Ngày thứ ba (22-11-2022) – Trang suy niệm

21/11/2022

Lời Chúa Hôm Nay

Thứ Ba Tuần XXXIV Mùa Thường Niên Năm chẵn

BÀI ĐỌC I: Kh 14, 14-19

“Đã đến giờ gặt, vì lúa gặt trên đất đã chín rồi”.

Trích sách Khải Huyền của Thánh Gioan Tông đồ.

Tôi là Gioan, tôi đã nhìn thấy có đám mây trắng: trên đám mây có ai ngồi giống như Con Người, đầu đội triều thiên bằng vàng và tay cầm liềm sắc bén. Có một thiên thần khác từ trong đền thờ đi ra kêu lớn tiếng cùng Đấng ngồi trên đám mây mà rằng: “Hãy hạ liềm xuống mà gặt đi, vì đã đến mùa màng trên đất đã chín rồi”. Đấng ngự trên đám mây liền quăng liềm xuống đất và lúa trên đất được gặt hết. Có một thiên thần khác từ trong đền thờ trên trời đi ra, người cũng cầm một cái liềm sắc bén. Và một thiên thần khác nữa từ trong bàn thờ đi ra, vị này có quyền cai trị lửa, người kêu lớn tiếng cùng thiên thần cầm liềm sắc bén mà rằng: “Hãy hạ liềm sắc bén xuống mà cắt những chùm nho nơi vườn nho dưới đất, vì nho trong vườn đã chín rồi”. Thiên thần kia hạ liềm sắc bén xuống đất, cắt nho nơi vườn nho dưới đất và bỏ vào thùng lớn cơn thịnh nộ của Thiên Chúa. Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 95, 10. 11-12. 13

Đáp: Chúa ngự tới cai quản địa cầu (c. 13b).

A) Hãy công bố giữa chư dân rằng: Thiên Chúa ngự trị. Người giữ vững địa cầu cho nó khỏi lung lay; Người cai quản chư dân theo đường đoan chính.

B) Trời xanh hãy vui mừng và địa cầu hãy hân hoan! Biển khơi và muôn vật trong đó hãy reo lên! Đồng nội và muôn loài trong đó hãy mừng vui! Các rừng cây hãy vui tươi hớn hở.

A) Trước nhan Thiên Chúa: vì Người ngự tới, vì Người ngự tới cai quản địa cầu. Người sẽ cai quản địa cầu cách công minh và chư dân cách chân thành.

ALLELUIA: Lc 21, 36 – Các con hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn, để có thể xứng đáng đứng vững trước mặt Con Người. – Alleluia. 

PHÚC ÂM: Lc 21, 5-11

“Không còn hòn đá nào nằn trên hòn đá nào”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, có mấy người trầm trồ về đền thờ được trang hoàng bằng đá tốt và những lễ vật quý, nên Chúa Giêsu phán rằng: “Những gì các con nhìn ngắm đây, sau này sẽ đến ngày không còn hòn đá nào nằm trên hòn đá nào mà chẳng bị tàn phá”. Bấy giờ các ông hỏi Người rằng: “Thưa Thầy, bao giờ những sự ấy sẽ xảy ra, và cứ dấu nào mà biết những sự đó sắp xảy đến?” Người phán: “Các con hãy ý tứ kẻo bị người ta lừa dối: vì chưng, sẽ có nhiều kẻ mạo danh Thầy đến mà tự xưng rằng: ‘Chính ta đây và thời gian đã gần đến’, các con chớ đi theo chúng. Khi các con nghe nói có chiến tranh loạn lạc, các con đừng sợ: vì những sự ấy phải đến trước đã, nhưng chưa phải là hết đời ngay đâu”.

Bấy giờ Người phán cùng các ông ấy rằng: “Dân này sẽ nổi dậy chống lại dân kia, và nước này sẽ chống với nước nọ. Sẽ có những cuộc động đất lớn mọi nơi, sẽ có ôn dịch đói khát, những hiện tượng kinh khủng từ trên trời và những điềm lạ cả thể”. Đó là lời Chúa.

(thanhlinh.net)

++++++++++++++++++

22/11/2022 – THỨ BA TUẦN 34 TN

Th. Xê-xi-li-a, trinh nữ, tử đạo

Lc 21,5-11

HƯỚNG VỀ ĐỀN THỜ VĨNH CỬU

Đức Giê-su bảo: “Những gì anh em đang chiêm ngưỡng đó, sẽ có ngày bị tàn phá hết, không còn tảng đá nào trên tảng đá nào.” (Lc 21,6)

Suy niệm: Năm 70 sau khi chiếm thành Giê-ru-sa-lem và bắt đi 97.000 tù binh, đại tướng Rô-ma là Ti-tô đã phóng hỏa đốt thành và cho cày một luống cày chính giữa Đền thờ. Thế là chấm dứt ngôi Đền thờ nổi tiếng, để rồi trong suốt gần 2.000 năm, câu chúc luôn nằm trên môi miệng người Do Thái là “Hẹn năm sau về Giê-ru-sa-lem”. Những lời tiên tri của Đức Giê-su đã được ứng nghiệm! Thế nhưng, với con mắt đức tin, ta khám phá ra một ý nghĩa khác về ngôi đền thờ như Đức Giê-su nói: “Hãy phá huỷ đền thờ này và trong ba ngày Tôi sẽ xây dựng lại”. Từ nay ngôi đền thờ vĩnh cửu mọi người phải qui hướng về là con người Đức Giê-su phục sinh. Mọi người đều được mời gọi bước vào Đền thờ-Đức Kitô phục sinh để gặp gỡ Thiên Chúa.

Mời Bạn: Nhớ rằng thân xác mỗi người cũng là đền thờ Thiên Chúa. Phải qui hướng, gắn bó với Đức Ki-tô phục sinh và Thánh Thần của Ngài. Cần thường xuyên thanh tẩy đền thờ-tâm hồn bằng ơn thánh của bí tích hoà giải.

Sống Lời Chúa: Tôi luôn kính trọng thân xác, không quá chiều chuộng, cũng chẳng khinh rẻ vì ý thức thân xác mình là đền thờ của Thiên Chúa .

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin dẫn con vào nhà của con, căn nhà của trái tim, căn nhà vừa quen vừa lạ. Xin hãy cho con thấy những phức tạp, rắc rối, những che đậy, giằng co, những mâu thuẫn và vô lý nơi con. Xin hãy cho con thấy những nhỏ mọn, ích kỷ, những yếu đuối, khô khan, những cứng cỏi và tự ái nơi con. Xin biến đổi tâm hồn con thành nơi cư ngụ của Chúa.

(5 Phút Lời Chúa)

++++++++++++++++++

Suy niệm và cầu nguyện

Suy niệm:

Đức Giêsu sống những ngày cuối đời ở Giêrusalem.
Hằng ngày, Ngài can đảm giảng dạy trong Đền Thờ (Lc 20,47),
Dù Ngài biết đây là nơi các nhà lãnh đạo Do-thái đang tìm cách giết Ngài.
Đức Giêsu đã phải đương đầu với những cuộc tranh cãi gay gắt
Của các thượng tế, kinh sư, và của nhóm Xa-đốc (Lc 20,1-40).
Đây là những cuộc đụng độ cuối cùng trước khi Ngài rơi vào tay họ.

Bây giờ là năm 30, Đền Thờ Giêrusalem đang ở trước mặt Ngài,
Với kiến trúc tuyệt đẹp, được trang hoàng bằng những khối đá lớn.
Một công trình còn dang dở, dù đã được khởi công cách đây cả nửa thế kỷ,
bởi vua Hêrôđê Cả, vị vua tàn ác đã tìm giết Hài Nhi Giêsu.
Vua Hêrôđê này đã muốn xây dựng lại Đền Thờ thứ hai, hơi nhỏ,
được xây sau khi dân Chúa trở về từ cuộc lưu đầy ở Babylon.

Khi nghe có người trầm trồ trước vẻ đẹp và sự đồ sộ nguy nga của Đền Thờ,
Đức Giêsu đã đưa ra một lời tiên tri kinh khủng về số phận của công trình này.
Ngài loan báo về sự sụp đổ của Đền Thờ ngay khi chưa xây xong.
“Sẽ có ngày không còn khối đá nào trên khối đá nào.”
Bốn mươi năm sau, lời tiên tri của Đức Giêsu được ứng nghiệm.  
Năm 70, quân Rô-ma đã thiêu rụi ngôi Đền Thờ đẹp đẽ này.
Đúng là ngày nay không còn khối đá nào trên khối đá nào,
Trừ một bức tường phía Tây còn sót lại.

Nhưng trước khi Đền Thờ sụp đổ vào năm 70,
Đức Giêsu cho biết sẽ có nhiều dấu lạ xuất hiện.(Lc 21,8-11).
Trước hết có nhiều kẻ mạo danh Đức Giêsu, để quyến rũ lường gạt người ta.
Ngài dặn các kitô hữu đừng dại dột ngây thơ đi theo họ.
Ngài cũng dặn chúng ta đừng khiếp sợ
khi thấy chiến tranh và loạn lạc, đói kém và ôn dịch,
hay khi thấy các dân đánh lẫn nhau, các nước gây chiến chống lại nhau.
Ngoài ra trong thiên nhiên, còn có nhiều hiện tượng kinh khủng:
những trận động đất lớn, những dấu lạ lớn lao từ trời xuất hiện.

Vào cuối năm phụng vụ, chúng ta được nghe về chuyện Đền Thờ sụp đổ,
Và những dấu hiệu xảy ra báo trước biến cố kinh hoàng đó.
Đây là ngôi Đền Thờ thứ ba được xây trong hơn tám mươi năm mới xong,
Nhưng tuổi thọ chỉ kéo dài chưa tròn một thập kỷ.
Tất cả những gì là đẹp đẽ công phu, nguy nga tráng lệ, lại không vững bền.
Ngày nay, có một ngôi đền khác của người Hồi giáo với mái vòm vàng rực
được xây trên mảnh đất xưa của Đền Thờ.
Chúng ta muốn khóc với những người Do-thái đứng bên Bức Tường còn sót lại.
Chúng ta cũng muốn khóc với Đức Giêsu khi Ngài nhìn thấy thành Giêrusalem.
Ngài đau đớn khi thấy trước số phận của thành phố và Đền Thờ (Lc 20,41-44),
một Đền Thờ bị xuống cấp mà Ngài đã thanh tẩy (Lc 19,45-46).

Làm sao để những đền thờ chúng ta xây dựng hôm nay được tồn tại mãi mãi?
Làm sao để vào Ngày tận thế, những công trình chúng ta thực hiện khi còn sống
vẫn đứng vững nhờ đặt nền trên tình yêu tín trung?

Cầu nguyện:

Lạy Thiên Chúa là Cha,
Cha ngự trên trời cao, trên các tầng mây,
nhưng Cha cũng ở nơi trần gian, trong những đền thờ bằng gỗ đá.
Khi Con Cha xuống thế làm người như chúng con,
Thân thể của Ngài là ngôi Đền Thờ, bị phá hủy qua cái chết trên thập giá
nhưng lại được phục sinh, và đầy tràn sức sống mới.

Hơn nữa, Cha còn ở trong những đền thờ thiêng liêng.
Giáo Hội là đền thờ nơi Cha hiện diện,
nơi muôn dân có thể đến gặp gỡ Cha trong cùng một Thánh Linh.
Khi tuân giữ lời Con Cha, mỗi kitô hữu chúng con là một đền thờ,
nơi Cha và Con Cha đến và ở lại.
Cả thân xác yếu hèn của chúng con cũng là đền thờ của Thánh Thần.

Xin cho chúng con biết quý các đền thờ của Cha,
tôn kính và gìn giữ sự hiện diện sống động của Cha ở đó.
Ước gì sau khi chúng con sống thân thiết với Cha
trong những đền thờ ở trần gian,
chúng con lại được hưởng kiến nhan Cha trên trời.

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

(phutcaunguyen.net)

++++++++++++++++++

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên

22 THÁNG MƯỜI MỘT

Đồng Cảm Với Những Nỗi Khó Khăn Của Người Khác

Giáo Hội không thể chỉ đóng khung mình trong những gia đình Kitôhữu gắn bó với mình. Không, Giáo Hội phải mở rộng các chân trời của mình ra để bao gồm tất cả mọi gia đình, nhất là những gia đình đang ở trong những hoàn cảnh bi đát nhất.

Tất cả chúng ta đều biết rõ những hoàn cảnh khó khăn đang đè nặng trên nhiều gia đình. Có những gia đình của người tị nạn, những gia đình của người phục vụ trong quân ngũ, những gia đình của các thủy thủ hay của những người rày đây mai đó thuộc đủ mọi lý do. Có những gia đình của các tù nhân, của những người trốn tránh sự bách hại … Tất cả những gia đình ấy đều phải chịu sự chia cách lâu dài. Có những gia đình có con cái bị khuyết tật hoặc có người nghiện rượu hay ma túy. Có những gia đình chỉ còn đôi vợ chồng cao niên sống cô quạnh lẻ loi. Mọi người đều biết rõ bi kịch của các gia đình thường xuyên xảy ra bất hòa và cãi vã kịch liệt. Có những gia đình có con cái vô ơn và bướng bỉnh chống cưỡng lại cha mẹ. Có những gia đình mà người vợ hay người chồng mất đi, kẻ ở lại phải sống cô đơn suốt đời. Có những gia đình mà cái chết bi đát của một thành viên xuân trẻ phủ trùm trên mọi người một nỗi tiếc thương da diết khôn nguôi.

Cuối cùng, có những gia đình là sào huyệt của tội lụy, theo góc nhìn của người Kitôhữu. Tất cả những bối cảnh đó đặt ra những vấn đề mục vụ gay go cho Giáo Hội. Giáo Hội phải ý thức những hậu quả nghiêm trọng mà chúng gây ra. Giáo Hội không thể dửng dưng với con người trong các hoàn cảnh khó khăn đó, vì Giáo Hội phải cảm thông và quan tâm đến phần rỗi của họ.

Chúng ta hãy cầu nguyện khẩn thiết cho các gia đình, nhất là cho các gia đình đang vướng mắc trong những hoàn cảnh khó khăn.

– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –

Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác

LIFT UP YOUR HEARTS

Daily Meditations by Pope John Paul II

+++++++++++++++++

Lời Chúa Trong Gia Đình

Ngày 22/11

Thánh Cêcilia, trinh nữ tử đạo

Kh 14, 14-19; Lc 21, 5-11.

Lời Suy Niệm: “Những gì anh em đang chiêm ngắm đó sẽ có ngày bị tàn phá hết, không còn tảng đá nào trên tảng đá nào.”

          Những người đương thời của Chúa Giêsu khi trông thấy Đền Thờ được trang hoàng bằng những viên đá đẹp và những đồ dâng cúng đã hết lời ca tụng, Nhưng Chúa Giêsu đã tiên báo về sự sụp đổ của nó: “ Có ngày sẽ không còn hòn đá nào trên hòn đá nào.”. Điều này, ngày hôm nay vẫn còn là lời cảnh báo cho toàn thể nhân loại khi chỉ muốn toàn cầu hóa mô hình kỷ trị, mà không biết tôn trọng con người, thiên nhiên và vâng theo ý của Thiên Chúa.

          Lạy Chúa Giêsu. Khi chúng con nhìn cảnh trời hay một vật, chúng con chỉ nhìn thấy một mặt của vật đó với một thời gian nhất định. Xin cho mỗi người chúng con đặt trọn niềm tin vào Lời Chúa, để vui sống với thực tại, mà chúng con đang sống, đang gặp, để niềm cậy trông vào Chúa luôn được lớn lên.

Mạnh Phương

+++++++++++++++++

Gương Thánh Nhân

Ngày 22-11: Thánh CÊCILIA

Đồng Trinh Tử Đạo

Cuộc tử nạn của thánh CÊCILIA rất được nhiều người biết đến, quí chuộng thán phục và ưa lập lại.

Nhưng những thế kỷ đầu không thấy nói gì tới vị thánh này cả. Thánh Ambrôsiô. Hierônimô rất kính các trinh nữ tử đạo, nhưng không nhắc đến tên Ngài. Ba trăm năm sau cuộc tử đạo giả định này, câu chuyện của thánh nữ xem ra là một trong những áng văn đẹp nhất làm say mê tín hữu và phổ biến rộng rãi lạ thường. Câu chuyện tưởng tượng về thánh nữ Cêcilia được chen vào giữa hai vị tử đạo có thật là Valêriô và Tiburtiô. Truyện đó như sau:

Cêcilia thuộc gia đình quí phái sống tại Roma dưới thời vua Alexander Sêvêrô. Cuộc bách hại thật dữ dằn. Một mình trong gia đình là Kitô hữu, Ngài luôn mang theo cuốn Phúc âm và sống đời cầu nguyện bác ái. Mỗi khi tới hang toại đạo là nơi Đức giáo hoàng Urbanô bí mật cử hành thánh lễ, đoàn người ăn xin đợi chờ Ngài trên đường đi Roma chìa tay xin Ngài phân phát của bố thí. Dưới lớp áo thêu vàng, Cêcilia mặc áo nhậm mà vẫn tỏ ra bình thản dịu dàng.

Trong khi tuổi trẻ ngoại giáo mê say nhạc trần tục, lòng Cêcilia hướng về Chúa và ca tụng một mình Ngài thôi. Đáp lại lòng đạo đức của Ngài, Thiên Chúa cho Ngài được đặc ân được thấy thiên tnần hộ thủ hiện diện bên mình.

Cha mẹ Cêcilia gả Ngài cho một nhà quí phái tên là Valêriô yêu Cêcilia nồng nhiệt, ông không biết Ngài theo Kitô giáo, nhưng ông có một tâm hồn ngay thẳng.

Ngày cưới, Cêcilia mặc chiếc áo nhặm duới lớp áo ngoài sang trọng và khẩn cầu Chúa giữ cho mình được trinh nguyên. Giữa những tiếng ca vui nhộn, Cêcilia vẫn theo thói quen cùng với các thiên thần ca hát những khúc thánh thi. Bởi đó mà các người Kitô hữu hay nhận Ngài là bổn mạng của các nhạc sĩ. Chúa Giêsu khấng nghe lời ca trong trắng tự lòng vị hôn thê trẻ dâng lên Ngài. Khi chiều về, Cêcilia nói với Valêriô:

– Thưa Chúa công, em có điều này muốn nói với anh, không bàn tay trần tục nào được động tới em, vì em có một thiên thần bảo vệ. Nếu anh tôn trọng em, Ngài cũng yêu mến anh và ban ân phúc cho anh.

Ngạc nhiên và rất cảm kích, Valêriô đã ao ước nhìn thấy thiên thần. Cêcilia mới nói rằng: ông phải chịu phép rửa tội đã, rồi nàng giải thích mầu nhiệm cứu rỗi các linh hồn do đức Kitô cho ông nghe. Ngài đề nghị: – Anh hãy tới đường Appianô. Anh sẽ gặp những người nghèo khổ và lấy danh nghĩa em để xin họ dẫn anh tới gặp cụ già Urbanô đang ẩn náu trong hang toại đạo. Vị giám mục này sẽ dạy dỗ anh hay hơn em, Ngài sẽ chúc bình an cho anh, sẽ mặc cho anh bộ áo trắng tinh. Rồi trở lại đây anh sẽ thấy thiên thần của em.

Valêriô theo lời vị hôn thê của mình, đến đường Appianô và được dẫn tới vị giám mục. Ngài dạy đạo và rửa tội cho ông. Trở về với Cêcilia . Ông gặp nàng đang cầu nguyện, có thiên thần bên cạnh, khuôn mặt thiên thần rực sáng, tay cầm hai triều thiên kết bằng hoa huệ và hoa hồng. Ngài đặt một chiếc trên đầu Cêcilia và một chiếc trên đầu Valêriô và nói:
– “Hãy giữ lòng trong trắng để xứng đáng bảo vệ những triều thiên này, chúng từ vườn của Thiên Chúa, không bao giờ tàn tạ, chẳng hề lạt hương”.

Thiên thần còn nói thêm: – “Hỡi Valêriô, bởi vì anh đã biết nghe lời hiền thê của anh, vậy anh xin điều gì anh muốn”.

Valêriô có người em ông yêu thương lắm tên là Tiburtiô, ông xin: – “Con muốn em con cũng biết đạo thật như con”

Thiên thần trả lời: – Điều anh xin rất đẹp lòng Chúa. Vậy hãy biết rằng: Tiburtiô và anh sẽ lên trời với ngành vạn tuế tử đạo”.

Ngay lúc ấy Tiburtiô xuất hiện. Ông thấy mùi hoa huệ và hoa hồng và muốn biết từ đâu mà có hương thơm như vậy giữa mùa này, thứ hương thơm như làm con người ông trẻ lại. Cêcilia đã nói cho Cêcilia ông hiểu sự hư không của các ngẫu thần, đã tỏ cho ông thấy sự rực rỡ của đức tin vào Chúa Giêsu Kitô. Tiburtiô muốn được sự chỉ dạy, và đến lượt ông, cũng đã lãnh nhận bí tích rửa tội do đức giáo hoàng Urbanô.

Cêcilia, Valêriô và Tiburtiô cùng nhau sống đời thánh thiện. Họ phân phát của bố thí cho các Kitô hữu bị bắt bớ, bí mật cầu nguyện với những người bị kết án và khuyến khích họ can đảm chịu cực hình. Đêm về hai anh em lo chôn cất xác các vị tử đạo. 

Chẳng bao lâu họ bị phát giác. Tổng trấn Almachiô ngac nhiên hỏi: – Các người quan tâm tới các tử tội bị ta kết án hay sao ?

Cêcilia trả lời: – Thật đẹp lòng Chúa biết bao, nếu chúng tôi xứng đáng được làm nô lệ cho những người mà Ngài kết án là tử tội.

Quan tổng trấn nhún vai cho rằng: người đàn bà này mất trí. Ông tách riêng Valêriô và Tiburtiô và cũng hỏi như vậy. Nhưng các Ngài đã khinh thường danh vọng với sang giàu mà Almachiô rất coi trọng. Ông liền kết án trảm quyết các Ngài. Tác giả kể lại cuộc tử nạn các Ngài đã nói: – Người ta thấy các Ngài chạy xô tới cái chết như tới dự một đại lễ.

Cêcilia thu lượm và chôn cất xác các Ngài. Nàng vẫn tiếp tục bao bọc cho các Kitô hữu bị bách hại. Almachiô liền tống giam các Ngài. Bị vấn danh Ngài nói: – Tôi tên là Cêcilia, nhưng Kitô hữu là tên đẹp hơn nhiều của tôi.

Quan tổng trấn bắt nộp tài sản của Valêriô và Tiburtiô. Cêcilia trả lời để tất cả đã được phân phát cho người nghèo rồi. Tức giận Almachiô truyền cho Cêcilia phải dâng hương tế thần ngay nếu không sẽ phải chết. Cêcilia cười trả lời: – Chư thần của ông chỉ là đá, đồng chì, và Ngài tuyên xưng đức tin vào Chúa Kitô mà thôi. Các binh sĩ xúc động nghị rằng Ngài sắp phải chết nên nài nỉ: – Cô sang trọng và trẻ đẹp, hai mươi tuổi đầu hãy dâng hương tế thần đi, đừng để chết uổng.

Nhưng Cêcilia trả lời họ rằng: – Các ông không biết rằng chết vào tuổi tôi, không phải là đánh mất tuổi trẻ, nhưng là đổi chác vì Thiên Chúa sẽ trả lại gấp trăm cái người ta dâng cho Ngài sao ? Nếu người ta đưa quí kim để đổi lấy vật tầm thường, các ông có ngập ngừng không ?

Nghe Ngài các binh sĩ hoán cải. Almachiô mất bình tĩnh truyền giam Ngài vào phòng tắm. Căn phòng đầy hơi nóng. Cêcilia không hề thấy khó chịu. Almachiô truyền chém đầu Ngài lý hình ba lần dùng gươm mà chỉ gây nên được một vết thương ghê rợn. Thánh nữ đã cầu xin để được gặp Đức Giáo hoàng Urbanô đến lo linh hồn mình. Ngài còn sống được 3 ngày, được gặp Đức Urbanô, rồi lãnh triều thiên thiên thần đã hứa.

Các Kitô hữu chôn táng Ngài và tôn trọng thái độ lúc Ngài tắt hơi, đầu không cúi gục như bông hao không tàn.

Hơn một nghìn năm sau, người ta thấy trong hang toại đạo một thi thể được coi như là của Cêcilia, huyền thoại kể lại và nghệ sĩ trẻ Maderna tạc tượng đã nghĩ đây là tuyệt phẩm của ơn thánh.

Vào thế kỷ thứ V, một nhà quí phái trùng tên đã dâng nhiều dinh thự làm nhà thờ đặt tên là Cêcilia danh hiệu bà đã được mang.

(daminhvn.net)

+++++++++++++++++

22 Tháng Mười Một

Nồi Cháo Tuyệt Vời

Một hôm, có một người lạ mặt đến gõ cửa nhà của một bà góa nghèo để xin ăn. Nhưng người đàn bà cho biết trong nhà bà không còn gì để ăn cả. Người lạ mặt mới nói: “Bà đừng lo, tôi có mang theo một hòn đá có thể biến nước thành một thứ cháo tuyệt vời nhất trần gian. Nhưng trước tiên bà hãy cho tôi mượn một cái nồi lớn”.

Thấy người lạ mặt đề nghị một cách nghiêm chỉnh, cho nên người đàn bà mới cho nước vào cái nồi lớn nhất và đặt lên bếp. Khi nước vừa sôi, thì người đàn bà chạy đến các nhà láng giềng để mời sang chứng kiến điều lạ lùng sắp xảy ra. Trước đôi mắt mở to của mọi người, người khách lạ mới cho viên đá vào nồi, rồi dùng muỗng lấy nước đưa lên miệng nếm, ông vừa hít hà: “Thật là tuyệt diệu! Nhưng giá có thêm một ít khoai thì tốt hơn”. Nghe thế, một người đàn bà có mặt bèn sốt sắng đề nghị: “Trong bếp tôi còn một ít khoai”. Nói xong, bà đon đả chạy về nhà mang khoai sang. Người khách lạ cho những miếng khoai tây được thái nhỏ vào trong nồi. Một lát sau, ông nếm thử và nói: “Tuyệt! Nhưng giá có thêm chút thịt thì chắc chắn phải ngon hơn”.

Nghe thế , một người đàn bà khác chạy về mang thịt đến. Người lạ mặt cũng cho thịt vào nồi, đảo lên trộn xuống một hồi rồi nếm thử và nói: “Bây giờ thì quý vị thưởng thức nồi cháo của tôi, nhưng nếu có thêm một chút rau cỏ cho vào thì là hoàn hảo”. Dĩ nhiên, ai cũng muốn nếm thử nồi cháo, cho nên ai cũng hăm hở đi tìm rau. Có người mang đến nguyên một giỏ củ cà rốt và hành. Người lạ mặt cho các thứ rau vào nồi rồi ra lệnh cho người đàn bà chủ nhà: “Bây giờ tôi cần một ít muối và tiêu nữa là có được một nồi cháo ngon nhất trần gian”. Khi nồi cháo đã sẵn sàng, ông hối thúc mọi người đi tìm chén bát đến. Có người mang cả bánh mì và trái cây.

Mọi người vui vẻ ngồi vào một bàn tiệc bất ngờ. Trong khi mọi người nói cười rộn rã, thì người khách lạ lẻn đi. Ông vẫn để lại hòn đá mà mỗi khi cần đến, những người hàng xóm có thể sử dụng để cùng nấu chung với nhau một nồi cháo ngon nhất thế giới.

Một hòn đá, cộng với một ít thực liệu và gia vị sẽ tạo nên một nồi cháo ngon nhất trần gian: đó là hình ảnh của sự đóng góp vào phép lạ mà Thiên Chúa không ngừng thực thi cho con người.

Bà góa thành Sarepta đã dâng cúng một ít bột mì cho tiên tri Êlia để từ đó được lương thực hằng ngày trong suốt mùa hạn hán. Trong Tin Mừng, Chúa Giêsu đã nhân bánh và cá cho hơn năm ngàn người ăn từ năm chiếc bánh và hai con cá của một cậu bé…

Với một chút đóng góp từ lòng quảng đại của con người, Thiên Chúa có thể làm những phép lạ cả thể. Tất cả những công trình bác ái và giáo dục trong Giáo Hội đều bắt nguồn một cách khiêm tốn: Chúng ta hãy nhìn vào công trình của Mẹ Têrêxa thành Calcutta, của cha Pierre, sáng lập cộng đồng Emmaus, của cha Van Straatten, sáng lập Hội trợ giúp các Giáo Hội đau khổ: một căn nhà nhỏ, một miếng thịt mỡ, một công việc vô danh… Phép lạ của Thiên Chúa thường bắt đầu bằng những đóng góp nhỏ và âm thầm của con người.

Thiên Chúa luôn ban cho mỗi người chúng ta cơ may để đón nhận phép lạ của Ngài. Ngài chỉ cần một chút lòng quảng đại của cúng ta. Nếu chúng ta sẵn sàng dâng tặng cho Ngài một chút những gì chúng ta có thì có biết bao nhiêu người chung quanh sẽ được chung hưởng phép lạ của Thiên Chúa.

(Lẽ Sống)

++++++++++++++++++

Lời Chúa Mỗi Ngày

Thứ Ba – Tuần 34 – TN2

Bài đọc: Rev 14:14-19; Lk 21:5-11.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Ngày Phán Xét

Một trong những đề tài luôn khích động con người tiên đóan là khi nào Ngày Tận Thế xảy ra và những điềm báo trước về ngày này. Gần chúng ta nhất là biến cố năm 2000: nhiều người tiên đóan là ngày đầu của Năm 2000 sẽ là Ngày Tận Thế! Họ rút tiền khỏi ngân hàng và chuẩn bị sẵn sàng để về với Chúa. Tám năm sắp qua, Ngày đó vẫn chưa tới! Không riêng gì chúng ta ngày nay, Thánh Phaolô và các giáo hữu tiên khởi cũng đã từng tiên đóan và chuẩn bị cho Ngày này trong thời đại của họ. Các Bài đọc hôm nay cũng tập trung vào Ngày Tận Thế và những gì sẽ xảy ra trong Ngày đó. Bài đọc I cho chúng ta biết thứ tự về những gì sẽ xảy ra: Chúa Giêsu sẽ thu thập người lành vào Nước Trời trước khi các thiên thần trừng phạt kẻ dữ. Trong Phúc Âm, khi được hỏi khi nào Ngày Tận Thế sẽ xảy ra và các điềm báo trước, Chúa Giêsu không cho biết ngày giờ, nhưng Ngài cho biết sẽ có các tiên tri giả, những lời đóan mò, và các điềm lạ xảy ra trên trời cũng như dưới đất.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Thu thập mùa màng và hình phạt theo sau

1.1/ Con Người thu thập mùa màng trước khi hình phạt theo sau: Hình ảnh thu thập mùa màng được tác giả của Sách Khải Huyền và nhiều tác giả Sách Tin Mừng (Mk 4:29, Mt 25:31) dùng để mô tả những gì sẽ xảy ra trong Ngày Tận Thế. Trong nông nghiệp, mùa màng sẽ được thu vào kho lẫm trước khi cỏ dại và những đồ xấu được thu thập và đốt đi. Cũng vậy, người lành sẽ được thu nhập khỏi mặt đất trước khi kẻ dữ bị tiêu hủy muôn đời. Đấng ngự trên mây là chính Con Người, là Đức Kitô. Người sẽ chủ động trong việc thu thập mùa màng. Liềm sắc bén là khí cụ dùng để gặt hái. Quăng niềm xuống đất là biểu tượng bắt đầu gặt hái mùa màng. Trình thuật không nói rõ ai là những thợ gặt hái. Chỗ khác nói các thiên thần là những thợ gặt hái. Mùa màng đã chín là Ngày Tận Thế đã đến.

1.2/ Hình phạt của Thiên Chúa: sẽ xảy ra sau khi thu thập mùa màng. Tác giả dùng hình ảnh của sự thu thập nho chín ném vào bồn đạp nho để diễn tả sự trừng phạt của Thiên Chúa cho kẻ dữ. Một thiên thần chủ động trong việc phạt con người, chứ không phải là Đức Kitô. Liềm sắc bén cũng để thu cỏ dại hay cắt nho. Mùa nho chín là Ngày của các kẻ dữ đã đến. Bỏ nho vào trong bồn đạp nho là biểu tượng của hình phạt: như nho chín bị nghiền nát trong bồn đạp nho, kẻ dữ cũng chịu chung một số phận tương tự như vậy. Máu của họ đổ ra được so sánh với máu của nho (Gen 49:11). Tác giả gọi hình phạt này là để thỏa “cơn lôi đình của Thiên Chúa.”

2/ Phúc Âm: Ngày của Đấng Thiên Sai đến

Người Do-Thái quan niệm họ đang sống giữa 2 thời đại: thời hiện tại rất xấu xa, không thể chữa trị, và xứng đáng bị tiêu diệt; và thời tương lai huy hòang của Thiên Chúa và sự thống trị của người Do-Thái. Giữa 2 thời này sẽ có Ngày của Đấng Thiên Sai, Ngày mà những sự kinh hòang trong trời đất sẽ xảy ra. Trong Ngày này, trái đất sẽ bị tiêu hủy và các tội nhân sẽ bị tiêu diệt (Isa 13:9, Joel 2:1-2, Amo 5:18-20, Zep 1:14-18). Ngày này sẽ xảy ra bất thình lình như kẻ trộm vào nhà lúc ban đêm (I Thes 5:2, II Pet 3:10). Các ngôi sao và thái dương hệ sẽ không còn chiếu sáng, trái đất sẽ rung chuyển, và cơn giận của Thiên Chúa sẽ tràn xuống con người (Isa 13:10-13, Joel 2:30-31).

2.1/ Tất cả những huy hòang của thế gian là tạm bợ: ngay cả sự huy hòang của Đền Thờ Giêrusalem. Nếu khách hành hương đứng từ Đồi Ôliu nhìn xuống Thành Giêrusalem, Đền Thờ và cảnh huy hòang lộng lẫy của nó là cảnh đầu tiên đập vào mắt khách hành huơng. Ngày nay, tuy Đền Thờ không còn nữa, nhưng vẻ huy hòang của nó vẫn còn sót lại qua những tảng đá khổng lồ và Bức Tường Than Khóc. Vào thời của Chúa Giêsu, Đền Thờ là niềm kiêu hãnh của người Do-Thái; vì thế, không lạ gì khi có mấy người nói về Đền Thờ được trang hoàng bằng những viên đá đẹp và những đồ dâng cúng, nhưng Đức Giêsu bảo: “Những gì anh em đang chiêm ngưỡng đó sẽ có ngày bị tàn phá hết, không còn tảng đá nào trên tảng đá nào.”

2.2/ Đền Thờ Giêrusalem bị quân đội Rôma phá hủy hòan tòan vào năm 70 AD: Chỉ hơn 30 năm sau, lời tiên tri của Chúa Giêsu về Thành Giêrusalem được ứng nghiệm. Quân đội Rôma đã đem quân vây hãm thành: dân chúng không còn thực phẩm nên đã phải ăn thịt lẫn nhau để sống, có những người đã phải nhai cả giầy dép cho đỡ đói. Họ san phẳng Thành Giêrusalem đúng như lời Chúa Giêsu tiên báo: “không còn tảng đá nào trên tảng đá nào.” Sử gia Josephus ước chừng khỏang 1,100,000 người chết trong biến cố này, và 97,000 người khác bị đem đi lưu đày. Nước Do-Thái hòan tòan bị xóa sổ trên bản đồ.

2.3/ Những tiên đóan của Chúa Giêsu về Ngày Tận Thế: Họ hỏi Người: “Thưa Thầy, vậy bao giờ các sự việc đó sẽ xảy ra, và khi sắp xảy ra, thì có điềm gì báo trước?” Chúa Giêsu không cho biết bao giờ Ngày Tận Thế sẽ xảy ra, nhưng Ngài liệt kê 2 điều báo trước:

(1) Sẽ có các tiên tri giả và những người đóan mò:

– Những người mạo nhận là Chúa Giêsu đến lần thứ hai: Từ khi Chúa Giêsu lên trời tới giờ, nhiều người mạo nhận là tiên tri từ trời sai tới: Mohamed của Hồi Giáo, Smith của Mormon.

– Những người đóan mò Ngày Tận Thế sắp tới: Thời nào cũng có người đóan mò Ngày này; nổi danh hơn cả là ông Nostradamus. Ngày đầu của Năm 2000 được nhiều người tiên đóan là Ngày Tận Thế, và nhiều người đã chuẩn bị cho ngày này; thế mà chúng ta sắp sửa bước qua năm 2009 rồi, mà chưa thấy gì cả. Chúa Giêsu đã đề phòng: “Anh em hãy coi chừng kẻo bị lừa gạt, vì sẽ có nhiều người mạo danh Thầy đến nói rằng: “Chính ta đây,” và: “Thời kỳ đã đến gần;” anh em chớ có theo họ.

(2) Những dấu lạ của đất trời:

– Sẽ có chiến tranh và lọan lạc: “Khi anh em nghe có chiến tranh, loạn lạc, thì đừng sợ hãi; vì những việc đó phải xảy ra trước, nhưng chưa phải là chung cục ngay đâu… Dân này sẽ nổi dậy chống dân kia, nước này chống nước nọ.” Chiến tranh vẫn xảy ra ở mọi nơi và mọi thời, ngay cả trong thời đại chúng ta. Điều này chỉ xác nhận con người đang ở giữa 2 thời như người Do-Thái tin tưởng, chúng ta không thể dựa vào chiến tranh để tiên đóan Ngày Thiên Chúa gần đến.

– Sẽ có những trận động đất lớn, và nhiều nơi sẽ có ôn dịch và đói kém: Những trận động đất lớn vẫn xảy ra ở mọi nơi và mọi thời; gần chúng ta nhất là trận động đất ở Sichuan, Trung Quốc, 2008, đã cất đi gần 70,000 người. Ngòai ra, các thiên tai như sóng thần, lũ lụt, dịch gà, dịch bò điên, hạn hán là những lý do làm mất mùa, gây đói khát, vẫn xảy ra hàng năm.

– Sẽ có những hiện tượng kinh khủng và điềm lạ lớn lao từ trời xuất hiện: Đây có lẽ là điềm báo rõ hơn cả vì từ thời Chúa Giêsu về trời đến nay, con người chưa bao giờ được chứng kiến những điềm lạ lớn lao từ trời như các tiên tri loan báo như: mặt trời, mặt trăng, và các ngôi sao trong thái dương hệ không còn chiếu sáng. Khi tất cả các điềm lạ trên xảy ra, Ngày Tận Thế sau cùng mới tới.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

– Ngày Phán Xét chắc chắn sẽ xảy ra; sẽ có các điềm lạ xảy ra trên trời và dưới đất báo trước; nhưng còn chắc chắn ngày nào giờ nào, không ai được biết.

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

****************