Ngày thứ bảy (13-01-2024) – Trang suy niệm

12/01/2024

Lời Chúa Hôm Nay

Thứ Bảy tuần 1 Thường Niên

BÀI ĐỌC I: 1 Sm 9,1-4.17-19; 10,1a

“Này là người mà Chúa nói đến. Saolê sẽ cai trị dân Người”.

Bài trích sách Samuel quyển thứ nhất.

Lúc bấy giờ có một người thuộc dòng dõi Bengiamin tên là Cis, con trai của Abiel, Abiel con ông Sêror, Sêror con ông Bêcora, Bêcora con ông Aphia, Aphia con một người dòng dõi Bengiamin. Cis là một người cường tráng. Ông có một con trai tên là Saolê rất đẹp trai và tốt lành, không một con cái Israel nào xinh đẹp bằng chàng và anh ta cao hơn mọi người từ vai trở lên. Vậy ông Cis, cha của Saolê, lạc mất mấy con lừa cái, nên ông bảo con ông là Saolê rằng: “Con hãy đem một đứa đầy tớ theo con, và đi tìm mấy con lừa”. Họ đi khắp miền núi Ephraim, sang vùng Salisa mà không tìm thấy, họ liền sang vùng Salim, cũng không tìm thấy, đoạn qua vùng Giêmin, cũng chẳng thấy. Khi Samuel vừa thấy Saolê, thì Chúa phán cùng ông rằng: “Này là người Ta đã nói với ngươi, chính người này sẽ cai trị dân Ta”. Saolê đến gần Samuel đang đứng ở giữa cửa và nói rằng: “Tôi xin ông làm ơn chỉ giùm nhà của vị tiên tri ở đâu?” Samuel trả lời Saolê rằng: “Chính tôi là vị tiên tri đây; xin mời anh đi trước tôi lên lầu, để hôm nay các anh sẽ dùng bữa với tôi, rồi ngày mai tôi sẽ cho anh về. Tất cả những gì anh đang có trong lòng, tôi sẽ chỉ bảo cho anh”. Samuel lấy bình dầu đổ trên đầu Saolê, rồi hôn anh và nói rằng: “Đây Thiên Chúa xức dầu phong anh làm vua thống trị cơ nghiệp của Người, và anh sẽ cứu dân Người thoát khỏi kẻ thù ở chung quanh”.

Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 20, 2-3. 4-5. 6-7

Đáp: Lạy Chúa, do quyền năng Chúa mà vua vui mừng (c. 2a).

1) Lạy Chúa, do quyền năng Chúa mà vua vui mừng, do ơn Chúa phù trợ, vua bao xiết hân hoan! Chúa đã ban cho sự lòng vua ao ước, và điều môi miệng vua xin, Chúa chẳng chối từ. (2) Chúa đã tiên liệu cho vua được phước lộc, may mắn, đã đội triều thiên vàng ròng trên đầu vua. Vua xin Chúa cho sống lâu, thì Chúa đã ban cho một chuỗi ngày dài tới muôn thuở. (3) Nhờ Chúa giúp mà vua được vinh quang cao cả, Chúa khoác lên người vua, oai nghiêm với huy hoàng. Chúa đã khiến vua nên mục tiêu chúc phúc tới muôn đời, Chúa đã cho vua được hân hoan mừng rỡ trước thiên nhan.

ALLELUIA: Tv 129, 5

All. All. – Con hy vọng rất nhiều vào Chúa, linh hồn con trông cậy ở lời Chúa. – All.

PHÚC ÂM: Mc 2, 13-17

“Ta không đến để kêu gọi những người công chính, mà kêu gọi những người tội lỗi”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Khi ấy Chúa Giêsu đi dọc theo bờ biển, toàn dân đến cùng Người và Người giảng dạy họ. Khi vừa đi qua, Người thấy ông Lêvi con của Alphê, đang ngồi nơi bàn thu thuế. Người bảo ông: “Hãy theo Ta”. Ông liền đứng dậy theo Người. Và xảy ra là khi Người dùng bữa tại nhà ông, nhiều người thu thuế và tội lỗi cùng đồng bàn với Chúa Giêsu và các môn đệ của Người, vì đã có nhiều kẻ theo Người. Những luật sĩ và biệt phái thấy Người ngồi ăn uống với những người thu thuế và tội lỗi, liền nói với các môn đệ Người rằng: “Tại sao thầy các ông lại ăn uống với những người thu thuế và tội lỗi?” Nghe vậy, Chúa Giêsu bảo họ: “Những người khoẻ mạnh không cần gì đến thầy thuốc, nhưng là những người đau yếu. Ta không đến để kêu gọi những người công chính, mà kêu gọi những người tội lỗi”.

Đó là lời Chúa.

(Nguồn: UBPV/HĐGMVN, ấn bản 1973)

++++++++++++++++++

13/01/2024 – THỨ BẢY TUẦN 1 TN

Th. Hi-la-ri-ô, giám mục, tiến sĩ HT

Mc 2,13-17

ĐỨC KI-TÔ LÀ ĐẤNG CỨU ĐỘ

Đức Giê-su nói: “Người khỏe mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần. Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi.” (Mc 2,17)

Suy niệm: ĐHY Ph.Xav. Nguyễn Văn Thuận ví von rằng Đức Giê-su có tới 10 ‘khuyết điểm’ mà trong đó trước tiên là ‘bệnh’ hay quên. Đã vậy Ngài lại còn thích ăn uống và làm bạn với những người thu thuế và tội lỗi. Điển hình là sự việc hôm nay: Chúa không nhớ đến tội của Lê-vi, người thu thuế, mà đã kêu gọi ông đi theo Ngài để trở thành tông đồ Mát-thêu, rồi lại đến “dùng bữa tại nhà ông” cùng với nhiều người thu thuế và người tội lỗi khác. Đức Giê-su hành xử như thế chính là để thực thi ý định từ ngàn đời của Chúa Cha: Ngài muốn cứu độ hết thảy mọi người, không loại trừ ai, nhất là những người bé mọn, bị loại trừ. Hơn nữa, Chúa còn mời gọi mọi người tham gia sứ vụ cứu thế khi chọn gọi Mát-thêu để làm tông đồ cho Ngài.

Bạn thân mến, nếu có lúc bạn đã phải dằn vặt vì những tội lỗi mà bạn vẫn sa đi ngã lại, hay thậm chí bạn nản lòng thất vọng vì thấy tội mình quá lớn, thì hôm nay, Lời Chúa đem lại cho bạn niềm hy vọng vì Thiên Chúa giàu lòng thương xót, Ngài sai Con Một Ngài đến để “tìm và cứu những gì đã hư mất” (x. Mt 18,11; Lc 19,10). Cũng vì thế, bạn đừng vội xét đoán anh em vì mọi đều được Chúa yêu thương và cứu độ.

Sống Lời Chúa: Bạn suy gẫm cách Chúa cư xử với người bị coi là tội lỗi như Mát-thêu và xin được ơn có lòng bao dung và thương xót giống như Chúa.

Cầu nguyện: Lạy Thiên Chúa giàu lòng thương xót, xin tha thứ tội lỗi chúng con và giúp chúng con học biết cư xử bao dung và có lòng thương xót với tha nhân. Amen.

(5 Phút Lời Chúa)

++++++++++++++++++

Suy niệm và cầu nguyện

Suy niệm:

Trong bài Tin Mừng hôm qua, Đức Giêsu đã tha tội cho anh bất toại.
Và chuyện này đã bị các kinh sư coi là phạm thượng (Mc 2, 6).
Trong bài Tin Mừng hôm nay, ngài lại tiếp tục bị tấn công,
vì làm những điều dưới mắt các kinh sư là gai chướng.

Trước hết là việc chọn ông Lêvi vào số các môn đệ.
Như bốn môn đệ đầu tiên, khi được gọi Lêvi cũng đang làm việc.
Lúc đó ông đang ngồi nơi bàn thu thuế, bận bịu với tiền bạc và sổ sách.
Ánh mắt của Thầy Giêsu chụp lấy ông và lôi cuốn ông.
Lời mời của Thầy thật rõ ràng và ngắn gọn: “Anh hãy theo tôi.”
Lêvi có ngỡ ngàng không?
Ông đang làm một nghề bị mọi người coi là ô uế
vì phải tiếp xúc với dân ngoại và dính dáng đến dối trá tham lam.
Ông bị coi là tội nhân, bị gạt ra khỏi cộng đoàn Dân Chúa.
Bây giờ ông được Thầy mời vào nhóm môn đệ của mình
Đức Giêsu có liều lĩnh không?
Ngài có sợ uy tín nhóm bị giảm sút vì sự có mặt của Lêvi không?
Đức Giêsu không định thành lập một nhóm gồm toàn những người hoàn hảo,
nên ngài đã chọn sự có mặt của Lêvi.
Như thế ranh giới giữa “môn đệ” và “tội nhân” đã bị xóa.
Môn đệ chính là tội nhân được kêu gọi để chia sẻ tình bạn và sứ vụ.

Lêvi diễn tả niềm vui của người được gọi bằng một bữa tiệc,
trong đó ông mời các bạn bè đồng nghiệp đến để chia tay.
Đức Giêsu và các môn đệ cũng được mời tham dự.
Ngài đã vui vẻ nhận lời, đã đến nhà và ăn với họ, dù đây là điều bị cấm.
Để biện minh cho thái độ này, ngài coi tội nhân như người đau ốm.
Người đau thì cần thầy thuốc, cần sự lại gần để săn sóc của lương y.
Họ cần chữa lành và đón nhận, chứ không cần phán xét và lên án.
Đức Giêsu chính là vị lương y đến để kêu gọi người tội lỗi (c. 17).

Nhưng có ai trong chúng ta lại không là tội nhân?
Có ai trong chúng ta lại công chính thánh thiện
đến độ không cần phải sám hối (Mc 1, 15)?
Hôm nay Đức Giêsu vẫn đi ngang qua đời tôi, tưởng như tình cờ,
vẫn thấy tôi và gọi tôi, vẫn mời tôi ra khỏi chỗ ngồi vững chãi của mình,
và bỏ lại tất cả sau lưng.
Xin được như Lêvi đứng lên ngay để theo Ngài.

Cầu nguyện:

Lạy Cha,
thế giới hôm nay cũng như hôm qua
vẫn có những người bơ vơ lạc hướng
vì không tìm được một người để tin;
vẫn có những người đã chết từ lâu
mà vẫn tưởng mình đang sống;
vẫn có những người bị ám ảnh bởi thần ô uế,
ô uế của bạc tiền, của tình dục, của tiếng tăm;
vẫn có những người mang đủ thứ bệnh hoạn,
bệnh hoạn trong lối nhìn, lối nghĩ, lối sống;
vẫn có những người bị sống bên lề xã hội,
dù không phải là người phong…

Xin Cha cho chúng con nhìn thấy họ
và biết chạnh lòng thương như Con Cha.

Nhưng trước hết,
xin cho chúng con
nhìn thấy chính bản thân chúng con.

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

(phutcaunguyen.net)

++++++++++++++++++

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên

13 THÁNG GIÊNG

Những Sứ Giả Đầu Tiên Của Đức Tin

Gia đình Kitôhữu không duy chỉ là một cộng đồng nhân loại. Món quà vô giá là sự sống con người cần phải được tháp nhập vào chính sự sống của Đức Kitô và nhờ đó trở nên phong phú. Sứ mạng chân chính của gia đình là bảo vệ các giá trị nhân bản, nhưng đồng thời gia đình cũng phải dồn tâm lực đào sâu các giá trị Kitô giáo.

Nhiều người có thể bị cám dỗ để nghĩ rằng chỉ các linh mục và tu sĩ mới được ủy trao trách nhiệm đối với Giáo Hội. Thật là một quan niệm sai lầm. Rõ ràng chính gia đình là môi trường đầu tiên để các trẻ em học biết thế nào là “thông dự vào lời hứa của Đức Giêsu Kitô qua Tin Mừng” (Ep 3, 6). Như Công Đồng Vatican II nêu rõ: “Các đôi vợ chồng Kitô giáo là những người cộng tác với ơn thánh và là nhân chứng đức tin đối với nhau, cũng như đối với con cái và những phần tử khác trong gia đình của họ. Chính họ là những người đầu tiên phải rao truyền và giáo dục đức tin cho con cái mình. Bằng lời nói và gương sáng họ huấn luyện con cái sống đời Kitô giáo và làm việc tông đồ. Họ thận trọng giúp đỡ con cái trong việc lựa chon ơn kêu gọi, và nếu thấy chúng có ơn kêu gọi sống đời linh mục hay đời sống thánh hiến, họ tận tình nuôi dưỡng ơn gọi ấy.” (SL Tông Đồ Giáo Dân 11)

Gia đình Kitôhữu là mảnh đất đầu tiên để các ơn gọi nẩy mầm và phát triển. Đó là một chủng viện hay một tập viện cho trẻ em. Chúng ta hãy dứt bỏ quan niệm sai lầm rằng Kitô giáo chỉ là một cái gì đóng khung bên trong cánh cổng nhà thờ. Bất cứ gì diễn ra trong phụng vụ cần phải được chuyển hóa vào đời sống hằng ngày. Gia đình phải là nơi sống phụng vụ. Để rồi, sự sống trong Đức Kitô sẽ lớn lên và trưởng thành dưới mái nhà của mỗi gia đình. Khi ấy, gia đình mới đích thực là một diễn tả chính Giáo Hội.

– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –

Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác

LIFT UP YOUR HEARTS

Daily Meditations by Pope John Paul II

+++++++++++++++++

Lời Chúa Trong Gia Đình

Ngày 13/01

1Sm 9, 1-4. 10c. 17-19; 10,1; Mc 2, 13-17.

Lời Suy Niệm:  Đi ngang qua trạm thu thuế, Người thấy ông Lê-vi là con ông An-phê, đang ngồi ở đó, Người bảo ông: “Anh hãy theo tôi.”  Ông đứng dậy đi theo Người. (Mc 2,14).

          Tin Mừng hôm nay tường thuật lời mời gọi của Chúa Giêsu đối với ông Lê-vi, một người thu thuế. Điều này gợi nhớ cho chúng ta thấy được: Chúa Giêsu thường gọi một người theo Chúa để làm Tông Đồ, khi người đó đang làm một công việc rõ ràng; dù công việc đó xem ra khác thường với quan niệm của con người trần thế; bằng chứng là đối với Lê-vi một người thu thuế; mang tiếng là phản quốc và là kẻ tội lỗi; đã trở thành một Thánh Sử viết Tin Mừng. Với một Phao-lô kẻ đi tìm bắt những Kitô hữu tiên khởi; đã trở thành một Tông Đồ dân ngoại, và viết rất nhiều Sách hướng dẫn đời sống đạo cho mọi thành phần dân Chúa.

          Lạy Chúa Giêsu. Xin cho mỗi người trong chúng con ngày hôm nay có được niềm vui được chọn và được gọi để đem Tin Mừng đến khắp mọi nơi, đến với hết mọi người, từ thành thị cho đến thôn quê, người giàu cũng như khó nghèo. Amen.

Mạnh Phương

+++++++++++++++++

Gương Thánh Nhân

Ngày 13-01: Thánh HILARIÔ

Giám Mục Tiến Sĩ (khoảng 320-368)

Thánh Hilariô chào đời tại Poa-tu (Poitou) Ngài là con một nhà quí tộc làm nghị viên và được giáo dục đầy đủ. Các môn học mà thánh nhân ưa thích là văn chương, thi ca, nhất là triết lý. Việc học tập của Ngài luôn được đào sâu cho tới cùng là Thiên Chúa, Ngài nhận định rằng: hạnh phúc thật của con người không phải bị những thú vui đời này, dù chúng thanh cao đến mấy đi nữa. Trái lại hạnh phúc là được sống cho chân lý ở một cuộc sống khác với cuộc sống tạm trên trần gian này. Ngài nói: – “Tôi khóc lên vì vui sướng mỗi khi nghĩ đến thân xác này chỉ được tiền định để phải chết đi”.

Nhưng làm thế nào mà thánh nhân đã gặp được chân lý, gặp được Thiên Chúa mà các triết gia và các tôn giáo thường nói tới một cách mù mờ ? Chính thánh nhân kể lại cuộc khám phá của mình: – “Từ môi trường ngoại giáo, Chúa đã dẫn đưa tôi tới nguồn sáng chân thực. Giữa bao nhiêu hệ thống triết lý và tư tưởng khác nhau, tôi vẫn ưu tư tìm đến Chúa bằng con đường ngay thật, chắc chắn hữu thể thần linh vĩnh cửu phải là đơn thuần và độc nhất, không có gì là không bắt nguồn tự Ngài, vạn vật đều phải thờ phượng Ngài”.

Xác tín rằng phải có Chúa, Ngài còn suy nghĩ về các phẩm tính thần linh của Chúa.

– “Nếu một công rình vượt quá trí khôn chúng ta, thì nhà nghệ sĩ thần linh còn trổi vượt công trình đó thế nào ? Vậy phải nhận biết rằng, Thiên Chúa tuyệt mỹ và chúng ta chỉ cảm nhận mà chúng ta không thể thấu hiểu nổi”.

Trong khi còn miên man suy nghĩ như vậy. Thánh nhân bỗng gặp được một cuốn kinh thánh. Ngài đọc được đoạn văn trên Chúa hiện ra với Môsê và tự bày tỏ: “Ta là Đấng hiện hữu”.

Ngài sung sướng với khám phá này: – “Tôi vui thỏa với danh hiệu mà Thiên Chúa đã tỏ ra cho Môsê. Thánh danh ấy vừa biểu lộ một quan niệm sâu xa về Thiên Chúa, lại vừa tầm với trí óc con người.

Từ đó thánh nhân say mê nghiên cứu thánh kinh, nhất là các sách tiên tri với những đoạn loan báo về Đấng thiên sai. Trong các sách Tin Mừng, Ngài thích nhất tự ngôn của Tin Mừng theo thánh Gioan. – “Trí tôi học biết và Thiên Chúa vượt quá điều nó dám ước mong… lòng tôi run rẩy bồn chồn vì vui sướng trước giáo thuyết về Thiên Chúa Ba Ngôi và trước lời mời gọi tái sinh nhờ đức tin”.

Thế là thánh nhân đã lãnh nhận phép rửa tội và cảm thấy hạnh phúc lạ lùng. Ngài đã lập gia đình và có được một người con gái. Rồi đây Ngài sẽ đưa cả vợ con về với đức tin. Khi Ngài muốn trở thành linh mục, vợ Ngài chỉ còn gặp lại Ngài tại bàn thánh và coi Ngài như một người anh. Nhân đức và trí khôn ngoại hạng còn đưa Ngài tới chức giám mục cai quản địa phận Pcachie (Poutiers) năm 350.

Lúc ấy lạc giáo Ariô nổi lên như vũ bão trong Giáo hội. Vua Constantiô ủng hộ lạc giáo và tiếp tay cho cuộc bách hại. Thánh Athanasiô bị bắt đi lưu đày. Thánh Hilariô đứng lên lãnh đạo công cuộc bảo vệ đức tin chân chính. Ngài triệu tập một công đồng để lên án hai giám mục theo lạc giáo. Cộng đồng còn cử Ngài đi thương thuyết với nhà vua. Nhưng lòng can đảm của Ngài đã bị trừng phạt bằng cuộc lưu đày năm 356, chấp nhận gian khổ, Ngài tuyên bố:

– “Người ta có thể bắt các giám mục lưu đày, nhưng có thể trục xuất chân lý được không ?”

Cuộc hành trình tới Phrygia nằm ở cuối miền Tiểu Á thật dài và đầy gian khổ. Nhưng thánh nhân đã không hề phàn nàn mà vẫn bình thản sống mật thiết kết hợp với Chúa. Đầy dũng cảm, Ngài vẫn tiếp tục làm rung chuyển thế giới bằng công việc viết lách của mình.

Ngài nói: – “Dầu bị lưu đày, chúng tôi vẫn tiếp tục nói bằng sách vở, bởi vì người ta không thể giam hãm lời Chúa”.

Ngài đã viết 12 khảo luận bàn về Chúa Ba Ngôi, và đưa giáo thuyết chân chính của công giáo với những tư tưởng kinh tế của Hylạp vào thổ ngữ. Ngài tiếp tục điều khiển giáo phận bằng thư tín. Cũng vào thời này, thánh nhân diụ dàng hướng dẫn Ebra, người con gái của mình tới đời sống thánh thện. Một bức thư Ngài viết trong buổi lưu đày còn sót lại có khuyên nhủ nàng tận hiến cho Chúa như sau:

– “Con thân yêu, con là đứa con duy nhất của cha, cha muốn thấy con đẹp nhất và đẹp nhất trong các phụ nữ. Người ta nói với cha về một thanh niên có một viên ngọc quí và một bộ áo quí giá đến nỗi ai mà có được những thứ đó thì sẽ là người giàu có hơn hết mọi người”.

Và thánh nhân kể lại rằng: phải khó khăn lâu ngày, Ngài mới gặp được người thanh niên này để xin Người ban viên ngọc và chiếc áo ấy cho Ebra. Bên chiếc áo này, tuyết hết trắng, không có một vết niơ nào có thể bôi bẩn, không một tai nạn nào có thể xé rách. Còn viên ngọc, không vật nào chịu nổi vể rực rỡ huy hoàng, chẳng bao giờ tàn sắc, ai mang được sẽ hết khổ và không phải chết.

Và Ngài tiếp: – “Đấy là những món trang sức mà cha ước ao, những thứ ban ơn cứu rỗi và hạnh phúc vĩnh cửu”.

Ngài còn gửi cho cô những khúc thánh thi để cô ca nguyện sớm chiều. Ebra sớm theo ước nguyện của người cha nhưng cũng sớm lìa trần.

Bốn năm trôi qua, Hoàng đế cho triệu tập công đồng Sêlêucia. May mắn Ngài cũng được mời dự. Tại đây Ngài đã dùng hết tài hùng biện và trí thông minh để chống lạc giáo, bảo vệ đức tin chân chính. Không chịu nổi ảnh hưởng của Ngài. Bọn theo lạc giáo đã can thiệp để Ngài về quê hương cho rảnh rợ. Thế là năm 360, Đức Giám mục Hilariô được trở về Poa-chi-ê.

Cuộc hồi hương của thánh nhân là niềm vui cho toàn dân chứ không riêng gì cho giáo phận Poa-chi-ê. Thánh Hiêrônumô đã nói: “Toàn dân Gôn (Gaules) ôm hôn vị anh hùng tay mang ngành vạn tuế trở về”.

Trong đoàn người đông đảo đón mừng người cha già, phải kể đến một người lính trẻ tên là Martinô. Lúc ấy Martinô đang sống ẩn dật ở Ganlinaria và sau này sẽ làm thánh giám mục. Ngày về của vị giám mục già cả còn được ghi dấu bằng một phép lạ nhãn tiền. Một bà mẹ khóc lóc ôm một đứa con mới chết gặp Ngài. Bà tha thiết xin thánh nhân cứu sống con mình, ít ra để nó được rửa tội. Cảm tưởng nỗi niềm đau đớn của người thiếu phụ, Ngài quì gối cầu nguyện và da thịt đứa trẻ dần dần đỏ hồng rồi sống lại.

Tuổi già sức yếu nhưng thánh nhân vẫn nhiệt thành chỉnh đốn lại những tàn phá do bè rối gây nên. Lòng nhiệt thành đã đưa Ngài tới tận Milan khiến bọn lạc giáo kinh hoàng và làm áp lực bắt Ngài phải trở lại Poa-chi-ê. Ngày 13 tháng giêng năm 386 Ngài đã qua đời. Người ta kể lại rằng: lúc thánh nhân tử trần, một luồng chói chang khắp phòng.

Ngày 10 tháng giêng năm 1852, theo lời thỉnh cầu của nhiều vị giám mục. Đức giáo hoàng phong Ngài lên bậc Tiến sĩ Hội Thánh. Ngài là vị thánh tiến sĩ đầu tiên ở Gôn.

(daminhvn.net)

+++++++++++++++++

13 tháng Giêng

 Tiếng Chó Sủa

 Những người có chức vụ và quyền hành trong bất cứ xã hội nào cũng thường bị chỉ trích và chống đối.

 Có một nhà lãnh đạo quốc gia kia thường bị những người đối lập tấn công và thóa mạ một cách bất công, nhưng lúc nào ông ta cũng tỏ ra bình thản như không có gì xảy ra. Một hôm, có người bạn hỏi lý do tại sao ông có thể tỏ ra bình tĩnh được trước không biết bao nhiêu khiêu khích của người khác, ông đã giải thích như sau:

 “Tôi đã học được bí quyết giữ bình tĩnh ngay từ lúc nhỏ. Chúng tôi sống bên cạnh một nhà láng giềng có nuôi một con chó khó tính. Cứ mỗi lần trăng tròn, con chó lại sủa một cách giận dữ vô căn cứ, có khi cơn sủa của nó kéo dài đến cả tiếng đồng hồ. Tất cả những người xung quanh đều tỏ ra bực bội đối với con vật khó tính ấy, chỉ trừ có người chủ của nó. Oâng không bao giờ tỏ ra bực bội, bởi vì ông ta là một người điếc.

 Tất cả bí quyết của tôi nằm ở đó. Trăng sáng, con chó sủa. Một lúc sau, nó lại mỏi mệt và thôi sủa mặc dù trăng vẫn cứ sáng”.

 Kiên nhẫn chịu đựng thường bị xem như một thể hiện của tính thụ động, tiêu cực. Có người còn gọi đó là nhân đức của người nghèo. Thế nhưng, trong cuộc sống, nhất là trong hoàn cảnh hiện tại, có lẽ chúng ta cần đến nhân đức này hơn bao giờ hết.

 Thiên Chúa là đấng kiên nhẫn. Kiên nhẫn vẫn là nét đặc thù trong công trình sáng tạo của Ngài. Chúng ta có biết rằng trái đất của chúng ta có bao nhiêu tuổi chưa? Các nhà địa chất nói với chúng ta rằng trái đất đã được cấu tạo qua từng thời kỳ kéo dài đến cả triệu triệu năm. Ðịa chất học quả thực là môn học của sự kiên nhẫn của Thượng Ðế. Thiên Chúa luôn tỏ ra kiên nhẫn đối với con người. Toàn bộ Cựu Ước là một quyển ký lục về những nhẫn nhục chịu đựng của Thiên Chúa đối với sự yếu đuối, khờ dại cũng như hung bạo của con người. Ngài phải chờ đợi đến cả trăm năm để cho lụt Hồng Thủy trút xuống trên con người. Ngài chờ đợi đến cả mười năm mới trừng phạt vua Saolô.

 Tân Ước lại càng cho chúng ta cảm nhận được bằng xương thịt. Tình yêu thương nhẫn nhục, chịu đựng của Thiên Chúa. Chúng ta hãy chiêm ngắm sự nhẫn nhục của Chúa Giêsu đối với các môn đệ, đối với kẻ thù của Ngài và nhất là đối với đám đông nghèo khổ, lạc lõng. Nhưng nhất là những đau khổ, bách hại mà chính bản thân mình gánh chịu, Chúa Giêsu chỉ biết giữ thinh lặng, thinh lặng không phải của căm hờn, oán trách mà là của yêu mến, tha thứ cho đến cùng.

(Lẽ Sống)

++++++++++++++++++

Lời Chúa Mỗi Ngày

Thứ Bảy – Tuần 1 – TN2

Bài đọc: I Sam 9:1-4, 17-19, 10:1a; Mk 2:13-17.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Công hiệu của Lời Chúa

Theo truyền thống Do-Thái, một khi lời nói phát xuất từ miệng một người, nó có thể hiện hữu cách độc lập. Nó không chỉ là một âm thanh với một ý nghĩa, nó còn có một năng lực thoát ra để hoàn thành ý định của người nói. Ví dụ, biết bao việc làm là hậu quả của những lệnh truyền của vua chúa và các vĩ nhân trên thế giới. Điều này càng đúng hơn với Lời Chúa. Theo tiên-tri Isaiah: “Cũng như mưa với tuyết sa xuống từ trời không trở về trời nếu chưa thấm xuống đất, chưa làm cho đất phì nhiêu và đâm chồi nẩy lộc, cho kẻ gieo có hạt giống, cho người đói có bánh ăn, thì lời Ta cũng vậy, một khi xuất phát từ miệng Ta, sẽ không trở về với Ta nếu chưa đạt kết quả, chưa thực hiện ý muốn của Ta, chưa chu toàn sứ mạng Ta giao phó” (Isa 55:10-11).

Các Bài Đọc hôm nay đặt trọng tâm trong việc đề cao sự quan trọng của Lời Chúa. Trong Bài Đọc I, năm chẵn, Thiên Chúa chọn ông Saul để làm vị vua đầu tiên của Israel, và Ngài xếp đặt mọi sự để ông ngôn-sứ Samuel gặp và xức dầu phong vương cho ông. Trong Phúc Âm, Lời của Chúa Giêsu có sức hấp dẫn một người thu thuế như Matthew, làm cho ông bỏ dĩ vãng và sự nghiệp thu thuế, để trở nên một Tông-đồ và một Thánh-ký nhiệt thành của Chúa Giêsu.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I (năm chẵn): Đức Chúa đã xức dầu tấn phong ông làm người lãnh đạo cơ nghiệp của Người.

1.1/ Thiên Chúa chọn Saul làm vua đầu tiên của Israel: Nhìn lại cách chọn người lãnh đạo của Thiên Chúa, chúng ta thấy Ngài không theo cách chọn lựa của con người. Con người thường có khuynh hướng chọn người trong những dòng tộc quan trọng, Thiên Chúa chọn Saul từ dòng dõi Benjamin, một dòng tộc nhỏ nhất trong 12 chi tộc của Israel. Khi chọn David để thay thế Saul cũng thế, Thiên Chúa không chọn các người con lớn và khỏe mạnh của ông Jesse; nhưng lại chọn David, người con út là đứa chăn chiên đang ở ngoài đồng.

Sau khi đã chọn lựa, Ngài quan phòng để ngôn-sứ Samuel có cơ hội gặp Saul bằng việc mất các con lừa. Vì chuyện mất lừa, nên ông Kish, cha ông Saul, sai con ông đi tìm lừa: “Con hãy đem một trong các người đầy tớ đi với con và lên đường đi tìm lừa.” Ông Saul đi qua miền núi Ephraim, rồi đi qua đất Shalishah, mà không tìm thấy. Họ đi qua đất Saalim: cũng không thấy gì. Ông đi qua đất Benjamin, mà không tìm thấy. Khi thấy trời đã tối, Saul muốn quay trở về nhà để cha mình khỏi mong mỏi; nhưng người đầy tớ thúc giục ông đi vào thành trước mặt để vấn ý thầy thị kiến cho biết những con lừa cái thất lạc hiện đang ở đâu.

1.2/ Ông Samuel xức dầu phong vương cho Saul: Cùng lúc ấy, Thiên Chúa cũng mặc khải cho ông Samuel trong một thị kiến, về người mà Ngài đã chọn để làm vua đầu tiên của Israel (I Sam 9:16). Khi ông Samuel thấy ông Saul thì Đức Chúa mách bảo ông: “Đây là người mà Ta đã nói với ngươi: chính nó sẽ cai trị dân Ta.”

Khi ông Saul lại gần ông Samuel ở giữa cửa thành và nói: “Xin ông làm ơn cho tôi biết nhà thầy thị kiến ở đâu.” Ông Samuel trả lời ông Saul rằng: “Tôi là thầy thị kiến đây. Ông hãy lên nơi cao, trước mặt tôi. Các ông sẽ dùng bữa với tôi hôm nay. Sáng mai tôi sẽ để cho ông đi và sẽ nói cho ông biết tất cả những gì đang làm ông bận tâm.”

Hôm sau, ông Samuel dậy sớm để tiễn Saul lên đường; và trên đường đi, ông Samuel lấy lọ dầu và đổ trên đầu ông Saul, rồi hôn ông và nói: “Chẳng phải Đức Chúa đã xức dầu tấn phong ông làm người lãnh đạo cơ nghiệp của Người sao?” Và ông Samuel cũng cho ông Saul biết về chuyện những con lừa cái đã được cha ông tìm lại được.

Qua sự quan phòng kỳ diệu này cho chúng ta thấy tất cả tiến trình chọn người và phong vương được xếp đặt bởi Thiên Chúa. Saul không biết và cũng không có ý định trở thành vua. Khi Thiên Chúa đã chọn ai, Ngài sẽ xếp đặt mọi sự để việc ấy thành sự.

2/ Phúc Âm: Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi.

2.1/ Chúa Giêsu gọi Lêvi, người thu thuế: “Đi ngang qua trạm thu thuế, Người thấy ông Lêvi là con ông Anphê, đang ngồi ở đó. Người bảo ông: “Anh hãy theo tôi!” Ông đứng dậy đi theo Người.”

Người Do-Thái quan niệm: người thu thuế như ông Lêvi là người tội lỗi công khai, vì đã toa rập với nước ngòai để bóc lột dân chúng. Họ bị ngăn cấm không cho vào Đền Thờ, và được xếp hạng cùng với hàng đĩ điếm và trộm cướp. Chúa Giêsu không những chọn Matthew, mà còn công khai dùng bữa với các người thu thuế khác tại nhà ông. Thái độ của Matthew rất anh hùng và dứt khoát, vì một khi đã bỏ nghề thu thuế là ông đã mất tất cả về phương diện vật chất. Nhưng bù lại, ông đã nhận được rất nhiều về phương diện tinh thần: bình an vì từ nay không còn bị khinh thường, trở thành Tông-đồ, và trở thành Thánh-sử để loan báo Tin Mừng của Chúa.

2.2/ Xung đột ý kiến giữa Chúa Giêsu và Nhóm Biệt-phái: Có hai phản ứng chính trong cuộc trở lại của Matthew:

(1) Những kinh-sư thuộc nhóm biệt-phái: Thấy Người ăn uống với những kẻ tội lỗi và người thu thuế, thì nói với các môn đệ Người: “Sao! Ông ấy ăn uống với bọn thu thuế và quân tội lỗi!” Họ có lý phần nào khi kết tội Chúa Giêsu, vì như quan niệm của cha mẹ Việt-nam “gần mực thì đen, gần đèn thì rạng.” Nhưng quan niệm này không thể áp dụng cho Đức Kitô, vì Ngài đến để chinh phục và mang con người về cho Thiên Chúa.

(2) Đức Giêsu nói với họ: “Người khoẻ mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần. Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi.” Ngược lại với cách cư xử của con người, Thiên Chúa không giữ quá khứ tội lỗi của con người; trái lại Ngài không ngừng kêu gọi con người từ bỏ quá khứ tội lỗi để hướng về tương lai. Như một bác sĩ rành nghề, Chúa Giêsu biết Ngài có thể chữa bệnh cho Matthew, và dùng những tài năng sẵn có của ông cho việc rao giảng Tin Mừng.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

– Lời Chúa có sức để làm hiện thực những chuyện không thể đối với con người. Chúng ta đừng bao giờ khinh thường hiệu quả của Lời Chúa.

– Lời Chúa có uy quyền thay đổi những tâm hồn tội lỗi thành thánh thiện. Khi chúng ta quyết định áp dụng Lời Chúa trong cuộc đời, chúng ta sẽ gặt hái những kết quả mà chúng ta không bao giờ nghĩ có thể đạt được.

– Chúng ta phải dành địa vị quan trọng cho Lời Chúa trong cuộc đời, được chứng tỏ qua việc chúng ta dành thời gian, cố gắng khắc phục khó khăn, và thực thi Lời Chúa.

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

****************