của người cha. Tuy bị phản kháng cách tàn nhẫn từ người con cả, ông vẫn hạ mình năn nỉ và khuyên con: “Con à, lúc nào con cũng ở với cha, tất cả những gì của cha đều là của con. Nhưng chúng ta phải ăn mừng, phải vui vẻ, vì em con đây đã chết mà nay lại sống, đã mất mà nay lại tìm thấy.”

Chúng ta có thể rút ra rất nhiều những bài học khôn ngoan trong dụ ngôn hôm nay:

  1. Tình cha có chỗ tất cả cho mọi người con. Thiên Chúa yêu thương tất cả mọi người.
  2. Đừng bao giờ đặt những giá trị vật chất trên tình nghĩa gia đình. Mất của có thể tìm lại được; mất tình yêu gia đình, con người sẽ ôm hận suốt đời.
  3. Tình yêu Thiên Chúa không quan tâm đến tội lỗi con người; nhưng Ngài cung cấp mọi cơ hội để con người nhận ra và đáp trả tình yêu của Ngài cách tự nguyện.
  4. Nếu đã được Thiên Chúa yêu thương, hòa giải và tha thứ cách vô điều kiện; con người cũng phải cư xử như thế cho những ai có lỗi với mình.
  5. Đừng mù quáng chạy theo những tình yêu giả trá hay chóng qua; hãy biết quay về để sống yêu thương và hạnh phúc với những ai yêu thương mình chân thành.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

– Thời gian và việc thanh luyện cần thiết vì chúng giúp con người nhận ra đâu là tình yêu đích thực giữa bao tình yêu ích kỷ và giả trá.

– Chỉ một mình Thiên Chúa là tình yêu đích thực; vì Ngài không quan tâm đến tội lỗi, luôn tìm mọi cách đưa con người trở về, và yêu thương con người đến cùng.

– Càng xa Thiên Chúa bao nhiêu con người càng đau khổ bấy nhiêu, và phẩm giá con người bị hạ giá tới độ không bằng một con vật. Khi quay về với Thiên Chúa, Ngài sẽ phục hồi xứng đáng phẩm giá của chúng ta như các con cái của Ngài.

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

****************