Ngày thứ bảy (24-04-2021) – Trang suy niệm

23/04/2021

Lời Chúa Hôm Nay

Thứ Bảy Tuần III Mùa Phục Sinh Năm lẻ

BÀI ĐỌC I: Cv 9, 31-42

“Hội thánh được tổ chức và đầy ơn an ủi của Thánh Thần”.

Trích sách Tông đồ Công vụ.

Trong những ngày ấy, Hội Thánh được bình an trong khắp miền Giuđêa, Galilêa và Samaria, sống trong sự kính sợ Chúa, được tổ chức và đầy ơn an ủi của Thánh Thần.

Phêrô đi khắp các miền, đến với các thánh đang ở Lyđa. Ở đó ngài gặp một người tên là Ênêa, bị bất toại đã liệt giường suốt tám năm. Phêrô nói với anh ta: “Ênêa, Chúa Giêsu Kitô chữa anh lành bệnh; hãy chỗi dậy và dẹp giường đi”. Lập tức anh ta đứng lên. Tất cả dân cư ở Lyđa và Sarôna thấy vậy, đều trở lại cùng Chúa.

Tại Gióp-pê, có một nữ môn đồ tên là Tabitha, nghĩa là Sơn Dương. Bà làm nhiều việc lành và hay bố thí. Xảy ra trong những ngày ấy bà lâm bệnh mà chết; người ta rửa xác bà, rồi đặt trên lầu. Vì Lyđa ở gần Gióp-pê, các môn đồ nghe tin Phêrô đang ở đó, liền sai hai người đến xin ngài rằng: “Xin ngài hãy mau đến với chúng tôi”. Phêrô chỗi dậy đi với họ. Đến nơi, người ta dẫn ngài lên lầu; tất cả các quả phụ bao quanh ngài, khóc nức nở, chỉ cho ngài xem các áo trong áo ngoài mà chị Sơn Dương may cho họ. Phêrô bảo mọi người ra ngoài, rồi quỳ gối cầu nguyện, và quay mặt về phía thi thể mà nói: “Tabitha, hãy chỗi dậy”. Bà liền mở mắt, thấy Phêrô và ngồi dậy. Phêrô đưa tay đỡ bà đứng dậy, rồi gọi các thánh, và các quả phụ đến, và chỉ cho thấy bà đã sống lại. Cả thành Gióp-pê hay biết việc ấy, nên nhiều người tin vào Chúa. Phêrô lưu lại Gióp-pê nhiều ngày tại nhà Simon thợ thuộc da. Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 115, 12-13. 14-15. 16-17

Đáp: Tôi lấy gì dâng lại cho Chúa, để đền đáp những điều Ngài ban tặng cho tôi? (c. 12)

Hoặc đọc: Alleluia.

Xướng: 1) Tôi lấy gì dâng lại cho Chúa, để đền đáp những điều Ngài ban tặng cho tôi? Tôi sẽ lãnh chén cứu độ, và tôi sẽ kêu cầu danh Chúa. – Đáp.

2) Tôi sẽ giữ trọn lời khấn xin cùng Chúa, trước mặt toàn thể dân Ngài. Trước mặt Chúa thật là quý hoá, cái chết của những bậc thánh nhân Ngài. – Đáp.

3) Ôi lạy Chúa, con là tôi tớ Chúa, con là tôi tớ Ngài, con trai của nữ tỳ Ngài, Ngài đã bẻ gãy xiềng xích cho con. Con sẽ hiến dâng Chúa lời ca ngợi làm sinh lễ, và con sẽ kêu cầu danh Chúa. – Đáp. 

ALLELUIA: Mt 28, 19 và 20

Alleluia, alleluia! – Các con hãy đi giảng dạy muôn dân: Thầy sẽ ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế. – Alleluia. 

PHÚC ÂM: Ga 6, 61-70 (Hl 60-69)

“Chúng con sẽ đi đến với ai? Thầy mới có những lời ban sự sống”.

Trích Phúc Âm theo Thánh Gioan.

Khi ấy, có nhiều môn đệ của Chúa Giêsu nói rằng: “Lời này chói tai quá! Ai nghe được!” Tự biết rằng các môn đệ đang lẩm bẩm về chuyện ấy, Chúa Giêsu nói với họ: “Điều đó làm các ngươi khó chịu ư? Vậy nếu các ngươi thấy Con Người lên nơi đã ở trước thì sao? Chính thần trí mới làm cho sống, chứ xác thịt nào có ích gì? Nhưng lời Ta nói với các ngươi là thần trí và là sự sống. Nhưng trong các ngươi có một số không tin”. Vì từ đầu Chúa Giêsu đã biết ai là những kẻ không tin, và kẻ nào sẽ nộp Người. Và Người nói: “Bởi đó, Ta bảo các ngươi rằng: Không ai có thể đến với Ta, nếu không được Cha Ta ban cho”. Từ bấy giờ có nhiều môn đệ rút lui không còn theo Người nữa. Chúa Giêsu liền nói với nhóm Mười Hai rằng: “Cả các con, các con có muốn bỏ đi không?” Simon Phêrô thưa Người: “Lạy Thầy, chúng con sẽ đi theo ai? Thầy mới có những lời ban sự sống đời đời. Phần chúng con, chúng con tin và chúng con biết rằng: Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa”. Đó là lời Chúa.

(thanhlinh.net)

++++++++++++++++++

24/04/2021 – THỨ BẢY TUẦN 3 PS

Th. Phi-đen Dích-ma-ring-ngân, linh mục, tử đạo

Ga 6,60-69

“BỎ THẦY, CON BIẾT THEO AI?”

“Bỏ Thầy, chúng con biết theo ai? Thầy mới có lời đem lại sự sống đời đời.” (Ga 6,68)

Suy niệm: Ai trong chúng ta lại không biết câu tục ngữ: “Không thầy đố mày làm nên”? Cũng thế, hẳn chúng ta cũng biết rằng Phê-rô, tông đồ trưởng của Chúa Giê-su, vốn có khả năng ‘thiên phú’ – được Chúa Cha mạc khải (x. Mt 16,17) – cũng đã phát biểu một câu ‘để đời’: “Bỏ Thầy, chúng con biết theo ai!” Một ngư phủ bộc trực như Phê-rô lại có thể nói lên những lời dạt dào cảm xúc giữa đám đông dân chúng đang bất bình vì lời của Chúa mà họ cho là chướng tai khiến cả các môn đệ khác cũng nao núng. Bất chấp tất cả những phản ứng đối nghịch ấy, bất chấp những yếu đuối nông nổi, bất chấp cái nhìn còn nặng tinh thần thế tục của mình, Phê-rô vẫn luôn thể hiện là một môn đệ say mê gắn bó với Thầy; đối với ông, Thầy Giê-su chính là Con Thiên Chúa, và chỉ “Thầy mới có lời ban sự sống đời đời.”

Mời bạn: Người ta thường nói: “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư;” trong cuộc đời, chúng ta qua tay biết bao người thầy. Nhưng với bạn, bạn coi Đức Giê-su là người thầy dạy chữ dạy nghề như bao người thầy khác hay đó là vị Thầy mà bạn sẽ thốt lên “bỏ Thầy con biết theo ai” bởi vì chỉ mình Ngài mới “có lời ban sự sống đời đời”?

Sống Lời Chúa: Được làm môn đệ Thầy Giê-su, bạn hãy “vâng nghe Lời Ngài” bằng cách siêng năng suy niệm Lời Chúa mỗi ngày.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin ở lại với con, vì con cần có Chúa. Xin ban cho con ánh sáng của Chúa để con bước đi theo đường lối Chúa. Xin giữ con ở lại trong Chúa, vì bỏ Chúa con biết theo ai, chỉ mình Chúa mới có lời ban sự sống đời đời. Amen. (Rabbouni)

(5 Phút Lời Chúa)

++++++++++++++++++

Suy niệm và cầu nguyện

Suy Niệm

Chương 6 của Tin Mừng Gioan có một kết thúc không vui lắm.
Bài Tin Mừng hôm nay (cc. 60-69) đi theo ngay sau các câu 35-50,
vì các câu 51-59 có lẽ được viết muộn hơn và thêm vào sau này.

Đức Giêsu coi mình là bánh thật từ trời xuống (cc. 33. 50).
Ai tin vào Ngài sẽ được sống muôn đời (cc 40. 47).
Những lời giảng của Đức Giêsu đã gây vấp phạm, khó nghe, gai chướng,
khiến nhiều môn đệ xầm xì, không tin, rút lui và không đi theo Ngài nữa.
Chỉ có nhóm Mười Hai ở lại, nhưng cũng không trọn vẹn.

Giáo huấn của Đức Giêsu vẫn luôn gây sốc cho con người mọi thời.
Lời Chúa vẫn luôn là điều khó hiểu, khó chịu và khó sống.
Những kitô hữu đã tin theo Đức Giêsu trong nhiều năm
vẫn bị đặt mình trước lời Chúa và được mời gọi chọn lại.
Tin vào Đức Giêsu là một chọn lựa lớn và căn bản.
Chọn lựa này cần được làm mới lại mỗi ngày xuyên qua những chọn lựa nhỏ.
Có những kitô hữu mất đức tin vì đã không dám sống niềm tin của mình.
Có những người rút lui và bỏ đi, dù tên vẫn còn trong sổ Rửa tội.
Có những người xầm xì vì những đòi hỏi gai góc của Lời Chúa.

“Chẳng lẽ anh em cũng muốn bỏ đi sao ?”
Đức Giêsu buồn rầu hỏi nhóm Mười Hai như thế.
Simon đại diện anh em đã xin được tiếp tục ở với Thầy, đi với Thầy.
“Bỏ Thầy chúng con biết đi với ai ?”

Lời của Thầy tuy khó nghe, nhưng con tin đó là lời ban sự sống đời đời (c. 68).
Lời của Thầy tuy chướng tai, nhưng lại là thần khí và là sự sống (c. 63).
Simon tin Thầy Giêsu là Đấng Thánh của Thiên Chúa (c. 69).
Đấng Thánh là Đấng từ trời xuống
và cũng là Đấng sẽ lên trời nơi đã ở trước kia (c. 62).

Có thể điều làm con người hôm nay bỏ đạo, bỏ Chúa Giêsu,
lại không phải là những lời khó nghe của Ngài,
mà là đời sống của các kitô hữu, những người không dám sống các lời ấy.
Nhiều người thấy chướng khi nhìn vào cuộc sống của họ.
Xin Chúa Cha ban cho chúng ta ơn đến với Giêsu, và kiên trì ở lại với Ngài.

 

Cầu Nguyện

Lạy Chúa,
Xin dạy con luôn tươi tắn, dịu dàng
Trước mọi biến cố của cuộc sống,
Khi con gặp thất vọng, gặp người hờ hững vô tâm,
Hay gặp sự bất trung, bất tín
Nơi những người con tin tưởng cậy dựa,
Xin giúp con gạt mình sang một bên
Để nghĩ đến hạnh phúc người khác,
Giấu đi những nỗi phiền muộn của mình
Để tránh cho người khác phải đau khổ.

Xin dạy con biết tận dụng đau khổ con gặp trên đời,
Để đau khổ làm con thêm mềm mại,
Chứ không cứng cỏi hay cay đắng,
Làm con nhẫn nại chứ không bực bội,
Làm con rộng lòng tha thứ,
Chứ không hẹp hòi hay độc đoán, cao kỳ.
Ước gì không ai sút kém đi
Vì chịu ảnh hưởng của con,
Không ai giảm bớt lòng thanh khiết, chân thật,
Lòng cao thượng, tử tế,
Chỉ vì đã là bạn đồng hành của con
Trong cuộc hành trình về quê hương vĩnh cửu.

Khi con loay hoay với bao nỗi lo âu bối rối,
Xin cho con có lúc
thì thầm với Chúa một lời yêu thương.
Ước chi đời con là cuộc đời siêu nhiên,
Tràn trề sức mạnh để làm việc thiện,
Và kiên quyết nhắm tới lý tưởng nên thánh. Amen
(dịch theo learning Christ)

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

(phutcaunguyen.net)

++++++++++++++++++

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên

24 THÁNG TƯ

Phó Thác Cho Quyền Lực Cứu Độ Của Đức Kitô

Ơn cứu chuộc bắt đầu với Thập Giá và được hoàn thành nơi cuộc Phục Sinh. Chiên Con đã cứu chuộc bầy chiên. Đức Kitô vô tì tích đã giao hòa các tội nhân với Chúa Cha.

Và, con người đã được giải thoát khỏi sự chết và được trao ban lại sự sống. Và, con người đã được giải phóng khỏi tội lỗi và được trao ban lại tình yêu. Hỡi tất cả những ai còn đang chìm trong bóng tối của sự chết, xin hãy lắng nghe: Đức Kitô đã sống lại! Hỡi tất cả những ai còn đang bị đè nặng dưới ách của tội lỗi, xin hãy lắng nghe: Đức Kitô đã vượt thắng tội lỗi nơi Thập Giá và nơi cuộc Phục Sinh của Người! Hãy phó thác sự sống của anh em cho Người!

Hỡi con người của thế giới hôm nay! Hãy qui phục Đức Kitô, qui phục quyền lực của Người! Càng khám phá ra những nẻo đường tội lỗi sau lưng mình, anh em càng ý thức hơn sự chết khủng khiếp như thế nào. Anh em hãy đặt mình trong quyền năng cứu độ của Đức Kitô!

– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –

Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác

LIFT UP YOUR HEARTS

Daily Meditations by Pope John Paul II

+++++++++++++++++

Lời Chúa Trong Gia Đình

NGÀY 24/4

Thánh Fiđêlê Sigmaringen, linh mục, tử đạo

Cv 9, 31-42; Ga 6, 51. 60-69.

LỜI SUY NIỆM: “Thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời.”

          Sau khi Chúa Giêsu công bố: Chính máu thịt của Người là lương thưc nuôi sống sự kết hợp với Chúa Cha, đã làm cho nhiều môn đệ của Người lên tiếng: “Lời này chướng tai quá! Ai mà nghe nỗi?” và họ đã rời bỏ Người. Trước tình hình đó, Chúa Giêsu hỏi Nhóm Mười Hai: “Cả anh em nữa, anh em cũng muốn bỏ đi hay sao?” Trức câu hỏi của Người, Phêrô đã mạnh dạn thưa với Người: “Thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời.”

          Lạy Chúa Giêsu, xin cho mọi thành viên trong gia đình chúng con cùng có một quyết tâm như thánh Phêrô: “Lạy Chúa, bỏ Chúa thì chúng con biết đến với ai? Chúa mới có những lời đem lại sự sống đời đời cho tất cả chúng con”

Mạnh Phương

+++++++++++++++++

Gương Thánh Nhân

Ngày 24-04

Thánh FIDÊLÊ Đệ SIGMARINGA
Tử Đạo – (1528 – 1622)

Thánh Fidelê, tên thật là Marê Rey, sinh ra năm 1528 ở Sigmaringa nước Đức. Sau những ngày trong tuổi thơ ấu trong trắng vô tội, Ngài được gởi đi học tại đại học tại Friburg, Thụy Sĩ. Để tự chủ, Marê thực hiện nhiều việc bỏ mình nghiêm ngặt. Khi đã hoàn tất cấp bậc tiến sĩ về triết học, Ngài đã tỏ ra rất mực khôn ngoan đến nỗi người ta gọi Ngài là triết gia Kitô giáo.

Năm 1604, công tước Stotzngen xin Ngài hứơng dẫn cho con mình và hai nhà quí phái khác trong một cuộc du hành khắp các vương quốc Âu Châu để học hiểu. Cuộc du hành kéo dài sáu năm. Marê đã khuyên nhủ họ nhiều điều không thể quên được. Ngài thúc giục họ phải biết thắng vượt chính mình: – Sống xa hoa nhẹ dạ, người ta bất xứng với vinh quang thực mà chỉ chinh phục được bằng nỗ lực và bằng việc chà đạp vui thú dưới chân.

Sau cuộc viễn du những nhà quí phái trẻ muốn Ngài đừng bỏ họ. Ngài đã theo học luật. Và sau khi nhận bằng tiến sĩ luật Ngài lập văn phòng luật sư ở Colmar. Ngài quyết thực thi đức ái đến nỗi Ngài được gọi là luật sư của dân nghèo. Nhưng nghề nghiệp đã cứu giúp Ngài khám phá ra được những bất lương của cuộc đời. Quyết định theo đuổi đời sống hoàn hảo, Ngài tới gõ cửa dòng Phanxicô. Năm 1612 Ngài được danh hiệu Fiđêlê.

Vị luật sư trở thành thầy dòng làm cho ma quỉ tức giận. Trước các cơn cám dỗ, thày Fiđêlê bối rối, nhưng thử thách tan biến khi Ngài đến giải bày nỗi lòng với một linh mục giàu kinh nghiệm, Người đã dạy Ngài cầu nguyện nhiều hơn,

Fiđêlê đã khẩn cầu tha thiết. – Lạy Chúa cứu chuộc con, xin trả lại niềm vui cần thiết và bình an tâm hồn. Xin hãy tẩy sạch mọi nghi ngờ để ý Chúa được thực hiện và để con thắng vượt quân thù, thắng con người và những đam mê của con.

Fiđêlê nỗ lực hy sinh hãm mình cho đến khi Thiên Chúa ban lại bình an cùng ánh sáng cho Ngài. Từ đó thánh nhân luôn trung thành quảng đại hiến mình cho Chúa. Ngài nói: – Thật bất hạnh nếu tôi là một chiến sĩ dưới quyền thủ lãnh đầu đội mão gai, mà lại chiến đấu một cách yếu hèn.

Khi được chọn làm bề trên tu viện ở Weltkirvhen, Ngài được ơn làm phép lạ để hoán cải người ta. Gặp thời dịch tể, Ngài hết mình phục vụ các bệnh nhân. Người ta thấy Ngài ở khắp nơi, trong nhà thương, ở tư gia, chạy trên đường phố, săn sóc thân xác linh hồn mọi người và thường chữa lành cho cả hồn lẫn xác.

Lạc giáo tàn phá miền Grisons. Đức giáo hoàng giao cho thánh Fiđêlê trách nhiệm đối phó với nhón người theo pháí Calvin. Thánh nhân giã từ tu viện, để lại bao nhiêu là xúc động, Ngài từ biệt dân Weltkirchen như đi chịu tử đạo.

Nhưng với các bạn đồng hành, Ngài khích lệ: – Nào chúng ta lên đường tới nơi mà Chúa kêu gọi và mùa gặt thúc bách.

Ngài giảng cho dân chúng, dạy người nghèo, thông truyền giáo lý cho trẻ em.

Để cứu một linh hồn, Ngài cũng sẵn sàng đi chân không vượt qua mọi sỏi đá tuyết sương. Những người Thệ phản bực tức vì sự anh dũng của thánh nhân nên họ quyết thủ tiêu Ngài. Thư từ Ngài viết còn ghi: – Thày Fiđêlê sẽ sớm làm mồi cho sâu bọ.

Một lần kia, sau bài giảng hùng hồn, thánh nhân xin bạn mình ngồi tòa giải tội vì Ngài phải đi Seewis không biết có điều gì sẽ xảy ra, nhiều người lo lắng cầu nguyện cho Ngài.

Một người đã hỏi : – Nếu các người theo lạc giáo tấn công thì Cha làm sao ?

Thánh Fiđêlê trả lời : – Tôi sẽ làm như các vị tử đạo. Tôi sẽ vui mừng đón nhận cái chết vì tình yêu Chúa và coi đó như một ân huệ lớn lao dành cho tôi.

Ngài thường nói : – Lạy Chúa, con phải chịu khó với Chúa nếu con muốn được hoàn toàn thuộc về Chúa.

Tại Seewis, Ngài rung chuông tập họp dân chúng lại. Một riếng súng nổ, nhưng không trúng Ngài. Trên đường về Grisch, Ngài bị một nhóm binh sĩ lạc giáo xông vào đánh đập, Ngài chỉ nói được trong hơi thở yếu ớt: – Tôi hiến mạng sống tôi để các bạn nhận biết đức tin của tổ tiên chúng ta.

Bị đập, Ngài vẫn gắng gượng để thốt lên : – Lạy Chúa Giêsu, xin thương xót con. Lạy Mẹ Maria, xin giúp đỡ con.

Và Ngài đã xin Thiên Chúa tha cho kẻ thù mình và gục ngã dưới lưỡi gươm ngày 24 tháng 04 năm 1622.

(daminhvn.net)

+++++++++++++++++

24 Tháng Tư

Hạt Táo 

Tại một xứ Hồi giáo nọ, có một người đàn ông bị vua truyền lệnh treo cổ vì đã ăn cắp thức ăn của một người khác. Như thường lệ, trước khi bị treo cổ, tù nhân được nhà vua cho phép xin một ân huệ. Kẻ tử tội bèn xin với nhà vua như sau: “Tâu bệ hạ, xin cho thần được trồng một cây táo. Chỉ trong một đêm thôi, hạt giống sẽ nảy mầm, thành cây và có trái ăn ngay tức khắc. Ðây là một bí quyết mà cha thần đã truyền lại cho thần. Thần tiếc là bí quyết này không được truyền lại cho hậu thế”.

Nhà vua truyền lệnh cho chuẩn bị mọi sự sẵn sàng để sáng hôm sau người tử tội sẽ biểu diễn cách trồng táo. Ðúng giờ hẹn, trước mặt nhà vua và các quan văn võ trong triều đình, tên trộm đào một cái lỗ nhỏ và nói: “Chỉ có người nào chưa hề ăn cắp hoặc lấy của người khác, người đó mớico thể trồng được hạt giống này. Vì đã từng ăn trộm nên tôi không thể trồng được hạt giống này”.

Nhà vua tin người tử tội, nên mới quay sang nhìn vị tể tướng, có ý nhờ ông ta làm công tác ấy. Nhưng sau một hồi do dự, vị tể tướng mới thưa: “Tâu bệ hạ, thần nhớ lại lúc còn niên thiếu, thần cũng đã có lần lấy của người khác… Thần cảm thấy mình không đủ điều kiện để trồng hạt táo này”. Nhà vua đảo mắt nhìn quanh các quan văn võ đang cómặt, ông nghĩ bụng: may ra quan thủ kho trong triều đình là người nổi tiếng trong sạch có thể hội đủ điều kiện. nhưng cũng giống như vị tể tướng, quan thủ kho cũng lắc đầu từ chối và tuyên bố trước mặt mọi người rằng, ông cũng đã có một lần gian lận trong chuyện tiền bạc. không còn tìm được người nào có thể thực hiện được bí quyết trồng cây ấy, nha vua định cầm hạt giống đến cho vào lỗ đã đào sẵn. Nhưng ông cũng chợt nhớ rằng lúc còn niên thiếu, ông cũng có lần đánh cắp một báu vật của vua cha…

Lúc bấy giờ, người tử tội chỉ vì ăn cắp thức ăn, mới chua xót thốt lên: “Các ngài là những kẻ quyền thế cao trọng. Các ngài không hề thiếu thốn điều gì. Vậy mà các ngài cũng không thể trồng được hạt giống này, bởi vì các ngài cũng đã hơn một lần lấy của người khác. Còn tôi, một con người khốn khổ, chỉ lỡ lấy thức ăn của người khác để ăn cho đỡ đói qua ngày, thì lại bị các ngài nghị án treo cổ…”. Nhà vua và cả triều thần nghe như xốn xáo trong lương tâm. Ông ra lệnh phóng thích cho người ăn trộm.

Lời cầu chúc “bình an” của Ðức Kitô Phục Sinh là một thứ hạt táo được gieo vào tâm hồn chúng ta. hạt giống bình an đó chỉ có thể nảy mầm thành cây và mang lại hoa trái là nếu mỗi người ai cũng dọn sẵn đất đai cho nó. Ðất đai thuận tiện để cho hạt giống của Bình An ấy được nảy mầm, chính là lòng sám hối thực sự. Sám hối nghĩa là biết chấp nhận chính bản thân và sãn sàng cảm thông, tha thứ cho người khác. Có nhận ra những yếu đuối bất toàn của mình, con người mới dễ dàng cảm thông và tha thứ cho người. Và có cư sử như thế, chúng ta mới thấy được hạt giống Bình An nảy mầm trong tâm hồn chúng ta và mang lại hoa trái cho người xung quanh…

(Lẽ Sống)

++++++++++++++++++

Lời Chúa Mỗi Ngày

Thứ Bảy – Tuần III – PS

Bài đọc: Acts 9:31-42; Jn 6:60-69.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Thầy mới có những Lời đem lại sự sống đời đời.

Lời của một người nói ra có thể gây những phản ứng và hiệu quả khác nhau nơi người nghe: Có người cho là lời nói chướng tai không thể chịu đựng nổi; có người cho là lời nói nhảm vô ích; nhưng cũng có những người cho là lời hay ý đẹp, có thể mang lại hy vọng và đem lại sự sống cho những ai thực hành nó. Điều khác biệt là người nghe có hiểu và nhận ra ý nghĩa của lời người khác nói hay không.

Các Bài Đọc hôm nay xoay quanh những lời nói mang lại sự sống của Chúa Giêsu và thánh Phêrô. Trong Bài Đọc I, Phêrô dùng lời nói nhân danh Đức Kitô để chữa lành người bại liệt đã 8 năm, và cho một phụ nữ đã chết được sống lại. Trong Phúc Âm, lời tuyên bố của Chúa Giêsu: “Và bánh ta sẽ ban chính là thịt ta để cho thế gian được sống” gây nên những phản ứng khác nhau nơi khán giả. Một số các môn đệ quyết định không theo Chúa Giêsu nữa, vì những lời nói của Ngài làm họ chướng tai. Các Tông đồ, đại diện là Phêrô, tuyên xưng sự cần thiết của Lời Chúa: “Thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời. Phần chúng con, chúng con đã tin và nhận biết rằng chính Thầy là Đấng Thánh của Thiên Chúa.”

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Phêrô dùng danh Đức Kitô để làm những gì Chúa Giêsu đã làm.

Sách CVTĐ tường thuật: “Hồi ấy, trong khắp miền Judah, Galilee và Samaria, Hội Thánh được bình an, được xây dựng vững chắc và sống trong niềm kính sợ Chúa, và ngày một thêm đông, nhờ Thánh Thần nâng đỡ.” Thiên Chúa quan phòng mọi sự cách khôn ngoan: Ngài biết Giáo Hội cần có những lúc bách hại để thanh tẩy và thử luyện đức tin; nhưng cũng có những lúc cần bình an để củng cố và làm cho đức tin lan tràn. Vì vậy, Giáo Hội cần phải sẵn sàng và chuẩn bị cho các tín hữu đương đầu cách hiệu quả khi bị bách hại cũng như khi được an bình. Trình thuật hôm nay nói tới 2 phép lạ thánh Phêrô đã làm nhân danh Đức Kitô.

1.1/ Phêrô chữa bệnh cho một người tê bại đã 8 năm: Giống như Chúa Giêsu đã từng làm phép lạ để chữa lành mọi bệnh hoạn tật nguyền của dân chúng, Phêrô cũng được Chúa ban uy quyền để giảng dạy và chữa lành. Khi Phêrô rảo khắp nơi, xuống thăm cả dân thánh cư ngụ tại Lydda, ông gặp thấy một người tên là Aeneas liệt giường đã tám năm, vì anh bị tê bại. Ông nói với anh ta: “Anh Aeneas, Đức Giêsu Kitô chữa anh khỏi. Anh hãy đứng dậy và tự dọn giường lấy.” Lập tức anh đứng dậy. Chứng kiến phép lạ đó, tất cả những người cư ngụ ở Lydda và đồng bằng Sharon trở lại cùng Chúa. Điều đáng chú ý ở đây là Phêrô không nhân danh mình, nhưng nhân danh Chúa Giêsu Kitô, để rao giảng và truyền lời chữa bệnh cho dân chúng. Phép lạ Phêrô làm cần thiết để cho mọi người tin những gì ông rao giảng về Đức Kitô.

1.2/ Phêrô cứu người chết sống lại: “Ở Joppa, trong số các môn đệ có một bà tên là Tabitha, có nghĩa là Dorcas (Linh Dương). Bà này đầy công đức vì những việc lành và bố thí bà đã làm. Trong những ngày ấy, bà mắc bệnh và qua đời. Người ta tắm xác cho bà và đặt ở lầu trên.

Vì Lydda gần Joppa, nên khi các môn đệ nghe biết ông Phêrô ở đó, liền cử hai người đến mời: “Xin ông đến với chúng tôi, đừng trì hoãn.” Ông Phêrô đứng dậy cùng đi với họ. Tới nơi, người ta đưa ông lên lầu trên. Các bà goá xúm lại quanh ông, vừa khóc vừa cho ông xem những áo dài và áo choàng bà Tabitha đã may khi còn sống với họ.”

Ông Phêrô cho mọi người ra ngoài, rồi quỳ xuống cầu nguyện. Sau đó, ông quay lại về phía thi hài và ra lệnh: “Bà Tabitha, hãy đứng dậy!” Bà ấy mở mắt ra, và khi thấy ông Phêrô, liền ngồi dậy. Ông đưa tay đỡ bà đứng dậy, rồi gọi dân thánh và các bà goá lại và cho thấy bà đang sống. Cả thành Joppa đều biết việc này, và có nhiều người tin vào Chúa.” Noi gương Chúa Giêsu đã ngước mắt lên trời cầu nguyện với Chúa Cha, trước khi truyền cho Lazarus hãy trỗi dạy và ra khỏi mồ (Jn 11), Phêrô cũng quỳ xuống cầu nguyện để lấy quyền năng của Thiên Chúa, trước khi gọi tên bà Tabitha và truyền cho Bà hãy đứng dạy. Không phải lời của ai cũng có quyền năng làm cho người chết sống lại, nhưng chỉ có những lời có quyền năng của Thiên Chúa.

2/ Phúc Âm: Lời Thầy nói với anh em là thần khí và là sự sống.

Cùng nghe một câu Chúa nói: “Và bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống” (Jn 6:51c), nhưng gây ra 2 phản ứng khác nhau:

2.1/ Phản ứng của các môn đệ về diễn từ Thánh Thể của Chúa Giêsu: Khi nghe Chúa Giêsu nói về việc phải ăn thịt và uống máu Ngài, các môn đệ không thể nào chịu nổi, liền nói: “Lời này chướng tai quá! Ai mà nghe nổi?” Nhưng Chúa Giêsu có uy quyền biết được là các môn đệ đang xầm xì về vấn đề ấy, Người bảo các ông: “Điều đó, anh em lấy làm chướng, không chấp nhận được ư? Vậy nếu anh em thấy Con Người lên nơi đã ở trước kia thì sao? Thần khí mới làm cho sống, chứ xác thịt chẳng có ích gì. Lời Thầy nói với anh em là thần khí và là sự sống. Nhưng trong anh em có những kẻ không tin.”

Lời của Chúa Giêsu có quyền năng của Thánh Thần; vì thế, có khả năng ban sự sống. Các môn đệ không tin, vì họ suy nghĩ theo tính xác thịt; họ chỉ có thể tin được khi họ để cho Thánh Thần soi sáng và hướng dẫn họ nhận ra sự thật và tin những gì Chúa nói. Để có Chúa Thánh Thần, họ phải được Chúa Cha ban tặng, như Chúa Giêsu nói với họ: “Vì thế, Thầy đã bảo anh em: không ai đến với Thầy được, nếu Chúa Cha không ban ơn ấy cho.”

Từ lúc đó, nhiều môn đệ rút lui, không còn đi theo Người nữa. Họ rút lui vì họ nghĩ họ không thể theo một người nói những lời không theo lề lối suy nghĩ của con người. Họ bỏ lỡ cơ hội học hỏi suy nghĩ cao siêu của Thiên Chúa.

2.2/ Phản ứng của các Tông-đồ: Vậy Đức Giêsu hỏi Nhóm Mười Hai: “Cả anh em nữa, anh em cũng muốn bỏ đi hay sao?” Ông Simon Phêrô liền đáp: “Thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời. Phần chúng con, chúng con đã tin và nhận biết rằng chính Thầy là Đấng Thánh của Thiên Chúa.”

Chỉ có 3 nhân vật được gọi là Đấng Thánh trong Tin Mừng Gioan: Chúa Cha Thánh (Jn 17:11), Chúa Con Thánh ở đây, và Chúa Thánh Thần (1:33, 14:26, 20:33). Vì cả ba là Đấng Thánh, cả ba đều có sức thánh hóa con người (1:33, 10:36, 14:26, 17:11, 17, 19, 20:22). Chúa Giêsu đến để thánh hóa con người bằng cách tiêu diệt những việc làm của ma quỉ, để mang lại sự sống cho con người. Phêrô tuyên xưng Lời của Chúa Giêsu không những mang lại sự sống, mà chỉ có Lời này mới có thể mang lại sự sống đời đời.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

– Lời Chúa là lời có quyền năng của Thánh Thần trong đó; vì thế, chúng ta phải tin Lời Chúa có sức làm cho những gì không có thành có, những gì đã hư lại được chữa lành, những gì đã chết được sống lại, và nhất là có sức làm cho con người đạt được sự sống đời đời.

– Để Lời Chúa có thể sinh ích, con người cần biết quí trọng Lời Chúa: chuẩn bị tâm hồn bằng sự thinh lặng và cầu nguyện, không nghe Lời Chúa cho qua lần chiếu lệ, phải bỏ thời giờ để học hỏi và suy niệm, và nhất là phải thực hành Lời Chúa.

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

****************