Ngày thứ bảy (11-06-2022) – Trang suy niệm

10/06/2022

Lời Chúa Hôm Nay

Thứ Bảy Tuần X Mùa Thường Niên Năm chẵn

Thánh Barnaba, tông đồ

BÀI ĐỌC I: Cv 11, 21b-26; 13, 1-3

“Họ cũng rao giảng Chúa Giêsu cho người Hy-lạp”.

Trích sách Tông đồ Công vụ.

Trong những ngày ấy, có đông người tin trở về với Chúa. Tin đó thấu tai Hội Thánh Giêrusalem, nên người ta sai Barnaba đến Antiôkia. Khi đến nơi và thấy việc ơn Chúa thực hiện, ông vui mừng và khuyên bảo mọi người hãy vững lòng tin nơi Chúa; Barnaba vốn là người tốt lành, đầy Thánh Thần và lòng tin. Và có đoàn người đông đảo tin theo Chúa. Vậy Barnaba đi Tarxê tìm Saolô. Gặp được rồi, liền đưa Saolô về Antiôkia. Cả hai ở lại tại Hội Thánh đó trọn một năm, giảng dạy cho quần chúng đông đảo; chính tại Antiôkia mà các môn đệ lần đầu tiên nhận tên là “Kitô hữu”.

Bấy giờ trong hội thánh Antiôkia có những tiên tri và tiến sĩ, trong số đó có Barnaba, Simon cũng gọi là Nigê, Luxiô người thành Xyrênê, Manahê bạn của vua Hêrôđê lúc còn thư ấu, và Saolô.

Đang khi các ông làm việc thờ phượng Chúa và ăn chay, thì Thánh Thần phán bảo các ông rằng: “Hãy để riêng Saolô và Barnaba cho Ta, để làm công việc mà Ta đã chỉ định”. Vậy sau khi ăn chay cầu nguyện, họ đặt tay trên hai ông và tiễn đưa hai ông lên đường. Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 97, 1. 2-3a. 3cd-4. 5-6

Đáp: Chúa đã công bố ơn cứu độ trước mặt chư dân (c. 2a).

Xướng:

1) Hãy ca tụng Chúa một bài ca mới, vì Người đã thực hiện những việc lạ lùng. Tay mặt Người đã đem lại toàn thắng, cùng với cánh tay thánh thiện của Người. – Đáp.

2) Chúa đã công bố ơn cứu độ, đã tỏ sự công chính Người trước mặt chư dân. Người đã nhớ lại lòng nhân hậu và trung thành đối nhà Israel. – Đáp.

3) Mọi dân trên khắp cùng bờ cõi trái đất đã nhìn thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng tôi. Toàn thể địa cầu hãy hân hoan mừng Chúa, hãy vui mừng hoan lạc và đàn ca. – Đáp.

4) Hãy ca mừng Chúa với đàn cầm thụ, với đàn cầm thụ, với nhạc cụ râm ran: Hãy thổi sáo và rúc tù và, hân hoan trước thánh nhan Chúa là Vua. – Đáp.

ALLELUIA: Lc 19, 38

Alleluia, alleluia! – Chúc tụng Đức Vua, Đấng nhân danh Chúa mà đến; bình an trên trời và vinh quang trên các tầng trời. – Alleluia. 

PHÚC ÂM: Mt 5, 33-37

“Thầy bảo các con: đừng thề chi cả”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Các con lại còn nghe dạy người xưa rằng: ‘Đừng bội thề, nhưng hãy giữ lời ngươi đã thề với Chúa’. Phần Thầy, Thầy bảo các con: Đừng thề chi cả, đừng lấy trời mà thề, vì là ngai của Thiên Chúa; đừng lấy đất mà thề, vì là bệ đặt chân của Người; đừng lấy Giêrusalem mà thề, vì là thành của Vua cao cả; cũng đừng chỉ đầu mà thề, vì con không thể làm cho một sợi tóc ra trắng hoặc ra đen được. Nhưng lời các con phải: có thì nói có, không thì nói không; nói thêm thắt là do sự dữ mà ra”. Đó là lời Chúa.

(thanhlinh.net)

++++++++++++++++++

11/06/2022 – THỨ BẢY TUẦN 10 TN

Th. Ba-na-ba, tông đồ

Mt 10,6-13

RAO GIẢNG NƯỚC TRỜI

Khi ấy, Đức Giê-su nói với các Tông đồ rằng: “Anh em hãy đi rao giảng: Nước Trời đã đến gần.” (Mt 10,7)

Suy niệm: Đâu là cốt lõi của lời rao giảng mang tính định hướng cho toàn bộ sứ vụ mà Đức Ki-tô giao phó cho các tông đồ? Khi khởi đầu cuộc sống công khai, Đức Giê-su đã rao giảng: “Thời kỳ đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng” (Mc 1,15). Trong suốt ba năm cuộc sống công khai, Đức Giê-su vẫn miệt mài thực hiện lời rao giảng này. Và hôm nay sai các tông đồ ra đi Ngài nhắc lại lệnh truyền cốt lõi đó: “Anh em hãy đi rao giảng: Nước Trời đã đến gần.” Thật vậy, mục tiêu của sứ vụ của Người là thiết lập Nước Trời ngay giữa lòng thế giới, để nó tiếp tục triển nở cho đến khi hoàn thành chung cuộc trong ngày quang lâm. Đó là vương quốc của sự thánh thiện, hạnh phúc và bình an đích thực. Đó là Tin Mừng của ơn cứu độ mà Đức Giê-su sẵn sàng trả giá bằng chính mạng sống mình.

Mời Bạn: Xây dựng và rao giảng Triều Đại Thiên Chúa là mục tiêu tối hậu của công cuộc loan báo Tin Mừng. Điều này bao hàm toàn bộ ý nghĩa của đời sống Ki-tô hữu, vì chính Đức Giê-su đã mời gọi: “Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Ngài” (Mt 6,33). Muốn xây dựng Nước Trời, Ki-tô hữu cần thực thi sứ vụ chữa lành, cứu sống (c. 8), và trao ban bình an cho người khác (c. 12).

Sống Lời Chúa: Xây dựng Triều Đại Thiên Chúa bằng cách làm những việc nhỏ hằng ngày để phục vụ cho công ích.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin giúp chúng con biết chung tay rao giảng và xây dựng Nước Trời. Nhờ đó, nhiều người sẽ lãnh nhận niềm vui và bình an của Chúa ngay trong cuộc sống tại thế này.

(5 Phút Lời Chúa)

++++++++++++++++++

Suy niệm và cầu nguyện

Suy Niệm

Chúng ta không rõ Thầy Giêsu đã sai các môn đệ lên đường 
sau thời gian họ sống với Ngài bao lâu. 
Nhưng chúng ta biết chắc là Thầy có sai các môn đệ. 
Thầy sai họ đi để làm những việc Ngài đã và đang làm (Mt 9, 35), 
như rao giảng Tin Mừng về Nước Trời, chữa bệnh, trừ quỷ (c. 8a). 
Như thế họ trở nên những cộng sự viên của Ngài trong cùng một sứ vụ. 
Thầy Giêsu không độc quyền trong công việc. 
Ngài cũng không giữ riêng cho mình quyền trên các thần ô uế (Mt 10,1). 
Việc chia sẻ quyền và mời gọi cộng tác đã có từ thời Thầy Giêsu, 
và vẫn kéo dài trong Giáo Hội.

Lời dặn dò của Đức Giêsu trước khi sai họ đi đã đánh động nhiều tâm hồn, 
đặc biệt những vị sáng lập các dòng tu. 
Đặt mình vào bối cảnh vùng Galilê cách đây gần hai mươi thế kỷ, 
chúng ta mới hình dung được khuôn mặt của những vị tông đồ đầu tiên. 
Trước hết họ được sai đến với chính đồng hương của họ, 
“những chiên lạc nhà Israel”, vất vưởng không người chăn dắt (Mt 9, 36). 
Loan báo Tin Mừng là lên đường, đường đất đá hay đường núi đồi, 
và đi bằng đôi chân của mình, không giày dép. 
Những bước chân nhẹ nhàng vì hành trang chẳng có gì. 
Thắt lưng chẳng mang tiền vàng, bạc, đồng, để dùng khi hữu sự. 
Cả những điều một người lữ hành thường có cũng không: 
một bao bị, một cái áo dự phòng, một cái gậy để chống khi đi đường xa. 
Người tông đồ được đặt ở trong tình trạng bấp bênh, không chỗ dựa. 
Chỗ dựa duy nhất của họ là lòng tốt của Thiên Chúa, 
được thể hiện qua lòng tốt của người đón nghe Tin Mừng. 
Chuyện ăn, chuyện ở, họ đều phải tin tưởng phó thác (cc. 10b. 11).

Hành trang nhẹ nhàng, tâm hồn nhẹ nhàng, 
nên các tông đồ cũng thi hành sứ vụ một cách nhẹ nhàng, thanh thoát. 
Họ làm mọi sự mà chẳng đòi hỏi gì (c. 8b). 
Vừa rao giảng Tin Mừng rằng Nước Trời đã đến rồi, 
vừa minh chứng Tin Mừng ấy bằng bao niềm vui đem đến cho người khác. 
Bệnh nhân được khỏi, người chết sống lại, người phong được sạch, 
và nhất là ma quỷ không còn chỗ cư ngụ trong lòng con người (c. 8a). 
Bình an là lời chúc trên môi dành cho mọi căn nhà họ đến ở (c. 12). 
Rõ ràng hành trình truyền giáo là một kinh nghiệm đầy ắp niềm vui hứng khởi, 
cho đoàn chiên và cho chính các tông đồ.

Nếu Thầy Giêsu dặn dò các tông đồ hôm nay, Ngài sẽ nói gì? 
Ngài sẽ bảo chúng ta đừng mang gì và nên làm gì cho con người hôm nay? 
Chắc Ngài cũng sẽ khuyên hãy nhẹ nhàng hơn, phó thác hơn, vô vị lợi hơn. 
Thế giới hôm nay vẫn yếu đau và bị ám như cách đây hai ngàn năm. 
Thế giới hôm nay vẫn chờ một Tin Vui, một lời chúc Bình an. 
Chúng ta vẫn được mời gọi để làm điều Ngài và các môn đệ đã làm.

Cầu Nguyện

Lạy Chúa Giêsu,
xin sai chúng con lên đường
nhẹ nhàng và thanh thoát,
không chút cậy dựa vào khả năng bản thân
hay vào những phương tiện trần thế.

Xin cho chúng con làm được những gì Chúa đã làm:
rao giảng Tin Mừng, trừ quỷ,
chữa lành những người ốm đau.

Xin cho chúng con biết chia sẻ Tin Mừng
với niềm vui của người tìm được viên ngọc quý,
biết nói về Ngài như nói về một người bạn thân.

Xin ban cho chúng con khả năng
đẩy lui bóng tối của sự dữ, bất công và sa đọa.

Xin giúp chúng con lau khô những giọt lệ
của bao người đau khổ thể xác tinh thần.

Lạy Chúa Giêsu,
thế giới thật bao la
mà vòng tay chúng con quá nhỏ.
Xin dạy chúng con biết nắm lấy tay nhau
mà tin tưởng lên đường,
nhẹ nhàng và thanh thoát.

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

(phutcaunguyen.net)

++++++++++++++++++

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên

11 THÁNG SÁU

Biết Phân Định Tốt Xấu

Con người được tạo dựng “theo hình ảnh của Thiên Chúa”; mầu nhiệm này còn được trình bày trong các sách khác của Thánh Kinh. Chẳng hạn, ta đọc thấy trong Sách Huấn Ca: “Đức Chúa lấy đất mà tạo ra con người… rồi lại đưa con người trở về đất. Người cho nó quyền thống trị vạn vật trên mặt đất. Người mặc cho nó sức mạnh tương xứng với mình, và theo hình ảnh mình mà làm ra nó. Người phú bẩm cho mọi xác phàm lòng kính sợ Người, để chúng thống trị muôn chim cầm thú. Người ban cho chúng trí khôn, luỡi, mắt, tai, và trái tim để chúng suy nghĩ. Người làm cho chúng đầy kiến thức thông minh, tỏ cho chúng biết điều tốt điều xấu. Người đặt con mắt mình vào tâm hồn chúng, để chúng nhận ra các công trình vĩ đại của Người … Người còn ban kiến thức cho chúng, và cho thừa hưởng luật đem lại sự sống; Người đã lập với chúng một giao ước muôn đời, và tỏ cho thấy những điều Người phán quyết” (Hc 17,1. 2b – 7. 9 – 10).

Cần phải suy niệm thật kỹ bản văn phong phú và sâu sắc trên của Sách Huấn Ca. Hãy ôm ấp những lời ấy trong lòng mình và hãy xích lại gần hơn với Thiên Chúa.

– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –

Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác

LIFT UP YOUR HEARTS

Daily Meditations by Pope John Paul II

+++++++++++++++++

Lời Chúa Trong Gia Đình

NGÀY 11/6

Thánh Barnaba Tông Đồ

Cv 11, 21b-26; 13,1-3; Mt 10, 6-13.

LỜI SUY NIỆM: ““Anh em hãy chữa lành người đau yếu, làm cho kẻ chết sống lại, cho người mắc bệnh phong được sạch, và khử trừ ma quỷ. Anh em đã được cho không, thì cũng phải cho không như vậy.” (Mt 7,8).

          Chúa Giêsu sai các tông đồ đi rao giảng Tin Mừng, những dấu lạ đều là do bởi Chúa Thánh Thần tác động trên những kẻ nghe lời rao giảng của các Tông đồ. Ngày hôm nay Giáo Hội cũng đang tiếp nối sứ vụ ấy. Mỗi một công tác tông đồ, đều có sự hiện diện của Chúa Giêsu, cùng sự trợ giúp của Chúa thánh Thần; chúng ta không còn phải băng khoăn về điều mình truyền đạt có đến với người anh em? và kết quả sẽ ra sao? Điều này chúng ta chỉ biết cầu nguyện, và làm hết của sức mình Còn tất cả đều do Chúa Thánh Thần tác động trên người anh em.

          Lạy Chúa Giêsu. Xin cho mỗi người trong chúng con ý thức mình là công cụ của Chúa, để cùng Hiệp Hành với các thành phần trong Giáo Hội, đem lại phần rỗi cho người anh em.

Mạnh Phương

+++++++++++++++++

Gương Thánh Nhân

Ngày 11-06: Thánh BARNABA TÔNG ĐỒ

(Thế kỷ I)

Thánh Barnaba nắm giữ một chức vụ nổi bật trong những chương đầu của sách công vụ tông đồ, không phải cho mình mà nhằm giới thiệu thánh Phaolô, anh hùng trong cuốn sách. Ngài là một người Do thái được sinh tại Chypre. Và là một phần tử trong Giáo hội sơ khai ở Giêrusalem.

Chính ở địa vị này mà khoảng năm 39 tân tòng Saolê được đón nhận vào cộng đoàn các tông đồ (Cv 9-27). Bốn năm sau, Ngài kêu gọi Saolê tham gia công tác hướng dẫn cộng đoàn Kitô giáo mới được thiết lập ở Antiôkia (Cv 11,19-26). Thành phố này rất quan trọng, chỉ kém Rôma và đã trở nên trung tâm Kitô giáo của lương dân. Một lần nữa, cùng với Saolê, Ngài được trao phó cho nhiệm vụ mang tiền cứu trợ gởi về cho Giáo hội Giêrusalem (Cv 27-30). Nơi đây hai người lại được Gioan Maccô là bà con của Barnaba (Gl 4,10) nhập bọn.

Ba người họp thành đoàn truyền giáo, lên đường khoảng năm 45 (Cv 13 và 14). Từ đây Barnaba dần dần ẩn mặt đi. Dầu Chypre là sinh quán của Ngài, nhưng chính Saolê dưới tên mới là Phaolô dẫn dầu cuộc truyền bá Phúc âm. Phaolô và đoàn tùy tùng lên đường tới lục địa Tiểu Á. Khi cùng Phaolô rao giảng (Cv 14,8-18), Barnaba được coi là thần Jupiter và Phaolô là Hermes.

Đây là chứng cớ hùng hồn về vai trò hỗ tương của hai ông. Ba năm sau Phaolô trở về và được cộng đồng Giêrusalem phê chuẩn về đường lối Ngài theo trong chuyến hành trình (Cv 15,1-35). Nămsau, dự định hành trình truyền giáo thư hai có sự tranh chấp về việc kết nạp Gioan Marcô (Cv 15,35-41). Phaolô chọn các bạn đồng hành khác và Barnaba trở về Chypre. Việc giới thiệu Phaolô đã được hoàn thành và tên Ngài không còn được nhắc đến trong sách Công vụ nữa. Trong việc trao đổi thư từ của Phaolô với Giáo hội Côrintô cho thấy khoảng năm 56 thánh Barnaba vẫn còn sống (1Cr 9,5). Sáu năm sau Phaolô xin Marcô đến gặp mình ở Roma (2Tm4). Sự kiện này cho phép chúng ta nghĩ rằng thánh Barnaba đã qua đời.

Một truyền thống sau này nói tới chuyến hành trình của thánh Barnaba tới Alexandria, Rôma, và Milan. Tại Milan, Ngài là giám mục tiên khởi. Một truyền thống đáng tin hơn cho biết Ngài chết vì ném đá ở Salamis,sinh quán của Ngài. Nay còn nhiều mảnh vụn của cuốn ngụy thư Phúc âm thánh Barnaba và của một tác phẩm thuộc thế kỷ thứ V là công vụ thánh Barnana. Nhưng những tài liệu này không cho biết nhiều hơn những điều đã biết được từ sách Công vụ các tông đồ. Cuốn gọi là thơ thánh Barnaba mà nhiều giáo phụ chép vào thơ mục thánh kinh, nay người ta biết được là tác phẩm của một người Do thái theo Kitô giáo ở Alexandria.

Người ta nói rằng mộ Ngài được tìm thấy năm 448. Trên ngực Ngài còn có một cuốn Phúc âm theo thánh Matthêu mà chính thánh Barnaba đã chép tay.

(daminhvn.net)

+++++++++++++++++

11 Tháng Sáu

Kẻ Tháo Ðinh

Một trong những chi tiết trong cuộc tử nạn của Chúa Giêsu vẫn còn tiếp tục gợi hứng cho các họa sĩ: đó là việc hạ xác Ngài xuống khỏi Thập giá. Tin Mừng theo thánh Gioan ghi lại việc ông Nicôđêmô và một người môn đệ kín đáo khác của Chúa Giêsu tên là Giuse Arimahtia đã đến xin phép Philatô được tháo gỡ xác Ngài xuống khỏi Thập giá. Trong hầu hết các bức tranh mô tả biến cố này, người ta đều thấy hình ảnh tiều tụy, không còn hình tượng của Chúa Giêsu mà hai người môn đệ đỡ xuống khỏi thập giá. Một người tháo đinh ra khỏi tay Ngài, còn một người thì tháo đinh ra khỏi chân Ngài.

Một họa sĩ nọ, thay vì vẽ lại chân dung của hai người môn đệ của Chúa Giêsu đã chọn những khuôn mặt của thời đại ông. Và người tháo đinh ra khỏi bàn chân của Chúa Giêsu không ai khác hơn là chính ông. Khi được hỏi lý do tai sao ông lại đồng hóa mình với một trong hai người môn đệ, nhà họa sĩ đã giải thích như sau: “Những người như tôi rất thường đóng đinh Chúa Giêsu vào thập giá. Và những đinh sắt tôi dùng để đóng đinh Chúa chính là tội lỗi của tôi. Ðã đến lúc, tôi cảm thấy cần phải tháo gỡ chiếc đinh của tội lỗi ra khỏi thân xác của Ngài”.

Chúng ta tuyên xưng trong Kinh Tin Kính: “Người chịu đóng đinh vào thập giá vì chúng tôi”. Ðiều đó có nghĩa là do tội lỗi của chúng ta, chúng ta góp phần vào việc đóng đinh Ngài vào thập giá.

Thập giá vẫn luôn mãi là một lời tố cáo, một bản án cho tội lỗi. Nhưng đó không chỉ là một biểu tượng, mà là một hiện thực. Nếu Ðức Kitô hôm qua, hôm nay và mãi mãi vẫn là Một, nếu Ðức Kitô vẫn tiếp tục sống trong lịch sử con người và nếu tội lỗi là một chối bỏ, thì mỗi lần chúng ta phạm tội, chúng ta cũng chối bỏ chính Ngài, chúng ta đóng đinh Ngài vào thập giá một lần nữa. Nếu Ðức Kitô vẫn tiếp tục sống trong lịch sử con người, nếu Ngài tự đồng hóa với con người, nhất là những kẻ khốn cùng, những kẻ thấp hèn nhất trong xã hội, thì mỗi một lần chúng ta khước từ hay xúc phạm đến người anh em, là mỗi lần chúng ta chối bỏ Ngài và đóng đinh Ngài vào thập giá. Qua mỗi người anh em của chúng ta, Chúa Giêsu vẫn còn tiếp tục bị chối bỏ và chịu đóng đinh.

(Lẽ Sống)

++++++++++++++++++

Lời Chúa Mỗi Ngày

Thứ Bảy – Tuần 10 – TN2 – Năm Chẵn

Bài đọc: 1 Kgs 19:19-21; Mt 5:33-37.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Người môn đệ phải luôn trung thành với Thiên Chúa và tha nhân.

Chúng ta đang sống trong một kỷ nguyên mà con người bị khủng hoảng trầm trọng trong các mối liên hệ: con người không ngừng vi phạm những điều họ đã hứa với Thiên Chúa và với tha nhân. Nhìn vào những nhà lãnh đạo của các quốc gia, trước khi đắc cử, họ hứa hẹn với dân chúng rất nhiều; nhưng sau khi nhậm chức, chẳng thực hành được bao nhiêu. Trong lãnh vực kinh tế và tài chánh cũng thế, sự khủng hoảng kinh tế toàn cầu đang xảy ra là vì quá nhiều chủ tịch các công ty đã gian lận tiền của chính phủ và của dân chúng để làm của riêng mình. Trong đời sống gia đình cũng chẳng khá hơn: bao nhiêu cặp vợ chồng ăn ở với nhau mà chẳng cần làm hôn thú hay lễ cưới; dẫu có thề hứa trước Thiên Chúa cũng chẳng giữ lời (hơn 50% đã chia tay). Trong đời sống linh mục và tu trì cũng thế, bao nhiêu người đã giũ áo ra đi và không trung thành với những gì mình đã thề hứa! Lời thề hứa hôm nay còn có giá trị hay không? Thiên Chúa còn có thể tin những gì con người thề hứa?

Các Bài Đọc hôm nay tập trung trong việc dạy con người phải trung thành giữ lời hứa mà không cần phải thề thốt. Trong Bài Đọc I, khi được ngôn sứ Elijah gọi, Elishah biết đó là tiếng gọi của Thiên Chúa, ông xin phép về thăm cha mẹ; sau đó ông sát tế cặp bò làm lễ hy sinh và đập nát cày làm củi thiêu của lễ. Hành động này chứng tỏ sự dứt khoát của ông theo ngôn sứ Elijah làm việc cho Thiên Chúa. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu dạy các môn đệ không cần phải thề thốt; nhưng phải luôn biết tập luyện để nói, sống, và làm chứng cho sự thật. Một cách đơn giản: hễ “có” thì phải nói “có;” “không” thì phải nói “không.” Thêm thắt điều gì là do ác quỷ.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Ngôn sứ phải bỏ mọi sự và trung thành theo Chúa.

1.1/ Theo lời Đức Chúa, Elijah chọn Elishah làm người thay thế mình.

Trình thuật hôm nay tường thuật ơn gọi của Elishah. Theo lời của Đức Chúa, ngôn sứ Elijah chọn Elishah và huấn luyện ông thành người tiếp tục công việc ngôn sứ. Mười hai cặp bò chứng tỏ Elishah thuộc gia đình rất giàu có; vì gia đình giầu chỉ có một hay hai con. Khi ngôn sứ Elijah ném tấm áo choàng của mình lên người ông Elishah, ông Elishah hiểu ngay cử chỉ này. Nó tương đương với lễ nghi mặc áo và vào nhà tập của các dòng tu ngày nay. Lời yêu cầu của ông Elishah bình thường, vì ông Elishah phải từ giã cha mẹ. Câu trả lời của Elijah hơi khó hiểu; nhưng có lẽ muốn nói “Tôi không ngăn cản anh làm chuyện đó!”

1.2/ Thái độ dứt khoát của Elishah:

Hành động của Elishah là một hành động can đảm. Ông “bắt cặp bò giết làm lễ tế, lấy cày làm củi nấu thịt đãi người nhà.” Việc làm này chứng tỏ ông sẵn sàng chấm dứt nghề nghiệp của mình để lên đường theo ngôn sứ Elijah trong sứ vụ mới. Tiệc đãi người nhà chứng tỏ ơn gọi ngôn sứ có tính công cộng: người nhà biết quyết định theo Chúa làm ngôn sứ của Elishah.

Chúng ta có thể học tấm gương anh hùng của Elishah. Một khi đã quyết định theo Chúa, chúng ta phải mạnh dạn khước từ tất cả: cha mẹ, sự nghiệp, tài sản… Nếu không dứt khoát, chúng ta sẽ bị cám dỗ để trở về hay thái độ “chân trong, chân ngoài” rất khó để trung thành theo Chúa đến cùng.

2/ Phúc Âm: “Có” thì phải nói “có,” “không” thì phải nói “không.”

2.1/ Đừng thề thốt chi cả: “Anh em còn nghe Luật dạy người xưa rằng: Chớ bội thề, nhưng hãy trọn lời thề với Đức Chúa. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: đừng thề chi cả.”

Trước tiên, chúng ta cần nhớ đây là những lời dạy lý tưởng trong chương 5 của Tin Mừng Matthew để trở thành môn đệ của Chúa. Lề Luật chỉ là những điều kiện tối thiểu để ngăn cản con người đừng phạm tội; nhưng trở thành môn đệ của Đức Kitô đòi con người phải tiến xa hơn là việc đơn giản giữ các luật lệ. Trong trình thuật hôm nay, Chúa Giêsu dạy dỗ các môn đệ về việc phải luôn trung tín trong lời nói và việc làm. Để hiểu những lời này, chúng ta cần phân biệt ít nhất 2 lý do tại sao con người dùng tên Chúa để thề:

(1) Thề một cách không suy nghĩ: Có những người quen kêu tên Chúa, Đức Mẹ, và các thánh, cách vô cớ như “Giêsu Maria Giuse.” Họ kêu mà chẳng nghĩ gì đến các ngài cả. Đây là tội phạm đến điều răn thứ hai, vì Danh Chúa là danh cực trọng. Người Do-thái không dám gọi đích danh Thiên Chúa, mà chỉ dám lướt qua (Yahweh) hay gọi một chữ khác. Có những người quá quen lấy danh Chúa mà thề, mặc dù sự việc chẳng có gì quan trọng hay chẳng ai bắt phải thề thốt chi cả.

(2) Thề cách có tính toán: Có những người thề nhưng lại tránh dùng đích danh Chúa, vì họ biết Lề Luật buộc họ phải thi hành khi lấy danh Chúa thề; nên khi họ thề, họ chỉ trời, chỉ đất, chỉ Đền Thờ, chỉ lên đầu như Chúa Giêsu liệt kê hôm nay, để khỏi phải giữ lời thề. Người ngày nay cho nếu hai ngón tay trỏ và giữa ngoắc lên nhau trong khi thề, lời thề đó không có giá trị! Họ quên đi Chúa ở khắp mọi nơi và thấu hiểu mọi ý nghĩ trong lòng họ; chẳng thể nào họ có thể chỉ bất cứ gì để thề mà không phải giữ, vì mọi sự trong trời đất này đều thuộc về Thiên Chúa.

Người tín hữu có được thề trong các tòa án? Trước tiên, chúng ta cần hiểu nếu sống trong một thế giới hay cộng đồng tốt lành, người tín hữu không cần phải thề thốt chi cả. Như những người Essenes và Quakers, họ sống trong cộng đồng hay làng xóm gần gũi nhau, nên họ tin tưởng nhau mà không cần phải thề thốt. Nhưng vì người tín hữu sống chung với thế giới đầy những gian tà, nên họ phải theo những thủ tục của tòa án để bảo vệ quyền lợi của hai bên. Hơn nữa, lời thề trong tòa án nhân danh hiến pháp quốc gia chứ không nhân danh Thiên Chúa.

2.2/ “Có” thì phải nói “có,” “không” thì phải nói “không.”

Người môn đệ của Đức Kitô phải luôn luôn biết nói, sống và làm chứng cho sự thật. Nếu một người luôn trung tín trong mọi việc, những gì người ấy nói ra đủ cho người khác tin tưởng mà không cần phải thề thốt chi cả; nhưng nếu một người bất trung, bao nhiêu lời thề hứa của họ cũng chẳng có giá trị chi cả. Chúa Giêsu muốn nhấn mạnh cho các môn đệ: họ cần biết tập luyện để có nhân đức trung thành, hơn là những lời hứa hẹn suông ngoài miệng.

Một điều người tín hữu hay khinh thường là tật nói xấu hay nói hành làm mất danh thơm của người khác. Đây là một tội không nhỏ và là thói quen xấu phải chừa ngay. Chúng ta không bao giờ ước lượng được những thiệt hại chúng ta gây ra cho tha nhân, nhiều khi tiêu diệt cả cuộc đời của họ. Thường thường, những người hay nói hành hay thêm thắt nhiều điều cho thêm phần hấp dẫn mà không để ý đến những thiệt hại đổ trên tha nhân. Chúa Giêsu cảnh cáo: “Thêm thắt điều gì là do ác quỷ.”

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

– Chúng ta phải cẩn thận suy nghĩ trước khi hứa hẹn với Thiên Chúa hay với tha nhân điều gì. Nếu đã hứa, phải trung thành theo đến cùng.

– Chúng ta là những môn đệ của Đức Kitô, chúng ta phải tập luyện làm sao để luôn biết nói, sống, và làm chứng cho sự thật. Nếu chúng ta luôn làm như thế, thề thốt là điều dư thừa.

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

****************