Ngày thứ bảy (19-02-2022) – Trang suy niệm

18/02/2022

Lời Chúa Hôm Nay

Thứ Bảy Tuần VI Mùa Thường Niên Năm chẵn

BÀI ĐỌC I: Gc 3, 1-10

“Không ai có thể kiềm chế được cái lưỡi”.

Trích thư của Thánh Giacôbê Tông đồ.

Anh em thân mến, đừng để lắm người trong anh em làm thầy: vì anh em biết rằng do đó, anh em sẽ bị xét đoán nặng hơn. Tất cả chúng ta đã sai lỗi nhiều lần. Nếu ai không sai lỗi trong lời nói, thì là người trọn lành, vì kẻ ấy có thể chế ngự được thân xác mình. Nếu chúng ta tra được hàm thiết vào miệng ngựa để bắt nó tùng phục chúng ta, thì chúng ta cũng có thể điều khiển được cả mình nó. Kìa, cả những chiếc thuyền, tuy to lớn và bị cuồng phong lôi cuốn, mà một bánh lái nhỏ điều khiển chúng theo ý người hoa tiêu. Cũng thế, lưỡi là một chi thể bé nhỏ, nhưng cao rao nhiều điều vĩ đại.

Kìa, một ngọn lửa có là bao, mà đốt cháy cả một khu rừng lớn. Lưỡi cũng là ngọn lửa, là cả một thế giới gian ác. Lưỡi là một trong các chi thể của chúng ta, nó làm hoen ố cả thân xác, được hoả ngục nhen nhúm lên, nó đốt cháy cả cuộc đời chúng ta. Mọi loài cầm thú, muông chim, rắn rít, và cá biển đang và đã bị loài người chế ngự. Nhưng không ai có thể chế ngự được cái lưỡi: một tai hoạ bất trị, và chứa đầy nọc độc giết người. Với cái lưỡi, chúng ta chúc tụng Thiên Chúa là Cha; với cái lưỡi, chúng ta chúc dữ con người đã được tạo thành giống hình ảnh Thiên Chúa. Bởi chính cái miệng mà phát xuất ra vừa lời chúc tụng, vừa lời chúc dữ. Hỡi anh em, đừng để xảy ra như thế. Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 11, 2-3. 4-5. 7-8

Đáp: Phần Ngài, lạy Chúa, xin gìn giữ chúng con (c. 8a).

Xướng:

1) Xin cứu nguy, lạy Chúa! Vì không còn nữa kẻ hiền nhân, không còn nữa sự trung tín giữa con người! Thiên hạ nói với nhau những điều man trá, nói bÄng cặp môi gian giảo, tâm địa nước đôi. – Đáp.

2) Xin Chúa diệt hết các cặp môi gian giảo, mọi cái lưỡi ngoa ngôn, những đứa tự khoe: “Nhờ tấc lưỡi của ta, ta mạnh; cặp môi ta biện hộ cho ta, đối với ta có ai là Chúa?” – Đáp.

3) Lời của Chúa là những lời chân thật, là kim ngân đã thử, bảy lần gạn lọc, hết trơn bụi đất. Phần Ngài, lạy Chúa, xin gìn giữ chúng con, xin bảo vệ chúng con khỏi thế hệ này mãi mãi. – Đáp.

ALLELUIA: Tv 94, 8ab

Alleluia, alleluia! – Ước chi hôm nay các bạn nghe tiếng Chúa và đừng cứng lòng. – Alleluia. 

PHÚC ÂM: Mc 9, 1-12 (Hl 2-13)

“Người biến hình trước mặt các ông”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Khi ấy, Chúa Giêsu đưa Phêrô, Giacôbê, và Gioan đi riêng với Người lên núi cao, và Người biến hình trước mặt các ông, và áo Người trở nên chói lọi trắng tinh như tuyết, không thợ giặt nào trên trần gian có thể giặt trắng đến thế. Rồi Êlia cùng Môsê hiện ra và đàm đạo với Chúa Giêsu. Bấy giờ Phêrô lên tiếng thưa Chúa Giêsu rằng: “Lạy Thầy, chúng con được ở đây thì tốt lắm, chúng con xin làm ba lều, một cho Thầy, một cho Môsê, và một cho Êlia”. Phêrô không rõ mình nói gì, vì các ông đều hoảng sợ. Lúc đó một đám mây bao phủ các Ngài, và từ đám mây có tiếng phán rằng: “Đây là Con Ta rất yêu dấu, các ngươi hãy nghe lời Người”. Bỗng nhìn chung quanh, các ông không còn thấy ai khác, chỉ còn một mình Chúa Giêsu với các ông.

Và trong lúc từ trên núi đi xuống, Chúa Giêsu ra lệnh cho các ông đừng thuật lại cho ai những điều vừa xem thấy, trước khi Con Người từ cõi chết sống lại. Các ông tuân lời căn dặn đó, nhưng vẫn tự hỏi nhau: “Từ trong cõi chết sống lại nghĩa là gì?” Và các ông hỏi Người: “Tại sao các biệt phái và luật sĩ lại nói Êlia phải đến trước đã?” Người đáp: “Êlia phải đến trước để sửa lại mọi sự, và như có lời chép về Con Người rằng ‘Người phải chịu nhiều đau khổ và khinh bỉ’. Vậy Thầy bảo cho các con hay: Êlia đã đến rồi và chúng xử với người mặc ý chúng, như đã chép về người”. Đó là lời Chúa.

(thanhlinh.net)

++++++++++++++++++

19/02/2022 – THỨ BẢY TUẦN 6 TN

Mc 9,2-13

SẴN SÀNG VÁC THÁNH GIÁ

Rồi Người biến đổi hình dạng trước mắt các ông. Y phục Người trở nên rực rỡ, trắng tinh, không có thợ nào ở trần gian giặt trắng được như vậy. (Mc 9,3)

Suy niệm: Chúa Giê-su ẩn giấu thiên tính của Ngài trong thân phận con người như bao người chung quanh. Qua biến cố biến hình trên núi, Chúa Giê-su tỏ mình trong khung cảnh uy nghi khiến các môn đệ phải thốt lên: “Thưa Thầy, chúng con ở đây thật là hay!” Việc hiển dung chỉ xảy ra trong khoảnh khắc nhưng nhờ đó các ông thêm niềm tin hầu sẵn sàng đương đầu với cơn thử thách sắp đến. Quả thật, Chúa Giê-su đã chọn con đường thập giá để chu toàn ý Chúa Cha và để cứu rỗi nhân loại. Ngài biết chắc chắn rằng: chọn lựa đó sẽ làm cho các môn đệ chao đảo vấp ngã khi Thầy của họ dấn thân vào cuộc thương khó sắp tới. Trong biến cố này, Chúa Giê-su chuẩn bị tinh thần cho các môn đệ của Ngài giữ vững niềm tin.

Mời Bạn: Thánh giá gắn liền với cuộc sống ki-tô hữu, như lời sách Gương Chúa Giê-su: “Bạn tiến lên hay lùi lại. Bạn ra ngoài hay vào trong bản ngã, ở đâu bạn cũng vẫn gặp thánh giá” (Q.II, Ch.12). Bạn có sẵn sàng đón nhận thánh giá Chúa gửi tới, với xác tín rằng: đây là phương dược Chúa ban để chữa lành, để uốn nắn, dạy dỗ hầu cho người của Chúa được nên giống Chúa hơn không?

Sống Lời Chúa: Xin ơn xác tín như thánh Phao-lô “cùng chịu đóng đinh thập giá với Đức Ki-tô” (Gl 2,19) để rao giảng thập giá là “sức mạnh và sự khôn ngoan của Thiên Chúa” (1Cr 1,24).

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su phục sinh, xin cho con sự sống của Chúa, sự sống làm cho đời con mãi mãi xanh tươi. Xin ban cho con bình an của Chúa, bình an làm con vững tâm giữa sóng gió cuộc đời. Amen. (Rabbouni)

(5 Phút Lời Chúa)

++++++++++++++++++

Suy niệm và cầu nguyện

Suy niệm:

Trong Tin Mừng Máccô, Đức Giêsu được tuyên bố là Con Thiên Chúa ba lần :
lúc chịu phép rửa (1, 11), lúc được biến hình (9, 7), và sau khi tắt thở (15, 39).
Trong cả ba lần này, Đức Giêsu đều ở trong thái độ vâng phục tự hạ.
Lần thứ nhất, khi ngài đứng chung với những tội nhân chịu phép rửa (1, 9).
Lần thứ hai, sau khi ngài tiên báo và chấp nhận cuộc Thương Khó (8, 31).
Lần thứ ba, sau khi ngài bị đóng đinh và chết trên thập giá (15, 39).
Như thế khi Đức Giêsu đi xuống đến cùng của phận người tội lụy
thì ngài lại được tôn vinh là Con Thiên Chúa.

Bài Tin Mừng hôm nay kể chuyện Đức Giêsu lên một ngọn núi cao.
Ngài chỉ đem theo ba môn đệ thân tín, Phêrô, Giacôbê và Gioan.
Ba ông này đã được thấy ngài hồi sinh con gái ông Giairô (5, 37),
và sẽ được ở bên ngài trong vườn Dầu sau này (14,33).
Đức Giêsu được biến hình trước mắt các ông, y phục ngài trắng tinh rực rỡ.
Cha đã muốn cho ba môn đệ thấy sự cao trọng thánh thiêng của Đức Giêsu,
vốn được ẩn dấu che khuất bởi bề ngoài rất đỗi bình thường.
Đức Giêsu biến hình không phải là đổi qua một hình khác,
mà là vén mở trong một thời gian ngắn
để cho ta thấy tư cách thần linh vẫn luôn luôn có nơi ngài.

Phêrô và các bạn ngây ngất trước cảnh tượng chưa từng thấy.
Hơn nữa, họ còn thấy ông Êlia và ông Môsê hiện ra trò chuyện với Đức Giêsu.
Hai ông này đã từng đàm đạo với Thiên Chúa trên núi (Xh 33,11; 1V 19, 8-18).
Bây giờ họ cũng đàm đạo với Đức Giêsu trên núi cao.
Phêrô chỉ muốn kéo dài giây phút tuyệt vời này mãi.
Ông đề nghị căng ba lều để ba vị ở lại đây luôn.
Có lẽ ông quên là Thầy Giêsu còn cả một con đường nhọc nhằn phải đi.

 “Đây là Con Ta yêu dấu, hãy nghe ngài” (c. 7).
Câu duy nhất của Chúa Cha nói với chúng ta trong Tin Mừng Máccô.
Cha giới thiệu cho ta Con của Cha, Cha mời gọi ta vâng nghe ngài.
Ba môn đệ chẳng thể ngờ rằng trên ngọn núi này
họ sẽ được bao phủ bằng sự hiện diện gần gũi của Thiên Chúa qua đám mây,
và tai họ được nghe thấy lời của chính Thiên Chúa nói.

Rồi đến lúc Thầy và các trò phải xuống núi.
Con người Thầy Giêsu trở lại như thường, y phục trở lại bình thường.
Thầy xuống núi này để chuẩn bị lên một ngọn núi khác.
Nhưng những gì diễn ra ở ngọn núi này thật là không thể quên.

Cầu nguyện:

Lạy Chúa Giêsu,
Chúa thường hay lên núi cầu nguyện.
Thỉnh thoảng xin dẫn con lên một ngọn núi cao
để con sống tình bạn với Chúa.
Xin cho con ngỡ ngàng khi chiêm ngắm khuôn mặt của Chúa,
khuôn mặt mà con tưởng mình đã quen biết từ lâu.
Chúa cho con thấy những nét đơn sơ để lòng con trở nên giản dị.
Chúa cho con thấy những nét hiền hậu để con biết thứ tha.
Chúa cho con gặp những nét sáng tươi
để con nở một nụ cười với cuộc sống.

Lạy Chúa, xin hãy cho con có kinh nghiệm lên núi với Chúa,
yêu thích sự cô tịch và thanh thoát, trầm lặng để lắng nghe.
Ước gì khoảng trời bao la trên đỉnh núi
nâng con lên khỏi những nhỏ mọn hàng ngày.
Và ước gì khi xuống núi,
con thấy mình mạnh mẽ hơn để đón lấy những gai góc của đời con.

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

(phutcaunguyen.net)

++++++++++++++++++

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên

19 THÁNG HAI

Khám Phá Tận Sâu Thẳm Con Người Mình

Làm thế nào chúng ta có thể hoán cải, trở về với Thiên Chúa? Hoán cải bắt đầu bằng việc nhìn lại nội tâm mình và lắng đọng tâm hồn trong sự hiện diện của Thiên Chúa. Rồi, trái tim và lương tâm bạn có thể bắt đầu sực tỉnh.

“Hãy vào phòng, đóng kín cửa lại”, Đức Giêsu đã dạy chúng ta như thế (Mt 6, 6). Hoán cải trở về với Thiên Chúa – điều đó không thể xảy ra giữa những xao động chộn rộn của lòng trí. Cần phải hồi tâm và qui hướng về Chúa. Chúng ta phải khám phá ra con người thật của mình ở mức độ cao nhất và sâu xa nhất.

Tại sao phải khám phá ra con người thật, cao nhất và sâu xa nhất? Bởi vì sự nhận hiểu này về con người có liên hệ với thế giới tạo vật. Trong tương quan với tất cả tạo vật chung quanh mình, con người là chủ. Con người được kêu gọi làm chủ mọi vật và thống trị trái đất. Đây là mệnh lệnh đầu tiên mà con người nhận được từ Đấng Tạo Hóa.

Thiên Chúa không chỉ trao cho con người địa vị thống trị tạo vật, Ngài còn định hình con người theo chính hữu thể Ngài. Vì con người cũng là tinh thần, nên con người có thể đạt đến tầm mức mà mọi tạo vật khác không thể đạt đến được. Bản tính căn bản của con người – vừa tinh thần vừa thể xác – không cho phép con người tìm kiếm ý nghĩa cuối cùng duy chỉ nơi những gì là vật chất.

Khát vọng thâm sâu nhất của con người không thể được lấp đầy bởi thế giới vật chất hữu hình này. Con người cũng không thể gặp được hạnh phúc sâu xa đích thực ngay cả nơi việc chinh phục tạo vật và nơi việc tăng triển khả năng khám phá và sáng tạo của mình. Đức Giêsu đã nêu dấu hỏi: “Được cả thế gian thì ích gì?” (Mt 16, 26). Không, con người không thể lấp đầy khát vọng của mình bằng con đường ấy.

– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –

Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác

LIFT UP YOUR HEARTS

Daily Meditations by Pope John Paul II

+++++++++++++++++

Lời Chúa Trong Gia Đình

NGÀY 19/2

Gc 3, 1-10; Mc 9, 2-13.

LỜI SUY NIỆM: “Sáu ngày sau, Đức Giêsu đem các ông Phêrô, Giacôbê và Gioan đi theo mình. Người đưa các ông đi riêng ra một chỗ, chỉ mình các ông thôi, tới một ngọn núi cao. Rồi Người biến đổi hình dạng trước mặt các ông. Y phục Người trở nên rực rỡ, trắng tinh, không có thợ nào ở trần gian giặc trắng như vậy.”

          Sau khi Chúa Giêsu công bố về sự Thương Khó và sự Phục Sinh của Người cho các môn đệ; Người muốn củng cố đức tin cho ba môn đệ một cách đặc biệt. Người đã cho các ông thấy sự chói lọi vinh quang của Người với sự đàm đạo với Môisê, và Êlia (Đại diện cho Lề Luật và Ngôn sứ). Với lời Chúa Cha từ trời phán: “Đây là Con Ta yêu dấu, hãy vâng nghe lời Người.” (Mc 9,7).

          Lạy Chúa Giêsu. Chúng con đang sống trong một thời đại đầy khó khăn và dịch bệnh. Giáo Hội đã kêu mời tất cả chúng con cùng “Hiệp Hành” trong vai trò là con cái của Chúa và loan báo Tin Mừng, để Hào Quang Ánh Sáng của Chúa toả sáng và hiển trị khắp thế gian này.

Mạnh Phương

+++++++++++++++++

19 Tháng Hai

Thiên Chúa Quan Phòng  

Người Do Thái thường nói đến sự Quan Phòng của Thiên Chúa bằng mẩu chuyện như sau: Có hai người bộ hành đi lên đường đi đến một phương xa. Họ dùng một con lừa để chuyên chở hành lý. Ðể cho con lừa có bạn, họ mang theo một chú gà cồ. Và đêm đến họ đốt đuốc để soi đường.
Một người bộ hành là một tín hữu rất đạo đức. Trên miệng ông lúc nào cũng có câu nói: “Thiên Chúa là Ðấng tốt lành trong tất cả mọi sự”. Người bạn đồng hành của ông thì lại là một người rất cứng lòng tin. Ông rất bực mình mỗi khi ông nghe người bạn ông thốt lên những lời ca tụng lòng thiện hảo của Thiên Chúa. Lên đường chừng vài phút đồng hồ, ông đã cảnh cáo người bạn có lòng tin như sau: “Rồi đây anh sẽ thấy anh tin Chúa đến độ nào”.

Trước khi mặt trời lặn, họ đến một ngôi làng nhỏ. Họ tìm một nơi để qua đêm. Họ gõ cửa khắp nơi, nhưng không có ai đón tiếp họ. Cuối cùng họ đành phải ra khỏi làng và tìm đến bìa rừng để qua đêm. Trong cảnh màn trời chiếu đất, người bạn cứng lòng tin mới thốt lên: “Nào, Chúa của anh có tốt không?”. Người bạn đồng hành luôn tin tưởng ở Chúa quan phòng bình tĩnh đáp lại: “Ðây là chỗ tốt nhất Chúa dành cho chúng ta ngủ qua đêm này”. Ðêm đó, họ nằm ngủ dưới một gốc cây lớn nằm sát bìa rừng. Họ cột chú lừa vào một gốc cây gần đó. Họ chưa kịp đốt lên ngọn đuốc thì một tiếng mạnh từ xa vang lại. Thì ra, chỉ trong chớp nhoáng, một chú sư tử đã đến cắn xé con lừa và mang đi. Vừa thương tiếc cho chú lừa, vừa lo sợ cho thân phận của mình, hai người bộ hành chỉ còn biết leo lên cây để tránh tai họa.

Vừa tức giận, vừa mỉa mai, người bạn cứng lòng tin mới thốt lên: “Nào, Chúa của anh còn tốt nữa không?”. Người tín hữu ngoan đạo dõng dạc tuyên bố: “Nếu con sư tử không bắt gặp con lừa trước, thì chắc chắn nó đã bổ nhào trên chúng ta rồi. Chúa là Ðấng tốt lành”.

Một vài phút sau, con gà cồ bỗng kêu la thất thanh. Hai người bộ hành mới trèo cao hơn. Họ nhận ra con gà cồ đang nằm trong nanh vuốt của một chú mèo rừng. Người bạn cứng lòng tin chưa kịp thốt ra một lời cay đắng nào, thì người tín hữu ngoan đạo đã chúc tụng như sau: “Tiếng kêu thất thanh của con gà cồ lại một lần nữa giúp chúng ta thoát nguy hiểm. Cám ơn Chúa là Ðấng tốt lành”.

Họa vô đơn chí. Chỉ vài phút sau đó, một cơn gió mạnh ùa đến, ngọn đuốc bỗng tắt ngụm đưa hai người vào trong cảnh tối tăm ghê rợn. Lần này con người cứng lòng tin lại lên tiếng mỉa mai như sau: “Xem chừng như Chúa của anh làm việc phụ trội trong đêm nay”. Lần này, người tín hữu ngoan đạo chỉ biết giữ thing lặng.

Sáng hôm sau, hai người mon men trở lại làng để mua thức ăn. Họ mới hay biết rằng đêm hôm đó một băng cướp đã vào làng và họ đã vơ vét tất cả tài sản của dân làng. Nhìn cảnh tượng hoang tàn của ngôi làng và nhìn lại sự toàn vẹn của mình, người tín hữu ngoan đạo mới đắc thắng giải thích cho người bạn như sau: “Anh đã chứng kiến từ đầu đến cuối. Giá như đêm hôm qua, chúng ta thuê được một chỗ trọ trong làng, thì có lẽ chúng ta cũng không thoát khỏi tay của bọn cướp. Nếu cơn gió lớn không làm tắt ngọn đuốc của chúng ta, thì hẳn bọn chúng đã nhìn thấy chúng ta. Bạn thấy chưa, trong tất cả mọi sự, Thiên Chúa là Ðấng thiện hảo”. 

Tin ở Thiên Chúa quan phòng không có nghĩa là bảo rằng tất cả mọi tai họa rủi ro xảy đến trong cuộc sống đều do Chúa gửi đến, nhưng có nghĩa là, khi đứng trước một bất hạnh mà mình không thể tránh khỏi, chúng ta phải tin rằng Thiên Chúa thiện hảo và quyền năng đến độ có thể biến sự bất hạnh ấy thành khởi điểm của một hồng ân cao cả hơn.

Trong ánh sáng Phục Sinh của Ðức Kitô, chúng ta được mời gọi để nhìn vào biến cố trong cuộc sống bằng cái nhìn lạc quan và tin tưởng ấy. Cái chết ô nhục của Ðức Kitô trên thập giá quả là một bất hạnh và là một tội ác, nhưng Thiên Chúa quyền năng và yêu thương đã biến thành khởi điểm của nguồn ơn cứu thoát.

Giữa muôn nghìn thử thách và đớn đau của cuộc sống, chúng ta hãy tin tưởng rằng Thiên Chúa đang dành cho chúng ta một ân huệ cao cả hơn ngoài sự chờ đợi của chúng ta. Chúng ta hãy xưng tụng tình yêu quan phòng của Ngài.

(Lẽ Sống)

++++++++++++++++++

Lời Chúa Mỗi Ngày

Thứ Bảy – Tuần 6 – TN2

Bài đọc: Jam 3:1-10; Mk 9:2-13.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Tin Thiên Chúa đòi chúng ta phải chấp nhận đường lối của Ngài.

Niềm tin đòi hai chiều: Nếu chúng ta tin những gì người khác nói là thật, chúng ta phải làm những điều họ nói; chúng ta không thể “nói một đàng, làm một nẻo.” Ví dụ, vợ nói là tin chồng; nhưng lúc nào cũng đi sát bên chồng để xem chồng có thực sự chung thủy với mình hay không! Niềm tin của chúng ta vào Thiên Chúa cũng thế: Nếu chúng ta đã tuyên xưng niềm tin vào Thiên Chúa là chúng ta phải giữ những gì Ngài truyền.

Các bài đọc hôm nay tập trung trong việc thể niềm tin vào Thiên Chúa và vào tha nhân. Trong bài đọc I, thánh Giacôbê giúp chúng ta nhận ra những lợi ích và tai hại của cái lưỡi. Nếu con người biết tập luyện để điều khiển được chiếc lưỡi là con người làm chủ được họ. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu mang 3 môn đệ thân tín lên núi Thabor để cho họ nhìn thấy vinh quang đích thực của Ngài với các nhân nhứng lừng danh của Cựu Ước, Moses và Elijah. Mục đích của việc biến hình là để các ông tin Ngài là Thiên Chúa; và để giúp các ông sẵn sàng chấp nhận một Đấng Thiên Sai chịu đau khổ để cứu chuộc con người.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Cái lưỡi cũng là một ngọn lửa, là cả một thế giới của sự ác.

1.1/ Lưỡi là một con dao hai lưỡi: Lưỡi là một bộ phận tuy nhỏ bé, nhưng tiềm năng của nó vô cùng lớn lao. Sách Thánh Vịnh và Châm Ngôn là nguồn cung cấp cho chúng ta những lợi ích và tai hại của cái lưỡi. Chúng ta có thể sắp xếp những lợi ích và tai hại của chiếc lưỡi theo Sách Thánh Vịnh, Châm Ngôn, và Thư Giacôbê như sau.

(1) Lợi ích của cái lưỡi:

– để ngợi khen Thiên Chúa: Đây có lẽ là mục đích của chiếc lưỡi khi Thiên Chúa tạo nên chiếc lưỡi.

– để rao giảng Tin Mừng: Nhiều học giả cho ngôn sứ là miệng lưỡi của Thiên Chúa. Vì Thiên Chúa vô hình không có miệng, nên đã dùng ngôn sứ như miệng lưỡi của Ngài.

– để truyền bá kiến thức: Nhân loại sẽ nghèo nàn về đàng tinh thần vô cùng nếu không có những cái lưỡi của thầy cô, cha mẹ; nhất là trong quá khứ, khi nhân loại chưa có những phương tiện truyền thông hiện đại. Truyền miệng là cách thức phổ thông thời đó để truyền bá văn hóa.

– để xây dựng tha nhân: Một lời nói có suy nghĩ chân thành có thể vực dậy một người đang chán nản cuộc đời. Một lời dạy của Thiên Chúa hay của bậc thánh hiền có thể làm thay đổi cả đời người.

(2) Tai hại của cái lưỡi:

– để giết người: Cái lưỡi có thể giết người bằng cách cáo gian, bỏ vạ, hay làm hại thanh danh người khác. Biết bao nhiêu người bị tan tành sự nghiệp và thiệt thân vì những chiếc lưỡi đưa điều đặt chuyện. Biết bao nhiêu gia đình bị tan nát vì vợ hay chồng không kiểm soát được chiếc lưỡi của mình, nên đã thốt ra những lời thô tục có sức giết người, những chiếc lưỡi cằn nhằn, lải nhải suốt ngày làm cho người phối ngẫu không kìm hãm được tính nóng giận nên đã phải vào tù, ly dị hay thiệt mạng.

– để phô trương, khuyếch lác, khoe mình, kiêu ngạo: Lưỡi có thể vẽ ra những chuyện to lớn hoang đường mà không khi nào có trong thực tế! “Nó là một bộ phận nhỏ bé của thân thể, mà lại huênh hoang làm được những chuyện to lớn.”

– để làm sai lạc sự thật: nói đúng thành sai và nói sai thành đúng. Nhiều luật sư và chính trị gia sống vì cái lưỡi của họ.

1.2/ Phải học và tập luyện để xử dụng cái lưỡi cho đúng: Khi con người điều khiển được cái lưỡi, họ đã điều khiển được toàn thân thể con người. Thánh Giacôbê dùng hình ảnh chiếc hàm thiếc trong miệng ngựa: “Nếu ta tra hàm thiếc vào miệng ngựa để bắt chúng vâng lời, thì ta điều khiển được toàn thân chúng.” Con người phải chịu phán xét vì miệng lưỡi của mình.

Rất khó để chinh phục được cái lưỡi. Con người có thể chinh phục mọi sự, nhưng không thể chinh phục cái lưỡi: “Thật thế, mọi loài thú vật và chim chóc, loài bò sát và cá biển, thì loài người đều có thể chế ngự và đã chế ngự được. Nhưng cái lưỡi thì không ai chế ngự được: nó là một sự dữ không bao giờ ở yên, vì nó chứa đầy nọc độc giết người.”

2/ Phúc Âm: Chúa Giêsu biến hình trước mặt 3 môn đệ.

2.1/ Những gì xảy ra khi Chúa biến hình:

(1) Chúa Giêsu đàm đạo với ông Elijah cùng ông Moses: Elijah đại diện cho các tiên tri, và Moses đại diện cho Lề Luật. Họ đàm đạo về điều gì? Dựa vào câu hỏi của các Tông-đồ bên dưới: “Từ cõi chết sống lại nghĩa là gì,” chúng ta có thể đóan được họ nói về Cuộc Thương Khó sắp tới và sự sống lại từ cõi chết của Người. Trình thuật của Luca nói rõ: “Hai vị hiện ra, rạng ngời vinh hiển, và nói về cuộc xuất hành Người sắp hoàn thành tại Jerusalem” (Lk 9:31).

(2) Tiếng của Thiên Chúa Cha làm chứng về Chúa Giêsu: “Đây là Con Ta yêu dấu, hãy vâng nghe lời Người.” Tiếng này đã được nói lần nhất khi Chúa Giêsu chịu phép rửa ở sông Jordan. Lời của Chúa Cha ở đây xác tín Cuộc Thương Khó Chúa Giêsu sắp trải qua, và nhắn nhủ các Tông-đồ phải tin vào những gì Chúa Giêsu nói với họ.

2.2/ Mục đích của việc biến hình: không những là để các môn đệ tin Ngài là Đấng Thiên Sai, mà còn tin Ngài phải ngang qua Cuộc Thương Khó để cứu chuộc con người. Các Tông-đồ dễ chấp nhận điều thứ nhất hơn là điều thứ hai, như chúng ta sẽ thấy phản ứng của họ trong 3 lần Chúa nói về Cuộc Thương Khó của Ngài.

(1) Sống lại từ cõi chết: “Đức Giêsu truyền cho các ông không được kể lại cho ai nghe những điều vừa thấy, trước khi Con Người từ cõi chết sống lại. Các ông tuân lệnh đó, nhưng vẫn bàn hỏi nhau xem câu “từ cõi chết sống lại” nghĩa là gì.” Tại sao Chúa Giêsu truyền cho các ông không được kể lại cho ai nghe Cuộc Biến Hình? Một lần nữa, điều này làm sáng tỏ lý do “bí mật của Đấng Thiên Sai” của Marcô. Truyền thống Do-thái không thể chấp nhận một Đấng Thiên Sai chịu đau khổ, nhất là phải chịu chết để chuộc tội cho con người. Họ có thể kể lại điều này sau khi Chúa sống lại từ cõi chết, như một bằng chứng: những gì Ngài đã nói đều được ứng nghiệm.

(2) Elijah đã đến: Chúa Giêsu có ý nói về Gioan Tẩy Giả và sự cầm tù cùng cái chết của ông bởi tay Vua Herode. Ngài cũng có ý nói cho các Tông-đồ biết, nếu họ đã đối xử như thế với người dọn đường, họ cũng đối xử với Ngài, Đấng Thiên Sai như vậy. Mặc dù Chúa Giêsu đã cho các Tông-đồ nhìn thấy và cắt nghĩa các ông tường tận, nhưng rất khó cho các môn đệ chấp nhận một Đấng Thiên Sai chịu đau khổ; vì không những các ông tin vào truyền thống, mà còn như hầu hết con người: không ai muốn theo con đường đau khổ cả!

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

– Hãy học cho biết cách xử dụng lưỡi để ca tụng Thiên Chúa, để rao giảng Tin Mừng, để loan truyền kiến thức, và để xây dựng cho nhau.

– Tin nơi Thiên Chúa đòi chúng ta phải thực hành những gì Ngài truyền. Nếu chúng ta nói tin vào Chúa và không thực thi những gì Thiên Chúa dạy, sự thật không có trong chúng ta.

– Rất nhiều lần chúng ta không thực hành những gì Thiên Chúa dạy, vì đó không phải là điều chúng ta mong muốn; nhưng làm theo những gì Thiên Chúa muốn sẽ đem lại kết quả tốt cho chúng ta.

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

****************