Ngày thứ bảy (15-10-2022) – Trang suy niệm

14/10/2022

Lời Chúa Hôm Nay

Thứ Bảy Tuần XXVIII Mùa Thường Niên Năm chẵn

BÀI ĐỌC I: Ep 1, 15-23

“Thiên Chúa tôn Đức Kitô làm đầu toàn thể Hội Thánh là thân thể Ngài”.

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Êphêxô.

Anh em thân mến, khi nghe biết lòng tin của anh em đối với Chúa Giêsu, và lòng mến của anh em đối với hết thảy các thánh, tôi không ngừng tạ ơn Chúa cho anh em, khi nhớ đến anh em trong kinh nguyện. Xin Thiên Chúa của Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, là Cha vinh hiển, ban cho anh em thần trí khôn ngoan và mạc khải, để nhận biết Người. Xin cho mắt tâm hồn anh em được sáng suốt, để anh em biết thế nào là trông cậy vào ơn Người kêu gọi, thế nào là sự phong phú gia nghiệp vinh quang nơi các thánh, và thế nào là quyền năng vô cùng lớn lao của Người đối với chúng ta, là những kẻ tin, chiếu theo hành động của sức mạnh quyền năng Người, công việc mà Chúa đã thực hiện trong Đức Kitô, tức là làm cho Ngài từ cõi chết sống lại, và đặt Ngài ngự bên hữu mình trên trời, vượt trên mọi cấp trật, các lãnh thần, quyền thần, dũng thần, và quản thần, vượt trên mọi danh hiệu được xưng hô cả đời này lẫn đời sau.

Chúa khiến mọi sự quy phục dưới chân Ngài, và tôn Ngài làm đầu toàn thể Hội Thánh là thân thể Ngài, và là sự sung mãn của Đấng chu toàn mọi sự trong mọi người. Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA:  Tv  8, 2-3a. 4-5. 6-7

Đáp: Chúa đã đặt Con Chúa cai trị các công trình tay Chúa tác thành (c. 7).

Xướng:

1) Lạy Chúa, lạy Chúa chúng con, lạ lùng thay danh Chúa khắp nơi hoàn cầu! Chúa đã nâng cao oai nghiêm Ngài trên cõi trời xanh. Từ miệng thiếu nhi và trẻ con đang bú sữa. – Đáp.

2) Khi con ngắm cõi trời, công cuộc tay Chúa tạo ra, vầng trăng và muôn tinh tú mà Chúa gầy dựng, thì nhân loại là chi mà Chúa nhớ tới? Con người là chi mà Chúa để ý chăm nom? – Đáp.

3) Chúa dựng nên con người kém thiên thần một chút, Chúa trang sức con người bằng danh dự với vinh quang; Chúa ban cho quyền hành trên công cuộc tay Ngài sáng tạo. Chúa đặt muôn vật dưới chân con người. – Đáp.

ALLELUIA:  Gc 1, 18

Alleluia, alleluia! – Do ý định của Thiên Chúa, Người đã sinh chúng ta bằng lời sự thật, để chúng ta nên như của đầu mùa các tạo vật. – Alleluia.  

PHÚC ÂM:  Lc 12, 8-12

“Trong giờ ấy, Thánh Thần sẽ dạy các con phải nói thế nào”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Hễ ai xưng nhận Thầy trước mặt người đời, thì Con Người cũng sẽ xưng nhận nó trước mặt các thiên thần của Thiên Chúa; nhưng ai chối bỏ Thầy trước mặt người đời, thì sẽ bị chối bỏ trước mặt thiên thần của Thiên Chúa. Và hễ kẻ nào nói phạm đến Con Người, thì nó sẽ được tha. Nhưng kẻ nào nói phạm thượng đến Thánh Thần, thì sẽ không được tha.

“Khi người ta điệu các con vào các hội đường, đến trước mặt vua quan và chính quyền, các con chớ lo lắng phải thưa làm sao, hay phải nói thế nào, vì trong giờ ấy, Thánh Thần sẽ dạy các con phải nói thế nào”. Đó là lời Chúa.

(thanhlinh.net)

++++++++++++++++++

15/10/2022 – THỨ BẢY TUẦN 28 TN

Th. Tê-rê-xa Giê-su, trinh nữ, tiến sĩ HT

Lc 12,8-12

TỘI PHẠM ĐẾN THÁNH THẦN

“Ai nói phạm đến Thánh Thần, thì sẽ chẳng được tha.” (Lc 12,10)

Suy niệm: Cả ba Phúc âm Mác-cô, Mát-thêu và Lu-ca đều nhắc đến tội phạm đến Thánh Thần, thứ tội chẳng có thể được tha. Vậy tội ấy nặng nề thế nào mà không thể được tha? Thánh Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II đã nói: “Tội phạm đến Chúa Thánh Thần không phải chỉ đơn thuần xúc phạm đến Người bằng lời nói mà hệ tại ở việc chối từ nhận lãnh ơn cứu chuộc mà Thiên Chúa ban cho con người qua Chúa Thánh Thần hoạt động qua quyền năng của Thánh Giá” (Tông Thư “Dominum et Vivificantem” (Chúa là Đấng ban sự sống). Như thế có thể nói rằng: tội phạm đến Thánh Thần là tội từ chối lòng thương xót của Thiên Chúa, không đón nhận ơn tha thứ nhờ cái chết của Đức Ki-tô trên Thánh Giá. Người không muốn được tha thứ thì làm sao Thiên Chúa có thể tha thứ cho người đó được.

Mời Bạn: Tội phạm đến Thiên Chúa là quá lớn, đến nỗi không ai có thể tha thứ được. Thế nhưng lòng thương xót của Thiên Chúa còn lớn hơn vì Ngài đã cho Con Một Ngài chịu chết để đền bù tẩy xoá mọi tội lỗi đó. Ơn tha thứ đó đã dành cho bạn. Chỉ cần bạn tin vào lòng thương xót bao dung của Chúa và bạn thật lòng sám hối hoán cải, trở về hoà giải với Ngài là bạn nhận được ơn tha thứ đó. Bạn đừng để mình rơi vào hố sâu tuyệt vọng chối từ được tha thứ là chối từ Chúa Thánh Thần.

Sống Lời Chúa: Đọc thánh vịnh 50.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, chúng con là con người yếu đuối tội lỗi. Xin cho chúng con đừng bao giờ thất vọng vì tội lỗi của mình, nhưng luôn tin tưởng vào tình yêu thương xót của Chúa. Nhờ đó, chúng con biết chạy đến với Chúa để đón nhận ơn tha thứ. Amen.

(5 Phút Lời Chúa)

++++++++++++++++++

Suy niệm và cầu nguyện

Suy niệm:

Người ta thường nói giữ đạo tại tâm.
Đức Giêsu hôm nay đòi ta phải tuyên xưng Ngài trước mặt người đời,
nghĩa là tuyên xưng một cách công khai, không giấu diếm.
Các thánh tử đạo Việt Nam ngày xưa đã có kinh nghiệm đó.
Chỉ cần bước qua thập giá là coi như chối bỏ niềm tin vào Đức Giêsu.
Không bước qua thập giá là cử chỉ tuyên xưng đức tin rõ ràng nhất.
Một đoàn người đông đúc đã sẵn lòng chịu muôn vàn khổ hình,
nhưng quyết không bước qua thập giá.

Phêrô đã có kinh nghiệm về sự công khai chối bỏ Thầy (Lc 22, 57).
Ông bảo mình không biết Thầy, không phải là người đã ở với Thầy,
đã theo Thầy như một môn đệ và như một người bạn.
Đơn giản là ông sợ bị liên lụy, sợ chịu chung số phận của Thầy.
Xưa nay chẳng ai tuyên xưng Đức Giêsu mà không phải trả giá.
Tuyên xưng bằng cách không bước qua thập giá như hồi xưa,
hay tuyên xưng bằng cách bước qua những mời mọc thời nay,
Coi nhẹ những gì thế gian mê đắm và ưa chuộng,
như khoái lạc, địa vị, quyền lực, giàu sang.
Phêrô đã bất ngờ và dễ dàng sa ngã.
Nhưng Đức Giêsu đã cầu xin để ông được đứng lên (Lc 22, 32).

Sau này, Phêrô sẽ có kinh nghiệm khác về việc công khai tuyên xưng.
Đó là lúc ông và Gioan bị đem ra trước Hội Đồng Do Thái (Cv 4, 8)
sau khi đã chữa một người bất toại ở cửa Đền thờ.
Phêrô được đầy tràn Thánh Thần, đã mạnh dạn làm chứng về Đức Kitô.
Hội Đồng kinh ngạc trước sự bạo dạn của ông,
vì biết ông là người ít học, quê mùa (Cv 4, 13).
Bạo dạn là nét của cộng đoàn sơ khai, khi đứng trước đe dọa (Cv 4, 29).
“Chớ lo lắng phải biện hộ làm sao hay phải nói gì,
vì Thánh Thần sẽ dạy các ông ngay giờ đó về điều phải nói” (cc. 11-12).
Không sợ và không lo,
đó là thái độ của người Kitô hữu trưởng thành trước nghịch cảnh.

Đừng phạm thượng đến Thánh Thần, vì sẽ không được tha (c. 10).
Xúc phạm đến Thánh Thần là cứ ngoan cố,
khăng khăng chống lại tác động của Ngài trong đời ta.
Những mời gọi của Thánh Thần bị bóp chết ngay từ đầu.
Một người dứt khoát từ chối Thánh Thần là từ chối chính Thiên Chúa.
Người ấy không có sự mở ra sẵn sàng để đón nhận.
Người ấy không được tha thứ, đơn giản vì không muốn nhận ơn ấy.

Xin cho chúng ta nhận được sự nâng đỡ của Thánh Thần
để làm chứng cho Giêsu giữa lòng thế giới.
Và xin cho ta chấp nhận cái giá phải trả cho một tình yêu tín trung.

Cầu nguyện:

Lạy Chúa Giêsu, vị tử đạo tuyệt vời,
Chúa đưa chúng con vào thế giằng co liên tục.
Chúa vừa chọn chúng con ra khỏi thế gian,
lại vừa sai chúng con vào trong thế gian đó.
Thế gian này vàng thau lẫn lộn.
Có khi vàng chỉ là lớp mạ bên ngoài.

Xin cho chúng con giữ được bản lãnh của mình,
giữ được vị mặn của muối,
và sức tác động của men,
để đem đến cho thế gian
một linh hồn, một sức sống.

Chúng con chẳng sợ mình bỏ đạo,
chỉ sợ mình bỏ sống đạo
vì bị quyến rũ bởi bao thú vui trần thế.

Xin cho chúng con đừng bao giờ quên rằng
chúng con mang dòng máu của các vị tử đạo,
những người đã đặt Chúa lên trên mạng sống.

Lạy Chúa Giêsu, nếu thế gian ghét chúng con,
thì xin cho chúng con cảm thấy niềm vui
của người được diễm phúc nên giống Chúa. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

(phutcaunguyen.net)

++++++++++++++++++

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên

15 THÁNG MƯỜI

Tình Yêu Chúa Kitô Thúc Bách Các Nhà Thừa Sai Bác Ái

Sứ mệnh cứu thế của Đức Giêsu Na-da-rét đã được triển khai ở Ấn Độ, đặc biệt ở Calcutta, bằng một cách thế hết sức hùng hồn, thể hiện một lời chứng đích thực về Thiên Chúa. Đó là một lời chứng làm cho cả thế giới phải thán phục, một chứng tá làm rung động lương tâm nhân loại. Tôi đang muốn nói đến cuộc sống và hoạt động của một người phụ nữ: dù bà không sinh ra ở Ấn Độ, mọi người vẫn gọi bà là Mẹ Têrêsa Calcutta.

Cách đây ít năm, người phụ nữ này đã được tình yêu Chúa Kitô thúc bách để phục vụ Ngài nơi những người khốn khổ và bất hạnh nhất. Mẹ đã bỏ công việc dạy học để thành lập Hội Dòng Thừa Sai Bác Aùi. Qua những công việc phục vụ đầy ấn tượng cho những người nghèo khổ nhất, Mẹ Tê-rê-sa thi hành một cách cụ thể sứ vụ cứu thế của Chúa Giêsu: “mang niềm vui đến cho người nghèo” (Lc 4,18). Mẹ đã trao cho thế giới một bài học đầy khích lệ về lòng trắc ẩn và tình yêu chân thành đối với những ai cần được giúp đỡ. Tấm gương của mẹ đã biểu lộ sức mạnh cứu độ. Tấm gương ấy đang thôi thúc nhiều người nam cũng như nữ thể hiện những chứng tá phục vụ rất anh hùng. Quả thật, tấm gương của Mẹ Tê-rê-sa vẫn còn tiếp tục động viên họ kiên trì phục vụ không mệt mỏi.

– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –

Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác

LIFT UP YOUR HEARTS

Daily Meditations by Pope John Paul II

+++++++++++++++++

Lời Chúa Trong Gia Đình

Ngày 15/10

Thánh Têrêxa Giêsu, trinh nữ

Tiến sĩ Hội Thánh

Ep 1, 15-23; Lc 12, 8-12.

Lời Suy Niệm: “Thầy nói cho anh em biết: phàm ai tuyên bố nhận Thầy trước mặt thiên hạ, thì Con Người cũng sẽ tuyên bố nhận người ấy trước mặt các thiên thần của Thiên Chúa. Còn ai chối bỏ Thầy trước mặt thiên hạ, thì sẽ bị chối trước mặt các thiên thần của Thiên Chúa.”

          Chúa Giêsu đang đòi hỏi ở nơi mỗi một người tín hữu sự trung tín đối với Người, khi đứng trước mọi mọi cám dỗ của mọi sự thử thách, của cải vật chất, uy quyền, tư lợi và mạng sống. Phần thưởng của lòng trung tín là ở Thiên Đàng; Chính nơi đây Ngài sẽ công khai công bố trước các thiên thần của Thiên Chúa: “Đây chính là người thuộc về Ta”

          Lạy Chúa Giêsu. Xin Chúa luôn ban ơn cho chúng con, để chúng con biết khôn ngoan và trung tín với Chúa cho đến trọn đời để ngày sau chúng con được vui hưởng Thiên Đàng với Chúa cùng các thiên thần và các thánh.

Mạnh Phương

+++++++++++++++++

Gương Thánh Nhân

Ngày 15-10: Thánh TÊRÊXA AVILA
Đồng Trinh, Tiến Sĩ Hội Thánh (1515 – 1585)

Sinh ngày 28 tháng 3 năm 1515, Têrêxa là một trong 12 người con của ông Anphong Cpêda, lớn lên tại Avila, vương quốc Castille, miền đất của mộng mơ và của các thánh “. Ngài ham thích đọc các sách dạy sống khổ hạnh và suy gẫm cuộc đời các thánh. Với lòng nhiệt thành, Ngài ngây ngất vì hạnh phúc vĩnh cửu ân thưởng cho những đau khổ của các thánh, cũng như kính sợ những khốn khổ của hoả ngục tồn tại mãi mãi. Ngài đã nói trong run sợ: – Ai có thể chịu nổi cái ý nghĩ như vậy được ?

Mong mỏi được tử đạo, một ngày kia, Ngài lén dẫn cậu em Rodrigue đi về miền dân dữ tợn đang hành hạ các Kitô hữu này. Nhưng mới đi được nửa dặm đường thì ông cậu bắt được và dẫn đưa về nhà. Không tử đạo được, các em sẽ trở thành những nhà ẩn tu. Các em làm những cái hầm và cầu nguyện lâu giờ tại đó. Nhưng rồi một ngày kia, những bức tường nhỏ bằng đá bị sập. Các em nhỏ thánh thiện này thường nhịn ăn để làm việc bác ái.

Năm 13 tuổi, tức năm 1528, Têrêxa mất mẹ, Ngài khấn nài Mẹ Maria là Mẹ. Chuỗi Mân Côi trở thành vịệc sùng kính đặc biệt của Ngài.

Têrêxa có một bản chất ngay thẳng, nhiệt hành và tha thiết mến Chúa. Khoảng 15 tuổi, Ngài lén đọc các truyện kiếm hiệp làm cho Ngài ra mơ mộng, lúc này, Ngài muốn mặc đẹp, xức dầu thơm, lo trang sức và thích được ve vãn. Chị em cho Ngài xinh đẹp. Một cô em họ ngây ngất không muốn rời xa Ngài. Họ nói truyện phiếm với nhau hàng giờ. Têrêxa nói: – Tôi được cứu thoát, chính là vì kính sợ Chúa, điều mà tôi không bao giờ bỏ mất, và vì sợ mất danh dự.

Ngài còn nói: – Tôi đã rất ghê tởm những điều bất lương.

Dầu vậy cha Ngài cũng lo âu và quyết định gởi Ngài học nội trú ở nơi các nữ tu dòng thánh Augustinô. Têrêxa không thích thú gì, nhất là đã không hề muốn rằng sau này mình sẽ là nữ tu. Nhưng Ngài phải vâng lời. Và Ngài sắp tìm lại được lòng đạo đức nhiệt thành của tuổi thơ khi sống gần các bậc thầy này. Hơn khi nào, Ngài khao khát những của cải đời đời. Nhưng đời sống khắc khổ trong tu viện làm Ngài run sợ.

Têrêxa ngã bệnh. Ngài trở về nhà cha và nghe ông cậu nhắc lại rằng mọi sự đời này chỉ là phù vân và sẽ qua mau như chớp. Sau cùng Ngài hiểu rằng: ơn gọi của mình là sống đời tu sĩ. Nhưng những chống đối dữ dội nổi lên trong lòng. Hơn nữa, Ngài phải coi thường những chối từ của cha Ngài. Năm 1536, Ngài vào dòng kín Camelô, sau khi phải chịu đựng cuộc chiến đấu kinh khủng với chính mình: để giã từ nhà cha, Ngài khổ sở đến dộ xương cốt như rã rời và tan nát con tim. Nhưng rồi Ngài đã mạnh mẽ thắng vượt mọi cám dỗ đau khổ.

Têrêxa đã trải qua 27 năm tại tu viện Nhập Thể, là nơi luật lệ được châm chước cho phép giải trí và tiếp khách, Ngài còn phải qua một bước dài trước khi dấn mình vào con đường cực nhọc để xây dựng và cải sửa các dòng tu. Trước hết, sức khỏe của Ngài xem ra không chịu đựng nổi. Bệnh tật, Ngài trở về nhà, các bác sĩ tuyên bố là bất trị, Ngài tín thác vào thánh Giuse và khỏi bệnh sau một cơn ngất trí. Trở lại tu viện, Ngài được chị em yêu mến.

Cách nói chuyện hấp dẫn của Ngài lôi kéo nhiều cuộc viếng thăm. Ngài kể lại:
– Một đàng Chúa gọi tôi, đang khác thì thế gian lôi kéo. Cuộc chiến nội tâm xâu xé tôi.

Ngày kia trong một câu chuyện trần tục, Ngài đã được thị kiến thấy Chúa Giêsu đầy thương tích. Têrêxa thấy đau lòng, nhưng Ngài còn phải chiến đấu nhiều để đạt tới chỗ chỉ yêu các tạo vật trong Chúa và vì Chúa. Trong nhiều năm, Ngài đã trải qua sự khô khan, qua cơn sợ hãi hỏa ngục. Trong vòng 20 năm Ngài đã không tìn ra cha giải tội hiểu được Ngài và muốn bàn về việc thị kiến. Thánh Phanxicô Borgia đã trấn an Ngài.

Sau cùng, các cha giải tội buộc Ngài ghi lại điều đã xảy ra trong tâm hồn. Và thánh nữ, một con người ít học, đã viết nên được những tác phẩm có giá trị, đến nỗi Ngài đã đáng được danh hiệu là Tiến Sĩ Hội Thánh.

Nếu trước hết, sự sợ hãi các khổ cực đời đời đã dẫn Têrêxa vào đường hẹp đưa tới chỗ cứu rỗi thì bây giờ tình yêu Chúa xâm chiếm Ngài như cơn hỏa hào. Các cuộc xuất thần tăng thêm. Ba Ngôi, Đức Trinh nữ, các thiên thần và các thánh hiện ra với Ngài. Ngài được nâng lên khỏi mặt đất và ở nguyên như vậy khi cầu nguyện. Vào tuổi 43, thánh nữ thường thấy Đấng cứu thế và nghe Người nói: – Cha không muốn con nói truyện với loài người, nhưng với các thiên thần.

Một thiên thần dùng giáo đâm thủng tim Ngài và Chúa Giêsu gọi Ngài là hiền thê. Cho tới cuối đời, Ngài đã hiệp nhất với đấng cứu chuộc bị đóng đinh và đã ước được chịu khổ vì Người đến nỗi người ta thường nghe Ngài kêu lên: – Lạy Chúa, hoặc là chết, hoặc là đau khổ.

Ngài tự ràng buộc bởi lời khân anh hùng này, là luôn làm điều thiện hảo hơn, nhưng lại chẳng tỏ ra nhiệm nhặt chút nào, trái lại còn nhanh nhẹn vui tươi duyên dáng tới độ gõ sênh mua vui cho các nữ tu dòng kín Camêlô. Vị nữ tu chiêm niệm này còn tỏ lộ một sự hiểu biết tích cực, một tinh thần thực tiễn sẽ đưa Ngài tới cuộc cải đổi dòng Camelô.

ịnh mệnh đặc biệt sắp đưa Ngài qua mọi chặng đường để thiết lập các tu viện. Trước hết năm 1562, khép mình ở Avila nhưng một nhà mang danh thánh Giuse, là nơi các nữ tu sống trong thinh lặng, nghèo khó, cầu nguyện, chay tịnh, đi chân không trong mọi mùa, Têrêxa ra khỏi nơi này và không ngừng thiết lập, tổ chức những tu viện mới. Hầu như luôn luôn bệnh hoạn, Ngài theo đuổi những cuộc hành trình mệt lả trước sự nóng nung, làm mồi cho các côn trùng tấn công hay những đêm lạnh lẽo mùa đông đã giữ Ngài lại trong những đoạn đường không tên không có nơi trú ẩn. Những cuộc bắt bớ tấn công Ngài. Ngài viết cho một ân nhân: – Cho tiền bạc chẳng là gì, nhưng khi chúng tôi như đến lúc bị ném đá, thì công việc lại trôi chảy.

Và khi mẹ đã vượt thắng mọi ngăn trở và thiết lập các tu viện mới, cơn đau đớn nhức nhối lại đợi chờ Ngài vì phải giã từ con cái yêu dấu để ra đi xây dựng tu viện ở nơi khác. Đây là: – Nỗi thống khổ đớn đau nhất. Tim tôi tan nát đau khổ nghĩ rằng: sẽ không còn gặp lại họ nữa.

Thánh Gioan thánh giá trợ lực, Ngài trải rộng việc canh tân tới các cha dòng Carmes mà Ngài muốn tái lập sự nghiêm ngặt ban đầu, điều gây nên cho Ngài nhiều xôn xao và dường như làm cho Ngài bị cầm tù. Nhà vua và đức giáo hoàng bảo vệ Ngài. Ngài đã thiết lập hơn 30 tu viện. Hoạt động chưa từng nghe thấy của Ngài, những việc thiết lập, những cuộc du hành, những khó khăn vô số… đã không ngăn cản Ngài vui hưởng sự hiện diện của Chúa, kiên trì cầu nguyện, và thường xuất thần, Ngài nói: – Tôi không hiểu tại sao người ta bảo tôi là nhà sáng lập, chính Chúa sáng lập chứ không phải tôi.

Người ta còn nói lại những phép lạ của Ngài, như tăng thêm đống bột để nuôi cả cộng đoàn. Khi đi qua đồng quê, nhiều gia đình lũ lượt xin Ngài ban phép lành.

Giữa các hoạt động lạ lùng, Têrêxa vẫn viết về đời mình mà Ngài gọi là sách các kỳ công của Chúa, và “Lâu Đài Nội Tâm” là nơi tâm hồn Ngài, từng phòng một vươn tới uy linh Chúa. Với sự linh hoạt, Ngài biết dùng vài lời tóm gọn tất cả sự thánh thiện:

– Phải can đảm để trở thành phụ nữ của vua trên trời.

– Đừng lo suy nghĩ nhiều, nhưng là yêu nhiều.

– Ta nhân đức hơn khi liên kết với nhân đức của Chúa, hơn là dính chặt với phận bụi đất của ta.

– Nỗ lực của ta là bắt chước con tằm, xây tổ của ta bằng cách tẩy trừ ích kỷ và thực hiện những việc xám hối cầu nguyện, hy sinh, vâng lời. Thiên Chúa sẽ biến ta thành bướm trắng khi Ngài muốn.

– Quan trọng là biết yêu mến và kính sợ, hai nhân đức vĩ đại.

– Khi bị đau khổ bên ngoài cần chăm lo làm việc bác ái và biết hy vọng vào lòng thương xót của Chúa.

Ngài có chút hài hước trong sự thánh thiện, như lời hóm hỉnh được biết đến nhiều, khi Ngài bị thương ở chân: – Lạy Chúa, sau bao nhiêu phiền muộn lại đến chuyện đó nữa, Cha đối xử với bạn hữu của cha như thế đó…. Vâng lạy Chúa của con, không lạ gì mà Chúa ít bạn.

Lòng Ngài rảo khắp thế giới: – Những người An độ nghèo khổ này làm tôi đổ bao nhiêu là nước mắt.

Têrêxa qua đời tại miền quê ở Albe de Tormès ngày 04 tháng 10 năm 1583. Chính tình yêu quá mức hơn là con bệnh đã đưa tới cái chết của Ngài. Khi đưa Thánh thể vào phòng, Ngài đã ngăn cho Ngài khỏi tung ra khỏi giường. Ngài đã la to: “Lạy Chúa, đến lúc chúng ta gặp nhau rồi”. Và đời đời, Têrêxa đã hiệp nhất với tình yêu.

Ngài được tuyên thánh năm 1628 và ngày 27 tháng 9 năm 1970, Đức giáo hoàng Phaolô VI đã đặt Ngài làm tiến sĩ Hội Thánh .

(daminhvn.net)

+++++++++++++++++

15 Tháng Mười

Người Ðàn Bà “Rất Ðàn Bà”

Hôm nay là ngày kính nhớ thánh nữ Têrêxa Avila.

Vị nữ tiến sĩ hội thánh này đã sống trong một giai đoạn có nhiều xáo trộn nhất đối với Giáo Hội. Thánh nữ chào đời khi cuộc cải cách của người Tin Lành bắt đầu và qua đời khi Công Ðông Trento vừa chấm dứt. Ngài đã được Thiên Chúa ban cho Giáo Hội như một đóa hoa đẹp đẽ nhất giữa những gái góc đang ụp phủ trên Giáo Hội. Nhưng Têrêxa Avila cũng chỉ là một người đàn bà giống như rất nhiều người đàn bà khác. Ðẹp, có nhiều năng khiếu, đảm đang, đa tình… Têrêxa lại là một người đàn bà “rất đàn bà”. Thế nhưng nơi người đàn bà này, người ta thấy có nhiều tương phản: thông minh nhưng lại thực tế; biết nhiều nhưng không xa vời với kinh nghiệm sống; thần bí nhưng lại đầy nghị lực để trở thành một nhà cải cách.

Têrêxa là một người đàn bà hoàn toàn sống cho Chúa, nghĩa là một người đàn bà cầu nguyện, kỷ luật và biết cảm thông. Trái tim của Têrêxa hoàn toàn thuộc về Chúa. Ðã thách thức tất cả mọi chống đối của người cha để gia nhập dòng kín, Têrêxa cũng tiếp tục đương đầu với không biết bao nhiêu chống đối khác khi muốn cải tổ dòng kín. Người đàn bà yếu đuối này chỉ còn một nơi nương tựa duy nhất: đó là Thiên Chúa.

Là một người sống cho Chúa hoàn toàn, Têrêxa cũng hoàn toàn sống cho người khác. Canh tân cuộc sống của mình, Têrêxa cũng không ngừng đi khắp đó đây để giúp người khác canh tân cuộc sống.

Suốt cuộc đời trải qua trong gian lao và thử thách, về cuối đời, Thánh nữ đã thốt lên: “Ôi lạy Chúa, tất cả những ai làm việc cho Chúa đều được đpá trả bằng gian lao, khốn khó. Nhưng cao quý thay phần thưởng dành cho những ai yêu mến Chúa, nếu họ hiểu được giá trị của nó”.

Hiện nay, người ta nói đến rất nhiều thứ giải phóng, trong đó có giải phóng người phụ nữ.

Có lẽ tất cả những ai đang tranh đấu cho nữ quyền nên nhìn vào mẫu gương của thánh nữ Têrêxa Avila. Một người đàn bà đã có thể thực hiện được nhiều việc vĩ đại, nhưng bản chất đàn bà vẫn không hề thay đổi trong con người ấy. Phải chăng người đàn bà có thể đóng trọn vai trò của họ trong Giáo Hội và trong xã hội khi họ biết trung thành với ơn gọi cao cả mà Thiên Chúa đã trao ban qua nữ tính của họ!

Người nữ có phúc nhất trong những người nữ, người nữ cũng đã sống trọn vẹn ơn gọi làm người: đó là Ðức Maria. Bí quyết để người nữ ấy thể hiện trọn vẹn ơn gọi làm người nữ và làm người của mình chính là hai tiếng “Xin vâng”. Thiên Chúa đã tạo dựng con người và đã quy định cho con người một định mệnh: định mệnh đó chính là sống cho Chúa. Ðức Maria, thánh nữ Têrêxa và bao nhiêu vị thánh nam nữ khác, đã thực hiện được định mệnh đó qua một cuộc sống hoàn toàn vâng phục ý Chúa. Chỉ có một sự bình đẳng duy nhất: đó là sự bình đẳng trước mặt Thiên Chúa. Ðức Maria đã minh chứng được sự bình đẳng đó qua sự cộng tác của Mẹ vào công cuộc cứu rỗi của Ðức Kitô.

Trước mặt Chúa, mỗi người chúng ta đều có một chỗ đứng. Không có chỗ đứng nào cao trọng hơn chỗ đứng khác. Hạnh phúc của chúng ta tùy thuộc ở sự đáp trả của chúng ta đối với tiếng gọi của Chúa.

(Lẽ Sống)

++++++++++++++++++

Lời Chúa Mỗi Ngày

Thứ Bảy – Tuần 28 – TN2 – Năm Chẵn

Bài đọc: Eph 1:15-23; Lk 12:8-12.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Vai trò của Chúa Thánh Thần trong đời sống các tín hữu.

         Khi phải đương đầu với những khó khăn sẽ xảy đến trong tương lai, chúng ta sẽ rất lo sợ nếu chúng ta không biết những gì sẽ xảy ra vì không biết phải đối phó thế nào; nhưng nếu chúng ta biết trước phần nào những gì sẽ xảy ra, chúng ta sẽ an tâm hơn vì biết mình sẽ phải làm gì. Khởi đầu Chương 1 của Thư Êphêsô, tác giả muốn cho các tín hữu hiểu rõ mục đích của đời người và chương trình cứu độ của Thiên Chúa, để con người vững dạ an lòng khi phải đối phó với những gì sẽ xảy ra trên thế gian này. Trước khi Thiên Chúa tạo dựng con người, Ngài đã có sẵn một mục đích cho con người là được hưởng hạnh phúc và vinh quang với Người muôn đời. Mục đích này đến từ Thiên Chúa, chứ không đến từ con người; nhưng con người có tự do để đi đến mục đích đó hay không. Khi quỉ dữ cám dỗ con người xa rời mục đích bằng cách bất tuân lệnh truyền của Thiên Chúa, Ngài cũng đã có sẵn một kế hoạch để chuộc tội cho con người qua cái chết của người con một của Ngài là Đức Kitô. Quỉ dữ không thể làm gì để vô hiệu hóa mục đích và kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa. Chúng chỉ có thể cám dỗ những người có tự do muốn đi theo đường của chúng mà thôi. Trong Phúc Âm, Thiên Chúa còn ban cho con người Thánh Thần của Ngài để chiến đấu với những chước cám dỗ của ba thù. Thánh Thần giúp cho con người nhận ra sự thật và tình yêu của Thiên Chúa để con người có thể đáp trả lại tình yêu và làm chứng cho Ngài. Nếu con người biết theo sự hướng dẫn của Thánh Thần, con người sẽ không lạc vào đường sai trái của quỉ dữ. Ngay cả khi phải mang ra trước tòa của thế gian, Thánh Thần như một trạng sư, sẽ giúp con người phải nói và hành xử thế nào cách xứng hợp với địa vị con Thiên Chúa của con người. Ngay cả việc hy sinh mạng sống để tuyên xưng đức tin cũng là việc xứng đáng cần làm cho Thiên Chúa.           

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Vai trò của Chúa Thánh Thần

1.1/ Trong đời sống của các tín hữu: Thánh Thần giúp các tín hữu nhận biết Đức Kitô và những lời giảng dạy của Ngài:

            Đọan văn chúng ta tìm hiểu hôm nay rất khó dịch từ nguyên bản Hy-lạp vì: (1) các tư tưởng nối tiếp nhau, (2) lẫn lộn của chủ từ (Chúa Cha, Chúa Con, hay Chúa Thánh Thần), và (3) việc xử dụng rất nhiều của sở hữu. Vì thế, để hiểu đúng ý tác giả, chúng ta cần chú ý tới cách cấu trúc câu, túc từ trực tiếp, danh từ sở hữu, và túc từ gián tiếp; một đôi khi chúng ta phải hy sinh cách dịp văn chương để bảo đảm sự diễn tả chính xác của tác giả.

            Sau khi tạ ơn Thiên Chúa cho các tín hữu của ngài, Thánh Phaolô cầu xin Thiên Chúa của Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, Người Cha vinh hiển, ban cho các tín hữu 2 điều:

            (1) Ban Thánh Thần của khôn ngoan và của mặc khải để các tín hữu nhận biết Người (Đức Kitô). Nhiều người sẽ tranh luận ở đây nên dịch “pneuma” là thần trí hay là Thánh Thần. Thiết tưởng không quan trọng lắm, vì sứ vụ của Chúa Thánh Thần là tiếp tục sứ vụ của Đức Kitô, Ngài soi sáng cho các tín hữu để họ hiểu những lời giảng dạy và mặc khải của Đức Kitô. Một khi hiểu biết những lời này, họ cũng sẽ hiểu biết và yêu mến Chúa Kitô hơn.

            (2) Soi lòng mở trí các tín hữu để nhận thức 3 điều quan trọng:

            – đâu là niềm hy vọng của ơn gọi mà Người dắt anh em tới: Niềm hy vọng quí giá nhất trong đọan văn hôm qua là được trở nên “nghĩa tử của Thiên Chúa.”

            – đâu là sự phong phú của vinh quang của gia nghiệp Ngài giữa dân thánh: Một khi đã trở nên con là được thừa hưởng gia nghiệp của cha: các ân sủng và cuộc sống đời đời.

            – đâu là sự lớn lao vô cùng của quyền lực của Ngài giữa chúng ta là những người tin, dựa theo hiệu quả của sức mạnh của quyền năng Ngài, mà Người đã biểu dương nơi Đức Ki-tô, khi làm cho Đức Ki-tô trỗi dậy từ cõi chết, và đặt ngự bên hữu Người trên trời: Quyền lực lớn lao nhất của Thiên Chúa là cho Đức Kitô sống lại từ cõi chết. Qua biến cố này, tử thần bị tiêu diệt, tội lỗi con người được tha thứ, con người có thể được hưởng nhan thánh Chúa.

            Để các tín hữu nhận ra những điều này, lại một lần nữa họ phải nhờ Chúa Thánh Thần soi lòng mở trí. Dĩ nhiên, quyền ban là quyền của Chúa Cha, nhưng người thi hành nhiệm vụ là Chúa Thánh Thần. Con người không thể hiểu nổi những lời giảng dạy và mặc khải của Đức Kitô nếu Chúa Cha không ban Thánh Thần và nếu Thánh Thần không soi lòng mở trí.

1.2/ Tương quan giữa Đức Kitô và Hội Thánh: Chiến thắng của Chúa Giêsu đã bảo đảm cho con người tất cả các đặc quyền; nhưng để các đặc quyền này được lan rộng tới mọi người, Chúa Kitô cần sự cộng tác của Hội Thánh. Thư Êphêsô có những lời dạy đặc biệt về Hội Thánh. Trong hai câu cuối cùng hôm nay, Thánh Phaolô cho chúng ta thấy vai trò của Giáo Hội trong Kế Họach Cứu Độ của Thiên Chúa: “Thiên Chúa đã đặt tất cả dưới chân Đức Kitô và đặt Người làm đầu toàn thể Hội Thánh; mà Hội Thánh là thân thể Đức Ki-tô, là sự viên mãn của Người, Đấng làm cho tất cả được viên mãn.”

            Những tư tưởng này cũng được nói tới chi tiết hơn trong Thư Côrintô I: Chúa Kitô là Đầu, Thân Thể là Hội Thánh, mọi người là những chi thể của Thân Thể Đức Kitô. Hội Thánh làm cho Kế Họach Cứu Độ được lan rộng tới mọi người bằng việc tiếp tục rao giảng và cộng tác với Chúa Thánh Thần để làm cho mọi người nhận thức được 3 điều quan trọng nêu trên, để mọi người tuyên xưng đức tin vào Chúa Kitô và xứng đáng lãnh nhận ơn Cứu Độ.

2/ Phúc Âm: Vai trò của Chúa Thánh Thần trong đời sống chứng nhân

2.1/ Cuộc sống của con người ở đời này là để làm chứng nhân cho Thiên Chúa: Cũng giống như những suy luận trên, mục đích của Hội Thánh và của mỗi tín hữu là làm chứng nhân cho Thiên Chúa bằng lời rao giảng và các việc làm. Chúa Giêsu tuyên bố hậu quả của những người chu tòan hay không chu tòan sứ vụ làm chứng nhân: “Thầy nói cho anh em biết: phàm ai tuyên bố nhận Thầy trước mặt thiên hạ, thì Con Người cũng sẽ tuyên bố nhận người ấy trước mặt các thiên thần của Thiên Chúa. Còn ai chối Thầy trước mặt thiên hạ, thì sẽ bị chối trước mặt các thiên thần của Thiên Chúa.”

2.2/ Tội phạm đến Thánh Thần là tội nào? Đối với người Do-Thái và ngay cả đối với chúng ta, sứ vụ của Chúa Thánh Thần là làm cho con người nhận thức được Sự Thật. Tội phạm đến Chúa Thánh Thần là tội từ chối không nghe và theo sự hướng dẫn của Ngài. Trong Tin Mừng của Matthêu và Marcô, cả hai Thánh Ký đều đề cập đến tội phạm đến Chúa Thánh Thần khi người Do-Thái bảo Chúa Giêsu: “Ông ấy nhờ quyền lực của tướng quỉ mà trừ quỉ” (Mt 12:31-32, Mk 3:28-29).

            Tại sao không được tha? Khi con người đã mất sự nhạy cảm về sự thật đến nỗi cho điều thật là sai và cho điều sai là điều thật, hay như một số người Do-Thái, cho Chúa Giêsu là ma quỉ, làm sao họ có thể tin vào Đức Kitô để được hưởng ơn Cứu Độ. Tương tự, một khi con người đã mất hết ý thức về tội lỗi: chẳng còn cho cái gì là tội nữa, thì họ đâu cần để được tha thứ! Vì thế, khi con người từ chối không nghe sự hướng dẫn của Thánh Thần để nhận ra sự thật, con người sẽ không có hy vọng để lãnh nhận ơn Cứu Độ.

2.3/ Vai trò của Chúa Thánh Thần trong đời sống chứng nhân: Chúa Giêsu nói rõ cho các môn đệ về vai trò của Chúa Thánh Thần: “Khi người ta đưa anh em ra trước hội đường, trước mặt những người lãnh đạo và những người cầm quyền, thì anh em đừng lo phải bào chữa làm sao, hoặc phải nói gì, vì ngay trong giờ đó, Thánh Thần sẽ dạy cho anh em biết những điều phải nói.” Thánh Thần được gọi là Trạng Sư trong Tin Mừng Gioan, và nhiệm vụ của Trạng Sư là nói thay cho người bị cáo. Chính sự khôn ngoan và sức mạnh của Thánh Thần đã làm cho những con người yếu đuối và chất phác trở nên những vị tử đạo anh hùng, và lưu truyền cho hậu thế những lời khôn ngoan, bất khuất, và kiên cường.           

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

            – Sứ vụ quan trọng của Chúa Thánh Thần trong Kế Họach Cứu Độ là làm cho con người thấu hiểu những lời giảng dạy và mặc khải của Đức Kitô. Vì thế, chúng ta cần cầu xin với Ngài mỗi khi nghe Lời Chúa để Ngài soi lòng mở trí cho chúng ta.

            – Chúng ta cần lắng nghe sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần để luôn biết tìm hiểu và nhạy cảm với sự thật. Một khi đã khinh thường và mất đi nhạy cảm với sự thật, con người không còn hy vọng được cứu rỗi.

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

****************