Ngày thứ bảy (21-05-2022) – Trang suy niệm

20/05/2022

Lời Chúa Hôm Nay

Thứ Bảy Tuần V Mùa Phục Sinh Năm chẵn

BÀI ĐỌC I: Cv 16, 1-10

“Xin đi sang Macêđonia mà cứu giúp chúng tôi”.

Trích sách Tông đồ Công vụ. 

Trong những ngày ấy, Phaolô đến Đerbê và Lystra. Ở đó có một môn đồ tên là Timôthêô, con của một bà Do-thái đã tin đạo, còn cha là người dân ngoại. Các anh em ở Lystra và Icôniô chứng nhận anh là người tốt. Phaolô muốn anh đi theo mình, vì nể người Do-thái ở trong vùng ấy, nên Phaolô đã đem anh đi cắt bì, vì mọi người biết cha anh là người dân ngoại. Khi hai ngài đi ngang qua các thành phố, hai ngài truyền lại cho họ tuân giữ những giáo lý do các tông đồ và kỳ lão tại Giêrusalem đã quyết định. Nhờ vậy, các giáo đoàn được vững mạnh trong đức tin và mỗi ngày càng tăng thêm đông số.

Các ngài đi qua Phrygia và vùng Galatia, vì Thánh Thần ngăn cản không cho rao giảng lời Chúa tại Tiểu Á. Khi đến Mysia, các ngài tìm cách đi Bithynia; nhưng Thánh Thần của Chúa Giêsu không cho phép. Vậy các ngài đi sang Mysia, xuống Trôa, và ban đêm Phaolô được thị kiến thấy một người Macêđô đứng đó và van xin ngài rằng: “Xin đi sang Macêđônia mà cứu giúp chúng tôi”.

Vừa thấy vậy, chúng tôi liền tìm cách đi sang Macêđônia, tin chắc rằng Thiên Chúa đã kêu gọi chúng tôi rao giảng Tin Mừng cho họ. Đó là lời Chúa. 

ĐÁP CA: Tv 99, 2. 3. 5

Đáp:  Toàn thể địa cầu, hãy reo mừng Chúa! (c. 2a)

Hoặc đọc: Alleluia.

Xướng:

1) Toàn thể địa cầu, hãy reo mừng Chúa! Hãy phụng sự Chúa với niềm vui vẻ; hãy vào trước thiên nhan với lòng hân hoan khoái trá. – Đáp.

2) Hãy biết rằng Chúa là Thiên Chúa, chính Người đã tạo tác thân ta, và ta thuộc quyền sở hữu của Người. – Đáp.

3) Vì Thiên Chúa, Người thiện hảo, lòng từ bi Người tồn tại muôn đời, và lòng trung tín còn tới muôn muôn thế hệ. – Đáp.

ALLELUIA: Ga 14, 16

Alleluia, alleluia! – Thầy sẽ xin Chúa Cha và Người sẽ ban cho các con một Đấng Phù Trợ khác, để ở cùng các con luôn mãi. – Alleluia. 

PHÚC ÂM: Ga 15, 18-21

“Các con không thuộc về thế gian, vì chính Thầy đã chọn các con khỏi thế gian”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Nếu thế gian ghét các con, các con hãy biết rằng họ đã ghét Thầy trước. Nếu các con thuộc về thế gian, thế gian sẽ yêu những gì thuộc về nó, nhưng các con không thuộc về thế gian, vì chính Thầy đã chọn các con khỏi thế gian, nên thế gian ghét các con. Các con hãy nhớ lại lời Thầy đã nói với các con: Tôi tớ không trọng hơn chủ. Nếu họ đã bắt Thầy, thì họ cũng sẽ bắt bớ các con; nếu họ tuân giữ lời Thầy, thì họ cũng tuân giữ lời các con. Tại vì danh Thầy mà họ sẽ làm cho các con tất cả những điều đó, bởi vì họ không biết Đấng đã sai Thầy”. Đó là lời Chúa.

(thanhlinh.net)

++++++++++++++++++

21/05/2022 – THỨ BẢY TUẦN 5 PS

Th. Ki-tô-phô-rô Ma-ga-lê-nê và các bạn tử đạo

Ga 15,18-21

CHÚNG TA LÀ LỮ KHÁCH

“Anh em không thuộc về thế gian.” (Ga 15,19)

Suy niệm: Có hai luồng tư tưởng, hai chủ trương cực đoan trái với niềm tin Ki-tô giáo. Một cho rằng con người ‘đầu đội trời, chân đạp đất,’ không có quê hương nào khác ngoài trái đất này. Hai, trái lại, quả quyết “quê hương chúng ta ở trên trời” còn thế gian này là chốn lưu đày: thôi thì đời này ráng chịu khổ, ngày sau sẽ lên thiên đàng hưởng phúc đời đời! Thật ra, thế gian này cũng là công trình Thiên Chúa sáng tạo tốt đẹp. Nhưng nó chưa phải là đích điểm. Nói như lời Chúa Giê-su, ta đang sống giữa thế gian, nhưng không thuộc về thế gian này. Là khách lữ hành nơi trần thế, ta đang tiến bước về quê hương vĩnh cửu, nơi Đức Ki-tô đang ngự bên hữu Chúa Cha, nơi đó thế gian này được kiện toàn trong “trời mới đất mới”. Chính vì không chịu ‘dừng lại’ ở cõi tạm này mà các môn đệ bị ‘thế gian’ căm ghét, tìm cách khai trừ như họ đã làm cho Chúa Giê-su, đúng như Ngài cảnh báo: “Nếu thế gian ghét anh em hãy biết rằng họ ghét Thầy trước.”

Mời Bạn: Không chỉ vào thời Chúa Giê-su, mà ngay trong thời hiện đại, các Ki-tô hữu vẫn chịu bách hại dưới nhiều hình thức. Để trung thành với căn tính của mình là ‘lữ khách trên trần gian’, người môn đệ Chúa Ki-tô phải trở nên đồng hình đồng dạng trong cuộc tử nạn và phục sinh với Ngài.

Sống Lời Chúa: Thực thi tinh thần khó nghèo của ‘Tám mối phúc thật’ và quảng đại chia sẻ vật chất tinh thần cho anh chị em túng thiếu là cách sống tính cách ‘lữ khách’ của người môn đệ Chúa.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa là Đấng chiến thắng khải hoàn. Xin nâng đỡ chân con vững bước trên đường tiến về nhà Chúa. Amen.

(5 Phút Lời Chúa)

++++++++++++++++++

Suy niệm và cầu nguyện

Suy Niệm

Khi Đức Giêsu còn sống bên các môn đệ,
chưa xảy ra chuyện các môn đệ bị thù ghét một cách nghiêm trọng.
Nhưng khi Tin Mừng Gioan được viết gần xong, thì chuyện đó đã xảy ra rồi.
Các Kitô hữu gốc Do thái đã bị trục xuất ra khỏi hội đường,
và người Rôma đã bách hại các Kitô hữu không nương tay.
Bài Tin Mừng hôm nay là một lời tiên báo của Đức Giêsu
về số phận của các Kitô hữu, trong mọi thời đại.

Đức Giêsu đã nói đến việc mình tự nguyện hy sinh mạng sống,
vì Ngài là Mục tử nhân lành muốn bảo vệ đàn chiên (Ga 10, 11. 17-18).
Ngài sẽ phải chiến đấu gay gắt để chống lại sói dữ hay kẻ trộm.
Đức Giêsu cũng nói đến việc Ngài sẽ hy sinh mạng sống
cho bạn hữu của mình là các môn đệ (Ga 15, 12-13).
Ngài sẽ xung đột với tên Thủ lãnh thế gian (Ga 14, 30).
Thế gian là một thế lực thù ghét và âm mưu chống lại Ngài.
Một số nhà lãnh đạo Do thái giáo đã đứng hẳn về phía thế gian ấy.
Cái chết của Đức Giêsu trên thập giá là đỉnh điểm của sự thù ghét.
Thủ lãnh thế gian đã có được một chiến thắng tạm thời.
Nhưng chính sự thua cuộc của Đức Giêsu lại vén mở tình yêu Thiên Chúa,
và là khởi đầu cho một chiến thắng vẻ vang hơn, chiến thắng chính Tử thần.

Những môn đệ Đức Giêsu cũng phải chia sẻ số phận của Thầy.
Không phải các môn đệ luôn luôn được thế gian đón nhận.
“Nếu họ đã bắt bớ Thầy, họ cũng sẽ bắt bớ anh em.” (c. 20).
“Nếu thế gian ghét anh em,
hãy biết rằng nó đã ghét Thầy trước khi nó ghét anh em” (c. 18).
Bị ghét bỏ, bị bắt bớ, bị giết hại: đó là thân phận của Thầy Giêsu,
và của những học trò đi theo Thầy, mãi đến tận thế.
Nếu thế gian có thái độ thù nghịch với các Kitô hữu,
lý do là vì họ không thuộc về thế gian, và đã được tách khỏi thế gian (c. 19).
Tuy nhiên, họ vẫn không bị cất khỏi thế gian (Ga 17, 15),
mà còn được sai vào trong thế gian để biến đổi thế gian đó (Ga 17, 18).
Chính cái thế giằng co thuộc về bản chất của người Kitô hữu:
vừa ở trong thế gian, lại vừa không thuộc về nó,
vừa được chọn ra khỏi thế gian, lại vừa được sai vào trong nó,
đã đưa người môn đệ vào những thách đố khôn lường.

Theo một nghiên cứu năm 2002 của nhà báo người Ý, ông Antonio Socci,
có khoảng 70 triệu người Kitô hữu chết vì đức tin trong 20 thế kỷ qua.
Nhưng chỉ riêng trong thế kỷ 20, đã có hơn 45 triệu người bị chết.
Chúng ta không kiểm chứng được nghiên cứu của ông này,
nhưng chúng ta biết cuộc bách hại các Kitô hữu vẫn xảy ra ở nhiều nơi.
Xin được ơn thuộc trọn về Giêsu dù phải lội ngược dòng với thế gian.

 

Cầu Nguyện

Lạy Chúa Giêsu,
nhiều bạn trẻ đã không ngần ngại
chọn những cầu thủ bóng đá,
những tài tử điện ảnh
làm thần tượng cho đời mình.
Hôm nay
Chúa cũng muốn biết chúng con chọn ai,
và chúng con thật sự đắn đo
trước khi chọn Chúa.
Bởi chúng con biết rằng
chọn Chúa là lội ngược dòng,
theo Chúa là bước vào con đường hẹp:
con đường nghèo khó và khiêm nhu,
con đường từ bỏ và phục vụ.
Hôm nay, chúng con chọn Chúa
không phải vì Chúa giàu có,
tài năng hay nổi tiếng,
nhưng vì Chúa là Thiên Chúa làm người.
Chẳng ai đáng chúng con yêu mến bằng Chúa.
Chẳng ai hoàn hảo như Chúa.
Ước gì chúng con can đảm chọn Chúa
nhiều lần trong ngày,
qua những chọn lựa nhỏ bé,
để Chúa chiếm lấy toàn bộ cuộc sống chúng con,
và để chúng con
thông hiệp vào toàn bộ cuộc sống của Chúa.
Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

(phutcaunguyen.net)

++++++++++++++++++

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên

21 THÁNG NĂM

Di Sản Của Chúng Ta

Đức Kitô nói với các Tông Đồ về Chúa Thánh Thần: “Ngài sẽ dạy cho anh em mọi sự và sẽ nhắc anh em nhớ lại tất cả những gì Thầy đã nói với anh em.” Giáo huấn tông truyền của Giáo Hội luôn luôn bắt rễ trong sự hiện diện năng động của Thần Khí sự thật. Chính Thánh Thần bảo đảm cho chân lý của Tin Mừng. Ngài canh giữ để đảm bảo rằng Giáo Hội sẽ chuyển trao từ thế hệ này sang thế hệ khác tất cả những gì Giáo Hội đã nghe được từ Đức Kitô.

Trong vai trò bảo vệ và hướng dẫn sự phát triển của truyền thống, Chúa Thánh Thần chính là nguồn mặc khải vô hình đối với Giáo Hội. Ngài sẽ “nhắc cho anh em nhớ” – như lời Đức Giêsu nói. Truyền thống là di sản của chúng ta. Truyền thống là “sự nhớ lại” tất cả những gì Đức Kitô đã nói với Giáo Hội: đó chính là toàn bộ di sản mặc khải và đức tin.

“Thánh Truyền và Thánh Kinh gắn bó mật thiết với nhau và liên lạc với nhau. Cả hai đều xuất phát từ cùng một nguồn mạch thần linh, vì thế – một cách nào đó – cả hai nối kết với nhau để tạo thành một thực thể và chuyển động về cùng một mục đích” (Hiến Chế MK 9). Trong Truyền Thống và trong Thánh Kinh, chúng ta gặp thấy sự hiện diện của Đức Kitô, vị Mục Tử Tốt Lành – một sự hiện diện xuyên suốt bao thế kỷ.

– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –

Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác

LIFT UP YOUR HEARTS

Daily Meditations by Pope John Paul II

+++++++++++++++++

Lời Chúa Trong Gia Đình

NGÀY 21/5

Thánh Christôphôrô Magallanes, linh mục

Và các bạn tử đạo ở Mêxicô

Cv 16, 1-10; Ga 15, 18-21.

LỜI SUY NIỆM: “Nếu thế gian ghét anh em, anh em hãy biết rằng nó đã ghét Thầy trước.” (Ga 15,18).

          Chúa Giêsu, Người biết khi Người trở về với Chúa Cha, để nhận lại Vinh Quang của Người, đồng thời để Người được hiện diện một cách phổ quát giữa loài người; các môn đệ của Người còn tại thế sẽ phải đương đầu với muôn vàng thử thách, biết bao chống đối của thế gian. Bởi những người môn đệ của Chúa có một đời sống chính trực, hy sinh, và phục vụ với một tinh thần yêu thương và tha thứ khác với các thói quen của người đời. Qua lối sống đó của người môn đệ của Chúa, sẽ phơi bày những ích kỷ, hận thù và chia rẽ của thế gian. Nên Thế gian sẽ ghét họ. Chúa Giêsu cho biết, Chúa đã bị trước đó rồi, và Người đã chiến thắng. Nên Chúa mời gọi chúng ta phải theo con đường của Người đã sống, đã nói và đã làm. Chúng ta phải can đảm; đừng sợ; Bởi ơn của Chúa đủ để chúng ta vượt qua mọi thử thách và sự chống đối, hầu đạt đến vinh quang.

          Lạy Chúa Giêsu. Xin cho chúng con vững tin vào  tình thương và quyền năng của Chúa, để an tâm vui sống với những hoàn cảnh trong hiện tại.

Mạnh Phương

+++++++++++++++++

21 Tháng Năm

Ðôi Cánh Con Tuấn Mã 

Hai người bạn thân ngồi bên nhau dưới một bóng cây cổ thụ. Cả hai đều đưa mắt nhìn về cánh đồng trước mặt, nhưng mỗi người một ý nghĩ.

Người có dáng vẻ đầy nghị lực, cái nhìn cương quyết, thốt lên như sau: “Một cảnh vật phẳng lặng và độc điệu như thế này quả thực là nhàm chán. Tôi sẽ rời bỏ ngôi làng nhỏ bé này để làm một vòng du lịch cho biết đó biết đây”.

Người bạn khác với dáng điệu mảnh khảnh ít nói, mỉm cười nhìn vào phong cảnh xung quanh rồi nói: “Tôi cũng có một con tuấn mã. Từ bao lâu nay, tôi đã đi lại không biết bao nhiêu nơi rồi”.

Hai người chia tay nhau và hẹn cũng gặp lại dưới bóng cây cổ thụ để kể cho nhau nghe những cuộc du lịch của mình.

Sau một năm, họ lại gặp nhau… người thứ nhất kể chuyện: “Trong một năm qua, hầu như nơi nào tỗimcung đã đặt chân đến. Tôi đã đi xuống biển, lên ngàn, vượt đèo, qua suối. Tôi đã gặp không biết bao nhiêu người. Tôi đã học được bí quyết kiếm được nhiều tiền… Giờ đây, tôi trở nên giàu có. Tôi sẽ tiếp tục đi du lịch… Còn bạn, bạn đã đi được nơi nào trong suốt năm qua?”.

Người bạn chưa từng rời bỏ ngôi làng của mình đã trả lời: “Tôi đã lên trời, tôi đã bay lượn trên các tầng mây. Tôi đã đến đô thị của mặt trời”. Nghe thế, người kia thắc mắc: “Phải chăng con tuấn mã của anh bay được?”. Con người có tâm hồn thi sĩ trả lời: “Ðúng thế, con ngựa của tôi có đôi cánh. Nó đưa tôi lên tất cả những nơi nào tôi muốn. Mắt tôi nhìn thấy được muôn kỳ công của vũ trụ. tai tôi nghe được muôn điệu nhạc của thiên nhiên… Ðối với anh, sự giàu có nằm trong của cải vàng bạc. Nhưng đối với tôi, của cải chính là đôi mắt của tâm hồn tôi. Cho dẫu một năm qua, tôi chỉ ngồi dưới bóng cây cổ thụ này, cho dẫu quang cảnh trước mặt tôi chỉ là cánh đồng phẳng lặng này, nhưng tâm hồn tôi nhìn thấy muôn nghìn cảnh đẹp của thiên nhiên, tai tôi có thể nghe được bao nhiêu điệu nhạc của thiên nhiên mà anh không thể nghe được”.

Người có tâm hồn nghệ sĩ có những rung cảm mà người khác không có. họ nhìn thấy, họ lắng nghe được những điều mà người khác không cảm nhận được. Cũng thế, người có đôi mắt Ðức tin cod thể nhìn thấy các giá trị mà người khác không nhìn thấy. Ðôi mắt Ðức tin giúp chúng ta cảm nhận được sự hiện diện và tác động của Thiên Chúa trong vũ trụ, trong lịch sử, trong con người. Ðôi mắt Ðức tin ấy giúp chúng ta thấy được giá trị của cuộc sống độc điệu, của những hy sinh âm thầm hằng ngày. Ðôi mắt Ðức tin ấy giúp chúng ta thấy được lẽ khôn ngoan trong những điều người đời cho là điên dại, sức mạnh trong những cái yếu đuối. Ðức tin ấy giúp chúng ta nhìn thấy ánh sáng trong tăm tối, sự sống trong cái chết, ân sủng trong tội lỗi.

(Lẽ Sống)

++++++++++++++++++

Lời Chúa Mỗi Ngày

Thứ Bảy – Tuần V – PS

Bài đọc: Acts 16:1-10; Jn 15:18-21.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Thánh Thần giúp con người biết khôn ngoan giải quyết vấn đề.

Trong cuộc sống của các Kitô hữu: Có những lúc cần phải bảo vệ sự thật cho đến chỗ phải hy sinh mạng sống; nhưng cũng có những lúc cần khôn ngoan thích ứng trong những trường hợp và hoàn cảnh khác nhau. Làm sao các tín hữu nhận ra khi nào phải sống chết cho sự thật, và khi nào có thể khôn ngoan thích ứng tùy hoàn cảnh? Xin thưa các tín hữu cần sống theo sự hướng dẫn của Thánh Thần. Chắc chắn Ngài không hiện ra để nói trực tiếp với chúng ta, nhưng Ngài sẽ nói với chúng ta tùy hoàn cảnh; ví dụ: nơi nào Ngài muốn chúng ta tới, Ngài sẽ tạo cơ hội và những hoàn cảnh thuận tiện; nơi nào Ngài không muốn chúng ta tới, Ngài sẽ không cho cơ hội và gây ra những trở ngại khó khăn.

Các Bài Đọc hôm nay giúp chúng ta nhận ra sự hướng dẫn của Thánh Thần. Trong Bài Đọc I, thánh Phaolô trở lại các giáo đoàn cũ để thăm viếng, củng cố, và loan tin từ Giáo Hội Trung Ương, trước khi bắt đầu cuộc hành trình truyền giáo thứ hai. Chúng ta nhận ra sự hướng dẫn của Thánh Thần: khi Phaolô cắt bì cho Timothy, một người Hy-lạp, khi Thánh Thần ngăn cản không cho rao giảng tại Asia Minor và Bithynia, nhưng cho cơ hội vào Macedonia qua thị kiến mời gọi của một người địa phương. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu tiên báo các môn đệ của Ngài sẽ bị thế gian bắt bớ như họ đã bắt bớ Ngài. Lý do đơn giản là Ngài không thuộc về thế gian cũng như các môn đệ không thuộc về thế gian.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Phaolô bắt đầu cuộc hành trình rao giảng Tin Mừng lần thứ hai.

1.1/ Trở lại thăm các giáo đoàn cũ: Khi có cơ hội, Phaolô luôn trở lại để viếng thăm và cũng cố những giáo đòan ông đã thành lập. Ông đến Derbe, rồi đến Lystra.

(1) Tuyển thêm môn đệ: Để có thêm người rao giảng Tin Mừng và để nâng đỡ nhau trong sứ vụ, khi Phaolô đến Lystra, ở đó có một môn đệ tên là Timothy, mẹ là người Do-thái đã tin Chúa, còn cha là người Hy-lạp. Ông được các anh em ở Lystra và Iconium chứng nhận là tốt.

Tại sao Phaolô cắt bì cho Timothy đang khi ông đưa sứ điệp của Giáo Hội Jerusalem? Xin thưa: Một khi Phaolô đã nhận được chỉ thị của Giáo Hội Mẹ cho biết việc cắt bì không liên quan gì tới việc cứu độ, thì có cắt bì hay không cũng chẳng có gì quan trọng cả. Tuy nhiên, có những cái không quan trọng với mình, nhưng lại quan trọng với người khác. Lý do Phaolô muốn cắt bì cho Timothy là vì “Phaolô muốn ông ấy cùng lên đường với mình, nên đã đem ông đi làm phép cắt bì, vì nể các người Do-thái ở những nơi ấy.”

(2) Trao sứ điệp của Giáo Hội Jerusalem: “Khi đi qua các thành, các ông truyền lại cho các anh em những chỉ thị đã được các Tông Đồ và kỳ mục ở Jerusalem ban bố, để họ tuân giữ.

Vậy các Hội Thánh được vững mạnh trong đức tin và mỗi ngày thêm đông số.”

1.2/ Sống theo sự hướng dẫn của Thánh Thần:

(1) Không muốn cho rao giảng Tin Mừng: “Các ông đi qua miền Phrygia và Galatia, vì Thánh Thần ngăn cản không cho các ông rao giảng lời Chúa ở Asia. Khi tới sát ranh giới Mysia, các ông thử vào miền Bithynia, nhưng Thần Khí Đức Giêsu không cho phép. Các ông bèn đi qua miền Mysia mà xuống Troa.” Trong trình thuật này, hai lần Sách CVTĐ nói tới việc “Thánh Thần ngăn cản” và “Thần Khí Đức Giêsu không cho phép” vào những thành phố của Asia Minor. Tác giả không nói rõ cách thức Thánh Thần cho Phaolô biết ý của Ngài: có thể trong thị kiến, có thể bằng cách để Phaolô gặp những trở ngại từ phía địa phương.

(2) Muốn cho rao giảng Tin Mừng ở Macedonia: “Ban đêm, ông Phaolô thấy một thị kiến: một người miền Macedonia đứng đó, mời ông rằng: “Xin ông sang Macedonia giúp chúng tôi!”

Sau khi ông thấy thị kiến đó, lập tức chúng tôi tìm cách đi Macedonia, vì hiểu ra rằng Thiên Chúa kêu gọi chúng tôi loan báo Tin Mừng cho họ.” Thánh Thần muốn mở rộng biên giới trong hành trình rao giảng Tin Mừng thứ hai của Phaolô, không còn giới hạn trong vùng Asia Minor; nhưng bành trướng vào Âu Châu, bắt đầu với các thành phố Hy-lạp.

2/ Phúc Âm: Anh em sẽ bị thế gian bắt bớ.

2.1/ Xung đột giữa Thiên Chúa và thế gian: Có nhiều ý nghĩa khác nhau về chữ “thế gian” trong Tin Mừng Gioan; nhưng ở đây “thế gian” được hiểu là những quyền lực chống lại Thiên Chúa, như ma quỉ và các tay sai của nó. Giữa Thiên Chúa và thế gian có rất nhiều xung đột về giá trị: ánh sáng và bóng tối, sự thật và sự sai trá, điều thiện hảo và điều gian ác, yêu thương và giận ghét, đoàn kết và chia rẽ, công bằng và bất công. Người Kitô hữu được kêu gọi để sống và làm chứng cho những giá trị của Thiên Chúa, và những giá trị này luôn đối nghịch với những giá trị của thế gian; hậu quả là thế gian sẽ ghét các Kitô hữu như Chúa Giêsu nói: “Giả như anh em thuộc về thế gian, thì thế gian đã yêu thích cái gì là của nó. Nhưng vì anh em không thuộc về thế gian và Thầy đã chọn, đã tách anh em khỏi thế gian, nên thế gian ghét anh em.”

2.2/ Nếu thế gian đã bắt bớ Chúa Giêsu, họ cũng sẽ bắt bớ các môn đệ của Ngài: Chúa Giêsu nhắc nhở các môn đệ: “Hãy nhớ lời Thầy đã nói với anh em: tôi tớ không lớn hơn chủ nhà. Nếu họ đã bắt bớ Thầy, họ cũng sẽ bắt bớ anh em. Nếu họ đã tuân giữ lời Thầy, họ cũng sẽ tuân giữ lời anh em.” Cả cuộc đời của Chúa Giêsu là cuộc đời dạy dỗ những điều tốt lành, chữa khỏi mọi bệnh hoạn tật nguyền, và khai trừ ma quỉ; thế mà thế gian còn truy tố, luận phạt, đánh đòn, và đóng đinh vào Thập Giá; các môn đệ là ai mà có thể tránh khỏi các cực hình này? Chỉ cần đọc Sách CVTĐ và Lịch Sử Giáo Hội, chúng ta đã nghe bao cuộc bách hại của thế gian nhắm vào các môn đệ của Chúa.

Nói tóm, thế gian chống các Kitô hữu họ mang danh Chúa Kitô. Khi chọn mang danh Kitô hữu là chọn để thế gian bắt bớ. Thế gian ghét những kẻ mang danh Kitô, vì không thuộc về họ, và không theo những tiêu chuẩn và đường lối của họ.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

– Chúng ta cần mở rộng tâm hồn để sống theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Một trong những dấu chỉ để nhận ra là dựa vào cơ hội và hoàn cảnh. Nếu Thánh Thần muốn, Ngài sẽ tạo cơ hội và hoàn cảnh thuận tiện; nếu không, Ngài sẽ gởi những khó khăn tới.

– Có lúc chúng ta cần bảo vệ và làm chứng cho sự thật, có lúc chúng ta cần khôn ngoan thích ứng để đạt được những lợi ích mong muốn, tùy theo sự hướng dẫn bên trong của Ngài.

– Trở thành môn đệ của Chúa là phải chịu bắt bớ trong việc rao giảng và làm chứng cho Tin Mừng. Lý do đơn giản là thế gian không biết Chúa Giêsu; vì thế, không chấp nhận những tiêu chuẩn của Tin Mừng.

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

****************