Ngày thứ bảy (10-10-2020) – Trang suy niệm

09/10/2020

Lời Chúa Hôm Nay

Thứ Bảy Tuần XXVII Mùa Thường Niên Năm chẵn

BÀI ĐỌC I: Gl 3, 22-29

“Tất cả anh em đều là con cái Thiên Chúa”.

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Galata.

Anh em thân mến, Thánh Kinh đã giam giữ mọi loài dưới ách tội lỗi, để nhờ lòng tin vào Đức Giêsu Kitô mà lời hứa được ban tặng cho những kẻ tin.

Nhưng trước khi đức tin chưa đến, thì chúng ta bị giam giữ dưới ách lề luật, để mong chờ đức tin sẽ được tỏ hiện. Bởi thế, lề luật là thầy dạy đưa chúng ta đến cùng Đức Kitô, để nhờ đức tin, chúng ta được công chính hoá. Nhưng một khi đức tin đã đến, chúng ta không còn ở dưới quyền thầy dạy nữa. Bởi chưng, tất cả anh em đều là con cái Thiên Chúa nhờ tin vào Đức Giêsu Kitô. Vì chưng, tất cả anh em đã chịu phép rửa tội trong Đức Kitô, nên anh em đã mặc lấy Đức Kitô. Nay không còn phân biệt người Do-thái và Hy-lạp, người nô lệ và tự do, người nam và người nữ: vì tất cả anh em là một trong Đức Giêsu Kitô. Nhưng nếu anh em thuộc về Đức Kitô, thì anh em là dòng dõi Abraham, những kẻ thừa tự như lời đã hứa. Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 104, 2-3. 4-5. 6-7

Đáp: Tới muôn đời Chúa vẫn nhớ lời minh ước (c. 8a).

Xướng:

1) Hãy xướng ca, đàn hát mừng Người, hãy tường thuật mọi điều kỳ diệu của Chúa. Hãy tự hào vì danh thánh của Người, tâm hồn những ai tìm Chúa, hãy mừng vui. – Đáp.

2) Hãy coi trọng Chúa và quyền năng của Chúa, hãy tìm kiếm thiên nhan Chúa luôn luôn. Hãy nhớ lại những điều kỳ diệu Chúa đã làm, những phép lạ và những điều Ngài phán quyết. – Đáp.

3) Hỡi miêu duệ Abraham là tôi tớ của Ngài, hỡi con cháu Giacóp, những người được Ngài kén chọn, chính Chúa là Thiên Chúa chúng ta, quyền cai trị của Ngài bao trùm khắp cả địa cầu. – Đáp.

ALLELUIA: Ga 1, 14 và 12b

Alleluia, alleluia! – Ngôi Lời đã làm người và đã ở giữa chúng ta. Những ai tiếp rước Người, thì Người ban cho họ quyền làm con Thiên Chúa. – Alleluia. 

PHÚC ÂM: Lc 11, 27-28

“Phúc cho dạ đã cưu mang Thầy”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Chúa Giêsu đang giảng cho dân chúng, thì từ giữa đám dân chúng, có một phụ nữ cất tiếng nói rằng: “Phúc cho dạ đã cưu mang Thầy và vú đã cho Thầy bú!” Nhưng Người phán rằng: “Những ai nghe và giữ lời Thiên Chúa thì có phúc hơn”. Đó là lời Chúa.

(thanhlinh.net)

++++++++++++++++++

10/10/2020 – THỨ BẢY TUẦN 27 TN

Lc 11,27-28

THẾ NÀO LÀ HẠNH PHÚC THẬT?

“Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa.” (Lc 11,28b)

Suy niệm: Con người hôm nay hơn bao giờ hết lại đôn đáo để đi tìm hạnh phúc; thế mà, chưa có ai và có thể nói sẽ chẳng có ai trên đời này mình đã đạt được hạnh phúc tròn đầy và đích thực. Phải chăng là hạnh phúc đó không có thật hoặc quá xa vời đến nỗi nếu có cũng không thể đạt tới? Hay là phải nói thế này: Người ta không biết “thế nào mới là hạnh phúc thật” nên cứ mãi đi tìm? Hôm nay, Lời của Chúa Giê-su là ánh sáng soi rọi đáp án cho vấn nạn này: Ngài không nói sẽ ban cho chúng ta hạnh phúc đích thực và tròn đầy ở đời này, nhưng Ngài lại mở ra cho chúng ta phương thế hữu hiệu để đạt tới hạnh phúc đó, đó là biết “nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa.”

Mời Bạn: Dấu hiệu cho thấy mình đang chạy theo hạnh phúc ảo là việc bạn mải mê tìm kiếm giàu sang vật chất, thú vui khoái lạc, vinh danh và quyền lực để hưởng thụ chúng cách tham lam, vô độ và ích kỷ. Bạn có thường xuyên kiểm điểm đời sống mình cách sâu xa để sớm phát hiện dấu hiệu bạn đang tìm kiếm hạnh phúc ảo không?

Sống Lời Chúa: Mở sách Kinh Thánh để đọc một đoạn và suy niệm một điều Chúa đang nói với bạn bây giờ và trong hoàn cảnh này. Bạn hãy thường xuyên làm việc này, để việc đọc và suy gẫm lời trở thành thói quen, lối sống của bạn.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa đã chúc phúc cho những người “lắng nghe và tuân giữ Lời Thiên Chúa”. Xin cho con ơn say mê lời Chúa qua việc đọc chính Lời Chúa, lắng nghe qua các tạo vật của Chúa, qua những người Chúa sai đến nói với con và đặc biệt lời Chúa nói trong chính tâm hồn con. Con biết ơn, con chúc tụng, tôn vinh và yêu mến Lời của Chúa. Amen.

(5 Phút Lời Chúa)

++++++++++++++++++

Suy niệm và cầu nguyện

Suy niệm:

Thánh Luca hẳn đã dựa vào một nguồn tài liệu riêng
để viết nên đoạn Tin Mừng rất ngắn này.
Khung cảnh có vẻ diễn ra ở ngoài trời, có đám đông dân chúng.
Đức Giêsu đang giảng dạy, còn dân chúng thì nghe.
Bất ngờ có một phụ nữ cất cao giọng mà nói với Ngài rằng:
“Phúc cho lòng dạ đã cưu mang Thầy, và vú đã cho Thầy bú mớm.”

Đây là một lời ca ngợi thân mẫu của Thầy Giêsu.
Người phụ nữ chắc đã rất tâm đắc với những lời Thầy giảng,
nên từ lòng ngưỡng mộ đối với Thầy,
bà đã bật lên lời ngợi khen đối với người mẹ của Thầy.
Bà không ngại nói đến những nét đặc trưng và kín đáo của một người mẹ,
những gì nơi thân xác mẹ cần cho sự sống của con.
Lòng dạ của thân mẫu Thầy đã cưu mang Thầy chín tháng.
Chín tháng đủ để một thai nhi cứng cáp mà nhìn thấy ánh mặt trời.
Chín tháng ấp ủ, mẹ và con gần gũi nhau như là một.
“Và vú đã cho Thầy bú mớm.”
Không phải chỉ chín tháng cưu mang, mà còn ba năm bú mớm.
Mẹ nuôi con bằng chính dòng sữa của mình, sự sống của mình.
để con được lớn lên, có thể đứng đây mà giảng thuyết.
Rõ ràng thân xác mẹ là cái nôi ru cho con lớn lên.
Mẹ vừa lo sinh, vừa lo dưỡng.
Lời khen ngợi của người phụ nữ vang ra cả đám đông.
Khen mẹ chính là khen con một cách gián tiếp.
Phải là một người mẹ tuyệt vời
mới sinh được một người con tuyệt vời đến thế!
Maria có phúc vì Mẹ được chọn để sinh dưỡng Đấng cứu độ.
Bà Êlisabét đã từng lớn tiếng kêu lên mối phúc này (Lc 1, 42) :
“Em có phúc hơn mọi phụ nữ, và phúc cho hoa trái của bụng dạ em.”
Như thế Mẹ có phúc vì Con có phúc.

Đức Giêsu không phản đối hay phủ nhận câu nói của người phụ nữ
đang đứng nghe giảng cùng với đám đông.
Ngài chỉ muốn điều chỉnh cho hợp với bầu khí hiện tại,
khi những người trong đám đông đang ở tư thế lắng nghe.
“Phúc cho những ai lắng nghe và giữ lời của Thiên Chúa.”
Một mối phúc mới tưởng như không liên hệ gì với mối phúc trước,
kỳ thực đó là điều Mẹ Maria đã sống từ lâu.
Ai lắng nghe tiếng Chúa bằng Mẹ? Ai giữ lời Chúa bằng Mẹ?
Trước khi cưu mang Ngôi Lời nơi thân xác,
Mẹ Maria đã đón lấy Lời Chúa vào cuộc đời mình.

Đám đông đang lắng nghe lời Thầy Giêsu.
Họ còn cần tuân giữ lời đó nữa mới được hưởng mối phúc thật sự.
Chúng ta không được ban mối phúc sinh dưỡng Đức Giêsu như Mẹ,
nhưng vẫn được chia sẻ mối phúc nghe và giữ lời Chúa của đám đông.

Cầu nguyện:

Lạy Mẹ sầu bi,
Chúng con khâm phục Mẹ, vì Mẹ đã can đảm tiến lên Núi Sọ
để chứng kiến cái chết của người Con yêu dấu.
Chính tình yêu đã cho Mẹ sức mạnh phi thường
để theo Đức Giêsu đến cùng như một môn đệ trung tín.
Mẹ cảm nhận từng đớn đau trên thân xác của người Con Một,
người Con Mẹ đã cưu mang và cho bú mớm.
Mẹ đã thấy cái chết từ từ nuốt chửng Đấng ban sự sống,
một cái chết khủng khiếp và bất công.
Mẹ không ngại nhận mình là mẹ của tên tử tội Giêsu,
với tất cả đắng cay nhục nhã.

Lạy Mẹ tín trung,
Xin cho chúng con có được can đảm của Mẹ,
bước theo Chúa trong những ngày thật buồn.
Xin cho chúng con vẫn đứng gần thập giá như Mẹ,
dù nhiều khi không hiểu được kế hoạch lạ lùng của Chúa.
Xin cho chúng con vẫn nói tiếng xin vâng như Mẹ,
khi mọi sự dường như sụp đổ.

Lạy Mẹ khiêm nhu,
Xin gìn giữ đức tin chúng con qua bao thử thách giữa đời.
Mỗi khi thấy Chúa vắng mặt lặng thinh,
xin cho chúng con có thái độ nguyện cầu và kiên trì chờ đợi,
vì tin rằng tình yêu sẽ thắng hận thù,
ánh sáng thắng bóng tối, sự sống thắng tử thần.
Cuối cùng, xin Mẹ cho chúng con đừng mất niềm hy vọng
có ngày được vui hưởng vinh quang phục sinh. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

(phutcaunguyen.net)

++++++++++++++++++

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên

10 THÁNG MƯỜI

Lòng Tôn Sùng Đích Thực Đối Với Chúa Kitô

Trong một quốc gia có truyền thống Kitô giáo lâu đời như nước Ý, lòng đạo đức bình dân có một đặc tính Kitô giáo không thể phủ nhận được. Rất nhiều tập tục của quốc gia này bắt nguồn từ các lễ mừng của Giáo Hội và vẫn còn được nối kết với các dịp lễ ấy. Cần phải lưu ý đến nguồn gốc của các tập tục này. Trong trường hợp một số tập tục có vẻ đi lệch khỏi các nguồn gốc nguyên thủy, cần phải cố gắng để trả lại cho chúng ý nghĩa ban đầu.

Đối với những sự sùng ngưỡng có tính cá nhân, chúng ta cần liệu sao để chúng không bao giờ bị méo mó trở thành một thứ đạo đức sai lạc, mê tín dị đoan, hay những thực hành ma thuật. Như vậy, lòng sùng kính các thánh – vốn được thể hiện trong các lễ kính thánh quan thầy, trong các cuộc hành hương, rước kiệu và trong rất nhiều hình thức đạo đức khác – không được bị giảm trừ đến chỉ còn là chuyện cầu xin sự bảo vệ, cầu xin cho được những sở hữu vật chất, hoặc cho sự lành mạnh thể xác. Tiên vàn các tín hữu phải xem các thánh như là những mẫu gương sống và bắt chước Chúa Kitô. Các thánh phải được giới thiệu như là một con đường dẫn tới lòng sùng mộ lớn lao hơn đối với Chúa Kitô.

Phương cách tốt nhất để chống lại những lạm dụng là đưa những lời Tin Mừng vào trong các cử hành đạo đức bình dân. Đối với các tín hữu ưa chuộng những hình thức sùng ngưỡng bình dân, chúng ta cần hướng dẫn họ đi từ một dạng thái đức tin mơ hồ đến những biểu lộ của niềm tin Kitô giáo đích thực. Chúng ta phải tìm cách Phúc Aâm hoá lòng đạo đức bình dân, qua đó chúng ta có thể giúp tháo gỡ những khuyết điểm của nó, gạn đục khơi trong nó, làm cho những yếu tố ‘hàm hồ’ trở nên có ý nghĩa minh bạch hơn trong bối cảnh của đức tin, đức cậy và đức ái Kitô giáo đích thực.

– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –

Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác

LIFT UP YOUR HEARTS

Daily Meditations by Pope John Paul II

+++++++++++++++++

Lời Chúa Trong Gia Đình

NGÀY 10/10

Gl 3, 22-29; Lc 11, 27-28.

LỜI SUY NIỆM: “Phúc thay người nữ đã cưu mang và cho Thầy bú mớm!” Nhưng Người đáp lại: “Đúng hơn phải nói rằng: “Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa.”

       Người phụ nữ đang lắng nghe những lời Chúa Giêsu giảng dạy một cách khôn ngoan và đầy quyền năng, đã thôi thúc lòng bà và bà đã cất tiếng ngợi khen Đức Mẹ. Qua đó chính Chúa Giêsu cũng đang táng dương điều này. Bởi vì trong con cái loài người không ai bằng Đức Mẹ trong việc lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa.

       Lạy Chúa Giêsu. Chúa đang muốn mỗi người chúng con được hồng phúc như Đức Mẹ, xin cho chúng con luôn biết lắng nghe Lời Chúa và đem ra thực hành trong đời sống của mình.

Mạnh Phương

+++++++++++++++++

10 Tháng Mười

Trần Như Nhộng

Trần Bình vốn là một mưu thần đời nhà Hán, thời Hán Sở tranh hùng. Một hôm, khi trốn Sở về đầu Hán, Trần Bình phải đi qua một con sông lớn. Người lái đò đưa khách qua lại vốn là một tay cướp giật, giết người khét tiếng. Hắn nghĩ Trần Bình là một người giàu có, định ra tay hãm hại để thâu đoạt tiền của. Biết ý định của tên lái đò, trước khi xuống đò, Trần Bình đã cởi bỏ hết quần áo. Mình trần như nhộng, Trần Bình lại đến xin tên lái đò cho chèo phụ giúp hắn. Nghĩ rằng một người trần truồng như thế không phải là một người giàu có, tên lái đò đã để yên cho Trần Bình. Thế là ông thoát nạn.

Ðôi khi phải chấp nhận một vài nhục nhã, cắt bỏ đi một phần của cải hay cả một phần thân thể, chúng ta mới có thể thoát khỏi hiểm nguy đe dọa đến tính mạng. Trong bất cứ một cuộc di tản nào, để bảo đảm cho mạng sống, đôi khi người ta phải bỏ lại đằng sau nhà cửa, ruộng vườn, tài sản và ngay cả bà con thân thuộc của mình. Chúng ta có một sự sống giá trị gấp bội phần sự sống trên trần gian này. Sự sống ấy đòi hỏi chúng ta phải hy sinh tất cả mọi sự trong cuộc sống tạm bợ này. Lời sau đây của Chúa Giêsu đã đánh động không biết bao nhiêu người trong lịch sử nhân loại: “Lời lãi cả thế gian để được ích gì nếu mất linh hồn mình?”

(Lẽ Sống)

++++++++++++++++++

Lời Chúa Mỗi Ngày

Thứ Bảy Tuần 27 TN2, Năm Chẵn

Bài đọc: Gal 3:23-29; Lk 11:27-28.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Mọi người đều bình đẳng trước Thiên Chúa.

– Con người thích được hưởng đặc quyền và khi có đặc quyền lại lên mặt khinh thường người khác: người Do-Thái hãnh diện vì được Thiên Chúa ban Lề Luật và được làm dân riêng của Thiên Chúa nên khinh thường Dân Ngọai; người tự do hãnh diện vì sự tự do của mình và đối xử bất công với những người nô lệ; đàn ông trong các quốc gia Cận Đông hãnh diện về vai trò làm chủ trong gia đình và khinh thường đàn bà; người làm quan hay có địa vị trong gia đình thường đối xử với những người trong gia đình ưu tiên hơn những người ngòai gia đình. Những đặc quyền như thế xảy ra ở mọi nơi và trong mọi lãnh vực; nhưng không thể xảy ra với Thiên Chúa. Trước mặt Thiên Chúa mọi người đều bình đẳng.

– Trong Bài đọc I, thánh Phaolô tuyên bố xóa bỏ mọi thứ phân biệt: Tất cả anh em chỉ là một trong Đức Ki-tô; không còn chuyện phân biệt Do-Thái hay Hy-Lạp, nô lệ hay tự do, đàn ông hay đàn bà.

– Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu tuyên bố: Mọi người đều có thể trở nên mẹ, anh, chị, em của Thiên Chúa bằng việc nghe và giữ Lời Ngài; đặc ân này không chỉ dành cho Đức Mẹ mà thôi.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Mọi người đều bình đẳng trước Thiên Chúa.

1.1/ Vai trò của Lề Luật trong Chương Trình Cứu Độ của Thiên Chúa: Thánh Phaolô nói: “Trước khi đức tin đến, Lề Luật giữ vai trò của người giám hộ.” Trong quốc gia Hy-Lạp, người giám hộ “paidagwgo.j” thường là người tin cậy và lớn tuổi trong số các đầy tớ của chủ nhà. Ông được trao nhiệm vụ hướng dẫn em bé về phương diện luân lý, làm sao cho em bé học được tất cả những đặc tính cần thiết để trở nên người trưởng thành tốt lành. Nhiệm vụ mỗi ngày của ông là đưa đón em bé từ nhà tới trường và từ trường về nhà. Ông không có trách nhiệm phải dạy em bé học, đó là bổn phận của thầy giáo. Thánh Phaolô lấy hình ảnh người giám hộ để áp dụng cho Lề Luật: như người giám hộ dắt em bé tới trường giao cho thầy giáo, Lề Luật cũng hướng dẫn con người tới Chúa Giêsu.

Người Do Thái rất hãnh diện vì Lề Luật và họ từ chối không để cho bất cứ ai làm giảm giá trị Lề Luật của họ. Đối với họ, con đường duy nhất dẫn tới Thiên Chúa là giữ cẩn thận tất cả những gì Lề Luật dạy.

1.2/ Vai trò của đức tin trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa: Theo thánh Phaolô, khi một người đã tới được với Chúa Kitô, Lề Luật sẽ không còn cần nữa. Nhờ đức tin, tất cả mọi người đều là con cái Thiên Chúa trong Đức Giê-su Ki-tô. Có hai điểm quan trọng thánh Phaolô muốn nhấn mạnh đến ở đây:

(1) Bí Tích Rửa Tội: Bất cứ ai trong anh em được thanh tẩy để thuộc về Đức Ki-tô, đều mặc lấy Đức Ki-tô. BT Rửa Tội không chỉ rửa sạch các tội lỗi nhưng còn làm cho con người được tháp nhập vào thân thể của Chúa Kitô. Biểu tượng của sự tháp nhập là tấm áo trắng mà người tân tòng được mặc lấy trong ngày Rửa Tội.

(2) Tất cả mọi người đều bình đẳng trong Chúa Kitô: Cũng theo thánh Phaolô: “Một khi đã thuộc về Chúa Kitô, sẽ không còn chuyện phân biệt Do-Thái hay Hy-Lạp, nô lệ hay tự do, đàn ông hay đàn bà; nhưng tất cả anh em chỉ là một trong Đức Ki-tô.” Thánh Phaolô đã đảo ngược tất cả lời cầu nguyện trong phần Kinh Sáng của người Do-Thái: “Cám ơn Thiên Chúa đã không sinh con ra là người Dân Ngọai, nô lệ, hay đàn bà.” Tất cả các đặc quyền bị xóa hết khi con người trở nên một thân thể với Chúa Kitô. Mọi người đều phạm tội và là con nợ trước mặt Chúa. Tất cả đều cần ơn tha thứ của Thiên Chúa; và mọi khi đã được tha thứ, mọi người đều bình đẳng với nhau.

1.3/ Mọi người đều có cơ hội trở thành con cháu của tổ phụ Abraham: Theo thánh Phaolô: Nếu anh em thuộc về Đức Ki-tô, thì anh em là dòng dõi ông Abraham, những người thừa kế theo lời hứa. Như vậy, đức tin vào Chúa Kitô làm cho con người trở thành giòng dõi của tổ phụ Abraham, chứ không phải bằng việc giữ cẩn thận các Lề Luật.

2/ Phúc Âm: Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa.

2.1/ Đặc quyền được làm Mẹ Chúa: Khi Đức Giêsu đang giảng dạy, thì giữa đám đông có một người phụ nữ lên tiếng thưa với Người: “Phúc thay người mẹ đã cưu mang và cho Thầy bú mớm!” Người Việt-Nam cũng quan niệm giống như người phụ nữ này khi nói “Phúc đức tại mẫu.” Người con được khôn ngoan, thánh thiện, tài giỏi là do công ơn của bà mẹ đã 9 tháng cưu mang, 3 năm bú mớm. Không phải chỉ có người phụ nữ nhận ra diễm phúc của Đức Mẹ, sứ thần Gabriel cũng chào Đức Mẹ trong giây phút Truyền Tin: “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà” (Lk 1:28). Bà Elisabeth, người chị họ của Đức Mẹ, cũng đã thốt lên: “Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc” (Lk 1:42).

2.2/ Mẹ Chúa cũng phải nghe và giữ Lời Chúa: Nhưng Chúa Giêsu đáp lại: “Đúng hơn phải nói rằng: Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa.” Thọat nghe những lời này, một người có thể cho là lời khinh thường Đức Mẹ, vì Chúa đối xử với Đức Mẹ cũng như đối xử với những người khác, chẳng có gì đặc biệt hơn. Nhưng cuộc đời Đức Mẹ đúng là cuộc đời mà cụ già Simeon đã tiên báo: “Còn phần Bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thấu tâm hồn Bà” (Lc 2:35). Đức Mẹ cũng phải đồng công chịu đựng đau khổ với Chúa. Trong mọi biến cố, Đức Mẹ không bao giờ mở miệng trách con; nhưng luôn lắng nghe con và giữ mọi sự trong lòng để suy niệm (Lk 2:52).

2.3/ Mọi người đều có cơ hội trở nên mẹ, anh/chị/em của Chúa: Đây là điều đáng mừng cho tất cả chúng ta, vì Chúa Giêsu cho mọi người đều có cơ hội bình đẳng để trở nên người thân thiết với Ngài. Từ chối không nghe hay không thực hành Lời Chúa là cách duy nhất không được trở nên mẹ và anh/chị/em của Chúa.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

– Tất cả những ai tin vào Đức Kitô và chịu Phép Rửa là trở nên một thân thể với Ngài; vì thế, mọi phân biệt phải được xóa bỏ: giai cấp, chủng tộc, phái tính… Mọi người đều là con Thiên Chúa và anh chị em với nhau.

– Tiêu chuẩn được hưởng đặc quyền của Thiên Chúa không giống như tiêu chuẩn của con người. Ngài mở rộng cho tất cả mọi người chứ không chỉ giới hạn vào một gia đình, một số người thân quen, hay một quốc gia được chọn.

– Điều kiện để trở nên thân nhân của Chúa là nghe và giữ Lời Chúa. Không ai được miễn trừ điều kiện này cho dẫu là Mẹ của Thiên Chúa.

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

****************