Ngày thứ ba (11-04-2023) – Trang suy niệm

10/04/2023

Lời Chúa Hôm Nay

Thứ Ba trong tuần Bát nhật Phục Sinh – Năm A

BÀI ĐỌC I: Cv 2, 36-41

“Anh em hãy ăn năn sám hối và mỗi người trong anh em hãy chịu phép rửa nhân danh Ðức Kitô”.

Bài trích sách Tông đồ Công vụ.

Trong ngày lễ Ngũ Tuần, Phêrô nói với những người Do-thái rằng: “Xin toàn thể nhà Israel hãy nhận biết rằng: Thiên Chúa đã tôn Ðức Giêsu mà anh em đã đóng đinh, lên làm Chúa và làm Ðấng Kitô”. Nghe những lời nói trên, họ đau đớn trong lòng, nói cùng Phêrô và các Tông đồ khác rằng: “Thưa các ông, chúng tôi phải làm gì?” Phêrô nói với họ: “Anh em hãy ăn năn sắm hối, và mỗi người trong anh em hãy chịu phép rửa nhân danh Ðức Giêsu Kitô để được tha tội; và anh em sẽ nhận lãnh Thánh Thần. Vì chưng, đó là lời hứa cho anh em, con cái anh em và mọi người sống ở phương xa mà Chúa là Thiên Chúa chúng ta sẽ kêu gọi đến!” Phêrô còn minh chứng bằng nhiều lời khác nữa, và khuyên bảo họ rằng: “Anh em hãy cứu mình khỏi dòng dõi gian tà này”. Vậy những kẻ chấp nhận lời ngài giảng đều chịu phép rửa, và ngày hôm ấy có thêm chừng ba ngàn người gia nhập đạo.

Ðó là lời Chúa.

ÐÁP CA: Tv 32, 4-5. 18-19. 20 và 22

Ðáp: Ðịa cầu đầy ân sủng Chúa (c. 5b).

1) Vì lời Chúa là lời chân chính, bao việc Chúa làm đều đáng cậy tin. Chúa yêu chuộng điều công minh chính trực, địa cầu đầy ân sủng Chúa.

2) Kìa Chúa để mắt coi những kẻ kính sợ Ngài, nhìn xem những ai cậy trông ân sủng của Ngài, để cứu gỡ họ khỏi tay thần chết, và nuôi dưỡng họ trong cảnh cơ hàn.

3) Linh hồn chúng con mong đợi Chúa, chính Ngài là Ðấng phù trợ và che chở chúng con. Lạy Chúa, xin đổ lòng từ bi xuống trên chúng con, theo như chúng con tin cậy ở nơi Ngài.

ALLELUIA: Ga 14, 8

All. All. – Thầy sẽ xin Chúa Cha và Người sẽ ban cho các con một Ðấng Phù Trợ khác, để ở cùng các con luôn mãi. – All.

PHÚC ÂM: Ga 20, 11-18

“Tôi đã trông thấy và Người đã phán với tôi những điều ấy”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, bà Maria đang còn đứng gần mồ Chúa mà than khóc. Nhìn vào trong mồ, bà thấy hai thiên thần mặc áo trắng đang ngồi nơi đã đặt xác Chúa Giêsu, một vị ngồi phía đàng đầu, một vị ngồi phía đàng chân. Hai vị hỏi: “Tại sao bà khóc?” Bà trả lời: “Người ta đã lấy mất xác Chúa tôi và tôi không biết người ta đã để Người ở đâu?” Vừa nói xong, bà quay mặt lại, thì thấy Chúa Giêsu đã đứng đó, nhưng bà chưa biết là Chúa Giêsu. Chúa Giêsu hỏi: “Bà kia, sao mà khóc, bà tìm ai?” Tưởng là người giữ vườn, Maria thưa: “Thưa ông, nếu ông đã mang xác Người đi, thì xin cho tôi biết ông đã đặt Người ở đâu, để tôi đến lấy xác Người”. Chúa Giêsu gọi: “Maria”. Quay mặt lại, bà thưa Người: “Rabboni!” (nghĩa là “Lạy Thầy!”). Chúa Giêsu bảo bà: “Ðừng động đến Ta, vì Ta chưa về cùng Cha Ta. Nhưng hãy đi báo tin cho các anh em Ta hay và bảo họ rằng: Ta về cùng Cha Ta, cũng là Cha các con; về cùng Thiên Chúa Ta, cũng là Thiên Chúa các con”. Maria Mađalêna đi báo tin cho các môn đệ rằng: “Tôi đã trông thấy Chúa và Chúa đã phán với tôi những điều ấy”.

Ðó là lời Chúa.

(Nguồn: UBPV/HĐGMVN, ấn bản 1973)

++++++++++++++++++

11/04/2023 – THỨ BA TRONG TUẦN BÁT NHẬT PS

Ga 20,11-18

NHẬN RA ĐỨC KI-TÔ PHỤC SINH

Bà Ma-ri-a tưởng là người làm vườn, liền nói: “Thưa ông, nếu ông đã đem Người đi, thì xin nói cho tôi biết ông để Người ở đâu, tôi sẽ đem Người về ?” Đức Giê-su gọi bà: “Ma-ri-a!” Bà quay lại và nói: “Ráp-bu-ni!” (nghĩa là “Lạy Thầy”). (Ga 20,11-18)

Suy niệm: Lạ một điều là khi Đức Ki-tô phục sinh hiện ra cho những người thân, rất thân nữa là đàng khác, họ lại không nhận ra Ngài! Ngài mà bà Ma-ri-a tưởng là người làm vườn; hai môn đệ Em-mau nghĩ là khách bộ hành; các môn đệ trên Biển Hồ lầm là khách đi dạo trên biển. Ngài quá thay đổi hay mắt họ có vấn đề? Thật ra, từ nay Đức Ki-tô phục sinh mang chiều kích của cả vũ trụ, không còn bị hạn chế nơi một thân xác thể lý. Ngài hiện diện nơi mọi người, mang lấy khuôn mặt của từng người. Ma-ri-a chỉ nhận ra khi được Ngài gọi đích danh; hai môn đệ nhận ra khi Ngài bẻ bánh; trên Biển Hồ, các môn đệ chỉ khám phá ra Ngài sau mẻ cá lạ. Vậy thì để có thể nhận ra Đức Ki-tô, phải có kinh nghiệm gặp gỡ Ngài, có tương quan cá vị với Ngài.

Mời Bạn: Hãy nhận ra Đức Ki-tô phục sinh đang hiện diện nơi những người thân trong gia đình, nơi bạn bè, thậm chí nơi những kẻ bạn không ưa thích. Bạn có cách nào để dễ nhận diện ra Ngài không?

Sống Lời Chúa: Tôi sẽ nói năng, cư xử thân ái, hoà nhã với mọi người tôi gặp gỡ mỗi ngày để tập nhận ra Đức Ki-tô phục sinh hiện diện nơi họ.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su phục sinh, xin cho chúng con sự sống của Chúa, sự sống làm đời chúng con mãi xanh tươi. Xin cho chúng con bình an của Chúa, bình an làm chúng con vững tâm giữa sóng gió cuộc đời. Xin cho chúng con niềm vui của Chúa, niềm vui làm khuôn mặt chúng con tươi tắn. Xin cho chúng con nhận ra Chúa nơi mọi người. (Rabbouni).

(5 Phút Lời Chúa)

++++++++++++++++++

Suy niệm và cầu nguyện

Suy niệm:

Maria Mácđala là con người yêu mến.
Theo Tin Mừng Gioan, bà đã theo Thầy Giêsu đến tận Đồi Sọ,
đã đứng gần thập giá và chứng kiến cái chết của Thầy (Ga 19, 25).
Hầu chắc bà đã tham dự cuộc mai táng Thầy và biết vị trí của ngôi mộ.
Hơn nữa, bà là nguời ra mộ sớm nhất vào ngày thứ nhất trong tuần.
Rồi bà chạy về báo tin cho các môn đệ về chuyện xác Thầy không còn đó (20, 1-2).
Bài Tin Mừng hôm nay cho thấy bà lại có mặt ở ngoài mộ lần nữa (c. 11).
Ngôi mộ như có sức giữ chân bà.
 

Chỉ tình yêu mới giải thích được điều đó.
Maria là con người tìm kiếm.
Đấng phục sinh hỏi bà: “Bà tìm ai?” (c. 15).
Bà chỉ có một mối quan tâm duy nhất, đó là tìm lại được xác Chúa của bà.
Bà đã nói với Phêrô: “Người ta đã đem Chúa đi khỏi mộ,
và chúng tôi chẳng biết họ để Người ở đâu” (20, 2).
Bà đã nói với vị thiên thần ngồi trong mộ điệp khúc tương tự:
“Người ta đã lấy mất Chúa tôi rồi, và tôi không biết họ để Người ở đâu” (c. 13).
 

Khi gặp Thầy Giêsu, bà tưởng là người làm vườn, nên cũng nói:
“Nếu ông đã đem Người đi, thì xin nói cho tôi biết
ông để Người ở đâu, tôi sẽ đem Người về (c. 15).
Đối với Maria, mất xác Thầy là mất chính Thầy,
nên bà cứ bị ám ảnh bởi chuyện người ta để Người ở đâu.
Maria là con người đau khổ.
Bà đã khóc nhiều từ khi xác Thầy không còn đó.
Cả thiên thần và Đức Giêsu đều hỏi bà cùng một câu hỏi: “Tại sao bà khóc?”
Ai sẽ là người lau khô nước mắt của bà Maria Macđala?
Ai sẽ là người giúp bà tìm thấy điều bà tìm kiếm?
 

Đức Giêsu phục sinh đến gặp bà dưới dạng một người làm vườn.
Thậm chí bà nghi ngờ ông này có dính dáng đến chuyện mất xác Thầy.
“Maria”: Đức Giêsu gọi tên bà với một cung giọng quen thuộc.
Bây giờ bà mới nhận ra Thầy và reo lên: “Rabbouni !”
Có những lời của Đức Giêsu được thực hiện.
“Ai tìm thì sẽ thấy”, “Ai khóc lóc sẽ được vui cười”.
Maria đi tìm xác Thầy, nhưng bà đã gặp được một điều quý hơn nhiều,
đó là chính Thầy đang sống.
Maria đã khóc lóc, nhưng niềm vui bà gặp được lớn hơn nhiều.
 

Chẳng có giọt nước mắt nào là vô ích trước mặt Thiên Chúa.
Hãy nếm niềm vui bất ngờ của Maria.
Bà được Chúa sai đến với các môn đệ, cũng là anh em của Ngài.
Bà gói ghém kinh nghiệm bà mới trải qua trong một câu đơn giản:
“Tôi đã thấy Chúa !” và Chúa đã nói với tôi (c. 18).
Chúng ta không thể nào làm chứng cho Chúa Giêsu nếu không có kinh nghiệm này.
Thấy Chúa và nghe được Chúa nói: đó là ước mơ của chúng ta trong cầu nguyện.
Nhưng đừng quên Maria đã yêu cách nồng nhiệt và can đảm
và đã đau khổ tìm kiếm Thầy Giêsu.

Cầu nguyện:

Lạy Chúa Giêsu phục sinh
xin ban cho con sự sống của Chúa,
sự sống làm đời con mãi mãi xanh tươi.
Xin ban cho con bình an của Chúa,
bình an làm con vững tâm giữa sóng gió cuộc đời.
 

Xin ban cho con niềm vui của Chúa,
niềm vui làm khuôn mặt con luôn tươi tắn.
Xin ban cho con hy vọng của Chúa,
hy vọng làm con lại hăng hái lên đường.
Xin ban cho con Thánh Thần của Chúa,
Thánh Thần mỗi ngày làm mới lại đời con.

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

(phutcaunguyen.net)

++++++++++++++++++

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên

11 THÁNG TƯ

Đức Tin Của Chúng Ta Bật Ra Từ Chứng Từ Của Các Thị Chứng Nhân

Luca, tác giả Sách Tin Mừng, kể tiếp: “Rồi Người mở trí cho họ hiểu Kinh Thánh” (Lc 24,45). Từ bài diễn từ của Phê-rô trong Sách Công Vụ Tông Đồ, chúng ta nhận ra việc Đức Kitô mở trí cho các Tông Đồ nắm hiểu sự thật về Tin Mừng đã có hiệu quả như thế nào.

Thật vậy, sau khi trình bày những biến cố nối kết với cái chết và cuộc Phục Sinh của Đức Kitô, Phê-rô tuyên bố với cư dân Giê-ru-sa-lem: “Như vậy là Thiên Chúa đã thực hiện những điều Người dùng miệng tất cả các ngôn sứ mà báo trước, đó là: Đấng Kitô của Người phải chịu khổ hình. Vậy anh em hãy sám hối và trở lại cùng Thiên Chúa, để Người xóa bỏ tội lỗi cho anh em” (Cv 3,18-20).

Trong những lời ấy của vị Tông Đồ, chúng ta nhận ra một âm vọng rõ ràng những lời của chính Đức Kitô. Chúng ta nhận ra Chúa Phục Sinh đã biến đổi tâm trí và cuộc sống của các Tông Đồ như thế nào qua việc truyền đạt sự thật của Người.

Đây là câu chuyện của đức tin chúng ta. Chúng ta nhận ra cách mà thế hệ chứng nhân đầu tiên của Đức Kitô – tức các Tông Đồ và các môn đệ – truyền đạt sứ điệp Tin Mừng căn bản. Nó bật ra trực tiếp từ chứng từ của những chứng nhân mắt thấy tai nghe cái chết và sự sống lại của Đức Kitô.

– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –

Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác

LIFT UP YOUR HEARTS

Daily Meditations by Pope John Paul II

+++++++++++++++++

Lời Chúa Trong Gia Đình

NGÀY 11/4

THỨ BA TRONG TUẦN BÁT NHẬT PHỤC SINH

Cv 2, 36-41; Ga 20, 11-18.

LỜI SUY NIỆM: “Hãy đi gặp anh em Thầy và bảo họ: Thầy lên cùng Chúa Cha của Thầy, cũng là Cha của anh em, lên cùng Thiên Chúa của Thầy cũng là Thiên Chúa của anh em.”

          Trong sự Phục Sinh của Chúa Giêsu, đối với Gioan ông thấy sự ngăn nắp, cẩn thận trong ngôi mộ trống “Ông đã thấy và đã tin”. Còn đối với Maria Mác-da-la, vì sự hoảng loạn tâm trí khi thấy ngôi mộ trống thì được chính Chúa Giêsu trực tiếp hiện ra và căn dặn những điều cần thiết,  Và được trở nên là người loan báo Tin Mừng Chúa Phục Sinh trước nhất.

          Lạy Chúa Giêsu. Xin cho mỗi người trong chúng con luôn vững tin và vui sống với niềm tin: Chúa Phục sinh. Amen.

Mạnh Phương

+++++++++++++++++

Gương Thánh Nhân

Ngày 11-04

Thánh STANISLAÔ
Giám Mục Tử Đạo (1030 – 1079)

Thánh Stanislaô được kính nhớ như vị Thánh bảo trợ thành Krakow ở Balan, nơi Ngài làm giám mục và hài cốt Ngài được lưu giữ ở nhà thờ chính tòa. Không có tường thuật đương thời nào về Ngài được coi là đầy đủ và các chi tiết về đời Ngài cũng không rõ rệt lắm. Người ta kể rằng: cha mẹ Ngài thuộc dòng dõi quí phái, nhưng lại hiếm muộn về đàng con cái. Sau nhiều lời cầu nguyện khẩn thiết, ngày 26 tháng 07 năm 1030, họ sinh được một người con trai và đặt tên là Stanislaô. Họ chú tâm đào luyện con mình theo những tập quán đạo hạnh khiến Stanislaô, từ nhỏ đã tỏ ra có tinh thần bác ái và nhiệt hành phụng sự Chúa.

Trong bầu khí đạo đức ấy, từ thuở nhỏ Stanislaô đã nghe rõ tiếng Chúa kêu gọi đi làm tông đồ Chúa. Trước hết Ngài đã theo học đại học tại triết học tại Đại học Gniezno. Sau đó Ngài sang Paris theo học Luật và thần học ở tu viện Lorranin trong bảy năm trời. Khi cha mẹ qua đời, Ngài phải trở về Balan.

Được thừa hưởng gia tài lớn cha mẹ để lại, nhưng thánh nhân đã quyết chí hiến thân phụng sự Chúa vì vậy Ngài đã đem của cải phân phát cho người nghèo khó rồi tiếp tục theo đưổi lý tưởng tu trì. Đức Giám mục Lampert đã phong chức Linh mục cho Stanislaô, năm 1062 và đặt làm Kinh sĩ tại nhà thờ chánh tòa địa phận.

Giữ chức vụ kinh sĩ, Stanislaô đã trở nên lừng danh về tài thuyết giảng và về chính đời sống gương mẫu thánh thiện của Ngài. Đức cha Lambert, toàn thể giáo sĩ và giáo dân đã bầu Stanislaô lên kế vị. Vì khiêm tốn, thánh nhân quyết không chịu nhận. Nhưng năm 1072, vâng lời đức thánh cha Alexandre II, Stanislaô đã nhận làm giám mục Krakow.

Đức cha Stanislaô là một giám mục thánh thiện và nhân hậu nhất là đối với những ai đau khổ và nghèo đói. Tuy nhiên, Ngài cũng tỏ ra là người can đảm đặc biệt. Vua Balan lúc ấy là Bôleslas II. Ong ta đã dùng sức mạnh khí giới để đạt tới vinh quang nhưng lại chịu bị khuất phục trước những tật xấu khủng khiếp. Hành vi độc ác của ông đã khiến cho người ta gọi ông là “kẻ độc ác”. Cả nước đều phải run sợ nhưng không ai dám mở lời can ngăn. Chỉ có một người, một vị thánh là Stanislaô đã dám đương đâu với sự giận dữ của nhà vua.

Sau khi cầu nguyện với tất cả tâm hồn, thánh nhân đến gặp nhà vua. Khiêm tốn nhưng đầy cương quyết, thánh nhân quyết định nói với ông ta tất cả những gì phải nói, Ngài trình bày cho nhà vua thấy trước những tội ác tày trời, gương mù trong vương quốc mà nhà vua gây nên, Ngài cũng nói cho nhà vua rõ những phán xét Thiên Chúa đang chờ đón. Vừa nghe, Bôleslas đã tỏ ra hối hận. Nhưng thật đang tiếc vì đây chỉ là một tình cảm chóng qua, Bôleslas lại trở nên man rợ như trước và còn thêm một tội ghen ghét vào những ác độc của ông.

Sau này, vua đã cướp vợ của một nhà quí phái để nhốt trong hoàng cung. Cơn giận lan ra khắp tỉnh nhưng dân chúng run sợ không ai dám mở miệng, thánh Stanislaô một lần nữa can đảm đến gặp Boleslas, cố gắng đưa ông trở về với những tình cảm chân chính. Ngài đe dọa, nếu còn cố chấp, nhà vua sẽ bị tuyệt thông. Run lên vì tức giận, nhà vua tìm kế sát hại thánh nhân.

Bôleslas biết Đức cha có mua một thuở đất để xây cất nhà thờ mà chỉ trao tiền trứơc mặt nhiều chứng nhân mà không làm chứng từ. Khi chủ nhân cũ qua đời, ông đe dọa các chứng nhân để họ phản chứng rồi tố giác Đức giám mục ra tòa. Mưu độc của ông bị thất bại. Vì sau ba ngày cầu nguyện thánh Stanislaô đã truyền đào mồ người chết và kêu ông dậy làm chứng sự thật.

Dầu vậy, Bôleslas vẫn không thay lòng đổi dạ đối với vị giám mục gan dạ Stanislaô. Ngày 08 tháng 5 năm 1079, khi thánh Stanislaô đang dâng thánh lễ tại thánh đường thánh Micae. Ông sai người đến sát hại thánh nhân. Cả ba nhóm binh sĩ lần lượt đến mà không hoàn thành được lệnh truyền, khiến chính nhà vua phải ra tay. Ông xông vào nhà thờ chém giết vị giám mục tại bàn thờ. Chưa đã thoả lòng giận dữ , ông còn chặt xác Ngài thánh ra làm nhiều khúc rồi vứt ra ngoài đồng cho chim trời rúc rỉa. Nhưng bốn ngày sau, trên trời chỉ có bốn cánh phương hoàng bay lượn ngăn cản tất cả không cho bất cứ con vật nào xâm phạm tới xác thánh.

Bấy giờ Boleslas mới tỉnh ngộ và hối lỗi. Ông cho tổ chức lễ an táng thánh Stanislaô rất trọng thể. Xác thánh liền lại như mới qua đời vì bệnh tật và được chôn cát tại nhà thờ chánh tòa Krakow.

(daminhvn.net)

+++++++++++++++++

11 Tháng Tư

Ðám Cưới Vĩ Ðại Nhất 

Một trong những đám cưới được xem là vĩ đại nhất trong lịch sử nhân loại đó là đám cưới của Alexandre Ðại đế với công chúa Roxane của Ba Tư vào thế kỷ thứ tư trước công nguyên.

Khi quyết định một người Á châu, dĩ nhiên, Alexandre theo tiếng gọi của con tim. Nhưng qua cuộc hôn nhân này, ông muốn biểu tỏ ý muốn thống nhất tất cả lãnh thổ đã được chinh phục từ Ðông sang Tây. Ông cũng hy vọng có một người con nối dõi với hai dòng máu Ðông Tây để thống nhất hai phần đất của địa cầu.

Ðám cưới được cử hành trong vòng bảy ngày, bảy đêm. Nơi nơi đều có yến tiệc. Và để tăng thêm phần long trọng, Alexandre đã cho tổ chức những cuộc tranh tài thể thao: thế vận hội đã được khai sinh từ đó. Chính Ðại đế là người đích thân trao giải thưởng cho những người thắng cuộc. Thông thường hoàng đế trao tặng những chiếc cúp bằng vàng. Nhưng, người được coi là đoạt được nhiều giải thưởng nhất trong cuộc thi thế vận hội đầu tiên ấy chỉ nhận được có mỗi một cành lá. Alexandre Ðại đế giải thích như sau: chỉ có vinh hiển mới có thể tưởng thưởng được người xuất sắc nhất.

Có một hôn lễ còn vĩ đại gấp bội so với hôn lễ của Alexandre Ðại đế với công chúa Roxane: đó là hôn lễ của Trời với Ðất, của Thiên Chúa với Nhân Loại. Ðây là cuộc hôn lễ mà loài người đã chờ đợi từ khi có mặt trên trái đất. Hôn lễ ấy diễn ra qua việc Con Thiên Chúa xuống thế mặc lấy xác phàm. Ngài đến không kèn không trống, không quân đội, không thế vận hội. Ngài không mang lại các cúp vàng, Ngài không chỉ trao cành lá vinh thắng cho một người, nhưng cho tất cả mọi người. Ai cũng có thể chiến thắng cho cuộc sống của mình và ai cũng có thể nhận lãnh cành lá vinh hiển ấy.

Ai trong chúng ta cũng có một phần thưởng vô giá, ai trong chúng ta cũng là người đoạt giải nhất và ai trong chúng ta cũng nhận được cành lá vinh hiển của sự sống đời đời.

Với Chúa Giêsu là Ðấng đã thắng thế gian và đang tiếp tục chiến đấu bên cạnh chúng ta, chúng ta tin chắc rằng chúng ta cũng sẽ chiến thắng.

(Lẽ Sống)

++++++++++++++++++

Lời Chúa Mỗi Ngày

Thứ Ba – Tuần BNPS

Bài đọc: Acts 2:36-41; Jn 20:11-18.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Tôi đã tìm thấy Chúa.

Đã mang thân phận con người, ai cũng có lầm lỡ. Thiên Chúa biết điều đó; vì thế, Ngài không chấp tội con người. Ngài không muốn con người phải chết trong tội, nhưng muốn họ ăn năn sám hối và được sống. Điều quan trọng là con người phải nhận ra những lầm lỡ của mình; đồng thời phải biết làm gì để đền bù những tội lỗi đó.

Các Bài Đọc hôm nay tập trung trong việc đi tìm và nhận ra Chúa. Trong Bài Đọc I, nhờ sự rao giảng của Phêrô, 3,000 người Do-thái đã nhận ra tội lỗi của mình và trở về với Thiên Chúa qua việc lãnh nhận Phép Rửa. Trong Phúc Âm, Bà Mary Magdala, người đã tìm thấy Chúa khi Ngài còn sống; và đã tìm thấy Chúa sau khi Ngài sống lại.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Chúng tôi phải làm gì?

1.1/ Thiên Chúa không chấp tội con người: Giết người vô tội đã là tội nặng, giết Con Thiên Chúa, Đấng yêu thương và lo lắng cho con người, là tội vô cùng nặng nề. Phêrô mở mắt cho người Do-thái nhận ra họ đã lầm khi kết án Chúa Giêsu Kitô: “Vậy toàn thể nhà Israel phải biết chắc điều này: Đức Giêsu mà anh em đã treo trên Thập Giá, Thiên Chúa đã đặt Người làm Đức Chúa và làm Đấng Kitô.”

Thiên Chúa sẽ đối xử thế nào với những ai vào hùa giết con của Ngài? Đây là câu hỏi mà chính Chúa Giêsu đã đặt ra cho họ trong ví dụ các tá điền được cho mướn đất làm vườn nho. Họ trả lời: “Ông chủ sẽ tru diệt chúng và giao vườn nho cho những ai biết sinh lợi.” Khi nhận ra tội của mình, người Do-thái đau đớn trong lòng, và hỏi ông Phêrô cùng các Tông Đồ khác: “Thưa các anh, vậy chúng tôi phải làm gì?”

1.2/ Hãy ăn năn sám hối và tin vào Tin Mừng: Đối với loài người, sẽ không có cơ hội thứ hai cho những người giết con Thiên Chúa. Đối với Thiên Chúa, Ngài cho họ có cơ hội thứ hai như Phêrô tuyên bố hôm nay: Họ phải làm hai việc:

(1) Lãnh nhận Phép Rửa: “Anh em hãy sám hối, và mỗi người hãy chịu Phép Rửa nhân danh Đức Giêsu Kitô, để được ơn tha tội; và anh em sẽ nhận được ân huệ là Thánh Thần. Thật vậy, đó là điều Thiên Chúa đã hứa cho anh em, cũng như cho con cháu anh em và tất cả những người ở xa, tất cả những người mà Chúa là Thiên Chúa chúng ta sẽ kêu gọi.”

(2) Tránh xa thế hệ gian tà: Ông Phêrô khuyên nhủ họ: “Anh em hãy tránh xa thế hệ gian tà này để được cứu độ.” Để bước theo đường lối của Thiên Chúa, con người cần tránh xa những sự sai lầm, giả trá, và biết sống theo sự thật. Chính sự sai lầm và không sống theo sự thật, những nhà lãnh đạo Do-thái đã luận tội Con Thiên Chúa.

2/ Phúc Âm: Cuộc hội ngộ giữa Chúa Giêsu và Bà Mary Magdala

2.1/ Mary Magdala tiếp tục tìm xác Chúa: Trình thuật này tiếp tục trình thuật Bà chạy về báo tin cho các môn đệ, và Phêrô cùng Gioan đã chạy ra mộ và chạy về. Bà vẫn quanh quẩn bên mộ Chúa vì thương mến, và có lẽ vì tội nghiệp Chúa đã phải chịu cái chết đau khổ như thế, mà giờ đây vẫn chưa hết đau khổ, vì con người vẫn chưa tha cho xác chết của Ngài.

(1) Mary thấy sứ thần Thiên Chúa, nhưng không nhận ra họ: Bà đứng ở ngoài, gần bên mộ, mà khóc. Bà vừa khóc vừa cúi xuống nhìn vào trong mộ, thì thấy hai thiên thần mặc áo trắng ngồi ở nơi đã đặt thi hài của Đức Giêsu, một vị ở phía đầu, một vị ở phía chân. Thiên thần hỏi bà: “Này bà, sao bà khóc?” Bà thưa: “Người ta đã lấy mất Chúa tôi rồi, và tôi không biết họ để Người ở đâu!”

(2) Mary nghe tiếng Chúa và nhìn thấy Chúa, nhưng không nhận ra Chúa: Đức Giêsu nói với bà: “Này Bà! sao bà khóc? Bà tìm ai?” Bà tưởng Chúa là người làm vườn, và nghĩ có thể ông đã lấy xác Chúa, liền nói với ông: “Thưa ông, nếu ông đã đem Người đi, thì xin nói cho tôi biết ông để Người ở đâu, tôi sẽ đem Người về.”

2.2/ Mary Magdala nhận ra Chúa Giêsu.

(1) Nhận ra Thiên Chúa không bằng những gì nghe và thấy bên ngoài, vì Bà đã nghe và thấy Chúa như trình bày ở trên; nhưng bằng sự rung động từ trong trí óc và con tim. Thánh sử Gioan mô tả phút giây hội ngộ giữa Chúa Giêsu và Mary Magdala thật ngắn ngủi, nhưng vô cùng tuyệt vời. Đức Giêsu gọi bà: “Mary!” Bà quay lại và nói bằng tiếng Do-thái: “Rabbouni!” Chỉ có hai con tim đang yêu mới hiểu được ý nghĩa tuyệt vời của hai tiếng gọi này. Sự kiện Chúa gọi tên Bà gợi lại cho bà nhiều điều: Chúa đang sống, Ngài nhận ra Bà, Ngài hiểu sự đau khổ của Bà, và Ngài yêu thương Bà. Nhận ra tiếng gọi thân thương của người mình yêu mến trong khi đang tuyệt vọng đi tìm, còn gì xúc động và vui mừng hơn, Bà quay lại để nhìn Chúa. Khi nhận ra Chúa, bà chạy đến, gieo mình xuống ôm chân Ngài, và sung sướng kêu lên “Thầy của con.”

(2) Yêu Chúa không phải giữ chặt Chúa, nhưng làm theo những gì Ngài muốn: Hành động của Mary Magdala như thầm nói với Chúa: “Con sẽ không để Thầy xa con nữa.” Nhưng Đức Giêsu bảo bà: “Thôi, đừng giữ Thầy lại, vì Thầy chưa lên cùng Chúa Cha. Nhưng hãy đi gặp anh em Thầy và bảo họ: “Thầy lên cùng Cha của Thầy, cũng là Cha của anh em, lên cùng Thiên Chúa của Thầy, cũng là Thiên Chúa của anh em.””

Khác với tình yêu con người, khi con người yêu ai, họ muốn giữ người họ yêu làm của riêng cho mình; tình yêu Thiên Chúa đòi con người tiếp tục cho Chúa đi, chứ không giữ Chúa lại làm của riêng cho mình. Con người tìm thấy niềm vui khi nhìn thấy mọi người yêu Chúa. Chúa Giêsu muốn bảo Mary: Nếu con thương Thầy, hãy làm cho nhiều người nhận biết Thầy! Thầy còn nhiều anh, chị, em mà con phải mang tin mừng đến cho họ.

(3) Bà Mary Magdala đi báo cho các môn đệ: “Tôi đã thấy Chúa!” và bà kể lại những điều Người đã nói với bà. Một khi đã tìm thấy và cảm nhận được tình yêu Thiên Chúa, con người trở thành kẻ hát rong, ca ngợi tình yêu Thiên Chúa cho mọi người được biết. Cuộc đời không còn gì lôi cuốn được người có tình yêu Thiên Chúa; họ sẽ không đánh đổi tình yêu này cho bất cứ điều gì. Chỉ có tình yêu này mới có sức mạnh đủ để họ làm chứng cho Chúa giữa bao nghịch cảnh: bắt bớ, roi đòn, tù đày, gươm giáo, và ngay cả cái chết.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

– Hãy tìm Chúa! Ngài sẽ cho gặp; nhưng gặp lúc nào và khi nào là hoàn toàn do ý của Thiên Chúa.

– Thiên Chúa ở ngay trong tâm hồn con người, như thánh Augustine thú nhận: “Ngài luôn ở bên con, thế mà con vất vả tìm Ngài khắp nơi.”

– Khi đã tìm được Chúa, chúng ta không thể ích kỷ giữ Ngài cho mình chúng ta; nhưng phải chia sẻ cho mọi người để tất cả đều tìm thấy và tin tưởng nơi Ngài.

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

****************