Ngày thứ ba (14-08-2018) – Trang suy niệm

13/08/2018

Lời Chúa Hôm Nay

Thứ Ba Tuần XIX Mùa Thường Niên Năm chẵn

BÀI ĐỌC I: Ed 2, 8 – 3, 4

“Người ban cho tôi cuốn sách ấy làm lương thực: nó trở nên ngọt ngào như mật trong miệng tôi”.

Trích sách Tiên tri Êdêkiel.

Chúa phán như thế này: “Phần ngươi, hỡi con người, hãy nghe các lời Ta sẽ phán cùng ngươi; ngươi chớ phản nghịch như loài phản nghịch kia. Hãy mở miệng mà ăn những sự Ta sẽ ban cho ngươi”. Tôi nhìn, thì có một bàn tay đưa về phía tôi, trong tay có cuốn sách cuộn lại. Người mở cuốn sách ra trước mặt tôi: sách viết cả mặt trong, mặt ngoài. Trong sách viết những lời than van, rên rỉ và kêu trách.

Người phán cùng tôi rằng: “Hỡi con người, ngươi hãy ăn sự ngươi tìm được. Hãy ăn cuốn sách này và đi nói với con cái Israel”. Tôi mở miệng và Người cho tôi ăn cuốn sách ấy và bảo tôi rằng: “Hỡi con người, hãy lấy cuốn sách Ta ban cho ngươi làm lương thực mà ăn cho no”. Tôi ăn và nó trở nên ngọt ngào như mật trong miệng tôi. Và Người phán cùng tôi rằng: “Hỡi con người, hãy đi đến nhà Israel và nói cho chúng nghe những lời của Ta”. Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 118, 14. 24. 72. 103. 111. 131

Đáp: Các lời sấm của Chúa ngọt ngào trong cổ họng con là dường nào (c. 103a).

Xướng: 1)Con vui vì đường lối lời Ngài nghiêm huấn, dường bằng được mọi thứ giàu sang. – Đáp.

2)Vì lời nghiêm huấn của Ngài là điều con ưa thích, các thánh chỉ của Ngài là những bậc cố vấn của con. – Đáp.

3)Đối với con, luật pháp do miệng Chúa đáng chuộng hơn vàng bạc châu báu muôn ngàn. – Đáp.

4)Các lời sấm của Ngài ngon ngọt thay cho cổ họng con, ngọt hơn cả mật ong đổ miệng con. – Đáp.

5)Lời Ngài nghiêm huấn là sản nghiệp của con muôn đời: vì những điều đó khiến cho lòng con hoan hỉ. – Đáp.

6)Con há miệng để hút nguồn sinh khí, vì con ham muốn những chỉ thị của Ngài. – Đáp.

ALLELUIA: 1 Sm 3, 9

Alleluia, alleluia! – Lạy Chúa, xin hãy phán, vì tôi tớ Chúa đang lắng tai nghe: Chúa có lời ban sự sống đời đời. – Alleluia. 

PHÚC ÂM: Mt 18, 1-5. 10. 12-14

“Các con hãy coi chừng, đừng khinh rẻ một ai trong những kẻ bé mọn này”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy các môn đệ đến bên Chúa Giêsu mà hỏi: “Chớ thì ai là kẻ lớn nhất trong Nước Trời?” Chúa Giêsu gọi một trẻ nhỏ lại, đặt nó giữa các ông mà phán rằng: “Thật, Thầy bảo thật các con: nếu các con không hoá nên như trẻ nhỏ, các con sẽ không được vào Nước Trời. Vậy ai hạ mình xuống như trẻ nhỏ này, người ấy là kẻ lớn nhất trong Nước Trời.

“Và kẻ nào đón nhận một trẻ nhỏ như thế này vì danh Thầy, tức là đón nhận Thầy. Các con hãy coi chừng, đừng khinh rẻ một ai trong những kẻ bé mọn này, vì Thầy bảo các con, thiên thần của chúng trên trời hằng chiêm ngưỡng thánh nhan Cha Ta, Đấng ngự trên trời.

“Các con nghĩ sao? Nếu ai có một trăm con chiên mà lạc mất một con, thì người đó lại không bỏ chín mươi chín con trên núi, để đi tìm con chiên lạc sao? Nếu người đó tìm được, Thầy bảo thật các con, người đó sẽ vui mừng vì con chiên đó, hơn chín mươi chín con chiên không thất lạc. Cũng vậy, Cha các con trên trời không muốn để một trong những kẻ bé mọn này phải hư mất”.    Đó là lời Chúa.

(thanhlinh.net)

++++++++++++++++++

14/08/2018 – THỨ BA TUẦN 19 TN

Th. Mắc-xi-mi-li-a-nô Ma-ri-a Kôn-bê, linh mục, tử đạo

Mt 18,1-5.10.12-14

LỚN NHẤT TRONG NƯỚC TRỜI

“Ai tự hạ, coi mình như em nhỏ này, người ấy sẽ là kẻ lớn nhất trong Nước Trời.” (Mt 18,4)

Suy niệm: Các môn đệ xem ra bị ám ảnh bởi quan niệm lớn-bé, nhất-nhì, đến nỗi nhiều lần tranh cạnh nhau ra mặt và không úp mở đặt thẳng vấn đề với Chúa. Để trả lời, Chúa gọi một em bé đến đứng trước mặt các ông. Ta tưởng tượng các ông chưng hửng như thế nào! Trật tự trong Nước Trời khác hẳn trật tự trong trần thế. Chúa muốn các môn đệ của Ngài có tinh thần khiêm tốn nên đã cho các ông một bài học thiết thực. Chính sự tự hạ sẽ làm cho một người bé mọn nhất ở trần gian thành người lớn nhất trong Nước Trời.

Mời Bạn: Phải chăng bài học của Chúa không còn thích hợp với người thời nay nữa, bởi với nền kinh tế thị trường, đâu cũng chỉ thấy sự cạnh tranh ráo riết, hơn thua, đến nỗi người ta không chịu lép vế, ai cũng muốn mình phải hơn, phải thắng? Điều khó khăn nhất không phải là thắng người, mà là thắng chính mình, thắng được tính ích kỷ, kiêu căng của mình. Người như thế mới thật là người “vĩ đại”. Tục ngữ xưa dạy tinh thần nhún nhường: “Ai nhất thì tôi thứ nhì, ai mà muốn nữa, tôi thì thứ ba”.

Chia sẻ: Có khi nào bạn cảm nghiệm điều này: Khi muốn hơn người, tôi thấy lòng mất bình an. Ngược lại bạn có cảm nhận được khi nhún nhường, có một sự bình an sâu thẳm tuôn trào trong lòng bạn không?

Sống Lời Chúa: Thực hành Lời Chúa dạy: “Hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng” (Mt 11,29).

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin dạy con luôn sống khiêm tốn, nhỏ bé như Chúa đã sống và đã dạy chúng con. Amen.

(5 Phút Lời Chúa)

++++++++++++++++++

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên

14 THÁNG TÁM

Mục Đích Phổ Quát Của Con Người Trong Kế Hoạch Của Thiên Chúa

Tuy nhiên, Công Đồng không nhắm mắt trước những vấn đề ngổn ngang mà con người đối mặt khi phát triển trái đất, cả những vấn đề trong chính mình lẫn những vấn đề trong cuộc sống với người khác. Sẽ là thiếu thành thật nếu phớt lờ những vấn đề ấy; cũng vậy, sẽ là một sai lầm nếu trình bày các vấn đề ấy một cách không đúng đắn và không phù hợp qua việc không qui chiếu đến sự quan phòng và ý định của Thiên Chúa.

Công Đồng nói: “Ngày nay, tuy đã tự hào trước những khám phá và quyền lực mình, nhân loại vẫn thấy lo lắng thắc mắc về sự tiến hóa hiện nay của thế giới, về chỗ đứng và phận vụ của con người trong vũ trụ, về ý nghĩa của những cố gắng cá nhân cũng như tập thể, và sau hết về cùng đích của con người và muôn loài” (MV 3).

Rồi Công Đồng tiếp tục giải thích: “Cũng như trong bất cứ cơn khủng hoảng tăng trưởng nào, sự biến đổi này kéo theo những khó khăn không nhỏ. Chẳng hạn như đang khi bành trướng quá rộng quyền lực của mình, không phải lúc nào con người cũng có thể bắt nó phục vụ mình. Cố gắng đi sâu hơn vào thâm tâm mình, con người nhiều khi lại tỏ ra hoang mang hơn về chính mình. Dò dẫm tìm hiểu rõ hơn những luật lệ của đời sống xã hội, con người lại do dự không dám định đoạt hướng đi cho mình” (MV 4).

Một cách rất ấn tượng, Công Đồng nói về “những mâu thuẫn và chênh lệch” là hệ lụy của sự thay đổi “nhanh chóng và lộn xộn” trong các điều kiện kinh tế xã hội, trong tập quán, trong văn hóa, trong suy nghĩ và trong lương tâm con người, trong gia đình, trong các mối quan hệ xã hội, trong quan hệ giữa các nhóm, các cộng đồng và các quốc gia. Điều này gây ra “những ngờ vực và thù nghịch nhau, những xung đột và thống khổ mà chính con người là nguyên nhân và nạn nhân.” (MV 8-10).

Cuối cùng, Công Đồng vạch ra gốc rễ của vấn đề nói trên khi tuyên bố: “Những chênh lệch dày vò thế giới ngày nay gắn kết với một chênh lệch căn bản hơn phát xuất từ đáy lòng con người” (MV 10).

– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –

Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác

LIFT UP YOUR HEARTS

Daily Meditations by Pope John Paul II

+++++++++++++++++

Lời Chúa Trong Gia Đình

NGÀY 14/8

Thánh Maximilianô Maria Kolbê, linh mục tử đạo

Ed 2, 8-3,4; Mt 18, 1-5.10.12-14.

LỜI SUY NIỆM: “Thầy bảo thật anh em: nếu anh em không trở lại mà nên như trẻ nhỏ, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời, Vậy ai tự hạ, coi mình như em nhỏ này, người ấy sẽ là người lớn nhất Nước Trời.”

            Chúa Giêsu đang đòi hỏi nơi mỗi người Kitô hữu trưởng thành cần phải có lòng khiêm nhượng, nhận mình là bé nhỏ và trở nên bé nhỏ trước mặt Chúa và với hết mọi người hiện diện chung quanh mình, để tự hiến dâng đời mình cho Người và phục vụ anh em; luôn ý thức bổn phận và trách nhiệm về những hậu qủa của đời sống mình đã gieo vào lòng người khác, đặc biệt là đối với những trẻ em trong trắng.

            Lạy Chúa Giêsu. Xin Chúa cất khỏi lòng chúng con những điều làm ngăn trở, làm cho chúng con cách xa nhau và cách xa Chúa: Như kiêu ngạo, tự nâng mình lên, hạ người anh em xuống, vì sự ích kỷ; để chúng con dễ dàng vâng phục Chúa một cách trọn vẹn.

Mạnh Phương

+++++++++++++++++

14 Tháng Tám

Còn Tình Nào Cao Quý Hơn 

Vào khoảng cuối tháng 7/1941, một tù nhân đã trốn khỏi trại tập trung Auschwitz. Theo quy định của những người Ðức quốc xã đang điều khiển trại, cứ một tù nhân đào thoát, thì 10 người khác phải thế mạng.

Duyệt qua khu biệt giam, viên chỉ huy Fritsch trỏ tay vào hàng rào các tù nhân và ông đếm từ 1 đến 10. Mười người bị tử thần chiếu cố đã lần lượt tiến đến trước mặt người đồ tể. Người thứ mười đứng cạnh cha Maximiliano Kobel chợt la lên thảm thiết: “Vợ tôi, con tôi, trời ơi! Tôi sẽ không bao giờ gặp được vợ con tôi”. Cha Maximiliano Kobel đã kéo người tử tội thứ mười đó lại và ngài tiến ra đứng thế chỗ cho anh…

Sau này, Francis Gajownizcek, người đàn ông đã được cha Maximiliano Kobel chết thế đã kể lại: Tinh thần trong trại thay đổi hẳn. Sự kiện này đã tạo ra một ấn tượng cao đẹp vàsâu xa… Vị linh mục dòng Fanxico đó không những chỉ chia sẻ cho các bạn tù một mẩu bánh, vài muỗng xúp, nhưng là chính mạng sống của mình để chuộc mạng cho người khác…

Liên tiếp trong hai tuần, cha Maximiliano Kobel đã phải nhịn đói, nhịn khát để chờ chết. Cơn hấp hối kéo dài quá lâu khiến những người Ðức quốc xã không thể chờ đợi được. Sau cùng, viên lý hình đã kết thúc cuộc đời của cha bằng một mũi thuốc độc.

Thân xác của cha đã được hỏa táng và tro tàng đã được rắc trên đồng lúa như phân bón. Nguyện ước lúc thiếu thời của cha đã được thành tựu: “Tôi ước ao được hóa thành tro bụi vì Ðức Trinh Nữ Vô Nhiễm nguyên tội. Ước gì tro đó được reo rắc khắp nơi trên thế giới để không còn một mảnh thi hài nào còn sót lại…”.

Nhà tù nào cũng có thể là một hỏa ngục: hỏa ngục của hận thù, của ích kỷ, của phản bội. Có lẽ nhiều người Việt Nam đã và đang trải qua những hành hạ dã man gấp bội phần những gì đã diễn ra trong các trại tập trung thời Ðức quốc xã…

Nhà tù có thể là hỏa ngục, nhưng cũng có thể là Thiên Ðàng: Thiên Ðàng của hy sinh, nhẫn nhục, yêu thương, tha thứ, quảng đại… Biết bao nhiêu hoa thơm đã chớm nở trong cảnh khốn cùng ấy. Khốn khổ càng nhiều, hy sinh càng cao.
“Không có tình yêu nào cao quý bằng tình yêu của người thí mạng sống vì người mình yêu”. Chúa Giêsu đã tuyên bố như thế và Ngài đã đi đến cùng cam kết của Ngài. Cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá không những là sự thể hiện của sự độc ác dã man của con người, nó còn là dấu chỉ của mối tình của một người đã yêu và yêu cho đến cùng…

Cái chết hy sinh vì người khác, Chúa Giêsu muốn luôn được tiếp tục qua cuộc sống của người Kitô. Ðã có rất nhiều người đã lập lại cái chết đó qua suốt lịch sử của Giáo Hội và hiện nay, còn biết bao nhiêu người vẫn còn tái diễn cái chết đó qua những hy sinh hằng ngày của mình…

Hôm nay, chúng ta kính nhớ thánh Maximiliano Kobel, ngươòi đã chết thay cho một người bạn tù. Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã phong thánh cho ngài ngày 10/10/1982 và đặt ngài làm quan thầy của thời đại khó khăn. Kinh nghiệm của ngài chắc chắn đang tái diễn hằng ngày trong xã hội chúng ta, trong đó người Kitô không ngừng được mời gọi để quên mình và sống cho người khác.

(Lẽ Sống)

++++++++++++++++++

Lời Chúa Mỗi Ngày

Thứ Ba Tuần 19 TN2, Năm Chẵn

Bài đọc: Eze 2:8-3:4; Mt 18:1-5, 10, 12-14

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Lãnh đạo theo kiểu của Thiên Chúa.

Nước mất nhà tan phần lớn là do tội của những nhà lãnh đạo không biết cách cai trị dân chúng. Thay vì phải cai trị dân chúng trong công bằng và thương yêu, họ đối xử bất công và gây chia rẽ trong mọi giới. Thay vì chú trọng đến việc phát triển quốc gia và nâng cao đời sống dân chúng, họ bằng lòng chỉ để ý đến lợi nhuận và hưởng thụ.

Các bài đọc hôm nay dạy cho con người biết cách lãnh đạo làm sao để mang lại hòa bình và cơm no áo ấm cho dân. Trong bài đọc I, Đức Chúa dạy cho ngôn sứ Ezekiel điều quan trọng nhất trong cách lãnh đạo là vâng lời Ngài. Cứng lòng và phản loạn chỉ chuốc lấy thiệt hại vào thân và mang đất nước đến chỗ thảm bại và lưu đày. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu dạy cho các môn đệ biết người lớn nhất trong Nước Trời là người biết khiêm nhường như trẻ nhỏ để biết lắng nghe Lời Chúa và để phục vụ mọi người. Ông cũng phải có lòng thương yêu để đi tìm con chiên lạc.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Ngôn sứ phải biết vâng lời nói những gì Thiên Chúa muốn.

1.1/ Thị kiến về cuốn sách: Vì vua quan cũng như dân chúng không chịu thờ phượng Đức Chúa và tuân giữ những điều Ngài truyền, nên tất cả phải lãnh hậu quả là nước mất nhà tan, Đền Thờ bị phá hủy, và toàn dân bị đem đi lưu đày. Trong thời gian bị lưu đày bên Babylon, các ngôn sứ của Đức Chúa đã không ngừng loan báo cho dân biết Chúa sẽ cứu đám tàn dân còn lại, và cho họ hồi hương trở về kiến thiết xứ sở và xây dựng lại Đền Thờ. Để được như thế, họ phải nghe lời các ngôn sứ.

Liên tiếp các trình thuật về ơn gọi làm ngôn sứ, một người có thể thấy sự quan trọng của Lời Chúa trong sứ vụ ngôn sứ. Trong ơn gọi làm ngôn sứ của Isaiah, sứ thần của Đức Chúa đã thanh tẩy ông bằng cách gắp một cục than hồng cho chạm vào miệng để thanh tẩy ông. Trong Jeremiah, Chúa truyền cho ông ăn cuốn sách nhỏ. Và hôm nay trong Ezekiel, Chúa truyền cho ông ăn cả cuộn sách: “Còn ngươi, hỡi con người, hãy nghe điều Ta sắp nói với ngươi, đừng phản loạn như nòi phản loạn ấy! Mở miệng ra mà ăn cái Ta sắp ban cho ngươi.”

Trong cuộn sách Thiên Chúa trao có cả qúa khứ đau buồn lẫn tương lai hy vọng. Những trang viết mặt trước có thể là những gì sắp tới trong tương lai, những trang viết mặt sau có thể là những gì đã xảy ra trong quá khứ. Tiên tri tường thuật: “Tôi nhìn, thì kìa có bàn tay đưa về phía tôi, bàn tay đó cầm một cuộn sách rồi mở ra trước mặt tôi; sách được viết cả mặt trước lẫn mặt sau, trong đó có viết những khúc ai ca, những lời than vãn và những câu nguyền rủa.”

1.2/ Ezekiel vâng lời Thiên Chúa ăn cuốn sách: Thái độ của ngôn sứ Ezekiel vâng lời ăn cuốn sách ngược lại với giống nòi phản loạn không chịu nghe lời Thiên Chúa. Lời của Chúa đã trở thành lời của Ezekiel. Cuốn sách ngọt như mật có ý muốn nói đến sự dịu ngọt của Lời Chúa. Khi đã thấm nhuần Lời Chúa rồi, ngôn sứ Ezekiel mới có thể đi rao truyền Lời Chúa cho nhà Israel được.

2/ Phúc Âm: Ai tự hạ, coi mình như em nhỏ này, người ấy sẽ là người lớn nhất Nước Trời.

2.1/ Khiêm nhường là điều kiện để được vào Nước Trời.

(1) Tham vọng của con người: Các môn đệ lại gần hỏi Đức Giêsu rằng: “Thưa Thầy, ai là người lớn nhất trong Nước Trời?” Các môn đệ hỏi câu hỏi này vì các ông đã quá quen với tiêu chuẩn và giá trị của thế gian: tiêu chuẩn của thế gian là địa vị, danh vọng, và quyền hành; người có giá trị là người có địa vị và quyền hành lớn nhất, chẳng hạn như vua hay một nguyên thủ của quốc gia. Có thể nói mục đích của các môn đệ khi theo Chúa lúc đầu là để được cùng thống trị với Chúa, khi Ngài khôi phục vương quốc Israel. Tham vọng này được chứng minh khi mẹ và hai anh em Giacôbê và Gioan đến xin Chúa cho một người ngồi bên phải và một người ngồi bên trái Chúa khi Ngài trị vì. Mười tông-đồ kia bất mãn với hai anh em về yêu cầu này.

(2) Điều kiện để được vào Nước Trời: Đức Giêsu liền gọi một em nhỏ (paidíon) đến, đặt vào giữa các ông và bảo: “Thầy bảo thật anh em: nếu anh em không trở lại mà nên như trẻ nhỏ, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời. Vậy ai tự hạ, coi mình như em nhỏ này, người ấy sẽ là người lớn nhất Nước Trời.” Hai tư tưởng chính Chúa Giêsu muốn các môn đệ hiểu ở đây: Thứ nhất, tiêu chuẩn và giá trị của Nước Trời hoàn toàn khác với tiêu chuẩn của thế gian. Thứ hai, để được vào Nước Trời, con người phải hạ mình và trở nên như một trẻ nhỏ.

2.2/ Người mục tử nhân lành: Vẫn trong chiều hướng dạy dỗ các môn đệ làm quen với tiêu chuẩn và giá trị của Nước Trời, Chúa Giêsu tiếp tục dạy các ông hai bài học:

(1) Đừng khinh thường kẻ bé mọn: “Anh em hãy coi chừng, chớ khinh một ai trong những kẻ bé mọn này; quả thật, Thầy nói cho anh em biết: các thiên thần của họ ở trên trời không ngừng chiêm ngưỡng nhan Cha Thầy, Đấng ngự trên trời.”

Thế gian chú trọng đến những người có địa vị, quyền thế, và giầu có; Chúa dạy các môn đệ phải thương xót và săn sóc những kẻ bé mọn (mikros). Tĩnh từ Hy-lạp dùng như danh từ ở đây khác với danh từ dùng cho trẻ nhỏ ở trên (paidíon), tĩnh từ này được dùng để chỉ:

– những người có thân hình nhỏ bé: trẻ thơ, người lùn;

– những người không quan trọng, không có địa vị trong xã hội, người nghèo khó, thất học.

Người môn đệ của Đức Kitô phải biết đứng về phía những kẻ cô thân cô thế để bênh vực và giúp đỡ họ như những con cái của Thiên Chúa. Mỗi người này đều có một thiên thần hộ thủ để bênh vực cho họ trước Thiên Chúa. Ai khinh thường và làm hại họ, thiên thần sẽ tường thuật cho Thiên Chúa (x/c Tob 3:8-9, 12:12-14).

(2) Phải đi tìm con chiên lạc: Chúa tiếp tục dạy các môn đệ: “Anh em nghĩ sao? Ai có một trăm con chiên mà có một con đi lạc, lại không để chín mươi chín con kia trên núi mà đi tìm con chiên lạc sao? Và nếu may mà tìm được, thì Thầy bảo thật anh em, người ấy vui mừng vì con chiên đó, hơn là vì chín mươi chín con không bị lạc.”

Người của thế gian chú trọng đến đám đông để được phổ thông và nổi tiếng; họ không thể hiểu nổi tại sao lại bỏ 99 con chiên trên núi để đi tìm con chiên lạc. Thiên Chúa như một người cha yêu thương chú trọng đến từng cá nhân một, nhất là những con chiên bị lạc đường. Ngài biết từng con chiên, yêu thương từng con chiên, không thỏa mãn cho đến khi tìm được con chiên lạc, và chỉ vui mừng khi thấy tất cả chiên được qui tụ về một đàn dưới quyền của một Chúa chiên.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

– Nhà lãnh đạo thành công trước hết là người biết lắng nghe Lời Chúa, sau đó phải tìm mọi dịp để rao truyền và áp dụng những lời này trong cuộc sống để sinh ích cho mọi người.

– Trở nên như trẻ thơ không phải làm tất cả những gì chúng làm, nhưng biết khiêm nhường hạ mình trước mặt Thiên Chúa và tin tưởng hoàn toàn vào sự quan phòng của Ngài.

– Nhà lãnh đạo theo tiêu chuẩn của Thiên Chúa không phải là người đứng chỉ tay năm ngón, nhưng biết yêu thương và phục vụ mọi người, nhất là những người cô thân cô thế. 

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

****************