Ngày thứ bảy (30-04-2022) – Trang suy niệm

29/04/2022

Lời Chúa Hôm Nay

Thứ Bảy Tuần II Mùa Phục Sinh Năm chẵn

BÀI ĐỌC I: Cv 6, 1-7

“Họ chọn bảy người đầy Thánh Thần”.

Trích sách Tông đồ Công vụ.

Trong những ngày ấy, số môn đồ gia tăng, nên xảy ra việc các người Hy-lạp kêu trách các người Do-thái, vì trong việc phục vụ hằng ngày, người ta khinh miệt các bà goá trong nhóm họ. Nên Mười Hai Vị triệu tập toàn thể môn đồ đến và bảo: “Chúng tôi bỏ việc rao giảng lời Chúa mà lo đi giúp bàn, thì không phải lẽ. Vậy thưa anh em, anh em hãy chọn lấy bảy người trong anh em có tiếng tốt, đầy Thánh Thần và khôn ngoan, để chúng tôi đặt họ làm việc đó. Còn chúng tôi, thì sẽ chuyên lo cầu nguyện và phục vụ lời Chúa”. Cả đoàn thể đều tán thành lời các ngài và chọn Têphanô, một người đầy đức tin và Thánh Thần, và chọn Philipphê, Prôcô, Nicanô, Timon, Parmêna và Nicôla quê ở Antiôkia. Họ đưa mấy vị đó đến trước mặt các Tông đồ. Các ngài cầu nguyện và đặt tay trên các vị đó.

Lời Chúa lan tràn, và số môn đồ ở Giêrusalem gia tăng rất nhiều. Cũng có đám đông tư tế vâng phục đức tin. Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 32, 1-2. 4-5. 18-19

Đáp: Lạy Chúa, xin tỏ lòng từ bi Chúa cho chúng con, như chúng con đã trông cậy Chúa (c. 22).

Hoặc đọc: Alleluia. 

Xướng:

1) Người hiền đức, hãy hân hoan trong Chúa, ca ngợi là việc của những kẻ lòng ngay. Hãy ngợi khen Chúa với cây đàn cầm, với đàn mười dây, hãy xướng ca mừng Chúa. – Đáp.

2) Vì lời Chúa là lời chân chính, bao việc Chúa làm đều đáng cậy tin. Chúa yêu chuộng điều công minh chính trực, địa cầu đầy ân sủng Chúa. – Đáp.

3) Kìa Chúa để mắt coi những kẻ kính sợ Người, nhìn xem những ai cậy trông ân sủng của Người, để cứu gỡ họ khỏi tay thần chết, và nuôi dưỡng họ trong cảnh cơ hàn. – Đáp.

ALLELUIA: Ga 19, 28

Alleluia, alleluia! – Thầy bởi Cha mà ra, và đã đến trong thế gian; bây giờ Thầy lại bỏ thế gian mà về cùng Cha. – Alleluia. 

PHÚC ÂM: Ga 6, 16-21

“Họ thấy Chúa Giêsu đi trên mặt biển”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Chiều đến, các môn đệ Chúa Giêsu xuống bờ biển. Rồi lên thuyền, sang bên kia, trẩy về hướng Capharnaum. Trời đã tối, mà Chúa Giêsu vẫn chưa đến với họ. Bỗng cuồng phong thổi lên, biển động mạnh. Khi chèo đi được chừng hai mươi lăm hay ba mươi dặm, thì họ thấy Chúa Giêsu đi trên mặt biển, tiến lại gần thuyền, họ hoảng sợ. Nhưng Người nói với họ: “Chính Thầy đây, đừng sợ”. Họ định rước Người lên thuyền, nhưng ngay lúc ấy, thuyền đã đến nơi họ định tới. Đó là lời Chúa.

(thanhlinh.net)

++++++++++++++++++

30/04/2022 – THỨ BẢY TUẦN 2 PS

Th. Piô V, giáo hoàng

Ga 6,16-21

CÙNG CHÚA KHI TA HIỆP HÀNH

“Thầy đây mà, đừng sợ !” (Ga 6,19)

Suy niệm: “Điều duy nhất chúng ta phải sợ là chính nỗi sợ” (F. Roosevelt). Con thuyền bé xíu xoay vòng, nhấp nhô giữa ba đào, biển động, gió mạnh. Đang lúc hồn xiêu phách lạc như vậy, Thầy của các ông lại đi trên mặt biển mà lù lù đến, càng khiến các ông khiếp sợ hơn. Thế nhưng, chỉ cần một lời trấn an của Thầy: Thầy đây mà, đừng sợ, các ông lại tìm thấy an bình, thuyền cập bến bờ bình an. Cũng vậy, lắm lúc khi phải đối diện với những tai ương hoạn nạn, khó khăn thử thách của cuộc đời, ta hoảng hốt, sợ hãi, vì nghĩ rằng không có Chúa, Ngài như vắng mặt, không hiện diện bên cạnh mình. Đừng quên những lúc ấy, Ngài đã đến bên cạnh ta, nâng đỡ hộ phù cho ta, nhưng ta không nhận ra Ngài, tưởng là ảo ảnh, hay bóng hình của người nào đó.

Mời Bạn: “Hãy làm điều bạn sợ, và cái chết của nỗi sợ là điều chắc chắn” (R. Emerson). Bạn sợ mệt sợ nhọc, sợ phải dấn thân, sợ phải hy sinh quên mình vì sống đức tin, khi tích cực tham gia sứ vụ loan báo Tin Mừng. Hãy thực hành những gì trong danh mục bạn sợ, và bạn sẽ thấy kết quả thật bất ngờ. Nỗi sợ dần dần sẽ biến mất, thay vào đó là niềm vui, năng lực sung mãn của người tông đồ giáo dân giữa đời.

Sống Lời Chúa: Ngồi ngẫm nghĩ xem đâu là nỗi sợ lớn nhất khiến bạn luôn tìm sự an toàn bản thân trên con đường hiệp hành của Hội thánh, rồi can đảm làm điều mình sợ để lướt thắng nỗi sợ, cũng như để làm việc tông đồ mỗi ngày.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, nỗi sợ lấy đi tất cả khả năng trí óc và năng lượng thể lý của con. Xin giúp con luôn tin tưởng, cậy trông vào sự hiện diện quyền thế của Chúa bên con. Amen.

(5 Phút Lời Chúa)

++++++++++++++++++

Suy niệm và cầu nguyện

Suy niệm:

Vào thời Đức Giêsu, người ta chờ Thiên Chúa sai đến một vị vua.
Vị Vua này chính là một Đấng Mêsia hùng mạnh, toàn thắng,
Đấng sẽ giải phóng dân khỏi ách nô lệ của người Rôma.
Sau khi Đức Giêsu cho dân chúng được ăn no nê một cách kỳ diệu,
họ nghĩ ngay Ngài chính là người họ mong đợi từ lâu.
Họ toan bắt Ngài để tôn làm vua,
làm người đứng lên lãnh đạo phong trào cách mạng (Ga 6, 15).
Nhưng Đức Giêsu đã chối từ sự mong mỏi của dân chúng.
Ngài trốn lên núi một mình.
Đức Giêsu biết mình không phải là một Mêsia đầy quyền lực,
để giải phóng dân Israel khỏi ách của người Rôma.
Nhưng Ngài sẽ là một Mêsia như người Tôi Trung đau khổ,
chịu chết ô nhục và sống lại để giải phóng nhân loại khỏi ách tội lỗi.

 Dân chúng hẳn đã bị hụt hẫng khi thấy Đức Giêsu trốn đi.
Các môn đệ chắc đã tiếc ngẩn tiếc ngơ,
vì Thầy bỏ qua cơ hội ngàn năm một thuở để tỏ mình cho dân Israel,
và chính họ cũng mất đi một cơ hội để tiến thân.
Tin Mừng của thánh Gioan không nói cho ta biết tại sao sau đó
các môn đệ lại chèo thuyền qua Caphácnaum, ở bờ bên kia (c. 16).
Nhưng theo Tin Mừng Marcô, Đức Giêsu đã bắt buộc họ (Mc 6, 45).
Ngài rõ ràng không muốn họ dính dáng vào chuyện chính trị này.

 Bị Thầy bắt qua lại bờ bên kia khi chiều đã sụp tối,
trong khi dân chúng và Thầy còn ở bờ bên này,
điều ấy chẳng dễ chịu chút nào cho các môn đệ.
Họ muốn ở lại hưởng chút dư vị của thành công vang dội vừa rồi.
Dù sao các môn đệ đã biết vâng phục.
Chuyến đi qua biển hồ cũng không suôn sẻ gì.
Họ phải chiến đấu với trận cuồng phong bất ngờ gây biển động.
Con thuyền bé nhỏ lênh đênh giữa sóng gió gào thét.
Cả nhóm gặp nguy hiểm mà không có Thầy trong thuyền.
Họ đã cố chèo được chừng năm, sáu cây số.
Có thể họ tự hỏi: tại sao Thầy lại vội sai mình ra khơi giữa đêm đen?

 Cuối cùng Thầy Giêsu cũng đến với họ như họ mong ước.
Nhưng Thầy không đến trên một chiếc thuyền như họ nghĩ.
Thầy đi trên mặt biển mà đến gần thuyền các ông (c. 19).
Cách đến của Thầy thật khác thường khiến họ hoảng sợ.
Có thể họ chưa nhận ra khuôn mặt của Thầy vì trời tối.
“Thầy đây mà, đừng sợ!”, Đức Giêsu vội vã trấn an.

 Giáo Hội hôm nay cũng có kinh nghiệm như nhóm môn đệ ngày xưa,
vất vả một mình chống chọi với sóng gió, khi không có Thầy ở bên.
Nhưng khi Chúa đến, chúng ta lại hoảng sợ, không nhận ra Ngài.
Thật ra Chúa chẳng bỏ chúng ta, dù có lúc Ngài để chúng ta một mình.
Phải tập quen dần với những cách xuất hiện mới mẻ của Chúa
để nhận ra Ngài vẫn có mặt trong thế giới hôm nay.

 Cầu nguyện:

 Lạy Chúa,
xin ban cho chúng con ánh sáng đức tin
để nhận ra Chúa hôm nay và hằng ngày,
nơi khuôn mặt khốn khổ
của tất cả những người bị thử thách:
những kẻ đói, không chỉ vì thiếu của ăn,
nhưng vì thiếu Lời Chúa;
những kẻ khát, không chỉ vì thiếu nước,
nhưng còn vì thiếu bình an, sự thật, công bằng và tình thương;
những kẻ vô gia cư,
không chỉ tìm kiếm một mái nhà,
nhưng còn tìm một con tim hiểu biết, yêu thương;
những kẻ bệnh hoạn và hấp hối,
không chỉ trong thân xác,
nhưng còn trong tinh thần nữa,
bằng cách thực thi lời hy vọng này:
“Điều mà ngươi làm
cho người bé mọn nhất trong anh em
là làm cho chính Ta”

(Mẹ Têrêxa Calcutta)

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

(phutcaunguyen.net)

++++++++++++++++++

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên

30 THÁNG TƯ

Nghe Theo Tiếng Người Mục Tử

Sứ mạng của Đức Kitô bao gồm một sự hiểu biết cụ thể về những ai thuộc về Người. “Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi. Tôi biết chúng” (Ga 10,27). Đây là một sự hiểu biết đến từ đức tin và sự tín nhiệm. Thực vậy, người mục tử là người duy nhất mà đàn chiên tín nhiệm. Đó là lý do tại sao chiên đi theo người ấy. Người ấy biết chính xác từng con chiên. Mỗi con chiên đều ở trong tâm tư của người ấy. Và chỉ người ấy mới có thể trả giá cho mỗi con chiên.

Giá ở đây, với Đức Kitô, là Thập Giá: “Người mục tử thí mạng mình vì chiên”. Đức Kitô biết rằng chiên của Người được định liệu để chia sẻ sự sống vĩnh cửu trong Người: “Chúng theo tôi. Và tôi ban cho chúng sự sống đời đời.” (Ga 10,27-28).

– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –

Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác

LIFT UP YOUR HEARTS

Daily Meditations by Pope John Paul II

+++++++++++++++++

Lời Chúa Trong Gia Đình

NGÀY 30/4

Thánh Piô V Giáo Hoàng

Cv 6, 1-7; Ga 6, 16-21.

LỜI SUY NIỆM:

Đức Giêsu đi trên mặt Biển Hồ và đang tới gần thuyền. Các ông hoảng sợ. Nhưng Người bảo các ông: “Thầy đây đừng sợ!” (Ga 6, 19b-20)

Trong cuộc sống của người Ki-Tô hữu chúng ta, khi có những bảo táp phong ba, tâm hồn của chúng ta đều có sự chao đảo, nhưng phải luôn biết rằng lúc nào chúng ta cũng có tình yêu thương của Chúa ở cùng; bất cứ hoàn cảnh nào đến với chúng ta, dù là khó khăn và nguy hiểm đến đâu, đều có đủ ơn của Chúa ban cho một cách dư đầy, để mà chiến đấu. Chúa Giêsu luôn nói với chúng ta trong mọi lúc và mọi nơi :”Thầy đây đừng sợ”.

Lạy Chúa Giêsu.Trong cuộc sống của mỗi người trong chúng con có những điều đang xãy ra, làm cho chúng con khiếp sợ. Mỗi khi như vậy; Xin cho chúng con nhớ lại Lời Chúa hôm nay: “Thầy đây đừng sợ”, Hầu giúp chúng con vững tin, an tâm chiến đấu để chiến thắng; đem lại sự bình an cho chúng con.

Mạnh Phương

+++++++++++++++++

Gương Thánh Nhân

Ngày 30-04: Thánh PIÔ V
Giáo Hoàng (1504 – 1572)

Thánh Piô V chào đời vào ngày lễ thánh Antôn năm 1504 tại Boscô, là con của ông Paolô và bà Đômen icaghisieri. Gia đình nghèo túng, Ngài phải đi chăn chiên. Khi một người láng giềng giàu có muốn trả giúp lệ phí học hành thì Ngài được gởi tới trường Đaminh ở Bôscô. Mười bốn tuổi Ngài nhập dòng và được mang tên là Micae. Năm 1528, thụ phong linh mục ở Ghenoa. Ngài đã dạy triết học và thần học một ít năm trong nhà dòng ở Pavia.

Năm 1543, khi ở nhà mẹ dòng Đaminh Ngài đã nỗ lực trong việc bảo vệ uy quyền của tòa thánh. Ngài được đặt làm ủy viên tòa án tôn giáo ở địa phận Pavia, rồi ở Bergamô và Cômô. Các hoạt động của Ngài ít được biết đến và bị chỉ trích nhiều. Một số lớn sách ủng hộ lạc giáo bị tịch thu để ở tại Milan và đưa về Rôma là nơi thánh nhân đã thắng cuộc và được Đức Hồng y Caraffa quí mến. Năm 1551, theo sự yêu cầu của Đức Hồng y, Ngài được Đức Giáo hoàng Giuliô III triệu về Rôma để làm Tổng Uy viên tòa án tôn giáo. Cùng năm này, Đức Hồng y Caraffa được bầu làm giáo hoàng.

Năm sau Đức tân giáo hoàng Phaolô IV đặt cha Micae Ghisleri làm giám mục Sutri và Nêpi. Ngài miễn cưỡng lãnh nhận trách nhiệm giám mục, chức vụ mà Đức Giáo hoàng nói là để “cột chân Ngài lại để Ngài khỏi trở lại tu viện”. Năm sau Ngài lại được cất nhắc lên làm Hồng y rồi làm đại Phán Quán. Bấy giờ Đức Giáo Hoàng trở nên gắt gỏng và vì Đai Phán Quan đôi khi bắt buộc phải chước giảm những chỉ thị quá khích của Ngài. Trái lại Đức Giáo Hoàng kế tiếp là Piô IV lại thiên về thế tục đến nỗi thánh nhân phải lui về địa phận thứ hai của Ngài là Mondovi ở Lombardi. Nhưng năm 1565 Đức Giáo Hoàng qua đời dưới ảnh hưởng của thánh Carôlô Bôrrômeô, Đức Hồng y Ghisleri được chọn làm Đức Giáo Hoàng trong một cuộc họp không bị những can thiệp từ bên ngoài, Ngài chọn danh hiệu là Piô V.

Việc tuyển chọn Đức Piô V ít được mong đọi và không được vua chúa Tây Ban Nha đồng ý và đã là một thắng lợi quyết liệt cho nhóm canh tân. Dầu mang tước vị nào đi nữa, Đức Piô V luôn sống như một người ăn xin trong mức độ có thể được. Chẳng hạn, Ngài chỉ giữ một số nhỏ người giúp việc, thích đi bộ hơn là đi ngựa, luôn nhận biết nguồn gốc khiêm tốn của mình.

Lúc đầu, Ngài ít được dân Rôma biết đến nhưng rồi sự chuyên chăm tham dự phụng vụ, sự thánh thiện cá nhân, thói quen đi bộ để viếng 7 thánh đường ở Rôma, nhóm người tùy tùng ít ỏi, sự từ chối không đề bạt những người trong gia đình, giải pháp phần lớn đoàn quân của giáo hoàng, việc bố thí rộng rãi. Tất cả đã góp phần tô điểm cho Ngài một khuôn mặt Đức Giáo Hoàng vừa bình dân vừa thân thịên.

Nhưng cuộc canh tân công đồng Tridentinô đòi hỏi đã được Đức Giáo Hoàng Piô V thực hiện ngay sau khi được tuyển chọn. Sách nguyện và sách lễ được duyệt xét lại đồng thời bản kinh thánh Phổ Thông và Tân ước tiếng Hy Lạp cũng đã được sửa lại, một ấn bản mới về các tác phẩm của thánh Tôma đã được chuẩn bị và cuốn giáo lý công đồng Tridentinô được phiên dịch sang nhiều thứ tiếng. Thánh nhân đã quan tâm nhiều đến việc thánh hóa hàng Giáo sĩ, khích lệ họ. Ngài diệt trừ thói buôn thần bán thánh và nghiêm khắc với những lạm dụng về luân lý. Ngoài ra Ngài cũng nhạy cảm với nghệ thuật. Chính Ngài bảo trợ việc soát lại Thánh nhạc.

Dầu không thông thạo việc trần thế, thánh nhân cũng đã gặt hái được nhiều thành quả trong lãnh vực chính trị. Trước sức tấn công ngày càng lớn mạnh của quân Thổ, Ngài được thành lập một liên minh với vua Tây Ban Nha, cộng hòa Vênêtia. Các Kitô hữu xuất trận dưới quyền chỉ huy của Don Giuan d’Autriche. Cuộc chiến diễn ra ở vịnh Lêpantê. Chính Đức Giáo Hoàng chạy đến phương thế thiêng liêng. Ngài kêu gọi các tín hữu gia tăng cầu nguyện.

Quận công Soliman nói: – Tôi sợ những lời cầu nguyện của Đức Giáo Hoàng hơn là những đoàn quân hùng hậu của các hoàng đế.

Cuộc chiến đã đưa tới thành công như một phép lạ. Quân Hồi đã bị đánh bại và không còn ngóc lên nổi nữa. Hôm ấy là ngày 07 tháng 10 năm 1571.

Đang hội họp với các hồng y Đức Giáo Hoàng đã ra cửa sổ nhìn về phía Lêpantê rồi quay lại loan báo tin vui chiến thắng, cùng với lời kêu gọi tạ ơn Chúa và Đức Mẹ.

Để kỷ niệm biến cố này, Ngài đã thêm lời cầu: “Đức Bà Phù hộ các giáo hữu, cầu cho chúng con” vào Kinh Cầu Đức Mẹ. Ngài cũng lập một lễ kính mẹ vào ngày 07 tháng 10, sau đổi thành lễ Đức Mẹ Mân Côi.

Cuộc chiến tại Lêpantê chấm dứt, Đức Giáo Hoàng Piô V cũng linh cảm thấy đời mình sắp chấm dứt. Thật vậy, Ngài đã ngã bệnh nặng, trong cơn đau đớn, Ngài đã cầu nguyện: – Lạy Chúa, xin cho con được chịu đau khổ nhiều hơn nhưng xin cũng thêm sức chịu đựng cho con.

Ngày 01 tháng 5 năm 1572, Đức Giáo Hoàng Piô V từ trần.

(daminhvn.net)

+++++++++++++++++

30 Tháng Tư

Tôi Xin Chấp Nhận 

Tại một bệnh viện trong thành phố Hiroshima bên Nhật Bản, một người đàn bà bị phóng xạ nguyên tử từ 30 năm qua đang lên cơn hấp hối.
Bác sĩ chữa trị cho biết bà chỉ còn nhiều lắm là một hay vài giờ nữa là cùng. Theo thói quen tại Nhật Bản, người ta thông báo để người sắp chết cho biết ý muốn trong những giây phút cuối cùng.

Bác sĩ vào phòng bệnh nhân và nói nhỏ với bà: “Akiramé”.

Người đàn bà ngước nhìn vị bác sĩ và dùng ngón tay trỏ viết vào trong lòng bàn trái của bà câu: “Akiramé”, nghĩa là “Tôi xin chấp nhận”.

Với tất cả bình thản, người đàn bà đã biến những giờ phút hãi hùng nhất trong cuộc sống thành một biến cố tự nhiên và thanh thản.

Cuộc sống của chúng ta dường như được cấu tạo bằng nhiều vị khác nhau: đắng cay, chua xót, ngọt bùi… Gia vị là một điều cần thiết cho thức ăn. Người không thích cay đắng thì sẽ xem trái ớt, hạt tiêu là kẻ thù của khẩu vị. Người thích cay đắng thì lại tìm ra mùi vị thơm ngon của nó.

Hoa nào cũng có mật đắng. Nhưng loài ong khéo léo để chỉ hút mật ngọt.

Thiên Chúa ban cho chúng ta một cuộc sống với muôn màu sắc và hương vị khác nhau. Chúng ta phải là loài ong đi tìm mật ngọt trong vườn hoa cuộc sống ấy. Nếu chỉ nhìn thấy mật đắng, chúng ta sẽ bỏ cuộc đầu hàng trong chán nản. Nếu biết biến báo, chúng ta có thể tìm được mật ngọt và biến những đắng cay chua xót thành mật ngọt và hương thơm.

Sau khi đã đánh bại Ðức Quốc Xã và giải phóng Âu Châu, Churchill thủ tướng nước Anh đãtuyên bố: “Không gì buồn thảm cho bằng một chiến thắng”. Cảnh thu dọn chiến trường, cảnh kẻ khóc người cười, cảnh vợ mất chồng, cảnh cha mẹ mất con cái… Chiến thắng ngự trị trên tro tàn, đổ nát.
Dù vui với chiến thắng đến đâu, có ai mà không ngậm ngùi xót xa.

Hôm nay 30 tháng tư, đánh dấu một trong những biến cố đau thương nhất của lịch sử dân tộc. Mỗi năm chúng ta có dịp ôn lại ngày lịch sử ấy. Mỗi người một tâm tình. Nhưng dưới cái nhìn Ðức tin, người Kitô luôn được mời gọi để nhận ra bàn tay quan phòng của Chúa. Với tất cả bình thản và lạc quan, chúng ta hãy thốt lên như thánh nữ Têrêxa Hài Ðồng giữa cơn đau quằn quại trong thân xác và tâm hồn: “Tất cả đều là ơn Chúa”.

Tuyên xưng niềm tin vào Chúa Quan Phòng có nghĩa là chấp nhận mọi biến cố trong cuộc sống như một khởi đầu mới, một khởi đầu với những ơn sủng dồi dào hơn. Với những kẻ Thiên Chúa yêu thương, thì mọi sự đều quy về điều tốt…

Còn tâm tình nào đúng đắn hơn trong ngày lịch sử này là cảm tạ và phó thác. Cảm tạ Chúa vì qua mọi biến cố, Chúa Quan Phòng luôn gìn giữ chúng ta và hướng dẫn chúng ta trên đường ân phúc của Ngài. Phó thác cho Ngài bởi vì Ngài luôn có mặt trong cuộc sống để biến tất cả những thất bại, đau khổ, cay đắng trong cuộc sống thành khởi đầu của một cuộc sống tốt đẹp hơn.

(Lẽ Sống)

++++++++++++++++++

Lời Chúa Mỗi Ngày

Thứ Bảy – Tuần II – PS

Bài đọc: Acts 6:1-7; Jn 6:16-21.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Làm sao để giải quyết các khó khăn trong cuộc đời?

Khó khăn và xung đột ý kiến xảy ra ở mọi nơi và mọi thời; nói cách khác, hễ có sống chung, là có đụng nhau. Làm thế nào để giải quyết khi phải đương đầu với những khó khăn hay xung đột? Người khó khăn nóng tính sẽ la hét, chửi rủa, làm cho ra lẽ; rồi sau đó muốn ra sao thì ra. Người thâm trầm ít nói sẽ lặng lẽ rút lui, và chép miệng thở dài: thôi thì đường ai nấy đi cho đẹp cả đôi bên. Nhưng cả hai cách giải quyết đều không đẹp ý Chúa và giúp ích cho tha nhân; vả lại, có đi đâu chăng nữa, con người vẫn phải đương đầu với vấn đề “chung đụng.”

Các Bài Đọc hôm nay giúp chúng ta giải quyết vấn đề cách đẹp lòng Chúa và giúp ích cho tha nhân. Trong Bài Đọc I, Sách CVTĐ tường thuật các khó khăn của cộng đồng các tín hữu sơ khai, họ cũng phải đương đầu với thiên vị và ghen tị giữa các tín hữu Do-thái theo văn hóa Hy-lạp và các tín hữu Do-thái bản xứ. Thay vì trốn tránh vấn đề, hay tìm cách ly khai, các Tông-đồ chọn thêm bảy Phó-tế để giúp các ngài lo cho các bà góa Do-thái theo văn hóa Hy-lạp. Mọi người đều vui vẻ với giải quyết khôn ngoan này. Trong Phúc Âm, khi phải đương đầu với phong ba bão tố, các Tông-đồ hỏang sợ, và càng sợ hãi hơn khi thấy một bóng người lướt trên nước tới thuyền của họ, vì các ông tưởng là ma; nhưng Chúa Giêsu lên tiếng trấn an các ông: “Chính Thầy đây! Đừng sợ!”

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Biết khôn ngoan giải quyết vấn đề.

1.1/ Vấn đề thiên vị và ghen tị xảy ra trong cộng đòan: “Thời đó, khi số môn đệ thêm đông, thì các tín hữu Do-thái theo văn hoá Hy-lạp kêu trách những tín hữu Do-thái bản xứ, vì trong việc phân phát lương thực hằng ngày, các bà goá trong nhóm họ bị bỏ quên.”

(1) Nhận định vấn đề: Thói quen của con người là bảo vệ những người thân quen mình trước, rồi mới đến những người xa hơn. Vấn nạn trên xảy ra giữa những người Do-thái, nhưng theo những văn hóa khác nhau: các bà góa người bản xứ được cung cấp lương thực đầy đủ hơn những bà góa theo văn hóa Hy-lạp. Nếu không biết cách giải quyết vấn đề, tình trạng thiên vị và ghen tị sẽ ngày càng trầm trọng hơn, sẽ đưa đến việc tách rời giữa hai nhóm, sẽ gây thiệt hại cho sự đòan kết, và sẽ làm gương mù cho các tín hữu khác.

(2) Cách giải quyết: “Bởi thế, Nhóm Mười Hai triệu tập toàn thể các môn đệ và nói: “Chúng tôi mà bỏ việc rao giảng Lời Thiên Chúa để lo việc ăn uống, là điều không phải. Hãy tìm trong cộng đoàn bảy người được tiếng tốt, đầy Thần Khí và khôn ngoan, rồi chúng tôi sẽ cắt đặt họ làm công việc đó.”

Một người không thể làm hết, và cũng không tốt để làm hết, vì sẽ không mang lại kết quả tốt đẹp bằng nhiều người cộng tác. Hơn nữa, việc mở mang Nước Chúa là bổn phận của tất cả mọi người, chứ không phải chỉ là bổn phận của giới lãnh đạo mà thôi. Các Tông-đồ biết sắp xếp các thứ tự ưu tiên: việc rao giảng Tin Mừng là bổn phận hàng đầu không thể xao lãng. Để có người lo cho các nhu cầu của cộng đoàn, cần tuyển thêm các Phó-tế có những đức độ cần thiết. Các Tông-đồ để cho các tín hữu tham gia vào việc tìm kiếm các ứng viên; sau đó các ngài sẽ chuẩn y bằng việc đặt tay, và hướng dẫn họ trong việc phục vụ cộng đoàn.

1.2/ Phẩm trật Hội Thánh dần dần được hình thành: “Đề nghị trên được mọi người tán thành. Họ chọn ông Stephanô, một người đầy lòng tin và đầy Thánh Thần, cùng với các ông Philíp, Prochorus, Nicanor, Timon, Parmenas và ông Nicolaus, một người ngoại quê Antioch đã theo đạo Do-thái. Họ đưa các ông ra trước mặt các Tông Đồ. Sau khi cầu nguyện, các Tông Đồ đặt tay trên các ông.” Đây là 7 Phó-tế đầu tiên của Hội Thánh. Phó-tế Stephanô là thánh tử đạo đầu tiên làm chứng cho Chúa Giêsu trong trình thuật mà chúng ta sẽ được nghe ít ngày nữa.

Số các tín hữu càng đông, phẩm trật của Hội Thánh càng phải được nới rộng để đáp ứng nhu cầu của cộng đoàn và của các tín hữu. Dưới sự hướng dẫn của các Tông-đồ và hoạt động của Chúa Thánh Thần, “Lời Thiên Chúa vẫn lan tràn, và tại Jerusalem, số các môn đệ tăng thêm rất nhiều, lại cũng có một đám rất đông các tư tế đón nhận đức tin.”

2/ Phúc Âm: Đừng sợ hãi khi phải đương đầu với các khó khăn trong cuộc sống.

Khó khăn trong cuộc sống không thể thiếu trong tiến trình thăng tiến và làm cho con người trưởng thành. Những khó khăn có thể do Thiên Chúa gởi đến để thử thách đức tin hay do tha nhân gây ra qua cuộc sống chung đụng. Trình thuật trong Tin Mừng hôm nay nhấn mạnh đến trường hợp thứ nhất.

2.1/ Biển động làm các ông hỏang sợ: Trình thuật này xảy ra sau khi phép lạ Bánh hóa nhiều và dân chúng muốn tôn Chúa Giêsu làm vua của họ. Chúa Giêsu truyền cho các Tông-đồ qua bờ bên kia trước, còn Ngài lên núi cầu nguyện. Đứng trên núi của vùng Tiberias, Chúa Giêsu có thể quan sát rõ ràng thuyền của các ông trong Biển Hồ. Nhiều tác giả của các bài thánh ca đã so sánh Giáo Hội và cuộc đời con người như chiếc thuyền lênh đênh trên biển cả trong hành trình tiến về quê trời; ví dụ: Lạy Mẹ là ngôi sao sáng. Chúa Giêsu có thể đã nhìn thấy trước những khó khăn mà các Tông-đồ phải đương đầu với khi các ông phải hướng dẫn con thuyền Giáo Hội sau này; nên Ngài chuẩn bị cho các ông bằng biến cố biển động hôm nay.

Từ Tiberias, nơi các Tông đồ khởi hành khởi hành, đến Capernaum, nơi các ông muốn tới không xa lắm; nhưng đêm ấy biển động vì gió thổi mạnh. Khi đã chèo được chừng năm hoặc sáu cây số, các ông thấy Chúa Giêsu đi trên mặt Biển Hồ và đang tới gần thuyền. Điều này làm các ông hoảng sợ, vì từ trước tới giờ, các ông chưa từng được chứng kiến một con người đi trên nước. Chỉ có ma quỉ với làm được việc ấy. Vì thế, nỗi lo sợ các ông tăng gấp đôi.

2.2/ Chúa Giêsu trấn an các ông: “Thầy đây! Đừng sợ!” Các ông muốn rước Người lên thuyền, nhưng ngay lúc đó thuyền đã tới bờ, nơi các ông định đến. Nhiều lần trong cuộc đời công khai rao giảng, Chúa Giêsu đã nói những lời tương tự với các môn đệ: Khi hiện ra với các Tông-đồ sau khi sống lại, Chúa nói với các ông: “Đừng sợ!” (Mt 28:10). Những lời từ giã cuối cùng của Ngài với các ông: “Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian. Anh em đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi.” (Jn 14:27).

Hay khi chọn Phêrô để xây dựng Giáo Hội, Ngài đã nói với ông “Phêrô! Con là đá, và trên đá này Thầy sẽ xây Giáo Hội của Thầy. Thầy sẽ trao cho con chìa khóa Nước Trời và quyền lực của hỏa ngục cũng không thắng được” (Mt 16:18). Một khi sống trong sự bảo vệ của Ngài, con người không có gì phải sợ hãi nữa.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

– Khi phải đương đầu với khó khăn và xung đột, cả hai thái độ tức giận chửi rủa và từ chối rút lui đều phải tránh. Chúng ta cần phối hợp cả hai: sự trợ giúp tinh thần của Chúa và sự tế nhị trong cách đối xử, để giải quyết vấn đề cách khôn ngoan và bác ái.

– Tất cả các tín hữu đều có bổn phận góp phần trong việc mở mang Nước Chúa. Những nhà lãnh đạo cần biết khôn ngoan hướng dẫn để mọi thành phần của Dân Chúa đều có cơ hội đóng góp tùy khả năng và hoàn cảnh của họ. 

– Khi những khó khăn xảy đến, đừng sợ! Hãy bình tĩnh, cầu nguyện, và tìm cách đối phó.

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

****************