Ngày thứ bảy (14-11-2020) – Trang suy niệm

13/11/2020

Lời Chúa Hôm Nay

Thứ Bảy Tuần XXXII Mùa Thường Niên Năm chẵn

BÀI ĐỌC I: 3 Ga 5-8

“Vậy chúng ta phải tiếp đãi những người như thế, để chúng ta cũng được cộng tác với những người hoạt động cho chân lý”.

Trích thư thứ ba của Thánh Gioan Tông đồ.

Ông Gai-ô thân mến, xin ông cứ trung tín làm những gì ông đã thi hành cho các anh em, mặc dầu họ là ngoại kiều. Họ đã chứng minh lòng bác ái của ông trước mặt cộng đoàn; ông nên rộng rãi tiễn họ lên đường sao cho xứng đáng với Chúa. Vả chăng, chính vì danh Chúa, họ đã lên đường mà không nhận lãnh gì của dân ngoại. Vậy chúng ta phải tiếp đãi những người như thế, để chúng ta cũng được cộng tác với những người hoạt động cho Chân lý. Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 111, 1-2. 3-4. 5-6

Đáp: Phúc đức thay người tôn sợ Chúa (c. 1a).

Xướng:

1) Phúc đức thay người tôn sợ Chúa, người hết lòng ham mộ luật pháp của Ngài. Con cháu người sẽ hùng cường trong đất nước: thiên hạ sẽ chúc phúc cho dòng dõi hiền nhân. – Đáp.

2) Trong nhà người có tài sản phú quỳ, và lòng quảng đại người còn mãi muôn đời. Trong u tối người xuất hiện như sự sáng soi kẻ lòng ngay, người nhân hậu, từ bi và công minh. – Đáp.

3) Phúc đức cho người biết xót thương và cho vay, biết quản lý tài sản mình theo đức công bình. Cho tới đời đời người sẽ không nao núng: người hiền đức sẽ được ghi nhớ muôn đời. – Đáp.

ALLELUIA: 2 Tm 1, 10b

Alleluia, alleluia! – Đấng Cứu Chuộc chúng ta là Đức Giêsu Kitô đã dùng Tin Mừng mà tiêu diệt sự chết, và chiếu soi sự sống. – Alleluia. 

PHÚC ÂM: Lc 18, 1-8

“Thiên Chúa sẽ minh xử cho những kẻ Người tuyển chọn hằng kêu cứu với Người”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ một dụ ngôn, dạy các ông phải cầu nguyện luôn, đừng ngã lòng mà rằng:

“Trong thành kia, có một vị thẩm phán không kính sợ Thiên Chúa, cũng không kiêng nể người ta. Trong thành đó lại có một bà goá đến thưa ông ấy rằng: ‘Xin ông minh oan cho tôi khỏi tay kẻ thù’. Trong một thời gian lâu dài, ông không chịu, nhưng sau đó ông nghĩ rằng: ‘Mặc dầu ta không kính sợ Thiên Chúa, mà cũng chẳng kính nể người ta, nhưng vì bà goá này cứ quấy rầy ta mãi, nên ta sẽ xử cho bà ấy, kẻo bà ấy đến mãi làm ta nhức óc’ “.

Rồi Chúa phán: “Các con hãy nghe lời vị thẩm phán bất lương nói đó. Vậy Thiên Chúa lại không minh xử cho những kẻ Người tuyển chọn hằng kêu cứu với Người đêm ngày, mà khoan giãn với họ mãi sao? Thầy bảo các con, Chúa sẽ kíp giải oan cho họ. Nhưng khi Con Người đến, liệu sẽ còn gặp được lòng tin trên mặt đất nữa chăng?”. Đó là lời Chúa.

(thanhlinh.net)

++++++++++++++++++

14/11/2020 – THỨ BẢY TUẦN 32 TN

Lc 18,1-8

VỮNG TIN TRONG CẦU NGUYỆN

“Nhưng khi Con Người ngự đến, liệu Người còn thấy lòng tin trên mặt đất nữa chăng?” (Mc 18,8)

Suy niệm: Phải chăng Chúa Giê-su quá bi quan về nhân loại khi Ngài não nề thốt lên: Trong ngày Ngài lại đến, liệu còn có ai trên mặt đất này đặt niềm tin nơi Ngài không? Ngài thuyết phục chúng ta hãy kiên trì cầu xin bằng cách đưa ra một so sánh hết sức táo bạo để nhấn mạnh tình yêu vô biên của Chúa dành cho dân Người. Thật vậy, một ông quan tòa bất lương, dầu với thái độ “cực chẳng đã”, nhưng cũng đã minh xét cho bà góa liên lỉ nài xin ông; lẽ nào Thiên Chúa, Đấng giàu lòng xót thương, lại không sẵn sàng đón nhận lời kêu xin của con cái mình sao? Nếu Chúa đã nói vậy mà chúng ta vẫn không chịu kiên trì cầu xin Ngài thì quả thật lòng tin của chúng ta đang có vấn đề rồi đó.

Mời Bạn: Con người lắm khi thật mâu thuẫn thất thường. Khi thì cầu xin đủ điều sao cho luôn may mắn theo ý mình; đến lúc không được thỏa mãn như lòng ước nguyện, lại nản chí và không còn cầu nguyện với Thiên Chúa nữa, thậm chí còn kêu trách Ngài và chạy đi khấn vái đủ thứ quỉ thần. Bạn nhớ rằng Chúa là Cha giàu lòng thương xót, luôn muốn ban điều tốt đẹp nhất cho con cái Chúa. Phần bạn hãy luôn kiên trì cầu xin Ngài và xét xem mình có ước muốn điều tốt như ý Chúa muốn hay chỉ tìm kiếm những điều theo ý mình.

Chia sẻ: Bạn có cảm nghiệm gì khi được Chúa ban cho điều bạn cầu xin, và đối chiếu với tâm trạng của bạn khi cầu xin mãi mà không thấy nhậm lời?

Sống Lời Chúa: Dành ít phút hồi tưởng về những ơn lành Chúa đã ban cho bạn trong quá khứ, và dâng lên Chúa lời cảm tạ và tâm tình phó thác.

Cầu nguyện: Đọc kinh Cám Ơn.

(5 Phút Lời Chúa)

++++++++++++++++++

Suy niệm và cầu nguyện

Suy niệm:

Gần đây trong y học, người ta nói đến hội chứng Brugada.
Hội chứng này thường gặp ở nơi nam giới vùng Đông Nam Á.
Nó có thể gây tử vong bất thình lình và nhanh chóng,
cho một người khi ngủ vào ban đêm, dù trước đó anh vẫn khỏe mạnh.
Số người mắc hội chứng có tính di truyền này hiện đang gia tăng.
Đến nay người ta vẫn chưa giải thích được nguyên nhân gây bệnh.
Sống làm người ở đời, con người phải đương đầu với bao bất ngờ.
Những điều tưởng như không thể nào xảy ra được, lại xảy ra.
Những điều đã tính toán rất cẩn thận, lại xảy ra không như ý.
Bệnh tật, rủi ro, tai nạn, và sau cùng là cái chết.
Những cái bất ngờ đến nhanh quá khiến con người không kịp trở tay.
Làm sao ta có đủ bình tĩnh để đón lấy mọi cái bất ngờ trong cuộc sống?

Kitô giáo chờ đợi một bất ngờ,
vì biết bất ngờ đó thế nào cũng đến, chỉ không biết rõ khi nào thôi.
Đó là Ngày Chúa Giêsu trở lại trái đất này
trong tư cách là Vua xét xử cả nhân loại.
Vào buổi đầu, nhiều Kitô hữu tưởng là Ngài sẽ trở lại ngay lập tức.
Nhưng dần dần họ thấy rằng Giáo Hội phải kiên nhẫn chờ đợi.
Chỉ khi chờ đợi điều chắc chắn sẽ xảy ra, tuy không rõ khi nào,
người ta mới không bị hụt hẫng khi biến cố xảy đến.
Giáo Hội đã chờ hai ngàn năm và hôm nay vẫn đang chờ.
Chờ và chuẩn bị cho Ngày Quang Lâm làm nên sức sống của Giáo Hội.
Nhưng chờ đợi lâu dài cũng có thể làm người ta mỏi mòn.
Cuộc sống hàng ngày với nhịp điệu bình thường, đều đặn, êm ả,
có thể cuốn hút ta vào một vòng xoáy khó có lối ra.
Cơn hồng thủy đã bất ngờ ập xuống vào thời ông Nôê,
khi “họ đang ăn, họ đang uống, họ đang cưới vợ, họ đang lấy chồng.”
Dòng chảy tự nhiên ấy bị cắt đứt đột ngột bởi cơn hồng thủy.
Khi Thiên Chúa tiêu diệt thành Xơđôm bằng lửa bởi trời,
thì “họ đang ăn, họ đang uống, họ đang mua, họ đang bán,
họ đang trồng, họ đang xây” (c. 28).
Cuộc sống tưởng như cứ trôi đều, ai ngờ nó phải dừng lại.
Chuyện ăn uống, mua bán, lập gia đình, trồng trọt, xây cất
chẳng phải là điều xấu, cần phải tránh xa hay coi thường.
Nhưng chúng ta không để mình bị ru ngủ
bởi cái nhịp tự nhiên và quyến rũ của chúng.
Người Kitô hữu sống đời thường như mọi người một cách tỉnh táo.
Tận tụy nhưng lại không bị mất hút, hết mình nhưng lại còn chút e dè.

Sống tưng bừng giây phút hiện tại nhưng vẫn nhớ đến điểm tới.
Hai người nằm một giường, hai phụ nữ xay một cối (cc. 34-35),
nhưng số phận chung cuộc của họ lại khác nhau.
Có người được đem đi, có người bị bỏ lại.
Làm sao tôi đừng tiếc đồ đạc mà xuống lấy hay quay trở lại nhà (c. 31)?
Làm sao tôi đừng như vợ ông Lót quay nhìn lại và hóa thành cột muối?

Cầu nguyện:

Lạy Chúa Giêsu,
Chúa đã yêu trái đất này,
và đã sống trọn phận người ở đó.
Chúa đã nếm biết
nỗi khổ đau và hạnh phúc,
sự bi đát và cao cả của phận người.

Xin dạy chúng con biết đường lên trời,
nhờ sống yêu thương đến hiến mạng cho anh em.
Khi ngước nhìn lên quê hương vĩnh cửu,
chúng con thấy mình được thêm sức mạnh
để xây dựng trái đất này,
và chuẩn bị nó đón ngày Chúa trở lại.

Lạy Chúa Giêsu đang ngự bên hữu Thiên Chúa,
xin cho những vất vả của cuộc sống ở đời
không làm chúng con quên trời cao ;
và những vẻ đẹp của trần gian
không ngăn bước chân con tiến về bên Chúa.
Ước gì qua cuộc sống hằng ngày của chúng con,
mọi người thấy Nước Trời đang tỏ hiện.

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

(phutcaunguyen.net)

++++++++++++++++++

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên

14 THÁNG MƯỜI MỘT

Tình Yêu Cứu Độ Của Chàng Rể

“Khi thời gian viên mãn, Thiên Chúa sai Con của Ngài đến, sinh bởi người phụ nữ” (Gl 4,4). Khi người Con ấy (là Ngôi Lời vĩnh cửu) được sinh ra bởi người trinh nữ ở Na-da-rét, một sự kết hiệp rất đặc biệt đã được thực hiện: sự kết hiệp giữa thiên tính và nhân tính nơi ngôi vị thần linh của người Con ấy. Chúng ta gọi là ngôi hiệp. Sự kết hiệp này cho thấy tình yêu đặc biệt của Thiên Chúa đối với con người – như được bộc lộ xuyên qua mạc khải. Tình yêu đặc biệt này mang những dáng nét của tình yêu phu phụ, nghĩa là nó giống với thứ tình yêu kết hợp giữa vợ và chồng.

Đây là điểm độc đáo đặc trưng tình yêu của Thiên Chúa dành cho con người, tình yêu mà một số ngôn sứ Cựu Ước đã làm chứng: Isaia, Hôsê, Êdêkien. Theo các vị ngôn sứ này, tình yêu của Thiên Chúa nhắm đến không chỉ một cá nhân, mà nhắm đến toàn thể dân Itraen. Trong Tân ước, Thư Êphêsô cũng khẳng định tương tự: Đức Kitô là Đấng Cứu Chuộc. Nhưng Người là “Hôn Phu của Giáo Hội” và Giáo Hội là Hiền Thê của Người. Tình yêu của Đức Kitô đối với con người vừa có đặc tính cứu chuộc vừa có đặc tính phu phụ.

Theo giáo huấn của Thư Êphêsô, tình yêu phu phụ của Đức Kitô đối với Giáo Hội là nguồn và là mẫu thức cho tình yêu kết hiệp người vợ và người chồng trong một “Mầu Nhiệm Vĩ Đại”, đó là hôn nhân (Ep 5, 32).

Bí Tích Hôn Nhân vừa là hình ảnh thể hiện vừa là sự tham dự vào cuộc hôn phối giữa Đức Kitô và Giáo Hội.

– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –

Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác

LIFT UP YOUR HEARTS

Daily Meditations by Pope John Paul II

+++++++++++++++++

Lời Chúa Trong Gia Đình

NGÀY 14/11

3Ga 1, 5-8; Lc 18, 1-8.

LỜI SUY NIỆM:  “Dẫu rằng ta chẳng kính sợ Thiên Chúa, mà cũng chẳng coi ai ra gì, nhưng mụ góa này quấy rầy mãi, thì ta bênh vực mụ cho rồi, kẻo mụ ấy cứ đến hoài, làm ta nhức đầu nhứt óc”

          Khi giảng dạy cho đám đông, Chúa Giêsu dùng đủ mọi cách để đưa người nghe hiểu những lời Mạc khải, cũng như những giáo huấn của Người. Có những lúc Người dùng cách này hay cách khác hay lặp đi lặp lại với những hình ảnh cụ thể gần gũi với đám đông. Như trong dụ ngôn này không khác gì lắm với dụ ngôn người bạn đến mượn bánh đãi khách qua đêm. Chúa muốn dẫn đưa chúng ta tới với cầu nguyện, cần phải kiên trì và chịu sự thử thách, cuối cùng chúng ta sẽ được Thiên Chúa nhậm lời vì Ngài là Cha của tất cả chúng ta.

          Lạy Chúa Giêsu. Chúa cho chúng con biết muốn đạt được lời cầu xin chúng con phải kiên trì và khẩn thiết. Xin cho mọi thành viên trong gia đình chúng con biết cách cầu nguyện theo điều Chúa đã dạy.

Mạnh Phương

+++++++++++++++++

14 Tháng Mười Một

Tôi Tiếp Tục Cuộc Chơi! 

Mới đây, tại Thụy Sĩ, người ta đã dùng điện thoại để phỏng vấn 1,200 người tại 20 thành phố khác nhau về việc chuẩn bị chết. Câu hỏi được đặt như sau: “Nếu bạn chỉ còn một ngày nữa để sống, bạn sẽ làm gì?”. Kết quả của cuộc thăm dò được phân chia như sau:

– 57% những người được phỏng vấn trả lời rằng họ sẽ sống ngày cuối cùng với gia đình. 12% muốn ở một mình hoặc với bạn bè.

– 26% người đàn ông được hỏi cho biết họ sẽ sống ngày cuối cùng đó với gia đình. 42% khác thích ở một mình hoặc cùng với bạn bè.

– 32% đàn ông lẫn đàn bà muốn được sống với gia đình trong những giây phút cuối đời.

– 6% người đàn ông muốn được sống bên vợ…

Trên đây có lẽ chỉ là những con số không đại diện cho ước muốn hay suy nghĩ của tất cả mọi người. Nhưng xuyên qua kết quả đó, chúng ta cũng có thể đọc được một thái độ chung của con người khi đứng trước sự chết: đó là sự cô đơn…
Cái chết là một chia lìa vĩnh viễn, nhất là với những người thân của chúng ta. Nếu câu hỏi trên đây được đặt ra cho bạn giây phút này đây, bạn sẽ làm gì?

Có lẽ chúng ta còn nhớ chuyện của một vị thánh trẻ khi được hỏi về cách thế chuẩn bị chết…

Giữa một đám trẻ đang chơi đùa, viên giám thị đặt câu hỏi: nếu ngay bây giờ, chúng con biết mình sắp chết, chúng con sẽ làm gì?

Một số trả lời rằng sẽ đi vào nhà thờ cầu nguyện, một số cho biết sẽ đi xưng tội để dọn mình chết lành v.v… Chỉ có một cậu bé điềm nhiên trả lời: “Nếu trong giây lát tôi có chết, tôi cũng sẽ tiếp tục cuộc chơi”.

Có lẽ đó là câu trả lời làm cho viên giám thị ưng ý nhất, bởi vì nếu giải trí lành mạnh là một bẩn phận, thì việc thánh hóa trước tiên phải nằm trong bổn phận hằng ngày.

Nếu chúng tabiết lắng nghe tiếng Chúa trong từng biến cố, nếu chúng ta biết gặp gỡ Chúa trong từng sinh hoạt, nếu chúng ta tiếp xúc với Chúa trong từng giây phút… thì cái chết chỉ là một nối dài của cuộc gặp gỡ đó. Người luôn trung thành với những gặp gỡ trong giây phút hiện tại, sẽ không phải hãi sợ trong cuộc gặp gỡ tối hậu là cái chết.

Chúng ta đang cầu cho các đẳng linh hồn. Giáo Hội kêu mời chúng ta dâng các việc đạo đức và hy sinh để cầu cho họ. Ðó là những việc làm không thể thiếu sót trong nghĩa vụ liên đới của người Kitô. Nhưng còn có một việc làm khác không kém giá trị: đó là sự trung thành của chúng ta trong những bổn phận hằng ngày. Người có niềm tin trưởng thành thực sự, luôn nhìn thấy ý nghĩa và giá trị của những bổn phận vô danh và nhàm chán hằng ngày…

(Lẽ Sống)

++++++++++++++++++

Lời Chúa Mỗi Ngày

Thứ Bảy Tuần 32 TN2

Bài đọc: 3 Jn 5-8; Lk 18:1-8.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Trung thành trong việc cầu nguyện và làm việc bác ái

Con người thời nay làm việc gì cũng mong có kết quả tức khắc: học nghành gì để có việc ngay và kiếm được nhiều tiền dẫu mình không có khả năng về nghành đó, đầu tư vào những gì sẽ sinh lời ngay dẫu có nhiều nguy hiểm mất cả vốn. Thái độ này cũng lan tràn vào các mối liên hệ của con người với nhau và với Thiên Chúa. Con người không còn đủ kiên nhẫn để sửa sai cho mình và cho người khác, họ quyết định ly dị nhanh chóng sau vài ba lần khác biệt ý kiến. Tương tự như thế trong mối liên hệ giữa con người với Thiên Chúa: sau vài lần cầu xin mà không được như ý hay qua một vài đau khổ thử thách, họ mất niềm tin và chấm dứt mối liên hệ với Ngài. Nói tóm, họ không có đủ kiên nhẫn chờ đợi để nhìn thấy kết quả trong tương lai. Nhưng họ quên đi rằng việc gì cũng phải có thời gian của nó, và người thành công là người biết kiên trì chờ đợi và biết vượt mọi khó khăn để đạt đích. Các Bài đọc hôm nay cho chúng ta 2 lời khuyên về việc trung thành. Trong Bài đọc I, Thánh Gioan khuyên các tín hữu phải trung thành trong việc giúp đỡ các nhà truyền giáo. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu dạy các môn đệ phải trung thành trong việc cầu nguyện qua câu truyện bà góa và ông quan tòa.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Trung thành làm việc bác ái.

1.1/ Bổn phận phải giúp đỡ mọi người: Yêu thương Thiên Chúa không chỉ bằng môi miệng, nhưng phải cụ thể hóa bằng những việc bác ái làm cho tha nhân; vì điều gì con người làm cho tha nhân là họ làm cho chính Thiên Chúa (Mt 25). Vì thế, các tín hữu có bổn phận phải giúp đỡ tất cả mọi người, nhất là những người cô thế cô thân. Thánh Gioan khuyên Gaio, cộng sự viên của ngài: “Anh thân mến, anh hành động theo đức tin trong mọi việc anh làm cho các người anh em, dù họ là những người xa lạ.”

Việc bác ái còn giúp con người nhận biết tình thương Thiên Chúa và tin vào Ngài, như Chúa Giêsu đã nói: “Sự sáng của các con cũng phải tỏ hiện để họ nhìn thấy các việc chúng con làm và ngợi khen Cha trên trời.” Mẹ Têrexa thành Calcutta đã đưa không biết bao nhiêu người trở lại với Thiên Chúa qua các việc bác ái Mẹ làm cho các người nghèo khổ khắp nơi trên thế giới, cách riêng tại Ấn-Độ. Thánh Gioan cũng thuật lại lời của một nhân chứng đã nhận sự giúp đỡ từ Gaio: “Họ đã làm chứng về đức bác ái của anh trước mặt Hội Thánh. Anh sẽ làm một việc nghĩa, nếu anh giúp đỡ cho chuyến đi của họ cách xứng đáng trước mặt Thiên Chúa.”

1.2/ Bổn phận phải giúp đỡ các nhà truyền giáo: Chính vì muốn cho mọi người nhận biết Chúa, các nhà truyền gíao đã hy sinh lên đường đi rao giảng Tin Mừng. Làm thế nào để các nhà truyền gíao đi lại và sinh sống nơi đất khách quê người? Họ không thể làm việc để kiếm tiền sinh sống vì nếu muốn có tiền sinh sống, họ có thể ở nơi quê hương của họ để làm việc kiếm tiền. Bổn phận truyền giáo không chỉ là bổn phận của họ, mà là bổn phận của mọi tín hữu. Vì thế, kẻ góp công người góp của, Thánh Gioan khuyên các tín hữu: “chúng ta phải tiếp đón những con người như thế, để cộng tác vào việc truyền bá sự thật.”

2/ Phúc Âm: Trung thành trong việc cầu nguyện

2.1/ Ông quan tòa vô đạo và bà góa quấy rầy: Mục đích tại sao Chúa Giêsu kể cho các môn đệ dụ ngôn này là để dạy các ông phải cầu nguyện luôn, không được nản chí.

(1) Ông quan toà: chẳng kính sợ Thiên Chúa, mà cũng chẳng coi ai ra gì, huống hồ một bà góa nghèo. Một thời gian khá lâu, ông không chịu nghe lời kêu xin của bà góa; nhưng cuối cùng, ông ta nghĩ bụng: “Dầu rằng ta chẳng kính sợ Thiên Chúa, mà cũng chẳng coi ai ra gì, nhưng mụ goá này quấy rầy mãi, thì ta xét xử cho rồi, kẻo mụ ấy cứ đến hoài, làm ta nhức đầu nhức óc.”

(2) Bà góa: Bà là người cô thân cô thế, chẳng có chồng để nương nhờ; vì thế, trở thành mồi ngon cho người khác hãm hại. Bà này đã nhiều lần đến thưa với ông quan tòa: “Đối phương tôi hại tôi, xin ngài minh xét cho.” Bị ông quan tòa từ chối nhiều lần, nhưng Bà không nản chí và nhất định kiên trì xin cho tới khi được.

2.2/ Thiên Chúa yêu thương các con của Ngài: Chúa Giêsu so sánh ông quan tòa vô đạo đó với Cha của Ngài, và bảo đảm sự đáp trả: “Anh em nghe quan toà bất chính ấy nói đó! Vậy chẳng lẽ Thiên Chúa lại không minh xét cho những kẻ Người đã tuyển chọn, ngày đêm hằng kêu cứu với Người sao? Lẽ nào Người bắt họ chờ đợi mãi? Thầy nói cho anh em biết, Người sẽ mau chóng minh xét cho họ.”

Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là Thiên Chúa sẽ ban cho con người tất cả những gì họ xin, vì:

– con người có thể xin những gì có hại cho mình: Con người không nhìn được trước tương lai nên không biết hậu quả của những gì mình xin; ví dụ: việc xin cho trúng số có thể đưa tới tan nát gia đình, hay xin cho được quyền hành có thể đưa con người đến chỗ thiệt mạng.

– con người có thể xin những gì làm hại người khác: chẳng hạn, xin tiêu diệt kẻ thù. Họ quên đi kẻ thù cũng là con của Chúa.

Cách xin tốt nhất là hãy để cho Chúa chọn những gì có lợi cho mình và mọi người. Có một câu truyện kể về một vị vua kia muốn để gia tài lại cho các con của mình. Để dạy cho các con một bài học, Vua cho để những món quà quí giá trong những hộp xấu xí và để những món quà xòang trong những hộp đẹp. Các hòang tử được nhà Vua cho tự ý chọn lựa, và hầu hết chọn những hộp đẹp. Khi đến lượt chàng hòang tử út, anh tần ngần một lúc rồi nói với Vua Cha: “Con không biết chọn, xin cha chọn cho con.” Vua Cha đã chọn phần quà tốt nhất cho con, vì chỉ Vua biết đâu là món quà giá trị nhất.

Sau đó Chúa nói: “Nhưng khi Con Người ngự đến, liệu Người còn thấy lòng tin trên mặt đất nữa chăng?” Đức tin vào Thiên Chúa và vào Đức Kitô là món quà vô giá Thiên Chúa ban cho con người, nhưng để bảo vệ đức tin và làm cho đức tin ngày một tăng trưởng là bổn phận của con người. Để đức tin được tăng trưởng, đau khổ thử thách là điều không thể thiếu. Nếu xin chưa được, con người không được nản chí thất vọng, nhưng càng phải kiên trì xin cho tới khi được.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

– Chúng ta phải học kiên nhẫn chờ đợi và vuợt mọi khó khăn thử thách thì mới có thể thành công trong cuộc đời.

– Chúng ta phải trung thành làm việc lành cho tất cả mọi người, nhất là giúp đỡ các nhà truyền giáo trong việc mở mang Nước Thiên Chúa.

– Chúng ta phải kiên trì trong việc cầu nguyện và xin ơn. Thiên Chúa có thể thử thách không ban ngay để chúng ta có thời giờ nhìn ra giá trị của điều đang xin, hay Ngài có thể ban cho chúng ta điều khác tốt hơn nếu Ngài thấy điều chúng ta xin không có lợi sau này. 

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

****************