Ngày thứ ba (28-04-2020) – Trang suy niệm

27/04/2020

Lời Chúa Hôm Nay

Thứ Ba Tuần III Mùa Phục Sinh Năm chẵn

BÀI ĐỌC I: Cv 7, 51-59 (Hl 7, 51 – 8, 1)

“Lạy Chúa Giêsu, xin đón nhận tâm hồn con”.

Trích sách Tông đồ Công vụ.

Khi ấy, Têphanô nói với dân chúng, các kỳ lão và luật sĩ rằng: “Hỡi những tên cứng cổ, lòng và tai chẳng cắt bì kia, các ngươi luôn luôn chống đối Thánh Thần; cha ông các ngươi làm sao, các ngươi cũng vậy. Có tiên tri nào mà cha ông các ngươi lại không bắt bớ? Họ đã giết những người tiên báo về việc Đấng Công chính sẽ đến, Đấng mà ngày nay các ngươi đã nộp và giết chết; các ngươi đã lãnh nhận lề luật do thiên thần truyền cho, nhưng đã không tuân giữ”.

Nghe ông nói, họ phát điên lên trong lòng, và họ nghiến răng phản đối ông. Nhưng Têphanô đầy Thánh Thần, nhìn lên trời, đã xem thấy vinh quang của Thiên Chúa, và Đức Giêsu đứng bên hữu Thiên Chúa. Ông đã nói rằng: “Kìa, tôi xem thấy trời mở ra, và Con Người đứng bên hữu Thiên Chúa”. Bấy giờ họ lớn tiếng kêu la và bịt tai lại, và họ nhất tề xông vào ông. Khi lôi ông ra ngoài thành, họ ném đá ông. Và các nhân chứng đã để áo của họ dưới chân một người thanh niên tên là Saolô. Rồi họ ném đá Têphanô, đang lúc ông cầu nguyện rằng: “Lạy Chúa Giêsu, xin đón nhận tâm hồn con”. Thế rồi ông quỳ xuống, lớn tiếng kêu lên rằng: “Lạy Chúa, xin đừng trách cứ họ về tội lỗi này”. Nói xong câu đó, ông đã an giấc trong Chúa. Còn Saolô thì đã tán thành việc giết ông (Têphanô). Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 30, 3cd-4. 6ab và 7b và 8a. 17 và 21ab

Đáp: Lạy Chúa, con phó thác tâm hồn trong tay Chúa (c. 6a).

Hoặc đọc: Alleluia.

Xướng: 1) Xin Chúa trở thành núi đá cho con trú ẩn, thành chiến luỹ kiên cố để cứu độ con, bởi Chúa là Tảng đá, là chiến luỹ của con; vì uy danh Ngài, Ngài sẽ dìu dắt và hướng dẫn con. – Đáp.

2) Con phó thác tâm hồn trong tay Chúa, lạy Chúa, lạy Thiên Chúa trung thành, xin cứu chữa con. Còn phần con, con tin cậy ở Chúa, con sẽ hân hoan mừng rỡ vì đức từ bi của Chúa. – Đáp.

3) Xin cho tôi tớ Chúa được thấy long nhan dịu hiền, xin cứu sống con theo lượng từ bi của Chúa. Chúa che chở họ dưới bóng long nhan Ngài, cho khỏi người ta âm mưu làm hại. – Đáp. 

ALLELUIA: Ga 16, 7 và 13

Alleluia, alleluia! – Chúa phán: “Thầy sẽ sai Thần Chân Lý đến cùng các con; Người sẽ dạy các con biết tất cả sự thật”. – Alleluia. 

PHÚC ÂM: Ga 6, 30-35

“Không phải Môsê, mà chính Cha Ta mới ban bánh bởi trời đích thực”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, đám đông thưa Chúa Giêsu: “Ngài sẽ làm dấu lạ gì để chúng tôi thấy mà tin Ngài? Ngài làm được việc gì? Cha ông chúng tôi đã ăn manna trong sa mạc, như đã chép rằng: “Người đã ban cho họ ăn bánh bởi trời”. Chúa Giêsu đáp: “Thật Ta bảo thật các ngươi, không phải Môsê đã ban cho các ngươi bánh bởi trời, mà chính Cha Ta mới ban cho các ngươi bánh bởi trời đích thực. Vì bánh của Thiên Chúa phải là vật tự trời xuống, và ban sự sống cho thế gian”. Họ liền thưa với Ngài rằng: “Thưa Ngài, xin cho chúng tôi bánh đó luôn mãi”. Chúa Giêsu nói: “Chính Ta là bánh ban sự sống. Ai đến với Ta sẽ không hề đói; ai tin vào Ta sẽ không hề khát bao giờ”. Đó là lời Chúa.

(thanhlinh.net)

++++++++++++++++++

28/04/2020 – THỨ BA TUẦN 3 PS

Th. Phê-rô Sa-nen, linh mục, tử đạo       

Ga 6,30-35

KHAO KHÁT BÁNH HẰNG SỐNG

“Thưa Ngài, xin cho chúng tôi được ăn mãi thứ bánh ấy.” (Ga 6,34)

Suy niệm: Trên hành trình đi về Đất hứa, dân Do thái lắm khi thiếu của ăn. Thiên Chúa đã ban man-na cho họ dùng làm lương thực suốt bốn mươi năm rong ruổi trong sa mạc (Xh 16,35). Do đó, sau khi được Đức Giê-su làm phép lạ hóa bánh ra nhiều, được cho ăn no nê, họ nghĩ ngay đến nguồn man-na mới; họ hăng hái chạy đi tìm Ngài để đòi được dấu lạ mới từ trời. Tuy nhiên, Ngài nói cho họ biết rằng Ngài sẽ ban cho họ bánh từ trời xuống như mong mỏi của họ, nhưng không phải là thứ bánh vật chất, ăn xong rồi sẽ đói lại. Bánh từ trời ấy là chính thân mình Ngài, ai lãnh nhận Ngài sẽ không còn đói khát trong tâm hồn mình nữa. Để rồi trên đường lữ hành trần thế, các tín hữu được nuôi dưỡng và bổ sức nhờ bánh bởi trời ấy.

Mời bạn: Giữa cơn đại dịch Covid-19, Giáo hội nhiều nơi đã phải cử hành Thánh lễ mà không có người giáo dân tham dự. Việc không thể tham dự Thánh lễ và rước lễ là “thử thách” lớn cho các tín hữu. Nhờ các thánh lễ trực tuyến, rước lễ thiêng liêng, người tín hữu vẫn luôn được ơn nâng đỡ trong các cộng đoàn bị cách ly, ở vùng tâm dịch.

Chia sẻ – Sống Lời Chúa: Những ai yêu mến nhiều sẽ cảm nghiệm được sự xa cách về thể lý, và ước mong được sớm gặp lại người mình yêu. Bạn có kinh nghiệm về lòng yêu mến ấy đối với Chúa Giê-su, với giáo xứ, Giáo hội chưa? Trong lúc cầu nguyện, bạn hãy khám phá mối thâm tình riêng tư với Chúa.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, cảm tạ Chúa là Bánh hằng sống cho con mỗi ngày. Xin cho con biết khát khao tìm kiếm, lãnh nhận Chúa trong từng khoảnh khắc riêng tư, nơi Nhà tạm, trong Thánh lễ và trong ngày sống.

(5 Phút Lời Chúa)

++++++++++++++++++

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên

28 THÁNG TƯ

Chúng Ta Là Đàn chiên Do Ngài Dẫn Dắt

Vào thời đại Thánh Kinh, người mục tử không chỉ là một người lãnh đạo mà còn là một người bảo vệ cẩn mật và chuyên chăm. Anh ta quan tâm tới sự sống của đàn chiên. Anh ta dẫn đàn chiên tới những đồng cỏ và suối nước. Anh ta bảo vệ đàn chiên cho khỏi những kẻ rình rập và thú dữ. Anh ta lo phòng tránh mọi mối nguy hiểm cho đàn chiên.

Người mục tử là một vị cứu tinh. Chiên có thể tín nhiệm vào anh ta với một tấm lòng đơn sơ – như chúng ta ngày nay tín thác vào Chúa Kitô vậy – bởi vì anh ta cung cấp cho chiên cuộc sống an toàn và phong phú. Thật dễ nhận ra nơi người mục tử uy quyền của Thiên Chúa, Đấng là Thủ Lĩnh Tối Cao. Ngài trao ban sự tốt lành và ân sủng, Ngài quan tâm tới con người và trở thành sự đỡ nâng vững chắc của con người. Vâng, chúng ta thuộc về Ngài. Ngài đã dựng nên chúng ta. Chúng ta là dân Ngài. Chúng ta là đàn chiên do Ngài dẫn dắt. Đức Kitô đã gọi các môn đệ Người là “của tôi”, vì “Cha tôi … đã ban chúng cho tôi” (Ga 10,29).

Mỗi tín hữu đều đã được Chúa Cha trao cho Chúa Con bằng một cách thế đặc biệt. Chúa Con đã trở thành con người để đảm nhận lấy mối ưu tư của Chúa Cha đối với con người: mối ưu tư của người mục tử đối với đàn chiên. Mối quan tâm của một người mục tử có thể so sánh với sự quan phòng từ phụ của Thiên Chúa như được trình bày trong Thánh Kinh. Sự quan phòng này trở thành một thực tại sống động đối với chúng ta xuyên qua Chúa Con – là Đức Kitô.

– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –

Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác

LIFT UP YOUR HEARTS

Daily Meditations by Pope John Paul II

+++++++++++++++++

Lời Chúa Trong Gia Đình

Ngày 28/4

Thánh Phêrô Chanel, linh mục tử đạo,

Thánh Luy Grignion Môntfort, linh mục

Cv 7, 51-8, 1a; Ga 6, 30-35.

Lời Suy Niệm: “Chính tôi là bánh trường sinh. Ai đến với tôi, không hề phải đói; ai tin vào tôi, chẳng khát bao giờ.”

       Chúa Giêsu hướng dẫn điều ước ao của dân chúng, gợi lên trong họ sự ước muốn thật sự: “Thưa Ngài, xin cho chúng tôi được ăn mãi thứ bánh ấy.” Và Người đã giới thiệu với họ: “Chính tôi là bánh trường sinh. Ai đến với tôi, không hề phải đói; ai tin vào tôi, chẳng khát bao giờ.”. Với lời giới thiệu này, không ai có thể dững dưng được.

       Lạy Chúa Giêsu. Mình Máu Thánh Chúa là lương thực trường sinh cho chúng con. Xin cho chúng con đừng bao giờ dững dưng, nhưng luôn phải hướng đến để lãnh nhận.

Mạnh Phương

+++++++++++++++++

Gương Thánh Nhân

Ngày 28-04: Thánh PHÊRÔ CHANEL
Linh Mục (1803 – 1841)

Phêrô Chanel sinh ngày 12 tháng 7 năm 1803 tại Cuet. Hồi nhỏ, Phêrô chăn chiên quanh vùng Belley. Một linh mục chú ý tới Ngài, lo dạy dỗ và đưa Ngài vào chủng viện Brou. Ngày 15 tháng 7 năm 1827 Ngài được thụ phong linh mục. Trước hết Ngài được bổ nhiệm làm phó xứ Ambere, sau đó làm cha sở Crozet. Năm 1831, Ngài nhập Hội dòng Maria và đi truyền giáo ở Ocenia.

Thánh nhân tới đảo Futuna với cha Maria Niziep ở tại hòn đảo hoang vẫn còn tập tục ăn thịt người này, Ngài đã dốc toàn lực mở mang nước Chúa. Một tu sĩ phụ tá luôn sát cánh với Nhà truyền giáo đã kể lại như sau:

“Làm việc dưới sức nóng nung của trong ánh sáng mặt trời, Ngài trở về nhà ướt đẫm mồ hôi, đói khát, nhọc mệt, nhưng vẫn vui tươi nhanh nhẹn, tâm hồn sảng khoái như vừa trở về từ một nơi hạnh phúc. Đây không phải chỉ có một lần mà dường như ngày nào cũng vậy”.

“Người không từ chối người dân Futuna điều gì cả. Đối với những ai bắt bớ Ngài, Ngài luôn tha thứ và không khước từ họ, dù cho họ có dốt nát hủ lậu đi nữa. Ngài luôn hiền dịu đối với mọi người”.

Thật lạ lùng gì khi dân chúng gọi Ngài là “Người phúc hậu” chính Ngài đã thường nói với các bạn : – Trong cuộc truyền giáo khó khăn thế này chúng ta phải thánh thiện mới được.

Rao giảng Chúa Kitô và Phúc âm, Ngài đã chỉ nhận được những kết quả nhỏ nhoi. Dầu vậy, Ngài cũng xác quyết rằng: việc truyền giáo là việc của loài người và đồng thời cũng là của Thiên Chúa nữa. Gương và lời Chúa đã nói: “Người lo gieo và người khác sẽ gặt”. Nên thánh nhân luôn nỗ lực rao giảng giáo lý Kitô giáo và chống lại việc sùng bái của các thần dữ. Nhiệt tình của Ngài đã gây nên nhiều ghen ghét đe dọa tới chính mạng sống Ngài.

Hôm trước ngày qua đời thánh nhân còn nói: – Kitô giáo được gieo trồng trên đảo sẽ không bị tiêu diệt với cái chết của tôi, vì đây không phải là việc của loài người mà là của Thiên Chúa.

Ngày 28 tháng 4 năm 1241 thánh Phêrô bị sát hại. Nhưng ít lâu sau toàn thể dân đảo Futuna đã trở lại đạo công giáo, đức tin từ Futuna lấn sang các đảo lân cận ở Oceania và thánh Phêrô được tôn kính như một vị tử đạo tiên khởi.

(daminhvn.net)

+++++++++++++++++

28 Tháng Tư

Thắp Lên Ngọn Ðèn Cũ 

Trong một cuộc phỏng vấn, Mẹ Têrêxa thành Calcutta đã thuật lại một sự kiện như sau: Ở Úc Châu có một người thổ dân Aborigines kia sống trong một hoàn cảnh thật thảm thương. Ông cũng đã khá cao niên rồi, sống trong một túp lều xiêu vẹo. Khởi đầu câu chuyện tôi nói với ông:

– Ðể tôi dọn dẹp nhà và sửa soạn giường ngủ cho ông. Ông ta trả lời một cách hững hờ:

– Tôi đã quen sống như vậy rồi.

– Nhưng ông cũng cảm thấy dễ chịu hơn với căn nhà sạch sẽ và ngăn nắp. Sau cùng ông ta bằng lòng để tôi dọn dẹp nhà cửa lại cho ông. Trong khi quét dọn tôi thấy một cái đèn cũ đẹp nhưng phủ đầy bụi bặm và bồ hóng. Tôi hỏi ông:

– Có bao giờ ông thắp đèn này chưa? Ông ta trả lời một cách cộc lốc:
– Nhưng thắp đèn cho ai? Có ai bước chân vào nhà này bao giờ đâu. Tôi sống ở đây đã từ lâu không hề trông thấy một người nào cả. Tôi hỏi ông:

– Nếu như các nữ tu đến thăm ông thường xuyên, ông có vui lòng thắp đèn lên không?

– Dĩ nhiên rồi.

Từ ngày đó các nữ tu quyết định mỗi chiều sẽ ghé qua nhà ông. Từ đó ông ta bắt đầu thắp đèn và dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ hơn. Ông còn sống thêm hai năm nữa. Trước khi chết ông nhờ các nữ tu ghé thăm nhắn tin cho tôi:

– Xin nhắn với Mẹ Têrêxa, bạn tôi rằng, ngọn đèn mà Mẹ đã thắp lên trong đời tôi vẫn còn chiếu sáng. Ðó chỉ là một việc nhỏ mọn, nhưng trong bóng tối cô đơn của đời tôi, một tia sáng đã thắp lên và vẫn còn tiếp tục chiếu sáng mãi.

Chúng ta đều cảm nghiệm được niềm vui sướng vì được yêu thương, được chính Chúa thương yêu. Và chúng ta cũng hiểu được giới răn của Chúa: “Hãy thương yêu nhau, như Thầy yêu thương các con”.

(Lẽ Sống)

++++++++++++++++++

Lời Chúa Mỗi Ngày

Thứ Ba Tuần III PS

Bài đọc: Acts 7:51-8:1; Jn 6:30-35.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Người môn đệ họa lại cuộc đời của Thầy mình.

Trong bữa Tiệc Ly, trước khi từ giã cuộc đời để về với Chúa Cha, Chúa Giêsu đã nhắn nhủ những lời tâm huyết sau đây cho các môn đệ: “Trò không hơn Thầy; nếu họ đã bắt bớ Thầy, họ cũng sẽ bắt bớ anh em” (Jn 15:20). Tuy nhiên, Ngài cũng khuyến khích các ông: “Thầy nói với anh em những điều ấy, để trong Thầy anh em được bình an. Trong thế gian, anh em sẽ phải gian nan khốn khó. Nhưng can đảm lên! Thầy đã thắng thế gian” (Jn 16:33).

Các Bài Đọc hôm nay xoay quanh những khó khăn mà Chúa Giêsu và các môn đệ của Ngài phải đương đầu với từ thế gian. Trong Bài Đọc I, noi gương Thầy Chí Thánh, Stephanô sẵn sàng đổ máu đào để làm chứng nhân cho Chúa Giêsu. Cái chết của vị anh hùng tử đạo đầu tiên minh họa lại cái chết của Chúa Giêsu trong cuộc Thương Khó của Ngài. Trong Phúc Âm, dân chúng đi tìm Chúa Giêsu, không phải vì đã nhận ra Ngài là Đấng Thiên Sai, nhưng để được luôn có bánh ăn hằng ngày. Chúa kiên nhẫn sửa sai họ và mặc khải cho họ biết “Chính tôi là bánh trường sinh. Ai đến với tôi, không hề phải đói; ai tin vào tôi, chẳng khát bao giờ!”

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Cuộc tử đạo tiên khởi của Phó-tế Stephanô

1.1/ Xung đột giữa sự thật và sự sai trá: Bài giảng của Stephanô là lý do đưa ông tới cái chết, vì ông dám nói thật và dám tố cáo những việc làm sai trái của Thượng Hội Đồng.

(1) Stephanô tố cáo những người trong Thượng Hội Đồng: “Hỡi những người cứng đầu cứng cổ, lòng và tai không cắt bì, các ông luôn luôn chống lại Thánh Thần.” Giống như những lần xung đột của Chúa Giêsu với các Biệt-phái và Kinh-sư, Stephanô cũng tố cáo họ hai điều chính:

+ Giết hại các ngôn sứ: Chúa Giêsu tố cáo họ: “Khốn cho các người! Các người xây lăng cho các ngôn sứ, nhưng cha ông các người đã giết chết các vị ấy! Như vậy, các người vừa chứng thực vừa tán thành việc làm của cha ông các người, vì họ đã giết các vị ấy, còn các người thì xây lăng” (Lk 11:47-48). Stephanô cũng tố cáo họ: “Cha ông các ông thế nào, thì các ông cũng vậy. Có ngôn sứ nào mà cha ông các ông không bắt bớ? Họ đã giết những vị tiên báo Đấng Công Chính sẽ đến; còn các ông, nay đã trở thành những kẻ phản bội và sát hại Đấng ấy.”

+ Khinh thường và không giữ Lề Luật: Chúa Giêsu tố cáo họ: “Ông Moses đã chẳng ban Lề Luật cho các ông sao? Thế mà không một ai trong các ông tuân giữ Lề Luật! Sao các ông lại tìm cách giết tôi?” (Jn 7:19). Stephanô cũng tố cáo họ: “Các ông là những người đã lãnh nhận Lề Luật do các thiên sứ công bố, nhưng lại chẳng tuân giữ.”

(2) Phản ứng của Thượng Hội Đồng: Khi con người bị sửa sai, họ có thể chọn hai thái độ: hoặc khiêm nhường nhận ra sự sai trái và tìm cách sửa sai, hoặc tức giận phủ nhận và tìm cách hại người tố cáo. Những người trong Thượng Hội Đồng chọn thái độ thứ hai: “Khi nghe những lời ấy, lòng họ giận điên lên, và họ nghiến răng căm thù ông Stephanô.”

1.2/ Cuộc tử đạo của Stephanô: Thánh sử Lucas tường thuật cái chết của Stephanô như một minh họa lại cái chết của Chúa Giêsu, với những điểm tương đồng sau đây:

– Như Chúa Giêsu nói Ngài sẽ ngự bên hữu Thiên Chúa kể từ nay, trong cuộc thẩm vấn trước Thượng Hội Đồng (Lk 23:69); Stephanô được đầy ơn Thánh Thần, ông đăm đăm nhìn trời, thấy vinh quang Thiên Chúa, và thấy Đức Giêsu đứng bên hữu Thiên Chúa. Ông nói: “Kìa, tôi thấy trời mở ra, và Con Người đứng bên hữu Thiên Chúa” (Acts 7:55-56).

– Như Chúa Giêsu không được Thượng Hội Đồng xét xử theo Luật buộc (Lk 22:71), Stephanô cũng bị buộc tội bởi Thượng Hội Đồng và ném đá tới chết mà không được xét xử. Cái chết của ông là hậu quả của sự tức giận đột xuất của những người trong Thượng Hội Đồng: “Họ liền kêu lớn tiếng, bịt tai lại, và nhất tề xông vào ông, rồi lôi ra ngoài thành mà ném đá” (Acts 7:57-58).

– Như Chúa Giêsu phó thác linh hồn Ngài trong tay Chúa Cha: “Lạy Cha! Con xin phó thác hồn con trong tay Cha” (Lk 23:46); họ ném đá ông Stephanô, đang lúc ông cầu xin rằng: “Lạy Chúa Giêsu, xin nhận lấy hồn con” (Acts 7:59).

– Như Chúa Giêsu đã kêu xin Chúa Cha tha tội cho những kẻ luận tội và giết Ngài: “Lạy Cha! Xin tha cho chúng vì chúng lầm không biết việc chúng làm” (Lk 23:34); Stephanô cũng quỳ quỳ gối xuống, kêu lớn tiếng trước khi chết: “Lạy Chúa, xin đừng chấp họ tội này” (Acts 7:60).

2/ Phúc Âm: “Ai đến với tôi, không hề phải đói; ai tin vào tôi, chẳng khát bao giờ!”

2.1/ Chúa Giêsu sửa sai sự hiểu biết, ý hướng, và hành động sai lầm của dân chúng:

(1) Đi tìm Chúa với ý hướng sai lầm: Vừa chứng kiến phép lạ “Bánh hóa nhiều” của Chúa Giêsu làm để nuôi 5,000 người, thay vì biết cám ơn Chúa đã lo lắng cho họ có của ăn, và nhận ra Ngài là Đấng Thiên Sai; giờ đây họ lại ích kỷ chỉ biết lo cho mình, và thách thức Chúa: “Vậy chính ông, ông làm được dấu lạ nào cho chúng tôi thấy để tin ông? Ông sẽ làm gì đây?”

(2) Hiểu biết sai về sự kiện lịch sử: Họ nói: “Tổ tiên chúng tôi đã ăn manna trong sa mạc, như có lời chép: Người đã cho họ ăn bánh bởi trời.” Chúa Giêsu sửa sai họ: “Thật, tôi bảo thật các ông, không phải ông Moses đã cho các ông ăn bánh bởi trời đâu, mà chính là Cha tôi cho các ông ăn bánh bởi trời.”

2.2/ Chúa Giêsu mặc khải Ngài là Bánh Trường Sinh: Ngài nói với họ: “Chính Cha tôi cho các ông ăn bánh bởi trời, bánh đích thực, vì bánh Thiên Chúa ban là bánh từ trời xuống, bánh đem lại sự sống cho thế gian.” Họ liền nói: “Thưa Ngài, xin cho chúng tôi được ăn mãi thứ bánh ấy.” Đức Giêsu bảo họ: “Chính tôi là bánh trường sinh. Ai đến với tôi, không hề phải đói; ai tin vào tôi, chẳng khát bao giờ!”

Con người rất khôn ngoan trong việc tìm kiếm và tích trữ những lương thực phần xác; nhưng lại rất khờ dại trong việc tích trữ các lương thực cho trí tuệ và cho phần linh hồn. Họ có thể bỏ mọi thời gian và nỗ lực đi tìm của cải chóng qua; nhưng không dám dành thời giờ cho việc học hỏi Lời Chúa và tham dự Bí-tích Thánh Thể hằng ngày. Dầu Chúa Giêsu đã tuyên bố Ngài là Bánh Trường Sinh: ai ăn sẽ sống, và ai không ăn sẽ chết; con người vẫn lơ là với những lời của Ngài. Chẳng lạ gì mà họ đang quay cuồng trong biển trần gian mà không biết đường nào để thoát ra ngoài.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

– Khi chọn làm môn đệ Chúa, chúng ta chọn bỏ ý riêng, để họa cuộc đời chúng ta theo đường lối của Chúa. Khi phải đương đầu với bách hại của thế gian, chúng ta không được lấy oán báo oán; nhưng phải cầu nguyện và tha thứ cho những người đã bách hại chúng ta.

– Khi bị sửa sai đúng, chúng ta cần khiêm nhường nhìn nhận lỗi lầm của mình, và tìm cách sửa sai để cuộc sống tốt đẹp hơn. Đừng quá tức giận đến độ la hét, chửi rủa, và giết hại người công chính.

– Để có sức lực chiến đấu, chúng ta phải năng lãnh nhận Mình Thánh Chúa. Nếu không có sức mạnh của Bi-tích Thánh Thể, chúng ta không thể nào đương đầu với những cám dỗ và bách hại của thế gian.

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

****************