Ngày thứ bảy (05-02-2022) – Trang suy niệm

04/02/2022

Lời Chúa Hôm Nay

Thứ Bảy Tuần IV Mùa Thường Niên Năm chẵn

BÀI ĐỌC I: 1 V 3, 4-13

“Xin ban cho tôi tớ Chúa tâm hồn ngoan ngoãn để đoán xét dân Chúa”.

Trích sách Các Vua quyển thứ nhất.

Trong những ngày ấy, Salomon đến Gabaon để dâng hy lễ, vì đây là nơi cao rộng nhất. Salomon dâng trên bàn thờ này một ngàn lễ vật toàn thiêu. Tại Gabaon ban đêm, Chúa hiện ra cùng Salomon trong giấc mộng, và phán rằng: “Ngươi muốn gì thì hãy xin, Ta sẽ ban cho ngươi”. Salomon thưa: “Chúa đã tỏ lòng rất nhân hậu đối với cha con là Đavít, tôi tớ Chúa, vì người đã sống trước tôn nhan Chúa trong chân lý và công bình, đã ăn ở ngay thẳng đối với Chúa. Chúa đã dành cho người một lòng nhân hậu lớn lao, đã ban cho người đứa con trai hiện đang ngồi trên ngôi báu của người. Và giờ đây, lạy Chúa là Thiên Chúa, Chúa khiến tôi tớ Chúa cai trị kế vị Đavít thân phụ con. Nhưng con chỉ là một trẻ nhỏ, không biết đường đi nước bước. Tôi tớ Chúa đang sống giữa dân Chúa chọn, một dân đông đảo không thể đếm và ước lượng được. Vậy xin Chúa ban cho tôi tớ Chúa tâm hồn ngoan ngoãn để đoán xét dân Chúa, và phân biệt lành dữ, vì ai có thể xét xử dân này, một dân của Chúa đông đảo thế này”.

Điều Salomon kêu xin như trên đã làm đẹp lòng Chúa, nên Chúa phán cùng Salomon rằng: “Vì ngươi đã xin điều đó, mà không xin sống lâu, được giàu có, của cải, mạng sống quân thù, lại xin cho ngươi được khôn ngoan để biết xét đoán, thì đây Ta ban cho ngươi điều ngươi xin, và ban cho ngươi một tâm hồn khôn ngoan minh mẫn, đến nỗi trước ngươi không có ai giống như ngươi, và sau ngươi không có ai bằng ngươi. Cả những điều ngươi không xin, như giàu có và vinh quang đến nỗi từ trước đến giờ, trong các vua, không vua nào được như ngươi, Ta cũng ban cho ngươi. Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 118, 9. 10. 11. 12. 13. 14.

Đáp: Lạy Chúa, xin dạy con các thánh chỉ của Chúa (c. 12b).

Xướng:

1) Tuổi trẻ lấy chi giữ cho thanh khiết đường đời? Bằng cách noi theo lời vàng của Chúa. – Đáp.

2) Với tất cả tâm can con tìm Chúa, xin chớ để con lạc xa chỉ thị Ngài. – Đáp.

3) Con chôn cất trong lòng lời răn của Chúa, để con không phạm tội phản nghịch Ngài. – Đáp.

4) Thân lạy Chúa, Ngài muôn phước đức, xin dạy con các thánh chỉ của Ngài. – Đáp.

5) Con kể được ra nơi đầu môi, tất cả những huấn dụ bởi miệng Ngài. – Đáp.

6) Con vui vì đường lối lời Ngài nghiêm huấn, dường như được mọi thứ giàu sang. – Đáp.

ALLELUIA: Ga 10, 27

Alleluia, alleluia! – Chúa phán: “Con chiên Ta thì nghe tiếng Ta; Ta biết chúng và chúng biết Ta”. – Alleluia. 

PHÚC ÂM: Mc 6, 30-34

“Họ như đàn chiên không người chăn”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Marcô.

Khi ấy, các tông đồ hội lại bên Chúa Giêsu và thuật lại với Người mọi việc các ông đã làm và đã giảng dạy. Người liền bảo các ông: “Các con hãy lui vào nơi vắng vẻ mà nghỉ ngơi một chút”. Vì lúc ấy dân chúng đến tấp nập đến nỗi các tông đồ không có thì giờ ăn uống. Vậy các ngài xuống thuyền, chèo tới một nơi vắng vẻ hẻo lánh. Thấy các ngài đi, nhiều người hiểu ý, và từ các thành phố, người ta đi bộ kéo đến nơi đó và tới nơi trước các ngài. Lúc ra khỏi thuyền, Chúa Giêsu thấy dân chúng thật đông, thì động lòng thương, vì họ như đàn chiên không người chăn, và Người dạy dỗ họ nhiều điều. Đó là lời Chúa.

(thanhlinh.net)

++++++++++++++++++

05/02/2022 – THỨ BẢY ĐẦU THÁNG TUẦN 4 TN

Th. A-ga-ta, trinh nữ, tử đạo

Mc 6,30-34

NHIỆT HUYẾT TÔNG ĐỒ

Ra khỏi thuyền, Đức Giê-su thấy một đám người rất đông thì chạnh lòng thương, vì họ như bầy chiên không người chăn dắt. Và Người bắt đầu dạy dỗ họ nhiều điều. (Mc 6,34)

Suy niệm: Có những lúc, vì áp lực và gánh nặng của biết bao công việc phải làm, chúng ta muốn đóng cửa để nghỉ ngơi, không muốn bị ai quấy rầy. Chúa Giê-su quan tâm đến sức khoẻ của các môn đệ, và hẳn Ngài cũng mệt nhọc như các ông sau những chuyến hành trình rao giảng. Chúa đề nghị các môn đệ đưa thuyền qua bờ bên kia tìm nơi thanh vắng “để nghỉ ngơi đôi chút”. Thế nhưng, ngay khi chứng kiến cảnh họ như bầy chiên bơ vơ không người chăn, lập tức Chúa đã chạnh lòng thương và Ngài tiếp tục dạy dỗ họ. Ngài cùng các môn đệ muốn nghỉ ngơi cũng không được. Bởi vì tình yêu của người Mục Tử nhân lành thúc bách Ngài hy sinh cho đoàn chiên, không chỉ hy sinh thời gian, sức khoẻ… mà còn sẵn sàng hy sinh cả tính mạng vì đàn chiên ấy nữa.

Mời Bạn: Người môn đệ Đức Ki-tô được mời gọi noi gương Thầy, hăng say loan báo Tin Mừng tình yêu Chúa cho nhân loại đến mức dám hy sinh cả mạng sống vì đoàn chiên. Động lực nào để bạn có được tinh thần nhiệt huyết làm việc tông đồ như Chúa Giê-su? Động lực ấy chỉ có thể là tình yêu. Khi có lòng yêu mến thật sự thì mọi khó khăn, vất vả và gánh nặng đều sẽ trở nên nhẹ nhàng. Đúng như lời khuyên của thánh Augustinô: Bạn hãy yêu rồi làm.

Sống Lời Chúa: Đừng từ chối lắng nghe một người nào đó đang cần đến chúng ta.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin giúp chúng con biết vượt qua sự ươn lười để mở lòng đến với tha nhân và chia sẻ Tin Mừng tình yêu của Chúa với họ. Amen.

(5 Phút Lời Chúa)

++++++++++++++++++

Suy niệm và cầu nguyện

Suy niệm:

Các môn đệ trở về gặp lại Thầy Giêsu
sau cuộc hành trình tông đồ đầu tiên nhiều thú vị.
Họ cùng nhau tụ họp chung quanh Thầy
và thi nhau kể cho Thầy nghe tất cả những gì họ đã làm và đã dạy.
Thầy Giêsu thấy họ vui vì đã có thể đuổi được quỷ, chữa được bệnh.
Những ông đánh cá ít học, nói năng bỗ bã,
trở thành người rao giảng mạnh bạo Tin Mừng về Nước Trời.

Nhưng Thầy Giêsu cũng thấy nét mệt mỏi nơi khuôn mặt họ.
Các tông đồ không có giờ ăn uống vì bị đám đông bao vây.
“Anh em hãy lánh riêng ra,
đến một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút.” (c.31).
Lời mời trên cho thấy mối quan tâm của Thầy đối với các môn đệ,
những người thợ cần được nghỉ ngơi cả thân xác lẫn tinh thần.
Họ cần tách mình ra khỏi đám đông, khỏi công việc,
để đến nơi hoang mạc mà tĩnh tâm.
Tĩnh tâm là nghỉ ngơi bên Thầy trong sự ấm áp của tình thầy trò,
không bị vướng bận bởi công việc phục vụ.
Tĩnh tâm là dành một thời gian để lòng mình lắng xuống,
đọc lại những biến cố đã xảy ra trong đời mình,
nhìn lại những kinh nghiệm mình đã trải qua bằng cái nhìn của Chúa,
cả những khó khăn và thất bại, những bất trung và vấp ngã…
Nhưng tĩnh tâm không phải chỉ để nhìn lui, mà còn để nhìn tới.
Các tông đồ cần vượt qua những hứng khởi nhất thời do thành công.
Họ cần trầm lắng để chuẩn bị cho những khó khăn sắp đến.

Lời mời của Thầy Giêsu vẫn đụng đến chúng ta hôm nay,
những con người tất bật, vội vã, lo âu và căng thẳng,
những con người kiệt sức vì đòi hỏi của công việc hay vì nghiện việc.
Lánh riêng, nghỉ ngơi ở nơi hoang vắng, tĩnh tâm,
đó không phải là những điều dành riêng cho giới tu sĩ.
Đó là nhịp bình thường của những người bỗng thấy mình đang bị cuốn đi,
trôi đi, mất hướng, mất chính mình, trở nên con rối ngờ nghệch.

Tuy nhiên, không dễ tìm được nơi hoang vắng, để cách ly mình khỏi công việc.
Khi Thầy và các môn đệ đến được nơi hoang vắng ưng ý,
thì chỗ đó chẳng còn vắng nữa, vì dân chúng đã đến trước rồi.
Chúng ta vẫn cứ phải tìm chỗ vắng riêng cho mình với Chúa suốt đời.

Cầu nguyện:

Khi bị bao vây bởi muôn tiếng ồn ào,
xin cho con tìm được những phút giây thinh lặng.
Khi bị rã rời vì trăm công ngàn việc,
xin cho con quý chuộng những lúc
được an nghỉ trước nhan Chúa.

Khi bị xao động bởi những bận tâm và âu lo,
xin cho con biết thanh thản ngồi dưới chân Chúa
để nghe lời Người.

Khi bị kéo ghì bởi đam mê dục vọng,
xin cho con thoát được lên cao
nhờ mang đôi cánh thần kỳ của sự cầu nguyện.

Lạy Chúa,
ước gì tinh thần cầu nguyện
thấm nhuần vào cả đời con.
Nhờ cầu nguyện,
xin cho con gặp được con người thật của con
và khuôn mặt thật của Chúa.

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

(phutcaunguyen.net)

++++++++++++++++++

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên

5 THÁNG HAI

Thách Đố Của Thông Tin Hiện Đại

Những người làm việc trong lãnh vực truyền thông đại chúng hôm nay – nếu muốn thi hành bổn phận nghề nghiệp của mình một cách nghiêm túc – đều nhận thấy rằng mình thường xuyên bị đòi hỏi phải đánh giá công việc của mình. Họ cảm thấy bị thúc bách phải ý thức ngày càng hơn về vai trò và trách nhiệm của mình trong thế giới hiện đại.

Trong thời đại chúng ta, sự phản tỉnh như thế thật vô cùng cần thiết. Thật vậy, giới truyền thông hôm nay nhận ra mình đang đứng chỗ bước ngoặt của những chuyển biến vốn đang có sức làm thay đổi lối sống của con người. Cuộc cách mạng công nghệ hiện nay đang là cao trào của những thay đổi này. Nó đặt ra những đòi hỏi mới đối với con người. Khi những khó khăn mới bật lên thách đố chúng ta, thì chúng ta lại cần có những phương sách mới. Chúng ta bị buộc phải đưa ra những quyết định, những chọn lựa hết sức quan trọng.

Đứng giữa những chuyển biến và những chọn lựa đó, người làm công tác truyền thông có bổn phận phải truyền đạt chúng một cách chính xác và công bằng. Nhờ đó, công chúng sẽ có được những thông tin cần thiết làm cơ sở để họ đưa ra những sự chọn lựa đúng đắn. Thật rõ ràng, những người làm việc trong giới truyền thông đại chúng hôm nay đóng vai trò tác động rất lớn đối với thiện ích của con người – cả trong lãnh vực dân sự lẫn trong lãnh vực tâm linh, đạo đức.

– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –

Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác

LIFT UP YOUR HEARTS

Daily Meditations by Pope John Paul II

+++++++++++++++++

Lời Chúa Trong Gia Đình

NGÀY 05/2

Thánh Agatha, trinh nữ tử đạo

1V 3, 4-13; Mc 6, 30-34.

LỜI SUY NIỆM: “Các Tông Đồ tụ họp chung quanh Đức Giêsu, và kể lại cho Người biết mọi việc các ông đã làm, và mọi điều các ông đã dạy.” Người bảo các ông: “Chính anh em hãy lánh riêng ra đến một nơi thanh vắng mả nghỉ ngơi đôi chút.”

          Điều này giúp cho mỗi người trong chúng ta thấy được sự quan tâm của Chúa Giêsu đối với Nhóm Mười Hai, về sức khoẻ thể xác cần được nghỉ ngơi; và tâm hồn cần được sự tịnh tâm; sau khi đã hoàn thành sứ vụ đã được Chúa giao phó.

          Lạy Chúa Giêsu. Xin cho mỗi người trong chúng con luôn biết tôn trọng sức khoẻ thể xác và sự thanh tịnh tâm hồn của chính mình cũng như của anh chị em mình; để còn tiếp tục vui sống và phục vụ lẫn nhau trong đời sống vật chất cũng như tinh thần.

Mạnh Phương

+++++++++++++++++

Gương Thánh Nhân

Ngày 5-02: Thánh AGATA

Đồng trinh tử đạo (thế kỷ III)

ruyền thuyết cho rằng: thánh nữ Agata chào đời khoảng năm 230 tại Sicilia trong một gia đình quí phái có danh giá. Cha mẹ Ngài là những bậc nhân đức đã chuyên chú đào tạo Ngài từ thuở nhỏ nên người có đức tín vững mạnh và hướng chiều về sự thánh thiện. Bởi vậy theo các tài liệu viết về cuộc tử đạo của Ngài, thánh nữ đã quyết không kết hôn với một người nào khác ngoài Chúa Giêsu Kitô. Ngài kiên quyết hiến thân cho Thiên Chúa. Không một thú vui thế trần nào, lẫn những lời tán dương sắc đẹp của Ngài, Chúa có thể làm cho Ngài quên lãng được lời đoan hứa.

Quintianô, quan cai trị Silicia hồi đó là một con người biển lận và dâm dật. Ông ta đã hy vọng có thể dùng sắc lệnh cấm đạo của nhà vua Đêciô để thỏa mãn tính biển lận và dâm dật của mình, sau khi biết đến sắc đẹp và sự giàu sang của Agata. Ông truyền bắt người trinh nữ đến toà xử tại Catana. Khi đưa thánh nữ tới, ông đã truyền giao Ngài cho một mụ chứa độc ác tên là Apjrodisia để mụ ta quyến rũ thánh nữ bỏ đời sống trinh khiết. Sau nhiều cố gắng mà vô hiệu, mụ chủ nhà chứa đành phải giao thánh nữ lại cho Quintiano.

Giận dữ, Quintiano bắt giải Thánh nữ tới trước mặt ông. Ông nói: – Người như cô mà theo đuổi cuộc sống Kitô giáo. Cuộc sống nô lê thấp hèn, cô không xấu hổ sao ?

Thánh nữ trả lời: – Tự do và danh giá thật là biết hết lòng phụng sự Chúa Giêsu Kitô.

Ong liền truyền đánh đòn thánh nữ rồi cho giam Ngài vào ngục thất. Hôm sau ông lại tiếp tục thẩm vấn. Lần này, trước sự cương quyết của thánh nữ, Quintiano không dằn nổi cơn giận. Ong đã truyền tra tấn thánh nữ một cách dã man đến độ xẻo bỏ cả một bên vú thánh nữ. Sau đó Agata bị bắt giam trở lại ngục thất và bị bỏ đói. Nhưng đêm đó thánh Phêrô đã hiện ra và chữa lành vết thương cho Agata. Một luồng sáng đã làm cho lính canh hoảng sợ bỏ chạy. Các bạn tù được dịp thoát thân. Họ khuyên thánh nữ trốn thoát, nhưng thánh nữ vẫn ở lại chờ lãnh triều thiên tử đạo.

Năm hôm sau, Quintiano ngạc nhiên khi thấy Agata lành bệnh. Ong truyền đốt một lò lửa. Agata bị ném vào than hồng. Trong khi đó một trận động đất dữ dội làm rung chuyển thành phố Catana. Dân chúng nghĩ rằng, chính vì cuộc hành hung Agata đã gây nên tai họa khủng khiếp này. Họ bày tỏ lòng bất mãn đối với Quintiano. Hoảng sợ ông truyền đem Agata trơ lại ngục thất. Song những hành hạ thánh nữ phải chịu đã quá lớn đến nỗi chẳng bao lâu sau đó, Ngài đã tắt thở.

Cuộc tử đạo và lòng tôn sung rất sớm đối với thánh nữ là những sự kiện lịch sử chắc chắn. Giáo hội vui mừng vì chí cuơng quyết bảo vệ đức trong sạch của thánh nữ. Cái chết và sự chiến thắng của thánh nữ Agata chứng tỏ Thiên Chúa đã chọn những yếu đuối để làm cho bọn gian ngoan và mạnh mẽ phải hổ ngươi.

Thánh nữ Agata là vị thánh bảo trợ của thành Catana, của các vú nuôi. Thỉnh thoảng người ta cũng kêu cầu Ngài trong lúc bị đau ngực và bị phỏng lửa.

(daminhvn.net)

+++++++++++++++++

05 Tháng Hai 

Một Cách Tỏ Tình 

Du khách viếng thăm hành lang nổi tiếng của nhà thờ chánh tòa Thánh Phaolô ở Luân Ðuân có thể nghe tiếng của người hướng dẫn đang thuật lại lịch sử của nhà thờ truyền đi khắp nơi chung quanh vòm mái tròn to lớn ở chánh điện, nhờ các kiến trúc đặc biệt làm tiếng nói vang dội mang âm thanh đi rất xa. Cũng vì thế, nên nếu áp tai vào tường người ta có thể nghe được những gì một người nói từ phía bên kia của vòm mái tròn, mặc dầu đó chỉ là một giọng nói thì thầm tâm sự.

Cách đây đã lâu, mượn nhà thờ chánh tòa làm nơi hẹn hò, một người hành nghề đóng giày than vãn với người yêu là chàng chưa thể tiến hành lễ cưới ngay bây giờ được. Hiện tại chàng không có cả tiền để mua da và các vật liệu cần thiết để có thể tiếp tục hành nghề, vì thế chàng đang phải thất nghiệp dài dài, đào đâu ra tiền để làm đám cưới. Nghe tin bất lành, ý trung nhân của anh chỉ biết sụt sùi khóc. 

Ðang lúc ấy, một người tình cờ đi qua hành lang phia bên kia nghe được câu chuyện thương tâm và những lời cầu nguyện của anh thợ đóng giày. Ông ta quyết định làm một cái gì để giúp đôi trai gái được thành gia thất. Vì thế, khi chàng trai từ giã người bạn gái thất thểu ra về, ông ta cũng tiến bước theo sau để biết chỗ ở của anh ta và lập tức cho người mang đến tặng cho anh một số da. Chàng đóng giày phấn khởi bắt tay vào việc và không bao lâu công việc làm ăn phát đạt tạo đủ điều kiện để anh có thể tiến hành hôn lễ với người yêu. Mãi đến mấy năm sau, hai vợ chồng mới biết vị ân nhân của mình là ông William Gladston, vị thủ tướng Anh quốc lúc bấy giờ. 

Trong Kinh Lạy Cha, Chúa Giêsu nhấn mạnh đến hai tư tưởng chúng ta có thể đào sâu để củng cố niềm tin Kitô của chúng ta. Ðó là: Thiên Chúa là Cha nhân hậu, Người luôn lắng nghe và sẵn lòng ban cho chúng ta, con cái của Người, mọi ơn lành Người biết là sẽ mang lợi ích thật sự cho chúng ta, như vị thủ tướng Anh quốc nghe những lời tâm sự thì thầm của đôi trai gái trên và ra tay giúp đỡ họ. Vì thế, chúng ta hãy kiên tâm, bền chí trong lúc cầu xin.

(Lẽ Sống)

++++++++++++++++++

Lời Chúa Mỗi Ngày

Thứ Bảy – Tuần 4 – TN2

Bài đọc: Heb 13:15-17, 20-21; I Kgs 3:4-13; Mk 6:30-34.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Liên hệ giữa mục-tử và đoàn chiên

Trong cuộc đời không ai là một hòn đảo để tự mình sinh sống. Con người cần sự giúp đỡ của tha nhân, và chính họ cũng phải giúp đỡ người khác. Một em bé chào đời không thể tự mình sinh sống. Về phương diện vật chất, em cần sự thương yêu và chăm sóc của cha mẹ cho đến khi em đủ khả năng để tự sinh sống một mình. Về phương diện tri thức, em cần sự giáo dục trong gia đình cũng như nhà trường, để giúp em thâu thập những kiến thức cần thiết để biết đối xử, suy luận, và làm việc với mọi người. Về phương diện tâm linh, em cần được hướng dẫn để nhận ra Đấng Tạo Thành, và sống mối tương quan với Ngài.

Các Bài Đọc hôm nay nhấn mạnh đến những mối liên hệ này, đặc biệt mối liên hệ giữa mục-tử và đoàn chiên. Trong Bài Đọc I, năm lẻ, tác-giả Thư Do-thái nhấn mạnh đến việc cả hai bên phải giúp đỡ lẫn nhau, và đoàn chiên phải vâng lời vị mục tử. Trong Bài đọc I, năm chẵn, vua Solomon chỉ xin Thiên Chúa ban cho có được khôn ngoan để chăn dắt dân chúng trong chính trực và thương yêu, vì Vua biết có khôn ngoan là có tất cả. Trong Phúc Âm, tuy Chúa Giêsu muốn các môn đệ phải biết quí trọng sự yên tĩnh để nghỉ ngơi và sống mối liên hệ với Thiên Chúa, nhưng chính Ngài đã không thể cầm được lòng thương xót khi thấy dân Ngài vất vả “như chiên không người chăn dắt.”

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Cùng giúp đỡ nhau để thi hành thánh ý Chúa.

1.1/ Bổn phận tương thân, tương trợ: Mục đích của tôn giáo là đưa con người tới Thiên Chúa. Để thể hiện điều này, con người phải thực hiện 2 điều:

(1) Thờ phượng và ngợi khen Thiên Chúa qua Đức Kitô: “Vậy nhờ Người, chúng ta hãy luôn luôn dùng lời ngợi khen làm lễ tế dâng lên Thiên Chúa, tức là dùng miệng lưỡi mà ca tụng Danh Thánh.” Việc thờ phượng biểu lộ qua cầu nguyện cá nhân và phụng vụ cộng đồng.

(2) Giúp cho mọi người có cơ hội đến với Thiên Chúa: “Anh em chớ quên làm việc từ thiện, giúp đỡ lẫn nhau, vì Thiên Chúa ưa thích những hy lễ như thế.” Theo cách cấu trúc của Giáo Hội, những người lãnh đạo tinh thần tại địa phương như các giám-mục, linh-mục, là những người có trách nhiệm trực tiếp lo cho phần linh hồn của các tín hữu. Tác giả khuyên các tín hữu hãy vâng lời những người lãnh đạo tinh thần này: “Anh em hãy vâng lời những người lãnh đạo anh em và hãy phục tùng họ, vì họ chăm sóc linh hồn anh em như những người sẽ phải trả lẽ với Thiên Chúa. Như thế, họ sẽ vui vẻ thi hành phận sự của mình mà không than thở, bởi vì điều đó chẳng ích gì cho anh em.” Ngoài việc vâng lời, các tín hữu còn phải tích cực hơn bằng cách biểu lộ sự biết ơn bằng cách cầu nguyện và săn sóc đến nhu cầu vật chất, để họ có sức khỏe và thời gian để phục vụ đoàn chiên. Giúp đỡ họ là giúp đỡ chính mình vậy.

1.2/ Phải thi hành thánh ý Thiên Chúa: Đây là mục đích chính của con người trong cuộc đời, vì tất cả mọi loài Thiên Chúa dựng nên là cho một mục đích. Đâu là mục đích hay thánh ý của Thiên Chúa cho con người? Tác-giả Thư Do-thái đã vạch ra rất rõ ràng: đó là được chung hưởng hạnh phúc với Thiên Chúa. Như vậy, tuy là ý của Thiên Chúa, nhưng là vì lợi ích cho con người; vì thế, ý của Thiên Chúa cũng phải là ý của con người.

(1) Đức Kitô thi hành thánh ý Thiên Chúa Cha: Để đạt mục đích của Thiên Chúa, Đức Kitô đã vâng lời Thiên Chúa trong mọi sự ngay cả chấp nhận cái chết để thực hiện thánh ý Thiên Chúa: “Thiên Chúa là nguồn mạch bình an đã đưa Đức Giêsu, Chúa chúng ta ra khỏi cái chết. Đức Giêsu là vị Mục Tử cao cả của đoàn chiên, là Đấng đã đổ máu mình ra để thiết lập giao ước vĩnh cửu.”

(2) Chúng ta cũng phải trung thành thi hành thánh ý của Ngài: Nếu Đức Kitô đã sẵn sàng hy sinh đổ máu cho chúng ta được sống, lẽ nào chúng ta lại để cho máu cực thánh của Ngài trở nên vô hiệu nơi bản thân chúng ta. Tác giả cầu xin cho các tín hữu: “Xin Thiên Chúa ban cho anh em mọi ơn lành để có sức thi hành thánh ý Người. Xin Người thực hiện nơi anh em điều đẹp lòng Người, nhờ Đức Giêsu Kitô. Kính dâng Đức Kitô vinh quang đến muôn thuở muôn đời. Amen.”

2/ Bài đọc I (năm chẵn): Xin ban cho tôi tớ Chúa đây, một tâm hồn biết lắng nghe, để cai trị dân Chúa và phân biệt phải trái.

2.1/ Lời cầu xin cho được khôn ngoan của vua Solomon: Người khôn ngoan là người biết Thiên Chúa, biết mình, và biết người. Vua Solomon chứng minh ông là người khôn ngoan ngay cả trước khi ông cầu xin cho được khôn ngoan.

(1) Solomon biết học hỏi kinh nghiệm của người đi trước: Sống dưới sự giáo dục của vua cha David, Solomon chắc chắn đã học hỏi rất nhiều tính tốt nơi cha của mình như: lòng tin tưởng tuyệt đối và kính sợ Thiên Chúa, tâm hồn công chính ngay thẳng, luôn thương yêu và lo lắng cho những người dưới quyền mình. Tuy nhiên, Solomon cũng đã được biết tội lỗi của cha và những hậu quả tai hại đã xảy đến cho gia đình và đất nước; hậu quả của việc không biết xét xử công minh. Thực ra, lời Thiên Chúa hỏi Solomon: ” Ngươi cứ xin đi, Ta sẽ ban cho!” là một lời thử thách nguy hiểm; vì nếu không biết điều mình xin, những gì Thiên Chúa ban cho sẽ gây thiệt hại cho Solomon nhiều hơn là làm lợi. Ví dụ: xin cho được sống trường thọ trong khi cơ thể già yếu và bệnh tật; hay xin cho được giàu có mà không biết sự giàu có sẽ làm cho gia đình tan nát hay làm con người xa Thiên Chúa.

(2) Solomon nhận ra khả năng giới hạn của mình trong việc điều khiển đất nước: Người lãnh đạo phải là người khôn ngoan sáng suốt, thì mới có thể chỉ đường cho dân chúng đi; ngược lại, nếu người lãnh đạo mù quáng, làm sao ông có thể chỉ đường cho dân chúng? Đúng như lời Chúa Giêsu chỉ trích các biệt phái và kinh sư: “Mù dẫn mù, cả hai cùng lăn xuống hố!” Nhận ra sự quan trọng của khôn ngoan trong việc lãnh đạo quốc gia và giới hạn của bản thân, Solomon cầu xin với Thiên Chúa: “Con chỉ là một thanh niên bé nhỏ, không biết cầm quyền trị nước. Con lại ở giữa dân mà Chúa đã chọn, một dân đông đúc, đông không kể xiết, cũng không đếm nổi. Xin ban cho tôi tớ Chúa đây, một tâm hồn biết lắng nghe, để cai trị dân Chúa và phân biệt phải trái; chẳng vậy, nào ai có đủ sức cai trị dân Chúa, một dân quan trọng như thế?”

2.2/ Thiên Chúa hài lòng và hứa ban điều vua Solomon xin.

(1) Thiên Chúa hài lòng và ban cho Solomon điều vua ước nguyện: Lời xin của Solomon đẹp lòng Thiên Chúa, vì vua không chỉ quan tâm đến bản thân, nhưng biết để ý đến việc chăn dắt Dân Chúa. Ngài phán với vua: “Bởi vì ngươi đã xin điều đó, ngươi đã không xin cho được sống lâu, hay được của cải, cũng không xin cho kẻ thù ngươi phải chết, nhưng đã xin cho được tài phân biệt để xét xử, thì này, Ta làm theo như lời ngươi: Ta ban cho ngươi một tâm hồn khôn ngoan minh mẫn, đến nỗi trước ngươi, chẳng một ai sánh bằng, và sau ngươi, cũng chẳng có ai bì kịp.”

(2) Có khôn ngoan là có tất cả: Solomon có thể nhìn thấy trước những gì khôn ngoan sẽ mang lại. Khi biết cách lãnh đạo, đời sống dân chúng sẽ phát triển, đất nước sẽ thái bình thịnh trị; người lãnh đạo khôn ngoan sẽ được vinh quang và hưởng mọi nguồn phú túc giàu sang từ dân chúng. Ngược lại, với một người không biết lãnh đạo, đời sống dân chúng sẽ lầm than khổ sở, đất nước sẽ rơi vào tình trạng nghèo đói, nhà lãnh chắc chắn sẽ phải lãnh nhận hậu quả và bị khai trừ để người khác thay thế. Vì vậy, biết cách xin đúng đắn như Solomon là biết cách giải quyết mọi vấn đề. Lịch sử chứng minh triều đại của Solomon là triều đại huy hoàng và thịnh vượng nhất trong số tất cả các vua của Israel.

3/ Phúc Âm: Hãy lánh riêng ra đến một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút.

3.1/ Người tông-đồ cần quí trọng sự thanh vắng để được nghỉ ngơi bồi dưỡng: Các tông-đồ cũng giống như chúng ta dễ cảm thấy mừng vui khi nhìn thấy kết quả những gì mình đã hy sinh và được dân chúng hoan ngênh nhiệt liệt. Những lúc như thế, đa số sẽ sẵn sàng hy sinh, ngay cả việc ăn uống, ngủ nghỉ, để có thời giờ làm việc hơn nữa để đáp ứng mọi nhu cầu của dân chúng. Tuy nhiên, Chúa Giêsu đã khôn ngoan nhắc nhở các ông: “Chính anh em hãy lánh riêng ra đến một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút.” Có nhiều lý do cho lời khuyên khôn ngoan này:

– Thân xác con người có giới hạn của nó: Khi con người làm việc mệt mỏi, họ cần được nghỉ ngơi dưỡng sức; nếu không họ sẽ dễ dàng bị quá tải, và làm việc sẽ không đạt hiệu năng.

– Hoạt động tông đồ cần được thăng bằng qua đời sống cầu nguyện: Nếu không dành thời giờ cho việc cầu nguyện, người tông-đồ sẽ không có sức mạnh tinh thần cho những đòi hỏi của việc tông-đồ. Thánh phụ Đa-minh đã thăng bằng 2 cuộc sống bằng cách rao giảng ban ngày và cầu nguyện ban đêm.

3.2/ Con người khao khát được dạy dỗ và lắng nghe Tin Mừng: Tuy đã cùng với các tông-đồ xuống thuyền để xa cách dân chúng để Thầy trò có thể nghỉ ngơi dưỡng sức, nhưng khi ra khỏi thuyền, Đức Giêsu thấy một đám người rất đông đã chờ đợi sẵn, Ngài chạnh lòng thương, vì họ như bầy chiên không người chăn dắt. Người lại bắt đầu dạy dỗ họ nhiều điều.

Xưa cũng như nay, nhu cầu săn sóc phần hồn cho dân chúng luôn khẩn trương cần thiết, vì:

(1) Chiên không người chăn sẽ không biết đường đi: Người mục-tử tinh thần cần chỉ cho đoàn chiên của mình đường đi tới Thiên Chúa, đích điểm của cuộc đời. Không có đích điểm này, con người sẽ dễ lạc hướng, và sẽ bị cuốn hút vào những mời gọi bất chính của quỉ thần và thế gian.

(2) Chiên không người chăn sẽ không kiếm được thức ăn bổ dưỡng: Người mục-tử tinh thần cần chính mình nuôi dân hay chỉ cho dân tới những thức ăn tinh thần như Lời Chúa, các bí-tích, và đời sống cầu nguyện kết hợp với Thiên Chúa.

(3) Chiên không người chăn sẽ làm mồi cho thú dữ: Người mục-tử tinh thần cần sớm nhận ra và chỉ cho đoàn chiên biết những cám dỗ nguy hiểm và cạm bẫy của cuộc đời: lối sống ích kỷ, hưởng thụ, tôn thờ vật chất, giết hại thai nhi, thay vợ đổi chồng, tự do quá trớn …

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

– Mối liên hệ giữa mục-tử và đoàn chiên đòi hai chiều: mục-tử cần yêu thương và lo lắng cho đoàn chiên; trong khi đoàn chiên cần vâng lời và giúp đỡ mục tử chu toàn nhiệm vụ. Cả hai cần phải thi hành thánh ý của Thiên Chúa, làm sao cho mọi người đạt được ơn cứu độ mà Chúa Giêsu đã chuẩn bị.

– Mục tử cần cầu xin cho có được sự khôn ngoan của Thiên Chúa, để biết cách dẫn dắt đoàn chiên sống theo lề luật của Thiên Chúa và tránh khỏi mọi nguy hiểm của ba thù.

– Các hoạt động tông đồ cần được thăng bằng với đời sống cầu nguyện. Một đời hoạt động tông đồ không có cầu nguyện sẽ lạc hướng và dễ rơi vào chán chường, thất vọng.

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

****************