Ngày thứ bảy (07-05-2022) – Trang suy niệm

06/05/2022

Lời Chúa Hôm Nay

Thứ Bảy Tuần III Mùa Phục Sinh Năm chẵn

BÀI ĐỌC I: Cv 9, 31-42

“Hội thánh được tổ chức và đầy ơn an ủi của Thánh Thần”.

Trích sách Tông đồ Công vụ.

Trong những ngày ấy, Hội Thánh được bình an trong khắp miền Giuđêa, Galilêa và Samaria, sống trong sự kính sợ Chúa, được tổ chức và đầy ơn an ủi của Thánh Thần.

Phêrô đi khắp các miền, đến với các thánh đang ở Lyđa. Ở đó ngài gặp một người tên là Ênêa, bị bất toại đã liệt giường suốt tám năm. Phêrô nói với anh ta: “Ênêa, Chúa Giêsu Kitô chữa anh lành bệnh; hãy chỗi dậy và dẹp giường đi”. Lập tức anh ta đứng lên. Tất cả dân cư ở Lyđa và Sarôna thấy vậy, đều trở lại cùng Chúa.

Tại Gióp-pê, có một nữ môn đồ tên là Tabitha, nghĩa là Sơn Dương. Bà làm nhiều việc lành và hay bố thí. Xảy ra trong những ngày ấy bà lâm bệnh mà chết; người ta rửa xác bà, rồi đặt trên lầu. Vì Lyđa ở gần Gióp-pê, các môn đồ nghe tin Phêrô đang ở đó, liền sai hai người đến xin ngài rằng: “Xin ngài hãy mau đến với chúng tôi”. Phêrô chỗi dậy đi với họ. Đến nơi, người ta dẫn ngài lên lầu; tất cả các quả phụ bao quanh ngài, khóc nức nở, chỉ cho ngài xem các áo trong áo ngoài mà chị Sơn Dương may cho họ. Phêrô bảo mọi người ra ngoài, rồi quỳ gối cầu nguyện, và quay mặt về phía thi thể mà nói: “Tabitha, hãy chỗi dậy”. Bà liền mở mắt, thấy Phêrô và ngồi dậy. Phêrô đưa tay đỡ bà đứng dậy, rồi gọi các thánh, và các quả phụ đến, và chỉ cho thấy bà đã sống lại. Cả thành Gióp-pê hay biết việc ấy, nên nhiều người tin vào Chúa. Phêrô lưu lại Gióp-pê nhiều ngày tại nhà Simon thợ thuộc da. Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 115, 12-13. 14-15. 16-17

Đáp: Tôi lấy gì dâng lại cho Chúa, để đền đáp những điều Ngài ban tặng cho tôi? (c. 12)

Hoặc đọc: Alleluia.

Xướng:

1) Tôi lấy gì dâng lại cho Chúa, để đền đáp những điều Ngài ban tặng cho tôi? Tôi sẽ lãnh chén cứu độ, và tôi sẽ kêu cầu danh Chúa. – Đáp.

2) Tôi sẽ giữ trọn lời khấn xin cùng Chúa, trước mặt toàn thể dân Ngài. Trước mặt Chúa thật là quý hoá, cái chết của những bậc thánh nhân Ngài. – Đáp.

3) Ôi lạy Chúa, con là tôi tớ Chúa, con là tôi tớ Ngài, con trai của nữ tỳ Ngài, Ngài đã bẻ gãy xiềng xích cho con. Con sẽ hiến dâng Chúa lời ca ngợi làm sinh lễ, và con sẽ kêu cầu danh Chúa. – Đáp.

ALLELUIA: Mt 28, 19 và 20

Alleluia, alleluia! – Các con hãy đi giảng dạy muôn dân: Thầy sẽ ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế. – Alleluia. 

PHÚC ÂM: Ga 6, 61-70 (Hl 60-69)

“Chúng con sẽ đi đến với ai? Thầy mới có những lời ban sự sống”.

Trích Phúc Âm theo Thánh Gioan.

Khi ấy, có nhiều môn đệ của Chúa Giêsu nói rằng: “Lời này chói tai quá! Ai nghe được!” Tự biết rằng các môn đệ đang lẩm bẩm về chuyện ấy, Chúa Giêsu nói với họ: “Điều đó làm các ngươi khó chịu ư? Vậy nếu các ngươi thấy Con Người lên nơi đã ở trước thì sao? Chính thần trí mới làm cho sống, chứ xác thịt nào có ích gì? Nhưng lời Ta nói với các ngươi là thần trí và là sự sống. Nhưng trong các ngươi có một số không tin”. Vì từ đầu Chúa Giêsu đã biết ai là những kẻ không tin, và kẻ nào sẽ nộp Người. Và Người nói: “Bởi đó, Ta bảo các ngươi rằng: Không ai có thể đến với Ta, nếu không được Cha Ta ban cho”. Từ bấy giờ có nhiều môn đệ rút lui không còn theo Người nữa. Chúa Giêsu liền nói với nhóm Mười Hai rằng: “Cả các con, các con có muốn bỏ đi không?” Simon Phêrô thưa Người: “Lạy Thầy, chúng con sẽ đi theo ai? Thầy mới có những lời ban sự sống đời đời. Phần chúng con, chúng con tin và chúng con biết rằng: Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa”. Đó là lời Chúa.

(thanhlinh.net)

++++++++++++++++++

07/05/2022 – THỨ BẢY ĐẦU THÁNG TUẦN 3 PS

Ga 6,51.60-69

“LỜI NÀY CHƯỚNG TAI QUÁ”

Nghe rồi, nhiều môn đệ của Người liền nói: “Lời này chướng tai quá! Ai mà nghe nổi?” (Ga 6,60)

Suy niệm: Thốt ra lời này không phải là ai xa lạ, mà là chính các môn đệ, những học trò của Đức Giê-su, những người đi theo và sống cận kề với Đức Giê-su, những người đã nghe Chúa giảng, đã chứng kiến những phép lạ Ngài làm. Thế mà… có một số môn đệ vẫn chưa tin! Lời gì mà chướng tai quá! Bởi vì làm sao có thể ăn thịt và uống máu ông ấy được. Thật là một hành vi man rợ! Và còn phạm thượng nghiêm trọng khi ông này tuyên bố: “Tôi từ trời xuống” (Ga 6,38). Thật không lọt tai chút nào bởi ai nấy đều biết Người xuất thân là con bác thợ một từ Na-da-rét! Lời chướng tai! Lời phạm thượng! Ấy là vì người ta chỉ nhìn Đức Giê-su bằng cái nhìn của người trần mắt thịt và coi những việc Chúa làm với não trạng duy vật, thế tục mà thôi.

Mời Bạn: Để hiểu được Lời Chúa, để nhận ra thần tính nơi con người Đức Giê-su, bạn hãy để Thần Khí tác động. Chẳng phải là Chúa Giê-su đã chịu chết trên thập giá để hiến thân cho người mình yêu sao? Và cũng máu thịt Ngài trong hy lễ thập giá, chẳng phải là được trao ban cho chúng ta trong bí tích Thánh Thể đó sao? Để hiểu được điều đó cần phải có cái nhìn đức tin, và được quy tụ nên một nhờ Chúa Thánh Thần khi được “thông phần Mình và Máu Đức Ki-tô” (x. Kinh nguyện Thánh Thể 2).

Sống Lời Chúa: Mỗi khi tham dự Thánh lễ, bạn xin Chúa Thánh Thần mở con mắt đức tin để hiệp thông với Đức Ki-tô trong mầu nhiệm Thánh Thể.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin ban Thần Khí Chúa mở tai, mở mắt và mở tim con để Lời Chúa như mật ngọt rót vào tim con. Amen.

(5 Phút Lời Chúa)

++++++++++++++++++

Suy niệm và cầu nguyện

Suy Niệm

Tin Mừng theo thánh Gioan không viết về việc Chúa lập bí tích Thánh Thể,
nhưng lại giải thích cách sâu xa cho chúng ta về ý nghĩa của bí tích ấy
đặc biệt trong bài Tin Mừng hôm nay.
Câu 51 là một bước chuyển quan trọng
trong bài giảng của Đức Giêsu về Bánh hằng sống ở chương 6:
“Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống.
Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời.
Và bánh tôi sẽ ban tặng chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống.”

Lần đầu tiên thịt được nhắc đến trong bài giảng này.
Thịt của Đức Giêsu chính là bánh từ trời được ban cho thế gian.
Ngôi Lời đã vào đời làm người, đã thành thịt (Ga 1, 14).
Bây giờ chính thịt ấy lại được trao ban cho con người như bánh hằng sống.
Đức Giêsu không bằng lòng với chuyện nuôi một số người bằng bánh và cá.
Điều đó chỉ làm giảm cơn đói thân xác trong một thời gian.
Ngài muốn nuôi cả thế giới bằng chính sự sống thần linh ở nơi Ngài,
nuôi bằng trọn cả con người Ngài, nuôi bằng chính thịt và máu Ngài.
“Ai ăn thịt tôi và uống máu tôi thì có sự sống vĩnh cửu.
Và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết” (c. 54).

Ăn thịt và uống máu một người là điều làm người Do thái ghê sợ.
Chúng ta chỉ hiểu được những lời trên đây trong bối cảnh của Bữa Tiệc Ly,
khi Đức Giêsu mời các môn đệ ăn bánh và uống rượu Ngài trao
mà Ngài lại nói: Đây là mình Thầy, đây là máu Thầy.
Đức Giêsu muốn trao cho nhân loại sự sống của Ngài
qua thức ăn, thức uống bình thường của con người là bánh và rượu.
Sự sống vĩnh cửu đã hé nở ngay từ đời này và sẽ viên mãn ở đời sau.
Hãy đến ăn và uống lương thực thần linh Ngài dọn cho ta.
Hãy đến với lòng tin và sự trân trọng trước món quà quý giá.

Nhưng dự tiệc Thánh Thể không phải chỉ là đến với thịt và máu Chúa,
mà còn là gặp gỡ tiếp xúc với một ngôi vị là chính Đức Giêsu.
“Ai ăn thịt tôi và uống máu tôi
thì ở lại trong tôi và tôi ở lại trong người ấy” (c. 56).
Một sự ở lại hai chiều, một sự hiệp thông sâu thẳm giữa hai ngôi vị.
“Tôi sống nhờ Chúa Cha thế nào,
thì kẻ ăn tôi cũng sẽ sống nhờ tôi như vậy” (c. 57).
Rốt cuộc, qua việc ăn uống mình máu Chúa,
chúng ta được tham dự vào mối tương quan thân tình giữa Cha và Con.
Chúng ta được sống bằng cùng một dòng sự sống xuất phát từ Cha.
Chúng ta được diễm phúc chia sẻ sự sống của chính Thiên Chúa.

Bí tích Thánh Thể không phải là một thứ bùa chú hay đũa thần.
Ai càng mở lòng mình ra để trao đi, càng thoát ra khỏi thái độ chiếm đoạt,
thì càng thấy mình được biến đổi và được giàu có muôn ơn.
Trong mỗi thánh lễ, chúng ta được mời gọi đón lấy Bánh hằng sống,
Tấm Bánh Lời Chúa và Tấm Bánh Mình Chúa.

 

Cầu Nguyện

Lạy Chúa,
Chúa là thức ăn, thức uống của con.
Càng ăn, con càng đói;
càng uống, con càng khát;
càng sở hữu, con lại càng ước ao.

Chúa ngọt ngào trong cổ họng con
hơn cả tầng mật ong,
vượt quá mọi thứ ngọt ngào khác trên đời.

Lúc nào con cũng thấy đói khát và ước ao,
vì con không sao múc cạn được Chúa.

Ngài nghiền nát con hay con nghiền nát Ngài?
Con chẳng rõ; vì ở thẳm sâu lòng con,
con cảm thấy cả hai.

Chúa đòi con nên một với Ngài,
đòi hỏi đó làm cho con đau đớn,
vì con không muốn từ bỏ
những thói quen của con
để ngủ yên trong tay Chúa.

 

Con chỉ biết tạ ơn Chúa,
ca ngợi và tôn vinh Chúa,
bởi đó là sự sống đời đời cho con.

(Ruy Broeck)

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

(phutcaunguyen.net)

++++++++++++++++++

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên

7 THÁNG NĂM

Chúng Ta Kiếm Tìm Sự Tự Do Đích Thực

Mùa Phục Sinh là mùa cử hành một cuộc hạnh ngộ riêng tư với Đức Kitô. Cũng như các Tông Đồ, chúng ta cảm nhận Đức Kitô Phục Sinh là một thực tại. Cử hành mùa Phục Sinh cũng chính là múc lấy nguồn sức sống vô giá cho mỗi người trẻ bước đi trong cuộc đời. Đức Giêsu khai mở cho ta nhìn thấy tương lai của mình và Người mời gọi chúng ta đón nhận tiếng gọi của Người bằng con mắt đức tin. Nơi Chúa Phục Sinh, chúng ta gặp gỡ sự tự do đích thực; vì trong Đức Kitô, Thiên Chúa đã trao ban chính Ngài cho con người và cứu độ con người.

Thiên Chúa cứu chúng ta ra khỏi sự điêu vong, khỏi sự chết, khỏi tình cảnh thất vọng, khỏi những xáo trộn ngổn ngang, khỏi vòng cương tỏa của sự dữ.

Đức Kitô Phục Sinh đem ta về với sự thật và sự sống sung mãn bằng con đường vượt thắng tội lỗi. đó chính là sự tự do đích thực. Đức Kitô trở thành nền móng của sự tự do mới mẻ này. Mỗi bạn trẻ đã từng biết Đức Kitô đều được mời gọi sống triệt để sự tự do ấy bằng cả tâm hồn.

Các bạn trẻ không thể tiếp tục lãnh đạm với những giá trị lớn lao này – những giá trị mà định mệnh của nhân loại tùy thuộc vào đó. Các bạn trẻ không thể thụ động đối với xã hội hay đối với chính mình. Một khi người trẻ nhận hiểu được sự tự do đích thực, việc nhận hiểu đó sẽ đặt ra cho họ trách nhiệm và thôi thúc họ trao ban ý nghĩa đích thực cho mọi hành động của mình. Tự do không phải là một món đồ vật để có thể bị liệng bỏ đi – như rất nhiều thứ bị liệng bỏ đi trong xã hội tiêu thụ của chúng ta hôm nay. Đó là một đảm nhận có tính nền tảng, một tiếng gọi thúc bách chúng ta sống hết mình cho sự thật.

– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –

Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác

LIFT UP YOUR HEARTS

Daily Meditations by Pope John Paul II

+++++++++++++++++

Lời Chúa Trong Gia Đình

NGÀY 07/5

Cv 9, 31-42; Ga 6, 51. 60-69.

LỜI SUY NIỆM: “Điều đó, lấy làm chướng, không chấp nhận được ư? Vậy nếu anh em thấy Con Người lên nơi đã ở trước khi thì sao?” (Ga 6,61b-62)

          Chúa Giêsu muốn mọi người biết Ngài từ đâu mà đến, do ai sai đến, để tin vào Ngài để nhận được sự sống mà Thiên Chúa đã hứa ban cho nhân loại. Nhưng những người nghe Chúa Giêsu nói; họ không thể hiểu nổi Mầu Nhiệm Con Thiên Chúa tự nguyện hạ mình xuống làm người và trút bỏ vinh quang Thần Tính của mình như thế. Trong hiện tại chúng ta là những Ki-Tô hữu, chúng ta đã tin những gì Chúa đã dạy và những gì Hội Thánh truyền.

Lạy Chúa Giêsu. Nhờ lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội, chúng con đã trở nên môn đệ của Chúa. Xin cho mỗi người trong chúng con phải là chứng nhân của Chúa của Nước Chúa, cùng cọng tác với Chúa với Giáo Hội để kế hoach yêu thương và cứu độ của Thiên Chúa được thể hiện trên toàn thể nhân loại này

Mạnh Phương

+++++++++++++++++

07 Tháng Năm

Truyền Giáo

Một buổi tối nọ, viên sĩ quan trẻ tuổi người Pháp tên là Charles de Foucauld say mê kể cho gia đình nghe những cuộc thám hiểm của anh ở Maroc. Người chăm chú theo dõi câu chuyện của anh nhất là cô cháu bé chưa tròn 10 tuổi. Khi anh vừa chấm dứt thì cô bé đã bất thần đặt một câu hỏi như sau: “Thưa cậu, cháu đã thấy cậu làm được nhiều việc vĩ đại… Thế cậu đã làm được gì cho Thiên Chúa chưa?”

Câu hỏi ấy như một luồng điện giật khiến anh trở thành bất động. Từ bao lâu nay, chưa có người nào đã khiến anh phải suy nghĩ nhiều như thế. “Anh đã làm gì cho Thiên Chúa chưa?”. Charles de Foucauld lục soát trong lương tâm của mình để chỉ thấy một lỗ hổng không đáy. Anh đã phí phạm tất cả thời giờ của anh trong những cuộc ăn chơi trụy lạc và những danh vọng phù phiếm… Mắt anh bỗng mở ra để thấy được nỗi khốn khổ, nghèo hèn của mình.

Ngày hôm sau, anh tìm đến xưng tội với một vị linh mục. Anh vào dòng khổ tu, rồi xin đến Nagiareth để sống trọn vẹn cho Chúa Giêsu.

Ngày nọ, giữa lúc đang đắm mình trong cầu nguyện, anh bỗng nghe từ căn nhà bên cạnh có tiếng than van rên rỉ của một người Hồi Giáo.

Charles de Foucauld nghĩ đến gương bác ái của Chúa Giêsu: anh có thể giam mình cầu nguyện một mình giữa lúc những người anh em của anh đang rên rỉ trong hấp hối, trong thất vọng sao?

Nghĩ thế, anh bèn quyết định đến sống giữa họ, trở thành bạn hữu của họ, nhất là những người cô đơn, lạc lõng, nghèo hèn nhất trong xã hội.

Những năm cuối cùng, Charles de Foucauld sống giữa sa mạc Sahara, chia sẻ hoàn toàn cuộc sống với những người dân nghèo. Charles de Foucauld đã chia sẻ với họ những giọt máu cuối cùng của anh: ngày đầu tháng 12 năm 1916, anh đã bị thảm sát giữa lúc đang cầu nguyện… Ngày nay, các tiểu đệ và tiểu muội Chúa Giêsu tiếp tục lý tưởng sống của anh: họ lao động và sống giữa những người nghèo hèn nhất trong xã hội… Tất cả cuộc sống và sự âm thầm hiện diện của họ là một cố gắng làm một cái gì cho Chúa.

Có những nhà truyền giáo rời bỏ quê hương để đi đến những nơi hoàn toàn xa lạ như Thánh Phanxicô Xaviê. Nhưng cũng có những nhà truyền giáo dâng cả cuộc đời hy sinh cầu nguyện và đau khổ của mình như Thánh Nữ Têrêxa Hài Ðồng Giêsu. Có những nhà truyền giáo hùng hồn giao rảng như các tông đồ, nhưng cũng có những nhà truyền giáo âm thầm hiện diện và chia sẻ với những người nghèo khổ như Charles de Foucauld.

Âm thầm hiện diện. Nhưng vẫn có thể chiếu sáng niềm tin yêu hy vọng: đó là mẫu người truyền giáo mà Giáo Hội tại Việt Nam đang cần hơn bao giờ hết. Những cuộc sống tử tế, hy sinh phục vụ, quên mình… vẫn là những lời rao giảng hùng hồn hơn bao giờ hết.

(Lẽ Sống)

++++++++++++++++++

Lời Chúa Mỗi Ngày

Thứ Bảy – Tuần III – PS

Bài đọc: Acts 9:31-42; Jn 6:60-69.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Thầy mới có những Lời đem lại sự sống đời đời.

Lời của một người nói ra có thể gây những phản ứng và hiệu quả khác nhau nơi người nghe: Có người cho là lời nói chướng tai không thể chịu đựng nổi; có người cho là lời nói nhảm vô ích; nhưng cũng có những người cho là lời hay ý đẹp, có thể mang lại hy vọng và đem lại sự sống cho những ai thực hành nó. Điều khác biệt là người nghe có hiểu và nhận ra ý nghĩa của lời người khác nói hay không.

Các Bài Đọc hôm nay xoay quanh những lời nói mang lại sự sống của Chúa Giêsu và thánh Phêrô. Trong Bài Đọc I, Phêrô dùng lời nói nhân danh Đức Kitô để chữa lành người bại liệt đã 8 năm, và cho một phụ nữ đã chết được sống lại. Trong Phúc Âm, lời tuyên bố của Chúa Giêsu: “Và bánh ta sẽ ban chính là thịt ta để cho thế gian được sống” gây nên những phản ứng khác nhau nơi khán giả. Một số các môn đệ quyết định không theo Chúa Giêsu nữa, vì những lời nói của Ngài làm họ chướng tai. Các Tông đồ, đại diện là Phêrô, tuyên xưng sự cần thiết của Lời Chúa: “Thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời. Phần chúng con, chúng con đã tin và nhận biết rằng chính Thầy là Đấng Thánh của Thiên Chúa.”

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Phêrô dùng danh Đức Kitô để làm những gì Chúa Giêsu đã làm.

Sách CVTĐ tường thuật: “Hồi ấy, trong khắp miền Judah, Galilee và Samaria, Hội Thánh được bình an, được xây dựng vững chắc và sống trong niềm kính sợ Chúa, và ngày một thêm đông, nhờ Thánh Thần nâng đỡ.” Thiên Chúa quan phòng mọi sự cách khôn ngoan: Ngài biết Giáo Hội cần có những lúc bách hại để thanh tẩy và thử luyện đức tin; nhưng cũng có những lúc cần bình an để củng cố và làm cho đức tin lan tràn. Vì vậy, Giáo Hội cần phải sẵn sàng và chuẩn bị cho các tín hữu đương đầu cách hiệu quả khi bị bách hại cũng như khi được an bình. Trình thuật hôm nay nói tới 2 phép lạ thánh Phêrô đã làm nhân danh Đức Kitô.

1.1/ Phêrô chữa bệnh cho một người tê bại đã 8 năm: Giống như Chúa Giêsu đã từng làm phép lạ để chữa lành mọi bệnh hoạn tật nguyền của dân chúng, Phêrô cũng được Chúa ban uy quyền để giảng dạy và chữa lành. Khi Phêrô rảo khắp nơi, xuống thăm cả dân thánh cư ngụ tại Lydda, ông gặp thấy một người tên là Aeneas liệt giường đã tám năm, vì anh bị tê bại. Ông nói với anh ta: “Anh Aeneas, Đức Giêsu Kitô chữa anh khỏi. Anh hãy đứng dậy và tự dọn giường lấy.” Lập tức anh đứng dậy. Chứng kiến phép lạ đó, tất cả những người cư ngụ ở Lydda và đồng bằng Sharon trở lại cùng Chúa. Điều đáng chú ý ở đây là Phêrô không nhân danh mình, nhưng nhân danh Chúa Giêsu Kitô, để rao giảng và truyền lời chữa bệnh cho dân chúng. Phép lạ Phêrô làm cần thiết để cho mọi người tin những gì ông rao giảng về Đức Kitô.

1.2/ Phêrô cứu người chết sống lại: “Ở Joppa, trong số các môn đệ có một bà tên là Tabitha, có nghĩa là Dorcas (Linh Dương). Bà này đầy công đức vì những việc lành và bố thí bà đã làm. Trong những ngày ấy, bà mắc bệnh và qua đời. Người ta tắm xác cho bà và đặt ở lầu trên.

Vì Lydda gần Joppa, nên khi các môn đệ nghe biết ông Phêrô ở đó, liền cử hai người đến mời: “Xin ông đến với chúng tôi, đừng trì hoãn.” Ông Phêrô đứng dậy cùng đi với họ. Tới nơi, người ta đưa ông lên lầu trên. Các bà goá xúm lại quanh ông, vừa khóc vừa cho ông xem những áo dài và áo choàng bà Tabitha đã may khi còn sống với họ.”

Ông Phêrô cho mọi người ra ngoài, rồi quỳ xuống cầu nguyện. Sau đó, ông quay lại về phía thi hài và ra lệnh: “Bà Tabitha, hãy đứng dậy!” Bà ấy mở mắt ra, và khi thấy ông Phêrô, liền ngồi dậy. Ông đưa tay đỡ bà đứng dậy, rồi gọi dân thánh và các bà goá lại và cho thấy bà đang sống. Cả thành Joppa đều biết việc này, và có nhiều người tin vào Chúa.” Noi gương Chúa Giêsu đã ngước mắt lên trời cầu nguyện với Chúa Cha, trước khi truyền cho Lazarus hãy trỗi dạy và ra khỏi mồ (Jn 11), Phêrô cũng quỳ xuống cầu nguyện để lấy quyền năng của Thiên Chúa, trước khi gọi tên bà Tabitha và truyền cho Bà hãy đứng dạy. Không phải lời của ai cũng có quyền năng làm cho người chết sống lại, nhưng chỉ có những lời có quyền năng của Thiên Chúa.

2/ Phúc Âm: Lời Thầy nói với anh em là thần khí và là sự sống.

Cùng nghe một câu Chúa nói: “Và bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống” (Jn 6:51c), nhưng gây ra 2 phản ứng khác nhau:

2.1/ Phản ứng của các môn đệ về diễn từ Thánh Thể của Chúa Giêsu: Khi nghe Chúa Giêsu nói về việc phải ăn thịt và uống máu Ngài, các môn đệ không thể nào chịu nổi, liền nói: “Lời này chướng tai quá! Ai mà nghe nổi?” Nhưng Chúa Giêsu có uy quyền biết được là các môn đệ đang xầm xì về vấn đề ấy, Người bảo các ông: “Điều đó, anh em lấy làm chướng, không chấp nhận được ư? Vậy nếu anh em thấy Con Người lên nơi đã ở trước kia thì sao? Thần khí mới làm cho sống, chứ xác thịt chẳng có ích gì. Lời Thầy nói với anh em là thần khí và là sự sống. Nhưng trong anh em có những kẻ không tin.”

Lời của Chúa Giêsu có quyền năng của Thánh Thần; vì thế, có khả năng ban sự sống. Các môn đệ không tin, vì họ suy nghĩ theo tính xác thịt; họ chỉ có thể tin được khi họ để cho Thánh Thần soi sáng và hướng dẫn họ nhận ra sự thật và tin những gì Chúa nói. Để có Chúa Thánh Thần, họ phải được Chúa Cha ban tặng, như Chúa Giêsu nói với họ: “Vì thế, Thầy đã bảo anh em: không ai đến với Thầy được, nếu Chúa Cha không ban ơn ấy cho.”

Từ lúc đó, nhiều môn đệ rút lui, không còn đi theo Người nữa. Họ rút lui vì họ nghĩ họ không thể theo một người nói những lời không theo lề lối suy nghĩ của con người. Họ bỏ lỡ cơ hội học hỏi suy nghĩ cao siêu của Thiên Chúa.

2.2/ Phản ứng của các Tông-đồ: Vậy Đức Giêsu hỏi Nhóm Mười Hai: “Cả anh em nữa, anh em cũng muốn bỏ đi hay sao?” Ông Simon Phêrô liền đáp: “Thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời. Phần chúng con, chúng con đã tin và nhận biết rằng chính Thầy là Đấng Thánh của Thiên Chúa.”

Chỉ có 3 nhân vật được gọi là Đấng Thánh trong Tin Mừng Gioan: Chúa Cha Thánh (Jn 17:11), Chúa Con Thánh ở đây, và Chúa Thánh Thần (1:33, 14:26, 20:33). Vì cả ba là Đấng Thánh, cả ba đều có sức thánh hóa con người (1:33, 10:36, 14:26, 17:11, 17, 19, 20:22). Chúa Giêsu đến để thánh hóa con người bằng cách tiêu diệt những việc làm của ma quỉ, để mang lại sự sống cho con người. Phêrô tuyên xưng Lời của Chúa Giêsu không những mang lại sự sống, mà chỉ có Lời này mới có thể mang lại sự sống đời đời.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

– Lời Chúa là lời có quyền năng của Thánh Thần trong đó; vì thế, chúng ta phải tin Lời Chúa có sức làm cho những gì không có thành có, những gì đã hư lại được chữa lành, những gì đã chết được sống lại, và nhất là có sức làm cho con người đạt được sự sống đời đời.

– Để Lời Chúa có thể sinh ích, con người cần biết quí trọng Lời Chúa: chuẩn bị tâm hồn bằng sự thinh lặng và cầu nguyện, không nghe Lời Chúa cho qua lần chiếu lệ, phải bỏ thời giờ để học hỏi và suy niệm, và nhất là phải thực hành Lời Chúa.

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

****************