Liên đới

16/01/2025

“Ngài chạnh lòng thương giơ tay đụng vào anh và bảo, ‘Tôi muốn, anh hãy được sạch!’”.

Vào thời nô lệ, một ông chủ hà khắc mua được một thanh niên chăm chỉ. Ông phát hiện người này có ảnh hưởng lớn trong số nô lệ của ông. Ông yêu thương và lâu sau, ngỏ ý cho anh tự do; nhưng anh từ chối! Anh muốn liên đới đến mức có thể để nâng đỡ những người bạn trong khả năng của anh. Sau một thời gian, bằng gương sáng, đạo đức và vui tươi, anh đã cảm hoá không chỉ những người bạn nhưng cả ông chủ. Họ sống chan hoà!

Kính thưa Anh Chị em,

Với Tin Mừng hôm nay, chúng ta gặp lại người trẻ ấy nơi Chúa Giêsu! Một người phong cùi đến van xin Ngài, và vì xót thương, Ngài “giơ tay đụng vào anh” bất chấp luật nhiễm uế. Ngài muốn ‘liên đới’ đến mức có thể với người cùi – đại diện cho một nhân loại cùi.

Đến với Chúa Giêsu là một con hủi bất hạnh, bất hạnh không chỉ vì anh cùi hủi nhưng vì gặp phải sự lạnh lùng từ những tâm hồn cùi hủi. Cuộc sống của anh là một cái chết chậm – bệnh tật tàn phá thân xác, mặc cảm huỷ hoại tinh thần. Và nếu coi sự lở lói thân xác như một biểu tượng tàn phá của tội lỗi thì sự chết chóc lại càng kinh khủng hơn. Lẽ ra, Chúa Giêsu chỉ cần đứng xa xa và nói, “Hãy được sạch!”; nhưng không, “Ngài giơ tay đụng vào anh”; Ngài chấp nhận trở nên uế tạp để có thể cứu lấy một con người – một nhân loại – uế tạp. Không chỉ trở nên phàm nhân, Ngài trở thành “tội nhân”, ‘liên đới’ với tội nhân hầu cứu lấy tội nhân. Mầu nhiệm này đã phần nào được hé lộ từ lúc Ngài nối đuôi dòng người phàm phu tục tử bên bờ Giorđan để xin Gioan làm phép rửa.

Tại sao Con Thiên Chúa lại muốn ‘liên đới’ với con người đến mức ấy? Ngài ‘liên đới’ chỉ vì Ngài muốn chữa lành con người không chỉ phần xác nhưng cả phần hồn; giải thoát nó không chỉ khỏi những khổ đau mà cả mọi tội lỗi, điều đang thực sự giết chết nó khiến nó chai cứng và trơ lì. Thư Do Thái viết, “Hãy khuyên bảo nhau bao lâu còn được gọi là ngày hôm nay, kẻo có ai trong anh em ra cứng lòng vì bị tội lỗi lừa gạt” – bài đọc một; Thánh Vịnh đáp ca có chung một tâm tình, “Ước gì anh em nghe tiếng Chúa! Người phán: Các ngươi chớ cứng lòng!”.

Anh Chị em,

“Ngài chạnh lòng thương!”. ‘Chạnh lòng thương!’. “Cho phép tôi suy nghĩ ở đây về nhiều linh mục giải tội tốt lành có những hành vi thu hút mọi người, và nhiều người cảm thấy họ chẳng là gì, những người cảm thấy họ “nằm bẹp trên đất” vì tội lỗi của họ… Nhưng với sự dịu dàng đầy lòng xót thương, những vị giải tội tốt lành không cầm roi trong tay, chỉ chào đón, lắng nghe và nói rằng, Chúa tốt lành và rằng, Chúa luôn tha thứ; rằng, Chúa không mệt mỏi khi tha thứ!” – Phanxicô. Tội nhân ‘được thứ tha’ chính là tạo dựng mới và đó cũng là mục đích tối cao của việc Chúa Giêsu muốn ‘liên đới’ với con người đến mức có thể! Lời Chúa mời gọi bạn và tôi nhìn lại mức độ ‘liên đới’ của mình với tha nhân. Tôi có xót thương, đón nhận, cầu nguyện, hy sinh, tôn trọng và ‘liên đới’ với anh chị em tôi đến mức như Chúa muốn không?

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, để có thể cảm hoá một ai đó, cho con biết ra khỏi chính mình, cúi xuống, ôm lấy và xót thương!”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)