Ngày thứ bảy (03-09-2022) – Trang suy niệm

02/09/2022

Lời Chúa Hôm Nay

Thứ Bảy Tuần XXII Mùa Thường Niên Năm chẵn

BÀI ĐỌC I:     1 Cr 4, 6-15 hoặc 9-15

“Chúng tôi chịu đói khát và trần trụi”.

Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.

Anh em thân mến, anh em hãy học hỏi nơi tôi và Apollô lời tục ngữ rằng: “Đừng làm quá điều đã chép”, để anh em đừng kiêu căng mà theo phe người này chống lại phe người khác. Vì có ai làm cho ngươi được nổi bật đâu? Nào ngươi có điều gì mà không phải là ngươi đã nhận lãnh? Nếu ngươi đã nhận lãnh, lẽ nào ngươi khoe mình dường như ngươi không nhận lãnh?

Phải rồi! anh em đã được no đầy rồi đấy, đã trở nên giàu có rồi đấy, anh em đã cai trị mà không cần đến chúng tôi. Chớ chi anh em được làm vua, để chúng tôi cùng được cai trị với anh em. Vì tôi nghĩ rằng chúng tôi là những tông đồ rốt hết, mà Thiên Chúa đã phơi bày chúng tôi ra như những người bị tử hình: vì chúng tôi đã nên trò cười cho thế gian, cho các Thiên Thần và loài người. Chúng tôi là những kẻ ngu dại vì Đức Kitô, còn anh em là những người khôn ngoan trong Đức Kitô; chúng tôi là những kẻ yếu đuối, còn anh em là những người hùng mạnh; anh em là những người sang trọng, còn chúng tôi là những kẻ hèn hạ. Cho đến giờ này, chúng tôi phải chịu đói khát, trần trụi, bị xỉ vả và long đong, chính tay chúng tôi đã vất vả làm việc; khi bị chúc dữ, chúng tôi chúc lành; bị bắt bớ, chúng tôi chịu đựng; bị thoá mạ, chúng tôi năn nỉ. Chúng tôi trở nên như đồ phế thải của thế gian này, và như cặn bã của mọi loài cho đến giờ này.

Tôi viết những điều này, không phải để làm nhục nhã anh em, nhưng tôi khuyến cáo anh em như con cái rất yêu dấu của tôi. Vì dẫu anh em có hàng vạn thầy dạy trong Đức Kitô, nhưng anh em không có nhiều cha đâu; vì nhờ Tin Mừng, tôi đã sinh anh em ra trong Đức Giêsu Kitô. Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 144, 17-18. 19-20. 21

Đáp: Chúa gần gũi mọi kẻ kêu cầu Người (c. 18a).

Xướng: 1) Chúa công minh trong mọi đường lối, và thánh thiện trong việc Chúa làm. Chúa gần gũi mọi kẻ kêu cầu Người, mọi kẻ kêu cầu Người cách thành tâm. – Đáp.

2) Chúa thực hiện ý muốn của những ai tôn sợ Người, Người nghe tiếng họ kêu và Người cứu họ. Chúa gìn giữ tất cả những ai mến yêu Người, và Người hủy diệt hết mọi kẻ bất nhân. – Đáp.

3) Miệng tôi hãy xướng lời ca khen ngợi Chúa, mọi loài huyết nhục hãy chúc tụng danh Chúa tới muôn đời. – Đáp.

ALLELUIA: Tv 110, 8ab

Alleluia, alleluia! – Lạy Chúa, mọi giới răn Chúa được lập ra cho tới muôn ngàn đời. – Alleluia. 

PHÚC ÂM: Lc 6, 1-5

“Tại sao các ông làm điều không được phép làm trong ngày Sabbat?”

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Trong một ngày Sabbat, khi Chúa Giêsu đi qua đồng lúa, thì các môn đệ bứt bông lúa miến, vò xát trong tay, rồi ăn. Có mấy người biệt phái nói với các ông rằng: “Tại sao các ông làm điều không được phép làm trong ngày Sabbat?” Chúa Giêsu trả lời họ rằng: “Các ông chưa đọc điều Đavit đã làm khi ông và các người tuỳ tùng bị đói sao? Ngài đã vào đền thờ Thiên Chúa, lấy bánh dâng hiến mà ăn và cho các người bạn tuỳ tùng ăn, bánh đó họ không được phép ăn, nhưng chỉ dành cho các trưởng tế mà thôi”. Và Người bảo họ rằng: “Con Người làm chủ cả ngày Sabbat”. Đó là lời Chúa.

(thanhlinh.net)

++++++++++++++++++

03/09/2022 – THỨ BẢY ĐẦU THÁNG TUẦN 22 TN

Th. Ghê-gô-ri-ô Cả, giáo hoàng, tiến sĩ HT

Lc 6,1-5

CHÚA NHẬT, NGÀY CỦA CHÚA

Bấy giờ Đức Giê-su nói: “Con Người làm chủ ngày sa-bát.” (Lc 6,1-5)

Suy niệm: Việc thiết kế đô thị đòi hỏi sự đóng góp của nhiều nhà chuyên môn thuộc nhiều ngành. Nói riêng chuyện làm đường sá, nếu chỉ thiếu tầm nhìn ở một ngã rẽ, sai lệch độ dốc tại một khúc quanh, thậm chí giải phân cách đặt sai chỗ cũng có thể gây nên tai nạn chết người. Những chỗ sai cần phải được sửa đổi. Quan niệm của người Do Thái về ngày sa-bát cũng có nhiều chỗ sai lệch cần sửa đổi ngay: thay vì tăng cường đời sống gia đình, đào sâu hiểu biết về lịch sử, tôn giáo, và trên hết để làm mặn nồng hơn nữa mối tương quan giữa họ với Thiên Chúa, họ đã thêm thắt nhiều qui định tỉ mỉ, biến ngày sa-bát trở thành ngày của những điều cấm kỵ, ngày chịu gánh nặng của luật lệ. Ý nghĩa thánh thiêng của ngày lễ được Đức Giê-su phục hồi, bởi Ngài làm chủ ngày sa-bát và đến để kiện toàn chứ không phải để bãi bỏ.

Mời Bạn: Bạn có coi ngày Chúa Nhật là ngày của những luật lệ cứng nhắc như ngày sa-bát và bạn chỉ có mặt trong Thánh Lễ vì luật buộc không? Tâm tình và thái độ của bạn trong ngày mừng kính cuộc phục sinh có nói lên đức tin của bạn không?

Chia sẻ: Khi cử hành Thánh Lễ, Giáo Hội hoàn thành mầu nhiệm thánh mà nghi thức chứa đựng. Mầu nhiệm đó là mầu nhiệm gì vậy?

Sống Lời Chúa: Mỗi khi đi dự lễ, bạn vào nhà thờ sớm hơn giờ lễ để chuẩn bị tâm hồn cho xứng đáng.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con chuẩn bị thật xứng đáng khi tham dự thánh lễ, vì đó là lúc con gặp Đấng tạo dựng nên con, lúc kẻ tội lỗi gặp Đấng Cứu Chuộc, lúc nghĩa tử gặp Cha của mình.

(5 Phút Lời Chúa)

++++++++++++++++++

Suy niệm và cầu nguyện

Suy niệm

“Tại sao các ông lại ăn uống với bọn thu thuế và quân tội lỗi?”
“Tại sao môn đệ ông lại không ăn chay?”
“Tại sao môn đệ ông không chịu rửa tay khi dùng bữa?”
Mấy người Pharisêu có vẻ thích đặt những câu hỏi tại sao.
Và trong bài Tin Mừng hôm nay, họ lại đặt một câu hỏi nữa :
“Tại sao các ông làm điều không được phép làm trong ngày sabát?”

Câu chuyện đơn giản như sau.
Thầy Giêsu và các trò đi ngang qua một cánh đồng lúa chín.
Các môn đệ đói nên bứt những bông lúa, vò trong tay cho vỏ tróc ra mà ăn.
Hành vi này được phép làm, dựa theo sách Đệ nhị luật (23, 26).
Nhưng vì đó là ngày sa-bát, nên lại không được phép làm.
Thật ra sách Xuất hành chỉ cấm gặt lúa vào ngày sa-bát thôi (34, 21).
Nhưng truyền thống đã dựng thêm một hàng rào bảo vệ,
bằng cách coi bứt lúa cũng là một hình thức gặt lúa.
Bởi thế các môn đệ bị coi là đã vi phạm luật giữ ngày sa-bát.

Thầy Giêsu lại một lần nữa bênh vực học trò của mình.
Ngài bắt đầu câu trả lời bằng việc đưa các ông Pharisêu về với Kinh Thánh.
Chẳng lẽ những người trí thức như họ mà đã không đọc chuyện này rồi sao.
Đó là chuyện vua Đa-vít và thuộc hạ đói bụng, đã được ăn “bánh thánh”,
khi họ đến đền thờ Nốp, gặp tư tế Akhimêléc (1 Sm 21, 2-7).
Vị tư tế này đã cho họ ăn thứ bánh đặt trước nhan Đức Chúa (Xh 25, 30)
mà chỉ tư tế mới được phép ăn (c. 4; Lv 24, 9),
khi 12 bánh cũ của tuần trước được thay bằng bánh mới vào ngày sa-bát.
Akhimêléc đã làm điều không được phép, vì bánh thường không còn.
Đứng trước cơn đói của Đavít, ông đã không quay đi vì nệ luật.
Đức Giêsu dùng câu chuyện này để bênh các môn đệ đang đói của Ngài,
dù nó không liên quan gì đến chuyện giữ ngày sabát.
Như tư tế Akhimêléc, Ngài cũng không quay đi vì nệ luật.
Hơn nữa, Ngài khẳng định mình là chủ ngày sa-bát (c. 5).
Đức Giêsu không dẹp bỏ ngày sa-bát, nhưng đặt nó ở dưới quyền của Ngài.
Chính Ngài cho ta biết cách giữ ngày sa-bát theo đúng ý Thiên Chúa.

Tội nghiệp các môn đệ bị đói, vì họ đã bỏ mọi sự mà theo Thầy Giêsu.
Họ chấp nhận bữa đói bữa no với một vị Thầy lang thang đây đó,
sống hoàn toàn nhờ lòng tốt của người nghe.
Mấy bông lúa có là gì để tránh cái cồn cào trong ruột.
Thầy Giêsu đã từng nếm cái đói, và thèm một trái vả (Mc 11, 13).
Thầy đã từng khát và xin nước của người phụ nữ (Ga 4, 7).
Bởi đó Thầy hiểu được cái đói khát hành hạ con người mọi thời.

Mọi luật lệ được đặt ra để phục vụ con người và thăng tiến nó.
Đôi khi chúng ta phải nhìn lại những luật đã quen giữ từ lâu
để điều chỉnh lại cho phù hợp với những nhu cầu mới của con người.
Làm sao để luật không đè bẹp, nhưng nâng đỡ con người sống tốt hơn?
Làm sao để khi áp dụng luật, tôi vẫn giữ được sự mềm mại của tình yêu?

Lời nguyện

Lạy Chúa,
con được no nê mà vẫn thiếu ăn,
vì bên con còn có người đói lã

Con uống nước mát mà lòng vẫn khô ran
vì bên con còn có người đang khát

Con vui cười mà nước mắt tuôn rơi
vì bên con còn có người phiền muộn.

Con sáng mắt mà vẫn ở trong bóng đêm
vì bên con còn có người mù tối

Con mặc áo đẹp mà vẫn rách tả tơi.
vì bên con còn có người trần trụi

Con nằm trong nệm êm mà vẫn thao thức,
vì bên con còn có bao nhiêu người thiếu thốn.
Myrtle Householder

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

(phutcaunguyen.net)

++++++++++++++++++

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên

3 THÁNG CHÍN

Chúng Ta Quì Gối Trước Chúa Cha

“Vì lý do đó, tôi quỳ trước mặt Chúa Cha …bởi trong vinh quang dư dật của Người, Người củng cố anh em nên vững mạnh nhờ Thánh Thần của Người trong lòng anh em.”(Ep 3,14.16 RSV). Đó là lời cầu nguyện của Tông Đồ Phaolô trong thư gửi tín hữu Eâphêsô.

Tôi muốn đưa những lời đó của Thánh Tông Đồ vào lời cầu nguyện của chúng ta khi chúng ta quây quần với nhau và với Đức Ma-ri-a, Mẹ Chúa Kitô. Bởi ai có thể gần gũi với trái tim của Chúa Con hơn là Thánh Mẫu? Vì thế, cùng với Mẹ, “chúng ta quỳ gối trước mặt Chúa Cha”. Và cùng với Mẹ, chúng ta cầu xin để nhờ Thánh Thần, tấâm lòng của chúng ta đối với trái tim Đấng Cứu Độ sẽ củng cố con người nội tâm của hết thảy chúng ta được nên mạnh mẽ. Vâng, đó chính là công việc của Thánh Thần.

– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –

Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác

LIFT UP YOUR HEARTS

Daily Meditations by Pope John Paul II

+++++++++++++++++

Lời Chúa Trong Gia Đình

NGÀY 03/9

Thánh Giêgôriô Cả, giáo hoàng

Tiến sĩ Hội Thánh

1Cr 4, 6b-15; Lc 6, 1-5.

LỜI SUY NIỆM: “Vào một ngày Sabát, Đức Giêsu đi băng qua một cánh đồng lúa, các môn đệ bứt lúa, vò trong tay mà ăn. Nhưng có mấy người Pharisêu nói: Tại sao các ông làm điều không được phép làm ngày Sabát.”

          Câu chuyện các môn đệ Chúa Giêsu bứt lúa trên đường đi trong ngày Sabát không phải là một cái tội, bởi trong Sách Đệ Nhị Luật có cho phép: “Khi vào vườn nho của người đồng loại của anh (em), thì anh (em) có thể ăn nho tùy thích, nhưng không được bỏ vào giỏ của mình. Khi vào đồng lúa của người đồng loại anh (em), thì anh (em) có thể lấy tay bứt những bông lúa, nhưng không được tra liềm cắt lúa của người đồng loại anh (em). (Đnl 23,25-26). Điều này cho thấy những người Pharisêu luôn tìm cớ để buộc tội Chúa Giêsu và những môn đệ của Người.

          Lạy Chúa Giêsu. Chúng con đang được sống trong tình thương và sự bảo vệ của Chúa. Xin cho chúng con luôn có tâm tình bác ái trước mọi công việc của mình và mọi nhu cầu của cuộc sống người anh em.

Mạnh Phương

+++++++++++++++++

Gương Thánh Nhân

NGÀY 03.09 THÁNH GIÊGÔRIÔ CẢ – GIÁO HOÀNG, TIẾN SĨ HỘI THÁNH (540 – 604)

Trong lịch sử, ít có người được mang danh Cả, và đáng được danh dự ấy một cách hoàn toàn như thánh Grêgôriô, giáo hoàng và tiến sĩ Hội Thánh. Ngài sinh tại Roma. Khoảng năm 540. Là con của một nghị viên danh giá và giầu có, ông Gordianô. Chúng ta không biết gì về thời thơ ấu của Ngài, nhưng ít ra là Ngài đã phải kinh nghiệm về những hậu quả do những cuộc chiến của vua Cothic với các tướng lãnh của hoàng đế Lussinianô, mà chính thức Roma đã bị cướp phá.

Thánh Grêgôriô đã thủ giữ một chức vụ trong xã hội. Năm 573, Ngài được đặt làm tổng trấn thành phố. Nhưng Ngài luôn nuôi lý tưởng tu trì. Đó là lý do khiến Ngài không lập gia đình, và năm 574 Ngài đã rút lui khỏi đời sống công cộng để mặc áo tu sĩ.

Ông Gordianô từ trần, thánh Grêgôriô thừa kế gia tài, nhờ thế Ngài đã có thể thiết lập 6 tu viện tại Sicily và biến nhà trên đồi Copelia thành tu viện thứ 7 dâng kính thánh Andre. Tại đây Ngài sống như một thầy đơn sơ. Có lẽ bộ luật Ngài thiết lập chính là luật dòng Bênedicto. Đây là những năm hạnh phúc nhất mà Ngài không bao giờ quên được. Nhưng lại chẳng kéo dài được lâu.

Năm 578, Ngài được phong chức phó tế cai quản một trong bảy miền ở Romas. Năm 579 Ngài được gởi đi Constantinopple làm đại diện Đức giáo hoàng. Ngài mang theo một ít thày dòng và có rộng thì giờ để giảng cho họ về sách Giop, những bài giảng được thu góp lại thành cuốn luân lý.

Thánh Grêgôriô làm đại sứ trong khoảng 7 năm. Sau đó trở về Roma, Ngài trở lại tu viện thánh Andrê làm viện trưởng (50 tuổi). Năm 590 Pêlagiô II từ trần và thánh Grêgôriô được chọn lên kế vị. Roma lúc ấy bị một cơn dịch tàn phá. Vị giáo hoàng được chọn tổ chức những cuộc hành hương trong thành phố, Ngài thấy tổng lãnh thiên thần hiện ra ở một địa điểm nay gọi là Custel Saint Angele, đứng tuốt gươm ra, cơn dịch tự nhiên bị chận lại và dân Roma chào mừng Đức giáo hoàng mới, như một người làm phép lạ.

Triều đại đức giáo hoàng Grêgôriô kéo dài trong mười bốn năm, đòi hỏi trọn sức mạnh tinh thần và ý chí lẫn kinh nghiệm quản trị và ngoại giao của Ngài. Đế quốc Roma đang suy sụp. Dầu vậy hoàng đế ở Constantinople chỉ hiện diện tại Ý bởi một phó vương với một triều đình nhỏ, Ravenna có rất ít quyền lực về luân lý và vật chất. Quân đội Bonabardô cướp phá bán đảo và Roma bị chiếm đóng năm 593. Đức Grêgôriô thấy phải lập quân đội để bảo vệ Roma và đặt điều kiện với quân xâm lược. Mọi việc thuộc đủ mọi phương diện trong quốc gia đang suy đồi đều đổ trên đức giáo hoàng.

Trong khi đó đức Grêgôriô lo chấn chỉnh Giáo hội. Các địa phận lộn xộn, Ngài ấn định lại ranh giới. Các đất đai thuộc giáo hoàng được quản trị hữu hiệu. Chính nhà ở của đức giáo hoàng cũng cần phải tái thiết. Nhưng không có gì đáng ghi nhớ hơn trong cách Đức giáo hoàng đương đầu với các vấn đề Giáo hội Đông và Tây, là việc Ngài nhấn mạnh đến quyền tối thượng của tòa thánh Roma. Rất tôn trọng quyền của các giám mục trong các giáo phận, gài kiên quyết bênh vực nguyên tắc tối thượng của thánh Phêrô. Đối với hoàng đế, Ngài rất tôn trọng uy quyền dân chính, nhưng cũng bảo vệ quyền lợi mình và của các dòng trong Giáo hội.

Thánh Grêgôriô canh tân phụng vụ rất nhiều. Ít nhất là Ngài đã đặt các “điểm” hành hương. Dầu qua nhiều lần tranh cãi, nhưng dưới ảnh hưởng của Ngài, ngày nay nhạc và nghi lễ Giáo hội vẫn còn mang danh Ngài: nhạc Grêgôriô, lễ Grêgôriô.

Thánh nhân còn là văn sĩ rất phong phú. Ngoài cuốn luân lý Ngài còn viết hai cuốn gồm những bài giảng về sách Ezechiel, một cuốn khác về những bài Phúc âm trong ngày, 4 cuốn đối thoại và một cuốn sau tập các phép lạ do các thánh người Ý thực hiện. Cuốn sách chăm lo mục vụ trình bày những điều mà cuộc sống một giám mục và một linh mục phải làm. Sau cùng là một sưu tập thư tín.

Thánh Grêgôriô còn được gọi là tông đồ nước Anh. Chính Ngài đã muốn đi truyền giáo để cải hóa luơng dân Saxon. Nhưng không đi được, năm 596 Ngài đã trao phó nhiệm vụ cho các tu sĩ dòng thánh Adrê do thánh Augustinô Conterbury dẫn đầu.

Thánh Grêgôriô cả qua đời ngày 12 tháng 3 năm 604. Ngài được mai táng trong đại giáo đường thánh Phêrô. Nấm mộ đầu tiên của Ngài mang bản chữ Latin tóm gọn đời Ngài, Ngài được gọi là “chánh án của Chúa”. Các chánh án của Roma đã qua đi. Chính đế quốc Roma đang hồi hấp hối nhưng thánh Grêgôriô là điểm nối giữa thời các giáo phụ với thời các giáo hoàng, giữa vinh quang của thành Roma lịch sử với vinh quang của kinh thành Thiên Chúa.

(daminhvn.net)

+++++++++++++++++

03 Tháng Chín

Ði Một Ngày Ðàng, Học Một Sàng Khôn 

Cách đây không lâu, một cặp thanh niên người Pháp đã đến Phi Luật Tân bằng chiếc xe đạp riêng của họ. Nước Phi là quốc gia thứ 31 họ dùng xe đạp để đi tham quan. Trong vòng 7 năm qua, họ đã không ngừng di chuyển một cách thích thú trên hầu hết các nước và đã học hỏi nhiều kinh nghiệm khác nhau. Họ đã bỏ ra 3 năm để đạp từ Pháp xuyên qua đến Thái Lan. Họ dành một năm làm việc trong các trại tị nạn dọc biên giới Thái, chín tháng để đi xuyên qua Trung Hoa Lục Ðịa, sáu tháng để tham quan Nhật Bản, Ðại Hàn và Ðài Loan.

Người con gái tên là Claude đã giải thích mục đích của cuộc mạo hiểm như sau: “Kể từ thời của Marco Polo, con người không ngừng đi thám hiểm thế giới với nhiều lý do và với nhiều phương tiện khác nhau. Trong thời đại du hành vũ trụ này, việc đi vòng quanh thế giới bằng phương tiện thô hiển như xe đạp vẫn không ngừng thu hút nhiều người… Mạo hiểm như thế để giúp thay đổi cuộc sống của chúng tôi, để cùng trải qua một kinh nghiệm quá lớn lao”.

Cuộc mạo hiểm nào cũng thích thú và nguy hiểm. Claude kể lại rằng tại Thái Lan, họ đã bị hai tên cướp chận đường toan hành hung. Tại Trung Ðông, họ đã chứng kiến cảnh chết chóc hằng ngày. Và nhất là tại Ấn Ðộ, sau khi đã trải qua vài tuần lễ tại một vài trại cùi, họ đã ghi lại trong các sổ ghi niệm của các trung tâm này như sau: “Sau khi đã đến đây, chúng tôi cảm thấy không còn gì để than phiền trong cuộc sống này nữa”.

Có lẽ đó là kinh nghiệm lớn lao nhất mà những người trẻ này đã cảm nhận được trong cuộc sống. Chạm chán với bao nguy hiểm, sờ được từng nỗi đau khổ, cảm nghiệm được niềm vui của từng dân tộc khác nhau… Tất cả những kinh nghiệm ấy cho họ thấy rằng: người ta có thể vượt qua được tất cả mọi hàng rào ngăn cách để đến với nhau và nơi nào con người cảm thấy mình đang sống trong gia đình, thì đó là nhà của họ, là quê hương của họ.

Ðời là một chuyến đi… Không những đi một ngày đàng, học một sàng khôn, mà đi để tiến gần đến mục đích của cuộc sống.

Tổ phụ Abraham đã được Chúa gọi để bỏ quê hương, bỏ tất cả mọi sự và lên đường đến một nơi vô định. Dân Do thái đã được Chúa mời gọi rời bỏ Ai Cập để tiến về đất hứa.

Ra đi là chết trong lòng một ít. Cuộc ra đi nào cũng đòi hỏi con người phải dứt khoát, có khi phải từ bỏ những gì mình yêu thích nhất trong cuộc đời. Abraham đã từ bỏ quê hương. Có gì quý giá và thân yêu bằng nơi chôn nhau cắt rún… Tiên tri Êlisê đã phải giết bò và dùng cày để nướng thịt bò trước khi lên đường theo tiên tri Elia… Các môn đệ của Chúa Giêsu đã bỏ nghề nghiệp, vợ con, tất cả mọi sự để lưu lạc nay đây mai đó với Chúa Giêsu. Cuộc ra đi nào cũng là một mất mát… Nhưng có mất mát mới tìm lại được những gì quý hóa hơn.

Giáo Hội đã được định nghĩa như dân Chúa trên đường lữ thứ trần gian hướng về Thiên Quốc. Mỗi người Kitô được mời gọi để tham dự vào cuộc lữ hành này.

Họ không trẩy đi cô độc một mình. Nhưng bên cạnh họ, từng đoàn người tiến bước trong hân hoan. Người ta không tiến bước trong buồn bã bởi vì đích điểm đang chờ đợi họ là cả một khung trời của an vui, hạnh phúc…

Cuộc lữ hành nào cũng đầy cam go. Nhưng người Kitô không tiến bước với đôi tay trơ trọi. Hành trang của họ chính là Sức Sống mà Ðức Kitô hằng thông ban cho họ. Cũng giống như người Do Thái trên đường trở về đất hứa luôn được nuôi dưỡng bằng manna và được hướng dẫn bởi cột lửa giữa đêm thâu, người Kitô cũng tiến bước bằng sức mạnh của Chúa Kitô.

(Lẽ Sống)

++++++++++++++++++

Lời Chúa Mỗi Ngày

Thứ Bảy – Tuần 22 – TN2 – Năm Chẵn

Bài đọc: 1 Cor 4:9-15; Lk 6:1-5.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Chịu đau khổ vì Tin Mừng.

Người đời có thể hy sinh chịu đau khổ, thời giờ, sức lực… với hy vọng họ sẽ lãnh nhận lại uy quyền, danh vọng, và những lợi lộc vật chất; nhưng vì động lực nào các môn đệ của Chúa dám hy sinh chịu đau khổ, thời giờ, sức lực, tiền của? Nhiều tín hữu bị khinh thường là làm việc không công!

Các bài đọc hôm nay giúp chúng ta nhận ra những động lực thúc đẩy Phaolô và các tín hữu làm việc. Trong bài đọc I, thánh Phaolô thú nhận ngài đã trở nên điên dại vì Đức Kitô với một mục đích duy nhất là làm cho mọi người nhận ra tình yêu của Đức Kitô đã dành cho họ và tin tưởng nơi Ngài. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu bảo vệ các môn đệ bằng cách nhắc nhở cho các Kinh-sư và Biệt-phái biết họ đừng vụ luật; nhưng phải biết giữ ngày Sabbath cho lợi ích của linh hồn và thân xác họ.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Những động lực thúc đẩy Phaolô chịu đau khổ.

(1) Chịu đau khổ vì Đức Kitô: Cũng như các tiên tri của Cựu Ước, một khi đã chấp nhận làm tiên tri của Chúa là phải chịu đau khổ; các Tông Đồ của Tân Ước cũng vậy, họ phải chịu mọi gian nan thử thách vì Tin Mừng của Đức Kitô. Lý do là vì thế gian không luôn muốn đón nhận Sự Thật và lối sống theo Tin Mừng. Thánh Phaolô cũng không ra ngoài trường hợp này. Ngài phải chịu đau khổ trăm chiều vì Đức Kitô như lời ngài viết: “Thật vậy, tôi thiết nghĩ: Thiên Chúa đã đặt chúng tôi làm Tông Đồ hạng chót như những kẻ bị án tử hình, bởi vì chúng tôi đã nên trò cười cho thế gian, cho thiên thần và loài người!”

Nhưng những gian khổ họ chịu không vô nghĩa vì nếu chung phần đau khổ với Chúa Kitô họ sẽ cùng chung phần vinh quang với Ngài trong vương quốc của Ngài đời sau.

(2) Chịu đau khổ cho người khác được lợi ích: Ngoài hy vọng được chung hưởng vinh quang đời sau, đau khổ sẽ giúp ích cho tha nhân ngay khi còn ở đời này. Những hy sinh cố gắng của các nhà truyền giáo sẽ mang hạt giống đức tin đến cho những người chưa nhận biết Chúa. Những giọt máu đào đổ ra sẽ giúp cho hạt giống đức tin sinh hoa kết quả nơi những người đã lãnh nhận, gia đình của họ, và giáo hội địa phương. Thánh Phaolô liệt kê một số các đau khổ ngài đã chịu, có lẽ để nhắc nhở các tín hữu biết quí trọng những gì ngài đã hy sinh cho họ: “Chúng tôi điên dại vì Đức Kitô, còn anh em thì khôn ngoan trong Đức Kitô; chúng tôi yếu đuối, còn anh em thì mạnh mẽ; anh em được kính trọng, còn chúng tôi thì bị khinh khi. Cho đến giờ này, chúng tôi vẫn chịu đói khát, trần truồng, bị hành hạ và lang thang phiêu bạt; chúng tôi phải vất vả tự tay làm lụng. Bị nguyền rủa, chúng tôi chúc lành; bị bắt bớ, chúng tôi cam chịu; bị vu khống, chúng tôi đem lời an ủi. Cho đến bây giờ, chúng tôi đã nên như rác rưởi của thế gian, như phế vật đối với mọi người.”

Như cha mẹ phải vất vả lo lắng, làm việc, và dạy dỗ con cái, thánh Phaolô cũng coi mình như một người cha tinh thần của các tín hữu. Vì thế, ngài không ngại chấp nhận mọi hy sinh và đau khổ với hy vọng cho những người con tinh thần của ngài được lớn lên trong đức tin và được hưởng muôn vàn lợi ích thiêng liêng qua việc tin tưởng vào Đức Kitô. Ngài tâm sự: “Tôi viết những lời đó không phải để làm anh em xấu hổ, nhưng là để sửa dạy anh em như những người con yêu quý của tôi. Thật thế, cho dầu anh em có ngàn vạn giám thị trong Đức Kitô, anh em cũng không có nhiều cha đâu, bởi vì trong Đức Kitô Giêsu, nhờ Tin Mừng, chính tôi đã sinh ra anh em.”

2/ Phúc Âm: Biệt-phái xét đoán các môn đệ Chúa.

Các Kinh-sư và Biệt-phái không tố cáo các môn đệ của Chúa lỗi đức công bằng, vì luật cho phép có thể bứt bông lúa ăn bằng tay, nhưng không được tra liềm cắt lúa (Dt 23:26). Họ tố cáo các môn đệ vì dám vi phạm ngày Sabbath. Những việc cấm làm trong ngày Sabbath là gặt hái, đập lúa, sàng xẩy, và chuẩn bị đồ ăn. Theo họ, các môn đệ vi phạm tất cả các điều này khi bứt lúa, vò trong tay (coi như đập lúa), thổi vỏ trấu (sàng lúa), và chuẩn bị đồ ăn trước khi cho vào miệng. Chúng ta có thể cười thầm vì lối nhìn của họ, nhưng đối với họ, những người vi phạm ngày Sabbath như thế có thể bị tử hình!

Đức Giêsu trả lời họ bằng việc nhắc nhở họ biến cố được ghi chép lại trong I Sam 21:1-6. “Các ông chưa đọc chuyện này trong Sách sao? Ông Đavid đã làm gì khi ông và thuộc hạ đói bụng? Ông vào nhà Thiên Chúa lấy Bánh Tiến mà ăn và cho thuộc hạ ăn. Thứ bánh này, chỉ có tư tế mới được ăn mà thôi.” Ở đây Chúa Giêsu muốn nói: Luật nào cũng có luật trừ. Luật ăn Bánh Tiến được vi phạm để bảo vệ sự sống cho Đavid và thuộc hạ của ông.

Chính những Rabbi cũng công nhận “Ngày Sabbath được làm ra cho con người, chứ không phải con người cho ngày Sabbath.” Điều này chứng tỏ khi sự sống bị đe dọa, con người có thể vi phạm các luật ngày Sabbath.

Và Chúa Giêsu kết luận: “Thiên Chúa làm chủ ngày Sabbath.” Nếu ngày Sabbath được làm ra vì con người, luật lệ ngày đó chỉ để áp dụng cho con người, chứ không cho Thiên Chúa. Chúa Giêsu chữa bệnh trong ngày Sabbath vì (1) Ngài làm chủ ngày Sabbath, và (2) bệnh tật đe dọa sự sống con người.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

– Chúng ta sẵn sàng chịu đau khổ vì Đức Kitô vì biết chúng ta sẽ cùng được hưởng vinh quang đời sau với Ngài.

– Chúng ta sẵn sàng chịu đau khổ cho tha nhân được sống. “Nếu hạt giống rơi xuống đất mà không thối đi, nó chỉ trơ trọi một mình; nhưng nếu nó chịu thối đi, nó sẽ trổ sinh nhiều bông hạt khác.”

– Đừng cố vạch lá tìm sâu bằng cách bắt tha nhân giữ tỉ mỉ các lề luật, nhưng hãy lo cho sao có lòng nhân từ và bảo vệ công lý. 

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

****************