Ngày thứ ba (06-09-2022) – Trang suy niệm

05/09/2022

Lời Chúa Hôm Nay

Thứ Ba Tuần XXIII Mùa Thường Niên Năm chẵn

BÀI ĐỌC I:     1 Cr 6, 1-11

“Anh em có việc kiện tụng nhau, và đem đến trước mặt người ngoại”.

Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.

Anh em thân mến, làm sao trong anh em có người dám đem việc bất bình với kẻ khác ra thưa kiện trước mặt kẻ gian ác, chứ không trước mặt các thánh? Hay anh em lại không biết các thánh sẽ phán xét thế gian này sao? Và nếu anh em có quyền phán xét thế gian, thì anh em không xứng đáng xét xử những việc rất nhỏ mọn như thế sao? Anh em lại không biết chúng ta sẽ phán xét các thiên thần sao, phương chi là các việc đời này?

Vậy nếu anh em phải kiện cáo nhau về những việc đời này, anh em lại cắt đặt những người không đáng kể trong Hội thánh mà xét xử sao? Thật là một điều nhục cho anh em mà tôi phải nói như vậy. Chớ thì trong anh em không có người nào khôn ngoan có thể xét xử giữa anh em sao? Nhưng khi có việc kiện cáo giữa anh em với nhau mà lại đem đến trước mặt người ngoại ư? Nguyên việc anh em kiện tụng nhau, cũng đã là một lỗi rồi. Tại sao anh em không đành chịu một chút bất công? Tại sao anh em không đành chịu một chút thiệt thòi? Trái lại chính anh em ăn ở bất công và lừa đảo, mà lại xử như thế với chính anh em mình. Hay anh em lại không biết rằng: những kẻ gian ác sẽ không được hưởng nước Thiên Chúa sao? Anh em chớ lầm tưởng: những kẻ gian dâm, thờ ngẫu tượng, ngoại tình, xấu nết, loạn dâm, trộm cắp, tham lam, say sưa, vu khống hay bóc lột đều không được hưởng nước Thiên Chúa đâu.

Xưa kia trong anh em đã có ít người như vậy. Nhưng anh em đã được rửa sạch, đã được thánh hoá, đã được công chính hoá, nhân danh Chúa chúng ta là Đức Giêsu Kitô, và trong Thánh Thần của Thiên Chúa chúng ta. Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 149, 1-2. 3-4. 5-6a và 9b

Đáp: Chúa yêu thương dân Người (c. 4a).

Xướng: 1) Hãy ca mừng Chúa một bài ca mới, hãy vang lên lời khen ngợi trong công hội các tín đồ. Israel hãy mừng vui vì Đấng tạo tác bản thân; con cái Sion hãy hân hoan vì vua của họ. – Đáp.

2) Họ hãy hoà nhạc để ngợi khen Người. Hãy hát mừng Người với cây đàn cầm, với trống con: bởi vì Chúa yêu thương dân Người, và ban cho kẻ khiêm nhường chiến thắng vẻ vang. – Đáp.

3) Các tín đồ hãy mừng rỡ trong vinh quang. Hãy hoan hỉ trong những nơi khu phố. Miệng họ hãy reo lên lời hoan hô Thiên Chúa. Đó là vinh quang cho mọi tín đồ của Chúa. – Đáp.

ALLELUIA: Pl 2, 15-16

Alleluia, alleluia! – Anh em hãy tích trữ lời ban sự sống. Anh em hãy chiếu sáng như những vì sao ở giữa thế gian. – Alleluia. 

PHÚC ÂM: Lc 6, 12-19

“Suốt đêm, Người cầu nguyện, Người chọn mười hai vị mà Người gọi là Tông đồ”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Trong những ngày ấy, Chúa Giêsu lên núi cầu nguyện, và suốt đêm, Người cầu nguyện cùng Thiên Chúa. Sáng ngày, Người gọi các môn đệ và chọn mười hai vị mà Người gọi là Tông đồ: Đó là Simon, mà Người đặt tên là Phêrô, và em ông là Anrê, Giacôbê và Gioan, Philipphê và Bartôlômêô, Matthêu và Tôma, Giacôbê con ông Alphê và Simon cũng gọi là Nhiệt Thành, Giuđa con ông Giacôbê và Giuđa Iscariốt là kẻ phản bội.

Người đi xuống với các ông, và dừng lại trên một khoảng đất bằng phẳng, có nhóm đông môn đệ cùng đoàn lũ dân chúng đông đảo từ khắp xứ Giuđêa, Giêrusalem và miền duyên hải Tyrô và Siđôn đến nghe Người giảng và để được chữa lành mọi bệnh tật. Cả những người bị quỷ ô uế hành hạ cũng được chữa khỏi, và tất cả đám đông tìm cách chạm tới Người, vì tự nơi Người phát xuất một sức mạnh chữa lành mọi người. Đó là lời Chúa.

(thanhlinh.net)

++++++++++++++++++

06/09/2022 – THỨ BA TUẦN 23 TN

Lc 6,12-19

ĐƯỢC CHỌN ĐỂ NÊN MỘT

Đức Giê-su đi ra núi cầu nguyện, và Người đã thức suốt đêm cầu nguyện cùng Thiên Chúa. Đến sáng, Người kêu các môn đệ lại, chọn lấy mười hai ông và gọi là Tông Đồ. (Lc 6,12-13)

Suy niệm: Đức Giê-su chọn các tông đồ nhưng không cất khỏi họ những yếu tố con người, cả những yếu đuối. Điều lạ lùng, dẫu có nhiều khác biệt, thậm chí trái nghịch nhau nữa, các tông đồ vẫn sống chung được với nhau và cùng thi hành sứ mệnh truyền giáo. Chẳng hạn, giữa Mát-thêu và Si-mon “nhiệt thành”: Mát-thêu làm nghề thu thuế, tiếp tay với người Rô-ma đô hộ; Si-mon chủ trương đối đầu với quân Rô-ma và những người làm tay sai. Ấy thế mà khi thuộc về Nhóm Mười Hai của Đức Giê-su, họ sống với nhau trong hòa bình và cùng chung lo công việc Chúa. Đúng như cha Teilhard de Chardin nói: “Đăng giả hội”, càng lên cao càng hội tụ lại. Các tông đồ càng vươn lên tới Đức Giê-su thì họ càng hiệp nhất với nhau trong Ngài. Và chính đời sống hiệp nhất ấy đã là một bài rao giảng sống động về một Thiên Chúa duy nhất là Cha mọi người.

Mời Bạn: Trong gia đình, trong nhóm hay trong cộng đoàn, bạn là tác nhân của sự hiệp nhất hay của sự chia rẽ?

Chia sẻ: Khi có những mâu thuẫn trong nhóm/cộng đoàn của bạn, bạn có tìm nguyên nhân và phương thế sửa chữa?

Sống Lời Chúa: Bạn gia nhập một nhóm hoạt động tông đồ giáo dân trong giáo xứ và cùng làm việc với anh chị em.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, chúng con muốn được cùng với Chúa mà thân thưa với Chúa Cha: “Lạy Cha, xin cho chúng con hiệp nhất nên một”, hầu giáo xứ chúng con trở nên cộng đoàn yêu thương, lánh xa những mưu mô chia rẽ, bè phái, hờn căm, để thế gian tin rằng chúng con thuộc về Chúa.

(5 Phút Lời Chúa)

++++++++++++++++++

Suy niệm và cầu nguyện

 Suy niệm

Đức Giêsu là con người cầu nguyện:
đây là nét nổi bật của Tin Mừng Luca.
Ngài cầu nguyện suốt cuộc đời trần thế,
từ khi nhận phép rửa của Gioan ở sông Giođan (Lc 3, 21)
đến khi hấp hối trên thập giá (23, 34. 46).
Đối với Ngài, cầu nguyện là chuyện Con đi gặp Cha,
là cuộc chuyện trò thân mật giữa Cha và Con.
Chính vì thế các lời cầu nguyện của Ngài (10, 21; 22, 42; 23, 34. 46).
đều bắt đầu bằng hai tiếng Abba, Cha ơi, thân thương.
Cần một không gian tĩnh lặng và riêng tư để gặp Cha (9, 18),
nên Đức Giêsu thường lên núi (6, 12; 9, 28)
hay vào chỗ hoang vắng (5, 16).
Nhưng có khi Ngài cầu nguyện tự phát trước mặt môn đệ (10, 21),
hay dẫn các môn đệ đến nơi mình sắp cầu nguyện (9, 28; 22, 39).
Gặp Cha là hơi thở đem lại sự sống và hạnh phúc cho Đức Giêsu.
Ngài múc lấy toàn bộ ý nghĩa đời mình qua các cuộc gặp gỡ đó.

Bài Tin Mừng hôm nay
cho thấy một lần cầu nguyện đặc biệt của Đức Giêsu.
Ngài đã thức suốt đêm nơi một ngọn núi (c. 12).
Ngài cố ý đến ngọn núi này để gặp gỡ Thiên Chúa là Cha của Ngài.
Đức Giêsu có điều cần hỏi ý Cha trước khi đi tới một quyết định.
Và đây là một quyết định quan trọng.
Đã có một đám đông môn đệ theo Ngài (Lc 6, 17),
bây giờ Đức Giêsu muốn tuyển chọn một nhóm nhỏ
để họ ở gần Ngài hơn và cộng tác với Ngài sát hơn.
Đức Giêsu không muốn tự chọn cho mình những cộng sự viên.
Ngài muốn đặt việc chọn lựa này trong bầu khí cầu nguyện.
Ngài coi nhóm đặc biệt này là “những kẻ Cha đã ban cho Con,”
“những kẻ Cha đã chọn từ giữa thế gian” (Ga 17, 6. 9).
Đức Giêsu chỉ muốn chọn những người Cha đã chọn cho mình.
Đến sáng Ngài mới rõ ý Cha, mới làm xong việc chọn lựa.
Như thế cả Đức Giêsu cũng phải vất vả tìm kiếm ý Cha.
Cuối cùng Ngài đã chọn được Mười Hai ông mà Ngài gọi là tông đồ.

Đời người được đan kết bằng những chọn lựa lớn nhỏ.
Có những trường hợp dễ phân biệt trắng đen.
Nhưng có khi tôi phân vân không rõ điều nào tốt hơn,
và đâu thực sự là điều Chúa muốn cho đời tôi.
Gặp gỡ Chúa trong lặng lẽ cô tịch, với tâm hồn tự do thanh thoát,
chúng ta có cơ may nhận được ánh sáng từ trên cao.
Nếu tôi làm theo ý Chúa, đời tôi sẽ được hạnh phúc, dù phải hy sinh.
Nếu tôi cương quyết làm theo ý mình, dù biết ngược với ý Chúa,
thì lòng tôi sẽ chẳng được bình an.
Thiên Chúa muốn vén mở cho tôi biết ý định của Ngài về tôi,
nhưng Ngài đòi tôi cất công tìm kiếm.
Hạnh phúc cho ai tìm thấy ý Chúa sau những đêm dài trăn trở!

Cầu nguyện

Lạy Chúa,
con thường thấy mình không có giờ cầu nguyện,
không có giờ đi vào sa mạc
để ở bên Chúa và trò chuyện với Ngài.
Nhưng thật ra sa mạc ở sát bên con.
Chỉ cần một chút cố gắng của tình yêu
là con có thể tạo ra sa mạc.

Mỗi ngày có biết bao giây phút có thể gặp Chúa
mà con đã bỏ mất :
Khi chờ một người bạn,
chờ đèn xanh ở ngã tư,
chờ món hàng đang được gói.
Khi lên cầu thang,
khi đến nơi làm việc,
khi kẹt xe,
khi cúp điện bất ngờ.
Thay vì bực bội hay nóng ruột
con lại thấy mình sống an bình
trong sự hiện diện của Chúa.

Lạy Chúa,
những sa mạc ngắn ngủi hằng ngày
giúp con tỉnh thức
để nhạy cảm với ý Chúa.

Xin cho con yêu mến Chúa hơn
để tìm ra những sa mạc mới
và vui vẻ bước vào.

(gợi hứng từ Madeleine Delbrêl)

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

(phutcaunguyen.net)

++++++++++++++++++

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên

6 THÁNG CHÍN

Trở Nên Đồng Hình Đồng Dạng Với Đức Kitô

Mỗi ơn gọi đều là một lời kêu mời dấn sâu hơn vào mầu nhiệm Thiên Chúa. Việc học hỏi thần học và triết học sẽ giúp thấu hiểu sâu hơn ngôi vị của Đức Kitô. Nhưng sự hiểu biết sâu hơn này không chỉ phụ thuộc vào nỗ lực tri thức của chúng ta. Tiên vàn việc nhận biết Chúa Con là ân huệ do Chúa Cha ban cho chúng ta nhờ Thánh Thần. Chúng ta không thể chỉ dừng lại với việc được giáo dục trong đức tin mà còn phải trở nên “đồng hình đồng dạng với Đức Kitô” nữa.

Mọi sự cộng tác của chúng ta với ân sủng tiếng gọi phải theo sự khôn ngoan mà Đức Kitô diễn tả trong dụ ngôn cây nho. Ngài nói: “Thầy là cây nho, Cha Thầy là Người trồng nho” (Ga 15,1) … “Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở trong Thầy và Thầy ở trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái. Vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được. (Ga 15,5).

Giai đoạn huấn luyện chủng sinh hay tu sĩ hướng đến mục tiêu đào sâu mối hiệp nhất của chúng ta với Đức Kitô. Đức Kitô đưa ra cùng lời mời gọi đó cho mỗi người trong chúng ta.

– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –

Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác

LIFT UP YOUR HEARTS

Daily Meditations by Pope John Paul II

+++++++++++++++++

Lời Chúa Trong Gia Đình

NGÀY 06/9

1Cr 6, 1-11; Lc 6, 12-19.

LỜI SUY NIỆM: “Trong những ngày ấy, Đức Giêsu đi ra núi cầu nguyện, và Người đã thức suốt đêm cầu nguyện cùng Thiên Chúa. Đến sáng, Người kêu các môn đệ lại, chọn lấy mười hai ông và gọi là Tông Đồ.”

          Chúa Giêsu đã tuyển chọn các Tông Đồ và cho họ tham dự vào sứ vụ và quyền bính của Người. Khi lên ngự bên hữu Chúa Cha; Người không bỏ rơi doàn chiên cua Người, nhưng nhờ các Tông Đồ, Người gìn giữ đoàn chiên dưới sự bảo vệ không ngừng của Người và vẫn đang hướng dẫn đoàn chiên đó nhờ các mục tử, những người ngày nay đang tiếp nối công trình của Người. Vì vậy,  Chúa Giêsu “ban cho” người này làm Tông Đồ, người khác làm mục tử. Chính Người tiếp tục hành động qua các Giám mục. (GL số 1575)

          Lạy Chúa Giêsu, Chúa vẫn đang mãi mãi cần những người cọng tác với Chúa để đem Tin Mừng cho toàn thể nhân loại. Xin Chúa, cho mỗi người trong chúng con, luôn biết gắn bó với Chúa, để được Chúa yêu thương và tuyển chọn làm Tông Đồ của Chúa.

Mạnh Phương

+++++++++++++++++

06 Tháng Chín

Không Mong Ðền Ðáp

Trên đường đi hành hương đến La Mecque, thủ đô của Hồi Giáo, một tín đồ đã cải trang thành một người hành khất.

Anh gặp một người thợ hớt tóc đang săn sóc cho một người giàu có. Nhưng lạ lùng thay, khi anh vừa mở miệng ra xin người thợ cắt tóc, cạo râu cho mình, thì người thợ này liền bỏ người giàu ngồi đó và tức khắc đến phục vụ cho anh. Và đáng phục hơn nữa là ngươòi thợ này đã không đòi hỏi bất cứ một thù lao nào, trái lại ông còn cho anh ít tiền để hộ thân.

Cảm động vì lòng tốt của người thợ hớt tóc, người tín đồ quyết định sẽ tặng cho ông tất cả số tiền anh đã xin được trong ngày.

Và ngày hôm đó, người tín đồ cải trang thành người ăn xin đã nhận được một túi vàng do một người khách hành hương giàu có trao tặng. Như đã hứa với lòng mình, người tín đồ quay trở lại tìm người thợ hớt tóc và trao tất cả gói vàng cho ông ta.

Nhưng, ngoài sự tưởng tượng của người tín đồ, người thợ hớt tóc vừa thấy cử chỉ của người hành khất đã nghiêm sắc mặt nói: “Xin lỗi, ông cho mình là người đạo đức ư? Ông không cảm thấy xấu hổ để trả công cho một nghĩa cử yêu thương sao?”.

Thì ra, người thợ hớt tóc đã không cạo râu cho một người hành khất để được trả công. Ông chỉ làm cử chỉ đó với tất cả yêu thương dành cho một người khốn khổ và ông nghĩ rằng mình làm như thế để được đền đáp.

Ngạn ngữ tiếng Latinh thường nói: tôi cho bạn, để bạn cho lại… Hoặc như người Việt Nam chúng ta thường nói: có qua có lại mới toại lòng ta.

Người ta dùng câu ngạn ngữ này để diễn tả những đòi hỏi công bằng giữa con người với nhau. Tôi cho bạn để bạn cho lại. Tôi làm cho bạn để hy vọng bạn sẽ đền đáp lại… Trên bình diện xã hội và nhân bản, ý thức được sự qua lại này đã là một điều đáng kể trong các mối tương quan giữa người với người.

Tuy nhiên, chúng ta không thể áp dụng một thứ công bình như thế vào mối tương quan giữa chúng ta với Thiên Chúa.

Thiên Chúa không thi ân giáng phúc để chúng ta biết ơn, hay đền đáp lại. Thiên Chúa cũng không căn cứ trên tài năng của từng người để ban phát ân huệ của Ngài. Thiên Chúa không dùng cán cân công lý thông thường của loài người. Công lý của Ngài là công lý của tình thương. Người thợ của giờ thứ nhất không lãnh hơn người thợ thứ hai vào giờ cuối cùng…

Nếu Thiên Chúa không thi ân giáng phúc tùy theo công nghiệp và tài năng của con người, thì con người cũng không thể nại đến công lao của mình để đòi hỏi một sự trả công tương xứng… Sau một công lao vất vả, có lẽ chúng ta chỉ có thể thốt lên: Lạy Chúa, chúng con chỉ là những người đầy tớ vô dụng.Lắm khi chúng ta vẫn còn đeo đuổi sự công bằng cộng trừ nhân chia của chúng ta đối với Chúa. Tôi sẽ đọc bao nhiêu kinh để xin được ân này, ơn nọ. Tôi sẽ làm bao nhiêu hy sinh để cầu cho được một ơn đặc biệt… Lý luận như thế trong các việc lành phúc đức, chúng ta dễ dàng rơi vào một thứ biệt phái mới nhằm đề cao công nghiệp riêng của chúng ta mà quên rằng: tất cả những gì chúng ta có, tất cả những gì chúng đã và sẽ lãnh nhận được đều xuất từ Tình Yêu vô vị lợi của Chúa.

(Lẽ Sống)

++++++++++++++++++

Lời Chúa Mỗi Ngày

Thứ Ba – Tuần 23 – TN2

Bài đọc I: 1 Cor 6:1-11

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Hy sinh xây dựng cộng đòan thay vì kiện cáo xét xử.

Một trong những nguyên nhân chính gây ra nhiều đổ vỡ trong gia đình và cộng đòan hôm nay là con người không còn biết đến giá trị của hai chữ “hy sinh.” Thay vào đó, con người chỉ còn biết chú ý tới mình. Muốn được phục vụ chứ không muốn phục vụ; muốn người khác hy sinh cho mình chứ không muốn phải hy sinh cho người khác. Khi không được đáp ứng là giận dữ, ghen tương kiện cáo; nhưng không bao giờ tự hỏi nếu ai cũng như vậy thì làm sao gia đình và cộng đòan có thể tồn tại được? Thánh Phaolô lên án hành động kiện cáo của các tín hữu trước tòa đời trong Bài đọc I. Chúa Giêsu cầu nguyện suốt đêm với Thiên Chúa để có thể chọn lựa những Tông Đồ dám hy sinh để xây dựng Giáo-Hội mà Ngài sắp thiết lập.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Không nên kiện cáo nhau trước tòa đời.

Trước khi tìm hiểu lý do tại sao không nên kiện cáo, chúng ta cần tìm hiểu phong tục khác nhau giữa hai quốc gia. Thánh Phaolô là người Do-Thái viết thư cho các tín hữu Corintô là những người Hy-Lạp. Đối với người Do-Thái, mỗi khi có tranh chấp họ mang nhau đến hội đường để được xét xử bởi các vị niên trưởng và thông luật trong làng; chứ không mang nhau đến tòa án đời. Lý do là họ muốn được xét xử trong bầu khí gia đình chứ không chỉ bởi bầu khí luật lệ. Họ có luật cấm không cho người của họ tới tòa án đời, vì làm như vậy là phạm thượng chống lại luật của Thiên Chúa. Đối với người Hy-Lạp, tòa án đời là chỗ để xử các vụ án, và họ rất hãnh diện về các luật lệ xét xử của họ.

Thánh Phaolô không những rất xác tín vào sự khôn ngoan của Thiên Chúa mà còn khinh thường sự khôn ngoan của người đời. Đối với ngài, việc các tín hữu mang nhau đến tòa án đời để xin xét xử là điều ngược đời, vì chính các tín hữu được Thiên Chúa trao quyền để xét xử thế gian (Wis 3:8). Lý do đơn giản ngài đưa ra tại sao không nên kiện cáo nhau trước tòa đời là vì quan án là những người Dân Ngọai (không có đức tin). Họ không có khôn ngoan của Thiên Chúa để biết hết mọi dữ kiện thì làm sao bảo đảm sự xét xử cho công bằng được. Khi cần phải được xét xử thì nên mang nhau ra trước Hội-Thánh, vì chắc chắn có những người khôn ngoan để xét xử công bằng hơn những quan án đời.

Tuy nhiên việc kiện cáo là chuyện không đừng được phải làm vì người tín hữu nên chịu đựng bất công để xây dựng cộng đòan. Luật lệ chỉ là những điều kiện tối thiểu để bảo vệ trật tự trong cộng đòan. Để giúp cộng đòan phát triển mạnh mẽ cần có tình yêu dám hy sinh chịu đựng để cộng đòan thăng tiến. Nếu không có hy sinh của Chúa Giêsu làm sao con người có thể được cứu độ? Nếu không có hy sinh chịu đựng của Phaolô làm sao Tin Mừng có thể loan tới và cộng đòan được thiết lập tại Corintô? Hy sinh là chịu đựng thiệt thòi để người khác được sống; và một khi đã nhận ra hy sinh của người khác, đương sự sẽ tiếp tục hy sinh để những người khác cũng được sống. Vì thế, việc kiện cáo là một thất bại không những cho các đương sự mà còn cho cả cộng đòan.

Đối với những người vẫn mù quáng không nhận ra những hy sinh của người khác, thánh Phaolô cảnh giác: Những người ăn ở bất công và bóc lột anh em mình sẽ không được Nước Thiên Chúa làm cơ nghiệp. Họ sẽ đồng chịu số phận với những hạng người dâm đãng, thờ ngẫu tượng, ngoại tình, truỵ lạc, kê gian, trộm cướp, tham lam, và say sưa rượu chè.

2/ Phúc Âm: Chọn các Tông Đồ dám hy sinh tiếp tục sứ vụ xây dựng Giáo Hội.

Tại Caecarea Philipphê, Chúa Giêsu đã chọn Phêrô là Đá để xây dựng Giáo-Hội mà Ngài sắp thiết lập. Tuy nhiên, một mình Phêrô không đủ để điều hành một số người quá lớn nên Chúa chọn thêm 11 Tông Đồ để cùng điều hành. Một số những điều chúng ta học được từ cách chọn lựa của Chúa hôm nay:

– Ngài không chọn người bất cứ ai nhưng từ những môn đệ của Ngài. Chúng ta cần phân biệt hai danh từ môn đệ và tông đồ. Theo tiếng Hy-Lạp, từ môn đệ đến từ động từ học hỏi, người môn đệ là người học hỏi từ Thầy mình; trong khi từ tông đồ đến từ động từ sai đi, tông đồ là người được sai đi. Chính Chúa Giêsu đã cho Giáo-Hội một cấu trúc: các môn đệ, các tông đồ, Phêrô người kế vị Ngài; không phải ai cũng được sai đi và ai cũng có quyền quyết định.

– Ngài đã thức suốt đêm để đàm đạo với Chúa Cha để chọn các Tông Đồ theo tiêu chuẩn của Thiên Chúa. Nhìn vào danh sách những người được chọn, chúng ta chẳng thấy có gì nổi bật nơi họ nếu xét theo tiêu chuẩn của con người như khôn ngoan, đạo đức, nổi tiếng, quyền thế, giầu có … Chẳng những thế, còn có những người yếu đuối, tội lỗi, và tính tình rất khác nhau: Một Phêrô yếu đuối vừa mạnh dạn tuyên xưng sẽ không bao giờ bỏ Chúa lại chối Chúa 3 lần trong đêm đó. Một Matthêu thu thuế bị coi là người tội lỗi và kẻ thù của người Do-Thái lại được Chúa chọn để ở chung với Simon biệt danh là Quá Khích. Sở dĩ có biệt danh này vì ông là người bảo thủ, rất ghét đế quốc Rôma và có thể ám sát những người làm tay sai cho họ. Và một Giuđa Iscarioth, mà Người biết trước sẽ trở thành kẻ phản bội. Chúa chọn những người này để ở với Chúa, để được huấn luyện trước khi được sai đi. Một khi được chọn, Chúa sẽ huấn luyện và ban ơn để họ trở thành khí cụ sắc bén Chúa dùng để làm việc cho Ngài.

Sau khi đã chọn xong, Chúa Giêsu bắt đầu huấn luyện các ông bằng những lời dạy dỗ và gương sáng của chính Ngài. Các ông phải hy sinh từ bỏ nghề nghiệp và gia đình để đi theo Chúa và sống với nhau, học những lời giảng dạy của Ngài, trừ quỉ và chữa lành.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

– Sống chung với nhau là sẽ có xung đột. Chúng ta cần học hỏi để hiểu biết giá trị của hy sinh. Không có hy sinh, gia đình và cộng đòan sẽ dễ dàng bị đổ vỡ và tất cả phải chịu đựng nhiều thiệt thòi. Chúng ta đã sống bằng sự hy sinh của rất nhiều người thì đến lượt chúng ta cũng phải hy sinh góp phần để phát triển gia đình, xã hội, và Nước Chúa.

– Cho dẫu không ai nhận ra những hy sinh của chúng ta trong cuộc đời này, vẫn còn Đấng thấu suốt mọi bí nhiệm nhận ra và trả công cho chúng ta xứng đáng.

– Chúng ta cần vâng lời những người Chúa chọn. Khi cần phải giải quyết xung đột, chúng ta nên mang vấn đề tới những đại diện của Giáo Hội thay vì kiện cáo nhau ở tòa án đời. 

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

****************