Ngày thứ bảy (21-10-2023) – Trang suy niệm

20/10/2023

Lời Chúa Hôm Nay

Thứ Bảy tuần 28 Thường Niên

BÀI ÐỌC I: Rm 4, 13. 16-18

“Mặc dầu tuyệt vọng, ông vẫn tin”.

Bài trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.

Anh em thân mến, không phải nhờ lề luật mới có lời hứa ban cho Abraham hay dòng dõi của ông trở nên kẻ thừa kế thế gian, nhưng là nhờ sự công chính của đức tin. Vì thế, do đức tin, được coi như là theo ân sủng, lời hứa cho mọi dòng dõi được vững bền, không phải chỉ cho kẻ sinh bởi lề luật, mà còn cho kẻ sinh bởi đức tin của Abraham, tổ phụ của mọi người chúng ta, như có lời chép rằng: “Ta đã đặt ngươi làm cha nhiều dân tộc”. (Ông là cha chúng ta) trước mặt Thiên Chúa, Ðấng ông đã tin, Ðấng cho kẻ chết sống lại, và kêu gọi cái không có như có. Mặc dầu tuyệt vọng, ông vẫn tin rằng mình sẽ trở thành cha nhiều dân tộc, như có lời đã phán với ông rằng: “Dòng dõi ngươi sẽ như thế”.

Ðó là lời Chúa.

ÐÁP CA: Tv 104, 6-7. 8-9. 42-43

Ðáp: Tới muôn đời Chúa vẫn nhớ lời minh ước (c. 8a).

1) Hỡi miêu duệ Abraham là tôi tớ của Ngài, hỡi con cháu Giacóp, những người được Ngài kén chọn, chính Chúa là Thiên Chúa chúng ta, quyền cai trị của Ngài bao trùm khắp cả địa cầu.

2) Tới muôn đời Ngài vẫn nhớ lời minh ước, lời hứa mà Ngài đã an bài tới muôn thế hệ, lời minh ước Ngài đã ký cùng Abraham, lời thề hứa Ngài đã thề với Isaac.

3) Vì Ngài đã nhớ lời thánh thiện của Ngài, lời Ngài đã ban bố cùng Abraham là tôi tớ Ngài. Ngài đã đưa dân tộc Ngài ra đi trong niềm vui vẻ, đưa những kẻ Ngài kén chọn ra đi trong tiếng hân hoan.

ALLELUIA: Gc 1, 18

All. All. – Do ý định của Thiên Chúa, Người đã sinh chúng ta bằng lời sự thật, để chúng ta nên như của đầu mùa các tạo vật. – All.

PHÚC ÂM: Lc 12, 8-12

“Trong giờ ấy, Thánh Thần sẽ dạy các con phải nói thế nào”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Hễ ai xưng nhận Thầy trước mặt người đời, thì Con Người cũng sẽ xưng nhận nó trước mặt các thiên thần của Thiên Chúa; nhưng ai chối bỏ Thầy trước mặt người đời, thì sẽ bị chối bỏ trước mặt thiên thần của Thiên Chúa. Và hễ kẻ nào nói phạm đến Con Người, thì nó sẽ được tha. Nhưng kẻ nào nói phạm thượng đến Thánh Thần, thì sẽ không được tha. “Khi người ta điệu các con vào các hội đường, đến trước mặt vua quan và chính quyền, các con chớ lo lắng phải thưa làm sao, hay phải nói thế nào, vì trong giờ ấy, Thánh Thần sẽ dạy các con phải nói thế nào”.

Ðó là lời Chúa.

(Nguồn: UBPV/HĐGMVN, ấn bản 1973)

++++++++++++++++++

21/10/2023 – THỨ BẢY TUẦN 28 TN

Lc 12,8-12

TUYÊN NHẬN HAY KHƯỚC TỪ

“Ai tuyên bố nhận Thầy trước mặt thiên hạ, thì Con Người cũng sẽ tuyên bố nhận người ấy trước mặt các thiên thần của Thiên Chúa.” (Lc 12,8)

Suy niệm: Để đón nhận Nước Chúa, chúng ta không chỉ âm thầm chu toàn những việc phải làm, nhưng còn phải công khai tuyên xưng niềm tin của mình vào Thiên Chúa nữa. Tuyên tín là bản năng và là điều thuộc về căn tính của người tín hữu, là điều kiện để Đức Ki-tô nhìn nhận họ “trước mặt các thiên thần của Thiên Chúa”. Tuyên tín cũng là cách ta công khai bày tỏ món quà đức tin Chúa ban cho người chung quanh, để họ cũng có được món quà quý giá ấy như mình. Ơn đức tin tựa như nén bạc Chúa trao, ta không được chôn dấu đi, nhưng phải “sinh lời” bằng cách loan báo cho người lân cận. Nếu xao lãng, chểnh mảng sứ mạng làm chứng ấy, ta sẽ bị Chúa coi là đầy tớ lười biếng. Do đó, loan báo Tin Mừng là tên gọi khác của tuyên tín. Chúa Giê-su xác nhận giá trị của lời tuyên tín: họ sẽ được Ngài long trọng khen ngợi trong ngày sau hết.

Mời Bạn: Như vậy bạn và tôi phải biết tận dụng mọi cơ hội để làm chứng cho Chúa, bằng lời nói cũng như hành động. Lời nói và hành động luôn đi với nhau như hình với bóng. Ý thức được điều này sẽ giúp ta biết phân định phải nói gì, nói ở đâu và nói lúc nào là tốt nhất có thể. Vấn đề là ta biết rằng loan báo, làm chứng cho Chúa không phải là chuyện được chăng hay chớ, nhưng là bổn phận số một của người Ki-tô hữu.

Sống Lời Chúa: Tuyên xưng mình là Ki-tô hữu bằng cách thực hiện Tám Mối phúc thật và các giá trị Tin Mừng cách công khai trong đời sống của mình.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Trời xin mở miệng con, cho con luôn biết ngợi khen Ngài. Amen.

(5 Phút Lời Chúa)

++++++++++++++++++

Suy niệm và cầu nguyện

Suy niệm:

Người ta thường nói giữ đạo tại tâm.
Đức Giêsu hôm nay đòi ta phải tuyên xưng Ngài trước mặt người đời,
nghĩa là tuyên xưng một cách công khai, không giấu diếm.
Các thánh tử đạo Việt Nam ngày xưa đã có kinh nghiệm đó.
Chỉ cần bước qua thập giá là coi như chối bỏ niềm tin vào Đức Giêsu.
Không bước qua thập giá là cử chỉ tuyên xưng đức tin rõ ràng nhất.
Một đoàn người đông đúc đã sẵn lòng chịu muôn vàn khổ hình,
nhưng quyết không bước qua thập giá.

Phêrô đã có kinh nghiệm về sự công khai chối bỏ Thầy (Lc 22, 57).
Ông bảo mình không biết Thầy, không phải là người đã ở với Thầy,
đã theo Thầy như một môn đệ và như một người bạn.
Đơn giản là ông sợ bị liên lụy, sợ chịu chung số phận của Thầy.
Xưa nay chẳng ai tuyên xưng Đức Giêsu mà không phải trả giá.
Tuyên xưng bằng cách không bước qua thập giá như hồi xưa,
hay tuyên xưng bằng cách bước qua những mời mọc thời nay,
Coi nhẹ những gì thế gian mê đắm và ưa chuộng,
như khoái lạc, địa vị, quyền lực, giàu sang.
Phêrô đã bất ngờ và dễ dàng sa ngã.
Nhưng Đức Giêsu đã cầu xin để ông được đứng lên (Lc 22, 32).

Sau này, Phêrô sẽ có kinh nghiệm khác về việc công khai tuyên xưng.
Đó là lúc ông và Gioan bị đem ra trước Hội Đồng Do Thái (Cv 4, 8)
sau khi đã chữa một người bất toại ở cửa Đền thờ.
Phêrô được đầy tràn Thánh Thần, đã mạnh dạn làm chứng về Đức Kitô.
Hội Đồng kinh ngạc trước sự bạo dạn của ông,
vì biết ông là người ít học, quê mùa (Cv 4, 13).
Bạo dạn là nét của cộng đoàn sơ khai, khi đứng trước đe dọa (Cv 4, 29).
“Chớ lo lắng phải biện hộ làm sao hay phải nói gì,
vì Thánh Thần sẽ dạy các ông ngay giờ đó về điều phải nói” (cc. 11-12).
Không sợ và không lo,
đó là thái độ của người Kitô hữu trưởng thành trước nghịch cảnh.

Đừng phạm thượng đến Thánh Thần, vì sẽ không được tha (c. 10).
Xúc phạm đến Thánh Thần là cứ ngoan cố,
khăng khăng chống lại tác động của Ngài trong đời ta.
Những mời gọi của Thánh Thần bị bóp chết ngay từ đầu.
Một người dứt khoát từ chối Thánh Thần là từ chối chính Thiên Chúa.
Người ấy không có sự mở ra sẵn sàng để đón nhận.
Người ấy không được tha thứ, đơn giản vì không muốn nhận ơn ấy.

Xin cho chúng ta nhận được sự nâng đỡ của Thánh Thần
để làm chứng cho Giêsu giữa lòng thế giới.
Và xin cho ta chấp nhận cái giá phải trả cho một tình yêu tín trung.

Cầu nguyện:

Lạy Chúa Giêsu, vị tử đạo tuyệt vời,
Chúa đưa chúng con vào thế giằng co liên tục.
Chúa vừa chọn chúng con ra khỏi thế gian,
lại vừa sai chúng con vào trong thế gian đó.
Thế gian này vàng thau lẫn lộn.
Có khi vàng chỉ là lớp mạ bên ngoài.

Xin cho chúng con giữ được bản lãnh của mình,
giữ được vị mặn của muối,
và sức tác động của men,
để đem đến cho thế gian
một linh hồn, một sức sống.

Chúng con chẳng sợ mình bỏ đạo,
chỉ sợ mình bỏ sống đạo
vì bị quyến rũ bởi bao thú vui trần thế.

Xin cho chúng con đừng bao giờ quên rằng
chúng con mang dòng máu của các vị tử đạo,
những người đã đặt Chúa lên trên mạng sống.

Lạy Chúa Giêsu, nếu thế gian ghét chúng con,
thì xin cho chúng con cảm thấy niềm vui
của người được diễm phúc nên giống Chúa. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

(phutcaunguyen.net)

++++++++++++++++++

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên

21 THÁNG MƯỜI

Nhu Cầu Tiếp Nhận Nguời Tị Nạn

Các quốc gia trên thế giới cần phải hợp tác với nhau để đáp ứng nguyện vọng về chỗ định cư cho những người muốn tìm đất sống mới. Chỉ có sự hợp tác trên qui mô lớn giữa các chính phủ mới có thể có được giải pháp thỏa đáng cho vấn đề vốn dai dẳng và nghiêm trọng này. Trong Thông Điệp Pacem in terris, Đức Gioan XXIII đã đề cập đến tình trạng của những người bị trục xuất khỏi quê hương mình vì những lý do chính trị (PT 103–108). Ngài nhấn mạnh: “Những người tị nạn ấy là những nhân vị, và tất cả những quyền lợi của họ trong tư cách là những nhân vị cần phải được tôn trọng. Người tị nạn không thể mất các quyền căn bản của mình, cho dù họ bị tước đoạt quyền công dân tại xứ sở của họ”. (PT 105)

Với những lời khẳng quyết mạnh mẽ này, Đức Gioan XXIII đã đưa ra những lý do căn bản tại sao chúng ta – những Kitôhữu – phải quan tâm đến các anh chị em tị nạn. Họ đến với chúng ta từ những hoàn cảnh đau khổ và bị ngược đãi. Bổn phận của chúng ta là phải bảo vệ những quyền lợi cốt thiết của họ, những quyền căn bản của mọi con người, những quyền không thể bị chế định bởi các yếu tố của tự nhiên hay bởi những hoàn cảnh chính trị xã hội.

– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –

Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác

LIFT UP YOUR HEARTS

Daily Meditations by Pope John Paul II

+++++++++++++++++

Lời Chúa Trong Gia Đình

Ngày 21/10

Rm 4, 13. 16-18; Lc 12, 8-12.

Lời suy niệm:  “Thầy nói cho anh em biết: Phàm ai tuyên bố nhận Thầy trước mặt thiên hạ, thì Con Người cũng tuyên bố nhận người ấy trước mặt các thiên thần của Thiên Chúa. Còn ai chối Thầy trước mặt thiên hạ, thì sẽ bị chối trước mặt các thiên thần của Thiên Chúa.”

          Trong cuộc sống giữa một xã hội muốn bài trừ tôn giáo. những cử chỉ thể hiện niềm tin vào tôn giáo của mình, đôi khi đem đến những bất lợi trong công ăn việc làm và sự tiến thân trong môi trường đang sống, đã làm cho một số người yếu tin đã phải ngập ngừng, lấp lững trong việc tuyên xưng đức tin của mình. Điều này Chúa Giêsu đã công khai cho biết: Ai chối bỏ Người, Người sẽ chối bỏ người ấy, và ai công khai công bố tin nhận Người, thi Người cũng tuyên nhận người ấy.

          Lạy Chúa Giêsu. Xin Chúa ban thêm ơn đức tin và sự can đảm cho chúng con, để chúng con luôn mạnh dạng tuyên xưng Chúa trước mặt mọi người bất cứ đang ở trong hoàn cảnh nào. Để làm vinh danh Chúa và được hưởng phúc lành như các thánh Tử Đạo. Amen.

Mạnh Phương

+++++++++++++++++

21 Tháng Mười

Hai Cha Con Và Con Lừa 

Một trong những câu chuyện ngụ ngôn mà người Mỹ thường kể cho con cái nghe nhất đó là câu chuyện: “Hai cha con và con lừa”. Có hai cha con dắt con lừa ra chợ bán. Cha ngồi trên lưng lừa, con đi bộ theo sau. Người đi đường thấy thế bèn nói: “Cha gì mà không biết thương con! Ngồi trễm trệ trên lưng lừa, trong khi con phải đi bộ!”. Nghe vậy, người cha bèn nhảy xuống khỏi lưng lừa và nhường cho con cưỡi lừa. Ði được một chốc, hai cha con lại nghe người hai bên đường chỉ trích: “Ðồ con bất hiếu, ngồi ung dung trên lưng lừa, trong khi cha lại đi cuốc bộ”. Nghe như vậy, hai cha con mới bảo nhau: “Chỉ còn một cách để cho thiên hạ khỏi nói là hai ta cùng cưỡi lừa”.

Thế là hai cha con cùng leo lên lưng lừa. Nhưng đi được một quãng, họ lại bắt đầu nghe một lời phê bình khác: “Thật là đồ vô nhân đạo! Làm sao con lừa chịu đựng cả một sức nặng như thế”.

Nghe thế, hai cha con lại vội nhảy xuống khỏi lưng lừa. Lần này thì cũng có người phê bình: “Ðồ dại dột, có lừa mà không dám cưỡi lại phải đi bộ”. Hai cha con không biết nghĩ sao, đành phải nai lưng khiêng con lừa đến chợ.

Ðôi khi chúng ta cũng bị ảnh hưởng rất nhiều vì những lời khen chê của thiên hạ. Dĩ nhiên chúng ta cần phải biết lắng nghe những ý kiến xây dựng của những người có thiện chí muốn giúp đỡ chúng ta. Tuy nhiên chúng ta không nên để mình bị “rung động” bởi những lời dèm pha thiếu nền tảng của người khác.

Trong Giáo Hội cũng có những người mắc phải chứng bệnh thích chỉ trích phê bình người khác. Họ quên rằng mình cũng chỉ là những con người đầy khiếm khuyết. Họ là những gai nhọn hoặc dấm chua trong Giáo Hội. Sự hiện diện của họ thường gây sứt mẻ hơn là góp phần xây dựng Giáo Hội trong tình yêu thương và hiệp nhất.

(Lẽ Sống)

++++++++++++++++++

Lời Chúa Mỗi Ngày

Thứ Bảy – Tuần 28 – TN1

Bài đọc: Rom 4:13, 16-18; Lk 12:8-12.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Tin vào những gì Thiên Chúa hứa và làm chứng cho Ngài.

Nhiều người thường áp dụng cách thức con người cho Thiên Chúa; chẳng hạn, chỉ yêu những gì tốt lành. Họ nghĩ Thiên Chúa yêu con người vì những việc tốt lành con người làm cho Thiên Chúa, như giữ luật, đi nhà thờ, giảng đạo, sống tốt lành… Sự thật là Thiên Chúa yêu thương con người khi họ vẫn còn là tội nhân, yếu đuối, và đầy những khuyết điểm. Con người không có công trạng gì để xứng đáng được Thiên Chúa yêu thương; chỉ có một điều con người có thể làm là nếu tin vào tình thương và uy quyền của Thiên Chúa, họ sẽ được trở nên công chính và hưởng mọi ơn thánh Ngài hứa ban.

Các Bài Đọc hôm nay muốn làm sang tỏ chân lý này. Trong Bài Đọc I, Phaolô tranh luận với người Do-thái và nêu rõ lý do tổ Abraham được thừa hưởng lời hứa “là cha nhiều dân tộc:” không phải vì việc giữ Luật; nhưng vì niềm tin tưởng tuyệt đối nơi uy quyền và tình thương của Thiên Chúa. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu muốn các môn đệ tuyệt đối tin tưởng nơi Ngài và nơi Thánh Thần của Ngài, nhất là trong những lúc phải đương đầu với sự sai trá và làm chứng cho sự thật.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Vì tin mà Abraham được thừa hưởng lời Thiên Chúa hứa.

1.1/ Lề Luật không có sức mạnh làm con người nên công chính.

(1) Không phải vì Lề Luật mà Abraham được thừa hưởng lời Thiên Chúa hứa: Lề Luật mà Thiên Chúa ban qua Moses xảy ra 430 năm sau thời của Abraham; do đó, một người không thể nói, nhờ việc giữ Lề Luật, Abraham được thừa hưởng lời Thiên Chúa hứa; mà là do bởi niềm tin của ông vào Thiên Chúa. Thánh Phaolô tuyên bố: ”Thật vậy, không phải chiếu theo Lề Luật, mà Thiên Chúa đã hứa cho ông Abraham và dòng dõi ông được thế gian làm gia nghiệp; nhưng ông được lời hứa đó, vì đã trở nên công chính nhờ lòng tin.”

Nếu đã đúng cho Abraham, cũng đúng cho tất cả chúng ta: ”Bởi vậy, vì tin mà người ta được thừa hưởng lời Thiên Chúa hứa; như thế lời hứa là ân huệ Thiên Chúa ban không, và có giá trị cho toàn thể dòng dõi ông Abraham, nghĩa là không phải chỉ cho những ai giữ Lề Luật, mà còn cho những ai có lòng tin như ông. Ông là tổ phụ chúng ta hết thảy.”

(2) Thiên Chúa đổi tên cho Abraham: Khi còn ở bên xứ Urs, tên của ông là Abram, có nghĩa “người cha được tôn vinh.” Thiên Chúa đổi tên của ông thành Abraham, có nghĩa “người cha của nhiều dân tộc” (Gen 17:5). Thánh Phaolô lập lại sự kiện này như sau: ”như có lời chép: Ta đã đặt ngươi làm tổ phụ nhiều dân tộc. Ông là tổ phụ chúng ta trước mặt Thiên Chúa, Đấng ông tin tưởng, Đấng làm cho kẻ chết được sống và khiến những gì không có hoá có.”

1.2/ Tin tưởng lời Chúa hứa trong mọi hoàn cảnh: Thiên Chúa hứa cho Abraham một giòng dõi đông như sao trên trời và cát ngoài bãi biển; nhưng thực tế trong cuộc đời của ông chỉ có Isaac và Ismael. Làm sao Abraham trở thành cha nhiều dân tộc trong khi chỉ có hai người con? Dưới mắt nhân loại, đây là điều không thể; nhưng dưới mắt đức tin của Abraham, ông tin Thiên Chúa có quyền năng làm được những gì Thiên Chúa hứa: ”Mặc dầu không còn gì để trông cậy, ông vẫn trông cậy và vững tin, do đó ông đã trở thành tổ phụ nhiều dân tộc, như lời Thiên Chúa phán: Dòng dõi ngươi sẽ đông đảo như thế.”

Các nhà chú giải Kinh Thánh nghĩ Thiên Chúa đã cho ông thấy trước ngày sinh của Đức Kitô trong giòng dõi của ông; vì nhờ Đức Kitô mà ông trở thành tổ phụ của nhiều dân tộc, vì họ tin vào Ngài: “Ông Abraham là cha các ông đã hớn hở vui mừng vì hy vọng được thấy ngày của tôi. Ông đã thấy và đã mừng rỡ” (Jn 8:56).

2/ Phúc Âm: Ai tuyên bố nhận Thầy trước mặt thiên hạ, thì Thầy cũng sẽ tuyên bố nhận người ấy trước mặt các thiên thần của Thiên Chúa.

2.1/ Cuộc sống chứng nhân cần thiết để khơi dậy niềm tin nơi người khác: Hai điều giúp con người tin vào Đức Kitô là Tin Mừng và đời sống chứng nhân của người rao giảng; điều thứ hai nhiều khi còn quan trọng hơn cả điều thứ nhất, vì “lời nói lung lay, gương bày lôi cuốn.” Chính Gandhi đã từng nói: “Nếu mọi tín hữu sống những gì Đức Kitô dạy, thế giới chắc đã tin tưởng nơi Ngài hết.” Để có thể sống những gì Đức Kitô dạy, người tín hữu phải học hỏi Phúc Âm, nơi các thánh-sử ghi chép lại tất cả những gì Đức Kitô muốn lưu lại cho hậu thế; nếu không chịu học hỏi để biết, làm sao biết cách thực hành!

Cuộc sống của con người trên đời này là để làm chứng nhân cho Thiên Chúa. Mục đích sự hiện hữu của Hội Thánh và của mỗi tín hữu là làm chứng nhân cho Thiên Chúa bằng lời rao giảng và các việc làm. Nếu không chu toàn bổn phận này, làm sao các tín hữu có thể đạt được phần thưởng mà Đức Kitô đã sắm sẵn cho họ. Trong trình thuật hôm nay, Chúa Giêsu tuyên bố hậu quả của những người chu toàn hay không chu toàn sứ vụ làm chứng nhân: “Thầy nói cho anh em biết: phàm ai tuyên bố nhận Thầy trước mặt thiên hạ, thì Con Người cũng sẽ tuyên bố nhận người ấy trước mặt các thiên thần của Thiên Chúa. Còn ai chối Thầy trước mặt thiên hạ, thì sẽ bị chối trước mặt các thiên thần của Thiên Chúa.”

2.2/ Tội phạm đến Thánh Thần là tội nào? Một cách tổng quát là tội không tin vào Đức Kitô và những gì Ngài dạy dỗ. Đối với người Do-Thái và ngay cả đối với chúng ta, sứ vụ của Chúa Thánh Thần là làm cho con người nhận thức được Sự Thật. Tội phạm đến Chúa Thánh Thần là tội từ chối không nghe và theo sự hướng dẫn của Ngài. Trong Tin Mừng của Matthêu và Marcô, cả hai Thánh Ký đều đề cập đến tội phạm đến Chúa Thánh Thần khi người Do-Thái bảo Chúa Giêsu: “Ông ấy nhờ quyền lực của tướng quỉ mà trừ quỉ” (Mt 12:31-32, Mk 3:28-29).

Tại sao không được tha? Khi con người đã mất sự nhạy cảm về sự thật đến nỗi cho điều thật là sai và cho điều sai là điều thật, hay như một số người Do-Thái, cho Chúa Giêsu là ma quỉ, làm sao họ có thể tin vào Đức Kitô để được hưởng ơn Cứu Độ. Tương tự, một khi con người đã mất hết ý thức về tội lỗi: chẳng còn cho cái gì là tội nữa, thì họ đâu cần để được tha thứ! Vì thế, khi con người từ chối không nghe sự hướng dẫn của Thánh Thần để nhận ra sự thật, con người sẽ không còn hy vọng để lãnh nhận ơn Cứu Độ.

2.3/ Vai trò của Chúa Thánh Thần trong đời sống chứng nhân: Chúa Giêsu nói rõ cho các môn đệ về vai trò của Chúa Thánh Thần: “Khi người ta đưa anh em ra trước hội đường, trước mặt những người lãnh đạo và những người cầm quyền, thì anh em đừng lo phải bào chữa làm sao, hoặc phải nói gì, vì ngay trong giờ đó, Thánh Thần sẽ dạy cho anh em biết những điều phải nói.” Thánh Thần được gọi là Trạng Sư trong Tin Mừng Gioan; và nhiệm vụ của Trạng Sư là nói thay cho người bị cáo. Chính sự khôn ngoan và sức mạnh của Thánh Thần đã làm cho những con người yếu đuối và chất phác trở nên những vị tử đạo anh hùng, và lưu truyền cho hậu thế những lời khôn ngoan, bất khuất, và kiên cường.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

– Tin vào những gì Thiên Chúa hứa là điều kiện để được nên công chính và hưởng những hồng ân của Ngài; và ngược lại.

– Sứ vụ quan trọng của Chúa Thánh Thần trong Kế Họach Cứu Độ là làm cho con người thấu hiểu những lời giảng dạy và mặc khải của Đức Kitô. Vì thế, chúng ta cần cầu xin với Ngài mỗi khi nghe Lời Chúa để Ngài soi lòng mở trí cho chúng ta.

– Chúng ta cần lắng nghe sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần để luôn biết tìm hiểu và nhạy cảm với sự thật. Một khi đã khinh thường và mất đi nhạy cảm với sự thật, con người không còn hy vọng được cứu rỗi.

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

****************