Ngày thứ bảy (07-11-2020) – Trang suy niệm

06/11/2020

Lời Chúa Hôm Nay

Thứ Bảy Tuần XXXI Mùa Thường Niên Năm chẵn

BÀI ĐỌC I:  Pl 4, 10-19

“Tôi có thể làm được mọi sự trong Đấng ban sức mạnh cho tôi”.

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Philipphê.

Anh em thân mến, tôi rất vui mừng trong Chúa vì sự săn sóc của anh em đối với tôi đã sinh hoa kết quả: anh em đã nghĩ tới vấn đề đó từ lâu rồi nhưng anh em không có dịp tỏ bày ra. Tôi nói thế không phải vì sự túng thiếu của tôi, vì chưng tôi đã học tập để tự túc trong mọi hoàn cảnh. Tôi biết chịu thiếu thốn và biết hưởng sung túc. Trong mọi trường hợp và hết mọi cách, tôi đã học cho biết no, biết đói, biết dư dật và thiếu thốn. Tôi có thể làm được mọi sự trong Đấng ban sức mạnh cho tôi.

Nhưng anh em đã hành động chí lý khi san sẻ mọi quẫn bách của tôi. Này anh em, người thành Philipphê, anh em cũng đã thừa biết là ngay lúc bắt đầu rao giảng Tin Mừng, khi tôi rời bỏ Macêđônia, không một giáo đoàn nào đã đóng góp vào sổ chi tiêu của tôi, trừ một mình anh em mà thôi: vì một đôi lần, anh em đã gửi đồ về thành Thêxalônica cho tôi dùng. Không phải tôi cầu ơn cầu nghĩa gì, nhưng tôi cầu cho vốn liếng anh em được sinh hoa kết quả dồi dào. Hiện tôi có đủ mọi sự và có dư thừa: tôi đã được đầy đủ sau khi nhận lãnh những tặng vật anh em nhờ Êpaphrôđitô gửi đến, là hương thơm ngạt ngào, là lễ vật được Thiên Chúa vui lòng chấp nhận.

Xin Thiên Chúa cung cấp dư dật những nhu cầu của anh em, theo sự phú túc vinh quang của Người, trong Đức Giêsu Kitô. Vinh danh Thiên Chúa là Cha chúng ta muôn đời. Amen. Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 111, 1-2. 5-6. 8a và 9

A+B=Phúc đức thay người tôn sợ Chúa (c. 1a).

Xướng:

1) Phúc đức thay người tôn sợ Chúa, người hết lòng ham mộ luật pháp của Ngài. Con cháu người sẽ hùng cường trong Đất Nước: thiên hạ sẽ chúc phúc cho dòng dõi hiền nhân. – Đáp.

2) Phúc đức cho người biết xót thương và cho vay, biết quản lý tài sản mình theo đức công bình. Cho tới đời đời người sẽ không nao núng: người hiền đức sẽ được ghi nhớ muôn đời. – Đáp.

3) Lòng người kiên nghị, người không kinh hãi. Người ban phát và bố thí cho những kẻ nghèo, lòng quảng đại của người muôn đời còn mãi, sừng người được ngẩng lên trong vinh quang. – Đáp.

ALLELUIA: Ep 1, 17-18

-Xin Chúa Cha của Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, cho mắt tâm hồn chúng ta được sáng suốt, để chúng ta biết thế nào là trông cậy vào ơn Người kêu gọi chúng ta. – Alleluia. 

PHÚC ÂM: Lc 16, 9-15

“Nếu các con không trung thành trong việc tiền của gian dối, thì ai sẽ giao của chân thật cho các con”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Hãy dùng tiền của gian dối mà mua lấy bạn hữu, để khi mất hết tiền bạc, thì họ sẽ đón tiếp các con vào chốn an nghỉ đời đời. Ai trung tín trong việc nhỏ, thì cũng trung tín trong việc lớn; ai gian dối trong việc nhỏ, thì cũng gian dối trong việc lớn. Vậy nếu các con không trung thành trong việc tiền của gian dối, thì ai sẽ giao phó của chân thật cho các con.

“Không đầy tớ nào có thể làm tôi hai chủ: vì hoặc nó ghét chủ này và mến chủ kia; hoặc phục chủ này và khinh chủ nọ. Các con không thể làm tôi Thiên Chúa mà lại làm tôi tiền của được”. Những người biệt phái là những kẻ tham lam, nghe nói tất cả những điều đó, thì nhạo cười Người. Vậy Người bảo các ông rằng: “Chính các ông là những kẻ phô trương mình là công chính trước mặt người ta, nhưng Thiên Chúa biết lòng các ông; bởi chưng điều gì cao sang đối với người ta, thì lại là ghê tởm trước mặt Thiên Chúa”. Đó là lời Chúa.

(thanhlinh.net)

++++++++++++++++++

07/11/2020 – THỨ BẢY ĐẦU THÁNG TUẦN 31 TN

Lc 16,9-15

HAI ÔNG CHỦ

“Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi Tiền Của được.” (Lc 16,13b)

Suy niệm: Trong khi các đợt bão lũ hồi tháng 10 liên tiếp hoành hành các tỉnh miền Trung, thì đồng thời cũng nổi lên một cơn “bão mạng” về việc ca sĩ Thuỷ Tiên quyên góp trên 150 tỷ đồng đi cứu trợ tại Hà Tĩnh và Quảng Bình. Nhiều người ca ngợi tấm lòng nhân ái và bàn tay hào phóng của nữ ca sĩ, nhưng cũng có người e ngại rằng cách làm của cô dễ bị lợi dụng, rằng số tiền của các nhà hảo tâm có thể không được phân phối công bằng, đúng người đúng chỗ. Thế mới hay sử dụng tiền thế nào để không ai phiền trách là việc không hề dễ, ngay cả khi dùng nó để làm việc nghĩa. Chúa Giê-su hôm nay cũng nói đến tiền của, và mời gọi chúng ta sử dụng tiền của một cách trung tín. Trung tín có nghĩa là dùng của cải đời này để phục vụ, thay vì bo bo keo kiệt, hoặc ngược lại, sử dụng ích kỷ, tiêu sài hoang phí. Lòng tham lam hưởng thụ sẽ biến chúng ta thành nô lệ cho tiền của. Chỉ khi trung tín trong việc sử dụng tiền của thế gian, Chúa mới tín nhiệm trao cho chúng ta những tài sản thiêng liêng, “những của cải chân thật” là hạnh phúc Nước Trời.

Chia sẻ: Phần bạn, bạn sẽ chọn Thiên Chúa hay Tiền Của làm chủ tể đời mình? Mời bạn hãy chia sẻ một kinh nghiệm trong việc chọn lựa này.

Sống Lời Chúa: Hãy tập nhận định những gì thuộc về Chúa và những gì thuộc về thế gian để chọn lựa cách sống: Chọn Chúa là Chủ Tể đời mình.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, trong cuộc sống thường nhật, con thường bị  ông chủ tiền bạc lôi cuốn. Xin cho con luôn biết hướng lòng mình về Chúa và biết chọn Chúa là Chủ Tể duy nhất của lòng con. Amen.

(5 Phút Lời Chúa)

++++++++++++++++++

Suy niệm và cầu nguyện

Suy niệm

Khi muốn nói đến sức mạnh của đồng tiền
người ta thường nói: đồng tiền là tiên là phật…
Đức Giêsu còn nói mạnh hơn nữa:
đồng tiền còn có thể là chúa của con người, bắt con người làm tôi.
Ngay cả các kitô hữu, những người đã thuộc về Thiên Chúa,
và chỉ muốn phụng sự một mình Ngài,
cũng bị cám dỗ để đi hàng hai, bắt cá hai tay.
Họ nghĩ mình có thể làm tôi đồng thời cả Thiên Chúa lẫn Tiền Của,
nhờ đó được cả đời sau lẫn đời này.
Đức Giêsu cho thấy điều đó chỉ là một ảo tưởng (c. 13).
Phải chọn một trong hai, vì không thể yêu và gắn bó với cả hai.

Tôi muốn phục vụ ai bây giờ? Thiên Chúa hay Tiền Của?
Lúc đầu hẳn nhiên tôi muốn Tiền Của phục vụ tôi.
Nhưng sau đó Tiền Của trở thành một vị chúa bắt tôi làm nô lệ.
Mamôn (Tiền Của) trong tiếng Do-thái cổ
có thể có nghĩa là điều mà ta cậy dựa.
Khi Tiền Của trở thành chỗ dựa vững chắc và bảo đảm cho tôi,
nó sẽ chiếm lấy chỗ của Thiên Chúa.
Nếu chúng ta thực sự yêu mến và gắn bó với Thiên Chúa,
thế nào chúng ta cũng phải ghét bỏ và khinh dể Tiền Của (c. 13),
nghĩa là dứt khoát đặt nó dưới Thiên Chúa.

Thánh Phanxicô Assisi đã trả lại bộ quần áo đang mặc cho người cha.
Thánh Inhaxiô Loyola đã đổi bộ đồ quý phái cho một người ăn xin.
Bước đường theo Chúa của các bậc thánh nhân
thường bắt đầu bằng hành vi từ bỏ mọi vướng víu vật chất.
Người thanh niên giàu có cũng được mời bán tất cả để cho kẻ nghèo.
Thắng được cám dỗ của vật chất và tiền bạc, là một thách đố lớn
cho mọi cá nhân và tập thể, đạo cũng như đời.
Chúng ta vẫn có nguy cơ thờ lạy Mamôn, ngẫu tượng của mọi thời đại.

Làm sao để tiền của trở nên đầy tớ của chúng ta,
để ta có thể sử dụng nó như đường vào Nước Trời?
Bill Gates, người giàu nhất thế giới vào năm 2009 với tài sản 40 tỷ đô.
Ông đã nghỉ điều hành công ty Microsoft từ năm ngoái,
để cùng vợ dành nhiều thời gian hơn cho việc xây dựng quỹ từ thiện.
Quỹ hàng chục tỷ đô này đã giúp người nghèo, bệnh nhân ở khắp nơi,
và Bill Gates biết cách làm cho quỹ này lớn thêm mãi.
Dù không phải là một kitô hữu đi lễ mỗi sáng Chúa Nhật,
nhưng ông cho ta hình ảnh của một người không quá bám vào của cải.

Kitô hữu không hẳn phải là người khố rách áo ôm,
nhưng chắc chắn phải là người siêu thoát với sức hấp dẫn của tiền bạc.
Trung tín trong việc rất nhỏ, và trong việc sử dụng của cải của tha nhân,
đó là điều Đức Giêsu nhắn nhủ ta khi sống trong nền kinh tế thị trường.
Làm sao để Thiên Chúa, chứ không phải Tiền Của, thực sự làm chủ đời ta?

Cầu nguyện

Lạy Cha, xin cho con ý thức rằng
tấm bánh để dành của con thuộc về người đói,
chiếc áo nằm trong tủ thuộc về người trần trụi,
tiền bạc con cất giấu thuộc về người thiếu thốn.
Lạy Cha, có bao điều con giữ mà chẳng dùng,
có bao điều con lãng phí
bên cạnh những Ladarô túng quẫn,
có bao điều con hưởng lợi
dựa trên nỗi đau của người khác,
có bao điều con định mua sắm dù chẳng có nhu cầu.
Con hiểu rằng nguồn gốc sự bất công
chẳng ở đâu xa.
Nó nằm ngay nơi sự khép kín của lòng con.
Con phải chịu trách nhiệm
về cảnh nghèo trong xã hội.

Lạy Cha chí nhân,
vũ trụ, trái đất và tất cả tài nguyên của nó
là quà tặng Cha cho mọi người có quyền hưởng.
Cha để cho có sự chênh lệch, thiếu hụt,
vì Cha muốn chúng con san sẻ cho nhau.
Thế giới còn nhiều người đói nghèo
là vì chúng con giữ quá điều cần giữ.
Xin dạy chúng con biết cách đầu tư làm giàu,
nhờ sống chia sẻ yêu thương. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

(phutcaunguyen.net)

++++++++++++++++++

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên

7 THÁNG MƯỜI MỘT

Một Cộng Đoàn Yêu Thương

Cộng đoàn Kitôhữu được sinh ra từ Lời Chúa và cắm rễ sâu trong mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Kitô. Nhưng có một yếu tố thứ ba nữa làm nên đời sống cộng đoàn, đó là tình yêu được Chúa Thánh Thần đổ tràn trong lòng chúng ta (Rm 5,5). Thật vậy, cộng đoàn sẽ ra sao nếu thiếu vắng tình yêu? Đời sống cộng đoàn chúng ta sẽ ra sao nếu chúng ta không thi hành điều mà Công Đồng gọi là “luật” của Dân mới của Thiên Chúa: yêu thương như Chúa Kitô yêu chúng ta (LG. 9)? Đời sống cộng đoàn chúng ta sẽ ra sao nếu chúng ta không có mối hiệp thông trọn vẹn với giám mục của mình và với Giáo hội trên toàn cầu?

Nhưng tình yêu ấy phải hữu hình. Nó phải là đặc trưng cho mọi khía cạnh đời sống chúng ta trong tư cách là một cộng đoàn. Mối hiệp thông thiêng liêng phải trở thành một mối hiệp thông của các quan hệ phong phú giữa người với người. Chúng ta phải có một cung cách đích thực Kitôhữu trong quan hệ với nhau. Như tôi đã từng khẳng định, thật vô cùng quan trọng việc một giáo xứ trở thành tiêu điểm sum họp vừa mang tính nhân bản vừa mang tính Kitô giáo, để tạo lập một đời sống cộng đoàn trọn vẹn.

Các cộng đoàn chúng ta được mời gọi cảm nếm trước nền văn minh tình thương. Và, căn cứ vào mẫu thức của các cộng đoàn Kitôhữu đầu tiên, thì chúng ta phải thể hiện được một đời sống xã hội phong phú đặc trưng bởi tình huynh đệ đích thực. Mối quan hệ của chúng ta phải được định hình bởi bởi tinh thần hiếu hòa và dâng hiến. Chúng ta cần một tinh thần cộng tác và hòa giải – để chữa lành những vết thương. Chúng ta cần một đời sống thiêng liêng vững mạnh có sức kết hiệp chúng ta với tình yêu của Thiên Chúa cũng như với tình yêu của anh chị em chung quanh mình.

– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –

Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác

LIFT UP YOUR HEARTS

Daily Meditations by Pope John Paul II

+++++++++++++++++

Lời Chúa Trong Gia Đình

NGÀY 07/11

Pl 4, 10-19; Lc 16, 9-15.

LỜI SUY NIỆM:  “Không gia nhân nào có thể làm tôi hai chủ, vì hoặc sẽ ghét chủ này mà yêu chủ kia”

          Đối với Chúa Giêsu, con người không thể trung lập hay lừng khừng, nhưng phải dứt khoát trong sự lựa chon cho mình một vị Chủ của đời mình. Phục vụ Chúa không thể nào là một công việc bán thời gian, hay chỉ là thời giờ dư thừa trong công việc làm ăn hay nghỉ ngơi. Ai đã chọn phục vụ Chúa thì phải phục vụ trọn vẹn cả thời gian, sức lực và cả trí tuệ, với sự khôn ngoan: Chúa là Chủ tuyệt đối. Ngoài Chúa ra không còn có ai khác, và bất cứ điều gì cũng không có thể là chủ của đời mình nữa.

          Lạy Chúa Giêsu, Trước những quyến rũ của trần thế. xin cho mọi thành viên trong gia đình chúng con, luôn chọn Chúa làm chủ của đời mình; Để ngày sống của chúng con luôn được vui sống trong bình an

Mạnh Phương

+++++++++++++++++

07 Tháng Mười Một

Nỗi Khao Khát Của Hạt Muối 

Khao khát duy nhất của hạt muối là được xem thấy biển. Bằng mọi giá, nó muốn khám phá thế nào là biển… Ngày kia, nó ra đi… Vừa đến bờ biển, nó khám phá ra một cái gì mênh mông, xanh ngắt và sống động. Nó thốt lên:

– Biển ơi, hãy nói đi, ngươi là ai?

Một đợt sóng trả lời:

– Hãy chạm đến ta, rồi ngươi sẽ hiểu.

Hạt muối trườn mình xuống nước. Ô kìa, nó cảm thấy ngây ngất, niềm vui tột cùng làm nó cảm thấy như không còn đứng vững được nữa. Nó cảm thấy như đang hòa lẫn từ từ trong nước. Niềm vui dâng trào. Nó lại hỏi một lần nữa:

– Biển ơi, hãy nói đi, ngươi là ai?

Một đợt sóng cuối cùng ôm ghì lấy nó và nó từ từ tan biến trong nước. Nó chợt reo vui lần cuối cùng:

– Bây giờ ta mới hiểu thế nào là biển: biển là một phần của chính ta.

Hạt muối chỉ có thể hiểu được thế nào là biển khi nó được hòa tan trong nước. Có chìm ngập trong biển, có đi vào biển mới hiểu được thế nào là biển… Thiên Chúa cao cả hơn lý trí của con người. Chúng ta không thể chỉ biết Thiên Chúa bằng lý trí… Hãy để cho Thiên Chúa chiếm ngự, hãy để cho Thiên Chúa ôm chầm lấy ta, ta mới có thể biết được Ngài là ai. Tình tri giao giữa Thiên Chúa và con người chỉ có thể nảy nở bằng thinh lặng, hòa nhập trong cảm mến, tri ân.

(Lẽ Sống)

++++++++++++++++++

Lời Chúa Mỗi Ngày

Lễ Kính tất cả các thánh Dòng Đa-minh 

Bài đọc: Sir 44:1-15 hay II Cor 6:4-10; Psa 24; Mk 10:28-30

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Theo bước chân cha anh, những chứng nhân anh hùng trong lịch sử.

          Đức Kitô và rất nhiều các chứng nhân trong lịch sử đã dạy chúng ta rằng: Chúng ta sống trong cuộc đời này là sống cho một mục đích. Trong bài Tin Mừng ngắn theo thánh Marcô hôm nay, khi vị tông đồ trưởng, thánh Phêrô, nêu câu hỏi với Đức Kitô: Thầy coi, phần chúng con, chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy! Đức Giê-su đáp: “Thầy bảo thật anh em: Chẳng hề có ai bỏ nhà cửa, anh em, chị em, mẹ cha, con cái hay ruộng đất, vì Thầy và vì Tin Mừng, mà ngay bây giờ, ở đời này, lại không nhận được nhà cửa, anh em, chị em, mẹ, con hay ruộng đất, gấp trăm, cùng với sự ngược đãi, và sự sống vĩnh cửu ở đời sau.”

          Chúng ta tin là Thiên Chúa sẽ thực hiện những gì Ngài hứa; nhưng nhiều lần chúng ta đã để cho ba thù bẻ hướng để chỉ chú trọng đến những thỏa mãn tạm thời như: giầu sang, danh vọng, chức quyền và những thú vui xác thịt. Chúng cố gắng thuyết phục con người hoặc những gì Thiên Chúa hứa không có thật hoặc con người không có sức mạnh để đạt tới.

          Theo truyền thống, Giáo Hội có ngày Lễ Trọng Kính Toàn Thể Các Thánh Nam Nữ để kêu mời chúng ta nhìn lại lời mời gọi nên thánh của mỗi người. Dòng Đa-minh có thêm ngày Lễ Kính các thánh trong Dòng một tuần sau đó để mời gọi các phần tử của Dòng đang sống hãy biết học hỏi nơi các anh chị em đi trước, để vững bước trong ơn gọi nên thánh và giúp cho mọi người đạt tới đích điểm của cuộc đời.

KHAI TRIỂN CHỦ ĐỀ

1/ Bài đọc I: Ca ngợi các bậc tổ tiên của người Do-thái trong lịch sử

1.1/ Những chứng nhân anh hùng của người Do-thái trong lịch sử:

Sách Huấn Ca viết sau thời lưu đày tại Babylon của người Do-thái, giai đoạn mà niềm tin của họ đang bị lung lay đến tận gốc rễ sau khi chứng kiến và có kinh nghiệm sống cùng cực nơi lưu đày. Tác giả viết Sách để kêu mời các anh/chị/em Do-thái nhìn lại lịch sử các anh hùng để củng cố đức tin của họ. Tác giả nhắc cách tổng quát các vĩ nhân của những lãnh vực sau đây:

          (1) Các nhà lãnh đạo và các vị vua anh hùng: Trước khi có các vua, người Do-thái có các nhà lãnh đạo sáng suốt và khôn ngoan như đã được tường thuật trong Sách Thủ Lãnh. Sau đó là đến triều đại các vua; nổi bật hơn cả là vua Đavit và Solomon. Tuy các vua và những nhà lãnh đạo cũng có tội và đã sa ngã như mọi người; nhưng điểm đặc biệt là họ đã nhận ra tội, ăn năn và trở lại với Thiên Chúa.

          (2) Các nhà cố vấn cho các vị Thủ Lãnh và các vua: Những vị cố vấn cho các Thủ Lãnh như Samuel, Nathan hay những tiên tri cho các vua như Isaiah, Jeremiah, Amos… Họ đã được Thiên Chúa soi sáng cho biết ý của Thiên Chúa để mạc khải cho các vua. Họ đã bị khinh thường, tra tấn và có vị bị giết chết, nhưng vẫn can đảm nói và làm chứng cho sự thật.

          (3) Các người viết các sách Khôn Ngoan: Các tác giả của các Thánh Vịnh mà người Do-thái coi là sưu tập và viết bởi vua Đavít, Sách Gióp, Sách Châm Ngôn, Sách Giáo Sĩ, Sách Diễm Tình Ca, Sách Khôn Ngoan và Sách Huấn Ca. Họ đã được ơn linh hứng để mạc khải những khôn ngoan của Thiên Chúa cho con người.

1.2/ Các thánh của Dòng Đa-minh:

Song song với các vĩ nhân trong lịch sử Do-thái, chúng ta dừng lại để ngắm nhìn các vĩ nhân của Dòng Đa-minh sau hơn 800 năm thành lập. Vì giới hạn của thời gian nên chúng ta chỉ nhìn tới một số các vĩ nhân tiêu biểu:

          (1) Thánh Tổ Phụ Đa-minh: Nếu chúng ta muốn tìm hiểu nguyên do tại sao Dòng Đa-minh có nhiều thánh và trong mọi lãnh vực, chúng ta không thể bỏ qua Thánh Tổ Phụ Đa-minh; vì nhờ ngài thiết lập ra đường lối mà các con cái của ngài có thể thành công trong bước đường nên trọn lành như vậy. Chân phúc Jordan of Saxony, BTTQ, đã viết về Ngài như sau: “Thánh Đa-minh đã biểu lộ sự nghèo khó thật sự của ngài bằng cái nhìn, cách ăn mặc và cử chỉ của ngài. Thường xuyên cầu nguyện, dạt dào trong cảm xúc bằng cách tuôn trào nước mắt cho các con cái của ngài, và ngài rất nhiệt thành trong việc cứu rỗi các linh hồn… Những việc làm của ngài chứng minh, và những nhân đức và những phép lạ của ngài làm chứng cho loại người nào ngài đã sống giữa chúng ta trong trái đất này. Loại người mà ngay cả bây giờ sống với Thiên Chúa trong những ngày sau cùng này, trong biến cố khi chúng ta di chuyển thân xác thánh thiện của ngài từ mồ chôn không bị tan rã tới một ngôi mộ tôn kính, thì quá rõ ràng từ những dấu hiệu được xảy ra tại đó và được chứng minh bởi các nhân đức của ngài. Với tất cả những điều này, Đấng Cứu Chuộc chúng ta, Con của Thiên Chúa, Đức Giêsu Kitô, được vinh quang, Người coi là xứng đang để chọn một người như thế làm tôi tớ và đặt ngài lãnh đạo chúng ta như một người cha của chúng ta. Những lý tưởng của ngài giờ đây thổi sự sống vào luật lệ của chúng ta và gương mẫu của sự thánh thiện chiếu sáng của ngài thắp sáng chúng ta.” (Encyclical Letter 1223, 182-85).

          (2) Thánh Tiến Sĩ Thiên Thần Thomas Aquinas: Đây là một vị thánh mà nhiều người tôn vinh là có kiến thức như thiên thần. Tác phẩm vô giá của người để lại trong vô số tác phẩm là bộ Tổng Luật Thần Học mà Giáo Hội vẫn không ngừng tham khảo để giải quyết các vấn đề thuộc mọi phạm vi, nhất là trong lãnh vực tín lý và luân lý; nhưng đáng buồn là có rất nhiều anh chị em chúng ta còn đang thờ ơ học hỏi và phổ biến những kiến thức khôn ngoan của vị thánh này.

          (3) Thánh của anh chị em nghèo và đau khổ Martin de Porres: Điều làm nhiều người rất ngạc nhiên khi thấy Dòng Đa-minh có một vị thánh như thánh Martin de Porres. Ngài không làm việc lớn như thành lập Dòng, cũng không khôn ngoan xuất chúng như thánh Thomas Aquinas; nhưng ngài chỉ làm những việc rất tầm thường và nhỏ mọn của một anh trợ sĩ, nhưng với tấm lòng bác ái vượt bực. Ngài đã thấm nhuần đức bác ái của Thiên Chúa và của Thánh Tổ Phụ để nhiệt thành yêu thương tất cả mọi người, nhất là những người nghèo và bệnh tật. Ngài đã săn sóc những anh chị em khốn khổ này như săn sóc chính Thiên Chúa.

1.3/ Danh thơm là tất cả những gì các vĩ nhân để lại cho con cháu của họ:

Người Do-thái cũng như nhiều tổ tiên Việt-nam sớm nhận ra gia tài chính yếu khi để lại cho con cháu qua các câu tục ngữ như: “Cọp chết để da, người chết để tiếng”, hay “Có đức mặc sức hái mà ăn,” hay “Cha mẹ hiền lành để đức cho con.” Họ không mong để lại cho con cháu tiền bạc hay gia sản, nhưng là để lại cho con cháu kho tàng nhân đức, những gì cần cho đời sống thiêng liêng của con cháu họ. Tác giả đoạn Sách Huấn Ca chúng ta đọc hôm nay cũng cùng một chủ trương như thế khi ông nhấn mạnh những gì các bậc vĩ nhân của Do-thái để lại cho con cháu:

          (1) Con cháu phải giữ vững các giao ước của Thiên Chúa: Thiên Chúa đã nhiều lần lặp lại những gì Ngài đã hứa với các tổ phụ của người Do-thái: “Nếu ngươi và dòng dõi các ngươi bước đi trong đường lối của Ta, Ta sẽ chúc lành và bảo vệ các ngươi mọi ngày trong cuộc sống. Không một quyền lực nào có thể làm hại các ngươi được” (Gen 17). Điều đầu tiên họ và con cháu phải họ là biết kính sợ Thiên Chúa (Deut 5:6-7); sau đó, là phải biết yêu thương tha nhân như chính mình (Lev 19:18b).

          (2) Các khó khăn sẽ xảy ra và là cơ hội cho họ luyện tập đức tin và các nhân đức khác trên bước đường nên toàn thiện. Họ phải vượt qua các thử thách để giữ vững đức tin và nên trọn lành. Rất nhiều người đã ngã gục dưới sức ép của khó khăn và lìa xa Thiên Chúa.

          (3) Nếu họ làm như thế, dòng dõi họ sẽ muôn đời tồn tại: Khi Thiên Chúa chúc lành và bảo vệ ai, dòng dõi đó sẽ muôn đời tồn tại. Ngược lại, khi Thiên Chúa quay mặt đi, người đó và dòng dõi họ sẽ bị xóa tên trên bản đồ và trong lịch sử. Các thế hệ sau ngàn đời vẫn còn ghi nhớ gương sáng của các vĩ nhân để lại trong lịch sử; còn những kẻ gian ác sẽ bị quên ngay sau khi họ nằm xuống.

2/ Phúc Âm: Phần thưởng của những người đã bỏ mọi sự để theo Đức Kitô

2.1/ Những điều kiện phải có để theo Đức Kitô:

          (1) Bỏ của cải vật chất: Tin Mừng nhấn mạnh đến hai yếu tố: thứ nhất là nhà cửa nơi một người cần có để ăn uống và ngủ nghỉ; thứ hai là ruộng đất nơi một người làm việc để có phương tiện sinh sống. Thiên Chúa đòi người môn đệ phải bỏ hai thứ căn bản này trước khi thành môn đệ của Ngài để dành toàn thời gian cho việc rao giảng Tin Mừng.

          (2) Bỏ cha mẹ và các anh/chị/em: Khi một người được Thiên Chúa gọi để ra đi rao giảng Tin Mừng, họ không được đặt cha mẹ và các phần tử trong gia đình lên trên Thiên Chúa. Hơn nữa, khi cha mẹ nhận ra ý Thiên Chúa muốn gọi con mình, cha mẹ phải vui mừng và tìm mọi cách để con mình có thể dễ dàng lên đường theo tiếng Chúa gọi. Không cha mẹ nào được quyền ngăn cản con vì muốn con lập gia đình để có dòng dõi hay muốn con ở nhà để săn sóc tuổi già cho mình. Nhiệm vụ rao giảng Tin Mừng là bổn phận quan trọng nhất của một người.

          (3) Bỏ ý riêng: Đoạn văn hôm nay không có điều phải bỏ ý riêng (chính mình) như ở các chỗ khác (Mk 8:34-38; Mt 16:24-28; Lk 9:23-27); nhưng là điều quan trọng phải bỏ chính mình; vì nhiều người nhận xét: Nếu không bỏ ý riêng để làm theo thánh ý Thiên Chúa, một người sẽ từ từ, bằng cách này hay cách khác, sẽ lấy lại tất cả những gì mình đã từ bỏ trước khi đi theo Chúa.

2.2/ Những điều người môn đệ sẽ nhận được:

          (1) Sự ngược đãi: Đi theo Đức Kitô để rao giảng Tin Mừng gặp nhiều chống đối và ngược đãi như Đức Kitô đã từng nhắc nhở các môn đệ của Ngài: Tôi tớ không hơn chủ, trò không hơn Thầy… Nếu họ đã bắt bớ Thầy, họ cũng sẽ bắt bớ anh em; nhưng hãy can đảm lên vì Thầy đã thắng thế gian. Người môn đệ có lý do để chấp nhận sự ngược đãi như lời thánh Phaolô khi ngài viết: “Tôi coi những đau khổ của đời này không là gì cả so với vinh quang đã được mạc khải cho chúng ta.” (Rom 8:18)

          (2) Gấp trăm lần những gì đã bỏ: Thứ nhất, khi bỏ cha mẹ và anh chị em trong gia đình riêng của mình, người môn đệ sẽ gặp rất nhiều cha mẹ và các anh chị em khác, là những cha mẹ và anh chị em trong gia đình thiêng liêng của Thiên Chúa. Thứ hai, về nhà cửa và ruộng đất: người môn đệ đi rao giảng Tin Mừng sẽ được Thiên Chúa, qua sự cung cấp của các giáo dân, ban cho tất cả những gì cần thiết cho sức khỏe và vật chất cho việc rao giảng Tin Mừng. Kinh nghiệm của các linh mục và các tu sĩ theo Chúa là những bằng chứng hùng hồn của điều này.

          (3) Cuộc sống vĩnh cửu đời sau: Trên Nước Trời, phần thưởng to lớn nhất một người sẽ nhận được là chính Thiên Chúa, vì có Chúa là có tất cả. Thánh Phaolô diễn tả điều này như sau: “Vì những ai Người đã biết từ trước, thì Người đã tiền định cho họ nên đồng hình đồng dạng với Con của Người, để Con của Người làm trưởng tử giữa một đàn em đông đúc.30 Những ai Thiên Chúa đã tiền định, thì Người cũng kêu gọi; những ai Người đã kêu gọi, thì Người cũng làm cho nên công chính; những ai Người đã làm cho nên công chính, thì Người cũng cho hưởng phúc vinh quang” (Rom 8:29-30).

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

  1. Chúng ta cần phải tin tưởng vững mạnh vào lời Thiên Chúa hứa; những gì Ngài đã hứa, Ngài sẽ thi hành.
  2. Chúng ta cần học Kinh Thánh và đọc lại lịch sử cuộc đời các thánh Dòng để tìm được ngọn lửa nhiệt thành để giúp vững bước trên con đường nên thánh.
  3. Chúng ta cần tập luyện can đảm để vượt qua gian nan, sự ngược đãi và tất cả cám dỗ do ba thù dâng tặng ở đời này.

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

****************