Ngày thứ ba (17-11-2020) – Trang suy niệm

16/11/2020

Lời Chúa Hôm Nay

Thứ Ba Tuần XXXIII Mùa Thường Niên Năm chẵn

BÀI ĐỌC I:   Kh 3, 1-6. 14-22

“Ai mở cửa cho Ta, Ta sẽ vào dùng bữa tối ở nhà người ấy”.

Trích sách Khải Huyền của Thánh Gioan Tông đồ. 

Tôi là Gioan, tôi đã nghe Chúa phán bảo tôi rằng: “Hãy viết cho thiên thần Giáo đoàn Sarđê rằng: ‘Đây là lời Đấng có bảy thần linh Thiên Chúa và bảy ngôi sao: Ta biết các việc của ngươi làm; ngươi có tiếng là đang sống, nhưng ngươi đã chết. Hãy lo tỉnh dậy, hãy bồi dưỡng chút sinh khí sắp tàn. Vì Ta không thấy các việc ngươi làm trọn hảo trước mặt Thiên Chúa Ta. Vậy hãy nhớ lại ngươi đã đón nhận và nghe lời Chúa thế nào, hãy giữ lấy lời ấy và hãy ăn năn hối cải. Vì nếu ngươi không tỉnh thức, Ta sẽ đến với ngươi như một kẻ trộm, ngươi sẽ không biết giờ nào Ta sẽ bất chợt đến cùng ngươi. Nhưng tại Sarđê ngươi có một số người đã không làm dơ bẩn áo của họ; và họ sẽ tháp tùng Ta trong bộ áo trắng của họ vì họ xứng đáng. Như vậy kẻ chiến thắng sẽ mặc áo trắng, và Ta sẽ không xoá bỏ tên người ấy khỏi Sách hằng sống, và Ta sẽ tuyên danh người ấy trước mặt Cha Ta và các thiên thần Người. Ai có tai thì hãy nghe điều Thần linh phán với các giáo đoàn.

“Hãy viết cho giáo đoàn Laođicia rằng: ‘Đây là lời của Amen, chứng nhân trung thực, nguyên thuỷ công trình sáng thế của Thiên Chúa. Ta biết các việc làm của ngươi: ngươi không lạnh mà cũng không nóng; phải chi ngươi lạnh hẳn hoặc nóng hẳn đi! Bởi vì ngươi hâm hẩm, không lạnh không nóng, nên Ta sẽ mửa ngươi ra khỏi miệng Ta. Bởi vì ngươi nói rằng: Tôi giàu có, tôi sung túc, tôi không thiếu thốn gì nữa. Bởi vì ngươi không biết rằng thực ra ngươi vô phúc, đáng thương, nghèo khó, đui mù và trần trụi. Vậy ngươi hãy nghe lời Ta khuyên bảo: Hãy mua vàng ròng mà làm giàu, mua áo trắng tinh mà mặc, hầu che giấu sự trần trụi xấu hổ của ngươi; hãy mua thuốc nhỏ vào mắt, cho mắt ngươi được sáng. Ta răn bảo và sửa dạy những kẻ Ta yêu thương. Vậy hãy sốt sắng hơn lên và hối cải đi. Này Ta đứng ngoài cửa, Ta gõ; nếu ai nghe tiếng Ta mà mở cửa cho Ta, Ta sẽ vào nhà người ấy và dùng bữa tối với nó, và nó sẽ dùng bữa với Ta. Ai chiến thắng, Ta sẽ cho ngồi với Ta trên ngai của Ta, cũng như Ta đã chiến thắng và ngự với Cha Ta trên ngai của Người. Ai có tai thì hãy nghe điều Thần linh phán với các giáo đoàn”. Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 14, 2-3ab. 3cd-4ab. 5

A+B: Ai chiến thắng, Ta sẽ cho ngồi với Ta trên ngai của Ta (Kh 3, 21).

  1. A) Người sống thanh liêm và thực thi công chính, và trong lòng suy nghĩ điều ngay, và lưỡi không bịa lời vu khống.
  2. B) Người không làm ác hại bạn đồng liêu, cũng không làm nhục cho ai lân cận. Người coi rẻ đứa bất nhân, nhưng kính yêu những ai tôn sợ Chúa.
  3. A) Người không xuất tiền đặt nợ thu lời, cũng không ăn hối lộ hại người hiền lương. Người thực thi những điều kể đó, thì muôn đời chẳng có lung lay.

A+B: Ai chiến thắng, Ta sẽ cho ngồi với Ta trên ngai của Ta (Kh 3, 21).

ALLELUIA: Lc 21, 28 – Các con hãy đứng dậy và ngẩng đầu lên, vì giờ cứu rỗi các con đã gần đến. – Alleluia. 

PHÚC ÂM: Lc 19, 1-10

“Con Người đến tìm kiếm và cứu chữa điều gì đã hư mất”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Chúa Giêsu vào Giêricô và đi ngang qua thành, thì kìa, có một người tên là Giakêu, ông thủ lãnh những người thu thuế và là người giàu có. Ông tìm cách để nhìn xem Chúa Giêsu là người thế nào, nhưng không thể được, vì người ta đông quá, mà ông lại thấp bé. Vậy ông chạy lên trước, trèo lên một cây sung để nhìn xem Người, vì Người sắp đi ngang qua đó. Khi vừa đến nơi, Chúa Giêsu nhìn lên và trông thấy ông ấy, nên Người bảo ông rằng: “Hỡi Giakêu, hãy xuống mau, vì hôm nay Ta phải lưu lại tại nhà ngươi”. Ông vội vàng trụt xuống và vui vẻ đón tiếp Người. Mọi người thấy vậy, liền lẩm bẩm rằng: “Ông này lại đến trọ nhà một người tội lỗi”. Ông Giakêu đứng lên thưa cùng Chúa rằng: “Lạy Ngài, tôi xin bố thí nửa phần của cải tôi cho kẻ khó, và nếu tôi có làm thiệt hại cho ai điều gì, tôi xin đền gấp bốn”. Chúa Giêsu bảo ông ấy rằng: “Hôm nay nhà này được ơn cứu độ, bởi người này cũng là con cái Abraham. Vì chưng, Con Người đến tìm kiếm và cứu chữa điễu gì đã hư mất”. Đó là lời Chúa.

(thanhlinh.net)

++++++++++++++++++

17/11/2020 – THỨ BA TUẦN 33 TN

Th. Ê-li-sa-bét Hung-ga-ri

Lc 19,1-10

CUỘC TÂM GIAO VỚI CHÚA

Gia-kêu leo lên một cây sung để xem Đức Giê-su. Khi tới nơi, Người nói: “Này ông Gia-kêu, xuống mau đi, vì hôm nay tôi phải ở lại nhà ông!” (Lc 19,4-5)

Suy niệm: Để gặp được Chúa Giê-su, ông Gia-kêu không nề hà cũng không sĩ diện. Ông thoăn thoắt chạy tới trước, trèo lên cây sung mặc cho ai đó buông lời đàm tiếu. Ông chỉ có một nỗi khát khao từ thâm sâu tâm hồn muốn nhìn thấy Chúa cho bằng được, cho dù với tư thế vắt vẻo trên cây sung và cho dù chỉ một lần thôi. Đáp lại, Chúa Giê-su cũng chẳng kiểu cách khách sáo. Chẳng đợi ai mời, Chúa cũng nói với Gia-kêu, ‘tự nhiên’ như nói với một người bạn thân lâu ngày mới gặp: “Này ông Gia-kêu, xuống mau đi, vì hôm nay tôi phải ở lại nhà ông!” Đây không chỉ là cuộc gặp gỡ xã giao, nhưng lại là một cuộc tâm giao giữa Chúa và Gia-kêu. Đúng hơn, vị khách không-mời-mà-đến này đã cuốn hút Gia-kêu vào cuộc tâm giao với Ngài và đã biến đổi ông từ một Gia-kêu tội lỗi thành một Gia-kêu công chính.

Bạn ơi, đã bao giờ bạn cảm nghiệm một cuộc gặp gỡ Đức Ki-tô với cả tấm lòng như thế chưa nhỉ? Biết bao lần chúng ta không thể đến với Ngài vì đôi chân mình bị tê liệt bởi thứ bệnh dửng dưng vô cảm. Biết bao lần khác bạn đến với Ngài một cách máy móc, thụ động, theo kiểu ‘ai sao tôi vậy’. Bạn cứ thử nung nấu một tấm lòng khao khát Chúa cách tột cùng và sống mối tâm giao với Ngài mà xem, Ngài sẽ biến đổi bạn một cách không ngờ đấy!

Sống Lời Chúa: Ngoài những việc đạo đức chung với cộng đoàn, bạn nhớ dành cho Chúa những phút cầu nguyện riêng.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Thánh Thần, xin giúp con biết lắng nghe, biết đến với Chúa bằng tâm tình yêu mến và khao khát được biến đổi cuộc đời.

(5 Phút Lời Chúa)

++++++++++++++++++

Suy niệm và cầu nguyện

Suy niệm:

Trong những năm hành đạo, Đức Giêsu đã chữa một số người mù.
Vào những ngày cuối đời, khi trên đường lên Giêrusalem lần cuối,
Ngài đã chữa cho anh mù ở Giêricô.
Giêricô được coi là thành phố cổ xưa nhất, không xa Giêrusalem,
nằm ở hạ lưu sông Giođan, thấp hơn mực nước biển 300 mét.
Anh mù ở Giêricô kiếm sống bằng cách ngồi bên vệ đường ăn xin.
Anh vừa bị tách biệt với người khác, vừa bị lệ thuộc vào người khác.

Mất khả năng nhìn, nhưng anh vẫn còn khả năng nghe và nói.
Để gặp được Đức Giêsu, anh đã tận dụng mọi khả năng còn lại.
Anh nghe tiếng đám đông đi qua, tiếng chân người rộn ràng (c. 36).
Anh tò mò hỏi xem chuyện gì vậy.
Khi biết là Đức Giêsu Nadarét đang đi ngang qua,
anh thấy ngay điều mình chờ đợi từ lâu, nay đã đến.
Vị ngôn sứ nổi tiếng này anh nghe đồn đã làm bao phép lạ lẫy lừng.
Ngay cả người mù bẩm sinh cũng được Ngài làm cho sáng mắt.
Cơ hội ngàn năm một thuở đã đến rồi.
Anh tự nhủ mình không thể nào để vuột mất.
Nhưng làm thế nào để Đức Giêsu lưu tâm đến anh?
Làm thế nào để cho Ngài dừng lại?

Vũ khí mạnh nhất và gần như duy nhất của anh, là tiếng kêu.
Chỉ tiếng kêu của anh mới lôi kéo được sự chú ý của Ngài,
và báo hiệu cho Ngài về sự hiện diện của anh.
Anh kêu thật to tên Ngài dù không biết Ngài ở đâu.
“Lạy ông Giêsu, Con vua Đavít, xin dủ lòng thương tôi” (c. 38).
Hãy nghe tiếng kêu của anh giữa tiếng đám đông ồn ào cười nói.
Anh kêu tiếng kêu của trái tim, đầy tin tưởng, hy vọng, tha thiết.
Nhưng tiếng kêu ấy lại bị bắt phải im đi, có thể vì sợ gây phiền hà.
Anh mù chẳng những đã không vâng lời, lại còn kêu to hơn nữa.
Rồi tiếng kêu của anh cũng đến tai Đức Giêsu, khiến Ngài dừng chân.
Đức Giêsu muốn gặp người đã gọi tên mình để xin thương xót (c. 40).
Cuộc hạnh ngộ bắt đầu bằng câu hỏi anh mong từ lâu:
“Anh muốn tôi làm gì cho anh?” (c. 41).
Câu trả lời quá hiển nhiên: “Lạy Ngài, xin cho tôi được thấy.”
Khi được sáng mắt, anh không phải ngồi bên vệ đường như trước đây.
Anh đã nhập vào đám đông những người theo Chúa và đi trên đường.

Nếu hôm nay Chúa hỏi tôi: “Anh chị muốn tôi làm gì cho anh chị?”,
tôi sẽ trả lời Ngài ra sao? tôi sẽ xin Ngài điều gì?
Ơn biết mình mù và muốn thấy rõ chính mình, là một ơn lớn.
Có người mù, không biết mình mù, nên vẫn thản nhiên ở lại trong cảnh mù.
Người ấy có thể vô tội, nhưng có nguy cơ gây hại cho tha nhân (Mt 15, 14).
Lại có người cố ý không muốn thấy, cố ý mù để khỏi phải thay đổi.
Họ không thấy được cái xà trong mắt mình (Mt 7, 3).
Xin Chúa giúp chúng ta xóa những nguyên nhân gây mù,
đó là dục vọng của đôi mắt (1 Ga 2, 16), là thành kiến về người khác.
Xin Chúa giúp chúng ta nhờ đối thoại mà ra khỏi tình trạng mù xem voi,
và được Thánh Thần đưa vào sự thật trọn vẹn (Ga  16, 13).
Ước gì chúng ta khiêm tốn đến với Chúa Giêsu
mà “mua thuốc xức mắt để thấy được” (Kh 3, 18).

Cầu nguyện:

Như người mù ngồi bên vệ đường
xin Chúa dủ lòng thương cho con được thấy.

Xin cho con được thấy bản thân
với những yếu đuối và khuyết điểm,
những giả hình và che đậy.

Cho con được thấy Chúa hiện diện bên con
cả những khi con không cảm nghiệm được.

Xin cho con thực sự muốn thấy,
thực sự muốn để cho ánh sáng Chúa
chiếu giãi vào bóng tối của con.

Như người mù ngồi bên vệ đường
xin Chúa dủ lòng thương cho con được thấy.

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

(phutcaunguyen.net)

++++++++++++++++++

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên

17 THÁNG MƯỜI MỘT

Ân Sủng Thánh Hóa Tình Cảm Nhân Loại

Sự đồng ý đón nhận nhau giữa một người nam và một người nữ khi họ cử hành hôn nhân Kitô giáo không chỉ là một diễn tả tình cảm nhân loại mà hai người cam kết trọn đời. Họ nói ‘vâng’ với nhau trong đức tin, một đức tin mà họ dứt khoát chọn lựa cho cả đời mình. Mầu nhiệm này của cuộc hôn nhân giữa họ là một phản ảnh của sự kết hợp thần nhiệm và của tình yêu phu phụ giữa Đức Kitô và Giáo Hội.

Vì thế, hôn nhân giữa hai Kitôhữu trước hết là một hành vi của đức tin. Tình cảm nhân loại của họ được chuyển hóa và được làm cho nên thánh thiện nhờ ân sủng. Vì họ đã ký thác tình yêu và cuộc hôn nhân của họ cho Thiên Chúa, nên Ngài nhất định sẽ bảo vệ và nuôi dưỡng nó bằng ân phúc của Ngài. Chính Đức Kitô cho biết rằng ở đây không chủ yếu là tự họ ràng buộc với nhau, mà đúng hơn chính Cha trên trời đang ràng buộc họ với nhau. Và công việc quan trọng đệ nhất của họ là liệu sao để không phá vỡ sự kết hợp thánh thiện này.

Một đôi vợ chồng sẽ thành công trong việc bảo vệ cuộc hôn nhân của mình nếu họ nhớ rằng chính Thiên Chúa đã trở thành người bảo vệ sự kết hợp giữa họ. Và khi họ trải qua những khó khăn trong cuộc sống hôn nhân, họ sẽ chạy đến với Thiên Chúa trong lòng tin tưởng vững vàng vào sự quan phòng và vào tình yêu thương của Ngài.

– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –

Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác

LIFT UP YOUR HEARTS

Daily Meditations by Pope John Paul II

+++++++++++++++++

Lời Chúa Trong Gia Đình

NGÀY 17/11

Thánh nữ Êlisabeth Hungari

Kh 3 1-6. 14-22; Lc 19, 1-10.

LỜI SUY NIỆM:  “Này ông Dakêu, xuống mau đi, vì hôm nay tôi phải ở lại nhà ông”

          Dakêu thủ lãnh của người thu thuế, ông giàu, nhưng bị dân trong vùng thù ghét. Ông nghe đồn về Chúa Giêsu luôn dành tình thương cho những người tội lỗi, trong đó có hạng người như ông. Ông đã tìm gặp Chúa, không những trà trộn trong đám đông, nhưng ông đã trèo lên cao. Nhờ đó ông và Chúa Giêsu đã gặp nhau; vì cả hai đang đi tìm nhau. Sự gặp gỡ này đã biến đổi hẳn con người của Dakêu.

          Lạy Chúa Giêsu, Chúa và Dakêu gặp nhau, sự gặp nhau này đã biến đổi Dakêu trở thành người tốt. Xin cho mọi thành viên trong gia đình luôn tìm gặp Chúa trong kinh nguyện hằng ngày, giúp cho tất cả chúng con được biến đổi nên tốt mỗi ngày.

Mạnh Phương

+++++++++++++++++

Gương Thánh Nhân

Ngày 17-11: Thánh ELISABETH Nước Hungaria

Nữ Tu (1207 – -1231)

Em bé 4 tuổi mặc ái nhung đeo vàng, người ta dẫn tới Thuringia, là con vua Hungaria. Tên Ngài là Elisabeth và vừa được đính hôn với hoàng tử Luy (Louis) mười một tuổi con của Landgrave miền Thuringia, và theo thói thường Ngài lớn lên tại cung điện Thuringia.

Elisabeth xem ra đã được tiền định với niềm vui, được cầu nguyện hãm mình và mỗi ngày hy sinh một điều thích thú. Nếu trong cuộc chơi mà thành công rực rỡ, Ngài không quá vui và ngừng lại. Một phần những cái người ta cho Ngài thường là tới tay người nghèo. Nhưng Ngài sớm thấy một đau khổ khác, không phải mọi người đều vui lòng khi thấy Ngài lớn lên trong đạo đức, tốt lành và quảng đại như vậy. Công chúa Sophia, mẹ của Luy tức giận vì sự hoàn thiện này.

Khi bà dẫn Elisabeth với cô con gái mình tới nhà thờ, cả hai trang điểm như công chúa thì Elisabeth lại cởi vương miện bằng đá ra mà nói không muốn mang nó đến trước Thiên Chúa phải đội mão gai. Thế là công chúa và con mình khinh bỉ và tuyên bố rằng: Ngài bất xứng để làm vợ của bá tước. Nhưng khi Luy đã trở lại triều đình chàng ngây ngất vì vị hôn thê trẻ của mình. Chàng chọn làm châm ngôn những đức tính: đạo đức, trong sạch và công bình. Chàng đã cử hành hôn phối sớm hết sức có thể, lúc chàng 20 và nàng 14.

Năm sau họ có con đầu lòng và 2 năm sau nữa sinh con thứ. Các đày tớ của thánh nữ nói về Ngài: “Bà kêu đến Chúa trong mọi hành vi, bà sống khiêm tốn, rất bác ái và say mê cầu nguyện”. Ngày sống của nữ bá tước được phân phối cho công việc cầu nguyện, làm việc bác ái, cùng với các phụ nữ dệt len cho người nghèo. Rảo quanh các làng quê phân phát các đồ cứu trợ. Luy, một hiệp sĩ hào hùng, rất lịch thiệp, là bạn trung thành nâng đỡ Elisabeth trong đường thánh thiện Ngài đeo đuổi. Ông yêu vợ có khuôn mặt và tâm hồn dịu hiền của mình. Người ta thích kể lại một huyền thoại làm đẹp cuộc đời thánh nữ như sau:

Vào một ngày mùa đông. Luy đi săn về gặp vợ cong mình xuống dưới sức nặng các đồ ăn giấu trong vạt áo. Ông hỏi: – Em mang gì đó ?

Vạch áo ra ông chỉ thấy những bó hoa hồng trắng rất đẹp không mùa xuân nào có được. Vị bá tước xúc động vì phép lạ, Ngài ưu ái người vợ lý tưởng của mình hơn nữa.

Còn chính thánh nữ thì tăng gấp việc bác ái. Ngài săn sóc các bệnh nhân nghèo, cấp đồ ăn cho họ, băng bó các vết thương. Vào một ngày thứ năm tuần thánh, Ngài đã hôn chân các người cùi Ngài tập hợp lại. Dưới những chiếc áo sang trọng, Ngài dấu một chiếc áo nhặm. Không ai nghi ngờ sự khắc khổ của Ngài. Isentrude, người đày tớ theo Ngài và có nhiệm vụ đánh thức Ngài ban đêm để cầu nguyện làm chứng: “Ngài hoàn thành những công trình bác ái trong tâm hồn vui tươi và không đổi nét mặt”.

Chính Elisabeth đã nói về những người nhân đức mà mặt mày ủ dột: “Họ có vẻ muốn làm khiếp đảm Thiên Chúa nhân lành. Trong khi Ngài yêu thích những kẻ cho một cách vui tươi”.

Luy phải ra trận. Đây là lúc nữ bá tước đau đớn nhất và tăng gấp lời cầu nguyện và đánh tội. Thánh nữ vẫn thường bối rối lo sợ có những bất công mà lãnh Chúa thường gặp phải. Gặp buổi đói ăn, thánh nữ nhiệt thành nâng dỡ người nghèo. Phân phát hết lúa gạo dự trữ, Ngài hy sinh cả nữ trang và đá quí, Ngài thiết lập những nhà thương. Dân chúng gọi Ngài là “mẹ”. Khi chồng trở về, thánh nữ thường cười nói: – Em đã dâng cho Thiên Chúa cái thuộc về Ngài bảo vệ của cải của chúng ta,

Nhưng đã đến lúc những thử thách lớn lao đưa Elisabeth tới đỉnh cao thánh thiện. Luy tham gia đoàn quân thánh giá và vong mạng năm 1227. Vài ngày sau thánh nữ sinh hạ người con thứ ba. Ngài như điên lên vì đau đớn, nhưng đã chứng tỏ lòng đai độ từ bỏ thánh nữ đã có từ buổi thiếu thời. Hình ảnh cổ truyền còn diễn tả thánh nữ, bị người em bất xứng của Luy xua đuổi và cấm dân chúng không được cho trú ngụ, khóc lóc ôm con nhỏ đi vào đường mòn sỏi đá giữa mùa đông lạnh lẽo với hai người con níu bên tay…

Thực tế là người em rể đã một thời không cho Ngài được thừa hưởng của cải của chồng Ngài. Elisabeth từ chối mọi thỏa hiệp với ông ta và không muốn nhận được cấp dưỡng bằng cái Ngài coi là của cắp của dân nghèo. Ngài thích được rẫy bỏ hơn và tự kiếm kế sinh nhai. Như thế với lương tâm Kitô giáo Ngài đã chọn được nên nghèo khó. Thực vậy, Ngài đã phải trú ngụ trong một chuồng heo cũ và đã biết khốn cực là gì. Người đày tớ theo Ngài kể rằng: – “Bị bắt bớ bởi những chư hầu của chồng, thiếu mọi thứ của cải và vì thiếu thốn, Ngài đã phải gửi con đến những miền xa để chúng được nuôi dưỡng ở đó.

Dầu vậy, Ngài vẫn cảm tạ Chúa và đã bóc lột Ngài như thế, và trong một nguyện đường các anh em hèn mọn Ngài đã đặt tay lên bàn thờ thề hứa từ bỏ tất cả.

Cậu của Ngài là giám mục miền Bamberg rất muốn Ngài tái giá và còn gọi Ngài tới lâu đài Haute Francoine nơi đặt các xương cốt của chồng Ngài. Nhận xương cốt, Ngài nguyện vâng phục và tạ ơn Thiên Chúa.

“Lạy Chúa, con yêu biết bao. Nhưng Chúa biết con không hối tiếc việc hy sinh người yêu của con cho Chúa. Anh đã tự hiến mình cho Chúa, con cũng hiến dâng anh con cho Chúa để yểm trợ thánh địa. Nếu được con cho cả thế giới để đổi lấy anh, rồi chúng con cùng đi ăn xin với nhau. Nhưng con xin chứng tỏ rằng: nếu trái với ý Chúa, con sẽ không muốn chuộc lại sự sống của anh, cả đến sợi tóc đi nữa… Nguyện ý Chúa thành sự trong chúng con”.

Người góa phụ trẻ không muốn có phần gì đối với vinh hoa trần thế nữa, đã mặc áo dòng ba Phanxicô và dùng tiền của chồng để lại để điều hành một nhà thương là nơi bà ngồi ăn chung với các bệnh nhân nghèo khó. Sau cùng Ngài ở trong một ngôi nhà bằng cây vách đất. Ngài dệt vải để nuôi thân và chịu những hy sinh cực khổ hơn nữa.

Cha giải tội của Ngài là Conrad thấy sự diụ hiền của Ngài có vẻ tạo nên cảm tình của hai người bạn từ hồi trẻ và nay theo Ngài, nên không cho Ngài giữ họ gần mình nữa. Thay vào đó là một đứa trẻ vô giáo dục và một bà điếc lác khó chịu. Elisabeth đối xử với họ cách âu yếm như với bạn bè và dành lấy những công việc gớm ghiếc nhất. Một đứa trẻ bất toại Ngài săn sóc bắt Ngài thức dậy mỗi đêm sáu lần và chính Ngài giặt giũ áo quần hôi hám của nó. Khi đứa trẻ chết, Ngài thayvào đó một dứa trẻ phong cùi và nói: – Tôi không đang cởi giây giầy cho em. Đối với tôi Chúa Giêsu đang ở vào đại vị của em.

Đứa trẻ chết, lại một người bị bịnh trứng tóc sống bên Ngài. Vị hướng dẫn còn dùng đến những cư xử nghiệt ngã lạ lùng. Nhà chép sử nói rằng: “ông ta có thể đánh vào mặt Ngài, nhưng thánh nữ đủ mạnh để chịu dựng như một người đang chiêm niệm. Ngài qua những giờ ngây ngất và nét mặt trở bên rực sáng.

Nhưng Elisabeth yếu dần và qua đời lúc mới 24 tuổi, vào ngày 19 tháng 10 năm 1231. Từng đoàn người lũ lượt hành hương kính viếng mộ Ngài và đã có rất nhiều phép lạ xảy ra tại đó. Bốn năm sau Đức giáo hoàng Gregoriô IX đã tôn phong Ngài lên bậc hiển thánh.

(daminhvn.net)

+++++++++++++++++

17 Tháng Mười Một

Trong Mọi Sự, Hãy Nghĩ Ðến Cùng Ðích 

Một ngày nọ, triết gia Diogene của Hy Lạp đã đến giữa chợ Athène và dựng lên một căn lều có ghi đậm hàng chữ như sau: “Ở đây có bán sự khôn ngoan”.

Một bậc khoa cử tình cờ đi qua căn lều đọc được lời rao báo, mới cười thầm trong bụng… Muốn biết đằng sau căn lều ấy có những gì, ông mới sai người đầy tớ cầm tiền để dò la và mua cho được cái mà người bán gọi là sự khôn ngoan.

Người đầy tớ cầm tiền ra đi làm theo lời căn dặn của chủ… Anh đưa cho Diogene 3 hào và nói rằng chủ của anh muốn có sự khôn ngoan. Cầm lấy 3 hào bỏ vào túi, triết gia Diogene nói với người đầy tớ một cách trang trọng như sau: “Anh hãy về đọc lại cho chủ anh nghe câu này: Trong tất cả mọi sự, hãy nghĩ đến cùng đích”.

Vị khoa cử thành Athène vô cùng thích thú vì lời khôn ngoan này. Ông đã cho viết trước cửa nhà như khuôn vàng thước ngọc để chính ông suy niệm mỗi ngày và tất cả những ai đi qua trước nhà ông đều có thể đọc thấy…

“Trong tất cả mọi sự, hãy nghĩ đến cùng đích”.

Có lẽ đó cũng là khuôn vàng thước ngọc mà Giáo Hội muốn ngỏ với mọi người chúng ta trong những ngày tháng cuối cùng của năm Phụng Vụ này. Mỗi năm qua đi: đó là hình bóng của đời người và lịch sử của thế giới này.

“Trong tất cả mọi sự, hãy nghĩ đến cùng đích”. Người lực sĩ nghĩ đến phần thưởng đang chờ đợi mình. Người học sinh nghĩ đến ngày đỗ đạt thành tài… Ðiểm đến thúc đẩy con người hăng say làm việc.

Thời Noe, mọi người ăn uống, vui chơi và cười nhạo khi ông cho đóng tàu để phòng nạn Hồng Thủy. Ðối với họ, chuẩn bị để đương đầu với tai nạn, chuẩn bị để làm một cuộc hành trình dài là một chuyện viển vông, là điều ngu xuẩn…

Hãy vui hưởng cuộc sống, hãy sống như thể con người sẽ không bao giờ chết: đó là thái độ của nhiều người trong chúng ta. Sống như thế là sống không định hướng, sống như thế là sống không mục đích. Thánh Phaolô đã gọi những người đó là những người chỉ biết thờ cái bụng của mình…

Cái chết là cửa để bước vào cuộc sống mai hậu. Và cuộc sống mai hậu ấy tùy thuộc vào những tích chứa, những xây dựng của chúng ta trong cuộc sống tại thế này. Nếu trong cuộc sống này, chúng ta hướng tất cả mọi hoạt động của chúng ta vào cùng đích ấy, nếu chúng ta hành động, suy nghĩ như thể chúng ta sẽ ra đi tức khắc, thì chắc chắn khi bước qua ngưỡng cửa ấy, chúng ta sẽ không ngỡ ngàng, thất vọng…

Nhưng dĩ nhiên, không phải từ sức mình, chúng ta có thể xây dựng cho mình tương lai vĩnh cửu ấy. Sự sống trường sinh là ân ban nhưng không của Chúa. Thiên Chúa chỉ chờ đợi nơi chúng ta sự ưng thuận và đáp trả tích cực mà thôi… Ước gì từng suy nghĩ, từng hành động, từng gặp gỡ, từng hơi thở của chúng ta đều là một đáp trả tích cực của chúng ta đối với lời mời gọi vào sự sống bất diệt của Chúa. Ước gì trong tất cả mọi sự, sự khôn ngoan hướng dẫn chúng ta chính là cõi phúc trường sinh mà Chúa đã hứa ban cho chúng ta. Ước gì trong từng bước lữ hành về cõi phúc ấy, chúng ta có thể nếm được niềm vui và hạnh phúc đích thực ngay trong cuộc sống này…

(Lẽ Sống)

++++++++++++++++++

Lời Chúa Mỗi Ngày

Thứ Ba Tuần 33 TN2

Bài đọc: Rev 3:1-6, 14-22; Lk 19:1-10.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Sự nguy hiểm của thái độ không nhiệt thành cũng chẳng nguội lạnh.

Bộ Nông Nghiệp và Thực Phẩm của các nước tân tiến rất chú trọng đến việc bảo vệ nhiệt độ của thực phẩm mà dân chúng mua về để tiêu thụ. Đối với họ, những thực phẩm đông lạnh như thịt cá, đồ biển, phải giữ chúng ở nhiệt độ đông lạnh; và với những thực phẩm nóng như gà chiên, cá chiên…, phải giữ chúng ở nhiệt độ thật nóng. Lý do là nếu để những thực phẩm này ở nhiệt độ trong phòng, các vi khuẩn sẽ xâm nhập và gia tăng nhanh chóng; hậu quả là khách hàng ăn vào rất dễ bị bệnh.

Hình ảnh trên cũng có thể áp dụng vào đời sống tinh thần của con người: hoặc nhiệt thành tuân giữ các điều Chúa dạy như các thánh, hoặc khô khan tội lỗi như những người thu thuế và gái điếm; chứ đừng ở lưng chừng như đa số con người. Lý do: những người tội lỗi như Zachaeus trong Phúc Âm có ưu điểm hơn những người ở lưng chừng, vì họ biết chắc mình tội lỗi và dễ dàng thú nhận tội để đón nhận ơn tha thứ. Yếu điểm của hạng người lưng chừng là khó nhận ra khuyết điểm để sửa như các tín hữu Laodicea bị Chúa trách trong Bài đọc I, và đám đông trong Bài Phúc Âm. Nếu không nhận ra tội, con người chẳng cần tha thứ và cũng chẳng cần sửa sai!

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Lời của Đức Kitô cho 2 Giáo Phận: Sardis và Laodicea

1.1/ Lời cho Giáo Phận Sardis: Đây là thành phố nổi tiếng về lối sống xa hoa và trác táng. Mặc dù đã được hóan cải thành Kitô Giáo, Giáo phận này từ từ rơi vào chỗ chết tinh thần vì không thực hành niềm tin của mình. “Hãy viết cho thiên thần của Giáo Phận Sardis. Đây là lời của Đấng có bảy Thần Khí Thiên Chúa và bảy ngôi sao:”

(1) Lời chê: nhấn mạnh đến việc làm của các tín hữu của Hội Thánh Sardis; họ đã không chịu thực hành Lời Chúa dạy: “Ta biết các việc ngươi làm, biết ngươi được tiếng là đang sống, mà thực ra đã chết. Hãy tỉnh thức! Hãy củng cố chút sức còn lại đang suy tàn, vì Ta nhận thấy các việc của ngươi không được hoàn hảo trước mặt Thiên Chúa của Ta.” Để sửa sai, Ngài khuyên: “Vậy hãy nhớ lại: ngươi đã lãnh nhận và nghe Lời Chúa thế nào; hãy tuân giữ và hối cải! Vậy nếu ngươi không tỉnh thức, thì Ta sẽ đến như kẻ trộm, ngươi chẳng biết giờ nào Ta sẽ đến với ngươi.”

(2) Phần thưởng cho những ai biết thực thi Lời Chúa: Chúa sẽ không tàn sát cả thành; Ngài sẽ cứu những đầy tớ trung thành: “Nhưng tại Sardis, ngươi có một ít người đã không làm nhơ bẩn áo mình; họ sẽ mặc áo trắng cùng đi với Ta, vì họ xứng đáng. Như thế, ai thắng sẽ được mặc áo trắng; Ta sẽ không xoá tên người ấy khỏi Sổ Trường Sinh; Ta sẽ nhận người ấy trước mặt Cha Ta và trước mặt các thiên thần của Người.”

1.2/ Lời cho Giáo Phận Laodicea: Một Thành thương mại và ngân hàng giàu có, và nổi tiếng về các họat động y khoa. Laodicea cũng là Giáo Phận đã nhận Thư của Thánh Phaolô gởi cho Colossê. “Hãy viết cho thiên thần của Giáo Phận Laodicea: Đây là lời của Đấng Amen, là Chứng Nhân trung thành và chân thật, là Khởi Nguyên của mọi loài Thiên Chúa tạo dựng:”

(1) Lời chê: về 2 thái độ:

– thái độ lưng chừng: “Ta biết các việc ngươi làm: ngươi chẳng lạnh mà cũng chẳng nóng. Phải chi ngươi lạnh hẳn hay nóng hẳn đi! Nhưng vì ngươi hâm hẩm chẳng nóng chẳng lạnh, nên Ta sắp mửa ngươi ra khỏi miệng Ta.”

– thái độ cậy vào của cải: “Ngươi nói: “Tôi giàu có, tôi đã làm giàu, tôi chẳng thiếu thốn chi;” nhưng ngươi không biết rằng ngươi là kẻ khốn nạn, đáng thương, nghèo khổ, đui mù và trần truồng.”

Lời khuyên nhủ: “Vì thế, Ta khuyên ngươi đến với Ta mà mua vàng đã thử lửa để làm giàu, mua áo trắng để mặc khiến ngươi khỏi xấu hổ vì để lộ thân thể trần truồng, mua thuốc để xức mắt cho ngươi nhìn thấy được.” Đức tin, việc làm tốt, và Lời Chúa sẽ hướng dẫn họ thóat khỏi tình cảnh họ đang lâm vào.

(2) Phần thưởng cho những ai biết nhiệt thành và hối cải ăn năn: “Phần Ta, mọi kẻ Ta yêu mến, thì Ta răn bảo dạy dỗ. Vậy hãy nhiệt thành và hối cải ăn năn! Này đây Ta đứng trước cửa và gõ. Ai nghe tiếng Ta và mở cửa, thì Ta sẽ vào nhà người ấy, sẽ dùng bữa với người ấy, và người ấy sẽ dùng bữa với Ta. Ai thắng, Ta sẽ cho ngự bên Ta trên ngai của Ta, cũng như Ta đã thắng và ngự bên Cha Ta trên ngai của Người.”

2/ Phúc Âm: Ông Giakêu, người thu thuế, trở về với Chúa.

Tại thành phố Jericho hiện nay vẫn còn một cây sung rất to lớn, được vây quanh kỹ lưỡng cho khách hành hương đến thăm viếng. Họ gọi đây là cây sung mà ông Giakêu đã trèo lên để gặp Chúa Giêsu.

2.1/ Cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giêsu và ông Giakêu: Ông được mô tả là người đứng đầu những người thu thuế, và là người giàu có. Ông tìm cách để xem cho biết Đức Giêsu là ai, nhưng không được, vì dân chúng thì đông, mà ông ta lại lùn. Ông liền chạy tới phía trước, leo lên một cây sung để xem Đức Giêsu, vì Người sắp đi qua đó. Chúa Giêsu đã nhận ra ông giữa bao nhiêu người trong đám đông, và người đi bước trước để bắt đầu tiến trình hòa giải với ông: “Này ông Giakêu, xuống mau đi, vì hôm nay tôi phải ở lại nhà ông!”

2.2/ Ba phản ứng khác nhau của cuộc gặp gỡ:

(1) Đám đông: xầm xì với nhau: “Nhà người tội lỗi mà ông ấy cũng vào trọ!” Đối với người Do-Thái, những người thu thuế và gái điếm được coi như là những người tội lỗi công khai. Ai giao tiếp hay làm bạn với họ, cũng được coi là tội lỗi.

(2) Ông Giakêu: Khi nghe Chúa Giêsu ngỏ lời muốn đến nhà, ông vội vàng tụt xuống, và mừng rỡ đón rước Người. Khi nghe mọi người xầm xì và biết rõ mình là người tội lỗi, ông thưa với Chúa rằng: “Thưa Ngài, phân nửa tài sản của tôi, tôi cho người nghèo; và nếu tôi đã chiếm đoạt của ai cái gì, tôi xin đền gấp bốn.” Chấp nhận trở về với Thiên Chúa là phải can đảm gĩa từ nếp sống cũ và bắt đầu cuộc sống mới theo tiêu chuẩn của Tin Mừng. Ông Giakêu sẵn sàng san sẻ phân nửa tài sản cho người nghèo; và sẵn sàng đền gấp bốn cho những ai ông đã lỗi đức công bằng với họ. Lời hứa này có thể lấy đi tất cả những gì ông đang có; nhưng không thể so sánh với niềm vui được Chúa Giêsu tha thứ và đến viếng thăm.

(3) Chúa Giêsu: nói về ông ta rằng: “Hôm nay, ơn cứu độ đã đến cho nhà này, bởi người này cũng là con cháu tổ phụ Abraham. Vì Con Người đến để tìm và cứu những gì đã mất.” Tuy Chúa Giêsu biết những lời dị nghị nhưng Ngài không quan tâm tới. Chỉ một điều Ngài quan tâm là ông Giakêu và Ngài muốn đưa ông trở về với Thiên Chúa; và đó chính là lý do tại sao Ngài đến trần gian.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

– Người biết rõ mình là người tội lỗi như ông Giakêu dễ ăn năn trở lại hơn người dở dở ương ương: không tốt lành cũng chẳng tội lỗi quá.

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

****************