Ngày thứ bảy (27-05-2023) – Trang suy niệm

26/05/2023

Lời Chúa Hôm Nay

Thứ Bảy tuần 7 Phục Sinh – Năm A

BÀI ĐỌC I: Cv 28, 16-20. 30-31

“Ngài ở lại Rôma, rao giảng nước Thiên Chúa”.

Bài trích sách Tông đồ Công vụ.

Khi chúng tôi đến Rôma, Phaolô được phép ở nhà riêng với người lính canh. Sau ba hôm, ngài mời các đầu mục người Do-thái đến. Khi họ đến, ngài nói với họ: “Thưa anh em, dầu tôi đây không làm điều gì phạm đến dân tộc hay tục lệ tổ tiên, mà tôi đã bị bắt tại Giêrusa-lem và bị nộp trong tay người Rôma. Khi đã điều tra, họ muốn thả tôi vì tôi không có tội gì đáng chết. Nhưng người Do-thái chống lại, nên tôi buộc lòng phải nại đến hoàng đế, nhưng không phải là tôi có gì kiện cáo dân tôi. Do đó tôi đã xin gặp anh em và nói chuyện: Chính vì niềm hy vọng của Israel mà tôi phải mang xiềng xích này”.

Suốt hai năm, ngài trú tại ngôi nhà đã thuê, tiếp nhận tất cả những ai đến gặp ngài, ngài rao giảng nước Thiên Chúa và dạy dỗ những điều về Chúa Giêsu Kitô một cách dạn dĩ, không có ai ngăn cấm.

Ðó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 10, 5. 6 và 8

Ðáp: Lạy Chúa, người chính trực sẽ nhìn thấy tôn nhan Chúa (c. 8b).

1) Chúa kiểm soát người hiền đức, kẻ ác nhân, ai chuộng điều ác, thì linh hồn Người ghét bỏ.

2) Trên lũ tội nhân Người làm mưa than đỏ diêm sinh, và phần chén của chúng là luồng gió lửa. Bởi Chúa công minh, nên Người thích chuyện công minh, người chính trực sẽ nhìn thấy thiên nhan.

ALLELUIA: Ga 14, 16

All. All. – Thánh Thần sẽ dạy các con mọi điều, và sẽ nhắc nhở cho các con tất cả những gì Thầy đã nói với các con. – All.

PHÚC ÂM: Ga 21, 20-25

“Chính môn đệ này làm chứng về những việc đó và đã viết ra”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, Phêrô quay lại, thấy môn đệ Chúa Giêsu yêu mến theo sau, cũng là người nằm sát ngực Chúa trong bữa ăn tối và hỏi “Thưa Thầy, ai là người sẽ nộp Thầy?” Vậy khi thấy môn đệ đó, Phêrô hỏi Chúa Giêsu rằng: “Còn người này thì sao?” Chúa Giêsu đáp: “Nếu Thầy muốn nó cứ ở lại mãi cho tới khi Thầy đến thì việc gì đến con? Phần con, cứ theo Thầy”. Vì thế, có tiếng đồn trong anh em là môn đệ này sẽ không chết. Nhưng Chúa Giêsu không nói với Phêrô: “Nó sẽ không chết”, mà Người chỉ nói: “Nếu Thầy muốn nó cứ ở lại mãi cho tới khi Thầy đến thì việc gì đến con”.

Chính môn đệ này làm chứng về những việc đó và đã viết ra, và chúng tôi biết lời chứng của người ấy xác thật. Còn nhiều việc khác Chúa Giêsu đã làm, nếu chép lại từng việc một thì tôi thiết tưởng cả thế giới cũng không thể chứa hết các sách viết ra.

Ðó là lời Chúa.

(Nguồn: UBPV/HĐGMVN, ấn bản 1973)

++++++++++++++++++

27/05/2023 – THỨ BẢY TUẦN 7 PS

Th. Âu-tinh, giám mục Can-tơ-bơ-ri

Ga 21,20-25

PHẦN ANH, HÃY THEO THẦY

“Giả như Thầy muốn anh ấy còn ở lại cho tới khi Thầy đến, thì việc gì đến anh? Phần anh, hãy theo Thầy.” (Ga 21,22)

Suy niệm: “Những bộ óc vĩ đại bàn luận về tư tưởng, những bộ óc trung bình bàn luận về sự kiện, những bộ óc hẹp hòi bàn luận chuyện người khác” (E. Roosevelt). Tọc mạch chuyện người khác không chỉ là dấu hiệu bất ổn về tâm lý mà còn có nguy cơ làm sai lệch ơn gọi và sứ mạng tông đồ. Khi Phê-rô tò mò muốn biết tương lai ‘hậu vận’ người bạn đồng môn Gio-an, Chúa Giê-su đã khiển trách: “Giả như Thầy muốn anh ấy còn ở lại cho tới khi Thầy đến, thì việc gì đến anh?” Thật vậy, môn đệ là người được chọn để ở với Thầy Giê-su, học hỏi nơi Thầy và để được sai đi với sứ mạng loan báo Tin Mừng. Chúa Giê-su nhắc nhở Phê-rô hãy tập trung vào ơn gọi và sứ mạng của chính mình: “Phần anh, hãy theo Thầy.”

Mời Bạn: Việc tò mò tọc mạch chuyện của người khác như những ‘bà tám’ hay những tay rình mò săn ảnh ‘paparazzi’ sẽ làm người tông đồ quên mất căn tính môn đệ của mình và còn sao nhãng bổn phận loan báo Tin Mừng nữa. Khi đó, chẳng những hoạt động tông đồ bị đình trệ, mà còn làm phát sinh sự nghi kị ganh ghét khiến cộng đoàn rơi vào cảnh bất hoà chia rẽ. Trước tình trạng ganh tị tranh chấp giữa những người cùng rao giảng Đức Ki-tô, thánh Phao-lô khuyên: “Dù thế nào đi nữa, với ý ngay lành hay ý xấu, cuối cùng Đức Ki-tô được rao giảng là tôi mừng” (Pl 1,18).

Sống Lời Chúa: Tích cực cộng tác làm việc trong hội đoàn mà bạn đang tham gia.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su phục sinh, xin cho tâm hồn con được sống lại trong sự sống mới và cho con biết phục vụ cách vô vị lợi, mà không màng thiệt hơn, miễn sao Lời Chúa được rao giảng.

(5 Phút Lời Chúa)

++++++++++++++++++

Suy niệm và cầu nguyện

Suy Niệm

Trong bài Tin Mừng hôm nay, ngoài Đức Giêsu và Phêrô,
còn có người môn đệ được Đức Giêsu thương mến.
Anh đã có mặt trong bữa Tiệc Ly cùng với Phêrô, đã nằm gần Thầy,
và được Phêrô nhờ hỏi Thầy xem ai là kẻ phản bội (13,23-25).
Anh đã đưa Phêrô vào dinh thượng tế khi Đức Giêsu bị bắt (18,15-16).
Anh đã cùng với Phêrô chạy ra ngôi mộ trống lúc ban mai,
nhưng anh chạy nhanh hơn, và tin trước Phêrô (20,3-10).
Khi Phêrô chối Thầy ba lần và không lộ diện nữa (18,17-18.25-27),
thì anh là môn đệ duy nhất đứng gần thập giá Đức Giêsu,
và được Ngài trao Thân Mẫu của mình để làm Mẹ của anh (19:25-27).
Trong lần Đức Giêsu tỏ mình bên bờ hồ Galilê, sau mẻ cá lạ (21,4-7),
anh là người đầu tiên nhận ra Thầy, và nói với Phêrô: “Chúa đó!”
Có vẻ hình ảnh người môn đệ được Chúa thương nổi trội hơn Phêrô.

Dù sao Simon Phêrô đã ba lần tuyên xưng tình yêu trước Thầy,
và ba lần Thầy giao cho anh chăm sóc đoàn chiên như người mục tử.
Thầy còn tiên báo cái chết tử đạo của anh,
và mời anh một lần nữa: “Hãy theo Thầy” (21,19; x. 13,36-37).
Đó là đường đời của Phêrô, một môn đệ và một mục tử.
Nhưng đâu là con đường tương lai của người môn đệ kia?

Phêrô đi theo Đức Giêsu, quay lại, thấy anh này cũng đang đi theo.
“Thưa Thầy, còn anh này thì sao?” (c. 21).
Đức Giêsu đã không bảo là anh này sẽ không chết,
hay anh còn sống mãi cho đến ngày Ngài quang lâm (c. 23).
Khi cuốn Tin Mừng Thứ Tư được viết xong vào cuối thế kỷ thứ nhất,
thì người môn đệ kia đã qua đời, nhưng không được phúc tử đạo.
Như thế tiếng đồn về câu nói của Đức Giêsu là sai sự thật (c. 22).

Những gì anh để lại cho thế giới là cuốn Tin Mừng Thứ Tư.
“Chính môn đệ này làm chứng về những điều đó và đã viết ra.
Chúng tôi biết rằng lời chứng của người ấy là xác thực” (c. 24).
Người môn đệ này cho chúng ta một lời chứng đáng tin,
vì anh là người đã sống bên Thầy Giêsu, thật gần gũi.
Anh đã mắt thấy tai nghe, và có kinh nghiệm thân thiết với Thầy.
Không hẳn anh đích thân cầm bút viết cuốn Tin Mừng này,
nhưng anh lại chính là tác giả của mọi điều được viết trong đó.
Tất cả là kinh nghiệm riêng tư anh đã trải qua với Thầy Giêsu,
và những suy niệm lâu dài dưới ánh sáng Phục sinh và Thánh Thần.
Người môn đệ này còn là người sáng lập một cộng đoàn tín hữu.
Cộng đoàn ấy được ám chỉ qua đại từ “chúng tôi” (c. 24; x. 1,14.16).
Một người trong cộng đoàn đã viết chương cuối này (c. 25: “tôi”).

Ai là người môn đệ được Đức Giêsu thương mến?
Nhiều người nghĩ anh là Gioan, nhiều người lại nghĩ khác.
Dù sao anh thật là một môn đệ lý tưởng cho chúng ta.
Điều anh để lại cho đời trong cuốn Tin Mừng là điều anh xác tín.
Anh là nhân chứng đáng tin cậy của Đức Kitô, Con Thiên Chúa.
Đúng anh là người được Thầy yêu và là người đã hết lòng yêu Thầy.

 

Cầu Nguyện

Lạy Thiên Chúa của đời con,
chỉ trong tình yêu con mới tìm thấy Chúa.

Trong tình yêu, các cánh cửa hồn con mở tung,
để con được thở không khí tự do tươi mới
và quên đi cái tôi nhỏ mọn của mình.

Trong tình yêu, toàn bộ con người con vươn ra khỏi
những ranh giới cứng nhắc của óc hẹp hòi
và của thái độ tự khẳng định đầy bất an
khiến con bị giam mình trong sự nghèo nàn và trống rỗng.

Trong tình yêu, mọi sức mạnh của hồn con tuôn chảy về Chúa,
chẳng bao giờ còn muốn quay trở lại,
nhưng chỉ muốn mất mình trọn vẹn trong Chúa,
vì qua tình yêu, Chúa là trung tâm sâu nhất của lòng con,
Chúa gần con hơn cả chính con gần con.

Nhưng khi con yêu Chúa,
khi con tìm cách phá vỡ vòng vây chật hẹp của cái tôi, và vứt bỏ sau lưng
nỗi khắc khoải không nguôi về những câu hỏi còn bỏ ngỏ,
khi đôi mắt mù lòa của con không còn chỉ nhìn từ xa và từ bên ngoài
ánh rạng ngời không thể lại gần được của Chúa,
và hơn nữa, lạy Chúa là Đấng vô phương thấu hiểu,
khi qua tình yêu, Chúa trở nên trung tâm sâu nhất của đời con,
khi ấy con mới có thể chôn mình hoàn toàn trong Chúa,
lạy Thiên Chúa nhiệm màu,
và chôn mọi câu hỏi của con cùng với con.

Karl Rahner, S.J.

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

(phutcaunguyen.net)

++++++++++++++++++

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên

27 THÁNG NĂM

Thánh Thần Đổi Mới Bộ Mặt Trái Đất

“Xin sai Thánh Thần Chúa đến để Ngài đổi mới bộ mặt địa cầu!” Phải chăng lời cầu nguyện ấy chỉ dành riêng cho các Tông Đồ? Chỉ dành riêng cho nhóm bé nhỏ những người liên kết trực tiếp với Đức Giêsu thuở ấy? Phải chăng lời cầu xin ấy chỉ dành riêng cho họ?

Không! Đó là lời cầu xin của cả trái đất này. Hết thảy mọi tạo vật, ngay cả dù không có lời lẫn không có tiếng, đều kêu lên: “Công trình Ngài, lạy Chúa, quả thiên hình vạn trạng!… Những loài Chúa dựng nên lan tràn mặt đất … Nếu Chúa lấy sinh khí lại, là chúng tiêu vong ngay, và trở về cát bụi. Ngài gửi sinh khí tới, là chúng được dựng nên, và Ngài đổi mới mặt đất này” (Tv 104, 24. 29 – 30). “Chính Thần Khí mới làm cho sống” (Ga 6, 63). Chính Chúa Thánh Thần đổi mới bộ mặt địa cầu.

Xin sai Thánh Thần đến trên chúng con, lạy Chúa!

– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –

Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác

LIFT UP YOUR HEARTS

Daily Meditations by Pope John Paul II

+++++++++++++++++

Lời Chúa Trong Gia Đình

Ngày 27/5

Thánh Augustinô Cantuariô

Cv 28, 16-20. 30-31; Ga 21, 20-25.

Lời Suy niệm: “Phần anh hãy theo Thầy.”

          Sau khi Chúa Giêsu trao ban sứ vụ cho Phêrô: “Hãy chăm sóc chiên con của Thầy” (c.15). “Hãy chăn dắt chiên của Thầy” (c.16). “Hãy chăm sóc chiên của Thầy” (c.17). Phêrô đã lãnh nhận, nhưng khi nhìn đến người môn đệ được Chúa Giêsu yêu mến đi theo sau; Phêrô đã thắc mắc về sứ vụ của người môn đệ này, thì được Chúa Giêsu đã cho Pherô biết: điều này không liên quan đến ông, và Chúa bảo cho Phêrô biết, điều quan trọng cần quan tâm là: “Phần anh hãy theo Thầy.”

          Lạy Chúa Giêsu. Trong đời sống của mỗi người, Chúa đều trao ban cho một sứ vụ mở mang Nước Chúa, Chúa chỉ đòi hỏi nơi mỗi người hãy bước theo Người, và chu toàn sứ vụ của mình; chứ đừng nhìn vào công tác của người khác. Xin cho chúng con luôn bước theo Chúa và chu toàn bổn phận làm người, làm con cái của Chúa, và của Giáo Hội. Amen

Mạnh Phương

+++++++++++++++++

Gương Thánh Nhân

Ngày 27-05: Thánh AUGUSTINÔ CANTURBERY

Giám mục (+605)

Thánh Augustinô là tác nhân của một con người vĩ đại hơn chính Ngài, đức giáo hoàng Grêgôriô Cả, trừ các tu sĩ Ai Nhĩ Lan, hoạt động truyền giáo không hề được biết đến tại Giáo hội Tây Pbương và chính Đức giáo hoàng Grêgôriô Cả làm sống lại phong trào này.

Khi làm bề trên tu viện thánh ANRÊ, Ngài đã muốn sang truyền giáo tại Anh, nhưng vì được đắc cử giáo hoàng, nên phải từ bỏ ý định. Nước Anh đã được đón nhận đức tin từ thế kỷ đầu, nhưng rồi cuộc xâm chiếm của dân Saxon vào thế kỷ V và VI đã làm cho đức tin công giáo bị phai mờ.

Dịp may đưa tới khi Ethebert, tiểu vương miền Kent phía nam nước Anh thành hôn với người vợ công giáo là công chúa Berthe và còn tiếp nhận một giám mục xứ Gaule vào triều đình. Năm 596 Đức giáo hoàng Grêgoriô sai tới Anh quốc một tu sĩ, Augustinô lên đường với 40 tu sĩ. Khi tới miền nam xứ Gaule họ bị khủng hoảng và sai Augstinô trở về Rôma xin Đức giáo hoàng gọi họ trở về. Đáp lại, Đức giáo hoàng đã đặt Augustinô làm Đan viện phụ và bắt mọi người trong nhóm phải vâng phục Ngài.

Với quyền hạn này, Augustinô vẫn còn truyền giáo tới đảo Thanet. Thoạt đầu, Ethebert được rửa tội và bàn định với Đức Giáo hoàng một dự án chuẩn bị tái lập toà Giám mục tự Canterbury (Cantuariô) tới Lôn – Đôn (Luân Đôn) và thiết lập một giáo tỉnh khác ở York.

Theo chỉ thị của Đức Giáo hoàng, Augustinô đi Arles để thụ phong giám mục do tay Đức Tổng giám mục Vigile, đại diện tòa thánh ở xứ Gaule, nhiều biến cố dù ngăn trở những dự tính trên. Nhưng diễn tiến trong cuộc truyên giáo vẫn tiếp tục cho tới khi thánh Augustinô qua đời khoảng năm 605.

Thất bại duy nhất của thánh Augustinô khi Ngài tới nước Anh vì nỗ lực giải hoà với các Kitô hữu miền Welsh nhằm thuyết phục họ nhận cách tính ngày lễ phục sinh của Roma, sửa lại vài điều bất thường trong nghi lễ và phục quyền Ngài. Thánh Augustinô mời các vị lãnh đạo Giáo hội Welsh tới họp, nhưng lại gây cảm giác bất lợi vì Ngài đã ngồi yên khi họ tới gặp Ngài. Hình như việc này cũng làm cho thánh Bêđa mất thiện cảm nữa.

Thánh Augustinô không phải là một nhà truyền giáo anh hùng nhất, khéo léo nhất. Nhưng Ngài đã thực hiện một công cuộc vĩ đại, là một trong số rất ít người ở Gaule và ở Ý thời đó sẵn sàng tử bỏ mọi sự để ra đi rao giảng : Tin Mừng cho những miền xa xăm.

(daminhvn.net)

+++++++++++++++++

26 Tháng Năm

Sức Mạnh Lời Chúa

Tokichi Ishi-I, một tên giết người không gớm tay, đã đạt được kỷ lục hạ sát nhiều nạn nhân nhất bằng những phương thế dã man không thể tưởng tượng nổi.

Hắn ta tàn nhẫn hạ sát đàn ông, phụ nữ, kể cả trẻ em. Với bàn tay khát máu, hắn đã thủ tiêu bất cứ người nào tình cờ hắn gặp và muốn giết. Nhưng cuối cùng hắn cũng bị bắt và bị kết án tử hình.

Lúc ở nhà tù chờ ngày hành quyết, hai phụ nữ công tác tông đồ thử khuyên nhủ hắn, nhưng tất cả những câu hỏi han, trò chuyện của họ cũng không làm cho hắn mảy may động tâm, trái lại hắn nhìn thẳng vào họ với một cặp mắt dữ tợn như một hung thú.

Cuối cùng, mất hết kiên nhẫn, hai phụ nữ ra về. Họ chỉ để lại cho hắn quyển Tân Ước, với một hy vọng mỏng manh là hắn ta sẽ đọc và Lời Chúa sẽ hoạt động nơi tiếng nói con người trở nên hoàn toàn bất lực. Niềm hy vọng của họ đã trở thành sự thật. Ishi-I đã đọc và những câu chuyện trong Tân Ước hình như có một sự thu hút mãnh liệt khiến hắn cứ tiếp tục đọc, đọc mãi và cuối cùng hắn đọc đến câu chuyện diễn tả cuộc tử nạn của Chúa Giêsu. Câu Chúa Giêsu cầu nguyện với Chúa Cha trên thập giá: “Lạy Cha, xin Cha tha cho chúng, vì chúng không biết việc chúng làm”, đã thắng sự chống trả cuối cùng trong tâm hồn của hắn. Sau đó anh thuật lại: “Ðọc đến câu này tôi mới dừng lại. Con tim tôi hình như bị đánh động, bị đâm thâu bằng một con dao dài. Tôi có thể gọi đó là tình yêu của ông Giêsu hay tôi phải gọi đó là lòng thương xót của Ngài? Tôi không biết, nhưng điều duy nhất tôi biết là sự hung dữ, tàn bạo nơi tôi đã tan biến và tôi đã tin”.

Ông Chrgwin, tác giả đã viết câu chuyện trên trong quyển sách mang tựa đề “Thánh Kinh trong thế giới truyền giáo” đã kết thúc câu chuyện bằng sự ngạc nhiên tột độ của những nhân viên nhà giam có phận sự đến dẫn độ Ishi-I đi hành quyết. Họ đã không gặp được tên sát nhân hung bạo như họ chờ đợi, nhưng là một con người hòa nhã, lễ độ. Ishi-I, tên sát nhân đã được Lời Chúa tái sinh.

Lời Chúa có sức mạnh vạn năng. Lời Chúa có thể biến đổi tâm hồn một tên sát nhân giết người không gớm tay như anh Tokichi Ishi-I và bao tâm hồn sa ngã khác. Lời Chúa có thể là động lực cho bao công tác bác ái của các tu sĩ nam nữ, đang dấn thân phục vụ những trẻ con bị bỏ rơi, những người già nua hấp hối không ai chăm sóc, những kẻ phải sống bên lề xã hội.

(Lẽ Sống)

++++++++++++++++++

Lời Chúa Mỗi Ngày

Thứ Bảy – Tuần VII – PS

Bài đọc: Acts 28:16-20, 30-31: Jn 21:20-25.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Phải rao giảng Tin Mừng và làm chứng cho Chúa trong mọi hoàn cảnh.

Mùa Phục Sinh sẽ kết thúc sau ngày hôm nay, để đón mừng Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống ngày Chủ Nhật, và sau đó tiếp tục tuần 9 mùa Thường Niên, bắt đầu ngày thứ hai.

Các Bài Đọc hôm nay đều rút ra từ chương cuối cùng của hai Sách: Công Vụ Tông Đồ và Tin Mừng Gioan mà chúng ta đã nghe suốt từ ngày đầu của Mùa Phục Sinh cho tới giờ. Đây là cơ hội thuận tiện để chúng ta nhìn lại hai Sách này và rút ra những điểm thần học chính yếu từ đấy. Mục đích của Sách CVTĐ là tường thuật sự thành hình của Giáo Hội qua sự rao giảng Tin Mừng và làm chứng cho Chúa Giêsu Phục Sinh, bắt đầu từ Jerusalem, đến khắp vùng Judea và Samaria, rồi cho đến tận cùng trái đất (Acts 1:8). Vì mục đích này mà thánh-sử Lucas chấm dứt Sách CVTĐ khi Phaolô đặt chân tới Rôma và bắt đầu rao giảng Tin Mừng trong trình thuật hôm nay. Rôma được coi là trung tâm của thế giới, một khi Tin Mừng đạt tới trung tâm của thế giới là có thể lan ra đến tận cùng trái đất. Trong cuộc hành trình rao giảng Tin Mừng từ Jerusalem đến Roma, niềm tin vào Chúa Giêsu Phục Sinh đã biến đổi các Tông-đồ và các môn đệ, từ những người nhát đảm sợ sệt thành những người can đảm, lợi khẩu, dám đương đầu với mọi quyền lực, và vượt qua mọi khó khăn để làm chứng cho Tin Mừng. Niềm tin vào Chúa Phục Sinh cũng biến đổi Phaolô, từ một người hăng say bắt đạo đến chỗ thành một người nhiệt thành rao giảng đạo, qua 3 cuộc hành trình đầy khó khăn, cam go, nguy hiểm.

Mục đích của Tin Mừng Gioan là tường trình những biến cố chính và quan trọng liên quan tới Chúa Giêsu, để khơi dậy niềm tin nơi khán giả; và vì niềm tin, họ được hưởng Ơn Cứu Độ. Đoạn kết của Tin Mừng hôm nay nói rõ: “Chính môn đệ này (Gioan) làm chứng về những điều đó và đã viết ra. Chúng tôi biết rằng lời chứng của người ấy là xác thực. Còn có nhiều điều khác Đức Giêsu đã làm. Nếu viết lại từng điều một, thì tôi thiết nghĩ: cả thế giới cũng không đủ chỗ chứa các sách viết ra.” Hai điều thần học quan trọng chúng ta nghe nhắc đi nhắc lại trong suốt Mùa Phục Sinh là tình yêu Thiên Chúa và lời hứa ban Thánh Thần: Để có thể rao giảng Tin Mừng và làm chứng cho Chúa Giêsu, hai điều này không thể thiếu nơi người rao giảng, và được ban cho từ Thiên Chúa, qua Đức Kitô.

Điểm quan trọng của mỗi ngày là Giáo Hội cố gắng sắp xếp song song, giữa những gì Chúa Giêsu nói hay những biến cố liên quan đến Ngài trong Phúc Âm, với những gì các môn đệ nói hay những biến cố liên quan tới các ông, để làm nổi bật một chủ đề hay hoàn thành lời hứa.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Phaolô làm chứng cho Chúa Giêsu tại Roma.

1.1/ Phaolô tập họp các tín hữu tại Rôma để cho họ biết tình trạng của ông: Khi tới Rôma, ông Phaolô được phép ở nhà riêng cùng với người lính canh giữ ông. Ba ngày sau, ông mời các thân hào Do-thái đến. Khi họ đã tới đông đủ, ông nói với họ: “Thưa anh em, tôi đây, mặc dầu đã không làm gì chống lại dân ta hay các tục lệ của tổ tiên, tôi đã bị bắt tại Jerusalem và bị nộp vào tay người Rôma.”

Giống như trường hợp của Chúa Giêsu, mặc dù quan Philatô không nhận thấy Chúa Giêsu làm điều gì đáng chết cả; nhưng những người Do-thái vẫn muốn xin Philatô cho đóng đinh Chúa vào Thập Giá. Trường hợp của Phaolô cũng thế, Phaolô tâm sự với giáo đoàn Rôma: “Sau khi điều tra, họ muốn thả tôi, vì tôi không có tội gì đáng chết. Nhưng vì người Do-thái chống đối, nên bó buộc tôi phải kháng cáo lên hoàng đế Caesar; tuy vậy không phải là tôi muốn tố cáo dân tộc tôi. Đó là lý do khiến tôi xin được gặp và nói chuyện với anh em, bởi chính vì niềm hy vọng của Israel mà tôi phải mang xiềng xích này.”

1.2/ Phaolô tiếp tục rao giảng Tin Mừng trong khi bị giam cầm: “Suốt hai năm tròn, ông Phaolô ở tại nhà ông đã thuê, và tiếp đón tất cả những ai đến với ông. Ông rao giảng Nước Thiên Chúa và dạy về Chúa Giêsu Kitô, một cách rất mạnh dạn, không gặp ngăn trở nào.”

Phaolô chứng minh mặc dù ông bị giam cầm, nhưng Lời Chúa không bị xiềng xích. Ông đã có thể loan báo Tin Mừng ngay trong ngục tù cho những lính cai tù thay phiên nhau canh gác ông trong suốt hai năm; tranh luận để thuyết phục những người Do-thái; và viết các Thư Ngục Tù để yên ủi và khích lệ các tín hữu của các cộng đoàn mà ông đã thành lập. Đi tới đâu ông luôn tìm dịp để Lời Chúa được thấm nhập tới đó.

2/ Phúc Âm: Phần anh, hãy theo Thầy!

2.1/ Phêrô muốn biết số phận của người môn đệ được Chúa Giêsu thương mến: Khi Phêrô quay lại và nhìn thấy người môn đệ Đức Giêsu thương mến đi theo sau (ông này là người đã nghiêng mình vào ngực Đức Giêsu trong bữa ăn tối và hỏi: “Thưa Thầy, ai là kẻ nộp Thầy?”), ông Phêrô nói với Đức Giêsu: “Thưa Thầy, còn anh này thì sao?” Đức Giêsu đáp: “Giả như Thầy muốn anh ấy còn ở lại cho tới khi Thầy đến, thì việc gì đến anh? Phần anh, hãy theo Thầy.”

Chúa Giêsu mời gọi các ông luôn nhìn thẳng tới phía trước và cố gắng hoàn thành trọng trách Chúa trao phó; chứ đừng phí thời giờ nhìn chung quanh để so sánh hay ghen tị với người khác. Khi nghe Chúa Giêsu nói thế, các môn đệ đồn thổi giữa các ông là môn đệ ấy sẽ không chết. Nhưng Đức Giêsu đã không nói với ông Phêrô là: “Anh ấy sẽ không chết,” mà chỉ nói: “Giả như Thầy muốn anh ấy còn ở lại cho tới khi Thầy đến, thì việc gì đến anh?”

2.2/ Người môn đệ được Chúa Giêsu thương mến làm chứng cho Chúa Giêsu: Có nhiều giả thuyết về “người môn đệ Chúa Giêsu thương mến:” Có người cho là tác giả của Sách Tin Mừng không muốn chỉ rõ là ai, nhưng để độc giả có thể đặt tên mình vào đó; nhưng đa số đều cho đó là Gioan. Nhất là theo trình thuật hôm nay, khi Phêrô nói rõ là người môn đệ đã ngả đầu vào ngực Chúa trong Bữa Tiệc Ly.

Mục đích Chúa Giêsu chọn các Tông-đồ và các môn đệ là cho sứ vụ rao giảng Tin Mừng và làm chứng cho Chúa Giêsu. Có nhiều cách làm chứng khác nhau, nhưng Gioan làm chứng cho Chúa Giêsu bằng cách viết sách Tin Mừng để làm chứng cho những gì Chúa đã nói và làm. Tác giả xác tín: “Chính môn đệ này làm chứng về những điều đó và đã viết ra. Chúng tôi biết rằng lời chứng của người ấy là xác thực. Còn có nhiều điều khác Đức Giêsu đã làm. Nếu viết lại từng điều một, thì tôi thiết nghĩ: cả thế giới cũng không đủ chỗ chứa các sách viết ra.”

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

– Rao giảng Tin Mừng và làm chứng cho Chúa Giêsu Phục Sinh phải là bổn phận quan trọng hàng đầu của những người môn đệ Chúa. Bao lâu Tin Mừng chưa được rao giảng cho đến tận cùng trái đất, chúng ta chưa làm tròn bổn phận Chúa trao.

– Phải tìm dịp rao giảng Tin Mừng mọi nơi, mọi lúc, và trong mọi hoàn cảnh: khi thuận tiện cũng như lúc bất tiện. May mắn hơn Phaolô và các môn đệ thuở ban đầu, với kỹ thuật hiện đại, chúng ta có thể ngồi nhà và rao truyền Tin Mừng cho mọi người qua mạng internet.

– Sống trong tình yêu Thiên Chúa và theo sự hướng dẫn của Thánh Thần là hai điều kiện không thể thiếu để việc rao giảng Tin Mừng được bền bỉ và có kết quả tốt đẹp.

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

****************