Chúa Nhật (28-06-2020) – Trang suy niệm

27/06/2020

Lời Chúa Hôm Nay

Chúa Nhật Tuần XIII Mùa Thường Niên Năm A

BÀI ĐỌC I: 2 V 4, 8-11. 14-16a

“Người đến trọ nhà mình, là một vị thánh của Thiên Chúa”.

Trích sách Các Vua quyển thứ hai.

Một ngày nọ, Êlisê đi ngang qua miền Sunam. Ở đó có một bà sang trọng mời ông ở lại dùng bữa. Và từ đấy, mỗi khi ông đi ngang qua đó, ông đều đến nhà bà dùng bữa. Bà nói với chồng bà rằng: “Tôi biết rằng người thường trọ nhà mình là một vị thánh của Thiên Chúa. Vậy chúng ta hãy làm cho ông một căn phòng trên lầu, và đặt trong căn phòng đó một cái giường, một cái bàn, một cái ghế, và một cây đèn, để mỗi khi đến, ông ở đó”.

Một ngày nọ Êlisê đến, ông lên căn phòng trên lầu và nghỉ tại đó. Ông nói (với Giêzê, tiểu đồng của ông): “Bà muốn chúng ta làm gì cho bà?” Giêzê nói rằng: “Thầy khỏi hỏi, bà ấy không có con, và chồng bà đã già”. Êlisê bảo gọi bà ta. Nghe gọi, bà liền đến đứng trước cửa, ông nói với bà rằng: “Năm tới cũng vào thời kỳ này, bà sẽ bồng bế một bé trai”. Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 88, 2-3. 16-17. 18-19

Đáp: Lạy Chúa, con sẽ ca ngợi tình thương của Chúa tới muôn đời (c. 2a).

Xướng:

1) Con sẽ ca ngợi tình thương của Chúa tới muôn đời, qua mọi thế hệ miệng con loan truyền lòng trung thành Chúa. Vì Ngài đã phán: “Tình thương của Ta đứng vững muôn đời”; trên cõi trời cao, Ngài thiết lập lòng trung tín. – Đáp.

2) Phúc thay dân tộc biết hân hoan, lạy Chúa, họ tiến thân trong ánh sáng nhan Ngài. Họ luôn luôn mừng rỡ vì danh Chúa, và tự hào vì đức công minh Ngài. – Đáp.

3) Vì Chúa là vinh quang quyền năng của họ; nhờ ân huệ Chúa, uy quyền của chúng tôi được suy tôn. Bởi chưng khiên thuẫn chúng tôi là của Chúa, và vua chúng tôi thuộc về Đấng Thánh của Israel. – Đáp.

BÀI ĐỌC II: Rm 6, 3-4. 8-11

“Chúng ta chịu mai táng với Ngài nhờ phép rửa, chúng ta phải sống đời sống mới”.

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.

Anh em thân mến, tất cả chúng ta đã chịu phép rửa trong Đức Kitô, tức là đã chịu phép rửa trong sự chết của Người. Và chúng ta đã cùng chịu mai táng với Người, bởi vì được thanh tẩy trong sự chết của Người, để như Đức Kitô nhờ vinh hiển của Chúa Cha mà sống lại từ cõi chết thế nào, thì cả chúng ta cũng phải sống đời sống mới như thế. Mà nếu chúng ta đã chết với Đức Kitô, chúng ta tin rằng: chúng ta cũng sẽ cùng sống với Người, vì biết rằng Đức Kitô một khi từ cõi chết sống lại, Người không chết nữa, sự chết không còn làm chủ được Người nữa. Người đã chết, tức là chết một lần dứt khoát đối với tội lỗi, mà khi Người sống, là sống cho Thiên Chúa. Cả anh em cũng thế, anh em hãy tự kể như mình đã chết đối với tội lỗi, nhưng sống cho Thiên Chúa, trong Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Đó là lời Chúa.

ALLELUIA: Ga 14, 5

Alleluia, alleluia! – Chúa phán: “Thầy là đường, là sự thật, và là sự sống; không ai đến được với Cha mà không qua Thầy”. – Alleluia. 

PHÚC ÂM: Mt 10, 37-42

“Kẻ nào không mang lấy thập giá, thì không xứng đáng với Thầy; kẻ nào tiếp đón các con, là tiếp đón Thầy”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các tông đồ rằng: “Kẻ nào yêu mến cha mẹ hơn Thầy, thì chẳng xứng đáng với Thầy, và kẻ nào yêu mến con trai, con gái hơn Thầy, thì không xứng đáng với Thầy. Kẻ nào không vác thập giá mình mà theo Thầy, thì không xứng đáng với Thầy. Kẻ nào cố tìm mạng sống mình thì sẽ mất, và kẻ nào đành mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm lại được nó.

“Kẻ nào đón tiếp các con là đón tiếp Thầy; và kẻ nào đón tiếp Thầy, là đón tiếp Đấng đã sai Thầy. Kẻ nào đón tiếp một tiên tri với danh nghĩa là tiên tri, thì sẽ lãnh phần thưởng của tiên tri; và kẻ nào đón tiếp người công chính với danh nghĩa người công chính, thì sẽ lãnh phần thưởng của người công chính. Kẻ nào cho một trong những người bé mọn này uống chỉ một bát nước lã mà thôi với danh nghĩa là môn đệ, thì quả thật, Thầy nói với các con, người ấy không mất phần thưởng đâu”. Đó là lời Chúa.

(thanhlinh.net)

++++++++++++++++++

28/06/2020 – CHÚA NHẬT TUẦN 13 TN – A

Mt 10,37-42

LIỀU VÌ YÊU

“Ai giữ lấy mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm thấy được.” (Mt 10,39)

Suy niệm: Trong khi đại dịch Covid-19 lan tràn khắp thế giới làm mọi người lo lắng, sợ hãi, vẫn có nhiều linh mục, tu sĩ liều mình dấn thân phục vụ các bệnh nhân và các gia đình. Nhiều vị bị nhiễm bệnh, thậm chí nhiều vị đã mất mạng trong khi đang phục vụ giữa đàn chiên, nuôi dưỡng đức tin người tín hữu theo gương “liều” của Thầy Giê-su. Khi nhập thể làm người, Con Thiên Chúa cũng đã “liều lĩnh”: “liều” mình  xuống thế, “liều” thân ở với con người, “liều” mạng khi chọn Nhóm Mười Hai, “liều” chết vì yêu. Cái “liều vì yêu” đó vẫn mãi mãi là điểm quy chiếu của mọi hình thức “liều vì yêu” mà các môn đệ của Thầy Giê-su qua mọi thời đại hiến thân cho Thiên Chúa và phục vụ con người.

Mời bạn: Cùng với các linh mục, tu sĩ, còn có rất nhiều y sĩ, bác sĩ, các thành phần xã hội, cũng như cộng đoàn dân Chúa dấn thân trong cuộc chiến chống dịch bệnh. Họ được thúc bách bởi nhiệm vụ, tình yêu đồng loại, cũng như của Tin Mừng. Chính khi “liều vì yêu,” họ chứng tỏ tình yêu hiến dâng vì một lời mời gọi “ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm thấy được.” Khi bạn dám “liều vì yêu,” thập giá đời bạn sẽ nhẹ vơi đi và trở nên đáng yêu hơn.

Chia sẻ: Bạn có trải nghiệm “liều vì yêu” trong đời sống gia đình, trong công việc, đời sống cộng đoàn thế nào?

Sống Lời Chúa: Khi được chọn giữa hai việc phục vụ, bạn chọn việc giúp bạn giống Chúa Giê-su chịu đóng đinh hơn.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, bước theo lời mời gọi của Chúa thật chẳng dễ dàng chút nào. Xin ban thêm niềm tin yêu hy vọng, để con tiến bước mỗi ngày trên con đường mến yêu và phục vụ. Amen.

(5 Phút Lời Chúa)

++++++++++++++++++

Suy niệm và cầu nguyện

Suy Niệm

Hai mươi sáu năm trời, vác một cây thánh giá gỗ,
dài 3,6m, ngang 1,8m, nặng 18 kg,
vượt qua 50,140 km, 227 quốc gia, 7 lục địa:
đó là điều mục sư Arthur Blessit đã làm từ Noel 1969.
Ông là người giữ kỷ lục đi bộ quãng đường dài nhất.
“Tôi đã đi qua các sa mạc, rừng rậm,
đã từng bị tấn công bởi voi, rắn, cá sấu.
Tôi đã bị bắt giam 21 lần và suýt bị hành hình…”
Chỉ còn 50 nước ông chưa đặt chân tới.
Ông hy vọng sẽ hoàn tất chuyến đi này trước năm 2000.
Như vậy ông sẽ là người đầu tiên
đưa thánh giá đi khắp mọi nơi trên thế giới.
Cử chỉ của ông làm chúng ta suy nghĩ.
Vác thánh giá là chấp nhận nặng nề và bấp bênh,
nặng nề vì khúc gỗ trên vai, bấp bênh vì nguy hiểm.

Ðức Giêsu mời gọi các môn đệ
vác thánh giá của mình mà theo Ngài.
Chẳng có con đường nào tốt hơn con đường Ngài đã đi.
Con đường khó nghèo, khiêm hạ ở Bê-lem và Na-da-rét.
Con đường rao giảng trong nhọc nhằn ở phần đất xứ Galilê.
Con đường đầy đe dọa hiểm nghèo khi lên Giêrusalem.
Con đường hiến mình khi vác thánh giá lên Núi Sọ.
Chúng ta được mời gọi đi theo Ngài trên các con đường ấy,
hay đúng hơn đi theo Ngài trên nẻo đường của đời mình,
không cô đơn thất vọng, vì biết nơi mình sắp đến.
Thánh giá của chúng ta không phải là khúc gỗ,
nhưng là những gì ta phải từ bỏ, dù rất yêu mến,
những người ta phải yêu mến, dù rất muốn từ bỏ.
Chúng ta chỉ vác nổi thánh giá của mình
nếu chúng ta dám yêu thực sự.
Chỉ khi yêu mến Thiên Chúa và tha nhân,
chúng ta mới dám quên mình, bỏ mình, mất mình, hiến mình.

Ðiểm mới mẻ của Tân Ước là tình yêu đối với Ðức Giêsu.
Ngài đòi ta phải yêu Ngài hơn cha mẹ, hơn con cái.
Ngài còn đòi ta chịu mất mạng vì Ngài.
Nếu Ðức Giêsu không phải là hiện thân của chính Thiên Chúa,
nếu Ngài đã không chết vì chúng ta trước,
thì Ngài chẳng có quyền đòi hỏi những hy sinh như vậy.
Trải qua 20 thế kỷ, biết bao thế hệ Kitô hữu
đã dám sống đến cùng tình yêu ấy.
Truyền giáo không phải chỉ là thông truyền đức tin
mà còn là thông truyền tình yêu,
là làm cho Ðức Giêsu được mọi người yêu mean.

Nhưng trước hết, chúng ta phải cảm nghiệm được Tình Yêu
để cả cuộc đời ta là lời đáp cho Tình Yêu,
là cuộc sống sao cho xứng với Thầy (c.37.38).
Ước gì chúng ta yêu Ðức Giêsu trên mọi sự,
yêu mọi sự trong Ngài và dưới Ngài,
chấp nhận mất cái tôi nhỏ mọn, để được cái tôi triển nở.

 

Cầu Nguyện

Lạy Chúa,
xin nhận lấy trọn cả tự do, trí nhớ, trí hiểu,
và trọn cả ý muốn của con,
cùng hết thảy những gì con có,
và những gì thuộc về con.

Mọi sự ấy, Chúa đã ban cho con,
lạy Chúa, nay con xin dâng lại cho Chúa.
Tất cả là của Chúa,
xin Chúa sử dụng hoàn toàn theo ý Chúa.

Chỉ xin ban cho con lòng mến Chúa và ân sủng.
Ðược như thế, con hoàn toàn mãn nguyện.  Amen.

Kinh dâng hiến của thánh I-Nhã

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

(phutcaunguyen.net)

++++++++++++++++++

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên

28 THÁNG SÁU

Sự Quan Phòng Của Thiên Chúa: Một Xác Nhận Nền Tảng

Việc tách biệt công cuộc sáng tạo khỏi sự quan phòng thần linh (thuyết tự nhiên thần giáo) và việc phủ nhận hoàn toàn sự hiện hữu của Thiên Chúa (thuyết duy vật) mở ngõ cho sự sai lầm của thuyết tất định duy vật (materialistic determinism). Ở đây con người và đời sống của con người trở thành hoàn toàn phụ thuộc vào một tiến trình phi ngã. Đối đầu với những tấn công này, chân lý về sự hiện hữu của Thiên Chúa và về sự quan phòng thần linh của Ngài giúp bảo đảm cho con người sự tự do và chỗ đứng của mình trong vũ trụ.

Chúng ta nhận thấy sự thật này được khẳng định trong Cựu Ước. Chẳng hạn, Thiên Chúa được xem như một sự đỡ nâng mạnh mẽ và không gì có thể tiêu diệt được: “Con yêu mến Ngài, lạy Chúa là sức mạnh của con; lạy Chúa là núi đá, là thành lũy, là Đấng giải thoát con; lạy Thiên Chúa con thờ, là núi đá cho con trú ẩn, là khiên mộc, là Đấng cứu độ quyền năng, là thành trì bảo vệ!” (Tv 18, 2-3). Thiên Chúa là nền tảng vững chắc để con người có thể tựa vào, như lời tác giả thánh vịnh thốt lên đầy xác tín: “Lạy Chúa, số mạng con, chính Ngài nắm giữ” (Tv 16, 5).

Sự quan phòng của Thiên Chúa là lời xác nhận hùng hồn của Ngài đối với tạo vật, nhất là đối với con người – triều thiên của mọi tạo vật. Sự quan phòng ấy đảm bảo quyền cai quản tối cao của con người trong thế giới này. Điều này không có nghĩa rằng các qui luật tự nhiên bị quyền cai quản tối cao của con người xóa bỏ. Trái lại, nó có nghĩa rằng chúng ta phải loại trừ thuyết tất định duy vật kia – một chủ thuyết giảm trừ toàn bộ sự hiện hữu của con người đến chỉ còn như một cái gì hoàn toàn tất định. Trong thực tế, một cái nhìn như vậy sẽ hủy diệt sự tự do chọn lựa của con người.

Thiên Chúa – trong sự quan phòng của Ngài – chính là sự đỡ nâng tối thượng cho sự tự do của chúng ta. Đó là điều tốt lành và quí hóa biết bao!

– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –

Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác

LIFT UP YOUR HEARTS

Daily Meditations by Pope John Paul II

+++++++++++++++++

Lời Chúa Trong Gia Đình

Ngày 28/6

Chúa Nhật VIII Thường Niên

2V 2,2.0-14.18-19; Rm 6, 3-4.8-11; Mt 10, 37-42.

Lời Suy Niệm: “Ai yêu cha yeu mẹ hơn Thầy, thì không xứng với Thầy; Ai yêu con trai, con gái hơn Thầy, thì khôg xứng với Thầy.”

          Chúa Giêsu đang đòi hỏi người môn đệ của Chúa phải biết đặt hết mọi ưu tiên cho Người. Bởi vì người môn đệ sẽ tiếp bước đi theo con đường của Người, là rao giảng và làm chứng Tin Mừng Nước Trời.

          Lạy Chúa Giêsu. Chúa đã không sống cho mình, nhưng sống vì Chúa Cha, vâng phục Chúa Cha: “Vâng phục Chúa Cha cho đến chết và chết trên thập giá.” Xin ban Thần Khí Chúa trên chúng con, giúp cho chúng con luôn sống đúng sự đòi hỏi của Chúa.

Mạnh Phương

+++++++++++++++++

Gương Thánh Nhân

Ngày 28-06: Thánh IRENÊ

Giám mục, Tử Đạo (Thế kỷ II)

Thánh Irenê sinh tại Tiểu Á và giữa thế kỷ II. Chúng ta biết được phần nào ngày sinh của Ngài, dựa vào bản tường thuật Ngài viết về thánh Policarpô. Ngài viết cho Flôrinô:

– “Tôi có thể nói với ông nơi thánh Pôlicarpô ngồi khi Ngài rao giảng lời Chúa, tôi được thấy Người ra vào. Bước chân, phong thái, cách sống và lời Ngài nói in sâu vào lòng tôi. Tôi như còn nghe thấy Người kể lại cách người đàm luận với thánh Gioan và các tông đồ khác đã thấy mặt Chúa. Người nói lại cho chúng tôi những lời nói và những điều các Ngài đã học được liên quan đến Chúa Giêsu. Các phép lạ và giáo thuyết của Chúa.

Thánh Irenê còn phấn khởi ghi thêm: – “Tôi ghi nhận các hành vi và lời nói ấy không phải trên bảng viết mà là trong sâu thẳm tâm hồn. Thiên Chúa cho tôi được ơn không ngừng nhớ lại những kỷ niệm ấy trong lòng”.

Như vậy, thánh Irenê luôn nhớ mãi hình ảnh sống động của thánh Policarpô qua đời năm 155. Vậy có thể là thánh Irenê ra đời khoảng từ năm 130 đến 135, và Ngài được giáo dục tại Smyrna, làm môn đồ của thánh Pôlicarpô. Hấp thụ nền giáo dục gần với các tông đồ. Nhất là với thánh Gioan, thánh Irenê còn ở trong vòng ánh sáng mà tâm điểm là tình yêu đằm thắm giữa thánh Gioan với Chúa Kitô. Trong tác phẩm dài “Adversus Haereses” của Ngài. Chúng ta cảm thấy Ngài là người được thấm nhiễm một trực giác hiếm có.

Thánh Pôlicarpô gọi Irênê sang Gaule. Tại đây thánh Pôthinô, giám mục Lyon phong chức linh mục cho Ngài. Phần đóng góp của thánh Irenê cho Giáo hội thật lớn. Ngài chú tâm tới mọi khoa học, chuyên cần suy gẫm thánh kinh. Khi nghiên cứu huyền thoại và các hệ thống triết học ngại giáo, Ngài biết tìm ra nguồn gốc các sai lầm và bác bỏ các lạc thuyết pha trộn huyền thoại vào Kitô giáo. Tertulianô đã tuyên nhận rằng không có ai nỗ lực tìm tòi hơn là thánh Irênê. Thánh Hiêrônimô, nại đến thánh nhân để củng xố uy tín của mình. Ngài được coi như là ánh sáng các vùng Gaules ở Phương Tây.

Năm 177, thánh Irenê được cử làm đại diện về Rôma, bên cạnh Đức giáo hoàng để thực hiện một sứ mệnh tế nhị là dàn xếp ngày mừng lễ phục sinh

Trở lại Lyon, thánh Irênê gặp lại một giáo đoàn côi cút. Marcô Aureliô vừa mới giết hại các Kitô hữu. Đức cha Pothinô đã bị sát hại. Thánh Irenê được bầu lên kế vị. Ngài trở thành thủ lãnh Giáo hội tại xứ Gaule, bận rộn với công việc rao giảng, thánh nhân vẫn viết sách để chống đỡ chân lý. Ngài phải chiến đấu không ngừng, bởi vì cuộc bách hại tưởng chấm dứt khi Marcô Aureliô qua đời, nhưng các lạc giáo lại nổi lên chống phá Giáo hội.

Thánh Irenê dùng hết tâm trí và đức tin chống lại các lạc thuyết nhưng vẫn yêu thương những lẻ lầm lạc, Ngài cầu nguyện cho họ van nài họ trở về với Giáo hội thật:

– “Hợp nhất với Chúa là sự sống và là Sự sống …. Khốn khổ cho ai lìa xa sự hợp nhất ấy. Hình phạt đổ xuống họ không phải do Thiên Chúa mà do chính họ, vì khi chọn quay mặt khỏi Thiên Chúa, họ đánh mất mọi tài sản”.

Các tác phẩm lừng danh Ngài đã soạn khiến cho Ngài đang được gọi là “Anh sáng bên trời Tây”.

Dưới sự dẫn dắt của thánh Irênê, Lyon đã trở thành một trường dạy phụng sự Chúa đào tạo nhà tri thức và có khả năng truyền giáo. Thế hệ đầu tiên của trường đã bảo vệ đức tin tinh tuyền bằng những nghiên cứu và sách vở của họ. Thế hệ thứ hai phổ biến Tin Mừng đến những miền khác.

Hoàng đế Seltinô – Severô tái diễn cuộc bách hại. Ông gia hình cho đến chết những ai kiên trì với đức tin. Lyon là thành phố diễn ra cuộc hãm xác tập thể các Kitô hữu thật khủng khiếp. Máu chảy thành suối trên đường phố tiếp nối dòng máu các giám mục tử đạo, thánh Irênê, cũng bị hạ sát với đàn chiên mình. Một tài liệu cố tìm được cho thấy có đến 19 ngàn Kitô hữu cùng chịu khổ chịu chết vì đạo với Ngài.

(daminhvn.net)

+++++++++++++++++

28 Tháng Sáu

Ngợi Khen Con Người 

Trong tập thơ có tựa đề “Nhật ký”, nữ thi sĩ công giáo Pháp là Marie Noel đã tưởng tượng ra một mẩu chuyện như sau: Hôm đó là ngày cuối năm. Từ trên Thiên Quốc nhìn xuống dương trần, Chúa thấy dân chúng đổ xô về một ngôi nhà thờ đổ nát, không có chuông, cũng chẳng có tháp chuông. Vị linh mục già đành phải khua mõ vào bất cứ đồ vật nào có thể gây ra tiếng vang để giục giã dân chúng đến giáo đường đọc Kinh “Te Deum” ngợi khen Cúa nhân ngày cuối năm.

Trời mưa lạnh như cắt. Vậy mà, từ khắp nơi trong xóm giáo, người ta vẫn đổ xô về ngôi giáo đường. Chúa theo dõi từng cử động một của một người đàn bà đơn độc mà ngôi nhà vừa bị thiêu rụi trong một trận hỏa hoạn. Chúa lại nhìn thấy một thiếu phụ mà cách đó không lâu bọn Ðức Quốc Xã đã tước đoạt mọi tài sản. Một người đàn bà khác, mà chồng đã bị giết trước mắt, cũng lặng lẽ tiến đến nhà thờ. Có cả thiếu phụ mất con mà người ta không tìm ra tung tích. Có cả người đàn ông mà vợ và con bị chôn vùi dưới đống gạch vụn… Còn bao nhiêu người khốn khổ khác nữa. Họ không biết đi đâu, họ không có gì để ăn bởi vì quân thù đã đốt phá và cướp đi tất cả những lương thực dự trữ.

Vậy mà những người khốn khổ ấy có mặt đày đủ trong ngôi giáo đường. Có một vài tiếng khóc. Nhưng tất cả đều cất tiếng hát bài “Te Deum” ngợi khen Chúa trong ngày cuối năm vì những ơn huệ Ngài ban trong năm qua.

Nhìn thấy cảnh tượng ấy cũng như lắng nghe lời ca ngợi của những con người khốn khổ, Thiên Chúa vô cùng cảm động. Ngài nói với các Thiên Thần như sau: “Quả thực, quả thực, Ta bảo các ngươi: con người là loài thụ tạo thánh thiện. Các ngươi hãy nhìn xuống đám người đáng thương kia. Cách đây 12 tháng, họ đã phó dâng cho Ta cả năm để được hạnh phúc, an khang. Vậy mà tai ương và thảm sầu đã xảy đến với họ… Họ đã kêu cầu bình an, nhưng chiến tranh đã đè bẹp họ. Họ đã xin lương thực hằng ngày, nhưng họ chỉ toàn gặp là đói khát. Họ đã phó dâng cho ta gia đình, người thân và tổ quốc của họ, nhưng tổ quốc, gia đình và người thân của họ lại bị xâu xé trăm bề. Dĩ nhiên, Ta có những lý do riêng của Ta… Ta không thể thanh tẩy thế giới mà không thể thử thách nó như thời Noe. Nhưng đây là công việc của một Thiên Chúa, không ai có thể hiểu được việc Thiên Chúa làm. Nhưng con người lại phải gánh chịu mọi sự. Vậy mà họ vẫn tiếp tục ngợi khen và cảm tạ Ta cứ như Ta đã bảo vệ họ trong từng phút giây của cuộc sống họ… Quả thực, lòng tin của họ lớn lao… Các ngươi có nghe họ hát “Thánh, thánh” với tất cả trang trọng không? Hỡi các Thiên Thần và các Thánh, nào các ngươi hãy hát lên một bài ca để tôn vinh những ai, mặc dù gặp gian lao khốn khó, vẫn lên tiếng tôn vinh Ta”.

Nói xong, Thiên Chúa cùng với các thần thánh trên trời cất lên bài ca “Ngợi khen con người”.

Thiên Chúa là Tình Yêu, Ngài không thể không say mê con người, Ngài không thể không chung thủy với con người. Giữa muôn ngàn khó khăn của cuộc sống hiện tại và những khắc khoải lo âu cho tương lai, chúng ta hãy tiếp tục dâng trọn niềm tín thác cho Thiên Chúa.

Tin tưởng ở tình yêu Thiên Chúa, chúng ta tin tưởng ở tình người. Tình người dù có bội bạc, mỗi một con người, dù có đốn mạt, xấu xa đến đâu, cũng vẫn còn chất chứa trong đáy thẳm tâm hồn mình vẻ đẹp cao vời phản ảnh chính tình yêu của Thiên Chúa. Ðáp lại với những phản trắc lừa đảo, đáp lại với những thấp hèn đê tiện, người có niềm tin nơi Thiên Chúa và tin ở tình người hãy giữ mã.

(Lẽ Sống)

++++++++++++++++++

Lời Chúa Mỗi Ngày

Chúa Nhật 13 Thường Niên, Năm A

Bài đọc: 2 Kgs 4:8-11, 14-16a; Rom 6:3-4, 8-11; Mt 10:37-42.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Hiếu khách và thương người

            Trong các quốc gia vùng Cận Đông, khi một khách lỡ đường hay từ xa đến viếng thăm, chủ nhà phải tiếp đón họ cách niềm nở, chu đáo, và chân thành. Ngày nay, nhiều người bị chủ nghĩa cá nhân và tính ích kỷ thống trị, nên họ rất miễn cưỡng tiếp khách, và không kiên nhẫn đủ để chờ khách ra đi. Nhiều người đá chó, mắng mèo, chửi con để đuổi khách về sớm. Có người đặt câu hỏi: Hiếu khách như nào là đủ? Việt-nam có câu tục ngữ có thể làm chỉ nam trong việc tiếp khách: “Thương người như thể thương thân.” Nếu ta muốn được đối xử như nào khi đến nhà người khác, hãy đi bước trước và đối xử với người khác như vậy. Hơn nữa, khi một người rộng lượng cho đi, họ sẽ được Thiên Chúa bù đắp gấp trăm. Nhiều tác giả trong Tân Ước vẫn căn dặn các tín hữu phải tập luyện và thi hành đức tính này (Rom 12:13; 1 Tim 5:10; Heb 13:2; 1 Pet 4:9).

            Các bài đọc hôm nay cho chúng ta thấy những ví dụ của việc hiếu khách và những đền đáp cụ thể. Trong bài đọc I, người phụ nữ thành Shunamite rộng lượng tiếp đón ngôn sứ Elisha, dù chẳng biết ông là ai. Bà không chỉ dọn bữa, nhưng còn sửa dọn một phòng với đầy đủ vật dụng cần thiết cho ngôn sứ khi ông đi ngang qua. Cảm kích vì lòng hiếu khách của Bà, ngôn sứ đã dùng uy quyền của Thiên Chúa để cho Bà có một người con trai trong lúc tuổi già. Trong bài đọc II, vì Đức Kitô đã đối xử với chúng ta như một thượng khách, chúng ta cũng phải đáp lại bằng cách giũ sạch các thói hư tật xấu trong cái chết của Ngài, để rồi cùng được sống lại với Ngài trong vinh quang. Trong Phúc Âm, Đức Kitô đòi người môn đệ của Ngài phải hy sinh, từ bỏ, và vác Thập Giá theo Ngài; đồng thời phải luôn biết mở rộng tâm hồn để tiếp đón và giúp đỡ tất cả những ai cần đến, vì tất cả những gì một người làm cho tha nhân là anh làm cho chính Ngài (Mt 25).

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: “Vào thời kỳ này, vào độ này sang năm, bà sẽ được bế con trai.”

1.1/ Tinh thần hiếu khách của người phụ nữ Shunamite: Như đã nói trong phần nhập đề, tinh thần hiếu khách là một điểm son của các quốc gia vùng Cận Đông. Điều này được ghi nhận nhiều lần trong Cựu Ước: Abraham tiếp đón 3 người khách tại Mamre (Gen 18:1-13); ông Lot tiếp đón hai sứ thần của Thiên Chúa tại Sodom (Gen 19:1-11); người phụ nữ tiếp ngôn sứ Elijah (1 Kgs 17:1-15). Trong Tân Ước, chính Chúa Giêsu đã dùng hình ảnh người bạn phải kiên nhẫn phiền hà hàng xóm ban đêm để xin bánh dù bị từ chối ban đầu, để dẫn chứng việc phải kiên nhẫn cầu nguyện (Lk 11:5-8). Một trong những lý do con người phải hiếu khách là có thể họ đang tiếp đón những sứ giả của Thiên Chúa gởi đến mà họ không biết (Heb 13:2). Hơn nữa, nếu một tín hữu đọc những lời của Chúa Giêsu trong Matthew 25, họ phải hiếu khách vì đây là tiêu chuẩn Thiên Chúa dùng để phán xét con người.

            Người phụ nữ thành Shunamite là một người giàu có. Bà không chỉ dọn bữa cho ngôn sứ cho Elisha mỗi khi ông đi qua Shunamite; nhưng còn dọn riêng cho ông một căn phòng để ở. Bà nói với chồng: “Này ông! Tôi biết người thường ghé vào nhà chúng ta là một thánh nhân của Thiên Chúa. Mình phải làm cho ông một căn phòng nhỏ trên lầu có tường có vách, rồi kê ở đó một cái giường, đặt bàn ghế và để một cái đèn cho ông dùng. Như thế, khi nào đến nhà mình, ông sẽ lui vào đó.”

1.2/ Tinh thần hiếu khách của Bà được đền bù xứng đáng: Cảm kích về sự hiếu khách của Bà, ngôn sứ Elisha đã dùng quyền Thiên Chúa để ban cho Bà một người con trai trong khi cả hai vợ chồng Bà đều đã cao niên. Ông Elisha loan tin vui cho Bà: “Vào thời kỳ này, vào độ này sang năm, bà sẽ được bế con trai.” Điều này không lạ lắm nếu một người tin Thiên Chúa vẫn đang quan phòng mọi sự trong trời đất, và Ngài có uy quyền làm được mọi sự.

2/ Bài đọc II: Anh em hãy coi mình như đã chết đối với tội lỗi, nhưng nay lại sống cho Thiên Chúa, trong Đức Giêsu Kitô.

2.1/ Ý nghĩa của bí-tích Rửa Tội: Theo thánh Phaolô, bí tích Rửa Tội có tác động chính: Khi một người được dìm mình trong nước là họ được cùng mai táng với Đức Kitô; và khi họ trồi lên khỏi mặt nước là họ được cùng sống lại với Ngài. Ngài cũng cắt nghĩa thêm về hai tác động này: Khi dìm mình xuống nước là các tín hữu lột bỏ con người cũ với đầy những tội lỗi và đam mê xấu xa; khi trồi lên là các tín hữu mặc lấy Đức Kitô với sự thánh thiện và tràn đầy ơn thánh của Người.

            Vì Đức Kitô đã hy sinh chịu chết để thánh hóa chúng ta, chúng ta cũng phải chết với Người. Chết đây không phải là cái chết thể lý; nhưng là chết cho tội lỗi và mọi tính hư nết xấu trong người. Hơn nữa, không phải chỉ chừa tội, người tín hữu còn phải tập sống nhân đức; nếu không, các tội xưa lại tái phát, và người tín hữu lại dần dần trở lại nếp sống khi chưa được Rửa Tội.

2.2/ Người tín hữu phải biết đáp trả tình yêu hy hiến của Đức Kitô: Đã nhận ơn là phải biết đền ơn. Người tín hữu không chỉ nhận ơn nhưng là ơn cứu tử để được sống muôn đời; vì thế, người tín hữu không thể để sự hy sinh xương máu của Đức Kitô dành cho họ ra vô hiệu. Trái lại, họ phải cố gắng luyện tập nhân đức để càng ngày họ càng trở nên đồng hình đồng dạng với Ngài.

            Trong tiến trình trở nên thánh thiện, người tín hữu không làm việc một mình vì họ đã được Đức Kitô ban tặng Chúa Thánh Thần và 7 quà tặng của Ngài. Chúa Thánh Thần sẽ hướng dẫn họ để nhận ra sự thật, ban sức mạnh để vượt qua những yếu đuối xác thịt, và bảo vệ họ khỏi muôn điều nguy hại. Điều cần là họ phải cộng tác với Chúa Thánh Thần để mưu cầu ích lợi cho riêng họ và cho mọi người.

            Vì thế, thánh Phaolô khuyên các tín hữu: “Anh em cũng vậy, hãy coi mình như đã chết đối với tội lỗi, nhưng nay lại sống cho Thiên Chúa, trong Đức Giêsu Kitô.”

3/ Phúc Âm: Ai đón tiếp anh em là đón tiếp Thầy, và ai đón tiếp Thầy là đón tiếp Đấng đã sai Thầy.           

3.1/ Người môn đệ phải yêu mến Thiên Chúa hơn hết mọi người: Tại sao Thiên Chúa đòi con người phải yêu Ngài trên hết tất cả: cha mẹ, vợ chồng, con cái? Lý do đơn giản vì Ngài yêu thương chúng ta hơn hết tất cả những người đó. Thiên Chúa không những tạo dựng hồn xác và thế giới cho con người sinh sống, Ngài còn cho Con Một nhập thể để đền tội cho con người, để con người có thể sống hạnh phúc muôn đời bên Ngài. Thiên Chúa đã từng so sánh tình yêu trổi vượt của Ngài dành cho con người: Cho dù cha mẹ của ngươi có quên ngươi đi nữa, Ta cũng sẽ không quên ngươi (Isa 49:15). Rất nhiều người sau khi đã cảm nghiệm được tình yêu Thiên Chúa đã phải thốt lên: Quả thật! Không ai yêu tôi bằng Thiên Chúa. Lịch sử Cựu Ước đầy dẫy những tấm gương con người dám hy sinh cha mẹ như ngôn sứ Elisha (1 Kgs 19:19-21); hy sinh con trai duy nhất như tổ phụ Abraham, bà mẹ của Samuel (Gen 22:1-9; 1 Sam 1:27-28); hy sinh con gái như thủ lãnh Jephthah (Judg 11:30-35).

            Tình yêu chân thành đòi phải biểu tỏ ra bằng hành động, chứ không phải chỉ bằng lời nói yêu thương. Thánh Anrê Phú Yên, tuy còn trẻ, nhưng đã thấu hiểu tình yêu của Đức Kitô dành cho ngài; nên đã can đảm thốt lên những lời sau đây trước khi tử đạo: “Phải lấy tình yêu đáp trả lại tình yêu, và phải lấy mạng sống đáp trả lại mạng sống.” Có một sự nghịch lý trong cách sống theo tiêu chuẩn của Thiên Chúa và theo tiêu chuẩn của con người. Con người tìm bảo vệ mạng sống bằng bất cứ giá nào; trong khi Đức Kitô dạy: “Ai giữ lấy mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm thấy được.” Và Ngài mặc khải cho chúng ta một ví dụ: “Amen! Amen! Thầy nói với anh em, nếu hạt giống rơi xuống đất không chết đi, nó chỉ trơ trọi một mình; nhưng nếu nó chết đi, nó sẽ trổ sinh nhiều hạt giống khác.” Vì thế, nếu một người chịu hy sinh chết cho mình để sống cho người khác, người đó mới thực sự sống và làm cho tha nhân được sống; ngược lại, nếu một người chỉ biết ích kỷ sống cho mình, họ sẽ bị cô đơn và cũng chẳng giúp cho ai được sống.

3.2/ Các Kitô hữu phải có tinh thần hiếu khách và thương người: Chúa Giêsu liệt kê 3 loại người mà các Kitô hữu phải đón nhận với tinh thần hiếu khách.

            (1) Chúa Giêsu đồng hóa mình với người môn đệ: Động từ “dékomai” mang nhiều ý nghĩa khác nhau. Ý nghĩa căn bản là tiếp nhận hay đón nhận nếu là một đồ vật hay một sứ điệp. Nếu là một người, động từ có nghĩa đón tiếp một người với lòng hiếu khách. Đón tiếp một con người khác với tiếp nhận một món hàng, vì con người có nhân phẩm và phải được đối xử tương xứng với phẩm giá con người.

            Chúa Giêsu mặc khải cho chúng ta một chân lý quan trọng: “Ai đón tiếp anh em là đón tiếp Thầy.” Người môn đệ là người được Đức Kitô sai đi cách chính thức. Theo cách thức ngoại giao, ai tiếp nhận người môn đệ hay sứ điệp của người môn đệ là tiếp nhận chính Đức Kitô; ngược lại, ai từ chối không tiếp nhận người môn đệ hay sứ điệp của người môn đệ là từ chối chính Đức Kitô. Chúa Giêsu đi xa hơn nữa: “và ai đón tiếp Thầy là đón tiếp Đấng đã sai Thầy.” Đức Kitô được Thiên Chúa sai đi, và là người ngang hàng với Thiên Chúa; vì thế, ai tiếp nhận người môn đệ là tiếp nhận chính Thiên Chúa.

            (2) Chúa Giêsu đồng hóa với ngôn sứ và người công chính: Nhiều người hỏi chúng tôi: Nếu con ủng hộ vào công việc cha đang làm, chúng con sẽ được hưởng những gì? Đây là câu trả lời từ Chúa Giêsu: “Ai đón tiếp một ngôn sứ, vì người ấy là ngôn sứ, thì sẽ được lãnh phần thưởng dành cho bậc ngôn sứ; ai đón tiếp một người công chính, vì người ấy là người công chính, thì sẽ được lãnh phần thưởng dành cho bậc công chính.” Nói một cách cụ thể hơn, nếu người ngôn sứ cứu vớt được một linh hồn, người giúp cho ngôn sứ có phương tiện hoạt động cũng được hưởng phần thưởng của một linh hồn được cứu vớt.

            (3) Chúa Giêsu đồng hóa với người nghèo: Sau cùng, Chúa Giêsu tóm gọn trong đức bác ái căn bản của Kitô Giáo: “Và ai cho một trong những kẻ bé nhỏ này uống, dù chỉ một chén nước lã thôi, vì kẻ ấy là môn đệ của Thầy, thì Thầy bảo thật anh em, người đó sẽ không mất phần thưởng đâu.” Chúng ta không thể làm được gì cho Thiên Chúa vì Ngài đã có tất cả; nhưng Ngài kể tất cả những gì chúng ta làm cho anh/chị/em cần đến, là chúng ta làm cho chính Ngài. Trong chương 25 của Tin Mừng Matthew, Chúa Giêsu giải thích điều này cách rõ ràng nhất.           

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

            – Chúng ta hãy học tinh thần hiếu khách của người xưa để chào đón và lo mọi sự chu đáo cho tất cả những ai dừng chân ghé lại thăm nhà của chúng ta. Đừng để bất cứ một ai ghé thăm chúng ta một lần rồi không bao giờ trở lại nữa.

            – Đức Kitô đã chết cho chúng ta và Ngài đi trước để dọn chỗ cho chúng ta trong Nhà của Cha Ngài, rồi sẽ trở lại đón chúng ta để Ngài ở đâu chúng ta cũng ở đấy. Chúng ta hãy báo đáp công ơn của Ngài cách xứng đáng bằng cách sống thánh thiện và thương yêu mọi người.

            – Tất cả những gì chúng ta làm cho tha nhân, Thiên Chúa kể là làm cho chính Ngài. Chúng ta hãy mở rộng tâm hồn để giúp đỡ và hy sinh mọi sự cho tha nhân. Hãy làm tất cả với một tình yêu chân thành.

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

****************