Ngày thứ bảy (10-12-2022) – Trang suy niệm

09/12/2022

Lời Chúa Hôm Nay

Thứ Bảy Tuần II Mùa Vọng Năm chẵn

BÀI ĐỌC I: Hc 48, 1-4. 9-11

“Elia sẽ đến lần thứ hai”.

Trích sách Huấn Ca.

Bấy giờ Elia như lửa hồng xuất hiện. Lời ông nóng bỏng như ngọn đuốc cháy phừng. Ông đem cho họ một mùa đói khát, và số người hiềm ghét ông đã hao đi, vì chúng nó chẳng giữ được giới răn Chúa. Do lời Chúa phán, ông đóng cửa trời và ba lần khiến lửa từ trời xuống. Elia, người được vinh quang nhờ các việc lạ lùng đã làm, và ai có thể tự hào được vinh quang như người? Người đã được cất đi trong bầu lửa, trong xe bởi ngựa lửa kéo đi. Người đã nên dấu chỉ sự đe phạt qua các thời đại, để làm nguôi cơn thịnh nộ Chúa, để giao hoà cha với con, và chấn hưng lại những chi họ Giacóp. Phúc cho những ai thấy ngài và được hân hạnh thiết nghĩa với ngài. Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 79, 2ac và 3b. 15-16. 18-19

Đáp: Lạy Chúa là Thiên Chúa chúng con, xin cho chúng con được phục hồi, xin tỏ thiên nhan hiền từ Chúa ra, hầu cho chúng con được ơn cứu sống (c. 4).

Xướng:

1) Lạy Đấng chăn dắt Israel, xin hãy lắng tai! Chúa ngự trên các Vệ Binh Thần, xin hiện ra trong sáng láng. Xin thức tỉnh quyền năng của Chúa, và ngự tới để cứu độ chúng con. – Đáp.

2) Lạy Chúa thiên binh, xin thương trở lại, tự trời cao xin nhìn coi và thăm viếng vườn nho này. Xin bảo vệ vườn nho mà tay hữu Ngài đã cấy, bảo vệ ngành nho mà Ngài đã củng cố cho mình. – Đáp.

3) Xin Chúa ra tay bang trợ người ở bên tay hữu Chúa, con người mà Chúa đã củng cố cho mình. Chúng con sẽ không còn rời xa Chúa nữa, Chúa cho chúng con được sống, và chúng con ca tụng danh Ngài. – Đáp.

ALLELUIA:

Alleluia, alleluia! – Ngày của Thiên Chúa gần đến; này đây, Người sẽ đến cứu chúng ta. – Alleluia. 

PHÚC ÂM: Mt 17, 10-13

“Elia đã đến rồi, và họ không nhận biết ông”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi xuống núi, các môn đệ hỏi Chúa Giêsu rằng: “Tại sao các luật sĩ lại nói Elia phải đến trước đã?”

Chúa Giêsu trả lời: “Thật Elia phải đến để chấn hưng mọi sự. Và Thầy bảo các con, Elia đã đến rồi, và họ không nhận biết ông, nhưng đã đối xử với ông như ý họ. Cũng vậy, Con Người sẽ phải đau khổ bởi họ”.

Bấy giờ các môn đệ hiểu Chúa Giêsu nói với họ về Gioan Tẩy Giả. Đó là lời Chúa.

(thanhlinh.net)

++++++++++++++++++

10/12/2022 – THỨ BẢY TUẦN 2 MV

Đức Mẹ Lô-rét-tô

Mt 17,9a.10-13

NHẬN DIỆN VÀ HIỆN THÂN

“Ê-li-a đã đến rồi mà họ không nhận ra, lại còn xử với ông theo ý họ muốn.” (Mt 17,12)

Suy niệm: Ông Ê-li-a đã đến rồi ư? Mà sao người Do Thái không nhận ra? Các môn đệ cũng như người Do Thái tin rằng “ông Ê-li-a phải tới trước” để dọn đường cho Đấng Cứu Thế (x. Ml 3,23). Nhưng thật bất ngờ, Chúa Giê-su cho biết Gio-an Tẩy giả chính là hiện thân của ông Ê-li-a đã đến thế mà họ “không nhận ra, lại còn xử với ông theo ý họ muốn”. Họ đã không tin nhận lời ông và rồi, lưỡi gươm hung hãn của Hê-rô-đê còn giết hại ông khi ông thi hành sứ mạng tiền hô của mình. Bằng cái chết, Gio-an tiếp tục là hiện thân của Ê-li-a khi báo trước cái chết của Đức Ki-tô. Quả thật họ đã xử với Gio-an thế nào thì họ còn xử với Đức Ki-tô còn tệ hơn khi đóng đinh Ngài vào thập giá.

Mời Bạn: Hiện thân của Ê-li-a thời nay chính là các nhà truyền giáo, linh mục, tu sĩ cùng các tông đồ giáo dân vẫn hiện diện và thực thi sứ mạng tiền hô cho Đức Ki-tô trong thế giới hôm nay. Bạn có ở trong số những người đó không? Có nhiều người trong số đó đang bị bắt bớ, tù đầy, giết chết vì danh Đức Ki-tô. Bạn là người đang đọc những dòng chữ này, hẳn là bạn không, hoặc chưa, bị “xử tệ” như thế, nhưng ít nhất, bạn đã sẵn sàng chịu mọi sự gian khó, thiệt thòi trong cuộc sống “vì danh Đức Ki-tô” (x. Mt 10,22), để làm chứng cho Ngài chưa?

Sống Lời Chúa: Bạn đón nhận cách vui lòng những lao nhọc vất vả, kể cả những điều xúc phạm người khác gây ra cho bạn khi bạn làm công tác tông đồ.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa dạy chúng con học với Chúa vì Chúa hiền lành và khiêm nhường. Xin giúp chúng con sống hiền hoà khiêm tốn khi phụng sự Chúa và phục vụ tha nhân.

(5 Phút Lời Chúa)

++++++++++++++++++

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên

10 THÁNG MƯỜI HAI

Đức Ma-ri-a Vô Nhiễm

‘Vô Nhiễm’ không duy chỉ có nghĩa rằng Đức Maria đã được dành cho một chỗ đặc biệt trên tất cả số còn lại của chúng ta. ‘Vô Nhiễm’ cũng không có phải là Mẹ được tách ra khỏi tất cả chúng ta – là những kẻ phải chịu di lụy của tội nguyên tổ.

Phải nói hoàn toàn ngược lại mới đúng. Mẹ đứng ở giữa cuộc chiến thiêng liêng chống lại Vua của Tối Tăm và Cha của Dối Trá – là kẻ thù của người phụ nữ và miêu duệ người phụ nữ.

Qua Sách Sáng Thế, chúng ta có thể nhìn thấy Đức Nữ Trinh Vô Nhiễm với tất cả sự thật của việc Mẹ được tuyển chọn. Chúng ta có thể nhìn thấy Mẹ ở tột đỉnh của mối thù ấy: dưới chân Thập Giá Chúa Kitô trên đồi Canvê. Chính ở đó mà ‘Người sẽ đạp nát đầu mi, còn mi cố cắn gót chân Người’. Trả giá bằng chính mạng sống mình, Đức Kitô đem lại cho chúng ta sự chiến thắng trên Satan, trên tội lỗi và sự chết.

– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –

Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác

LIFT UP YOUR HEARTS

Daily Meditations by Pope John Paul II

+++++++++++++++++

Lời Chúa Trong Gia Đình

Ngày 10/12/2022

Đức Mẹ Loreto

Hc 48, 1-4. 9-11; Mt 17, 10-13.

Lời suy niệm: Thầy nói cho anh em biết: “Ông Êlia đã đến rồi mà họ không nhận ra, mà lại còn xử với ông theo ý họ muốn. Con Người cũng sẽ phải đau khổ vì họ như thế. Bấy giờ các môn đệ hiểu Người có ý nói về ông Gioan Tẩy Giả.”

Trong đời sống đức tin của mỗi người, có những vấn đề Tin Mừng đòi hỏi chúng ta phải tin đó là sự thât, là chân lý. Nhưng với những giới hạn của trí khôn, và suy luận của con người yếu kém, hạn hẹp và thấp hèn, có thể làm cho chúng ta trở nên mù mờ trước những đòi hỏi ấy. Lời Chúa hôm nay nhắc lại cho chúng ta học biết cách thức của các Tông Đồ của Chúa là cần phải đối thoại với Chúa và chính Chúa sẽ giải thích rõ ràng cho chúng ta: “Ông Gioan chính là “tiên tri Êlia phải đến”. Ngọn lửa của Thần Khí ở trong ông và làm cho ông. (Với tư cách là người ‘tiền hô’; ‘chạy trước’ Chúa, Đấng ngự đến. Nơi ông Gioan, vị Tiền Hô, Chúa Thánh Thần hoàn tất việc ‘chuẩn bị một dân sẵn sàng đón Chúa.) (GL 718). Ông Gioan còn hơn một tiên tri nữa. Chúa Thánh Thần hoàn thành việc  “dùng các tiên tri mà phán dạy” Ông Gioan kết thúc hàng ngũ các tiên tri, khởi đầu từ ông Êlia. Ông loan báo niềm an ủi Ítraen đã gần kề, là tiếng của Đấng An Ủi, Đấng ngự đến. Chính ông như Thần chân lý cũng sẽ làm, “Đến để làm chứng, và làm chứng về Ánh Sáng. (GL 270)

          Lạy Chúa Giêsu. Chúa giải thích, giúp cho các Tông Đồ nhận ra Gioan Tẩy Giả chính là Êlia và đồng thời Chúa cũng cho các Tông Đồ của Chúa biết: là chính Chúa cũng bị đau khổ vì họ như thế. Xin Chúa cho mỗi người trong chúng con, cũng biết đàm thoại trong cầu nguyện với Chúa, trước những điều chúng con chưa được thông suốt, và biết lắng nghe tiếng Chúa nói trong tâm hồn chúng con. Amen

Mạnh Phương

+++++++++++++++++

10 Tháng Mười Hai

Quyền Con Người

Ngày mùng 10 tháng 12 năm 1948, Ðại Hội Ðồng Liên Hiệp Quốc đã long trọng tuyên bố bản tuyên ngôn quyền con người… Ðây là lần đầu tiên trong lịch sử nhận loại, cộng đồng thế giới đã đảm nhận trách nhiệm quảng bá và bênh vực quyền con người như một nghĩa vụ trường kỳ.

Khoản 1 và 2 của bản tuyên ngôn nhân quyền đã khẳng định rằng: Tất cả mọi người sinh ra đều tự do và bình đẳng trong phẩm giá và quyền lợi, và mỗi một cá nhân, không phân biệt chủng tộc, màu da, phái tính, ngôn ngữ, tôn giáo, chính kiến, nguồn gốc dân tộc hay xã hội… đều được hưởng mọi quyền lợi và tự do, được công bố trong bản tuyên ngôn.

Trong 21 khoản đầu của tuyên ngôn, chúng ta có thể kể ra những quyền cơ bản sau đây: quyền được sống, được tự do và được đảm bảo an ninh cá nhân, quyền không bị bắt làm nô lệ, quyền không bị tra tấn hay chịu những hình phạt độc ác, vô nhân đạo hay chà đạp phẩm giá con người, quyền được bình đẳng trước pháp luật và được pháp luật bảo vệ một cách bình đẳng, quyền được nại đến sự xét xử của những tòa án quốc gia có thẩm quyền, quyền không bị bắt giữ, giam cầm hay dày ải trái phép, quyền không bị độc đoán vào đời sống riêng tư, gia đình, nhà ở, thư tín, quyền được đi lại, quyền được cư trú, quyền được một quốc tịch, quyền được kết hôn và lập gia đình, quyền được sở hữu, quyền được tự do tư tưởng, lương tâm, tôn giáo, tự do ngôn luận, tự do phát biểu, tự do hội họp.

Ðó là một số những quyền và tự do cơ bản của con người.

Bản tuyên ngôn nhân quyền đã được công bố một thời gian ngắn sau đệ nhị thế chiến. Thảm kịch của chiến tranh đã cho nhân loại mỗi lúc một hiểu rằng hòa bình chỉ thực sự có khi con người biết tôn trọng quyền lợi và tự do căn bản của con người. Ngược lại, nơi nào quyền con người bị phủ nhận và chà đạp, thì cho dẫu không có chiến tranh đẫm máu, người ta chỉ sống trong một thứ hòa bình giả tạo mà thôi.

Nhìn nhận và tôn trọng quyền con người là bổn phận hàng đầu của người Kitô chúng ta vì chúng ta tin nhận rằng con người đã được tạo dựng giống hình ảnh của Thiên Chúa và được cứu rỗi bằng chính Máu của Ðức Kitô. Ðó là tất cả phẩm giá của con người.

Với ý thức ấy, người Kitô luôn được kêu mời để nhận ra hình ảnh và sự hiện diện của Thiên Chúa trong mọi người và mỗi người, nhất là những người kém may mắn, cùng khổ nhất.

Trong một cuộc phỏng vấn dành cho ký giả Edward Desmond được đăng trên tạp chí Time số ra ngày 04 tháng 12 năm 1989, Mẹ Têrêxa Calcutta, người được giải thưởng Nobel Hòa Bình năm 1979 vì công tác phục vụ người nghèo tại Ấn Ðộ, đã xác quyết về công cuộc của Mẹ: đó là cái nhìn tôn trọng đối với người nghèo. Ðược hỏi: ơn cao trọng nhất mà Chúa đã ban cho Mẹ là gì? Vị sáng lập dòng Nữ Tử Thừa Sai Bác Ái đã đáp gọn: “Ðó là người nghèo”. Bởi vì, theo Mẹ Têrêxa, với người nghèo Mẹ có dịp ở với Chúa Giêsu 24 giờ mỗi ngày. Mẹ nói: “Họ là Chúa Giêsu đối với tôi. Tôi tin tưởng ở điều đó còn hơn là làm những điều lớn lao cho họ”.

Nhìn những người nghèo, những người cùng khổ, những người bị xã hội tước đoạt mọi quyền lợi và bị đẩy ra bên lề, như chính hiện thân của Chúa Giêsu: đó phải là cái nhìn và động lực của mọi hoạt động của người Kitô chúng ta. Tôn trọng nhân quyền, bệnh vực nhân quyền là thế đó.

(Lẽ Sống)

++++++++++++++++++

Lời Chúa Mỗi Ngày

Thứ Bảy, Tuần II – Mùa Vọng 

Bài đọc: Sir 48:1-4, 9-11; Mt 17:10-13. 

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Tiên Tri Elijah và Gioan Tẩy Giả             

            Tiên-tri Elijah sống vào thời Vua Ahab (874-853 BC), một thời kỳ hưng thịnh về vật chất, nhưng đời sống tâm linh sa sút trầm trọng. Nhà Vua đã cưới công chúa Ideven, ái nữ của Vua Sidon, lại còn tuyên bố thờ thần Baal. Chính Vua đã lập một bàn thờ để kính Baal trong đền thờ Vua đã xây cất tại Samaria (I Kgs 16:30-33). Vì Vua mà hầu hết dân chúng đã bỏ Thiên Chúa để tôn kính các thần ngọai bang. Tiên-tri Elijah được Thiên Chúa sai tới để khiển trách Vua và khuyên dân phải ăn năn trở lại cùng Thiên Chúa.

            Gioan Tẩy Giả sống vào thời Nước Do-Thái bị đô hộ bởi Đế-quốc Roma và tòan dân đang mong đợi Đấng Thiên Sai đến giải phóng dân tộc khỏi tay Đế-quốc và lên ngôi cai trị dân chúng. Gioan Tẩy Giả được Thiên Chúa sai tới để chuẩn bị đường cho Đấng Cứu Thế, và người ta tuôn đến với ông để nghe giảng, thú nhận tội lỗi, và chịu Phép Rửa để được tha tội.

            Hai ông có nhiều điểm giống nhau: ăn uống nghiệm nhặt, ở trong sa mạc, mặc áo lông lạc đà. Lời rao giảng như lửa đốt cháy lòng người. Sứ vụ của các ông là chuẩn bị đường cho Thiên Chúa đến: các ông chuẩn bị bằng lời rao giảng để mang lòng cha ông trở lại cùng con cháu. Các Bài đọc hôm nay tập trung vào cuộc đời của 2 ông. Bài đọc I nói về cuộc đời của Tiên-tri Elijah. Phúc Âm nói về cuộc đời của Gioan Tẩy Giả. Chúa Giêsu tuyên bố và các môn đệ nhận ra: Gioan Tẩy Giả chính là Tiên-tri Elijah mà truyền thống Do-Thái đã tin ông phải đến để dọn đường cho Đấng Cứu Thế.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Cuộc đời Tiên-tri Elijah

1.1/ Sự xuất hiện của Tiên-tri Elijah: Ông xuất hiện trong đám lửa (Sir 49:1) và ra đi cũng trong đám lửa (Sir 49:4). Lời rao giảng của ông cũng nóng cháy như lửa: “Ông là vị ngôn sứ chẳng khác nào ngọn lửa, lời của ông tựa đuốc cháy bừng bừng.”

            Ít có Tiên tri nào làm được nhiều phép lạ như ông: Một số các phép lạ của Elijah làm được kể lại trong Sách Các Vua:

            (1) Tiên-tri đóng cửa trời không cho mưa rơi xuống trong 3 năm trong thời Vua Ahab. Sách Đức Huấn Ca nhắc lại những gì xảy ra trong Sách Các Vua (x/c I Kgs 17:1-18:46): “Ông khiến cho nạn đói hoành hành trong dân, và do lòng nhiệt thành, ông làm cho số dân giảm bớt. Ông dùng lời Thiên Chúa mà đóng cửa trời.”

            (2) Tiên tri truyền cho hũ bột của Bà góa thành Zarephath sẽ không vơi cho tới khi Chúa làm cho mưa trở lại; vì Bà đã tin tưởng làm bánh cho tiên tri ăn (I Kgs 17:14).

            (3) Tiên-tri cũng nhân danh Thiên Chúa làm cho đứa con trai của Bà sống lại sau 3 lần nằm trên nó (I Kgs 17:1-24).

            (4) Tiên-tri cầu nguyện và khiến lửa từ trời xuống thiêu rụi của lễ hy sinh trong cuộc thách thức với các tiên tri của thần Baal và thần Aserah, để chứng minh Thiên Chúa của Israel là Thiên Chúa độc nhất (I Kgs 18:23-38).

            (3) Ba lần, Tiên-tri khiến lửa từ trời xuống thiêu rụi 3 người sĩ quan và 150 quân lính của các ông, được sai tới để bắt Tiên-tri về trình diện Nhà Vua. Chỉ lần thứ tư, khi người sĩ quan năn nỉ thay vì truyền lệnh, người sĩ quan và 50 lính của ông mới thóat chết bởi lửa từ trời (II Kgs 1:1-15); sau đó Tiên-tri mới chịu đi xuống gặp Vua Ahaziah.

            Trong tất cả các Tiên-tri của Cựu-Ước, Tiên-tri Elijah được coi là Tiên-tri sáng giá nhất, vì các phép lạ ông đã làm như lời Sách Đức Huấn Ca tôn vinh Tiên-tri: “Thưa ông Elijah, ông đã làm bao việc lạ lùng, ông thật là vinh quang hiển hách! Ai có thể tự hào được nên giống như ông?”

1.2/ Sự ra đi của Tiên tri Elijah: Sau khi đã hòan tất sứ vụ, Tiên-tri đã không phải chết như bao người, nhưng đã được Thiên Chúa mang đi như lời Sách Đức Huấn Ca nói hôm nay: “Ông đã được cất lên giữa đám lửa xoáy như cơn lốc, trên chiếc xe do những ngựa đỏ như lửa kéo đi.” Thiên Chúa mang Tiên-tri đi đâu không ai biết. Nhiều người nói ông được Thiên Chúa giấu trên một ngọn núi cao. Truyền thống Do-Thái tin ông không chết, và ông sẽ trở lại trước Ngày Đấng Thiên Sai đến, để chuẩn bị đường cho Ngài. Họ cũng tin Mose không chết; do đó, trong Đền Thờ, họ luôn đặt hai ghế trống: một cho Mose và một cho Elijah.

1.3/ Sự trở lại của Tiên-tri Elijah: Vì Tiên-tri Elijah không chết, nên ông sẽ trở lại như trình thuật của Sách Đức Huấn Ca hôm nay: “Trong những lời khiển trách vào thời sẽ đến, ông đã được nêu danh, để làm nguôi cơn giận của Thiên Chúa trước khi cơn thịnh nộ bùng lên, để đưa tâm hồn cha ông trở lại với con cháu, và tái lập các chi tộc Jacob. Phúc cho ai được nhìn thấy ông, và cho kẻ được an nghỉ trong tình yêu Thiên Chúa, vì cả chúng tôi, chắc chắn cũng sẽ được sống (Sir 48:10-11). Tiên-tri Malachi cũng tường thuật sự trở lại của Tiên-tri Elijah trong phần Phụ-chương (Mal 3:23-24).

2/ Phúc Âm: Gioan Tẩy Giả chính là Tiên-tri Elijah.

            Trình thuật của Thánh-sử Matthêu chúng ta đọc hôm nay là sau biến cố “Chúa Giêsu biến hình” trên Núi Tabor. Các môn đệ đã được nhìn thấy Chúa Giêsu biến hình và đàm đạo với Moses và Elijah. Là người Do-Thái, các môn đệ biết rõ truyền thống tin về Tiên-tri Elijah. Vì thế, các môn đệ hỏi Chúa Giêsu: “Vậy tại sao các Kinh-sư lại nói Elijah phải đến trước?” Người đáp: “Ông Elijah phải đến để chỉnh đốn mọi sự. Nhưng Thầy nói cho anh em biết: ông Elijah đã đến rồi mà họ không nhận ra, lại còn xử với ông theo ý họ muốn. Con Người cũng sẽ phải đau khổ vì họ như thế.” Qua câu trả lời này, Chúa Giêsu muốn nói với các ông hai việc:

            (1) Truyền thống đúng trong việc tin Elijah đến để dọn đường cho Đấng Cứu Thế: Chính Gioan Tẩy Giả đã tự nhận mình là sứ giả đến dọn đường cho Đấng Cứu Thế khi bị chất vấn bởi các Kinh-sư và Biệt-phái: “Tôi là tiếng người hô trong hoang địa: Hãy sửa đường cho thẳng để Đức Chúa đi, như ngôn sứ Isaiah đã nói.” Cách ông dọn đường là sửa sọan tâm hồn mọi người để họ xứng đáng đón nhận Chúa Cứu Thế; nhưng có những người Do-Thái cứng lòng không tin ông. Vua Herode đã truyền chém đầu ông vì ông đã dám nói sự thật để bảo vệ luân lý gia đình. Sau khi đã nghe những lời cắt nghĩa của Chúa Giêsu, các môn đệ hiểu Người có ý nói về ông Gioan Tẩy Giả chính là hiện thân của Tiên-tri Elijah.

            (2) Truyền thống sai trong việc hiểu về cách Tiên-tri Elijah (Gioan Tẩy Giả) và Đấng Cứu Thế sẽ dùng để chinh phục nhân lọai: Họ tin là các ngài sẽ dùng sức mạnh để hủy họai những người không tin; nhưng các Ngài lại dùng đau khổ và hy sinh để chinh phục những người không tin. Chúa Giêsu không đến để tiêu diệt những kẻ tội lỗi, nhưng đến để chinh phục họ về cho Thiên Chúa bằng yêu thương tha thứ và bằng cái chết đau khổ của Ngài. Như thế gian đã dùng quyền lực để giết chết Gioan Tẩy Giả, họ cũng dùng quyền lực, họ cũng dùng quyền lực để giết Đấng Cứu Thế.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

            – Các Tiên-tri được sai tới là vì dân chúng đã lạc xa đường lối của Thiên Chúa. Bổn phận của các Ngài là dùng lời rao giảng và phép lạ kèm theo để đưa dân trở về với Thiên Chúa.

            – Cách đưa con người về với Thiên Chúa không bằng dùng sức mạnh để bắt ép và tiêu diệt, nhưng bằng lời rao giảng về sự thật, yêu thương, và tha thứ.

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

****************