Ngày thứ ba (14-01-2020) – Trang suy niệm

13/01/2020

Lời Chúa Hôm Nay

Thứ Ba Tuần I Mùa Thường Niên Năm chẵn

BÀI ĐỌC I: 1 Sm 1, 9-20

“Chúa nhớ đến bà Anna và bà đã sinh Samuel”.

Trích sách Samuel quyển thứ nhất.

Trong những ngày ấy, tại Silô, sau khi ăn uống, Anna chỗi dậy. Thầy tư tế Hêli đang ngồi trên ghế trước cửa đền thờ Chúa, nhằm lúc Anna sầu khổ, khóc lóc thảm thiết cầu nguyện với Chúa và khấn xin rằng: “Lạy Chúa các đạo binh, nếu Chúa đoái nhìn đến nỗi khổ của nữ tỳ Chúa, và nhớ đến con, Chúa không quên nữ tỳ Chúa, và ban cho nữ tỳ Chúa một con trai, thì con sẽ dâng nó cho Chúa trọn đời, và dao cạo sẽ không chạm đến đầu nó”. Đang lúc Anna mải mê cầu nguyện trước mặt Chúa, thì Hêli để ý nhìn miệng bà. Vì Anna cầu nguyện thầm thĩ trong lòng, nên bà chỉ nhép môi, và không nói ra tiếng. Hêli tưởng bà say rượu, nên nói: “Chừng nào bà hết say? Bà hãy đi giã rượu đi!” Anna đáp lại rằng: “Thưa ông, tôi không khi nào uống rượu; vì tôi là người đàn bà vô phúc nhất, nên tôi không thể uống rượu và mọi chất làm cho say, nhưng tôi đã giãi bày tâm sự tôi trước nhan thánh Chúa. Ông đừng nghĩ rằng nữ tỳ của ông đây như một đứa con gái Bêlial; vì quá đau khổ và đắng cay, nên tôi đã tỏ bày tâm sự cho đến bây giờ. Bấy giờ Hêli nói: “Bà hãy về bình an, Thiên Chúa Israel sẽ ban cho bà điều bà xin”. Bà liền thưa: “Ước gì nữ tỳ của ông được đẹp lòng ông”. Bà lui ra ngoài, ăn uống và mặt bà không còn vẻ buồn sầu nữa. Sáng hôm sau, vợ chồng thức dậy, thờ lạy Chúa, rồi trở về nhà ở Ramtha.

Elcana ăn ở với bà Anna, và Chúa nhớ đến bà. Sau một thời gian, Anna có thai, sinh hạ một con trai và đặt tên là Samuel, vì bà đã xin Chúa ban nó cho bà. Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: 1 Sm 2, 1. 4-5. 6-7. 8abcd

A+B:Tâm hồn tôi nhảy mừng trong Chúa (c. 1a).

  1. A) Tâm hồn tôi nhảy mừng trong Chúa, và sức mạnh tôi được gia tăng trong Thiên Chúa tôi; miệng tôi mở rộng ra trước quân thù, vì tôi reo mừng việc Chúa cứu độ tôi. – Đáp.
  2. B) Chiếc cung những người chiến sĩ đã bị bẻ gãy, và người yếu đuối được mạnh khoẻ thêm. Những kẻ no nê phải làm thuê độ nhật, và những người đói khát khỏi phải làm thuê; người son sẻ thì sinh năm đẻ bảy, còn kẻ đông con nay phải héo tàn. – Đáp.
  3. A) Chúa làm cho chết và Chúa làm cho sống, Chúa đày xuống Âm phủ và Chúa dẫn ra. Chúa làm cho nghèo và làm cho giàu có, Chúa hạ xuống thấp và Chúa nâng lên cao. – Đáp.
  4. B) Từ nơi cát bụi, Chúa nâng người yếu đuối; từ chỗ phân nhơ, Chúa nhắc kẻ khó nghèo, để cho họ ngồi chung với các vương giả, và cho họ dự phần ngôi báu vinh quang. – Đáp.

A+B:Tâm hồn tôi nhảy mừng trong Chúa (c. 1a).

ALLELUIA: Tv 24, 4c và 5a

Alleluia, alleluia! – Lạy Chúa, xin dạy bảo con về lối bước của Chúa và xin hướng dẫn con trong chân lý của Ngài. – Alleluia. 

PHÚC ÂM: Mc 1, 21-28

“Ngài giảng dạy người ta như Đấng có uy quyền”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

(Đến thành Capharnaum), ngày nghỉ lễ, Chúa Giêsu vào giảng dạy trong hội đường. Người ta kinh ngạc về giáo lý của Người, vì Người giảng dạy người ta như Đấng có uy quyền, chứ không như các luật sĩ.

Đang lúc đó, trong hội đường có một người bị thần ô uế ám, nên thét lên rằng: “Hỡi Giêsu Nadarét, có chuyện gì giữa chúng tôi và ông? Ông đến để tiêu diệt chúng tôi sao? Tôi biết ông là ai: là Đấng Thánh của Thiên Chúa”. Chúa Giêsu quát bảo nó rằng: “Hãy im đi, và ra khỏi người này!” Thần ô uế liền dằn vật người ấy, thét lên một tiếng lớn, rồi xuất khỏi người ấy. Mọi người kinh ngạc hỏi nhau rằng: “Cái chi vậy? Đây là một giáo lý mới ư? Người dùng uy quyền mà truyền lệnh cho cả các thần ô uế, và chúng vâng lệnh Người”. Danh tiếng Người liền đồn ra khắp mọi nơi, và lan tràn khắp vùng lân cận xứ Galilêa. Đó là lời Chúa

(thanhlinh.net)

++++++++++++++++++

14/01/2020 – THỨ BA TUẦN 1 TN

Mc 1,21-28

ƯU TIÊN TÁI TRUYỀN GIÁO

Đức Giê-su và các môn đệ đi vào thành Ca-phác-na-um. Ngay ngày sa-bát, Người vào hội đường giảng dạy. (Mc 1,21)

Suy niệm: “Thời kỳ đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần”: Rao giảng Tin Mừng là một việc khẩn cấp không những phải làm ngay mà còn phải chọn đúng thời điểm và địa điểm để việc rao giảng mang lại hiệu quả tối ưu. Ngài đã chọn Ca-phác-na-um, một thành phố nằm trên bờ biển hồ Ti-bê-ri-a, làm trụ sở truyền giáo của Ngài. Và trong thành, hội đường, nơi người Do thái tập trung cầu nguyện, là một trong những địa điểm ưu tiên của Chúa. Còn thời điểm thích hợp là chính ngày sa-bát, ngày lễ nghỉ của người Do thái để thờ phượng Thiên Chúa. Chính trong khung cảnh ấy, Chúa Giê-su đã giảng dạy. Mà đối tượng ưu tiên Chúa phải rao giảng ngay lập tức là ‘những chiên lạc nhà Ít-ra-en’, những người đồng bào với Người.

Mời Bạn: Một lãnh vực hết sức quan trọng trong việc truyền giáo là tái truyền giáo. Biết bao người là ki-tô hữu nhưng niềm tin đã lung lay, cuộc sống đã lạc xa, thậm chí đi ngược với điều mình tuyên xưng. Với những người ấy, phải truyền giáo trước tiên. Khung cảnh cho công cuộc tái truyền giáo ấy là chính những nơi mà bạn đang sống, đang làm việc. Vậy bạn hãy bắt đầu truyền giáo ngay đi, ngay hôm nay, bắt đầu từ nơi nhà bạn.

Chia sẻ: Trong cộng đoàn, những giới nào (theo tuổi tác, nghề nghiệp, v.v…) đang cần được tái truyền giáo hơn cả?

Sống Lời Chúa: Bạn hãy tái truyền giáo cho gia đình mình bằng cách trung thành đọc kinh chung trong gia đình.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin thêm lòng nhiệt thành cho con, để con hăng say dấn thân vào công việc rao giảng Tin Mừng mà không quản ngại khó khăn.

(5 Phút Lời Chúa)

++++++++++++++++++

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên

14 THÁNG GIÊNG

Thiên Chúa Muốn Con Người Quan Hệ Mật Thiết Với Nhau

Việc thực thi công bằng – là nền tảng của đời sống xã hội – không hề giới hạn hay cương tỏa tự do của nhân vị khi việc ấy không đi ngược lại bản tính con người và không độc đoán. Trái lại, nó giúp đỡ và hướng dẫn cho người ta, nam cũng như nữ, thực hiện những quyết định của riêng mình một cách phù hợp với thiện ích chung. Đời sống hôn nhân và gia đình là những cơ chế tự nhiên như thế. Chúng bắt rễ trong chính sự hiện hữu của nhân vị. Và sự thiện hảo riêng của những cơ chế này sẽ là nhân tố cho sự thiện hảo của toàn xã hội. Chúng giúp người ta có được những sự chọn lựa tốt lành và đúng đắn.

Thật vậy, Hiến Chế Mục Vụ Gaudium et spes của Công Đồng Vatican II nêu rõ: “Thiên Chúa đã không dựng nên con người cô độc; bởi vì từ khởi thủy, ‘Ngài đã tạo dựng có nam có nữ’’ (St 1, 27). Sự liên kết giữa họ đã tạo nên một thứ cộng đoàn đầu tiên giữa người với người. Thực vậy, tự bản tính thâm sâu của mình, con người là một hữu thể có xã hội tính và nếu không liên lạc với những hữu thể khác thì con người sẽ không thể sống và phát triển tài năng mình.” (MV 12)

Đời sống hôn nhân và gia đình – nền tảng của xã hội – là những cơ chế mà toàn thể cộng đồng thế tục cũng như tôn giáo phải phục vụ cho. Nếu chúng ta nhận thức rằng “xã hội này của người nam và người nữ là mô hình đầu tiên của hiệp thông nhân vị”, chúng ta sẽ hoàn toàn chấp nhận rằng bất cứ hành động nào phục vụ cho đời sống hôn nhân và gia đình cũng có sức củng cố và làm phong phú hóa mọi cộng đồng khác và trên hết là toàn thể xã hội loài người.

– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –

Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác

LIFT UP YOUR HEARTS

Daily Meditations by Pope John Paul II

+++++++++++++++++

Lời Chúa Trong Gia Đình

Ngày 14/1

1Sm 1,9-20; Mc 1, 4.21b-28.

Lời Suy Niệm: Đức Giêsu quát mắng nó: “Câm đi, hãy xuất khỏi người này!” Thần ô-uế lay mạnh người ấy, thét lên một tiếng và xuất khỏi anh ta.

          Lời Chúa hôm nay cho chúng ta thấy được, đối với những tà thần dầu chúng có công khai nói lên danh tánh của Chúa, công bố quyền năng của Người đi nữa; đều bị Chúa Giêsu ngăn cấm và xua đuổi chúng ra khỏi nơi chốn mà con người đang đi theo Chúa.

          Lạy Chúa Giêsu. Xin Chúa gìn giữ chúng con để chúng con khỏi sa chước cám dỗ nhưng cứu chúng con cho khỏi mọi sự dữ. Amen

Mạnh Phương

+++++++++++++++++

14 tháng Giêng

 Xuống Ðường  

Thông thường, hai chữ “Xuống Ðường” gợi lên cho chúng ta hình ảnh của những chống đối, biểu tình, đôi khi mang tính cách bạo động trong đường phố. Nhưng cũng có những trường hợp người ta “xuống đường” là để gặp gỡ, cảm thông với người khác, nhất là những người không nhà không cửa, những người sống bên lề đường, những người bị đẩy ra bên lề xã hội cách này hay cách khác: Ðó là trường hợp “xuống đường” của một số giáo dân thuộc xứ Saint Leu Gilles thuộc phận 16 của thủ đô Paris Pháp quốc.

 Từ 8 năm qua,  một số giáo dân thuộc xứ trên đây đã tụ họp lại để thành lập một hiệp hội có tên là “Giải phóng kẻ bị giam cầm”. Thật ra đây không phải là một chương trình xã hội quy tụ các nhà giáo, các cán sự xã hội để săn sóc cho những người đầu đường xó chợ, mà chỉ là một nhóm nhỏ gồm những tín hữu chỉ muốn xuống đường, ra khỏi bốn bức tường nhà thờ, hoặc mái ấm gia đình để đến gặp gỡ, trò chuyện với những người đứng đường như các cô gái điếm, những người nghiện ngập. Mục đích duy nhất của những gặp gỡ này chính là thiết lập tình thân hữu với những người mà ai cũng ghét bỏ.

 Một thanh niên thường xuyên đến gặp gỡ với những cô gái điếm ở đường Saint Denis đã giải thích như sau: “Trước mặt Chúa, chúng ta cũng như những cô gái điếm đứng đường, nhưng chúng ta biết rằng Chúa yêu thương chúng ta bên kia tất cả những hành động đĩ diếm của chúng ta. Các cô gái điếm đánh động lương tâm đang ngủ yên của chúng ta. Họ mời gọi chúng ta hãy tự đặt vào trong cái nhìn của Chúa và đừng bao giờ kết án ai.”

 Mục đích của những người xuống đường trên đây không hẳn là thuyết phục những người lầm đường lạc lối, ăn năn hối cải và quay về với chính lộ. Tất cả cố gắng của họ chỉ là nói với các cô gái điếm, những người nghiện ngập, những kẻ lang thang đầu đường xó chợ rằng: Thiên Chúa là Tình Yêu, Thiên Chúa yêu thương tất cả mọi người. Ðể bày tỏ sứ điệp ấy, những người làm công tác tông đồ này chỉ có mỗi một động tác là lắng nghe, hỏi han với tất cả yêu thương và cảm thông.

 Nếu có một thứ hoán cải, thì chính những người trong xã hội phải là những người đầu tiên hoán cải: hoán cải trong thái độ sống đối với người khác, hoán cải trong cái nhìn đối với người khác. Chúa Giêsu đã từng nói: Các cô gái điếm sẽ vào Nước Chúa trước các ngươi. Phải chăng, khi xuống đường  đến với người khác, những người bị bỏ rơi trong xã hội, chính chúng ta không là những người cải hóa cho Tin Mừng?

(Lẽ Sống)

++++++++++++++++++

Lời Chúa Mỗi Ngày

Thứ Ba Tuần I TN2

Bài đọc: I Sam 1:9-20; Mk 1:21-28.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Uy quyền của Thiên Chúa

Để có thể thuyết phục người khác, người rao giảng cần có uy quyền trong lời nói cũng như trong hành động. Ngoài sự thông hiểu về đề tài và cách suy luận, người rao giảng còn phải biết cách trình bày sao cho sáng sủa, gọn gàng, và dễ hiểu. Tuy nhiên, “lời nói chỉ mới lung lay;” muốn hoàn toàn thuyết phục khán giả, người rao giảng cần phải sống những lời mình rao giảng hay cần những người khác làm chứng cho mình.

Các Bài Đọc hôm nay tập trung trong uy quyền của Thiên Chúa và của Chúa Giêsu. Trong Bài Đọc I, năm chẵn, Thiên Chúa thấu hiểu tâm trạng sầu khổ của bà Hannah; nên đã ban cho Bà một người con trai, sau này sẽ trở thành ngôn sứ của Thiên Chúa. Trong Phúc Âm, khán giả của Chúa Giêsu nhận ra ngay sự khác biệt giữa Chúa Giêsu và các kinh-sư, khi họ nói: “Thế nghĩa là gì? Giáo lý thì mới mẻ, người dạy lại có uy quyền. Ông ấy ra lệnh cho cả các thần ô uế và chúng phải tuân lệnh!”

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I (năm chẵn): “Tôi đã xin Đức Chúa được nó.”

1.1/ Tâm trạng đau khổ của bà Hannah: Đối với những bà mẹ có con quá dễ dàng, họ không thể nào hiểu được tâm trạng của những bà mẹ không con, như bà Hannah hôm nay. Bà khao khát một người con để có thể trở thành một người mẹ. Bà biết chỉ một mình Thiên Chúa, Đấng có quyền trên sự sống, mới có thể làm điều này, nên Bà cầu nguyện lâu giờ trước nhan Đức Chúa; đến nỗi thầy cả Eli tưởng Bà say rượu nên bảo bà: “Bà còn say đến bao giờ? Hãy lo dã rượu đi!” Vừa đau khổ lại còn bị Thầy Cả nghĩ lầm là say rượu, bà Hannah trả lời rằng: “Không, thưa ngài, tôi chỉ là một người đàn bà tâm thần đau khổ. Tôi đã không uống rượu và đồ uống có men, tôi chỉ thổ lộ tâm can trước nhan Đức Chúa. Xin đừng coi nữ tỳ ngài đây là đứa vô lại: chỉ vì quá lo âu phiền muộn mà tôi đã nói cho đến bây giờ.”

Có một điều kỳ lạ trong lịch sử của Cựu Ước cũng như Tân Ước và kinh nghiệm cuộc đời là rất nhiều người ý thức được sự lựa chọn của Thiên Chúa trước khi họ có mặt hay đang khi còn là bào thai trong bụng mẹ (Sampson, Samuel, Isaiah, John Baptist). Trong những hoàn cảnh như thế, người mẹ thường bị hiếm hoi lâu năm; và có khi phải đương đầu với nguy hiểm khi sinh con. Các người mẹ ý thức rõ sự can thiệp của Thiên Chúa; nên họ yêu thương và chăm sóc con kỹ lưỡng, trước khi dâng con để chúng tận hiến cuộc đời cho Ngài. Trường hợp điển hình là của bà Hannah hôm nay, Bà có ý dâng con cho Thiên Chúa ngay từ khi chưa có mặt trên đời. Bà khấn hứa rằng: “Lạy Đức Chúa các đạo binh, nếu Ngài đoái nhìn đến nỗi khổ cực của nữ tỳ Ngài đây, nếu Ngài nhớ đến con và không quên nữ tỳ Ngài, nếu Ngài cho nữ tỳ Ngài một mụn con trai, thì con sẽ dâng nó cho Đức Chúa mọi ngày đời nó, và dao cạo sẽ không đụng tới đầu nó.” Truyền thống Do-thái gọi những người được thánh hiến này là Nazarites, họ sẽ không ăn hay uống những thứ có men, và không cắt tóc hay cạo râu trong một thời gian dài hay cả cuộc đời.

1.2/ Thiên Chúa có uy quyền đổi vận mạng cho con người: Thiên Chúa thấu hiểu tâm trạng của bà mẹ đau khổ, và cũng đã có một kế hoạch sắp sẵn cho đứa trẻ sẽ ra đời; nên qua miệng thầy cả Eli, Ngài an ủi Bà: “Bà hãy đi về bình an. Xin Thiên Chúa của Israel ban cho bà điều bà đã xin Người!” Nhận được lời chúc lành của Thầy Cả, Bà Hannah vui vẻ ra về với chồng. Ít lâu sau khi ăn nằm với chồng, Bà thụ thai và sinh một con trai như lời Thầy Eli chúc lành. Bà Hannah biết rõ đứa trẻ từ đâu tới qua việc đặt tên cho con là Samuel (tiếng Do-thái có nghĩa là quà tặng của Thiên Chúa), hay như lời Bà nói: “Tôi đã xin Đức Chúa được nó.” Trong Tân Ước cũng có một trường hợp tương tự: Bà Elisabeth đặt tên cho con là John (chữ viết tắt của tiếng Hy-lạp, Jeho-hannah, quà tặng của Thiên Chúa).

2/ Phúc Âm: Thế nghĩa là gì? Giáo lý thì mới mẻ, người dạy lại có uy quyền.

2.1/ Thiên hạ sửng sốt về lời giảng dạy của Người: “vì Người giảng dạy như một Đấng có thẩm quyền, chứ không như các kinh-sư.” Qua lời nhận xét này, khán giả đã nhận ra ngay sự khác biệt giữa Chúa Giêsu và các kinh-sư:

– Đấng có thẩm quyền: Người biết rõ vấn đề chứ không dựa theo người khác. Điều này dễ hiểu nếu chúng ta nhìn nhận Đức Kitô chính là sự khôn ngoan hay trí tuệ của Thiên Chúa. Ngài biết mọi sự xảy ra trong quá khứ, hiện tại, và tương lai. Nhiều lần trong Tin Mừng, Chúa Giêsu đã thẳng thắn sửa chữa sự hiểu sai của truyền thống: “Người xưa dạy… phần Thầy, Thầy dạy các con… ” Còn các kinh-sư, họ chỉ hiểu phần nào của vấn đề chứ không thông suốt tất cả. Họ phải dựa vào thẩm quyền của Kinh Thánh để biện minh cho những lời giải thích của họ, chứ không dám đưa ra một giáo lý gì mới cả.

2.2/ Chúa Giêsu có uy quyền trên các thần ô uế: Trình thuật kể: trong hội đường của họ, có một người bị thần ô uế nhập, la lên rằng: “Ông Giêsu Nazareth, chuyện chúng tôi can gì đến ông mà ông đến tiêu diệt chúng tôi? Tôi biết ông là ai rồi: ông là Đấng Thánh của Thiên Chúa!”

Người Do-thái tin có rất nhiều thần ô uế trong thế giới, và chính Chúa Giêsu đã nhiều lần trục xuất các thần ô uế khỏi con người, điển hình là trình thuật hôm nay. Các thần ô uế này có thể là oan hồn của các kẻ gian ác chưa được giải thoát, hay dựa trên trình thuật của Gen 6:1-4.

(1) Ông là “Đấng Thánh” của Thiên Chúa: Thần ô uế biết rõ nguồn gốc và mục đích của Chúa Giêsu. Nguồn gốc: Chúa Giêsu đến từ Thiên Chúa. Mục đích: Ngài đến để tiêu diệt tội lỗi và các kẻ gây ra tội lỗi; không những thế, Ngài còn khôi phục lại sự thánh thiện của con người, làm cho họ xứng đáng được hưởng nhan thánh Chúa.

(2) Chúa Giêsu truyền lệnh: “Câm đi, hãy xuất khỏi người này!” Thần ô uế lay mạnh người ấy, thét lên một tiếng, và xuất khỏi anh ta.

(3) Phản ứng của con người: Mọi người đều kinh ngạc đến nỗi họ bàn tán với nhau: “Thế nghĩa là gì? Giáo lý thì mới mẻ, người dạy lại có uy quyền. Ông ấy ra lệnh cho cả các thần ô uế và chúng phải tuân lệnh!”

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

– Vì Chúa Giêsu đã chịu chết để phục hồi phẩm giá nguyên thủy cho con người, chúng ta cần bắt chước Chúa Giêsu để tiêu diệt và tránh xa ảnh hưởng của các thần ô uế.

– Chúng ta thường biết quí trọng những gì đã cưu mang và cầu xin lâu ngày, và Thiên Chúa cũng muốn chúng ta ý thức rõ những điều chúng ta xin; nên nhiều khi Ngài không ban ngay, nhưng muốn chúng ta một thời gian chờ đợi.

– Để có thể thuyết phục người khác tin vào Chúa, chúng ta cần thông suốt những gì Chúa dạy trước khi có thể rao truyền Tin Mừng cho người khác. Một cuộc sống theo những đòi hỏi của Tin Mừng sẽ dễ dàng thuyết phục những người khác tin vào Thiên Chúa hơn là chỉ thuần túy rao giảng.

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

****************