Ngày thứ bảy (08-10-2022) – Trang suy niệm

07/10/2022

Lời Chúa Hôm Nay

Thứ Bảy Tuần XXVII Mùa Thường Niên Năm chẵn

BÀI ĐỌC I: Gl 3, 22-29

“Tất cả anh em đều là con cái Thiên Chúa”.

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Galata. 

Anh em thân mến, Thánh Kinh đã giam giữ mọi loài dưới ách tội lỗi, để nhờ lòng tin vào Đức Giêsu Kitô mà lời hứa được ban tặng cho những kẻ tin.

Nhưng trước khi đức tin chưa đến, thì chúng ta bị giam giữ dưới ách lề luật, để mong chờ đức tin sẽ được tỏ hiện. Bởi thế, lề luật là thầy dạy đưa chúng ta đến cùng Đức Kitô, để nhờ đức tin, chúng ta được công chính hoá. Nhưng một khi đức tin đã đến, chúng ta không còn ở dưới quyền thầy dạy nữa. Bởi chưng, tất cả anh em đều là con cái Thiên Chúa nhờ tin vào Đức Giêsu Kitô. Vì chưng, tất cả anh em đã chịu phép rửa tội trong Đức Kitô, nên anh em đã mặc lấy Đức Kitô. Nay không còn phân biệt người Do-thái và Hy-lạp, người nô lệ và tự do, người nam và người nữ: vì tất cả anh em là một trong Đức Giêsu Kitô. Nhưng nếu anh em thuộc về Đức Kitô, thì anh em là dòng dõi Abraham, những kẻ thừa tự như lời đã hứa. Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 104, 2-3. 4-5. 6-7

Đáp: Tới muôn đời Chúa vẫn nhớ lời minh ước (c. 8a).

Xướng:

1) Hãy xướng ca, đàn hát mừng Người, hãy tường thuật mọi điều kỳ diệu của Chúa. Hãy tự hào vì danh thánh của Người, tâm hồn những ai tìm Chúa, hãy mừng vui. – Đáp.

2)Hãy coi trọng Chúa và quyền năng của Chúa, hãy tìm kiếm thiên nhan Chúa luôn luôn. Hãy nhớ lại những điều kỳ diệu Chúa đã làm, những phép lạ và những điều Ngài phán quyết. – Đáp.

3) Hỡi miêu duệ Abraham là tôi tớ của Ngài, hỡi con cháu Giacóp, những người được Ngài kén chọn, chính Chúa là Thiên Chúa chúng ta, quyền cai trị của Ngài bao trùm khắp cả địa cầu. – Đáp.

ALLELUIA: Ga 1, 14 và 12b

Alleluia, alleluia! – Ngôi Lời đã làm người và đã ở giữa chúng ta. Những ai tiếp rước Người, thì Người ban cho họ quyền làm con Thiên Chúa. – Alleluia. 

PHÚC ÂM: Lc 11, 27-28

“Phúc cho dạ đã cưu mang Thầy”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Chúa Giêsu đang giảng cho dân chúng, thì từ giữa đám dân chúng, có một phụ nữ cất tiếng nói rằng: “Phúc cho dạ đã cưu mang Thầy và vú đã cho Thầy bú!” Nhưng Người phán rằng: “Những ai nghe và giữ lời Thiên Chúa thì có phúc hơn”. Đó là lời Chúa.

(thanhlinh.net)

++++++++++++++++++

08/10/2022 – THỨ BẢY TUẦN 27 TN

Lc 11,27-28

ĐÂU MỚI LÀ PHÚC THẬT?

Nhưng Người đáp lại: “Đúng hơn phải nóùi rằng: Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa.” (Lc 11,28).

Suy niệm: “Ơn cha nặng lắm ai ơi, Nghĩa mẹ bằng trời chín tháng cưu mang.” Không thể nói hết sự nặng nhọc đau đớn của người mẹ suốt 9 tháng 10 ngày cưu mang và sinh nở người con. Nhưng người mẹ cũng rất hạnh phúc khi cuối cùng được ‘mẹ tròn con vuông’. Và hơn nữa, người mẹ còn thật tự hào hãnh diện khi con mình thành đạt vẻ vang. Người phụ nữ trong đám đông thán phục người con xuất chúng Giê-su bằng cách ca ngợi người mẹ diễm phúc Ma-ri-a như thế. Không phủ nhận lời khen tặng ấy, Chúa Giê-su chỉ ra điều thiết yếu mà ai cũng có thể làm để có được diễm phúc đó: “Đúng hơn phải nóùi rằng phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa.” Mối phúc này không làm Ma-ri-a lu mờ đi, trái lại, càng tôn vinh Mẹ hơn, bởi vì Đức Ma-ri-a cao trọng đâu phải chỉ là mẹ về phần xác, nhưng hơn thế nữa, Mẹ là mẫu gương tuyệt hảo trong việc lắng nghe, tuân giữ lời Thiên Chúa, là người môn đệ mẫu mực của Ngài.

Mời Bạn: Bạn không có được mối phúc sinh thành dưỡng dục Chúa Giê-su như Mẹ, nhưng vẫn được sẻ chia mối phúc tuyệt vời ấy bằng cách lắng nghe, tuân giữ Lời Chúa. Sống điều ấy, bạn còn được diễm phúc trở nên thành viên mới trong đại gia đình của Thiên Chúa. Mời bạn hãy bước theo Mẹ, cảm nhận phúc lành ấy từ Thiên Chúa.

Sống Lời Chúa: Mỗi ngày đọc một đoạn Kinh thánh, rồi suy niệm, cầu nguyện và nỗ lực thực hành.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, Mẹ Ma-ri-a thật có phúc vì đã lắng nghe và thực hành Lời Chúa. Xin cho con noi gương Mẹ, lấy Lời Chúa làm kim chỉ nam cho đời sống, để Chúa có thể lớn lên mỗi ngày trong con.

(5 Phút Lời Chúa)

++++++++++++++++++

Suy niệm và cầu nguyện

Suy niệm

Thánh Luca hẳn đã dựa vào một nguồn tài liệu riêng
để viết nên đoạn Tin Mừng rất ngắn này.
Khung cảnh có vẻ diễn ra ở ngoài trời, có đám đông dân chúng.
Đức Giêsu đang giảng dạy, còn dân chúng thì nghe.
Bất ngờ có một phụ nữ cất cao giọng mà nói với Ngài rằng:
“Phúc cho lòng dạ đã cưu mang Thầy, và vú đã cho Thầy bú mớm.”

Đây là một lời ca ngợi thân mẫu của Thầy Giêsu.
Người phụ nữ chắc đã rất tâm đắc với những lời Thầy giảng,
nên từ lòng ngưỡng mộ đối với Thầy,
bà đã bật lên lời ngợi khen đối với người mẹ của Thầy.
Bà không ngại nói đến những nét đặc trưng và kín đáo của một người mẹ,
những gì nơi thân xác mẹ cần cho sự sống của con.
Lòng dạ của thân mẫu Thầy đã cưu mang Thầy chín tháng.
Chín tháng đủ để một thai nhi cứng cáp mà nhìn thấy ánh mặt trời.
Chín tháng ấp ủ, mẹ và con gần gũi nhau như là một.
“Và vú đã cho Thầy bú mớm.”
Không phải chỉ chín tháng cưu mang, mà còn ba năm bú mớm.
Mẹ nuôi con bằng chính dòng sữa của mình, sự sống của mình.
để con được lớn lên, có thể đứng đây mà giảng thuyết.
Rõ ràng thân xác mẹ là cái nôi ru cho con lớn lên.
Mẹ vừa lo sinh, vừa lo dưỡng.
Lời khen ngợi của người phụ nữ vang ra cả đám đông.
Khen mẹ chính là khen con một cách gián tiếp.
Phải là một người mẹ tuyệt vời
mới sinh được một người con tuyệt vời đến thế!
Maria có phúc vì Mẹ được chọn để sinh dưỡng Đấng cứu độ.
Bà Êlisabét đã từng lớn tiếng kêu lên mối phúc này (Lc 1, 42) :
“Em có phúc hơn mọi phụ nữ, và phúc cho hoa trái của bụng dạ em.”
Như thế Mẹ có phúc vì Con có phúc.

Đức Giêsu không phản đối hay phủ nhận câu nói của người phụ nữ
đang đứng nghe giảng cùng với đám đông.
Ngài chỉ muốn điều chỉnh cho hợp với bầu khí hiện tại,
khi những người trong đám đông đang ở tư thế lắng nghe.
“Phúc cho những ai lắng nghe và giữ lời của Thiên Chúa.”
Một mối phúc mới tưởng như không liên hệ gì với mối phúc trước,
kỳ thực đó là điều Mẹ Maria đã sống từ lâu.
Ai lắng nghe tiếng Chúa bằng Mẹ? Ai giữ lời Chúa bằng Mẹ?
Trước khi cưu mang Ngôi Lời nơi thân xác,
Mẹ Maria đã đón lấy Lời Chúa vào cuộc đời mình.

Đám đông đang lắng nghe lời Thầy Giêsu.
Họ còn cần tuân giữ lời đó nữa mới được hưởng mối phúc thật sự.
Chúng ta không được ban mối phúc sinh dưỡng Đức Giêsu như Mẹ,
nhưng vẫn được chia sẻ mối phúc nghe và giữ lời Chúa của đám đông.

Cầu nguyện

Lạy Mẹ sầu bi,
Chúng con khâm phục Mẹ, vì Mẹ đã can đảm tiến lên Núi Sọ
để chứng kiến cái chết của người Con yêu dấu.
Chính tình yêu đã cho Mẹ sức mạnh phi thường
để theo Đức Giêsu đến cùng như một môn đệ trung tín.
Mẹ cảm nhận từng đớn đau trên thân xác của người Con Một,
người Con Mẹ đã cưu mang và cho bú mớm.
Mẹ đã thấy cái chết từ từ nuốt chửng Đấng ban sự sống,
một cái chết khủng khiếp và bất công.
Mẹ không ngại nhận mình là mẹ của tên tử tội Giêsu,
với tất cả đắng cay nhục nhã.

Lạy Mẹ tín trung,
Xin cho chúng con có được can đảm của Mẹ,
bước theo Chúa trong những ngày thật buồn.
Xin cho chúng con vẫn đứng gần thập giá như Mẹ,
dù nhiều khi không hiểu được kế hoạch lạ lùng của Chúa.
Xin cho chúng con vẫn nói tiếng xin vâng như Mẹ,
khi mọi sự dường như sụp đổ.

Lạy Mẹ khiêm nhu,
Xin gìn giữ đức tin chúng con qua bao thử thách giữa đời.
Mỗi khi thấy Chúa vắng mặt lặng thinh,
xin cho chúng con có thái độ nguyện cầu và kiên trì chờ đợi,
vì tin rằng tình yêu sẽ thắng hận thù,
ánh sáng thắng bóng tối, sự sống thắng tử thần.
Cuối cùng, xin Mẹ cho chúng con đừng mất niềm hy vọng
có ngày được vui hưởng vinh quang phục sinh. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

(phutcaunguyen.net)

++++++++++++++++++

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên

8 THÁNG MƯỜI

Về Lòng Đạo Đức Bình Dân

Có một điểm đặc biệt tôi muốn đề cập với anh chị em, đó là lòng đạo đức bình dân và mối quan hệ của nó với đời sống phụng vụ trong Giáo Hội.

Hiến Chế về Phụng Vụ Thánh của Công Đồng Vatican II có nhắc đến vấn đề này khi nói đến “việc thực hành đạo đức của quần chúng Kitô hữu”. Những việc đạo đức bình dân được Công Đồng khen ngợi và khuyến khích miễn là chúng “tuân theo những qui luật và những chuẩn mực của Giáo Hội”. Vì thế chúng ta không nên thờ ơ hay coi thường những thực hành đạo đức vẫn đang sống động giữa lòng đại chúng Kitôhữu. Tôi đang nghĩ tới những lễ hội mừng các thánh bổn mạng, những cuộc hành hương đến các nơi thánh, và vô số những hình thức sùng kính các thánh.

Quả thật, như Đức Phaolô VI đã ghi nhận trong Tông Huấn Evangelii nuntiandi, lòng đạo đức hay sùng kính bình dân có ý nghĩa rất phong phú. “Nó biểu lộ nỗi khát khao Thiên Chúa mà chỉ những người đơn sơ nghèo khó mới hiểu được ; nó làm cho người ta biết quảng đại và hy sinh – đến mức anh hùng – khi việc biểu lộ đức tin bị đe dọa; nó cưu mang trong mình nó một cảm thức sâu sắc về những phẩm tính của Thiên Chúa: Thiên Chúa là Cha, Thiên Chúa là Đấng Quan Phòng, Thiên Chúa luôn luôn hiện diện đầy yêu thương; nó làm nảy sinh những tâm tình bên trong không kém sâu đậm: lòng kiên nhẫn, cảm thức về thập giá trong đời sống hàng ngày, sự gắn bó và cởi mở với người khác, thái độ dấn thân…” (EN 48).

Chắc chắn không phải tất cả những thực hành đạo đức này đều có giá trị cao ngang nhau. Vì chủ thể thực hành chúng là những con người, nên các động lực thực hành của họ có thể bị pha trộn với cảm tính và với hướng đích đơn thuần có tính cầu an hơn là để diễn tả đức tin hay để bày tỏ lòng biết ơn và tôn thờ Thiên Chúa. Bên cạnh đó, những việc đạo đức bình dân được phô bày qua những dấu hiệu, cử điệu và những nghi tiết đôi khi xem ra quá quan trọng, thậm chí chỉ để tạo cảm xúc. Tuy nhiên, tự bản chất chúng là những biểu hiện nội tâm sâu thẳm của con người. Chúng cho thấy rằng con người – là một tạo vật – tự nền tảng phải lệ thuộc vào Đấng Tạo Hóa.

– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –

Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác

LIFT UP YOUR HEARTS

Daily Meditations by Pope John Paul II

+++++++++++++++++

Lời Chúa Trong Gia Đình

Ngày 08/10

Gl 3, 22-29; Lc 11, 27-28.

Lời Suy Niệm: “Khi Đức Giêsu đang giảng dạy, thì giữa đám đông có một người phụ nữ lên tiếng thưa với Người: Phúc thay người mẹ đã cưu mang và cho Thầy bú mớm! Nhưng Người đáp: Đúng hơn phải nói rằng: Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ Lời Thiên Chúa.”

          Trước sự cảm xúc của người phụ nữ, khi ca ngợi công khai: “Đấng đã sinh ra Chúa Giêsu”. Chúa Giêsu đã đưa người phụ nữ này cũng như tất cả chúng ta ngày hôm nay không chỉ dừng lại sự cảm xúc và ca ngợi như vậy, nhưng điều cần thiết nhất là: biết sống vâng phục theo những gì Chúa muốn; mỗi người chúng ta luôn lắng nghe Lời Thiên Chúa và đem ra thực hành trong cuộc sống với tha nhân cũng như thờ phượng Thiên Chúa theo Thánh ý của Ngài.

          Lạy Chúa Giêsu. Xin ban cho mỗi người trong gia đình chúng con luôn nhớ đến Lời Chúa hôm nay và sống trong vâng phục để được nhận lãnh lời chúc phúc của Chúa.

Mạnh Phương

+++++++++++++++++

08 Tháng Mười

Bức Tượng Người Mù 

Cũng như tại bất cứ một trung tâm hành hương nào, tại Lộ Ðức, du khách và khách hành hương có thể đọc được không biết bao nhiêu lời cảm tạ dâng lên Ðức Mẹ cũng như không biết bao nhiêu kỷ vật khác mà những người thọ ơn muốn cho thiết lập để ghi nhớ ơn Mẹ… Trong muôn nghìn kỷ vật tạ ơn ấy, người ta thấy có một bức tượng diễn tả một người mù vừa được chữa lành. Dĩ nhiên, được sáng mắt là một trong những phép lạ đầu tiên được ghi trong sách những phép lạ tại Lộ Ðức. Nhưng bức tượng người mù sáng mắt ở đây lại tượng trưng cho một biến cố khác, một phép lạ theo đúng nghĩa bởi vì đó là phép lạ của một người tìm lại được ánh sáng Ðức Tin.

Bức tượng này được một người đàn bà quý phái cho dựng lên để ghi nhớ ánh sáng Ðức Tin mà bà đã tìm lại được tại Lộ Ðức. Tuy là người Công Giáo, nhưng kể từ khi chồng qua đời, người đàn bà không còn một chút tin tưởng gì nơi Chúa Mẹ nữa. Và dĩ nhiên, cũng giống như những người khô đạo khác, người đàn bà chỉ tìm kiếm có mỗi một điều: đó là thú vui trong cuộc sống.

Một mùa hè nọ, trên đường đi đến một trung tâm nghỉ mát nổi tiếng ở phía Nam nước Pháp, người đàn bà phải đi qua Lộ Ðức. Thấy đám đông tấp nập tại trung tâm Thánh Mẫu, bà ta tò mò dừng lại xem. Bà không ngờ rằng chính Chúa đang tìm kiếm và đeo đuổi bà. Từ thái độ bàng quang của một người hiếu kỳ, người đàn bà đã tìm lại ánh sáng Ðức Tin. Ðể tạ ơn Chúa và Ðức Mẹ, bà đã cho dựng lên bức tượng của người mù với hàng chữ như sau: “Tìm lại Ðức Tin là một phép lạ vĩ đại hơn là được sáng mắt”.

Trên vạn nẻo đường của chúng ta, lúc nào Thiên Chúa cũng có mặt. Thật ra, không phải con người đi tìm kiếm Thiên Chúa cho bằng chính Thiên Chúa đeo đuổi kiếm tìm con người.

Trong mọi biến cố của cuộc sống, lúc nào Thiên Chúa cũng có mặt. Trong an vui hạnh phúc, hay trong thất bại khổ đau, Ngài luôn ở bên cạnh ta để mời gọi ta tin tưởng ở Tình Yêu của Ngài. Ngay cả khi con người muốn khước từ và gạt bỏ Ngài ra khỏi cuộc sống, Thiên Chúa vẫn tiếp tục đeo đuổi con người.

Thánh Kinh đã ví Thiên Chúa như một người tình chung thủy, lúc nào cũng chờ đợi, lúc nào cũng nài nỉ, lúc nào cũg vỗ về, lúc nào cũng tha thứ.

Tin ở một sự hiện diện trung thành như thế của Thiên Chúa, thái độ của chúng ta phải là thức tỉnh, chờ đợi và tin tưởng không ngừng. Trong an vui thịnh đạt, chúng ta dâng lời cảm tạ Chúa. Trong thất bại khổ đau, chúng ta cũng hãy tin tưởng phó thác. Và ngay cả những lúc vấp ngã vì yếu đuối, chúng ta cũng hãy tin tưởng ở lòng tha thứ vô bờ của Ngài. Thiên Chúa sẽ không bao giờ bỏ mặc con người.

(Lẽ Sống)

++++++++++++++++++

Lời Chúa Mỗi Ngày

Thứ Bảy – Tuần 27 – TN2 – Năm Chẵn

Bài đọc: Gal 3:23-29; Lk 11:27-28.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Mọi người đều bình đẳng trước Thiên Chúa.

– Con người thích được hưởng đặc quyền và khi có đặc quyền lại lên mặt khinh thường người khác: người Do-Thái hãnh diện vì được Thiên Chúa ban Lề Luật và được làm dân riêng của Thiên Chúa nên khinh thường Dân Ngọai; người tự do hãnh diện vì sự tự do của mình và đối xử bất công với những người nô lệ; đàn ông trong các quốc gia Cận Đông hãnh diện về vai trò làm chủ trong gia đình và khinh thường đàn bà; người làm quan hay có địa vị trong gia đình thường đối xử với những người trong gia đình ưu tiên hơn những người ngòai gia đình. Những đặc quyền như thế xảy ra ở mọi nơi và trong mọi lãnh vực; nhưng không thể xảy ra với Thiên Chúa. Trước mặt Thiên Chúa mọi người đều bình đẳng.

– Trong Bài đọc I, thánh Phaolô tuyên bố xóa bỏ mọi thứ phân biệt: Tất cả anh em chỉ là một trong Đức Ki-tô; không còn chuyện phân biệt Do-Thái hay Hy-Lạp, nô lệ hay tự do, đàn ông hay đàn bà.

– Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu tuyên bố: Mọi người đều có thể trở nên mẹ, anh, chị, em của Thiên Chúa bằng việc nghe và giữ Lời Ngài; đặc ân này không chỉ dành cho Đức Mẹ mà thôi.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Mọi người đều bình đẳng trước Thiên Chúa.

1.1/ Vai trò của Lề Luật trong Chương Trình Cứu Độ của Thiên Chúa: Thánh Phaolô nói: “Trước khi đức tin đến, Lề Luật giữ vai trò của người giám hộ.” Trong quốc gia Hy-Lạp, người giám hộ “paidagwgo.j” thường là người tin cậy và lớn tuổi trong số các đầy tớ của chủ nhà. Ông được trao nhiệm vụ hướng dẫn em bé về phương diện luân lý, làm sao cho em bé học được tất cả những đặc tính cần thiết để trở nên người trưởng thành tốt lành. Nhiệm vụ mỗi ngày của ông là đưa đón em bé từ nhà tới trường và từ trường về nhà. Ông không có trách nhiệm phải dạy em bé học, đó là bổn phận của thầy giáo. Thánh Phaolô lấy hình ảnh người giám hộ để áp dụng cho Lề Luật: như người giám hộ dắt em bé tới trường giao cho thầy giáo, Lề Luật cũng hướng dẫn con người tới Chúa Giêsu.

Người Do Thái rất hãnh diện vì Lề Luật và họ từ chối không để cho bất cứ ai làm giảm giá trị Lề Luật của họ. Đối với họ, con đường duy nhất dẫn tới Thiên Chúa là giữ cẩn thận tất cả những gì Lề Luật dạy.

1.2/ Vai trò của đức tin trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa: Theo thánh Phaolô, khi một người đã tới được với Chúa Kitô, Lề Luật sẽ không còn cần nữa. Nhờ đức tin, tất cả mọi người đều là con cái Thiên Chúa trong Đức Giê-su Ki-tô. Có hai điểm quan trọng thánh Phaolô muốn nhấn mạnh đến ở đây:

(1) Bí Tích Rửa Tội: Bất cứ ai trong anh em được thanh tẩy để thuộc về Đức Ki-tô, đều mặc lấy Đức Ki-tô. BT Rửa Tội không chỉ rửa sạch các tội lỗi nhưng còn làm cho con người được tháp nhập vào thân thể của Chúa Kitô. Biểu tượng của sự tháp nhập là tấm áo trắng mà người tân tòng được mặc lấy trong ngày Rửa Tội.

(2) Tất cả mọi người đều bình đẳng trong Chúa Kitô: Cũng theo thánh Phaolô: “Một khi đã thuộc về Chúa Kitô, sẽ không còn chuyện phân biệt Do-Thái hay Hy-Lạp, nô lệ hay tự do, đàn ông hay đàn bà; nhưng tất cả anh em chỉ là một trong Đức Ki-tô.” Thánh Phaolô đã đảo ngược tất cả lời cầu nguyện trong phần Kinh Sáng của người Do-Thái: “Cám ơn Thiên Chúa đã không sinh con ra là người Dân Ngọai, nô lệ, hay đàn bà.” Tất cả các đặc quyền bị xóa hết khi con người trở nên một thân thể với Chúa Kitô. Mọi người đều phạm tội và là con nợ trước mặt Chúa. Tất cả đều cần ơn tha thứ của Thiên Chúa; và mọi khi đã được tha thứ, mọi người đều bình đẳng với nhau.

1.3/ Mọi người đều có cơ hội trở thành con cháu của tổ phụ Abraham: Theo thánh Phaolô: Nếu anh em thuộc về Đức Ki-tô, thì anh em là dòng dõi ông Abraham, những người thừa kế theo lời hứa. Như vậy, đức tin vào Chúa Kitô làm cho con người trở thành giòng dõi của tổ phụ Abraham, chứ không phải bằng việc giữ cẩn thận các Lề Luật.

2/ Phúc Âm: Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa.

2.1/ Đặc quyền được làm Mẹ Chúa: Khi Đức Giêsu đang giảng dạy, thì giữa đám đông có một người phụ nữ lên tiếng thưa với Người: “Phúc thay người mẹ đã cưu mang và cho Thầy bú mớm!” Người Việt-Nam cũng quan niệm giống như người phụ nữ này khi nói “Phúc đức tại mẫu.” Người con được khôn ngoan, thánh thiện, tài giỏi là do công ơn của bà mẹ đã 9 tháng cưu mang, 3 năm bú mớm. Không phải chỉ có người phụ nữ nhận ra diễm phúc của Đức Mẹ, sứ thần Gabriel cũng chào Đức Mẹ trong giây phút Truyền Tin: “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà” (Lk 1:28). Bà Elisabeth, người chị họ của Đức Mẹ, cũng đã thốt lên: “Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc” (Lk 1:42).

2.2/ Mẹ Chúa cũng phải nghe và giữ Lời Chúa: Nhưng Chúa Giêsu đáp lại: “Đúng hơn phải nói rằng: Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa.” Thọat nghe những lời này, một người có thể cho là lời khinh thường Đức Mẹ, vì Chúa đối xử với Đức Mẹ cũng như đối xử với những người khác, chẳng có gì đặc biệt hơn. Nhưng cuộc đời Đức Mẹ đúng là cuộc đời mà cụ già Simeon đã tiên báo: “Còn phần Bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thấu tâm hồn Bà” (Lc 2:35). Đức Mẹ cũng phải đồng công chịu đựng đau khổ với Chúa. Trong mọi biến cố, Đức Mẹ không bao giờ mở miệng trách con; nhưng luôn lắng nghe con và giữ mọi sự trong lòng để suy niệm (Lk 2:52).

2.3/ Mọi người đều có cơ hội trở nên mẹ, anh/chị/em của Chúa: Đây là điều đáng mừng cho tất cả chúng ta, vì Chúa Giêsu cho mọi người đều có cơ hội bình đẳng để trở nên người thân thiết với Ngài. Từ chối không nghe hay không thực hành Lời Chúa là cách duy nhất không được trở nên mẹ và anh/chị/em của Chúa.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

– Tất cả những ai tin vào Đức Kitô và chịu Phép Rửa là trở nên một thân thể với Ngài; vì thế, mọi phân biệt phải được xóa bỏ: giai cấp, chủng tộc, phái tính… Mọi người đều là con Thiên Chúa và anh chị em với nhau.

– Tiêu chuẩn được hưởng đặc quyền của Thiên Chúa không giống như tiêu chuẩn của con người. Ngài mở rộng cho tất cả mọi người chứ không chỉ giới hạn vào một gia đình, một số người thân quen, hay một quốc gia được chọn.

– Điều kiện để trở nên thân nhân của Chúa là nghe và giữ Lời Chúa. Không ai được miễn trừ điều kiện này cho dẫu là Mẹ của Thiên Chúa.

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

****************