Chúa Nhật (29-11-2020) – Trang suy niệm

28/11/2020

Lời Chúa Hôm Nay

Chúa Nhật Tuần I Mùa Vọng Năm B

BÀI ĐỌC I: Is 63, 16b-17; 64, 1. 3b-8

“Xin Chúa băng qua các tầng trời mà ngự xuống”.

Trích sách Tiên tri Isaia.

Lạy Chúa, Chúa là Cha và là Đấng Cứu Chuộc chúng con: danh Chúa đã có từ muôn đời. Lạy Chúa, tại sao Chúa để chúng con đi lạc xa đường Chúa, và làm cho tâm hồn chúng con trở nên chai đá, không còn biết kính sợ Chúa nữa? Vì các tôi tớ Chúa, các chi tộc thừa hưởng gia nghiệp Chúa, xin hãy đoái nhìn lại.

Xin Chúa băng qua các tầng trời mà ngự xuống: các núi đồi rung chuyển trước tôn nhan Chúa. Chúa đã ngự xuống và các núi đồi rung chuyển trước tôn nhan Chúa. Đó là việc từ xưa đến nay chưa từng có ai nghe thấy; lạy Chúa, không tai nào nghe thấy không mắt nào nhìn thấy một chúa nào khác ngoài Chúa đã dành những hồng ân cho những ai trông đợi Chúa. Chúa đã đón tiếp kẻ hân hoan thi hành công lý, và nhớ đến Chúa khi đi trong đường lối Chúa.

Này Chúa thịnh nộ, vì chúng con đã phạm tội. Chúng con đã luôn luôn ở trong tình trạng tội lỗi, thì làm sao sẽ được cứu rỗi? Tất cả chúng con đều đầy vết nhơ, và công nghiệp chúng con đều như chiếc áo dơ bẩn.

Và không còn ai kêu cầu thánh danh Chúa, không còn ai tỉnh thức để bám lấy Chúa. Chúa đã ẩn nấp không cho chúng con nhìn thấy nữa, và Chúa đã phó mặc chúng con cho quyền lực tội lỗi. Tuy nhiên, lạy Chúa, Chúa là Cha chúng con, chúng con là đất sét, còn Chúa là người thợ gốm, tất cả chúng con đều do tay Chúa làm nên. Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 79, 2ac và 3b. 15-16. 18-19

Đáp: Lạy Chúa là Thiên Chúa chúng con, xin cho chúng con được phục hồi, xin tỏ thiên nhan hiền từ Chúa ra, hầu cho chúng con được ơn cứu sống (c. 4).

Xướng: 1) Lạy Đấng chăn dắt Israel, xin hãy lắng tai! Chúa ngự trên các Vệ Binh Thần, xin hiện ra trong sáng láng. Xin thức tỉnh quyền năng của Chúa, và ngự tới để cứu độ chúng con. – Đáp.

2) Lạy Chúa thiên binh, xin thương trở lại, tự trời cao xin nhìn coi và thăm viếng vườn nho này. Xin bảo vệ vườn nho mà tay hữu Ngài đã cấy, bảo vệ ngành nho mà Ngài đã củng cố cho mình. – Đáp.

3) Xin Chúa ra tay bang trợ người ở bên tay hữu Chúa, con người mà Chúa đã củng cố cho mình. Chúng con sẽ không còn rời xa Chúa nữa, Chúa cho chúng con được sống, và chúng con ca tụng danh Ngài. – Đáp.

BÀI ĐỌC II: 1 Cr 1, 3-9

“Chúng ta mong chờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, tỏ mình ra”.

Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.

Anh em thân mến, chúc cho anh em đầy ân sủng và bình an của Thiên Chúa là Cha chúng ta, và của Đức Giêsu Kitô.

Tôi hằng cảm tạ Chúa thay cho anh em, vì ơn đã ban cho anh em trong Chúa Giêsu Kitô. Vì chưng, trong Ngài, anh em được tràn đầy mọi ơn: ơn ngôn ngữ và ơn hiểu biết, đúng như Chúa Kitô đã minh chứng nơi anh em, khiến anh em không còn thiếu ơn nào nữa trong khi mong chờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, tỏ mình ra. Cũng chính Ngài sẽ ban cho anh em bền vững đến cùng, không có gì đáng trách trong ngày Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, ngự đến. Thiên Chúa là Đấng Trung Tín, đã kêu mời anh em hiệp nhất với Con của Người, là Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Đó là lời Chúa.

ALLELUIA: Tv 84, 8

Alleluia, alleluia! – Lạy Chúa, xin tỏ lòng từ bi Chúa cho chúng con, và ban ơn cứu rỗi cho chúng con. – Alleluia. 

PHÚC ÂM: Mc 13, 33-37

“Các con hãy tỉnh thức, vì các con không biết lúc nào chủ nhà trở về”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Các con hãy coi chừng, hãy tỉnh thức và cầu nguyện, vì các con không biết lúc đó là lúc nào. Ví như người đi phương xa, để nhà cửa lại, trao quyền hành cho các đầy tớ, mỗi người một việc, và căn dặn người giữ cửa lo tỉnh thức. Vậy các con hãy tỉnh thức, vì các con không biết lúc nào chủ nhà trở về, hoặc là chiều tối, hoặc là nửa đêm, hoặc là lúc gà gáy, hay ban sáng, kẻo khi ông trở về thình lình, bắt gặp các con đang ngủ. Điều Ta bảo cho các con, thì Ta bảo cho tất cả mọi người là: Hãy tỉnh thức!”. Đó là lời Chúa.

(thanhlinh.net)

++++++++++++++++++

29/11/2020 – CHÚA NHẬT TUẦN 1 MV – B

Mc 13,33-37

CANH THỨC

“Người giữ cửa phải canh thức.” (Mc 13,34)

Suy niệm: Truyện cổ Hy Lạp có kể chuyện người Hy Lạp, để chiếm thành Troa, dùng kế dâng cho vua thành ấy một con ngựa gỗ khổng lồ. Nào ngờ trong bụng con ngựa gỗ ấy chứa đầy quân lính. Nửa đêm toán lính chui ra, mở cửa thành cho đại quân tiến vào chiếm thành. Ngày nay người ta dùng điển tích ấy để đặt tên một thứ phần mềm máy tính, gọi là “trojan”, nguỵ trang có vẻ vô hại, nhưng một khi đột nhập vào hệ thống máy tính rồi, nó sẽ phá hoại dữ liệu, đánh cắp thông tin máy chủ, tác hại khôn lường. Chúa Giêsu dùng hình ảnh “người giữ cửa phải canh thức” có ý nhắc ta phải sẵn sàng đón Chúa đến bất cứ lúc nào, và cũng để đề phòng kẻ trộm nhằm lúc bất ngờ nhất đào ngạch khoét vách, lẻn vào căn nhà tâm hồn tác hại từ bên trong.

Mời Bạn: Thực trạng xã hội cho thấy người ta đã mở “cổng sau” cho những “trojan” đột nhập và ngấm ngầm tác hại lên nếp sống của cá nhân, cộng đoàn. Các công ty dám xả nước thải ra sông ra biển mà không áy náy vì đã từ lâu, người ta vẫn “vô tư” quét rác rưởi ra đường phố hay xuống cống rãnh. Báo đài dám đưa thông tin dối trá, nhà trường dám gian lận bài thi, giả bằng cấp, vì đã từ lâu người ta cầu an hưởng thụ, không dám chấp nhận thách đố để sống chân thật, công bằng. Lương tâm là người giữ cửa tâm hồn bạn phải canh thức, để không lẫn lộn coi điều xấu thành điều tốt. Để người giữ cửa tâm hồn của bạn tỉnh thức cần có một nếp sống tiết độ và chuyên cần cầu nguyện.

Sống Lời Chúa: Lấy “Trung thực và Công bằng” làm châm ngôn sống.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho Danh Chúa vinh hiển, cho Nước Chúa trị đến.

(5 Phút Lời Chúa)

++++++++++++++++++

Suy niệm và cầu nguyện

SUY NIỆM

TỈNH THỨC VÀ CANH THỨC
Trong Kinh Tin kính, có hai tín điều mà ta còn phải chờ.
“Và Ngài sẽ lại đến trong vinh quang
để phán xét kẻ sống và kẻ chết.”
“Tôi trông đợi kẻ chết sống lại, và sự sống đời sau.”
Cả hai điều trên đều chưa xảy ra, nhưng là nỗi chờ mong
của các kitô hữu từ hai mươi thế kỷ.
Người Do-thái chờ Đấng Mêsia đến trần gian,
còn kitô hữu chờ ngày Con Thiên Chúa trở lại.
Đôi khi chúng ta nghĩ Đức Giêsu đã phục sinh và lên trời,
như thế là xong, Ngài chẳng còn phải làm gì nữa.
Thật ra khi phục sinh, Đức Giêsu đã chiến thắng thần chết,
nhưng Ngài chưa toàn thắng, và cuộc chiến vẫn còn kéo dài.
Thiên Chúa chưa “bắt muôn loài quy phục dưới chân Ngài”
và kẻ thù cuối cùng là sự chết vẫn chưa bị tiêu diệt (1 Cr 15,24-28).

Hai tín điều trong Kinh Tin kính mà ta còn phải chờ
lại là hai biến cố trùng nhau về thời gian.
Ngày Chúa Giêsu trở lại như một thẩm phán đầy quyền năng
cũng là ngày tận thế, ngày thân xác kẻ chết sống lại.
Ngày đó thật là một ngày quan trọng cho cả vũ trụ loài người,
và cũng là ngày vinh quang lớn lao cho chính Chúa Giêsu.
Nhiều người đoán già đoán non về lúc nào ngày ấy đến.
Đã có những lời đồn đoán về ngày tận thế, và tất cả đều sai.
Có người đã bán cả nhà cửa ruộng vườn để ngồi chờ tận thế.
Có người bỏ cả công ăn việc làm, nhưng chẳng thấy gì xảy ra.
Họ quên rằng chính Đức Giêsu, Con Thiên Chúa mang phận người,
cũng thú nhận chỉ mình Chúa Cha mới biết về Ngày ấy (Mc 13,32).
Chúng ta tin Ngày ấy thế nào rồi cũng đến,
nhưng chúng ta không biết rõ khi nào (Mc 13,33.35.36).
Chính vì thế đời của kitô hữu tự bản chất là chờ đợi.
Nếu Chúa Giêsu không quang lâm,
công trình cứu độ vẫn chưa hoàn thành trọn vẹn,
và Thiên Chúa chưa “là tất cả trong muôn loài” (1 Cr 15,28).

Nhưng kitô hữu không khoanh tay chờ suông cách thụ động.
Bài Tin Mừng hôm nay dạy ta cách chờ.
Chúng ta là những đầy tớ được ông chủ đi xa tin cậy,
giao nhà và giao cả quyền hành, phân công mỗi người mỗi việc.
Chúng ta là anh giữ cửa, có nhiệm vụ mở cửa ngay khi chủ về.
Thường thì ông chủ không về vào ban đêm,
vì trời thì tối, đường không có đèn, ẩn chứa nhiều nguy hiểm.
Nhưng biết đâu ông chủ lại bất thần trở về
vào lúc chập tối hay nửa đêm, lúc gà gáy hay tảng sáng.
Đó là lúc mọi người dễ chìm trong giấc ngủ say.

“Hãy tỉnh thức! Hãy canh thức!” Đức Giêsu nhắc lại nhiều lần,
không phải chỉ cho bốn môn đệ thân tín (Mc 13,3),
mà cho mọi người và từng người chúng ta (Mc 13,37).
Không phải Ngài cấm chúng ta ngủ trưa hay ngủ tối.
Nhưng Ngài dạy chúng ta đừng ngủ mê trong tội.

Khi ngủ mê, người ta quên mình là đầy tớ,
nhận quyền hành của chủ để chu toàn công việc được giao.
Khi ngủ mê, người ta để chủ ban đêm đứng chờ ngoài cửa.
Sống ở đời, ta dễ bị ru ngủ bởi nhiều thứ gây nghiện.
Thế gian này quá hấp dẫn khiến ta nghĩ nó là vĩnh cửu.
nghĩ chuyện Chúa quang lâm là chuyện không đáng tin (2 Pr 3,4).
chẳng có thưởng phạt, cũng chẳng có phục sinh cho thân xác.

Thái độ thức tỉnh đòi hỏi ta cảnh giác liên tục.
Chính vì không biết lúc nào chủ về, lúc nào Chúa đến
nên lúc nào ta cũng phải sẵn sàng, tích cực chờ đợi,
để ra đón Chúa trong niềm vui bình an.

CẦU NGUYỆN

Lạy Chúa Giêsu,
Chúa đã yêu trái đất này,
và đã sống trọn phận người ở đó.
Chúa đã nếm biết nỗi khổ đau và hạnh phúc,
sự bi đát và cao cả của phận người.

Xin dạy chúng con biết đường lên trời,
nhờ sống yêu thương đến hiến mạng cho anh em.

Khi ngước nhìn lên quê hương vĩnh cửu,
chúng con thấy mình được thêm sức mạnh
để xây dựng trái đất này,
và chuẩn bị nó đón ngày Chúa trở lại.

Lạy Chúa Giêsu đang ngự bên hữu Thiên Chúa,
xin cho những vất vả của cuộc sống ở đời
không làm chúng con quên trời cao,
và những vẻ đẹp của trần gian
không ngăn bước chân con tiến về bên Chúa.

Ước gì qua cuộc sống hằng ngày của chúng con,
mọi người thấy Nước Trời đang tỏ hiện.

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

(phutcaunguyen.net)

++++++++++++++++++

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên

29 THÁNG MƯỜI MỘT

Sự Giải Thoát Của Chúng Ta Đang Đến Gần

Theo Tin Mừng Luca, khi Chúa Giêsu đề cập đến hồi tận thời trong bài giảng của Người, Người cảnh giác chúng ta về những đại họa khủng khiếp, về các dấu hiệu của sự hủy diệt, và về tất cả những gì sẽ gây ra “nỗi khốn khổ cho các dân tộc”. Chúa muốn nói với những người của thời ấy và cả của thời chúng ta, vì lời của Người là lời phổ quát. Người nói: “Anh em hãy đứng dậy và ngẩng đầu lên, vì ơn cứu chuộc của anh em đã gần đến” (Lc 21,28). Tiếng gọi này là thách đố của Mùa Vọng. Ở đây, Chúa đúc kết tất cả ý nghĩa của từ “Vọng” cho chúng ta.

Như vậy, Thiên Chúa không chỉ được tôn vinh trên tạo vật của Ngài. Không chỉ mọi tạo vật làm chứng cho Ngài là Đấng Tạo Hóa toàn năng. Không chỉ thế giới đang thay đổi xung quanh chúng ta làm cho chúng ta nghĩ về bản tính vĩnh hằng, bất biến của Ngài. Không, Ngài cũng đích thân đi vào trong lịch sử thế giới chúng ta nữa. Ngài trở thành một với chúng ta trong thân phận con người của chúng ta.

Chúng ta sẽ nhìn thấy Ngài trong tư cách là “Con Người” (Lc 21,27). Mùa Vọng hướng chỉ sự đến ấy của Ngài. Mùa Vọng tiên vàn nói rằng Thiên Chúa đã mặc lấy xác phàm. Mùa Vọng hướng về mầu nhiệm Nhập Thể. “Trong những ngày ấy, vào thời đó, Ta sẽ cho mọc lên một mầm non, một Đấng Công Chính để nối nghiệp Đavít …” (Gr 33,15).

Hiểu một cách chính xác, ơn cứu chuộc là sự hiện diện của Đấng Công Chính giữa các tội nhân. Vì thế, Mùa Vọng gắn kết chặt chẽ với mầu nhiệm tội lỗi – tội lỗi đã đi vào trong lịch sử loài người ngay tự ban đầu. Thiên Chúa đến và đem ơn cứu độ cho chúng ta. “Ngài sẽ trị nước theo lẽ công bình chính trực” (Gr 33,15).

– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –

Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác

LIFT UP YOUR HEARTS

Daily Meditations by Pope John Paul II

+++++++++++++++++

Lời Chúa Trong Gia Đình

NGÀY 29/11

Chúa Nhật I Mùa Vọng

Is 63, 16b-17; 64, 1.3b-8; ; 1Cr 1, 3-; Mc 13, 33-37.

LỜI SUY NIỆM:  “Anh em phải coi chừng, phải tĩnh thức, vì anh em không biết khi nào thời ấy đến… Điều Thầy nói với anh em đây, Thầy cũng nói với hết thảy mọi người là: phải canh thức.

          Đối với người Kitô hữu, những lời Chúa Giêsu căn dặn đều được ghi sâu vào tâm khảm của mình, để sống và nhận ra ân huệ tình yêu thương của Thiên Chúa mà tôn vinh cảm tạ Ngài. Đặc biệt trong ngày đầu năm phụng vụ mới, Giáo hội mời con cái của mình “Phải tĩnh thức và sãn sàng”

          Lạy Chúa Giêsu. Xin cho tất cả chúng con luôn biết tĩnh thức và sẵn sàng chờ ngày Chúa đến với chúng con trong ân sủng và bình an.

Mạnh Phương

+++++++++++++++++

29 Tháng Mười Một

Cái Dũng Của Thánh Nhân

Thánh Clêmentê Hofbauer, nổi tiếng là một người nóng tính.

Ngài được cử làm bề trên một cô nhi viện. Một hôm trong nhà không còn lương thực, Clêmentê đã phải đích thân đi xin ăn. Ngài vào nhà một người giàu có đang tổ chức  một sòng bạc. Người chủ nhà vừa gặp cơn đen lại vừa bị người hành khất quấy rầy. Ông không kiềm nổi cơn bực bội nên đã nhổ tung nước bọt vào mặt thánh nhân. Bình thường có lẽ Clêmentê đã có phản ứng mạnh. Nhưng vốn luyện tập nhẫn nại, nên ngài đã đứng lên lau mặt rồi vui vẻ nói với người đã phỉ nhổ mình: “Ðó là qùa ông dành cho tôi, xin cảm ơn ông. Thế còn qùa của các trẻ mồ côi đâu?”. Bị đánh động bởi cử chỉ điềm nhiên vui vẻ của thánh nhân, người chủ nhà đành  phải lấy tiền trao cho ngài để giúp đỡ các em mồ côi.

Cái dũng của thánh nhân chính là biết dùng sự thinh lặng, nhẫn nhục để biến cải tâm hồn con người. Cổ nhân thường nói: “Một câu nhịn bằng chín câu lành”. Không có sức mạnh nào có thể thắng nổi sự bất bạo động. Bởi vì, khí giới dù có tối tân và có sức đe dọa đến đâu cũng không thể thuyết phục được tâm hồn con người. Chỉ có lòng tha thứ mới có thể bẻ gãy được thứ vũ khí ác hại nhất là hận thù.

(Lẽ Sống)

++++++++++++++++++

Lời Chúa Mỗi Ngày

Chúa Nhật I Mùa Vọng, Năm B

Bài đọc: Isa 63:16-17, 19, 64:2-7; I Cor 1:3-9; Mk 13:33-37

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Hy vọng Chúa sẽ ghé mắt thương đến.

Mùa Vọng là Mùa của trông ngóng đợi chờ; nhưng đợi chờ gì đây? Đợi chờ Đức Kitô ư? Ngài đã đến trần gian hơn 2000 năm nay rồi! Thế tại sao năm nào chúng ta cũng cử hành Mùa Vọng? Lý do quan trọng nhất là Giáo Hội muốn chúng ta nhìn lại cuộc đời mỗi người xem Đức Kitô đã đến và làm chủ cuộc đời của chúng ta chưa. Để nhận ra điều này, một cuộc hồi tâm xét mình cần thiết để con người có thể trả lời câu hỏi này với Thiên Chúa.

Các Bài đọc của Chủ Nhật đầu tiên cung cấp cho chúng ta nhiều chất liệu để suy gẫm. Trong Bài đọc I, tiên tri Isaiah giúp chúng ta nhận ra sự hiện diện cần thiết của Thiên Chúa trong cuộc đời. Nếu Thiên Chúa không hiện diện trong đời sống, con người sẽ bị điều khiển bởi ma quỉ, và tội lỗi sẽ lan tràn. Trong Bài đọc II, Thánh Phaolô nhắc nhở các tín hữu về sự hiện diện cần thiết của Đức Kitô trong cuộc đời mỗi người. Khi con người có Ngài trong cuộc đời, con người sẽ không thiếu bất cứ điều gì khác; vì Ngài là nguồn mạch của mọi ân sủng và bình an, là sự khôn ngoan và sức mạnh của Thiên Chúa. Trong Phúc Âm Thánh Marcô, Chúa Giêsu cảnh cáo: Vì không ai biết được ngày giờ Con Người đến, nên tất cả phải luôn chuẩn bị sẵn sàng. 

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC: 

1/ Bài đọc I: Sự cần thiết của Thiên Chúa trong cuộc đời

1.1/ Nhận ra tình trạng tội lỗi của mình: Sách TT Isaiah được viết vào một giai đọan lịch sử rất khó khăn của Do-Thái: quốc gia bị xóa sạch và dân chúng bị lưu đày các nơi. Thời gian lưu đày là lúc thuận tiện để họ nhìn lại quá khứ và tìm ra lý do tại sao dân tộc của họ bị đàn áp và lưu đày.

Điều trước tiên họ nhận ra là sự vắng mặt của Thiên Chúa: chẳng còn Đền Thờ để cầu nguyện, chẳng còn tư tế và tiên tri để nhắc nhở họ nghĩ tới Thiên Chúa. Họ kêu van lên Thiên Chúa: “Lạy Đức Chúa, Ngài mới là Cha, là Đấng cứu chuộc chúng con: đó là danh Ngài từ muôn thuở. Lạy Đức Chúa, tại sao Ngài lại để chúng con lạc xa đường lối Ngài? Tại sao Ngài làm cho lòng chúng con ra chai đá, chẳng còn biết kính sợ Ngài?”

1.2/ Sự cần thiết của Thiên Chúa trong cuộc đời: Dân lưu đày nhận ra sự quan trọng của Thiên Chúa trong cuộc đời, nên cầu xin với Ngài: “Vì tình thương đối với tôi tớ là các chi tộc thuộc gia nghiệp của Ngài, xin Ngài mau trở lại. Từ lâu rồi, chúng con là những kẻ không còn được Ngài cai trị, không còn được cầu khẩn danh Ngài. Phải chi Ngài xé trời mà ngự xuống, cho núi non rung chuyển trước Thánh Nhan. Chúa đã ngự xuống và các núi đồi rung chuyển trước tôn nhan Chúa. Đó là việc từ xưa đến nay chưa từng có ai nghe thấy; lạy Chúa, không mắt nào nhìn thấy một Chúa nào khác ngòai Chúa đã dành những hồng ân cho những ai trông đợi Chúa.” Sự kiện họ nhắc lại Thiên Chúa đã thân hành ngự xuống đây có lẽ là biến cố Núi Sinai, khi Thiên Chúa ban cho họ Thập Giới.

1.3/ Xin Chúa tha thứ tội lỗi: Dân cũng nhận ra tội lỗi của mình: “Này, Ngài phẫn nộ vì tội lỗi chúng con. Chúng con đã luôn ở trong tình trạng tội lỗi, làm sao sẽ được cứu rỗi. Tất cả chúng con đều đầy vết nhơ, mọi công nghiệp của chúng con khác nào chiếc áo dơ bẩn. Tất cả chúng con héo tàn như lá úa, và tội ác chúng con đã phạm, tựa cơn gió, cuốn chúng con đi.” Nhưng họ cậy trông vào lòng nhân từ của Thiên Chúa: “Lạy Đức Chúa, Ngài là Cha chúng con; chúng con là đất sét, còn thợ gốm là Ngài, chính tay Ngài đã làm ra tất cả chúng con.”

2/ Bài đọc II: Sự cần thiết của Đức Kitô trong cuộc đời

Lịch sử Cứu Độ được lật qua trang mới sau Thời Lưu Đày, Thiên Chúa đã cho Con của Ngài, Đức Kitô nhập thể để cứu độ trần gian. Nếu trong Cựu Ước, người Do-Thái không thể sống vắng bóng Thiên Chúa; thì trong Tân Ước, người Kitô hữu cũng không thể sống vắng bóng Đức Kitô, vì:

2.1/ Đức Kitô là nguồn mạch ân sủng và bình an: Thánh Phaolô cầu nguyện cho các tín hữu Côrintô: “Xin Thiên Chúa là Cha chúng ta, và xin Chúa Giêsu Kitô ban cho anh em ân sủng và bình an. Tôi hằng cảm tạ Thiên Chúa của tôi vì anh em, về ân huệ Người đã ban cho anh em nơi Đức Kitô Giêsu.” Qua Cuộc Thương Khó của Đức Kitô, Ngài đã đem lại bình an và rất nhiều ân sủng cho con người. Con người có bình an vì con người nhờ Đức Kitô mà được hòa giải với Thiên Chúa và với nhau. Đức Kitô cũng là nguồn mạch mọi ân sủng cho con người, nhất là qua các Bí-tích.

2.2/ Đức Kitô mặc khải cho con người sự khôn ngoan của Thiên Chúa: “Quả vậy, trong Đức Kitô Giêsu, anh em đã trở nên phong phú về mọi phương diện, phong phú vì được nghe Lời Chúa và hiểu biết mầu nhiệm của Người. Thật thế, lời chứng về Đức Kitô đã ăn sâu vững chắc vào lòng trí anh em, khiến anh em không thiếu một ân huệ nào, trong lúc mong đợi ngày Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, mặc khải vinh quang của Người.” Nếu không có Đức Kitô mặc khải, con người không thể hiểu rõ ràng Mầu Nhiệm Cứu Độ của Thiên Chúa và rất nhiều các Mầu Nhiệm khác trong đạo.

2.3/ Đức Kitô giúp con người trung thành đến cùng: “Chính Người sẽ làm cho anh em nên vững chắc đến cùng, nhờ thế không ai có thể trách cứ được anh em điều gì trong Ngày của Chúa chúng ta là Đức Giêsu Kitô. Thiên Chúa là Đấng trung thành, Người đã kêu gọi anh em đến hiệp thông với Con của Người là Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta.” Nhờ hiểu biết rõ ràng về Kế Họach Cứu Độ qua Tin Mừng, và được nâng đỡ bằng các ân sủng của Đức Kitô, con người có thể vượt qua những gian khổ của cuộc đời để trung thành với Thiên Chúa. Ngòai ra, con người cũng biết chuẩn bị mọi hành trang cần thiết để ra trước Tòa Phán Xét của Thiên Chúa. 

3/ Phúc Âm: Phải tỉnh thức trông chờ Chúa đến.

3.1/ Ngày giờ Chúa đến không ai biết: Trong câu 13:32, Chúa Giêsu nói rõ ràng: “Còn về ngày hay giờ đó thì không ai biết được, ngay cả các thiên sứ trên trời hay người Con cũng không, chỉ có Chúa Cha biết mà thôi.” Vì không ai biết được ngày giờ, nên con người cần phải chuẩn bị luôn.

3.2/ Phải tỉnh thức, không được ngủ mê: “Anh em phải canh thức, kẻo lỡ ra ông chủ đến bất thần, bắt gặp anh em đang ngủ.” Chỉ trong 5 câu, chữ tỉnh thức được lặp đi lặp lại tới 4 lần; một câu không có chữ “tỉnh thức,” lại dùng chữ đối nghịch “ngủ mê”với trạng từ “không.” Vì thế, có thể quả quyết, Thánh Marcô đã chú trọng đến “sự tỉnh thức,” và lặp đi lặp lại tới 5 lần trong 5 câu.

3.3/ Làm sao để luôn chuẩn bị? Cách chuẩn bị hay nhất là luôn có trong mình tất cả những gì cần thiết để về với Thiên Chúa. Việc “Sắp Sẵn” mọi sự theo phương pháp của Hướng Đạo sẽ giúp chúng ta chuẩn bị. Các em HĐ học và thực tập tất cả những gì cần thiết cho việc sinh tồn: dấu đi đường, nút giây, nấu ăn, cứu thương … Về cách chuẩn bị tinh thần của các tín hữu, chúng ta cầ chú ý đến những sự sau đây:

(1) Giữ thân thể nhẹ nhàng, mau mắn: Cha ông ta khuyên: “Một tinh thần mau mắn trong một thân thể tráng kiện.” Chè chén say sưa làm thân thể nặng nề. Sự nặng nề của thân xác làm con người mê ngủ, lười biếng, và tinh thần ra bạc nhược. Các ngài nói không sai: “Ăn để sống, chứ không phải sống để ăn.” Vì thế, ăn ưống ngon quá chưa chắc đã giúp cho sức khỏe, mà còn làm hại con người. Ngòai ra, chịu khó tập thể dục, chơi thể thao sẽ giúp thân thể nhẹ nhàng, di chuyển dễ dàng, và có nghị lực để vươn lên.

(2) Không quá quan tâm đến cuộc sống vật chất: Khi bị cám dỗ về nhu cầu vật chất trong sa mạc, Chúa Giêsu đã thẳng thắn tuyên bố với ma quỉ và làm gương cho chúng ta: “Con người sống không chỉ bởi cơm bánh, nhưng còn bởi những Lời do miệng Thiên Chúa phán ra” (Mt 4:4). Đa số con người hiện đại đang đơn giản hóa đời sống con người chỉ còn chiều kích vật chất (cả chủ nghĩa tư bản cũng như cộng sản; các chủ thuyết hiện đại như materialism, individualism). Họ quên đi tất cả những chiều kích khác như: tinh thần, trí tuệ, tình cảm. Nếu đời sống con người chỉ còn chiều kích vật chất, con người không bằng con vật; vì con vật không phải làm vất vả như con người mà vẫn có ăn.

(3) Quan tâm nhiều đến đời sống tinh thần: Vì con người được dựng nên và tiền định để sống cuộc đời hạnh phúc với Thiên Chúa; nên con người phải dành nhiều thời giờ cho chiều kích tâm linh này. Con người sẽ phải chịu thiệt hại nặng nề, nếu con người lấy thời giờ để chuẩn bị đời sống tâm linh để dùng vào đời sống vật chất. Làm sao để thăng tiến đời sống tâm linh? Hai điều chính được Chúa Giêsu nhấn mạnh nhiều lần:

– Nghiền gẫm Lời Chúa: Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước, là ánh sáng dẫn lối con đi (Psa:). Không hiểu biết Lời Chúa, làm sao con người có thể sống theo đường lối của Chúa? Không biết sống theo đường lối Chúa, con người sẽ sống theo đường lối thế gian, và phải chịu mọi hậu quả của nó.

– Kết hiệp mật thiết với Đức Kitô qua đời sống cầu nguyện: Nếu lúc nào con người cũng để Đức Kitô làm chủ và hướng dẫn cuộc sống, thì Ngày Ngài đến cũng chẳng làm con người ngạc nhiên. Con người kết hiệp mật thiết với Đức Kitô qua việc tham dự Thánh Lễ, đọc Kinh Thần Vụ, năng lãnh nhận các Bí-Tích, và cầu nguyện nhiều lần trong ngày.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG: 

– Câu hỏi quan trọng mỗi người phải tìm ra câu trả lời trong Mùa Vọng này: Cuộc đời chúng ta đang bị hướng dẫn bởi ai? Thiên Chúa hay những cám dỗ thế gian?

– Nếu Đức Kitô đang làm chủ cuộc sống, chúng ta sẽ không thiếu bất cứ điều gì: ân sủng, bình an, khôn ngoan, sức mạnh, và trung thành.

– Chúng ta biết chắc chắn một điều Ngày của Chúa sẽ đến, nhưng không biết ngày giờ nào; vì thế, chúng ta cần phải luôn chuẩn bị. Phải giữ cho thân thể nhẹ nhàng, dành thời giờ để trau dồi cuộc sống tâm linh, để Lời Chúa thấm nhập vào mọi khía cạnh của cuộc đời, và kết hợp mật thiết với Thiên Chúa trong đời sống cầu nguyện. 

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

****************